Ngày 5/8, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng “quy chế đặc biệt” dành cho bang Jammu và Kashmir – trong đó có Ladakh – đã bị hủy bỏ. Chính phủ cũng chia tách và hạ cấp quy chế của bang này thành hai lãnh thổ liên bang: “Jammu và Kashmir” sẽ có cơ quan lập pháp địa phương, trong khi Ladakh sẽ giống các lãnh thổ liên bang khác.

Tác giả đã có mặt ở Ấn Độ khi động thái này được công bố, và trong khoảng thời gian trước đó, ngày càng rõ ràng rằng có gì đó đang diễn ra ở Kashmir. Đầu tiên, chính quyền trung ương đã tăng lực lượng an ninh một cách bất thường. Đến ngày 1/8/2019, chính quyền đã cử thêm 35.000 nhân viên an ninh đến bang này, nơi đã có hàng trăm nghìn nhân viên an ninh đồn trú. (Con số thực tế chưa được tiết lộ.) Họ cũng thông báo đình chỉ Amarnath Yatra (cuộc hành hương theo mùa nổi tiếng của những người theo đạo Hindu tới đền Amarnath. Khoảng 40.000 nhân viên an ninh đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho những người hành hương. Cùng cuối tuần đó, các chính trị gia Kashmir đã tuyên bố cắt hoàn toàn các phương tiện truyền thông và liên lạc, bao gồm cả động thái chưa từng có là cắt điện thoại cố định. Các chính trị gia chủ lưu tại bang này tuyên bố rằng họ đã bị bắt giữ. Chuyến đi của chính tác giả đến Kashmir với các học viên và giáo viên của Học viện Quân sự West Point đã bị hủy mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Rõ ràng là có gì đó đang diễn ra khi toàn bộ bang bị phong tỏa vô thời hạn.

Chính xác là chuyện gì đang xảy ra đã trở nên rõ ràng, khi chính phủ tuyên bố rằng họ đang sử dụng một điều khoản trong Điều 370 để hủy bỏ chính Điều này. Điều 370 vẫn sẽ còn tồn tại trong hiến pháp Ấn Độ, nhưng nó sẽ không còn mang lại bất kỳ quy chế đặc biệt nào cho Kashmir. Mặc dù quá trình này được cho là hợp pháp, vẫn còn phải xem liệu tòa án tối cao Ấn Độ có chấp thuận động thái này hay không; tòa án này có lịch sử không nhất quán, đôi khi đứng về phía chính phủ và đôi khi chống lại chính phủ. Amit Shah, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ gây nhiều tranh cãi, đã kêu gọi người Kashmir trên khắp cả nước – có nhiều người lo ngại vì họ không liên lạc được với gia đình ở Kashmir – rằng sẽ không có gì tiêu cực xảy ra. Ông nói thêm rằng Kashmir là thiên đường trên trái đất và nó sẽ vẫn như vậy, và khu vực sẽ không được phép trở lại thành chiến trường chia để trị như những năm 1990.

Ban đầu, không rõ liệu động thái của chính phủ chỉ ảnh hưởng đến phần lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ quản lý, hay nó có ảnh hưởng đến các phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan và Trung Quốc kiểm soát hay không. Nếu tình huống thứ 2 là đúng, thì chính phủ chỉ đơn thuần đang chính thức hóa hiện trạng lãnh thổ. Tuy nhiên, vào ngày 6/8, Shah đã làm rõ vấn đề bằng cách giải thích rằng “Kashmir là một phần không thể tách rời của Ấn Độ, không có nghi ngờ gì về điều đó. Khi tôi nói về Jammu và Kashmir, lãnh thổ Kashmir bị Pakistan chiếm đóng và Aksai Chin có nằm trong đó”. Trung Quốc và Pakistan đã nhanh chóng huy động để phản đối. Vốn không biết trước động thái này, Mỹ chủ yếu coi đây là vấn đề nội bộ nhưng đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền.

Đối với những người đã theo dõi lâu năm Ấn Độ và Đảng Bharatiya Janata (BJP), đảng cầm quyền theo chủ nghĩa sô-vanh Ấn Độ giáo, chỉ có 2 điều về hành động bất ngờ này là đáng ngạc nhiên. Đầu tiên, đáng chú ý là động thái này đã không xảy ra trong nhiệm kỳ đầu từ 2014-2019 của Thủ tướng Narendra Modi. Bãi bỏ Điều 370 của Hiến pháp Ấn Độ, vốn trao cho Jammu và Kashmir quy chế đặc biệt, rốt cuộc là lời hứa cốt lõi đã được viết trong tuyên ngôn tranh cử của đảng. Và BJP có xu hướng quyết thực thi các lời hứa trong tuyên ngôn, dù khi chúng gây tranh cãi: trước đây, đảng đã thề đưa Ấn Độ trở thành cường quốc hạt nhân, và đã làm vậy sau khi lên nắm quyền vào tháng 5/1998. Yếu tố đáng ngạc nhiên thứ 2 là mức độ dễ dàng thực hiện động thái này. Thay vì tìm kiếm cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận ở cả Srinagar và Delhi, chính phủ chỉ đơn giản bãi bỏ hầu hết các điều khoản của Điều 370.

Ở những bài viết khác trên trang Lawfare, Laya Maheshwari đã nghiên cứu nền tảng pháp lý của Điều 370. Ở bài này, tác giả sẽ giải thích lịch sử và ý nghĩa của Điều 370 và cách chính phủ đã tiến hành vô hiệu hóa nó. Tác giả sẽ bóc trần một số động cơ của động thái này, cũng như một số hệ quả ngắn hạn trong nước và quốc tế.

Kashmir: một vấn đề kéo dài

Ngày 20/2/1947, Thủ tướng Anh Clement Attlee tuyên bố rằng nước Anh, đã kiệt quệ vì chiến tranh và phá sản, sẽ phi thực dân hóa Nam Á. Atlee dự định chuyển giao quyền lực vào tháng 6/1948; tuy nhiên, người Anh đã đẩy nhanh lịch trình ra đi thành tháng 8/1947 vì muốn rút lui càng sớm càng tốt. Chính phủ Anh đã phái Bá tước Mountbatten, người sẽ là Phó vương cuối cùng của Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh, để giám sát quá trình hỗn loạn và đẫm máu này.

