Viên thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng được chào đón như vị anh hùng


Sau khi thoát khỏi một chuyến đi mạo hiểm gian khổ trên biển, các ngư dân làng Gangfu ở vùng bờ biển phía Đông của Trung Quốc đôi lúc được mời một bát mì bồi bổ sức khỏe với những lát trứng vịt rắc ở trên. Nhưng ngày 25/9, Chiêm Kỳ Hùng ở Gangfu đã được đón tiếp với sự hào phóng quá mức: những bó hoa của các nhà lãnh đạo địa phương đến chào đón, một chuyến máy bay thuê của Chính phủ Trung Quốc để đưa họ về nước và dĩ nhiên là một bát mì cần thiết. 

 

Chiêm đã chịu đựng được thử thách trên biển, nhưng thử thách của ông không phải là câu chuyện về việc cứu thủy thủ trên một chiếc tàu bị đắm. Thay vào đó, người thuyền trưởng 41 tuổi này đã trở về sau 18 ngày bị bắt giữ ở Nhật Bản sau khi chiếc tàu đánh cá của ông va chạm với các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang tuần tra vùng biển gần những hòn đảo đá mà cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều lên tiếng khẳng định chủ quyền. Được người Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư và người Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku, quần đảo nhỏ này ở Biển Hoa Đông đã được Nhật Bản quản lý trong nhiều thập kỷ, nhưng Trung Quốc (và Đài Loan) hiện khẳng định những tuyên bố chủ quyền trong lịch sử đối với quần đảo này. 


Để bù đắp cho thử thách ông bị kẻ thù lịch sử bắt giữ, Chiêm đã được hưởng sự đón chào người anh hùng trở về ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vụ tranh cãi ầm ĩ này đã đẩy các quan hệ giữa hai cường quốc lớn Đông Á vào tình trạng xấu nhất trong nhiều năm qua, cho thấy sự mong manh đến mức nào trong cán cân quyền lực ở khu vực mà từ năm 1894 đến năm 1953 đã phải hứng chịu chiến tranh gần như không ngừng. Nhật Bản khẳng định rằng các tàu thuyền đánh cá và tàu hải quân Trung Quốc trong những tháng gần đây đã kéo đến khu vực đang bị tranh chấp này với số lượng lớn chưa từng thấy, biến cái từng là một tiền đồn khá bình yên trở thành một điểm dễ bốc cháy. Sau khi con tàu đánh cá và nhóm thủy thủ này của Trung Quốc bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ ngày 8/9, Bắc Kinh đã phản ứng với sự tức giận điên cuồng, cắt đứt quan hệ ngoại giao, giảm bớt các chuyến tàu chở hàng Nhật Bản và thậm chí tạm thời đình chỉ việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, loại nguyên liệu mà nước này đang rất cần để sản xuất mọi thứ từ các xe ôtô hybrid (loại xe chạy bằng nhiều loại năng lượng) cho đến chất siêu dẫn. 


Quyết định của Tôkyô về việc trả tự do cho thuyền trưởng Chiêm - được thực hiện ngay sau khi 4 người Nhật Bản bị bắt giữ ở Trung Quốc vì bị cáo buộc xâm phạm một khu quân sự, một hành động mà dư luận rộng rãi coi là sự trả thù - được cho là để tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng về quan hệ ngoại giao. Mặc dù Đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền phải đối mặt với sự chỉ trích của những người theo đường lối cứng rắn về việc đầu hàng trước những chiến thuật cứng rắn của Bắc Kinh, hầu hết người Nhật Bản đều hiểu rằng nền kinh tế của hai nước hiện liên quan mật thiết đến mức không thể để vụ việc một tàu đánh cá đơn lẻ làm chệch hướng các mối quan hệ này. Nhưng sau khi Nhật Bản thả người thuyền trưởng trên, Trung Quốc đã hầu như không tỏ dấu hiệu muốn giảm bớt căng thẳng. Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc cho rằng vụ việc trên đã “gây thiệt hại không thể bù đắp được cho quan hệ song phương.” Bắc Kinh đã yêu cầu có một lời xin lỗi và một sự đền bù từ phía Tôkyô. Thủ tướng Nhật Bản Naoto
Kan đã phản ứng với thái độ coi thường và nói rằng “Chúng tôi hoàn toàn không có ý định đáp lại những đòi hỏi kiểu như vậy.” Một ngày sau đó, Tôkyô đề nghị Bắc Kinh phải đền bù thiệt hại cho các tàu tuần tra Nhật Bản đã bị chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào. 


