30/06/2011
Bài viết của GS. Mark Selden, Đại học Binghamton, New York phân tích về những phức tạp trong tranh chấp đảo Dokdo kéo dài hàng thập kỷ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong bài phân tích của mình, tác giả cho rằng sự không rõ ràng, bỏ ngỏ và không giải quyết triệt để các vấn đề về chủ quyền trong Hiệp định San Francisco năm 1951 là mầm mống cho hàng loạt tranh chấp lãnh thổ trong khu vực kéo dài cho đến tận ngày nay.
Khi những tranh chấp về chủ quyền ở Đông Á nhiều lần đẩy căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản (quần đảo Điếu Ngư/Senkakus), giữa Bắc và Nam Triều Tiên (đường ranh giới phía Bắc) và giữa Nhật và Nga (quần đảo phía Bắc/ quần đảo Kuriles) lên cao, cần phải nhắc lại rằng những tranh chấp này sẽ còn tiếp tục nổi lên không chỉ giữa các đối thủ lâu đời mà còn giữa các đồng minh.
Dokdo/Takeshima/Liancourt (sau đây được gọi là Dokdo) vẫn còn là “cái gai nhọn” trong quan hệ đương đại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Tính tranh cãi của vấn đề bắt nguồn từ những di sản chưa được giải quyết về chính trị và lãnh thổ trong hai thế kỷ của chủ nghĩa thuộc địa tại Đông Á, cũng như trong phán quyết về lãnh thổ thời hậu chiến của Hiệp định San Francisco. Vấn đề này thường được nhắc đến trong xung đột Nhật Bản – Hàn Quốc. Chúng ta phát hiện ra nhiều chi tiết mang tính lịch sử và hiện đại của tranh chấp này ở đây trong một khung tam giác kéo dài cả thế kỷ liên quan đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ[1].
Từ rất nhiều góc độ, vấn đề này lẽ ra thuộc nhóm vấn đề dễ giải quyết nhất trong số những tranh chấp nổi lên gây chia rẽ Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai đảo nhỏ và khoảng 35 hòn đá tạo nên Dokdo rất nhỏ bé (tổng cộng rộng 46 mẫu Anh), phần lớn không có người sinh sống (chỉ có một người Hàn Quốc đánh bắt bạch tuộc và vợ, một nhà thơ và một đội bảo vệ bờ biển/bộ phận nhà đèn Hàn Quốc luân phiên khoảng 35 người), và giá trị kinh tế thực tế là rất ít, mặc dù vùng đánh cá trong khu vực này rất giàu có và vùng xung quanh có thể có nhiều mỏ khí tự nhiên và khoáng sản.[2]
Tuy nhiên, sự tổng hoà của các phẫn nộ khác nhau của Hàn Quốc về quá khứ thuộc địa, mâu thuẫn lãnh thổ và một loạt các vấn đề song phương và khu vực chưa được giải quyết, phần lớn bắt nguồn từ mâu thuẫn cuộc chiến tranh Lạnh/nóng khiến chúng ta có thể khẳng định rằng vấn đề này sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, từ năm 1953, Dokdo thuộc quyền điều hành pháp lý của Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong tất cả các thỏa thuận song phương và đa phương, câu hỏi về Dokdo vẫn chưa được làm sáng tỏ; và mặc dù đôi khi vấn đề này đã được đề cập đến, ví dụ như trong các cuộc thương lượng năm 1965 về việc bình thường hóa quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc, phải mãi tới năm 2005, tranh chấp về Dokdo mới thực sự được dư luận biết đến khi Nhật đưa ra những yêu sách của mình. Như vậy, có thể nói trong khi các vấn đề căng thẳng liên tục khuấy động mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc từ năm 1945, Dokdo chưa bao giờ giữ vai trò là một vấn đề nổi cộm, đặc biệt là với dư luận trong khu vực. Thêm vào đó, trái ngược với các tranh chấp về chủ quyền do chiến tranh Châu Á – Thái Bình Dương và sự tan rã của chế độ Nhật hoàng gây ra và vẫn chưa được giải quyết trong Hiệp định San Francisco năm 1951 - Hiệp định chấm dứt sự chiếm đóng của Nhật Bản, ví dụ như tranh chấp về quần đảo Kiriles/quần đảo phía Bắc (sau đây được gọi là Kiriles), từ lâu đã là nguyên nhân cốt lõi gây nhiều bàn cãi trong mối quan hệ Nhật Bản – Nga và chấm dứt Hiệp định hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai; tranh cãi về Dokdo không liên quan đến một vấn đề nghiêm trọng nào về an ninh cũng như dân số. Và điểm cuối cùng phải nói tới, trong khi vì những lý do lịch sử sẽ được đề cập dưới đây, Dokdo mang ý nghĩa tình cảm rất quan trọng với người dân Hàn Quốc, thì Dokdo lại không mang một ý nghĩa lớn lao với bất cứ cấp chính quyền nào của Nhật Bản.
Tôi đề nghị chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề Dokdo trong khuôn khổ mối quan hệ nhiều mặt, phức tạp và thường xuyên có vấn đề của Nhật Bản – Hàn Quốc trong suốt 1 thế kỷ; đồng thời không quên vai trò quyết định của Mỹ trong việc tìm ra giải đáp cho câu hỏi về Dokdo, không chỉ vào thời điểm năm 1945, hoặc là năm 1951 khi Mỹ gieo mầm cho rất nhiều xung đột chủ quyền hiện tại trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khi phác ra Hiệp định San Francisco, mà chúng ta còn phải để ý tới vai trò của Mỹ từ lâu trước hẳn những mốc thời gian đó, từ khi xung đột này mới bắt đầu nảy sinh vào năm 1905.
Dokdo được nhắc đến trong các vấn đề xung đột về lãnh thổ, kinh tế và đường biên giới. Có lẽ cũng mang tầm quan trọng như ý nghĩa của Dokdo với người dân Hàn Quốc, nó có ý nghĩa quan trọng và nhạy cảm về chủ nghĩa dân tộc và lợi ích quốc gia trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ký ức lịch sử. Chúng ta có thể nhận thấy sự chia rẽ giữa hai dân tộc sáu thập kỷ sau thời thực dân đô hộ khá rõ ràng qua những cuộc tranh cãi bất đồng về nội dung sách giáo khoa, các đài kỷ niệm quốc gia, viện bảo tàng lịch sử, phim, truyện tranh, và dưới nhiều hình thức khác nữa. Vấn đề tranh cãi về lịch sử và xung đột về chủ quyền khá phức tạp này không chỉ ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ khác, như Nhật Bản – Trung Quốc, Nhật Bản – Nga, Trung Quốc – Hàn Quốc, và Triều Tiên – Hàn Quốc.