Tháng 6/1947, Anh đã ban hành Đạo luật Độc lập Ấn Độ năm 1947, kêu gọi thành lập hai quốc gia độc lập sẽ mang tên Ấn Độ và Pakistan. Đạo luật giải thích rằng “các vùng lãnh thổ của Ấn Độ sẽ là các lãnh thổ thuộc chủ quyền của Hoàng đế Anh mà, ngay trước ngày được chỉ định, đã là một phần của Ấn Độ thuộc Anh; ngoại trừ các lãnh thổ, thuộc tiểu mục (2) của mục này, sẽ là các lãnh thổ của Pakistan”. Đạo luật tuyên bố rằng các lãnh thổ của Pakistan sẽ bao gồm các tỉnh Đông Bengal và Tây Punjab, cũng như các lãnh thổ bao gồm cả tỉnh Sind (nay là Sindh) và tỉnh Balochistan thuộc Anh và, tùy theo kết quả trưng cầu dân ý, các lãnh thổ của tỉnh biên giới Tây Bắc. Ranh giới chính xác phía Đông và phía Tây đã được quyết định bởi hai ủy ban do Ngài Cyril Radcliffe chủ trì, người chưa bao giờ đến Nam Á nhưng dù sao cũng đã được quyền ra quyết định tối quan trọng này. Các ủy ban đã phân chia Punjab và Bengal dựa trên "cơ sở xác định các khu vực giáp nhau có đa số người Hồi giáo và có đa số người không theo đạo Hồi. Khi làm vậy, [họ cũng sẽ] tính đến các yếu tố khác." Đáng kinh ngạc là Mountbatten đã thuyết phục được các nhà lãnh đạo chính trị của Pakistan và Ấn Độ tương lai – nhất là Muhammad Ali Jinnah và Jawaharlal Nehru – chấp nhận các quyết định của ủy ban biên giới trước khi kết quả được công bố. Các chi tiết việc chia cắt lãnh thổ không được tiết lộ cho đến ngày 16/8/1947, một ngày sau chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, như đã viết trước, cả Đạo luật Độc lập Ấn Độ và Ủy ban Radcliffe đều không ảnh hưởng đến hơn 560 “vương bang”, dưới quyền cai trị của các hoàng tử Ấn Độ và chiếm gần 41% lãnh thổ. Các hoàng tử gần được tự trị về các vấn đề nội bộ, trong khi vẫn công nhận Hoàng đế Vương quốc Anh là tối cao. Mountbatten đã thuyết phục được tất cả các vương bang, ngoại trừ 3, gia nhập Ấn Độ hoặc Pakistan trước khi phân chia, dựa trên sự tiếp giáp địa lý hoặc dựa trên sự phân bổ cộng đồng người dân. Vào thời điểm sát Độc lập, chỉ còn 3 vương bang còn chần chừ: Junagadh, Hyderabad và Kashmir.

Junagadh là một vương bang đa số người dân theo Ấn Độ giáo nhưng có Quốc chủ theo Hồi giáo, nằm bên trong lãnh thổ Ấn Độ. Quốc chủ cho Junagadh đã ký văn kiện gia nhập Pakistan. Ban đầu, Pakistan đã từ chối chấp nhận cho Junagadh gia nhập, với hy vọng họ có thể đánh đổi chủ quyền Junagadh cho phần lãnh thổ mà Pakistan thực sự muốn: Kashmir. Ấn Độ đã dùng vũ lực sáp nhập Junagadh, và phê chuẩn việc sáp nhập thông qua cuộc trung cầu dân ý ủng hộ gia nhập Ấn Độ.

Hyderabad là một vương bang lớn, với Quốc chủ theo Hồi giáo cai trị người dân đa số theo Ấn Độ giáo. Nhà lãnh đạo Hyderabad đã tìm cách duy trì độc lập, điều mà giới lãnh đạo Pakistan đã khuyến khích nhằm làm suy yếu Ấn Độ. Các nguồn tin Ấn Độ thường mô tả việc Ấn Độ dùng vũ lực sáp nhập Hyderabad là “hành động giữ trật tự”, nhưng Srinath Raghavan miêu tả rằng chính phủ Ấn Độ đã thực sự chinh phạt quân sự Hyderabad.

Kashmir, được một Quốc chủ theo Ấn Độ giáo cai trị người dân đa số theo Hồi giáo, giáp ranh cả Ấn Độ và Pakistan. Trong khi phần lớn các tuyến đường bộ và mạng lưới thủy lợi gắn chặt Kashmir với Pakistan hơn, một tehsil (đơn vị hành chính dưới cấp quận) quan trọng ở Punjab thuộc Ấn Độ (Pathankot) có đường bộ và đường sắt nối Kashmir với Ấn Độ. Quốc chủ Kashmir, Hoàng tử Hari Singh, cũng muốn được độc lập. Khi ông còn chần chừ, Pakistan lo lắng rằng Kashmir sẽ tiếp tục độc lập – hoặc tệ hơn, sẽ gia nhập Ấn Độ.

Mặc dù cả Đạo luật Độc lập Ấn Độ năm 1947 và Ủy ban Ranh giới Radcliffe đều chưa bao giờ, hay dưới bất kỳ hình thức nào ngụ ý rằng Kashmir “thuộc về Pakistan”, nhưng Pakistan tin rằng quá trình phân chia lãnh thổ không thể hoàn thành nếu không có Kashmir. Tuyên bố chủ quyền của Pakistan không dựa trên pháp lý, mà trên ý thức hệ. Pakistan được thành lập trên cơ sở “Lý thuyết hai quốc gia”, lập luận rằng người theo Hồi giáo và người theo Ấn Độ giáo đại diện cho hai quốc gia bình đẳng, mặc dù có nhiều người theo Ấn Độ giáo hơn người theo Hồi giáo. Mặc dù điều này không nhất thiết luôn luôn tương đương với yêu cầu Pakistan độc lập, nhưng cuối cùng nó cũng đã dẫn đến sự ra đời của Pakistan. Vì Kashmir là bang có đa số người theo Hồi giáo duy nhất trong Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh, Pakistan tin rằng họ có quyền thừa hưởng vùng đất này trên cơ sở ý thức hệ quốc gia. Hugh Tinker đã quan sát vào năm 1977 rằng trong khi nhiều nước vẫn cay hận vì những vùng đất đã mất, Pakistan là một trong số ít quốc gia “có cảm giác cay đắng và oán hận về các vùng lãnh thổ chưa bao giờ là một phần của chính thể Pakistan”.

Để giành Kashmir, Pakistan đã phái “chiến binh” từ các bộ lạc (sau này họ sẽ được biết đến bằng cái tên Mujahideen, hay “quân thánh chiến”) để chiếm Kashmir bằng vũ lực, mặc dù đã ký thỏa thuận ‘tạm hoãn’ với Quốc chủ Singh cam kết rằng quân đội Pakistan sẽ không xâm lược Kashmir. Trong khi Pakistan thường khẳng định rằng chiến dịch này không được chính phủ hậu thuẫn, Shujah Nawaz (anh trai của một chỉ huy quân đội Pakistan đã mất) đã huy động các tài liệu lưu trữ của quân đội Pakistan để chứng minh rõ ràng sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh và trung ương cho chiến dịch này. Khi quân Pakistan tiến đến gần Srinagar hơn, Hoàng tử Hari Singh đã yêu cầu Ấn Độ hỗ trợ, và Ấn Độ đã đồng ý hỗ trợ ông với điều kiện phải gia nhập Ấn Độ. Hoàng tử Singh đã ký thỏa thuận vào ngày 26 hoặc 27/10. Chỉ có Pakistan và các thành phần thân Pakistan (bao gồm các nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, quân nhân, học giả và các nhà phân tích) tranh chấp rằng văn kiện gia nhập đã được ký kết. Tuy nhiên, Andrew Whitehead, người đã viết một cuốn sách đáng tin cậy về chủ đề này, nghi ngờ rằng văn kiện này đã được ký vài giờ sau khi Ấn Độ bắt đầu vận chuyển quân đội để bảo vệ lãnh thổ mới được sáp nhập này.

Văn kiện gia nhập này chỉ cho phép Quốc hội Ấn Độ áp đặt luật pháp đối với Jammu và Kashmir trong các vấn đề quốc phòng, đối ngoại và liên lạc. Khi hiến pháp Ấn Độ được ban hành vào năm 1950, Điều 370 đã ghi nhận vị thế đặc biệt này. Quy định này cho phép chính quyền bang có hiến pháp và cờ riêng. Một điều khoản bổ sung, thường được gọi là 35 A, chỉ cho phép những người được coi là công dân Kashmir mua đất ở Kashmir. Phụ nữ kết hôn với đàn ông không phải là người Kashmir sẽ mất đặc quyền này, cũng như con cái của họ. Đàn ông kết hôn với phụ nữ ngoài khu vực không bị mất đặc quyền. Nhiều ý kiến cho rằng điều 35A đã cản trở phát triển kinh tế bằng cách ngăn chặn đầu tư từ ngoài bang. Nhìn chung, điều 35A buộc những công dân Ấn Độ đặc biệt này phải tuân theo các đạo luật và quy định được ban hành bởi Hoàng tử Hari Singh. Mặc dù điều khoản này luôn được định nghĩa là biện pháp tạm thời, nó đã tồn tại cho đến ngày 5/8/2019.

Ban đầu, Ấn Độ đã đưa vấn đề Pakistan xâm lược Kashmir lên Liên hợp quốc (LHQ). Nghị quyết đầu tiên về vấn đề này, được Hội đồng Bảo an (UNSC) thông qua năm 1948, là Nghị quyết 47 của UNSC (UNSCR 47), kêu gọi Pakistan sơ tán hoàn toàn tất cả những người không phải là cư dân Kashmir ra khỏi khu vực và phi quân sự hóa. Một khi Pakistan đã thực hiện những động thái làm hài lòng một ủy ban do LHQ chỉ định, Ấn Độ cũng sẽ phải phi quân sự hóa; tuy nhiên, Ấn Độ được phép giữ lại lực lượng mang tính phòng thủ trong trường hợp Pakistan tiếp tục xâm lược. Sau khi các điều kiện tuần tự này được đáp ứng với sự hài lòng của cơ quan được LHQ chỉ định, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức để xác định vận mệnh của khu vực.

Trớ trêu thay, chính ban lãnh đạo Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến trưng cầu dân ý, trong khi giới lãnh đạo Pakistan lại chần chừ. Giới lãnh đạo Ấn Độ hiểu rõ sự phức tạp của khu vực: Ladakh chủ yếu là Phật giáo, Jammu chủ yếu là Ấn Độ giáo và Kashmir có cả người Hồi giáo theo phái Sunni và Shiite. Các nhóm tôn giáo thiểu số như Thiên chúa giáo và đạo Sikh cũng rải rác quanh vùng lãnh thổ này và có sự phẫn nộ rộng rãi với kẻ xâm lược Pakistan. Pakistan đánh giá đúng rằng kết quả trưng cầu dân ý sẽ không thuận lợi cho họ. Dù sao thì Pakistan cũng chưa bao giờ hoàn thành điều kiện cần thiết đầu tiên, nhưng chưa đủ, để cuộc trưng cầu dân ý này được thực hiện.

Điều 370: quá khứ và hiện trạng

Kể từ năm 1950, một số diễn biến đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm quan trọng của Điều 370. Năm 1959, Pakistan phát hiện rằng các bản đồ Trung Quốc đã tuyên bố một phần lãnh thổ Pakistan là của Trung Quốc. Do không thể đạt được một hiệp ước an ninh với Ấn Độ để chống lại Trung Quốc, nhà độc tài quân sự Pakistan Ayub Khan đã quyết định rằng tốt nhất là bảo trì hòa bình với Trung Quốc. Năm 1963, Pakistan đã nhượng lại một phần của Kashmir do Pakistan kiểm soát, Thung lũng Shaksgam, để hỗ trợ quá trình hòa giải này. Thỏa thuận này đã mở đường cho mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan sâu rộng hơn, bao gồm kỳ tích kỹ thuật xây dựng Đường cao tốc Karakoram nối liền Kashgar, thành phố quan trọng thứ hai ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, với Hasan Abdal (nằm cách Islamabad vài cây số). Đường cao tốc đi qua phần của Kashmir mà Pakistan đã nhượng lại cho Trung Quốc, cũng như phần bị Pakistan chiếm giữ trong chiến tranh 1947-48, hiện được gọi là Gilgit-Baltistan. Kể từ đó, nhân khẩu học của Gilgit-Balistan đã thay đổi đáng kể do một loạt các vấn đề như di cư ra ngoài lãnh thổ để đi làm và đi học, cũng như chính phủ khuyến khích người Pakistan di cư từ ngoài vào lãnh thổ này.

Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra chiến tranh vì tranh chấp lãnh thổ của họ ở Aksai Chin (trên giấy là một phần của Ladakh ở phía Bắc và phía Tây) và Arunachal Pradesh (ở phía đông). Ấn Độ rõ ràng đã thua trong cuộc chiến này, và hai đường biên giới trên thực tế đã được tạo ra: Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Aksai Chin và Tuyến MacMahon ở phía Đông. Theo Đường Kiểm soát Thực tế, Trung Quốc nắm giữ Aksai Chin, lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố là một phần của Ladakh.

Mặc dù điều khoản 35 A được ban hành để ngăn chặn thay đổi nhân khẩu học lớn tại bang Kashmir, nhưng nhân khẩu học vẫn thay đổi. Vào cuối những năm 1980, người bản địa đã nổi dậy do Ấn Độ lạm dụng quyền hạn: bắt đầu bằng việc bãi nhiệm chính quyền bang được bầu cử phổ thông, và sau đó tiến hành cuộc bầu cử gian lận để đưa quan chức bù nhìn của New Delhi lên cầm quyền. Mặc dù cuộc nổi dậy ban đầu do người dân bản địa tiến hành, vai trò thủ lĩnh đã nhanh chóng rơi vào tay các lực lượng được Pakistan ủy nhiệm vốn ngày càng lớn mạnh theo thời gian. Ngày nay, các nhóm khủng bố được Pakistan ủy nhiệm, cũng như các chiến binh bản địa, tiếp tục gây ra nhiều vấn đề cho khu vực. Năm 1990, khủng bố Hồi giáo – trong đó có nhiều kẻ là người địa phương – đã bắt đầu chiến dịch đánh đuổi người Pandit, cộng đồng Ấn Độ giáo duy nhất sinh sống ở Kashmir, khỏi Thung lũng. Khi chiến dịch kết thúc, khoảng 100.000 đến 190.000 người đã phải rời bỏ Thung lũng. Những người Ấn Độ giáo này đã không thể trở về Kashmir. Và điều khoản 35 A giới hạn khả năng bán đất của họ cho người ngoài, những người có thể sẵn sàng trả nhiều tiền hơn người địa phương, những người có thể lợi dụng tình trạng bấp bênh về kinh tế và bị di dời đi nơi khác của họ.

Mặc dù người ta thường gọi Kashmir là lãnh thổ “Hồi giáo”, và cũng thường cho rằng Điều 370 chỉ nhắm tới các cư dân theo Hồi giáo của bang này, nhưng đây là hành vi bạo lực nghiêm trọng đối với thực tế nhân khẩu học. Theo điều tra dân số gần đây nhất năm 2011, người Hồi giáo chiếm đa số 68,31% ở bang Jammu và Kashmir. Người Hồi giáo chiếm đa số ở 17 trong số 22 quận. Người Ấn Độ giáo, chiếm 28,44% tổng dân số, chiếm đa số ở 4 trong số 22 quận. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa cấp huyện và cấp dưới huyện. Trong khi khu vực Jammu đa số theo Ấn Độ giáo, khu vực này có 3 huyện có đa số người theo Hồi giáo (Poonch, Rajouri và Doda) và 3 huyện có đại đa số theo Ấn Độ giáo (Jammu, Kathua và Udhampur). Khu vực Kashmir có 6 huyện (Kupwara, Baramulla, Srinagar, Budgam, Pulwama và Anantnag) với đại đa số hơn 90% người theo Hồi giáo. Ladakh có hai huyện: Kargil đa số Hồi giáo và Leh đa số Phật giáo. Trong khi hầu hết người Hồi giáo ở Thung lũng đi theo nhánh Sunni, toàn bộ khu vực (bao gồm cả lãnh thổ do Pakistan nắm giữ) cũng có các nhóm thiểu số lớn theo nhánh Shiite.

Trái với niềm tin phổ biến, bản sắc Hồi giáo không dự đoán được sự lựa chọn chế độ. Năm 2010, Chatham House đã thực hiện cuộc khảo sát toàn diện nhất về thái độ của người dân Kashmir ở các khu vực do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. (Những người ở phần của Kashmir được Pakistan nhượng lại cho Trung Quốc năm 1963 không được khảo sát). Trong cuộc khảo sát đó, người dân đã được hỏi nếu có cuộc bỏ phiếu vào ngày mai, họ sẽ bỏ phiếu cho lựa chọn nào. Các phương án bao gồm: Phần Kashmir ở cả hai bên Đường Kiểm soát (ranh giới thực tế ngăn cách các phần của Kashmir do cả hai nước quản lý) có nên độc lập không? Kashmir có nên gia nhập Ấn Độ không? Có nên gia nhập Pakistan? Đường Kiểm soát có nên trở thành biên giới quốc tế không? Ấn Độ và Pakistan có nên giữ chủ quyền chung đối với Kashmir? Hoặc không nên thay đổi hiện trạng?

Tại phần của Jammu và Kashmir do Ấn Độ cai trị, 43% cho thấy họ muốn độc lập. Tuy nhiên, sự phân phối rất không đồng đều: ủng hộ độc lập trong Thung lũng dao động từ 75% đến 95% ở các huyện; hầu như không ai ở bất kỳ huyện nào ở Jammu mong muốn độc lập; và ở Ladakh (với cỡ mẫu rất nhỏ) 1/3 dân số ở huyện Leh và 1/5 ở huyện Kargil mong muốn độc lập. Lưu ý rằng phương án này không được hình dung trong cuộc trưng cầu dân ý được UNSCR 47 miêu tả ở trên.

Đối với việc gia nhập Ấn Độ, 28% cư dân bày tỏ mong muốn này với tỷ lệ cũng cách biệt tương tự. Ở Thung lũng Kashmir, sự ủng hộ dao động từ mức thấp nhất là 2% ở Baramula đến 22% ở Anantnag. Trong phân khu Jammu, ủng hộ cho phương án này dao động từ 47% ở Jammu đến 73% ở Udhampur; tuy nhiên, 6% ở Punch và 0% ở Rajauri mong muốn phương án này. Ở phân khu Ladakh, 67% ở Leh và 80% ở Kargil muốn gia nhập Ấn Độ.

Ủng hộ cho lựa chọn gia nhập Pakistan mọi nơi đều thấp như nhau, chỉ có 2% mong muốn phương án này. Không ai muốn gia nhập Pakistan ở 6 huyện. Chỉ ở Thung lũng Kashmir mới có người ủng hộ gia nhập Pakistan, với sự ủng hộ cao nhất ở Srinagar (6%) và Badgam (7%).

Tôn giáo cũng không dự đoán tốt về nơi bạo lực đã từng nhiều lần xảy ra ở Jammu-Kashmir. Các quan chức Ấn Độ thống nhất rằng bạo lực hiện ở mức thấp so với đỉnh điểm những năm 1990. Sau các vụ tấn công khủng bố ở Mỹ vào tháng 9/2001, vụ Jaish-e-Mohammad tấn công tòa nhà quốc hội Ấn Độ ở New Delhi vào tháng 12/2001 và vụ Lashkar-e-Tayyaba tấn công vào các gia đình quân nhân Ấn Độ tại Kaluchat vào tháng 5/2002, Mỹ đã gây áp lực lên Pakistan để kiềm chế khủng bố ở Ấn Độ. Đến năm 2003, khủng bố ở Jammu và Kashmir ở mức thấp nhất trong lịch sử. Bạo lực chưa bao giờ trở lại đỉnh điểm của những năm 1990. Đây là một hệ quả của Ấn Độ nỗ lực củng cố Đường Kiểm soát, cũng như các nhóm khủng bố và những người điều phối họ trong tình báo và quân đội Pakistan theo đuổi các chiến thuật và chiến lược khác. Trong các cuộc phỏng vấn tác giả đã thực hiện vào tháng 7 và tháng 8/2019, các quan chức quân sự và dân sự Ấn Độ và các nhà phân tích giải thích rằng hiện tại, bất ổn chỉ tập trung tại 6 trong số 22 huyện ở Jammu và Kashmir.

Liên quan đến nội dung và hiệu lực của Điều 370 tại bang Jammu và Kashmir trước tháng 8/2019, chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần sử dụng Điều 370 để thay đổi các đạo luật tại bang này. Hơn nữa, do chiến dịch khủng bố không ngừng được Pakistan ủng hộ, bang này đã phải chấp thuận nhiều chế độ pháp lý (như “viện trợ chính quyền dân sự”, được cho phép bởi Đạo luật Quyền lực đặc biệt của Lực lượng Vũ trang), Thống đốc Cai trị và Tổng thống Cai trị, tất cả đều được biện minh trên cơ sở an ninh. (Ở Ấn Độ, các Thống đốc được bổ nhiệm bởi Tổng thống Ấn Độ và do đó đại diện cho chính phủ trung ương, trong khi các Thủ hiến được bầu ở cấp bang).

Vì sao là thời điểm này?

Như đã nói trên, BJP đã từ lâu tìm cách xóa bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir, như các bản tuyên ngôn bầu cử khác nhau nhiều thập kỷ qua của đảng này có thể chứng thực. Vì vậy, điều gì đã khiến chính phủ hành động vào thời điểm này? Có lẽ chính quyền đã có thể làm điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi chính quyền được cho là mạnh nhất. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Modi, chính quyền có xu hướng tránh các vấn đề “cộng đồng” và thay vào đó tập trung vào các vấn đề kinh tế. Trong thời gian tranh cử cho cuộc bầu cử năm 2019, đảng BJP rõ ràng đã báo hiệu trở lại tập trung cơ bản vào các vấn đề nhằm thúc đẩy cử tri Ấn Độ giáo. Tác giả đã ở Ấn Độ vào tháng 2/2019 trong đợt căng thẳng gần đây nhất, khi tổ chức Jaish-e-Mohammad tấn công Lực lượng Cảnh sát dự phòng trung tâm tại Pulwama và Ấn Độ tấn công trả đũa nhóm khủng bố đó tại Balakot. Trong thời gian đó, đã có tin đồn về việc hủy bỏ Điều 370 hoặc ít nhất là điều khoản 35A, nhưng những tin đồn đó đã biến mất khi cuộc khủng hoảng Ấn Độ-Pakistan mới nhất nổ ra và khi Ấn Độ tiến hành bầu cử.

Những nguồn tin Ấn Độ trong chuyến đi gần đây của tác giả đã nêu ra hai vấn đề quan trọng và liên quan đến nhau có thể đã ảnh hưởng đến thời điểm hành động, dù vẫn thừa nhận rằng xóa bỏ Điều 370 đã là vấn đề nghị sự lâu năm của đảng BJP; họ – như Tổng thống Trump – ưu tiên thực hiện các hứa hẹn bầu cử bất chấp rằng lời hứa có khôn ngoan hay không. Vấn đề đầu tiên xuất hiện trong năm qua là khả năng Chính quyền Trump có thể đạt được thỏa thuận với Taliban. Trong thời Taliban nắm quyền tại Afghanistan, nhiều nhóm chiến binh trú ẩn ở Pakistan, và được nước này hậu thuẫn, đã được bố trí cùng với Taliban; Taliban cũng được Pakistan hỗ trợ về quân sự, chính trị, ngoại giao và tài chính. Trong thời gian này, nhiều nhóm trong số đó cũng đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Osama bin Laden và tổ chức al Qaeda; đây cũng là những người có chung địa bàn với Taliban. Các nhóm này được sử dụng để tiến hành các vụ tấn công ở lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ quản lý, và sau đó trên khắp Ấn Độ sau khi Pakistan tiến hành các vụ thử hạt nhân vào tháng 5/1998. Ấn Độ đã và vẫn hiểu rằng những gì xảy ra ở Afghanistan hiếm khi chỉ giới hạn trong Afghanistan.

Ấn Độ từ lâu đã lo lắng rằng Trump sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vội vàng để biện minh cho việc Mỹ rời khỏi Afghanistan trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, như ông đã hứa với các cử tri của mình. Taliban đã đòi hỏi các chức vụ không cần tranh cử trong chính phủ, họ muốn kết thúc hoàn toàn bầu cử vì quá trình đó “không tuân theo đạo Hồi”, và họ muốn xóa bỏ phần lớn Hiến pháp Afghanistan. Taliban đặc biệt quan tâm đến việc rút lại các quyền lợi mà phụ nữ đã giành được kể từ khi chính quyền Taliban bị lật đổ vào cuối năm 2001, và Chính phủ Mỹ dường như sẵn sàng chấp thuận phần lớn những yêu sách này. Trong khi đó, với chiến thắng gần như đã chắc chắn, Taliban và những người điều khiển họ ở Pakistan đã tiếp tục một cuộc chiến tàn khốc với hy vọng đảm bảo đạt được một thỏa thuận tối ưu.

Khi Trump tuyệt vọng muốn rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, ông đã phải đảo ngược chính sách Pakistan, mà ông đã chỉ trích mạnh mẽ vào đầu tháng 1/2018. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Pakistan Imran Khan tới Washington vào cuối tháng 7, Trump đã thừa nhận rằng Pakistan sẽ giúp ông rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Khan đã liên kết thành công hòa bình ở Kashmir với hòa bình ở Afghanistan trong chuyến thăm đó, làm Ấn Độ sửng sốt; đây chắc chắn là một thành công ngoại giao cho chính phủ quân phiệt thực sự của Pakistan. (Kỳ lạ thay, một số thành viên của Taliban đã bác bỏ mối liên kết này; có khả năng đây là nỗ lực đưa ra ấn tượng rằng Taliban và những người điều khiển họ ở Pakistan đang có chia rẽ đáng kể). Để làm cho vấn đề tệ hơn, Trump khẳng định Modi đã yêu cầu Trump can thiệp trong tranh chấp Kashmir, một khẳng định mà New Delhi lập tức phủ nhận. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Trump lặp lại đề xuất phi lý này. Những nguồn tin Ấn Độ trong chuyến đi gần đây của tác giả – trong đó có một số người gần gũi với chính phủ hiện tại – đã ngụ ý rằng hai yếu tố này đã thúc đẩy Chính quyền Modi xóa bỏ Điều 370 vào khoảng thời gian này.

Hệ quả trong nước

Rất khó để đánh giá các hệ quả của bước đi táo bạo này trong ngắn hạn. Dù Ấn Độ có thể đã thực hiện động thái này trong nỗ lực tăng cường an ninh trước khi thỏa thuận Mỹ-Taliban có thể dẫn đến bạo lực leo thang trở lại, các nhà phê bình lo ngại rằng chính hành động này có thể khiến bạo lực leo thang. Tuy nhiên, sẽ cần thêm thời gian để quyết định bên nào đúng nhất, vì Kashmir đang bị phong tỏa chặt, khiến cho việc kháng cự trở nên bất khả thi và khiến Pakistan khó phối hợp với các tay chân ở Thung lũng. Một số khu vực của Kashmir đang có lệnh giới nghiêm dự kiến kéo dài nhiều tháng. Và không có dấu hiệu cho thấy khi nào các chính trị gia bị giam sẽ được thả.

Việc rút lại quy chế biến Kashmir từ bang thành lãnh thổ liên bang có các hàm ý quan trọng. Ở Ấn Độ, các quyền lực hành chính được phân chia giữa chính quyền trung ương và các đơn vị địa phương, như bang và lãnh thổ liên bang. “Bang” là một khu vực bầu cử địa phương của Ấn Độ, với chính quyền được bầu riêng (bao gồm cả hội đồng lập pháp và Thủ hiến) và có quyền hạn chế để tự làm luật. Thống đốc, người được Tổng thống Ấn Độ bổ nhiệm, là đại diện của Tổng thống ở bang. Ngược lại, các lãnh thổ liên bang được chính quyền trung ương trực tiếp quản lý. Các lãnh thổ này được Phó Thống đốc, người đại diện cho Tổng thống Ấn Độ và được chính phủ trung ương bổ nhiệm, chịu trách nhiệm quản lý. Hầu hết các lãnh thổ liên bang (trừ Delhi và Puducherry) không có cơ quan lập pháp riêng; tuy nhiên, họ được đại diện ở Hạ viện (Lok Sabha) nhưng không có đại diện ở Thượng viện (Rajya Sabha), ngoại trừ Delhi và Puducherry. Chính phủ trung ương kiểm soát và quản lý lãnh thổ liên bang. Lãnh thổ liên bang mới sẽ giống với Puducherry và Delhi, trong khi Ladakh sẽ giống với những lãnh thổ liên bang còn lại.

Đáng chú ý là cư dân Ladakh phần lớn hài lòng với động thái này. Ladakh từ lâu đã không bằng lòng với việc bị tình hình chính trị của Jammu và Kashmir ràng buộc. (Kargil, với đại đa số người Hồi giáo, có thể sẽ kiến nghị gia nhập Kashmir). Trước hết là không còn cơ quan lập pháp chức năng ở Jammu và Kashmir, và lãnh thổ không còn có Thủ hiến. Tình hình chính trị ở Kashmir đã thay đổi sau một đêm. (Ladakh sẽ không có hội đồng bang, nhưng sẽ có đại diện ở trung ương). Điều này cũng có nghĩa là cảnh sát bang sẽ không còn chịu sự điều phối của các chính trị gia Kashmir; thay vào đó, cảnh sát sẽ được trung ương điều phối. Các quan chức an ninh cho rằng dưới chế độ trước đây, các chính trị gia có thiện cảm với các nhóm chiến binh hoặc người điều khiển họ ở Pakistan, hoặc được các nhóm này trợ cấp, sẽ rò rỉ chi tiết của các chiến dịch an ninh, làm giảm hiệu quả của các chiến dịch đó. Các nguồn tin của Ấn Độ lạc quan rằng động thái này sẽ giúp trung ương kiểm soát bạo lực ở Kashmir tốt hơn.

Quan trọng không kém là việc nhiều đạo luật chống tham nhũng của Ấn Độ trước đây không được áp dụng ở Kashmir. Bất kỳ du khách tinh ý nào đến Kashmir sẽ nhận thấy các dinh thự nguy nga, có vẻ hoàn toàn không tương xứng với thu nhập hợp pháp của các chính trị gia sở hữu chúng. Nhiều người thừa nhận rằng các chính trị gia ở bang này được mọi bên hối lộ, cho phép họ tích lũy của cải rất lớn. Trong phần lớn lịch sử Ấn Độ kể từ khi độc lập, chính quyền Thung lũng đã được lãnh đạo bởi hai gia đình hoàng tộc chi phối các đảng riêng của họ (Đảng Hội nghị Quốc gia, do Farooq Abdullah lãnh đạo; và Đảng Dân chủ Nhân dân, do Mehbooba Mufti lãnh đạo). Modi và BJP đặc biệt căm ghét các đảng hoàng tộc – một khía cạnh chắc chắn đáng chú ý của động thái này. Các quan chức của BJP gắn sự tham nhũng và gia đình trị tồi tệ ở Kashmir, cũng như kém phát triển kinh tế, với sự tồn tại của Điều 370. Họ có nhiều khả năng đúng hơn là sai. Chính phủ trung ương hiện đã tuyên bố sẽ xác định nguồn gốc của tham nhũng và truy tố một cách thích hợp các cá nhân. Điều này cũng sẽ có tác dụng vô hiệu hóa các chính đảng hiện tại và giới lãnh đạo của họ ở bang cũ này. BJP có thể hy vọng rằng họ có thể bồi dưỡng một thế hệ lãnh đạo đảng mới, phụ thuộc ít hơn vào tiền hối lộ trong các vali không rõ nguồn gốc và chú ý hơn vào mục tiêu tích hợp Kashmir vào chính thể Ấn Độ.

Điều 370 cũng có nhiều tác động nguy hiểm thường bị những người bảo vệ nó bỏ qua. Bởi vì công cụ này phần lớn tồn tại để đảm bảo luật pháp của Hoàng tử Hari Singh tiếp tục có hiệu lực (sự kết là hỗn hợp của cả luật pháp thuộc địa và luật pháp của lãnh địa Dogra được ông thừa kế), không được hưởng nhiều lợi thế ở Ấn Độ thời hiện đại (người dân Kashmir), chẳng hạn như Quyền được giáo dục. Điều này vốn dĩ là chống lại phụ nữ như đã nói trên, nhưng nó cũng không cho phép người dân Kashmir được hưởng những lợi thế theo chế độ đặc cách mà các cộng đồng đẳng cấp có hoàn cảnh khó khăn khác được hưởng. (“Đặc cách” là một chương trình hành động tích cực mà Ấn Độ lập ra để giúp nâng đỡ một số cộng đồng đẳng cấp nhất định từ lâu đã bị phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp. Nhưng chế độ này không kiểm tra tài sản, và vì vậy nhiều gia đình đẳng cấp thấp đã trở nên khá giàu có. Nói chung, người Hồi giáo không được hưởng đặc cách, với rất ít ngoại lệ đáng chú ý). Cũng cần lưu ý rằng các tu chính án thứ 73 và 74 liên quan đến bầu cử các cơ quan địa phương không được áp dụng tại bang này. (Ấn Độ có một hệ thống bầu cử địa phương sôi động ở cả nông thôn và thành thị). Ngoài ra, vì người ngoài không thể mua và khai thác đất đai ở bang này, Điều 370 có thể đã kìm hãm sự phát triển đáng lẽ đã xảy ra. Theo đó, chính phủ đã công bố kế hoạch tổ chức hội nghị các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các ngành công nghiệp, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc sức khỏe và các hoạt động tạo việc làm khác.

Phải nói rõ rằng BJP đã không thực hiện sáng kiến này vì những lý do như chống tham nhũng hoặc phát triển bang; đây là một phần trong chương trình nghị sự chính trị lâu năm ban đặc ân cho người Ấn Độ giáo của BJP. Nhiều người Ấn Độ giáo cánh tả và những người Hồi giáo tham gia chính trị cho rằng việc bang bị hạ cấp thành lãnh thổ liên bang là tín hiệu cho thấy chính quyền sô-vanh Ấn Độ giáo không thể tin tưởng người Hồi giáo nắm quyền ở bang. Họ cũng thấy đây là một phần của chiến dịch nhắm vào các vấn đề có tác động lớn nhất đối với người Hồi giáo dưới vỏ bọc nữ quyền và phát triển. (Ví dụ, chính phủ đã khiến việc đàn ông ly dị vợ bằng cách nói hay nhắn tin “Talaq” ba lần thành bất hợp pháp. Mặc dù hành vi này bất hợp pháp ở nhiều quốc gia Hồi giáo và trái với tinh thần của chính Kinh Quran, vốn có cả một chương chỉ dành để miêu tả quá trình ly hôn dài dòng, nhiều người Hồi giáo Ấn Độ coi động thái này làm xói mòn luật cá nhân Hồi giáo. Chính phủ biện minh cho hành động này bằng cách bày tỏ quan tâm đến phụ nữ Hồi giáo). Kỳ lạ thay chính phủ vẫn im lặng trước những vấn đề bắt nguồn từ thông lệ Ấn Độ giáo gây hại cho rất nhiều phụ nữ (như chết vì của hồi môn, nạo thai nếu thai nhi là bé gái và giết trẻ em gái); dù tất cả đều là bất hợp pháp, nhưng hiếm khi người phạm tội bị truy tố. Hơn nữa, BJP đã nói rõ rằng họ đang tìm cách loại bỏ bất kỳ điều khoản hiến pháp nào cho phép áp dụng luật cá nhân Hồi giáo; động thái này cũng phù hợp với tinh thần của Hiến pháp Ấn Độ, trong đó nêu rõ nguyện vọng thống nhất một bộ luật dân sự cho tất cả người đân Ấn Độ. Người Hồi giáo lo sợ rằng bộ luật dân sự thống nhất như vậy sẽ ưu tiên các thông lệ Ấn Độ giáo, trong khi đàn áp thông lệ Hồi giáo.

Trớ trêu thay, những người thực sự ủng hộ chủ nghĩa thế tục ở Ấn Độ nên sẵn sàng thừa nhận rằng Điều 370 đã biến cư dân Kashmir thành công dân hạng hai trên thực tế. Với Điều 370 đã được xóa bỏ, chính phủ có trách nhiệm trực tiếp đối xử với công dân của hai lãnh thổ liên bang này với các quyền và đặc quyền tương tự những công dân Ấn Độ khác. Đây sẽ là một thách thức vì các vấn đề an ninh tiếp diễn ở bang này dường như trở nên tồi tệ hơn với mỗi chu kỳ tin tức.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Shah đã nói rằng chính phủ trung ương sẽ khôi phục vị thế bang cho Jammu và Kashmir ngay khi tình hình trở lại bình thường. Nói cách khác, cư dân của Lãnh thổ liên bang Jammu và Kashmir có động lực để thúc đẩy hợp tác về các vấn đề an ninh, để lấy lại vị thế bang của khu vực. Trong thời chính quyền cũ, các chính trị gia đã được khuyến khích đua nhau “nói vống” và đưa ra viễn cảnh độc lập vô lý mà không phải chịu hậu quả.

