18/09/2019
Để củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của bản thân trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh các hoạt động lôi kéo các nước khác, Ấn Độ dưới thời ông Modi buộc phải có những bước đi đúng đắn và khôn khéo, thúc đẩy mối quan hệ gắn bó và tốt đẹp với các nước láng giềng là một trong số đó.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc sẽ buộc Ấn Độ phải tìm cách có được quan hệ hữu hảo hơn với các nước láng giềng của mình và phù hợp với chính sách “Láng giềng trước tiên” của Thủ tướng Narendra Modi, bởi các nước nhỏ hơn ở Nam Á cũng tìm mọi cách để giành được lợi ích tối đa mà cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và New Delhi mang lại.
Thế nhưng, khi Ấn Độ muốn tạo lập ảnh hưởng của mình đối với các nước này thì chính Ấn Độ sẽ thấy việc cạnh tranh với Trung Quốc và sáng kiến “Vành đai và Con đường” là rất khó, bởi Chính quyền Bắc Kinh có ưu thế hơn nhiều về nguồn vốn thông qua các doanh nghiệp nhà nước của họ.
Kể từ khi tái đắc cử với chiến thắng vang dội hồi tháng 5/2019, Chính quyền Modi đã tiến những bước dài nhằm thực hiện chiến lược tổng thể đã hoạch định cho đất nước Ấn Độ. Nổi bật nhất là sự kiện ông Modi rút lại cơ chế tự trị của vùng Jammu và Kashmir vào ngày 5/8 nhằm củng cố sự thống nhất lãnh thổ của nước này, khiến đối thủ lâu nay của Ấn Độ là Pakistan vô cùng bức xúc. Và ngoài việc đưa ra quyết định hệ trọng đó, Chính quyền Modi còn theo đuổi một đường hướng nữa trong chính sách toàn diện của mình: duy trì tầm ảnh hưởng khu vực. Gần đây, New Delhi đã tiếp cận các nước Maldives, Sri Lanka, Bhutan, Nepal và Bangladesh. Tuy nhiên, Trung Quốc lại sẵn sàng chi mạnh tay cho những dự án hạ tầng trong khu vực nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”; vậy nên, Ấn Độ nhận thấy không thể lơ là khu vực xung quanh và ông Modi cần phải tập trung cao độ cho chính sách “Láng giềng trước tiên” của mình trong nhiệm kỳ hai.
Cuộc chiến giành giật các đảo
Ngày 8/6, ông Modi đã tới thăm Maldives trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình sau khi tái đắc cử. Đảo quốc bé nhỏ này giáp với Ấn Độ về phía Tây Nam và nằm trên tuyến đường vận chuyển huyết mạch ở Ấn Độ Dương.
Ông Modi muốn có quan hệ thân tình với đảo quốc này nhằm ngăn chặn cường quốc đối thủ là Trung Quốc tạo lập căn cứ giám sát theo dõi của họ ở đây - nhất là khi Trung Quốc ngày càng mở rộng sự hiện diện an ninh hàng hải của họ ở khu vực này và Maldives thì đã tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Về vấn đề tạo lập quan hệ gần gũi với Maldives, Ấn Độ hiện có lợi thế bởi ông Ibrahim Mohamed Solih đã được bầu làm Tổng thống Maldives. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 11/2018, ông Solih đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Ấn Độ sau một thời gian quan hệ giữa hai nước có phần xấu đi dưới thời người tiền nhiệm là Tổng thống thân Trung Quốc Yameen Abdul Gayoom. Đảng Dân chủ Maldives của ông Solih thì chỉ trích Tổng thống tiền nhiệm Yameen làm phát sinh những khoản nợ khổng lồ để xây những công trình hạ tầng hoang phí như cầu Sinamale, trước đây có tên là cầu Hữu nghị Trung Quốc-Maldives. Bởi Maldives có vị trí địa chiến lược nên việc tăng cường hợp tác hàng hải với nước này luôn là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Modi trong nhiệm kỳ hai. Trên thực tế, để theo dõi những hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ đã khai trương một hệ thống radar giám sát bờ biển ở Maldives và đưa nước này vào mạng lưới giám sát chung cùng với các nước Sri Lanka, Mauritius, Madagascar và Seychelles.