Dokdo dưới cách nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử và trong thời kỳ Nhật đô hộ
Như Alexis Dudden đã đề cập tới vấn đề này trong Những lời xin lỗi phiền hà giữa Nhật, Hàn Quốc và Mỹ, những yêu sách trong lịch sử mà Nhật Bản và Hàn Quốc thi nhau đưa ra hoàn toàn không mang lại một nền tảng vững chắc nào để giải quyết vấn đề Dokdo.[3] Tuy nhiên, lịch sử thế kỷ hai mươi lại đóng vai trò là nền tảng căn bản, ít nhất để làm sáng tỏ các sự kiện và các chủ thể dẫn tới sự thay đổi số phận của Dokdo, và giải thích nguồn gốc các yêu sách và những yêu sách phản đối. Trong khi rất nhiều các phân tích nhận định chú trọng vào khoảng thời gian sau thời thực dân và sau khi Hiệu ước San Francisco đã được ký kết, để có thể hiểu rõ các yêu sách đưa ra trong kỷ nguyên mới này, chúng ta không nên quên rằng quân đội Nhật chiếm Dokdo vào tháng một năm 1905, chính năm mà Nhật dùng vũ lực buộc Triều Tiên phải chấp nhận một hiệp ước buộc Triều Tiên sáp nhập.[4] Quyền kiểm soát Dokdo và hòn đảo Ulleungdo gần đó đóng một phần quan trọng vào thắng lợi của Nhật trước hải quân Liên Xô.[5] Hiệp ước Triều Tiên – Nhật Bản năm 1905 đã đóng lại thời kỳ Triều Tiên mang vai trò là một nước chư hầu của Trung Quốc, thời kỳ mà Trung Quốc chi phối các mối quan hệ quốc tế của Triều Tiên, và tác động mạnh mẽ lên cả chính trị và văn hóa Triều Tiên. Trái ngược với thời Triều Tiên trở thành một nước thuộc địa sau này, khi Triều Tiên là nước chư hầu của Trung Quốc, quốc gia này vẫn có quyền tự trị khá cao đối với các vấn đề trong nước.
Được khuyến khích bằng một loạt các thắng lợi quân sự với Trung Quốc và Nga năm 1895 và 1905, và đặc biệt với sự ủng hộ của Anh và Mỹ về yêu sách của mình, lực lượng quân đội Nhật đã đánh tan tác quân đội Triều Tiên, giết hơn 15,000 người trong khoảng thời gian từ năm 1907 đến 1909. Vào năm 1907, Nhật Bản đã ép vua Kojong, người luôn phản đối chế độ bảo hộ, từ bỏ ngai vàng, và đưa đứa con trai đần độn của ông là Sunjong lên nối ngôi, đưa Triều Tiên vào con đường bị thôn tính và lệ thuộc vào sự kiểm soát của chính quốc vào năm 1910.[6] Nói một cách khác, đối với người dân Hàn Quốc, việc Dokdo bị chiếm đóng cũng đồng nghĩa với sự khuất phục và nỗi nhục quốc gia dưới bàn tay quân Nhật, một vết thương vẫn còn nhói đau cho tới tận ngày nay. Như Bruce Cumíng miêu tả, “chế độ Nhật hoàng đã đâm một nhát dao vào thẳng Triều Tiên già cỗi, rồi quay cán dao, và vết thương đó vẫn luôn giày vò bản ngã dân tộc Hàn Quốc cho tới tận ngày nay[7].” Ngược lại, đối với Nhật, ngoài lợi ích nhất thời trong cuộc chiến Nhật – Nga, Dokdo không mang ý nghĩa to lớn gì[8]. Trong những thập niên sau này, Nhật tiếp tục càn quét và chiếm được vô số vùng lãnh thổ khác để tạo nên một đế chế rộng lớn nhưng tồn tại không lâu ở Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Triều Tiên, Manchukuo, một phần đất đai rộng lớn của Trung Quốc, hầu hết Đông Nam Á, và Micronesia. Nếu so sánh với những vùng được Nhật chiếm đóng sau này, rõ ràng Dokdo thuộc một trong số vô vàn vùng bị chiếm nhỏ bé không mấy quan trọng đối với Nhật Bản.
Tuy nhiên, từ năm 1905, đây không chỉ đơn thuần là câu chuyện giữa Nhật Bản – Triều Tiên, hoặc thậm chí giữa Nhật Bản – Triều Tiên – Trung Quốc. Hiệp định chính thức hóa sự chiếm đóng của Nhật trên Dokdo và mở đường cho sự sáp nhập là Thỏa hiệp Taft-Katsura. Thỏa hiệp này thực tế đã được tán thành trong một thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản, trong đó Nhật Bản đồng thuận việc để Philippines trở thành một nước thuộc địa, và đổi lại, Mỹ phải công nhận sự thôn tính của Nhật với Triều Tiên. Và như vậy, thập niên 1895 – 1905 chứng kiến tham vọng đế quốc của hai cường quốc với sức mạnh ngày càng lớn ở Châu Á là Nhật Bản và Mỹ. Và trong trường hợp này, họ thu và chia chác lợi nhuận từ sự nô dịch và khuất phục của người dân Triều Tiên và Phillipines. Và gần nửa thế kỷ sau đó, Mỹ lại một lần nữa đóng vai trò then chốt trong việc gieo rắc mầm mống cho xung đột Dokdo sau chiến tranh Châu Á – Thái Bình Dương.
Hiệp ước San Francisco, mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản – Hàn Quốc, và chiến tranh Mỹ tại Châu Á
Kimie Hara đã lần theo các bản dự thảo của Mỹ và Mỹ - Anh cho Hiệp ước San Francisco có đề cập đến vấn đề Dokdo và các vấn đề lãnh thổ khác, trong bối cảnh xung đột với Nga/ Trung Quốc tăng cao – cuộc xung đột mà Hara gọi là hệ thống Chiến tranh lạnh ở Châu Á – Thái Bình Dương[9].
Khi nhìn nhận Dokdo như một vấn đề nổi cộm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, chúng ta cũng không nên quên một điều quan trọng là bằng việc để ngỏ và không giải quyết triệt để các vấn đề về chủ quyền cũng như vạch đường biên giới cụ thể giữa các vũng lãnh thổ, ở đây chúng ta không chỉ đề cập đến Bắc – Nam Triều Tiên, hay Đài Loan – Trung Quốc, mà còn có vấn đề Dokdo và một loạt các đảo khác còn đang gây tranh cãi trên Biển Đông, Mỹ thông qua Hiệp ước San Francisco đã gieo mầm cho một loạt các xung đột sau này, và cho đến ngày nay, vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ song phương và đa phương của các nước trong khu vực. Ví dụ trong trường hợp cụ thể này, xung đột xảy ra giữa các nước vốn là đồng minh cùng thuộc phe các quốc gia Mỹ đóng quân sau chiến tranh Châu Á – Thái Bình Dương. Hara chỉ ra rằng tất cả những xung đột này “đều có một nền tảng chung, đó chính là hệ thống San Francisco bắt nguồn từ Hiệp ước Hòa bình với Nhật năm 1951[10].” Những bên có liên quan trong các xung đột lãnh thổ này, bao gồm cả những bên Mỹ không đề cập tới trong Hiệp ước, như Nhật, Hàn Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Hoa Đài Bắc, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Liên Xô (Nga), và nhiều nước Đông Nam Á khác. Bên cạnh Dokdo, các vùng lãnh thổ còn đang tranh cãi bao gồm Đài Loan, quần đảo Kuriles/quần đảo phía Bắc, quần đảo Điếu Ngư/Senkakus, quần đảo Trường Sa (Nansha) và quần đảo Hoàng Sa (Xisha) với sự tham gia của rất nhiều quốc gia khác nhau ở Châu Á.
