Đại hội Đảng lần thứ 20: vài nét phác hoạ đầu tiên về đường hướng chính sách trong thời gian tới của Trung Quốc

Ngày 16/10/2022, Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 của Trung Quốc đã chính thức khai mạc tại Bắc Kinh với sự tham dự của 2340 đại biểu và khách mời. Đây là hoạt động chính trị quan trọng nhất ở Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần - nơi bầu ra đội ngũ lãnh đạo cấp cao và cũng là nơi các quyết sách quan trọng được định hình và hé lộ. Chính bởi tầm quan trọng đặc biệt này, Đại hội 20 của Trung Quốc là chủ đề đang được cả thế giới quan tâm và theo dõi.

Tại Lễ Khai mạc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày báo cáo chưa đầy đủ dài hơn 104 phút với 15 nội dung chính gồm: (i) thành tựu 5 năm qua của Trung Quốc và những thay đổi to lớn trong 10 năm tới; (ii) mở ra tiến trình mới về hiện đại hoá chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc; (iii) sứ mệnh và nhiệm vụ của ĐCS Trung Quốc trong thời đại mới; (iv) đẩy nhanh việc xây dựng mô hình phát triển mới và tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao; (v) chiến lược trẻ hoá đất nước thông qua khoa học, giáo dục; tăng cường đầu tư cho nhân tài trong quá trình hiện đại hoá; (vi) đẩy mạnh dân chủ; (vii) thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền; (viii) phát huy tinh thần tự tin, sáng tạo về nền văn hoá xã hội chủ nghĩa; (ix) cải thiện dân sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; (x) thúc đẩy phát triển xanh và sự chung sống hài hoà giữa con người với thiên nhiên; (xi) đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống và năng lực đảm bảo an ninh quốc gia, kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia và xã hội ổn định; (xii) phấn đấu thực hiện mục tiêu một trăm năm của quân đội, tạo thế cục mới về hiện đại hoá quốc phòng và quân đội; (xiii) tuân thủ và hoàn thiện chế độ “một quốc gia hai chế độ”, thúc đẩy sự thống nhất Tổ quốc; (xiv) thúc đẩy hoà bình và phát triển thế giới, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; (xv) Kiên định chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đề án lớn về xây dựng Đảng trong thời kỳ mới.

Báo cáo của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là chỉ dấu đầu tiên để dự đoán về những đường hướng chính sách mà Trung Quốc sẽ triển khai trong thời gian tới.

Tiếp nối những đường hướng chiến lược đối ngoại chính hiện nay

So với báo cáo tại Đại hội 19 cách đây 5 năm, nhiều nội dung về chính sách đối ngoại được Tập Cận Bình nhắc lại trong báo cáo lần này. Đây là chỉ dấu đầu tiên cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai đường lối chính sách đối ngoại trên cơ sở tiếp nối nền tảng chính sách trước đây.

Đầu tiên, TBT Tập Cận Bình khẳng định lại cách nhìn nhận của Trung Quốc về thế giới vẫn giống trước kia, đó là một thế giới đang diễn ra những thay đổi mang tính lịch sử và to lớn chưa từng có. Tập Cận Bình nhận định rằng, hai xu thế mang tính đối lập nhau hiện vẫn song hành tồn tại, đó là xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển cùng có lợi; mặt khác là các hành vi bá quyền với tư duy “ỷ mạnh hiếp yếu” và tư duy trò chơi có “tổng bằng không”. Hay nói cách khác, thế giới vẫn đang đứng trước “ngã ba đường của lịch sử”, và sự lựa chọn của Trung Quốc là tiếp tục đi theo con đường Trung Quốc đã và đang đi.

Đó là con đường “duy trì hoà bình thế giới”, “thúc đẩy sự phát triển chung” và “nỗ lực xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”. Đây đều là những nội dung cốt lõi đã từng được ông nhắc tới trong Báo cáo trình bày tại Đại hội 19.

Tại báo cáo lần này, Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi “chính sách đối ngoại hoà bình độc lập” song “luôn tự quyết định lập trường và chính sách của mình theo giá trị của từng vấn đề”; Trung Quốc khẳng định “duy trì các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, bảo vệ công bằng và công lý quốc tế, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, chống lại tâm lý chiến tranh lạnh, chống lại sự can dự vào công việc nội bộ của các nước khác, chống lại tiêu chuẩn kép”.

