Theo Sách trắng quốc phòng của Australia năm 2009, ưu thế chiến lược vượt trội của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương đang bị thu hẹp bởi sự nổi lên của Trung Quốc và điều này đang tác động sâu sắc đến trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương.  Điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ biến mất trên bản đồ khu vực, mà ngược lại sẽ tăng cường hiện diện để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, vị thế độc tôn của Mỹ từ sau năm 1945 sẽ không còn nữa.

 

Vậy kịch bản nào cho đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Để trả lời câu hỏi này, cần làm rõ một số vấn đề:


Thứ nhất, cần đánh giá liệu TQ có thể “trỗi dậy hòa bình” hay không? Một, Trung Quốc đã công khai ý định “trỗi dậy hòa bình” với các nước láng giềng và với Mỹ. Hai, Trung Quốc có thể trở thành “cường quốc hiền lành” bằng cách chỉ tập trung xây dựng sức mạnh “phòng thủ” mà không có tính “tấn công”. Ba, cách hành xử “hòa bình” của Trung Quốc với các nước láng giềng thời gian qua là tín hiệu cho thấy ý định trên của Trung Quốc. Tuy nhiên, cả ba lập luận trên đều tỏ ra chưa thuyết phục. Một, giữa tuyên bố và hành động luôn có khoảng cách. Hai, không có sự phân biệt rạch ròi giữa vũ khí “phòng thủ” và “tấn công”. Ba, những hành vi trong quá khứ không bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi ý định trong tương lai.


Thứ hai, lãnh đạo Trung Quốc đánh giá Mỹ như thế nào? Theo giới lãnh đạo Trung Quốc, mục tiêu bất biến của Mỹ là duy trì vị trí vượt trội tại khu vực và sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc.

 

Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là vươn lên trở thành bá quyền khu vực. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ học theo cách mà Mỹ vươn lên trở thành bá quyền tại Tây Bán cầu. Theo đó, Trung Quốc sẽ tìm cách thống trị châu Á – Thái Bình Dương,  gia tăng khoảng cách về sức mạnh với các cường quốc khu vực có khả năng cạnh tranh là Ấn Độ, Nga, Nhật. Ít có khả năng Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc về quân sự để xâm chiếm các nước khác, mà sẽ tìm cách buộc các nước khu vực khuất phục (như Mỹ đã làm với các quốc gia khác ở châu Mỹ). Trên thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện “học thuyết Monroe” để đẩy Mỹ khỏi châu Á – Thái Bình Dương  giống như Mỹ đã làm với các cường quốc châu Âu trước kia.

 

Xuất phát từ mục tiêu duy trì vị thế lãnh đạo khu vực, Mỹ sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn Trung Quốc và làm suy yếu nước này. Mỹ sẽ đối xử với Trung Quốc như với Liên Xô trước kia, tức sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn Trung Quốc. Các quốc gia khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam cho thấy họ sẵn sàng ủng hộ Mỹ để ngăn cản Trung Quốc trở thành bá quyền khu vực. Indonesia cũng được Mỹ huy động để thực hiện mục đích trên. Có khả năng là hầu hết các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ tham gia một liên minh do Mỹ lãnh đạo để kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc giống như các nước Tây Âu trước kia cùng với Mỹ chống lại Liên Xô.

 

Tuy nhiên, quy mô đối đầu Mỹ - Trung hiện nay không giống với đối đầu Mỹ - Xô trước kia. Địa bàn hoạt động của Trung Quốc chủ yếu tại châu Á trong khi Liên Xô là toàn cầu. Nhiều khả năng các nước châu Âu sẽ không tham gia liên minh chống lại Trung Quốc. Về địa điểm đối đầu, nếu như trước kia Mỹ và Xô đối đầu thông qua các cuộc chiến ủy nhiệm và giữa hai khối Vác-sa-va và NATO, thì quy mô đối đầu Mỹ - Trung hạn chế hơn nhiều, có khả năng diễn ra tại bán đảo Triều Tiên, Đài Loan và tại các vùng biển gần Trung Quốc. Dù Mỹ và Trung Quốc có khác biệt trong vấn đề ý thức hệ nhưng không sâu sắc theo kiểu “một mất một còn” như trước kia. Về kinh tế, trong khi Liên Xô hầu như không có quan hệ kinh tế với phương Tây thì Trung Quốc hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế không tác động nhiều đến địa chiến lược, mà đôi khi lại là nguồn gốc của mâu thuẫn giữa các cường quốc (như đã từng diễn ra giữa các cường quốc châu Âu trước năm 1914).

 

Sự nổi lên của Trung Quốc và tham vọng trở thành bá quyền khu vực của nước này là điều không cần phải bàn cãi. Bức tranh an ninh châu Á – Thái Bình Dương  sẽ thay đổi, nhưng không phải theo hướng tích cực mà ngược lại. Các quốc gia khu vực cần chuẩn bị đối phó với triển vọng này.

  

Theo Chinese Journal of International Politics 

Hoàng Hùng (cộng tác viên tại Anh)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)

Bài viết cùng tác giả:

- Mỹ: Lựa chọn mô hình đế chế

- Trung Quốc thách thức quyền lực của Mỹ tại châu Á