Các quần đảo trong vòng tranh cãi ở Biển Đông
Theo thời gian, các bản dự thảo Hiệp ước của Mỹ thay đổi tùy vào bối cảnh địa chính trị và tình hình của cuộc chiến tranh Mỹ - Triều và của xung đột Mỹ - Liên Xô/Trung Quốc. Chính điều này đã mang lại lợi thế cho Nhật Bản khi giải quyết các vấn đề về lãnh thổ; và trong trường hợp cụ thể của Dokdo thì Hàn Quốc là bên chịu thiệt. Điều này cũng trùng hợp với việc Mỹ thay đổi chỗ đứng của mình, từ vị trí đồng tình với phong trào chống chủ nghĩa thực dân, bao gồm cả phong trào ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, sang vị trí luôn bận tâm lo ngại về chủ nghĩa cộng sản khi xung đột giữa Mỹ - Liên Xô và Mỹ - Trung Quốc tăng cao khiến Mỹ đặt việc mở rộng lãnh thổ và củng cố căn cứ quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương lên hàng đầu. Và cho tới trước năm 1945, một đế chế các căn cứ và lãnh thổ của Mỹ đã được xác lập, dưới hình thức quân sự và đô hộ, ở Nhật, Okinawa, Hàn Quốc, Phillipines, và Micronesia. Đặc biệt khi quân cộng sản Trung Quốc dành thắng lợi trong cuộc nội chiến Trung Hoa, trước năm 1947, Nhật được biến đổi từ vị trí địch thủ, bị tước vũ trang và vĩnh viễn không được tham gia vào bất cứ một cuộc chiến nào sang vị trí một đồng minh phụ thuộc. Tái công nghiệp hóa Nhật Bản được đặt lên hàng đầu, và Nhật được sắp đặt để trở thành căn cứ hậu phương hiệu quả trong các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương, bắt đầu là cuộc chiến Mỹ - Triều vào tháng 6 năm 1950. Góc độ Mỹ nhìn nhận về cách dàn xếp các vấn đề lãnh thổ, hậu quả của cuộc chiến Châu Á – Thái Bình Dương, thay đổi theo lý luận hậu chiến, phần lớn chịu ảnh hưởng của xung đột Mỹ - Liên Xô và Mỹ - Trung Quốc.
Hiệp ước San Francisco được thảo ra để kết thúc sự chiếm đóng của quân Đồng minh trên đất Nhật và đóng vai trò là một hiệp ước hòa bình cho Nhật Bản và những kẻ thù của quốc gia này. Những bản dự thảo đầu tiên của Hiệp ước này đã đề cập đến việc trả lại Dokdo về cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 1949, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ với Liên Xô và sự lớn mạnh của Trung Quốc, các bản dự thảo của Hiệp ước lại công nhận Dokdo như một phần của Nhật Bản. Và cho đến khi Hiệp ước này chính thức được ký kết vào tháng 9 năm 1951, các thông tin con số cụ thể về đường biên giới cũng như tình trạng chủ quyền của các khu vực chúng ta đã đề cập đến ở trên đều bị bỏ ngỏ khiến các vấn đề lãnh thổ không được giải quyết triệt, mở đường cho bất hòa sau này giữa Nhật Bản và các nước láng giềng. Như vậy, hiệp ước hoàn toàn làm thinh về vấn đề Dokdo. Hara đưa ra giả thiết rằng sự bỏ ngỏ có dụng ý trong trường hợp Dokdo và một loạt các vấn đề lãnh thổ khác – thất bại trong việc phân định rõ các hòn đảo thuộc về chủ quyền của quốc gia nào và/hoặc chỉ ra rõ ràng kinh tuyến và vĩ tuyến các vùng chủ quyền lãnh thổ - chính là chiến lược của John Foster Dulles để tối đa hóa tác dụng đòn bẩy của Mỹ thông qua khả năng nước này có thể giải quyết các xung đột vốn bắt nguồn từ chính sự mơ hồ trong ngôn ngữ dùng trong bản hiệp ước[11]. Rõ ràng kết quả từ việc này là Mỹ đã có được sức mạnh quân sự vượt trội trong khu vực và qua đó, nước này can thiệp và sắp đặt kết quả các sự việc.
Deokwoo Lee và Jon Van Dyke, những học giả cũng đang nghiên cứu cặn kẽ các bản dự thảo của Hiệp ước San Francisco có liên quan đến vấn đề Dokdo, đã chỉ ra rằng trong năm bản dự thảo đầu tiên, và trong bản dự thảo thứ 7, Dokdo được trả về cho Hàn Quốc; tuy nhiên đến bản dự thảo thứ 6, 8, 9 và 14, lãnh thổ của Nhật lại bao gồm cả Dokdo. Tuy nhiên, trong các bản dự thảo từ thứ 10 đến thứ 13, và từ thứ 15 đến thứ 18, và, đặc biệt quan trọng là trong bản dự thảo cuối cùng, Dokdo lại hoàn toàn không được nhắc đến[12]. Tại sao? Trong khi Hara dùng lý luận Machiavellian để giải thích thì Lee và Van Dyke lại cho rằng Mỹ và đồng minh của Mỹ chọn phương án nhanh chóng hoàn thành bản Hiệp ước do thời gian hạn hẹp trong bối cảnh chiến tranh Mỹ - Triều đang diễn ra, và do đó, đã để ngỏ không giải quyết một số vấn đề. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng dưới sự quản lý của Dulles, và khi chiến tranh Mỹ - Triều đang diễn ra khá ác liệt, sự ưu ái sẽ thuộc về Nhật với vai trò là quốc gia ủng hộ hậu thuẫn cho Mỹ. Do đó, thay vì trả Dokdo lại cho Hàn Quốc, và chấp nhận rủi ro nó có thể rơi vào tay Bắc Triều Tiên nếu họ dành thắng lợi, mở đường cho Bắc Triều Tiên tấn công Tsushima và Nhật Bản, các nhà soạn dự thảo hiệp ước đã không đề cập tới vấn đề này. Dù quyết định này có được giải thích thế nào chăng nữa, rõ ràng là lý luận của Hara khá nhất quán và phù hợp với lịch sử của sáu thập kỷ vừa qua: không chỉ Dokdo, mà quần đảo phía Bắc, quần đảo Điếu Ngư/Senkakus, quần đảo Hoàng Sa và rất nhiều quần đảo khác trở thành bãi mìn các xung đột, và hầu hết những xung đột này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Chính điều này đã cho phép Mỹ có thể nắm giữ vai trò quan trọng trong việc định hình, sắp xếp tình hình tại đây. Và điểm khác cũng không kém phần rõ ràng được nêu lên trong một kết luận chung của cả Hara, Lee và Van Dyke, và Kent Calder, là quyết định về Dokdo không phải bắt nguồn từ việc xem xét các yêu sách về chủ quyền trong lịch sử, mà chủ yếu bắt nguồn từ tính toán địa chính trị của Mỹ và quân đồng minh.
Trong khi các nhà soạn dự thảo tranh cãi nhau, Dokdo cũng không bị bỏ không. Từ năm 1947 đến 1952, Mỹ đã biến khu vực này thành khu tập đánh bom cho phi công Mỹ đóng quân tại Nhật[13].
Không lâu sau khi Hiệp ước được ký kết, vào ngày 18 tháng 01 năm 1952, Syngman Rhee tuyên bố cái được gọi là đường Rhee, xác định rõ biên giới giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó Dokdo nằm bên lãnh thổ Hàn Quốc. Mặc dù Nhật Bản đã biểu tình phản đối và không công nhận quyền đòi Dokdo của Hàn Quốc, ngay năm sau đó, một lực lượng quân đội nhỏ của Hàn Quốc đã chiếm đóng Dokdo. Vào năm 1954, Hàn Quốc dựng lên một ngọn hải đăng, và từ đó tới nay, nước này vẫn nắm quyền kiểm soát Dokdo mà không cần một hiệp ước chính thức nào. Hàn Quốc đã liên tục gạt sang một bên tất cả các cố gắng của Nhật để đưa ra câu hỏi về chủ quyền của Dokdo thông qua 24 công hàm trong khoảng thời gian từ năm 1952 đến 1960[14]. Trong cuộc chiến tranh Liên Triều, với sự ủng hộ trực tiếp của Nhật Bản dành cho liên minh Mỹ - Hàn, và sau thời gian đình chiến năm 1953, cả Mỹ và Nhật đều không đưa ra một hành động công khai nào để thay đổi tình trạng này, và vấn đề Dokdo rơi vào quên lãng như một điểm sáng lóe lên trong lịch sử quốc tế rồi tắt, hoặc ít ra là có vẻ như vậy.
Tái thiết lập mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc trong một Châu Á bị chia rẽ
Phải mất hai thập kỉ sau thất bại của Nhật, mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc mới được nối lại. Dù Mỹ đã cố gắng dùng áp lực để hòa hợp mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống Cộng sản, và dù Nhật có giúp Hàn Quốc trong cuộc chiến Mỹ - Triều, sự đối địch ngấm ngầm bắt nguồn từ mối quan hệ thực dân – thuộc địa vẫn ngăn cản việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước này. Đường biên Rhee và Dokdo là hai trong nhiều vấn đề còn tranh cãi giữa hai nước. Trong từ điển bách khoa wikipedia của Nhật, Takeshima được định nghĩa như sau:”Trước khi Hiệp ước căn bản giữa Nhật Bản – Nam Triều Tiên được ký kết vào ngày 22 tháng 6 năm 1965, 328 thuyền đánh cá của Nhật đã bị bắt do đi qua đường biên Rhee, 44 người Nhật đã bị giết hoặc bị thương, 3929 người bị cầm tù. Tàu tuần tra bờ biển của Nhật bị bắn 15 lần, và 16 tàu bị tấn công[15].” Tuy nhiên, định nghĩa này lại không hề đả động đến việc có bao nhiêu tàu đánh cá của Hàn Quốc đã bị bắt, cũng như bao nhiêu lần tàu tuần tra bờ biển Nhật bắn phía Hàn Quốc[16].
Bây giờ chúng ta hãy cùng bàn đến Hiệp ước quan hệ nền tảng giữa Nhật và Hàn Quốc năm 1965 với chú trọng vào vấn đề Dokdo.
Đầu tiên, mặc dù Mỹ đã cố gắng làm trung gian để tìm ra một giải pháp thỏa hiệp cho cả hai bên, bao gồm cả việc chung quyền kiểm sóat ngọn hải đăng, Nhật vẫn liên tiếp nỗ lực đưa ra câu hỏi về chủ quyền Dokdo, và luôn bị các nhà ngoại giao Hàn Quốc cứng rắn bác bỏ[17]. Và cuối cùng, cũng như trong Hiệp ước San Francisco, Dokdo hoàn toàn không được nhắc đến trong hiệp ước bình thường hóa quan hệ, và Hàn Quốc vẫn nắm quyền kiểm soát Dokdo mà không có một văn bản chính thức nào quy định.
Thứ hai, văn bản ngoại giao dài 1200 trang về Hiệp ước 1965 mà chính phủ Hàn Quốc công bố năm 2005 hé lộ một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết xung đột, có liên quan đến thời thực dân. Cuối cùng, Hàn Quốc từ bỏ yêu cầu đòi bồi thường và chấp nhận lấy 800 triệu đô trợ cấp và những khoản vay mềm để phát triển quốc gia. Dù Hàn Quốc đòi 364 triệu đô bồi thường cho 1,03 triệu người dân Hàn Quốc bị cưỡng bức đi lính và lao động, chính phủ nước này lại chỉ trả gia đình nạn nhân một khoản khá khiêm tốn là 300.000 won cho mỗi người bị chết, và dùng phần tiền thừa khổng lồ còn lại cho mục đích riêng[18]. Còn về phần mình, Nhật hoàn toàn không thừa nhận tội ác chiến tranh cũng như sự tàn bạo của mình đối với những người dân lao động cưỡng bức (vấn đề về phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục cũng không được nhắc tới trong Hiệp ước). Từ hồi đó tới nay, tòa án Nhật phủ nhận tất cả các lời buộc tội, và Nhật không trực tiếp bồi thường bất cứ một khoản nào cho những người bị ép đi lao động hoặc những nạn nhận khác. Tóm lại, Hiệp ước không cung cấp một nền tảng quan trọng nào để giải quyết các xung đột trong quá khứ hoặc mở đường cho hòa giải hai nước. Thay vào đó, sự đối đầu lịch sử từ thời thực dân vẫn còn đó[19]. Trong bối cảnh một Châu Á bị chia cắt – hệ thống hai cực thời hậu chiến ở Châu Á – Thái Bình Dương càng được củng cố mạnh thêm khi Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam đều bị chia cắt – và với một chuỗi các chiến tranh liên tiếp (đặc biệt là cuộc chiến Mỹ - Triều và Mỹ - Đông Dương), Hiệp ước Hàn Quốc – Nhật Bản đã quét sạch các vấn đề quan trọng xuống dưới thảm.
Ký ức lịch sử về chế độ thực dân và chiến tranh, và mối quan hệ Nhật – Hàn sau sự sụp đổ của Liên Xô và dân chủ hóa của Triều Tiên
Những thập niên sau Hiệp ước 1965 đã chứng kiến nhiều phát triển quan trọng, trong đó có sự sụp đổ của chế độ độc tài, sự lớn mạnh của lực lượng dân chủ của Triều Tiên trong những năm 80, và sự tan rã của Liên Xô mười năm sau đó. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, căng thẳng giữa Nhật Bản – Hàn Quốc vẫn chưa được giải quyết. Xung đột lịch sử liên tục diễn ra trong những năm 90 và cho tới bây giờ. Những vấn đề lớn trước đây vốn bị giữ kín bởi chế độ độc tài và/hoặc bởi chính sách cưỡng chế của Mỹ giờ trỗi dậy ở cả phía Nam Triều Tiên và Nhật Bản, có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị đối nội và mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc. Những vấn đề này, xoay quanh việc công nhận hành vi sai trái của mình, nhận lấy trách nhiệm, và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân dưới thời Nhật đô hộ, bao gồm:
· Những phụ nữ bị bắt đi từ nhiều vùng khác nhau của đế chế Nhật (ước tính khoảng từ 80.000 đến 110.000 người, thậm chí có thể lên tới 200.000 người), hầu hết là người Trung Quốc và Triều Tiên. Những phụ nữ này bị ép buộc làm nô lệ tình dục ở những nơi Nhật đóng quân trong những năm từ 1931 đến 1945
· Những người Trung Quốc và Triều Tiên bị cưỡng bức phải lao động, con số này có thể lên tới một triệu người, phải làm việc (và thường chết) trong những điều kiện tồi tệ, phần lớn không được nhận lương, tại các hầm mỏ và nhà máy của doanh nhân Nhật ở Nhật và Manchuria.
· Khoảng 40.000 nạn nhân Triều Tiên chết trong cuộc đánh bom nguyên tử tại Hiroshima. Có lẽ còn nhiều người Triều Tiên hơn chết trong cuộc đánh bom 64 thành phố Nhật, tuy nhiên, không có một con số thống kê chính thức nào về vụ này. Trong khi các nạn nhân bom nguyên tử của Nhật từ lâu đã nhận được trợ giúp y tế từ Nhật Bản (chứ không phải là Mỹ), hầu hết các nạn nhân Triều Tiên, đặc biệt là những người còn sống sót và trở về Triều Tiên, thì lại không nhận được bất cứ một sự trợ giúp hoặc công nhận chính thức nào từ cả phía Nhật lẫn chính phủ Nam và Bắc Triều Tiên.