Mặc dù cũng không đề cập trực diện đến bất kỳ một quốc gia nào trong đó có Mỹ, song không khó để nhận ra, những “diễn ngôn” như “phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền” hay “tâm lý chiến tranh lạnh” và “tiêu chuẩn kép” đều là những diễn ngôn Trung Quốc dành riêng cho Mỹ và phương Tây. Điều này cũng có thể là một trong những cơ sở để dự báo, chính sách đối ngoại của Trung Quốc với Mỹ trong giai đoạn tiếp theo có thể vẫn mang màu sắc cạnh tranh, đối đầu là chủ đạo. Song trong một thế giới đầy biến động với lợi ích quốc gia dân tộc được đặt lên hàng đầu, sự thay đổi và điều chỉnh chính sách là những điều không thể tránh khỏi nhất là trong bối cảnh hai nước Mỹ - Trung hoàn toàn có thể tìm kiếm được những điểm chung, “ngửa bài” và đạt đến thoả thuận.

Thứ hai, trong quan hệ với các nước, Tập Cận Bình cũng nhắc lại “năm nguyên tắc chung sống hoà bình”, “thúc đẩy sự phối hợp chính sách, xây dựng khuôn mẫu quan hệ nước lớn chung sống hoà bình”; “thúc đẩy chính sách thân – thành – huệ – dung, hữu nghị, hợp tác, tin cậy lẫn nhau với các nước láng giềng”. Trong thời gian tới, định vị “nước lớn là then chốt, láng giềng là hàng đầu, các nước đang phát triển là nền tảng và diễn đàn đa phương là sân khấu quan trọng” vốn được thực thi dưới thời Tập Cận Bình có thể vẫn được tiếp tục.

Song cũng phải nhắc lại rằng, tại Đại hội 19 cách đây không xa, Tập Cận Bình cũng cam kết những chính sách như trên với hàm nghĩa “không thi hành chính sách bá quyền và bành trướng”. Song thực tế nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua của Tập Cận Bình cho thấy, những cuộc đụng độ trên biển giữa Trung Quốc với các nước ven Biển Đông vẫn diễn ra; Trung Quốc vẫn ngấm ngầm tiến trình quân sự hoá, mở rộng cải tạo đảo trên Biển Đông; không ngừng đẩy mạnh các cuộc tập trận với quy mô lớn ở cả trên biển và trên không; từng bước điều chỉnh chính sách sang hướng chủ động định hình dẫn dắt và thiết lập các luật chơi trong khu vực.

Thứ ba, một trong những điểm nhấn tiếp theo của chính sách đối ngoại thời gian tới của Trung Quốc là tiếp tục thực hiện chính sách “mở cửa” với thế giới bên ngoài. Trong bối cảnh Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều nhà quan sát bên ngoài cho rằng, Trung Quốc có thể dần cắt đứt các quan hệ kinh tế với thị trường bên ngoài và nỗ lực tiến tới tự chủ về kinh tế. Song báo cáo của Tập Cận Bình đã chính thức bác bỏ “nỗi lo” này của các nước với “lời hứa” rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục đi đúng hướng toàn cầu hoá kinh tế, thúc đẩy tự hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư; thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và đa phương, thúc đẩy điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô và cùng tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển”. Với định hướng này, nhiều khả năng thời gian tới Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến “Vành đai con đường” theo hướng tăng cường sự can dự thông qua chính sách “phát triển” với các nước trên thế giới.

Tập trung vào an ninh quốc gia, coi an ninh quốc gia là mặt trận quan trọng bậc nhất

Theo tiết lộ thống kê của Reuters, trong báo cáo đầy đủ của Tập Cận Bình, cụm từ “an ninh” (an quan) được nhắc tới tổng cộng 89 lần. So với báo cáo cách đây 5 năm, tần suất xuất hiện của từ này đã tăng hơn 60%. Bản báo cáo chưa đầy đủ của ông Tập cũng dành toàn bộ một chương cho vấn đề an ninh quốc gia.

