Cách đây không lâu, một người đã đi xe máy đến trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cầm khẩu hiệu lớn với dòng chữ: “Trung Quốc không có quyền cấm đánh bắt cá và chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”, sau đó đốt xe máy. Người này đã bị an ninh Việt Nam bắt đi ngay. Vụ việc này đã được một người không chuyên nghiệp ghi lại hình, nhưng báo chí Việt Nam không thấy đưa tin. Cuối tháng 5/2011, Chính phủ Việt Nam cũng đã phản đối Trung Quốc với lời lẽ như vậy. Bộ Ngoại Giao Việt Nam vào ngày cuối tuần đã tổ chức họp báo khẩn cấp chỉ trích Bắc Kinh “vi phạm nghiêm trọng” ở Biển Đông. Được biết, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông mà không có “bất kỳ căn cứ pháp lý nào” và muốn biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Sự việc xảy ra tuần trước cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, nhưng cả hai bên đều tuyên bố đó là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Tàu Trung Quốc thường bắt giữ tàu cá Việt Nam trong vùng biển tranh chấp, yêu cầu nộp phạt sau đó mới thả. Tuy nhiên, va chạm tàu thăm dò dầu khí thì hiếm khi xảy ra, phía Việt Nam nói đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Giáo sư Đại học Virginia Brantly Womack cho rằng, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh là quan hệ không cân xứng. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 12 tỷ USD. Trung Quốc là nơi cung cấp máy móc, máy tính, hóa chất và hàng dệt may cho Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hàng nông sản. Hận thù của người Việt Nam đối với nền văn hóa chiếm ưu thế chủ đạo của Trung Quốc đã tích tụ mấy trăm năm nay. Rất nhiều người Việt Nam cho rằng, ngay từ đầu Trung Quốc đã muốn bóp chết nền công nghiệp của Việt Nam. Sự tức giận của Việt Nam đối với nước láng giềng vừa mạnh vừa xấu tính này thỉnh thoảng lại bùng phát. Năm 2009, hai nước đã đấu tranh về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên Việt Nam. Tướng Giáp, một nhân vật có uy tín từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lên tiếng chỉ trích dự án này gây nguy hại đối với môi trường, xã hội và quốc phòng.

Giáo sư Womack cho rằng, quan hệ không tương xứng này thường buộc Việt Nam phải giữ sự tôn kính đối với Trung Quốc, nhưng điều này chỉ có khi Trung Quốc tôn trọng “lợi ích và quyền tự chủ” của Việt Nam. Ngoài Ấn Độ và Nhật Bản, tất cả các nước khác ở châu Á đều có quan hệ không cân xứng như vậy với Trung Quốc. Ví dụ, Philíppin cũng lên án tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu thăm dò của Philíppin, nhưng Tổng thống Philíppin Aquino nói rằng ông ta cũng bất lực, nếu đọ sức với Trung Quốc thì mỗi người Philíppin phải đối phó với 15 người Trung Quốc.

Trong ngắn hạn, sự áp bức của Trung Quốc dường như là phản tác dụng, các nước nhỏ đã đoàn kết lại dưới sự ủng hộ của ASEAN. Các nước này cũng đã xích lại gần Mỹ rất nhiều. Mỹ đã quyết tâm duy trì một lực lượng hùng mạnh ở châu Á – Thái Bình Dương và đã coi Biển Đông là khu vực lợi ích chiến lược.

Quyền lực trên biển của Trung Quốc đang được mở rộng; đồng thời, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đang bị thu nhỏ. Philíppin và Việt Nam đều rất muốn nhận được sự ủng hộ của Mỹ, nhưng họ đều biết, trước sau vẫn phải hòa giải với Trung Quốc. 

Theo Financial times

 Hương Trà (gt)