· Nội dung sách giáo khoa của Nhật về thời đô hộ và chiến tranh. Các nhà phê bình chỉ ra rằng trong các cuốn sách lịch sử và sách giáo khoa xã hội học, Nhật Bản chỉ gián tiếp, hoặc thậm chí không đề cập tới những gì đã xảy ra với Triều Tiên và Trung Quốc, về sự đàn áp, chế độ thực dân, tội ác chiến tranh và sự hung bạo của Nhật.
Các phong trào xã hội đẩy mạnh dân chủ hóa ở Nam Triều Tiên vào những năm 80 dẫn tới việc kêu gọi công bằng và bồi thường cho các nạn nhân. Những phong trào này coi Nhật Bản là mục tiêu căn bản; phê phán Nhật và đòi hỏi lời xin lỗi chính thức cùng bồi thường cho các nạn nhân là hai trong số những mụch đích của phong trào[20]. Ủy ban Sự thật và Hàn gắn Hàn Quốc (TA: ROK Truth and Reconciliation Commision) được thành lập năm 2000. Ủy ban này nghiêm khắc điều tra các tội ác của Mỹ và chế độ độc tài Hàn Quốc, trong đó phải kể đến Mỹ với vụ Nogunri và rất nhiều tội ác khác liên quan đến các vụ thảm sát của người dân trong chiến tranh Liên Triều; và Hàn Quốc với hàng loạt cuộc đàn áp của chế độ độc tài, ví dụ như vụ thảm sát Kwangju, Jeju và Taejon[21].
Trong những vụ việc kể trên – mặc dù các nhà ái quốc Hàn Quốc và báo chí thường phớt lờ hoặc giảm nhẹ những đóng góp này – các nhà hoạt động chính trị và luật sư Nhật, đôi khi cả các nhà nghiên cứu và hoạt động chính trị quốc tế đã cùng chung sức với nạn nhân Triều Tiên ở Hàn Quốc, Zainichi, và cộng đồng người Do Thái Triều Tiên ở Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Âu và nhiều nơi khác để nghiên cứu, công bố và khởi tố các vấn đề này, và thúc ép đòi lời xin lỗi chính thức, sự phán xét hợp pháp và bồi thường cho các nạn nhân[22]. Như vậy, đối với các vấn đề gây tranh cãi mạnh mẽ như phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục và dân thường bị bắt đi lao động một cách cưỡng bức, chính sự chung sức quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc đưa những vấn đề này ra ánh sáng dư luận và bền bỉ đấu tranh trong các cuộc vận động và kiện tụng kéo dài tới hàng chục năm. Và trong mỗi trường hợp, Nhật, Hàn Quốc và Mỹ đều tranh cãi nhau nảy lửa.
Sau khi Liên Xô tan rã, mọi người mới có thể công khai bàn luận về các vấn đề này. Điều này cũng trùng hợp với sự nổi lên của các lực lượng dân chủ ở Hàn Quốc và các phong trào xã hội quốc tế, trong đó có phong trào giải phóng phụ nữ và phong trào chống chiến tranh. Chính những phong trào này đã tạo điều kiện để các nhóm khác nhau ở Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác liên kết lại với nhau. Thực tế là sau chiến tranh Mỹ - Đông Dương năm 1975, Đông Á có được hòa bình, và điều này có vai trò lớn trong việc tạo điều kiện cho những phong trào liên quốc gia này thu hút được sự chú ý.
Tuy nhiên, lợi ích không phải dễ dàng mà có được. Mặc dù các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhiều lần xin lỗi, sự tức giận của Hàn Quốc vẫn còn khá sâu đậm do những lời xin lỗi chính thức này, và cả những phong trào hàn gắn lúc nào cũng khuấy lên phản ứng dữ dội của Nhật qua các vụ bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc mới, ví dụ như vụ tranh cãi về nội dung sách giáo khoa[23]. Và kết quả là những lời xin lỗi chính thức này trở nên vô hiệu, và càng đào sâu thêm mối bất hảo với Nhật, đặc biệt trong lòng những người Hàn Quốc đã là nạn nhân của thời đô hộ thực dân và chiến tranh. Chính sự chia rẽ này mang lại rất nhiều khó khăn cho việc bàn về vấn đề Dokdo và về những xung đột song phương khác giữa Nhật Bản – Hàn Quốc. Điều tương tự cũng xảy ra trong mối quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc.
Bên cạnh bối cảnh giải thích ở trên, những diễn biến khác cũng ảnh hưởng tới vấn đề Dokdo và rất nhiều hòn đảo “mồ côi”khác, những nơi mà chủ quyền và đường biên giới vẫn chưa được xác định rõ ràng trong Hiệp ước San Francisco. Sau hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), được thông qua năm 1982, tầm quan trọng của Dokdo càng tăng cao. Khi các quốc gia được phép đòi chủ quyền biển của mình ra tới 12 hải lý từ bờ biển, và vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý tính từ vạch ranh giới nội thủy[24], Dokdo và rất nhiều hòn đảo khác trở nên càng quan trọng hơn. Và chính triển vọng có thể có khí gas tự nhiên và khoáng sản dưới đáy biển khu vực này càng làm cho giá trị của những hòn đảo tăng lên trong mắt cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Sự tranh chấp trên những hòn đảo này chính là bằng chứng cho hậu quả của Hiệp ước San Francisco, đặc biệt là sự tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc – Nhật Bản, quần đảo Trường Sa/Nansha giữa Trung Quốc, Phillipines, Việt Nam, Malaysia và nhiều nước khác
Dokdo nhìn từ khía cạnh khu vực
Từ năm 1994, vấn đề Dokdo luôn được nhắc tới hầu hết là khi Nhật đòi chủ quyền ở khu vực này. Khi Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc có hiệu lực năm 1994, cả Hàn Quốc và Nhật đều đòi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý[25]. Năm 1996, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Ikeda Yukihino đưa ra yêu sách với Dokdo, đây là lần đầu tiên mở đầu cho rất nhiều yêu sách sau này.
Chúng ta cũng có thể thấy được dấu hiệu sự thoả hiệp ở đây. Vào tháng 1 năm 1999, Hàn Quốc và Nhật Bản thiết lập một khu đánh bắt cá tạm thời trên biển Hoa Đông, và Dokdo nằm trong khu vực này. Điều này gợi ra rằng có thể giải quyết được xung đột lãnh thổ thông qua một khung hợp tác song phương bao quát hơn. Tuy nhiên, với sự chống đối vốn có, Hàn Quốc từ chối thực hiện biện pháp quy định chung này[26].