Tập Cận Bình chỉ ra rằng, an ninh quốc gia là nền tảng để thực hiện chiến lược trẻ hoá đất nước và ổn định xã hội, là tiền đề của sự thịnh vượng quốc gia. Trung Quốc cần kiên định thực hiện “quan điểm tổng thể về an ninh quốc gia”, có nghĩa là an ninh quốc gia cần được nhìn ở nhiều khía cạnh từ an ninh của nhân dân, an ninh chính trị, an ninh kinh tế, quân sự, khoa học, văn hoá, xã hội; an ninh đối ngoại, an ninh trong nước; an ninh truyền thống và phi truyền thống; an ninh của riêng mình và an ninh chung. Để đạt được mục tiêu này, Tập Cận Bình nêu ra bốn nhiệm vụ gồm: cải thiện hệ thống an ninh quốc gia trong đó nhấn vào kiện toàn cơ chế phối hợp công tác an ninh quốc gia và hệ thống pháp luật, chính sách về an ninh; tăng cường khả năng duy trì an ninh quốc gia trong đó có bảo vệ quyền và lợi ích biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh và phát triển; ba là nâng cao trình độ quản trị an ninh công cộng; bốn là cải thiện hệ thống quản trị xã hội.

Mặc dù khái niệm về “an ninh tổng thể” hay “an ninh chung” không phải là những khái niệm mới, đều đã được nhắc tới nhiều lần đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine-Nga. Trung Quốc cũng công bố Sáng kiến An ninh Toàn cầu từ tháng 4/2022 với lời kêu gọi các bên không nên theo đuổi an ninh của riêng mình mà làm ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia khác. Song với ưu tiên đặc biệt, khái niệm về an ninh mới này có thể trở thành cơ sở để Trung Quốc hình thành nên những khuôn khổ chính sách mới, tập hợp lực lượng mới đối phó với Chiến lược Ấn – Thái của Mỹ - một chiến lược mà Trung Quốc vốn cho rằng “nhằm kiềm chế Trung Quốc”.

Ngoài vấn đề an ninh quốc gia, hiện đại hoá quân đội cũng được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong báo cáo của Tập Cận Bình dù không phải là vấn đề lần đầu tiên được nhắc đến. Dưới thời nắm quyền của Tập, ông đã tiến hành công cuộc cải cách quân đối sâu rộng. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý ở đây là việc Tập nhấn đến “chiến tranh thông minh”, “chiến tranh thông tin”, “tăng cường tác chiến trên các địa bàn mới, khu vực mới”, “phải đẩy nhanh phát triển lực lượng tác chiến thông minh không người lái”, “phối hợp xây dựng và ứng dụng với hệ thống thông tin mạng”, tất cả nhằm xây dựng một lực lượng quân đội “phải giành được thắng lợi trong các cuộc chiến tranh cục bộ”.

Trong bối cảnh vấn đề Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng đầu tư cho quân đội, đặc biệt ưu tiến đến những địa bàn mới, ưu tiên lực lượng tác chiến không người lái, ưu tiên chiến tranh thông minh không khỏi khiến vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp.

Hé lộ về nhân sự?

Với một bài phát biểu dài 104 phút và thông điệp muốn truyền đi của lãnh đạo Trung Quốc dường như là khẳng định một Trung Quốc sẽ tiếp tục đi theo con đường hiện nay và không có quá nhiều biến động lớn. Thông điệp này có khả năng ẩn chứa những chỉ dấu về nhân sự cấp cao - một trong những vấn đề đang thu hút sự quan tâm bậc nhất của thế giới.

Tập Cận Bình trước đó được cho là sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ ba mang tính lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Song chỉ đến khi bế mạc kỳ Đại hội dự kiến vào 22/10 tới, khi dàn nhân sự cấp cao chính thức bước lên bục, thế giới mới có câu trả lời chính xác.

Song bài phát biểu với thông điệp “không có thay đổi gì quá lớn”, “Trung Quốc sẽ tiếp tục những gì Trung Quốc đã làm tốt rồi” bởi “sự lựa chọn con đường đi hiện nay của Trung Quốc là hoàn toàn đúng đắn” của Tập Cận Bình có thể là một chỉ dấu để dự đoán rằng, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ ba và có thể là rất lâu về sau. Khi nhân sự cấp cao được bố trí như vậy, những chính sách từ thời Tập Cận Bình trên mọi lĩnh vực chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì.

Hoàng Lan, nghiên cứu viên Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao