Hội nghị lần này đã không thực sự đã không thực sự "đối thoại" như tên đặt của diễn đàn!.


Tại "Đối thoại Shangri-La", bộ trưởng quốc phòng các nước tham dự đã đề cập đến các vấn đề như tàu Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng Ba, nhằm mối nghi ngờ vào Bắc Triều Tiên "hiếu chiến và có vũ khí hạt nhân" mặc dù Bắc Triều Tiên phủ nhận điều này. Các bộ trưởng đều nhất trí cho rằng căng thẳng đang gia tăng trong khu vực liên quan đến vấn đề chủ quyền và quyền tự do đi lại tại Biển Đông, các nước cần phải đối thoại nhiều hơn nữa và tránh hiểu lầm nhau.

 
Diễn đàn khu vực năm nay do viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (ISS), một viện nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Luân Đôn đứng ra tổ chức, ngoài những điểm nhất trí nêu trên, các bộ trưởng tham dự thấy khó mà có thể nhất trí được điều gì khác nữa. 


Diễn đàn năm nay đã thể hiện công khai mối quan hệ quân sự lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ vẫn là lực lượng quân sự chi phối tại Thái Bình Dương kể Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay. Nhưng việc Trung Quốc, nước có lực lượng quân đội thường trực lớn nhất thế giới, đang tăng cường khả năng hải quân và không quân của mình đã khiến Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực cảm thấy bất an. 


Điều này khó tránh khỏi gây ra sự rạn nứt. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates dự định sẽ đến thăm Trung Quốc trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Xinhgapo, nhưng ông đã không nhận được lời mời từ phía Trung Quốc. Lý do được cho là Trung Quốc tức giận trước việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng ông Gates phàn nàn, thật là một "tin cũ", và coi đó là lý do ngớ ngẩn để phá vỡ quan hệ quân sự giữa hai nước. 


Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Châu Thành Hổ, một nhà chiến lược diều hâu, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc đã lớn tiếng cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là đã "coi Trung Quốc là kẻ thù". Bởi vậy, trở lại việc tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm, Tướng Châu đưa ra câu hỏi tại sao Mỹ không tìm kiếm một cuộc điều tra quốc tế vào việc Ixraen tấn công tàu Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng viện trợ tới Gada hồi tháng 5. Đáp lại, ông Gates trả lời " việc bí mật phóng ngư lôi tấn công hoàn toàn khác với việc thi hành phong tỏa bờ biển". 


Cho dù cuộc điều tra quốc tế về tàu Cheonan nhắm vào Bắc Triều Tiên, nhưng các nhà phân tích vẫn thấy còn có các thủ phạm khác nữa. Trung Quốc, trong khi đó, cũng phải chịu đựng về người hàng xóm thất thường của mình. 


Trong bài phát biểu sau đó, Tướng Mã Hiểu Thiên, trưởng đoàn Trung Quốc, khẳng định rằng đó là Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đã đặt ra những trở ngại trong việc cải thiện quan hệ quân sự. Mặc dù Tướng Mã Hiểu Thiên vẫn bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gate, nhưng không còn là cái nắm tay chặt và lâu như những năm trước nữa. 


Việc ghi điểm của Trung Quốc có thể là do phương Tây cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên và tại các điểm rắc rối khác trong khu vực như Mianma. Và sự trợ giúp cần được tính giá, cho dù đó cũng chính là vì lợi ích của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn kể từ khi phương Tây rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Theo nhận xét của Phillip Saunders thuộc trường Đại học Quốc phòng tại Oasinhtơn, các nhà chiến lược của quân đội Trung Quốc cũng có suy nghĩ giống các nhà ngoại giao Trung Quốc, họ nghĩ bây giờ đã có sức mạnh lớn hơn để có thể làm lung lay Mỹ. Vì vậy, việc làm tan băng mối quan hệ quân sự giữa hai nước có thể không dễ dàng như những lần trước. Nguy hiểm ở đây là, một sự cố bất ngờ có thể dẫn đến căng thẳng leo thang. 


Cả hai tướng Gates và Mã đều đề cập đến Biển Đông tuyến đường vận chuyển quan trọng và là nơi có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quần đảo này được cho là có trữ lượng dầu khí đáng kể, đây cũng là nơi mà một số quốc gia trong khu vực tuyên bố chủ quyền của mình. Việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng hải quân tại khu vực này đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các nước láng giềng về việc tranh giành lãnh thổ trong tương lai. 


Về phần mình, Trung Quốc rất không hài lòng về việc máy bay gián điệp và các tàu chiến của Mỹ hoạt động gần bờ biển của họ, đặc biệt tại các khu vực giữa Trung Quốc với Đài Loan và với Nhật Bản. Các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu coi Biển Đông là một trong những "lợi ích cốt lõi" của mình, xếp ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng. Trung Quốc cũng đã tăng cường các cuộc diễn tập quân sự tại các căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam. 


Đó là điều đáng lo ngại cho Việt Nam , nước có bất đồng với Trung Quốc trong vấn đề khoan thăm dò dưới đáy biển của các công ty dầu khí phương Tây. Năm 2008, Trung Quốc đã dọa ExxonMobil và BP, yêu cầu dừng thăm dò trong vùng biển Việt Nam . 


Việt Nam hiện đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, và mong muốn 10 thành viên ASEAN gắn kết với nhau trong vấn đề Biển Đông do lo ngại Trung Quốc sẽ "đánh đổ" được các thành viên yếu hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã phát biểu trên diễn đàn rằng ông hy vọng các tranh chấp hàng hải có thể được giải quyết dựa trên tinh thần "láng giềng, hữu nghị, hợp tác và tình anh em". Nhưng nếu xét trên góc độ tổng thể các hoạt động hợp tác an ninh khu vực, ít có dấu hiệu cho thấy tinh thần nói trên được chuyển thành cuộc đối thoại mang tính xây dựng thực sự./.