Nhận định về mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN, giáo sư Carlyle Thayer nói rằng kể từ khi đưa ra định nghĩa mới về an ninh vào năm 1997, Trung Quốc  đã tăng cường các quan hệ chính trị với ASEAN. Mối quan hệ giữa Trung Quốc  và ASEAN đã được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, hiện giờ Trung Quốc đang có nguy cơ tự mình làm xói mòn những thành quả tích cực đã đạt được từ năm 1997 đến nay. Những hành động gần đây của Trung Quốc đã gây ra nhiều quan ngại.

 

Theo giáo sư Thayer, Trung Quốc còn có 1 tháng để đánh giá lại chính sách ngoại giao của mình và quyết định xem làm sao mà có thể có một kết quả “cùng thắng” với ASEAN. BTQP các nước ASEAN và 8 nước đối tác sẽ gặp nhau vào tháng 10 tới. Trung Quốc nên đến tham dự cùng với các đề xuất mang tính xây dựng. Sau Hội nghị BTQP ASEAN sẽ diễn ra một loạt các hội nghị thượng đỉnh ASEAN khác bao gồm Hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN và Trung Quốc, và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Trung Quốc nên coi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc là cơ hội để Trung Quốc có thể chứng tỏ thiện ý của mình luôn tuân theo những kết quả đã đạt được tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17. Đồng thời Trung Quốc cũng nên chào đón sự tham gia của Mỹ vào Nga vào EAS. Bên cạnh đó, giáo sư Thayer cho rằng Trung Quốc nên khôi phục lại các mối liên hệ về quân sự với Mỹ và cùng với Mỹ giải quyết những bất đồng.

 

Hiện các mối quan hệ quốc tế tại châu Á đã có sự thay đổi do sự nổi lên của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là khu vực này không phải hoàn toàn thuộc quyền bá chủ của Mỹ và Trung Quốc thì không đủ mạnh để có thể trở thành một nước bá chủ mới. Bên cạnh đó, cũng có rất ít khả năng Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác để cùng quyết định các mối quan hệ quốc tế. Đặc điểm của hệ thống quan hệ quốc tế là sự cân bằng quyền lực mà trong đó lợi ích quốc gia và chủ nghĩa thực dụng đóng vai trò quan trọng. Hệ thống cân bằng quyền lực này có thể mang lại một viễn cảnh tương lai của châu Á, nơi hợp tác chiếm ưu thế hơn đối đầu.