Mỹ bắt đầu can dự với Trung Quốc từ cách đây 4 thập niên với nỗ lực của TTh Mỹ Richard Nixon nhằm ngăn mối đe dọa từ Liên Xô. Kể từ đó, sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ Mỹ - Trung đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dựa trên giả thuyết: Mỹ càng phát huy sự thịnh vượng của Trung Quốc và khuyến khích nước này tham gia nhiều hơn vào các định chế quốc tế sẽ khiến Bắc Kinh dần trở thành một lực lượng hòa bình và ổn định.

 

Sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng trong một thời gian đã khiến nhiều nước châu Á, trong đó có cả những đối thủ truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc đã có lúc từng coi Trung Quốc như một đối tác đảm bảo cho sự ổn định của khu vực, thay thế cho một nước Mỹ đang suy yếu. Thậm chí có khái niệm nhóm G-2 nhằm xử lý các vấn đề toàn cầu.

 

Nhưng thái độ gần đây của Trung Quốc đã nhắc nhở thế giới rằng, họ là một nước độc tài gây ra nhiều mối bất hòa về lãnh thổ và các vấn đề quốc gia, bên cạnh đó là cách họ sử dụng sức mạnh kinh tế để đạt được các mục tiêu về chính trị và quân sự. Với sự cố va chạm giữa tàu cá của Trung Quốc với tàu tuần tiễu Nhật Bản, Bắc Kinh đã biến một tranh chấp nhỏ trở thành một trận đấu địa chính trị.

 

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục đặt dấu hỏi với những nỗ lực của Mỹ áp đặt cấm vận chống Iran, thúc đẩy xây một lò phản ứng hạt nhân tại Pakistan, việc làm có thể vi phạm luật quốc tế về cấm phổ biến vũ khí. Mặc dù TTh Obama và nhiều đối tác khác bị ảnh hưởng bởi chính sách đồng NDT, lập trường của Trung Quốc không có dấu hiệu thay đổi.

 

Hình ảnh mà Trung Quốc đã thể hiện dường như không giống như những gì có thể thấy từ một cường quốc ôn hòa, phù hợp với hệ thống các quy chuẩn quốc tế. Vụ va chạm Trung - Nhật gần đây có lẽ là liều thuốc thử chính phủ mới ở Nhật cũng như sức mạnh của liên minh an ninh này. May mắn là chính quyền Obama sau một số tín hiệu lẫn lộn đã bày tỏ sự ủng hộ liên minh. Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực dường như đã lại nhận ra tầm quan trọng trong quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện mình. Mỹ cần ủng hộ họ một cách mạnh mẽ.

 

Mỹ cần đứng lên chống lại Trung Quốc.

 

Mặc dù mạo hiểm, có lẽ chúng ta cần phải tiến hành một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cho dù sẽ gặp phải sự trả đũa của họ trong bối cảnh sự khôi phục của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh.

 

Trong một thập niên qua, Trung Quốc đã từ một nước rộng lớn nhưng nghèo đói trở thành một gã khổng lồ về kinh tế. Mặc dầu thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/7 Mỹ nhưng quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc cũng đã vượt Đức thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.

 

Vấn đề là ở chỗ, Trung Quốc chưa bao giờ chơi theo các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thế giới. Họ chỉ áp dụng những nguyên tắc trong trường hợp có lợi cho họ, nếu không phù hợp với các lợi ích của họ thì tìm cách phản đối, điều chỉnh hoặc lờ đi. Tất cả các nước, kể cả Mỹ, đều muốn làm như vậy và hầu hết đều đã thử làm. Sự khác biệt là trong khi các nước đều thừa nhận tính hợp pháp của các nguyên tắc trên, đòi hỏi một sự hy sinh nhất định của bản thân nền kinh tế nước mình, nhưng không nước nào lớn như Trung Quốc. Sự khác biệt của họ đối với các thông lệ không ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống.

 

Việc làm xấu xa nhất của Trung Quốc là định giá thấp đồng NDT và tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu. Không chỉ có Mỹ mà các đối tác thương mại khác như Brazil và Ấn Độ cũng trở thành nạn nhân của việc giảm giá các mặt hàng xuất khẩu cũng như tăng giá các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc khiến tỷ lệ xuất khẩu của Trung Quốc tăng từ 7 lên 10 % tổng giá trị xuất khẩu của thế giới trong giai đoạn 2006 - 2010.

 

Trung Quốc cần định giá lại đồng tiền của họ để giảm bớt tính cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của họ. Trung Quốc thừa nhận nước này cần tăng mạnh tiêu dùng nội địa nhưng dường như chỉ để đồng NDT tăng giá nếu nó không thực sự ảnh hưởng tới xuất khẩu của nước này. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, việc nâng giá đồng NDT khoảng 20% sẽ tạo ra từ 300.000 đến 700.000 việc làm tại Mỹ trong vòng từ 2-3 năm. Có chuyên gia cho rằng, thương mại với Trung Quốc đã cướp đi khoảng 3,5 triệu việc làm tại Mỹ.

 

Nếu Trung Quốc không định giá lại đồng NDT, sự lựa chọn sẽ là biện pháp trả đũa. Điều này có thể gây ra một cuộc chiến thương mại, bởi Trung Quốc sẽ mua ít sản phẩm của Mỹ mà thay vào đó bằng các sản phẩm của nước khác. Lý tưởng nhất là thuyết phục được nước này định giá lại đồng NDT một cách đáng kể.

 

Hệ thống thương mại sau chiến tranh thế giới thứ 2 được xây dựng trên nguyên tắc ưu tiên các bên cùng có lợi. Trung Quốc thì muốn một hệ thống thương mại hỗ trợ cho các nhu cầu của họ: tăng thị phần xuất khẩu nhằm bảo đảm công ăn việc làm, giữ quyền lực cho Đảng CS; chiếm lấy các nguồn dầu mỏ, lương thực và các nguyên liệu thô khác; giành lấy sự ưu việt về công nghệ. Các nước thắng hay thua phụ thuộc vào việc phục vụ các lợi ích của Trung Quốc.

 

Với tư cách là kiến trúc sư của hệ thống thương mại thế giới tồn tại từ hậu Thế chiến hai, Mỹ đang đứng trước lựa chọn khó khăn: chống lại tham vọng của Trung Quốc và có nguy cơ gây nên một cuộc chiến thương mại khiến tất cả thua cuộc; hoặc không hành động gì và để cho Trung Quốc tạo ra hệ thống thương mại mới. Lựa chọn thứ nhất thì nguy hiểm, còn lựa chọn thứ hai tiềm tàng mang lại tai họa./.

 

Hoàng Loan (gt)

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)