Như vậy, luồng gió thỏa hiệp nhanh chóng biến mất. Vào ngày 26 tháng 2 năm 2005, “Ngày Takeshima”, các quan chức địa phương tại Shimane lại lặp lại yêu sách với Dokdo ở mức độ cao nhất. Quan điểm này không chỉ của riêng Shimane. Năm 2008, cuốn sách giáo khoa mới phát hành của Nhật khẳng định chủ quyền của Nhật đối với Dokdo. Và vào ngày 22 tháng 2 năm 2011, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ tham gia sự kiện Shimane đòi Takeshima lại cho Nhật[27]. Và không lâu sau đó, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nhật xuất bản sách giáo khoa trung học và sách khoa học xã hội mới. Tất cả 12 cuốn sách này đều cho phép công nhận Dokdo (Takeshima) là của Nhật Bản, và bốn cuốn khác gọi sự cai quản của Hàn Quốc trên khu đảo này là “sự chiếm đóng bất hợp pháp”.[28]
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản phần lớn phớt lờ, chuyển từ các kênh chính thức sang tư nhân, hoặc liên tục chối bỏ yêu cầu đòi được xin lỗi một cách chính thức và bồi thường cho tội ác chiến tranh do các nạn nhân, bao gồm phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục và người dân bị bắt đi lao động Hàn Quốc, và các nhà hoạt động xã hội đưa ra. Mặc dù các nhà nghiên cứu Nhật Bản và thế giới đã chứng minh được bằng văn bản tội ác của Nhật trong chiến tranh, và dù tòa án đã công nhận sự chính đáng của những đòi hỏi này, tòa án Nhật vẫn một mực chối bỏ mọi lời buộc tội và đòi hỏi bồi thường, viện lý do là đạo luật đã hết hiệu lực.[29]
Tuy nhiên, đáng chú ý là một vài tập đoàn đã có ý định bồi thường cho các nhân công bị ép đi lao động trong thời chiến như một giải pháp để khép lại vấn đề này. Dĩ nhiên những tập đoàn này đã nhận ra cơ hội kinh tế lớn hơn khi mở rộng kinh doanh sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ một khi họ trút bỏ được gánh nặng tai tiếng là ép nhân công đi lao động. Vấn đề Dokdo cũng có thể được giải quyết với lô-gíc y hệt như vậy. Tuy nhiên, cũng như sự chậm chạp khi giải quyết vấn đề của các tập đoàn, vấn đề Dokdo vẫn đóng băng tại chỗ.
Liệu có thể gói gọn cả vấn đề về chủ quyền lãnh thổ và xung đột lịch sử vào một khuôn khổ rộng lớn hơn của sự hiểu biết lẫn nhau và cùng hướng về một tương lai chung? Để làm được điều này, không chỉ các nhà cầm quyền Nhật, mà còn cả người Hàn Quốc, người Trung Quốc và người Mỹ, tất cả phải vượt lên trên chủ nghĩa dân tộc của cá nhân quốc gia mình và cách suy nghĩ hiện thời để tập trung vào lợi ích chung của các nước Đông Á. Thất bại trong việc tận dụng cơ hội tạo ra một môi trường thân thiện giữa các nước trong khu vực chắc chắn dẫn đến hậu quả là các bên có liên quan sẽ phải trả một giá rất đắt khi các nền kinh tế phụ thuộc vào nhau nhiều hơn và đòi hỏi sự thỏa hiệp của các bên.
Kết luận
Trong cách nhìn nhận của cá nhân tôi, việc Hàn Quốc sở hữu Dokdo là có sức thuyết phục cao, phù hợp với luật quốc tế, với lịch sử thế kỷ hai mươi, và hợp đạo lý. Như Lee và Van Dyke đã nhận thấy, “sự cư ngụ lâu dài có hiệu quả (từ năm 1953), đặc biệt khi đi kèm với yêu sách mang tính lịch sử mạnh mẽ đối với Dokdo, đã tạo nên những lý lẽ đầy sức thuyết phục cho việc Hàn Quốc đòi lại chủ quyền ở đây”.[30] Yêu sách chủ quyền này còn được củng cố thêm bằng sự kiện lịch sử năm 1905 khi Nhật chiếm đóng khu đảo và đô hộ Triều Tiên, và việc Nhật đã không đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường các nạn nhân dưới sự hung bạo thời thực dân của mình, ví dụ như phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục và người dân phải đi lao động cưỡng bức. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề giữa hai quốc gia là thông qua một thỏa thuận như kiểu hiệp định năm 1996 về quyền đánh bắt hải sản (hiệp định được thông qua nhưng không bao giờ được thực thi), và qua đó chia sẻ quyền lợi trên biển. Sự thỏa thuận này có thể bao gồm cả việc phát triển các dự án dầu, khí, khoáng sản và những mặt khác mà hai bên cùng quan tâm. Thoả thuận này không chỉ dừng lại ở Dokdo mà còn có thể mở rộng ra những hòn đảo khác có tình trạng tương tự như Tsushima. Với cách này, sự thoả hiệp có thể đóng vai trò là nền móng cho sự hợp tác giữa hai nước.
Xung đột năm 2010 giữa Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên DPRK và Hàn Quốc xoay quanh cách nhìn nhận khác nhau quanh vấn đề đường biên giới phía Bắc, và giữa Trung Quốc và Nhật về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, cùng làn sóng chủ nghĩa dân tộc và động thái quân sự trong mỗi xung đột nêu trên khiến chúng ta có thể dễ dàng hiểu được vì sao những vấn đề về chủ quyền trên biển, vốn bắt nguồn từ thuế kỉ 19, vẫn còn khá bức xúc trong các cuộc chiến của thế kỉ 20.[31] Khả năng có thể đưa ra thỏa hiệp cho việc này là khá ảm đạm.
GS. Mark Selden, Đại học Binghamton, New York
Người dịch: Đỗ Mai Lan
Hiệu đính: Nguyễn Thúy Hằng
Đây là phiên bản được sửa và cập nhật của một tài liệu được chuẩn bị cho Hội thảo Johns Hopkins SAIS về Dokdo, Takeshima, Liancourt Rocks: Rethinking Territorial Disputes in East Asia, trường Advanced International Affairs, Đại học Johns Hopkins, Washington DC, ngày 26-27 tháng 6 năm 2009.
Mark Selden là một điều phối viên của Asia-Pacific Journal and Senior Research Associate trong chương trình Đông Á của Đại học Cornell. Những cuốn sách mới được xuất bản của ông bao gồm: Chinese Society: Change, Conflict and Resistance (cùng Elizabeth Perry), China, East Asia and the Global Economy: Regional and historical perspectives, The Resurgence of East Asia: 500, 150 and 50 Year Perspectives, vàWar and State Terrorism: The United States, Japan, and the Asia-Pacific in the Long Twentieth Century (cùng Alvin So). Website cá nhân của ông là: www.markselden.info.
Bản gốc tiếng Anh “Mark Selden, Small Islets, Enduring Conflict: Dokdo, Korea-Japan Colonial Legacy and the United States”, The Asia-Pacific Journal Vol 9, Issue 17 No 2, ngày 25 tháng 4, 2011.
Các bài viết liên quan:
• Totsuka Etsuro, Japan’s Colonization of Korea in Light of International Law
• Tessa Morris-Suzuki, Guarding the Borders of Japan: Occupation, Korean War and Frontier Controls
• Tanaka Sakai, Rekindling China-Japan Conflict: The Senkaku/Diaoyutai Islands Clash
• Hankyoreh and William Underwood, Recent Developments in Korean-Japanese Historical Reconciliation
• Tessa Morris-Suzuki, Remembering the Unfinished Conflict: Museums and the Contested Memory of the Korean War
• Kimie Hara, Micronesia and the Postwar Remaking of the Asia Pacific: “An American Lake”
Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.
[1] Tôi mang ơn những lời góp ý và gợi ý của Reinhard Drifte, Kimie Hara và Heonik Kwon.
[2] Bên cạnh những người dân còn có 613 hộ gia đình, đưa tổng số lên 2.051 người Hàn Quốc đã định cư trên Dokdo năm 2007. Việc này để trả lời cho những yêu sách của Nhật đối với khu đảo này. Năm 2005, 26 người Nhật đầu tiên đến định cư tại khu vực các đảo còn đang tranh cãi như Kuriles, Điếu Ngư/Senkakus, và Okinotorishima; và cho đến tháng 2 năm 2011, con số này đã lên tới 69 người, và tổng cộng có 520 người Nhật đã từng định cư tại những khu vực này. Reiji Yoshida, “26 người Nhật ‘định cư’ tại Takeshima ” Japan Times, ngày 18 tháng 5, 2005; “69 người Nhật chuyển tới định cư ở Dokdo,” Chosun Ilbo ngày 21 tháng 2, 2011. Chúng ta cũng nên biết rằng Bắc Triều Tiên cũng cho rằng Dokdo thuộc địa phận Triều Tiên.