Cạnh tranh với dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc vươn tới Nam Á hoàn toàn có thể làm lung lay tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực. New Delhi đã cố gắng tái khẳng định ảnh hưởng của mình thông qua việc tăng cường cả đầu tư lẫn các nỗ lực ngoại giao. Nhưng đối với các nước láng giềng của Ấn Độ, khoản tiền Trung Quốc sẵn sàng chi cho các dự án hạ tầng tốn kém khó có thể cưỡng lại được.
Với Pakistan, hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan là dự án nền tảng của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tuyến đường kết nối Trung Quốc với biển Arập này sẽ khiến Bắc Kinh bớt phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa qua eo biển Malacca.
Nepal, đất nước sát cạnh dãy Himalaya, đang xây dựng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc để mở rộng hoạt động ngoại giao với các nước ngoài Ấn Độ. Trong khi đó, Bhutan lại phụ thuộc vào viện trợ của Ấn Độ. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ điều thêm quân tới khu vực biên giới tranh chấp giữa Nepal và Bhutan, thì cuộc cạnh tranh giữa hai nước này sẽ leo thang.
Với Bangladesh, Trung Quốc đã đề xuất một đề án hành lang hạ tầng chạy qua hai nước cùng với Ấn Độ và Myanmar để tạo thuận lợi cho tuyến đường tới cảng ở vịnh Bengal.
Maldives và Sri Lanka đều nằm trên những tuyến đường hàng hải huyết mạch mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều quan tâm, nên cả hai đều muốn tạo lập quan hệ chặt chẽ hơn với hai nước này.
Chính vì vậy, sau chuyến công du Maldives, Thủ tướng Modi lập tức tới Sri Lanka để gặp Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe. Cũng giống như Maldives, Sri Lanka có vị trí quan trọng về mặt chiến lược do nằm trên tuyến đường nối Đông Nam Á với Trung Đông nhưng đông dân hơn nhiều vơi số dân 21 triệu người. Sau khi bước ra khỏi cuộc nội chiến kéo dài 26 năm vào năm 2009, Sri Lanka bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước và giành được rất nhiều vốn đầu tư từ Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Sri Lanka trong cuộc nội chiến thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Thế nên, những bước đi của Trung Quốc trong quan hệ với Sri Lanka khiến Ấn Độ hết sức quan ngại.
Nhu cầu vốn để phát triển của Sri Lanka cũng khiến nước này đưa ra rất nhiều cơ hội để mời gọi Trung Quốc và Ấn Độ tranh giành hợp đồng đầu tư. Trên thực tế, Trung Quốc và Ấn Độ có những dự án đầu tư gần nhau ở Sri Lanka. Ví dụ ở cảng Colombo, Trung Quốc đầu tư 500 triệu USD vào dự án Ga hàng hóa quốc tế Colombo trong khi Ấn Độ và Nhật Bản lại liên doanh với Ban quản lý cụm cảng Sri Lanka để xây dựng Ga hàng hóa phía Đông. Ở Hambantota, bờ biển phía Nam của đảo quốc này, tập đoàn tư nhân Accord của Ấn Độ đã thắng thầu xây dựng một nhà máy lọc dầu trị giá 3,85 tỷ USD hồi tháng 3/2019, và đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước này. Dự án cũng được tiến hành ở đúng thành phố mà Trung Quốc đầu tư dự án cảng cùng tên (thực chất là Sri Lanka cho Trung Quốc thuê đến năm 2116 để trả nợ). Và cũng giống như chiến lược đối với Maldives, Thủ tướng Modi sẽ tìm cách hợp tác với Sri Lanka để tăng cường giám sát các hoạt động hàng hải.