Hệ quả quốc tế

Hai quốc gia duy nhất bị trực tiếp khiêu khích bởi động thái của Ấn Độ là Pakistan và Trung Quốc. Sự phản đối mạnh mẽ của Pakistan đặc biệt có vấn đề khi chính phủ của họ đã tống giam vô số chính trị gia dòng chính thống và đã duy trì các chiến dịch bạo lực riêng biệt chống lại người Baloch ở Balochistan, cũng như người Pashtun tham gia Phong trào Bảo vệ Dân tộc Pashtun (PTM). Lời phản đối của Pakistan cũng rỗng tuếch vì chính họ đã nhượng quyền lãnh thổ không thuộc về mình năm 1963, cũng như chính thức hóa mối quan hệ đó bằng các dự án cơ sở hạ tầng lớn thông qua lãnh thổ Kashmir với Trung Quốc, bao gồm Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Những nỗ lực của Pakistan nhằm đưa vấn đề này lên Liên hợp quốc đã bị khước từ. Trung Quốc cũng không hài lòng và đã phàn nàn rằng Ấn Độ đang đơn phương đưa ra luật pháp nội địa đối với lãnh thổ mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Trung Quốc đã chế giễu rằng động thái này rằng sẽ không thay đổi được thực tế, ví dụ là việc Trung Quốc vẫn chiếm giữ phần lãnh thổ Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.

Pakistan có thể sẽ bị cám dỗ đáp trả bằng việc thực hiện các hoạt động khủng bố ở Kashmir hoặc các nơi khác ở Ấn Độ. Họ hiểu một cách đúng đắn rằng Pakistan nắm giữ lợi thế khi thỏa thuận với Trump, vì Tổng thống Mỹ khao khát rút quân khỏi Afghanistan. Mỹ sẽ rất khó gây áp lực mạnh với Pakistan khi nước này là chìa khóa cho những nỗ lực của Trump để tháo chạy khỏi một cuộc chiến không được cử tri của ông và những người Mỹ khác ủng hộ. Tuy nhiên, Ấn Độ đã báo hiệu rằng họ sẽ không tiếp tục chấp nhận Pakistan bắt nạt; do đó, thực hiện bất kỳ động thái mạo hiểm nào ngay bây giờ có thể sẽ gây rủi ro quá mức, và gần như chắc chắn sẽ phải chịu trả đũa.

Một trong những khía cạnh đáng chú ý của sự chia rẽ này là các tranh chấp lãnh thổ của Ấn Độ với Pakistan đã được tách biệt khỏi các tranh chấp của Ấn Độ với Trung Quốc. Tranh chấp với Pakistan sẽ chủ yếu tập trung vào Thung lũng, trong khi Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào các yêu sách đối với Aksai Chin. Vì yêu sách lãnh thổ của Pakistan dựa trên ý thức hệ và Lý thuyết Hai quốc gia, nên Ấn Độ gần như hoàn toàn không có cơ hội hòa giải với Pakistan. Nếu Pakistan từ bỏ yêu sách lãnh thổ của mình, điều này sẽ tương đương với việc thừa nhận cái chết của chính Lý thuyết Hai quốc gia. Ngoài ra, quân đội hùng mạnh của Pakistan có động lực lớn để ngăn chặn hòa bình giữa hai quốc gia. Hòa bình sẽ làm quân đội, vốn thống trị đất nước, khó biện minh cho quy mô khổng lồ của nó, việc quân đội chiếm lĩnh tài nguyên quốc gia và yêu sách quân đội có quyền điều hành đất nước khi cảm thấy cần thiết. Ngược lại, tranh chấp Ấn Độ với Trung Quốc không dựa trên ý thức hệ và do đó có thể dễ giải quyết hơn.

Về phần mình, Mỹ phần lớn coi đây là vấn đề nội bộ của Ấn Độ, mặc dù Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi các vấn đề nhân quyền như lệnh giới nghiêm, việc cắt các phương tiện truyền thông và các chính trị gia dòng chính thống bị bắt giữ.

Kết luận

Xóa bỏ các đặc quyền của Kashmir từ lâu đã là một phần trong chương trình nghị sự sô-vanh Ấn Độ giáo của BJP. Giống như những người ủng hộ thuyết da trắng thượng đẳng ở Mỹ phẫn nộ về quyền tự do bầu cử không công bằng của người Mỹ da màu vẫn bất bình đẳng, những người theo chủ nghĩa sô-vanh Ấn Độ giáo đã chê bai cái họ gọi là chính sách nhượng bộ người Hồi giáo để được họ ủng hộ bầu cử. Người Ấn Độ gọi đây là “câu phiếu bầu”. (Nếu vị thế kinh tế xã hội tồi tệ hiện nay của người Hồi giáo Ấn Độ - giữa “các đẳng cấp lạc hậu khác” và “các đẳng cấp và bộ tộc có trong danh mục” – là hệ quả của nhượng bộ, khó có thể tưởng tượng rằng hệ quả sẽ là gì nếu không có sự nhượng bộ này).

Tuy nhiên, nếu BJP chỉ coi động thái này là một phần trong “danh sách việc cần làm” liên quan đến các vấn đề cộng đồng, thì tình hình an ninh ở Kashmir có thể sẽ nhanh chóng xấu đi. Trong khi các quan chức Ấn Độ có vẻ hy vọng rằng việc bắt giữ các chính trị gia, lệnh giới nghiêm vô thời hạn và cắt phương tiện liên lạc sẽ ngăn chặn bạo lực trong ngắn hạn – với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh được triển khai rộng rãi – thì tình hình này vẫn không thể duy trì lâu dài. Sẽ đến lúc Ấn Độ sẽ phải giảm bớt các điều kiện mà Kashmir hiện đang phải chịu. Đồng thời, nếu Ấn Độ thực sự muốn đưa người dân Kashmir vào chính trị chính thống, nỗ lực này không thể bắt đầu và kết thúc với động thái pháp lý này. Nếu Ấn Độ không làm vậy, Pakistan sẽ lảng vảng như một con linh cẩu đang chờ đợi để vồ lấy Kashmir./.

C. Christine Fair là giáo sư kiệt xuất trong chương trình nghiên cứu về an ninh tại Đại học Georgetown. Bà là tác giả của hai cuốn sách In Their Own Words: Understanding Lashkar-e-Tayyaba (Nhà xuất bản Oxford, 2018) và Fighting to the End: The Pakistan Army’s Way of War (Nhà xuất bản Oxford, 2014). Bài viết được đăng trên trang Lawfare.

Hà Lực (gt)