[3] Troubled Apologies. Among Japan, Korea, and the United States (New York: Ấn phẩm trường Đại học Columbia, 2008), trang 19. Sự khác nhau về định nghĩa về Dokdo trên Wikipedia, truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2009, bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, và các xung đột lịch sử cũng như đương đại về Dokdo cũng nói lên điều này. Định nghĩa bằng tiếng Anh không ít thì nhiều vẫn dịch cách nhìn của Hàn Quốc và Nhật về các sự kiện mốc lịch sử từ thế kỷ 12, khiến cho người đọc không thể phán đoán được giá trị pháp lý, hay tính hòa giải, và cách nhìn cận khác nhau về các yêu sách lịch sử trong suốt một nghìn năm qua. Phiên bản tiếng Anh đưa ra lời cảnh báo vừa phải: “định nghĩa này vẫn còn tranh cãi chưa thể xác minh được, nó có thể khá khó hiểu, và không phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của Wikipedia, và phần lớn định nghĩa này được viết dưới dạng các tranh luận, hơn là một định nghĩa trong từ điển bách khoa.” Ngược lại, định nghĩa này của Nhật lại thể hiện rõ vị trí của chính phủ Hàn Quốc và chính phủ Nhật với những cơ sở cốt yếu như SCAPINS (677, 1033), sách về luật quốc tế, lời phát biểu của Gaimusho và Hàn Quốc. Cả hai định nghĩa này đều giới thiệu nguồn của Nhật, Hàn Quốc và Anh, trong đó có cả các tài liệu của chính phủ. Tránh việc đặt đối đầu cách diễn giải của Nhật Bản và Hàn Quốc (và các quốc gia khác), Wikipedia bằng tiếng Anh hóm hỉnh nhận xét về tính thuyết phục rằng với đủ thiện chí, sự thật sẽ nổi lên từ ít nhiều bằng chứng lịch sử trung lập của các bên liên quan. Tuy nhiên, phần lớn nó vẫn khá khó hiểu. Khi tôi truy cập lại vào định nghĩa bằng tiếng Nhật vào ngày 3 tháng 3 năm 2011, đường dẫn URL đã thay đổi.), trang này đã bị khóa, có lệnh nghiêm khắc yêu cầu chế độ trung lập, và Takeshima đã được đổi tên thành Takeshima-Shimaneken… Takeshima, một quận của Nhật, có nghĩa là hòn đảo này đã thuộc về Nhật.
[4] Để bàn về Hiệp ước 1905 và 1910, hãy đọc Totsuka Etsuro, “Japan’s Colonization of Korea in Light of International Law,” The Asia-Pacific Journal Vol 9, Issue 9 No 1, ngày 28 tháng 2 năm 2011. Totsuka cho rằng sự ép buộc của Nhật, và sự thật rằng vua Triều Tiên đã không ký bất cứ một bản hiệp ước nào khiến Nhật ở vào vị thế bất hợp pháp, đòi hỏi của Nhật là vô giá trị và rỗng tuếch ngay từ ban đầu. Vấn đề này đã được văn học Nhật và Hàn Quốc đề cập tới rất nhiều, rất sâu rộng và cũng đầy xung đột. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi liệu bàn luận hiệu quả có dẫn tới sự chất vấn đối với toàn bộ hệ thống luật quốc tế, hệ thống đã công nhận luật đô hộ.
[5] Để hiểu cách nhìn của Hàn Quốc về vai trò của Dokdo trong chiến tranh Liên Xô – Nhật, xem cuốn: Northeast Asia History Foundation, The History of Dokdo, Seoul: 2007
[6] Stewart Lone và Gavan McCormack, Korea Since 1850, New York: St. Martin’s, 1993, 41-47. Bruce Cumings, Korea’s Place in the Sun. A Modern History, New York: W. W. Norton, bản cập nhật, 2005, tr. 143-45.
[7] Cumings, op.cit., p. 140.
[8] Để hiểu cách một người Hàn Quốc bàn về Dokdo trong chiến tranh Liên Xô – Nhật, đọc “The Russo-Japanese War and Dokdo,” pp. 27-37. – Takeshima. Imperial Japan’s Real Motives for the 1905 Annexation of Dokdo, link. Tình cảm sâu sắc của người Hàn Quốc đối với Dokdo được ghi lại rất rõ trong các diễn đàn trên mạng, gồm hàng loạt các bài trên YouTube, Facebook và Twitter, trong đó có những bài phát biểu chính thức, nhưng phần lớn là bài của những người dân tự tạo nên. Đọc Jukka Jouhki, Dokdo Island Dispute: Korean Reconstruction of History and National Identity in User-Created Content Media, link.
[9] .Cold War Frontiers in the Asia-Pacific. Divided territories in the San Francisco System, London: Routledge, 2007. Đồng thời đọc thêm Kimie Hara và Geoffrey Jukes, eds., Untying the Kurillian Knot. Asia-Pacific Regional Conflicts, Multilateralism and Inspirations from the Åland Settlement, London: Routledge, 2009. Đây là một biểu thời gian khá hiệu quả về chính sách của Mỹ trước vấn đề Dokdo, rút ra từ nguồn tài liệu của Hàn Quốc và Mỹ, là “The United States' Involvement with Dokdo Island (Liancourt Rocks): A Timeline of the Occupation and Korean War Era,” link.
[10] Hara, Cold War Frontiers in the Asia-Pacific, p. 9. Kent Calder sau này cho rằng việc Hiệp định San Francisco không thể giải quyết triệt để vấn đề biên giới chủ quyền và từ đó gây ra hàng loạt các xung đột chính là một yếu tố trong việc biến Đông Bắc Á trở thành một “vòng cung khủng hoảng“, và đúng vậy từ đó tới giờ.” “Securing Security through Prosperity: The San Francisco System in Comparative Perspective,” Pacific Review 17, March 2004, pp. 135-139.
[11] Hara, tr. 44-45.
[12] Seokwoo Lee và John M. Van Dyke, “The 1951 San Francisco Peace Treaty and Its Relevance to the Sovereignty over Dokdo,” Chinese Journal of International Law Vol 9, 4, 2010, tr. 741-62.
[14] Lee và Van Dyke, “The 1951 San Francisco Peace Treaty and Its Relevance to the Sovereignty over Dokdo.”
[16] Đồng thời đọc thêm phân tích thuyết phục của Tessa Morris-Suzuki về cách Nhật đối xử với người Triều Tiên trong những thập kỷ hậu chiến, đặc biệt về việc kiểm soát đường biên giới, phủ nhận người Triều Tiên (rất nhiều trong số họ mang quốc tịch Nhật) không cho quay lại Nhật sau khi họ về Triều Tiên, và sau đó, Nhật đã gửi hàng trăm nghìn người Triều Tiên (Zainichi) sang Bắc Triều Tiên. Guarding the Borders of Japan: Occupation, Korean War and Frontier Controls, The Asia-Pacific Journal Vol 9, Issue 8 No 3, ngày 21 tháng 2 năm 2011; Refugees, Abductees, “Returnees”: Human Rights in Japan-North Korea Relations, The Asia-Pacific Journal, ngày 29 tháng 3 năm 2009.