Xu hướng đang thay đổi 


Nhật Bản đặt sự nổi lên lâu dài của nước này vào một cam kết hòa bình sau những thiệt hại nghiêm trọng của nước này trong Đại chiến Thế giới thứ hai, trong khi Trung Quốc gắn sự bùng nổ về kinh tế gần đây của nước này với triết lý về “sự phát triển hòa bình”. Nhưng trong khi cả hai nước sử dụng từ hòa bình, hoặc một biến thể của từ đó, bất cứ khi nào có thể, Trung Quốc và Nhật Bản đều bị kẹt trong một cuộc chiến từ ngữ nguy hiểm, với nhiều người băn khoăn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. 


Mâu thuẫn ngày càng tăng phản ánh sự thay đổi động lực về quyền lực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mùa Hè 2010, nếu những số liệu chính thức của Bắc Kinh được chấp nhận, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản đang bị lâm vào suy thoái kinh tế trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Hiện nay, một nước Trung Quốc đang khát tài nguyên cũng đang lên gân về mặt địa chính trị. Quần đảo Điếu ngư/Senkaku có thể là những bãi đá còn chưa có người ở, nhưng chúng được coi là có những mỏ khí đốt tự nhiên lớn ngầm bên dưới mặt nước xung quanh khu vực đó; không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, tháng 8/2010, Bắc Kinh cho biết chính quyền nước này đã điều động một tàu ngầm có người điều khiển lặn sâu xuống dưới Biển Đông  hơn hai dặm để cắm một lá cờ Trung Quốc xuống đáy biển. Việc Trung Quốc ngày càng hung hăng tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng Biển Đông  đã làm cho các quốc gia châu Á khác nổi giận, những nước tin rằng họ có quyền sở hữu ít nhất là một phần vùng biển rộng lớn đó. Nơi bị tranh chấp nhiều nhất là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các đảo san hô nằm rải rác khắp phần lớn Biển Đông, với các phần mà 6 chính phủ tuyên bố chủ quyền và nằm ở những vùng biển, thật ngạc nhiên, được tin rằng có những nguồn dầu lửa và khí đốt tự nhiên lớn chưa được khai thác. Ngay khi Trung Quốc phàn nàn về cách xử sự của các lực lượng Nhật Bản đối với tàu đánh cá và nhóm thủy thủ của con tàu này
, các quan chức Việt Nam đã kín đáo phàn nàn rằng các tàu hải quân Trung Quốc thường bắt giữ các ngư dân Việt Nam, những người đi vào những vùng biển mà Bắc Kinh coi là của riêng mình. 


Nước gìn giữ hòa bình tốt nhất trong khu vực lân cận không yên ả này hiện cũng là nước không gây ra bất kỳ sự bất bình nào về vấn đề lãnh thổ: đó là Mỹ. Theo các liên minh an ninh lâu đời, Oasinhtơn cam kết sẽ triển khai các lực lượng Mỹ để bảo vệ các nước đồng minh châu Á của mình nếu bất kỳ một nước thù địch nào - được cho là: Trung Quốc – có ý định tấn công. Cuối tháng 9/2010, xung quanh cùng thời điểm Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từ chối gặp người đồng cấp Nhật Bản ở thành phố Niu Yoóc vì vụ tranh chấp quần đảo này, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara cho biết Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói với ông rằng quần đảo Điếu ngư/Senkaku đã được đề cập bởi Điều khoản 5 của hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, hiệp ước kêu gọi Mỹ bảo vệ các vùng lãnh thổ do chính quyền Nhật Bản cai quản nếu chúng bị tấn công. 


Thật khó tin rằng Mỹ sẽ thực sự dự tính một cuộc chiến tranh với Trung Quốc về một số đảo đá ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, những sự bảo đảm của Oasinhtơn đã được hoan nghênh ở một đất nước ngày càng cảm thấy không an toàn về việc bị làm lu mờ bởi nước láng giềng lớn của mình. Không chỉ có Nhật Bản cảm thấy như vậy. Với ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc đang được mở rộng ở châu Á ngay khi Oasinhtơn dường như tỏ ra bối rối trước các cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan, các nước châu Á – Thái Bình Dương khác đã và đang thúc giục Mỹ định hướng lại chính sách đối ngoại của nước này trong khu vực. Niu Jun, giáo sư nghiên cứu về các quan hệ quốc tế ở trường Đại học Bắc Kinh nói: “Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng của mình ở châu Á và sẽ cạnh tranh với Mỹ về ảnh hưởng ở khu vực này. Bất kể sự cạnh tranh này là tốt hay xấu cho châu Á, chúng ta sẽ phải hướng tới tương lai.” 


Mỹ đã nhận thấy điều đó. Trong một đánh giá thẳng thắn được đưa ra hồi đầu năm nay, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã phát biểu trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ rằng việc hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc – như đã được chứng minh bởi mức tăng hai con số về ngân sách quân sự của nước này trong thập kỷ qua – cho thấy “ý định thách thức sự tự do hành động của Mỹ trong khu vực hoặc có hành vi gây hấn hay hăm dọa các nước láng giềng, trong đó có các đồng minh và các đối tác của Mỹ.” Để chống lại Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama, người trải qua một phần thời niên thiếu của mình ở châu Á, đã khẳng định lại các mối quan hệ của Mỹ với các đối tác châu Á của nước này. Ngày 24/9, Obama đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên, trong đó có cả những bạn bè chủ chốt của Mỹ chẳng hạn như Xinhgapo và Thái Lan. Obama cam kết: “Với tư cách là Tổng thống, tôi đã khẳng định rõ ràng rằng Mỹ có ý định đóng vai trò lãnh đạo ở châu Á”. 


Trò chơi ở trong nước 


Có lý do để nghĩ rằng ông ta muốn ám chỉ những gì ông ta nói. Chẳng hạn như các mối quan hệ song phương với Việt
Nam đã ra hoa kết trái tới mức hai nước đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung ở Biển Đông vào tháng 8/2010. Điều đó đã không hề làm Trung Quốc hài lòng hơn so với các cuộc tập trận hải quân gần đây giữa Mỹ và Hàn Quốc ở vùng biển Hoàng Hải, nơi tiếp giáp với bờ biển Trung Quốc. Cùng với các nước thành viên ASEAN khác tranh chấp với Trung Quốc về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam tỏ ra vui mừng khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clintơn tuyên bố hồi tháng 7/2010 rằng một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông là “lợi ích quốc gia” của Mỹ. Trung Quốc cũng căm hận điều đó. Shen Dingli, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nói: “Một số người Trung Quốc có quan niệm cho rằng Mỹ muốn làm cho Trung Quốc yếu đi và đang sử dụng các nước khác để kiềm chế Trung Quốc”. 


Dĩ nhiên, chính sách đối ngoại thường có nhiều liên quan đến các công việc trong nước cũng như quốc tế. Nó mang lại ý nghĩa cho việc Obama có thái độ kiên quyết với Trung Quốc khi cái gọi là sự thao túng của Trung Quốc đối với đồng nhân dân tệ hiện đang bị dư luận Mỹ chỉ trích là làm mất công ăn việc làm của Mỹ. Tương tự như vậy, Thủ tướng Nhật Bản Kan, người vừa mới vượt qua được thử thách trên cương vị lãnh đạo ở ngay trong đảng của ông, có thể dùng lập trường cứng rắn về vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku không chỉ để xoa dịu công chúng cảnh giác với Bắc Kinh hơn bao giờ hết mà còn để củng cố vị thế chính trị mong manh của chính bản thân ông. 


Có thể dự tính lối tư duy kỳ lạ - giới lãnh đạo Trung Quốc hầu như
không bị ràng buộc bởi hòm phiếu - động lực tương tự ở trong nước cũng có thể được áp dụng ở Bắc Kinh. Tình cảm dân tộc chủ nghĩa đang tăng lên ở Trung Quốc, điều chắc chắn làm cho các nhà lãnh đạo nước này cảm thấy rằng họ cần có thái độ cứng rắn về bất kỳ một cuộc tranh chấp lãnh thổ nào liên quan đến quốc gia chịu trách nhiệm đối với cuộc xâm chiếm tàn bạo phần lớn đất nước này trong thời kỳ 1931 – 1945. Các ngư dân ở Gangju đã trở nên quen dần với những vùng biển động.

 

 

Nguồn Time