Nằm cheo leo trên dãy Himalaya, Bhutan và Nepal là hai nước vùng đệm quan trọng kẹp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bhutan là đồng minh thân thiết nhất của Ấn Độ trong khu vực và là nước duy nhất ở Nam Á (trừ Afghanistan) có quan điểm rõ ràng về sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Và để Bhutan không phải cân nhắc việc ký kết tham gia các dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh, ông Modi sẽ phải níu giữ vương quốc xa xôi này bên ngoài tầm với của Trung Quốc bằng cách đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng của New Delhi ở đây. Theo đó, vấn đề thủy điện, một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ Ấn Độ-Bhutan, nổi lên rõ nét trong cuộc hội đàm ngày 19/8 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Bhutan Lotay Tshering. Trong chuyến công du này, ông Modi đã khánh thành nhà máy điện Mangdechhu trị giá 624 triệu USD mà New Delhi đã cấp vốn xây dựng kèm với lời hứa sẽ mua hết số điện mà nhà máy sản xuất nhưng không bán hết.
Cũng trong chuyến thăm Bhutan, ông Modi đã tới thăm RuPay, công ty thẻ tín dụng đã giúp người Ấn Độ ở nước ngoài giao dịch bằng đồng rupee và hỗ trợ Chính phủ Ấn Độ thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số vốn đầy tiềm năng. Ở châu Á hiện nay, Singapore, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arập (UAE) đã tham gia RuPay. Vấn đề biên giới không chính thức được đề cập trong chuyến thăm đó của ông Modi, nhưng chắc chắn vẫn là mối quan tâm của ông sau vụ xung đột năm 2017 giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực cao nguyên Doklam của Bhutan, khu vực mà phía Trung Quốc cũng nhận là của mình. Mục đích của ông Modi là bảo vệ Bhutan để đảm bảo nước này không nhân nhượng một tấc đất chủ quyền nào cho Bắc Kinh dù Trung Quốc và Bhutan có ngồi vào bàn đàm phán đi nữa.
Khả năng thắt chặt quan hệ với Nepal
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng có chuyến công du tới Nepal vào ngày 21/8 và có buổi làm việc với người đồng cấp Pradeep Kumar Gyawali và Thủ tướng Khadga Prasad Oli, người đồng thời cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản Nepal. Nepal là đất nước có 30 triệu dân và vị trí địa lý của nó đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại của nước này. Dãy núi Himalaya tạo thành bức tường ngăn cách nước này với vùng Tây Tạng, nhưng vùng đồng cỏ phía Nam ở Terai lại khiến việc chuyên chở hàng hóa và đi lại từ Nepal sang Ấn Độ từ nhiều thế kỷ nay trở nên khá rõ ràng. Ấn Độ vốn là bạn hàng quốc tế quan trọng nhất của Nepal.
Với New Dehi, việc thắt chặt quan hệ ngoại giao với Kathmandu là nỗ lực dài lâu nhằm củng cố quan hệ đôi bên. Vụ xô xát biên giới kéo dài cả tháng kết thúc vào năm 2016 cũng khiến Nepal nghi ngờ rằng Ấn Độ muốn dùng ảnh hưởng kinh tế của mình để buộc nước này phải soạn thảo hiến pháp có lợi cho Ấn Độ. Vì thế, Thủ tướng Nepal khi đó Sharma Ol đã quay ra tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và kết quả là Nepal cuối cùng quyết định tham gia sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc. Mặc dù hai nước tập trận chung lần đầu tiên vào năm 2017 và dãy Himalaya cũng khiến Nepal khó có thể kết nối cơ sở hạ tầng với Bắc Kinh nhưng Kathmandu sẽ tiếp tục hướng về phương Bắc nhằm giảm bớt phụ thuộc vào New Delhi.