[17] Trong bàn đàm phán Hiệp ước bình thường hóa quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản năm 1965, khi đề cập đến vấn đề Dokdo, xem đường dẫn sau: this link. Trang web này cung cấp các tài liệu và phân tích về câu hỏi Dokdo, trong đó có vấn đề chủ quyền., link; Lee và Van Dyke, tldd.
[18] Hiệp ước về quan hệ nền tảng giữa Nhật và Hàn Quốc, link. Đồng thời xem thêm Hiệp ước về quan hệ nền tảng giữa Nhật và Hàn Quốc, link.
[19] Hiệp ước này cũng như những hiệp ước khác của Nhật khi Nhật áp đặt chế độ thuộc địa và đi xâm chiếm lãnh thổ khác. Trong tất cả các thỏa thuận này, Nhật không hề công nhận tội ác chiến tranh và sự tàn bạo của mình. Nhật tìm cách giải quyết, hoặc mưu mẹo để thực hiện các bổn phận lịch sử của mình thông qua chi trả tài chính, nhưng hoàn toàn không nhận trách nhiệm. Điều này không chỉ riêng Nhật mới thế. Hầu hết tất cả các thế lực thực dân đều như vậy, trong đó có cả Mỹ, và tiếp tục đổ dầu cho xung đột ở khắp Đông Á và Thái Bình Dương. Nhật là nước phải chịu gánh nặng bổn phận về những gì xảy ra trong chiến tranh và thời đô hộ, trong khi Mỹ, là một siêu cường quốc, đã luôn né tránh trách nhiệm của mình, đồng thời lên tiếng sẽ thiếp lập tiêu chuẩn đạo đức cho cách hành xử quốc tế.
[20] William Underwood, “Redress Crossroads in Japan: Decisive Phase in Campaigns to Compensate Korean and Chinese Wartime Forced Laborers”; Ivy Lee with an Introduction by William Underwood, “Toward Reconciliation: The Nishimatsu Settlements for Chinese Forced Labor in World War Two”; Jian Kang, “Rejected by All Plaintiffs: Failure of the Nishimatsu-Shinanogawa "Settlement" with Chinese Forced Laborers in Wartime Japan”; Alexis Dudden, “Memories and Aporias in the Japan-Korea Relationship.”
[21] Kim Dong-choon, “The Truth and Reconciliation Commission of Korea: Uncovering the Hidden Korean War”; Gavan McCormack and Kim Dong-Choon, “Grappling with Cold War History: Korea’s Embattled Truth and Reconciliation Commission”; Heonik Kwon, “Healing the Wounds of War: New Ancestral Shrines in Korea”; Charles J. Hanley and Jae-Soon Chang, “Children 'Executed' in 1950 South Korean Killings: ROK and US responsibility”; Bruce Cumings, “The South Korean Massacre at Taejon: New Evidence on US Responsibility and Coverup.”
[22] Kim Hyo Soon and Kil Yun Hyung, “Remembering and Redressing the Forced Mobilization of Korean Laborers by Imperial Japan”; William Underwood, “The Aso Mining Company in World War II: History and Japan’s Would-Be Premier”; “Names, Bones and Unpaid Wages (1): Reparations for Korean Forced Labor in Japan”; “Names, Bones and Unpaid Wages (2): Seeking Redress for Korean Forced Labor.”
[23] Yoshiko Nozaki and Mark Selden, “Japanese Textbook Controversies, Nationalism, and Historical Memory: Intra- and Inter-national Conflicts.”
[24] Kimie Hara, “Rethinking the Dokdo/Takeshima Dispute in a Multilateral Framework,” Tài liệu này được đưa lên Hội thảo Taegu về “Interdisciplinary Approaches to Dokdo’s Sovereignty and Border Questions” tổ chức tại đại học Yeungnam ở Taegu ngày 13-14 tháng 5 năm 2009; Reinhard Drifte, “Territorial Conflicts in the East China Sea – From Missed Opportunities to Negotiation Stalemate,” The Asia-Pacific Journal, Vol. 22-03-09, ngày 1 tháng 6 năm 2009.
[25] Kim Young-koo, “”What is the Controversy Over Dokdo All About?” Koreana 19:3, Autumn 2005, p. 14; Lee and Van Dyke, op.cit.
[26] Kim Young-koo, op.cit; Jon Van Dyke, “North-East Asian Seas—Conflicts, Accomplishments and the Role of the United States,” The International Journal of Marine and Coastal Law 17, 2002, pp. 397, 405 .
[27] Yoree Koh, “DPJ Attends ‘Takeshima Day’ for the First Time,” Wall St. Journal Feb 24, 2011
[28] Japan News Today April 15, 2011, link; KBS World News, “Japan’s unlawful territorial claim over the Dokdo islets,” 1/4/2011, đau khổ trước tuyên bố về những yêu sách của Nhật Bản đối với Dokdo, người dân Hàn Quốc đã quyên góp 23 tỷ won (20.9 triệu đô la), theo báo cáo tổng kết, cứu trợ trong lời kêu gọi ủng hộ trận động đất phía Đông Bắc.
[29] William Underwood tóm tắt những ảnh hưởng hiện tại của những tiến triển về khả năng của một bước ngoặt ở cấp cao nhất liên quan đến lời xin lỗi và bồi thường trong lời đề nghị tiến tới sự hàn gắn. Xem bài viết tại Diễn đàn NBR Nhật Bản vào 13/6/2009 về “Aso POWs, Lafarge, and the DPJ on WWII redress,” link; xem thêm nhận xét của Kazuhiko Togo’s comments về những vấn đề này; Ivy Lee và Jian Kang tranh luận về những giải pháp hợp lý cho những vấn đề này: Ivy Lee với Lời mở đầu của William Underwood, “Toward Reconciliation: The Nishimatsu Settlements for Chinese Forced Labor in World War Two,”; Jian Kang, “Rejected by All Plaintiffs: Failure of the Nishimatsu-Shinanogawa "Settlement" with Chinese Forced Laborers in Wartime Japan.”.
[30] Lee và Van Dyke, dd.
[31] Xem, ví dụ, Reinhard Drifte, Territorial Conflicts in the East China Sea – From Missed Opportunities to Negotiation Stalemate, The Asia-Pacific Journal, Vol 22-3-09, 1/6/2009; “Trilateral Statement. Japan, the Republic of Korea and the United States of America,” Washington D.C., 9/12/2010, link; The Korea Society/Shorenstein-APARC-Stanford paper, “New Beginnings” in the U.S.-ROK Alliance: Recommendations to the Obama Administration, tháng 3/2009, link; về quan điểm của Trung Quốc về sự thay đổi tình trạng an ninh ở Đông Bắc Á và xa hơn nữa, xem Zhang Jie and Zhong Feiteng, “Caution the catchword for China,” China Daily, 27/12/2010. Các tác giả là những nhà nghiên cứu của Viện Văn hoá Xã hội , Học viện Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương; Gavan McCormack, “Small Islands – Big Problem: Senkaku/Diaoyu and the Weight of History and Geography in China-Japan Relations,” The Asia-Pacific Journal Vol 9, Issue 1 No 1, 3/1/2011; Tanaka Sakai, “Who Sank the South Korean Warship Cheonan? A New Stage in the US-Korean War and US-China Relations,” The Asia-Pacific Journal, 21-1-10, 24/5/2010; Seunghun Lee and J.J. Suh, “Rush to Judgment: Inconsistencies in South Korea’s Cheonan Report,” The Asia-Pacific Journal, 28-1-10, 12/7/2010.
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.