Trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vừa kết thúc chuyến thăm Mỹ nhằm cân bằng quan hệ của Trung Quốc, một siêu cường đang nổi lên với siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay là Mỹ, dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc liệu mối quan hệ này có hứa hẹn bảo đảm một sự ổn định trên toàn cầu? Theo nhà phân tích David E Sanger, đây là một khả năng vì cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đều học được bài học từ tuyên bố mới đây của nhà sử học Hy Lạp nổi tiếng Thucydides: “nỗi lo sợ có thể dẫn các nước sa vào bẫy chiến tranh”.

 

Tương tự như nước Anh trước đây một thế kỷ đã phải vật lộn để thích nghi với quy chế “Đế chế số một trên thế giới” của họ bị xói mòn. Việc một nước thuộc địa cũ của họ nổi lên thành một cường quốc biển với nguồn tài chính và nhân lực tài năng to lớn không làm họ nguôi ngoai. Họ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương từ những người Mỹ và phát hiện ra rằng họ không còn những ưu thế để đóng vai trò một cường quốc bất khả chiến bại nữa.

 

Từ cuộc chiến tranh Peloponsian, nhà sử học Thucydides đã rút ra một kết luận quan trọng: “Điều làm cho chiến tranh trở thành không thể tránh khỏi là quyền lực tăng lên của Aten và nỗi nợ hãi gây ra ở Sparta ”.

 

Bởi vậy, dù không một quan chức nào nói công khai như thế khi ông Hồ Cẩm Đào rời Nhà Trắng để gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Mỹ tại Chicago, chuyến thăm của ông, theo ý kiến của cả hai bên là nhằm bảo đảm sự nổi lên của Trung Quốc và loại trừ sự sợ hãi do sự nổi lên đó tạo ra ở Mỹ. Cả ông Hồ Cẩm Đào và Obama dường như đang cố gắng một cách vô vọng nhằm tránh điều mà giáo sư Graham Allison thuộc trường Đại học Havard đặt tên là “chiếc bẫy Thucydides” – sự kết hợp chết người giữa những tính toán và cảm xúc cùng với thời gian có thể biến sự cạnh tranh lành mạnh thành quan hệ đối kháng hoặc điều tồi tệ nhất.

 

Đáng ngạc nhiên là trong 5 tháng gần đây hai bên đã thận trọng như thế nào trong các bức thư và điện đàm trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất diễn ra cùng các chuyến thăm lặng lẽ giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng gia tăng ở cả hai phía khi ông Hồ Cẩm Đào, một người không bao giờ đi chệch xa khỏi những ý kiến và hành động của mình đã bước vào Phòng Bầu dục sau một dạ tiệc chiêu đãi trước Nhà Trắng. Ông trình bày với Obama về những thách thức trong nước đối với Trung Quốc: mức thu nhập tính theo đầu người thấp, khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo, tình trạng ô nhiễm tồi tệ tại các thành phố, hệ thống an sinh xã hội đối với 1,3 tỷ dân còn nhiều khiếm khuyết. Rõ ràng đó là những điểm hạn chế sức mạnh của Trung Quốc.

 

Jeffrey A.Bader, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama về châu Á nói: “Dường như đó là một thông điệp rằng các ngài không việc gì phải sợ chúng tôi, song các ngài cũng cần phải biết rằng Trung Quốc không thể làm mọi thứ các ngài muốn. Và cả hai tuyên ngôn đó đều là sự thật”.

 

Trong cuộc gặp ông Hồ Cẩm Đào lần này, Tổng thống Obama có một số lợi thế. Hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc trong năm ngoái với Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ, với Google về tự do Internet và với phương Tây về vấn đề tiếp tục xuất khẩu công nghệ tên lửa cho Iran gây lo ngại cho các nước láng giềng châu Á. Joseph Nye, trong cuốn sách “Tương lai của quyền lực”, nhận xét rằng nỗi lo sợ có thể tạo lợi thế cho Oasinhtơn. “ Sự nổi lên của Trung Quốc ở châu Á thách thức cả Ấn Độ và Nhật Bản”, “và điều đó tạo lợi thế quyền lực chủ yếu cho Mỹ” vì nó đẩy Niu Đêli và Tôkyô lại gần Oasinhtơn hơn.

 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Thomas E. Donilon, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói nỗ lực kéo các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở lại con đường hợp tác là một kế hoạch rất chi tiết, bắt đầu từ một chuyến thăm lặng lẽ của ông tới Bắc Kinh hồi tháng 9 năm ngoái cùng với Lawrence H. Summer, khi đó là cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Obama. Trong chuyến đi đó, họ đã đặt kế hoạch cho chuyến thăm vừa diễn ra của ông Hồ Cẩm Đào tới Mỹ.

 

Hai người tới Bắc Kinh với kế hoạch chi tiết về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Obama cùng với các chuyến thăm diễn ra trước đó của một loạt quan chức cấp cao Mỹ. Đỉnh điểm của các chuyến thăm này là chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate tới Trung Quốc hồi đầu tháng 1 mở đường cho việc nối lại các cuộc đối thoại quân sự mà Trung Quốc đã ngừng sau khi Tổng thống Obama mờì Đạtlai Latma thăm Nhà Trắng và thông qua kế hoạch cả gói bán vũ khí cho Đài Loan đầu năm 2010.

 

Qua các lá thư và các cuộc điện đàm, ông Obama đưa ra các đảm bảo rằng Mỹ không tìm cách kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc bằng một chiến lược mới nhằm thuyết phục Bắc Kinh chấm dứt cách cư xử mềm mỏng với triều đại gia đình họ Kim ở Bắc Triều Tiên.

 

Ông Obama thông qua việc tiến hành cuộc tập trận để phản ứng trước vụ bắn pháo của Bắc Triều Tiên sang một hòn đảo của Hàn Quốc. Mới đây, một quan chức có mặt tại bữa tiệc chiêu đãi của Tổng thống Obama dành cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết, tại cuộc chiêu đãi, ông Obama nhấn mạnh: “Đó là việc chúng tôi sẽ buộc phải làm nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục hành động như vậy”. Trung Quốc có thể hiểu được điều ngụ ý đó: ông Hồ Cẩm Đào đã thông qua vào phút chót một đoạn văn trong tuyên bố chung chỉ trích Bắc Triều Tiên bí mật xây dựng một cơ sở làm giàu hạt nhân.

 

Liệu có bất kỳ sức ép nào ở đây? Ai biết được, tuy nhiên chớ nên chờ đợi nhiều về khả năng phục hồi các cuộc đối thoại về “G-2”, sự tưởng tượng ở một số người cách đây vài năm về một thế giới sẽ sớm được lãnh đạo bởi sự phối hợp hành động giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn. Những sự kiện xảy ra trong 2 năm gần đây cho thấy lợi ích của hai cường quốc này trái ngược nhiều hơn là trùng hợp nhau.

 

Trong khi đó, Thucydides có thể đã thẳng thắn khi cảnh báo về những tiếng nói nặng màu sắc dân tộc chủ nghĩa đang vang lên ở cả hai nước. Tại Trung Quốc, các tờ báo hiện nay rất khó tránh khỏi đề cập về “sự suy thoái của Mỹ”. Trong khi đó, một số thành viên mới của Hạ viện Mỹ dễ dàng nói về việc chấm dứt để Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ - cứ như thể điều đó có thể xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

 

Ở cả hai phía đều thấy có tiếng nói của sự sợ hãi.

 

Theo Indian Express

Minh Thảo (gt)