Tìm kiếm quan hệ kinh tế nồng ấm hơn với Bangladesh
Trước khi tới Nepal, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cũng đã tới Bangladesh để gặp người đồng cấp AK Abdul Momen với hy vọng có thể đặt nền móng sẵn sàng cho chuyến thăm của Tổng thống Bangladesh Sheikh Hasina tới Ấn Độ vào tháng 10 tới. Vấn đề đầu tiên sẽ được đưa lên bàn nghị sự là tình trạng di cư bất hợp pháp bởi Assam, một bang của Ấn Độ giáp với biên giới Bangladesh, đã hoàn tất quy chế Đăng ký công dân hôm 31/8 nhằm trục xuất khoảng 4 triệu người dân Bangladesh nhập cư trái phép vào Ấn Độ. Đối với Tổng thống Bangladesh Hasina, việc Ấn Độ trục xuất một phần số dân đó về Bangladesh cũng khiến đất nước của bà gặp khó khăn, nhất là vào thời điểm Bangladesh đang là nơi tị nạn của con số lên tới 700.000 người Rohingya.
Là cầu nối giữa Ấn Độ và Myanmar, Bangladesh có vai trò thiết yếu trong chính sách Hướng Đông của ông Modi nhằm thiết lập mối quan hệ kinh tế và an ninh bền vững hơn với các nước Đông Nam Á. Thế nhưng, bà Hasina đã ký các dự án nằm trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” trị giá 24 tỷ USD với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ năm 2016, khiến cho đất nước 164 triệu dân này nhiều khả năng sẽ phải chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là khi bà Hasina muốn theo đuổi mục tiêu đưa Bangladesh trở thành một trong những nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2021.
Trong khi Ấn Độ tiến hành hàng loạt dự án đầu tư nhằm tạo lập ảnh hưởng với các nước láng giềng của mình, thì một thách thức lớn vẫn còn đó: Sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc đã tạo thêm cơ hội cho các nước xung quanh phát triển hạ tầng và vì vậy đe dọa vị thế nước lớn có tầm ảnh hưởng khu vực mà Ấn Độ đã có từ bấy lâu nay. Cả hai cường quốc đều phải đối mặt với những khó khăn nhất định bởi những tham vọng chiến lược của họ đều vấp phải những quan ngại của các nước láng giềng, nhất là Maldives và Sri Lanka. Những nước này lo ngại sẽ mất đất và chủ quyền vào tay những người hàng xóm lớn. Và vì Ấn Độ khó sánh được với Trung Quốc về nguồn vốn bởi các tập đoàn nhà nước khổng lồ của Trung Quốc hoàn toàn có thể chịu lỗ nhằm giúp Bắc Kinh đạt được mục tiêu chiến lược, nên New Delhi sẽ phải tìm ra giải pháp hiệu quả nhằm thu hút về phe mình những nước xung quanh tuy nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược.
Theo chuyên trang phân tích thông tin tình báo địa chính trị Stratfor, Mỹ.
Ngọc Diệp (gt)
Trung Quốc cũng có lợi thế hơn Mỹ trong lĩnh vực phát triển thị trường số ASEAN. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế số, có thể giúp Trung Quốc và ASEAN cùng xây dựng các tiêu chuẩn thương mại số, đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - ASEAN...
Bộ Tứ có thể tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh nhưng khó đem lại kết quả thực chất nếu thiếu tầm nhìn chiến lược rõ ràng và chương trình nghị sự phù hợp.
Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên...
Truyền thông Trung Quốc gần đây đăng bài viết tựa đề “Chiến lược mơ hồ hay chiến lược rõ ràng: Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ về vấn đề Đài Loan” của tác giả Chen Feng, biên tập viên báo Người Quan sát. Bài báo kết luận, chính sách mơ hồ về vấn đề Đài Loan không phải do Mỹ chủ động lựa chọn, mà là sự...
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp châu Á.
Ngày 14/5/2021, Đại học Thanh Hoa Trung Quốc phối hợp cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân tổ chức tọa đàm với chủ đề “Trật tự quốc tế thời kỳ hậu Covid”. Tại tọa đàm, Giám đốc Cơ sở trao đổi nhân văn Trung - Mỹ, Học viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc đã có bài phát biểu về 3...