Theo báo trên, cùng với chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã phối hợp chặt với Mỹ về mặt chiến lược, tạo thế bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Cùng với đó, Nhật Bản không ngừng gia tăng các hoạt động khiêu khích đối với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền giữa hai nước tại khu vực quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), tăng cường các hoạt động phục vụ ý đồ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… Tuy nhiên, sau trận động đất và sóng thần này, tinh lực của Chính phủ Nhật Bản sẽ phải tập trung vào việc khắc phục thiên tai, an dân và tái thiết, không thể không thu hẹp các hoạt động tăng cường quân lực cũng như mở rộng đối ngoại. Ý đồ chiến lược của Mỹ trong việc lợi dụng Hàn Quốc và Nhật Bản để bao vây Trung Quốc theo đó cũng sẽ bị cản trở, áp lực về địa chính trị mà Trung Quốc đối mặt cũng sẽ giảm rất nhiều, Trung Quốc lại có một khoảng thời gian và không gian nhất định để "dưỡng sức", thoát khỏi thế bao vây. Đây cũng sẽ là điều kiện, môi trường thuận lợi để Trung Quốc mở rộng không gian trong các vấn đề liên quan quần đảo Điếu Ngư và khu vực khai thác dầu lửa tại biển Hoa Đông.

Trong lĩnh vực tiền tệ, Trung Quốc đã thay thế vị trí của Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thiên tai vừa rồi thực sự là một "đòn chí mạng" đối với ngành chế tạo và ngành tài chính tiền tệ Nhật Bản, nhất là cuộc khủng hoảng hạt nhân sau đó đang khiến Chính phủ Nhật Bản "đứng ngồi không yên". Do địa hình lãnh thổ nhỏ hẹp, không gian dịch chuyển có hạn, rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cũng như nước ngoài - do lo sợ bị ảnh hưởng của phóng xạ - có thể sẽ dời khỏi Tôkiô. Như vậy, ngành sản xuất của Nhật Bản có nguy cơ bị “trống rỗng”, vị trí trung tâm tài chính khu vực Viễn Đông của Tôkiô vì thế cũng khó có thể giữ.

Trong bối cảnh này, nếu Trung Quốc tăng nhanh cải cách tài chính tiền tệ, đẩy mạnh phát triển Thượng Hải, nhất là nhân dịp này thúc đẩy phiên bản quốc tế thị trường cổ phiếu Thượng Hải, có thể giúp Thượng Hải tiếp nhận nguồn vốn và kỹ thuật mà Tôkiô chuyển lại, thay thế Tôkiô trở thành trung tâm tiền tệ của Viễn Đông.

Bên cạnh đó, phóng xạ hạt nhân từ các vụ nổ ở lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản sẽ đẩy ngành xuất khẩu của Nhật Bản vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng, nhất là ngành thực phẩm nổi tiếng của nước này. Các nước tất sẽ phải tăng cường yêu cầu về chất lượng cũng như giám sát chặt chẽ đối với các mặt hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Nhật Bản. Thị trường hàng hóa Nhật Bản bị đình đốn sẽ mở ra một không gian phát triển cho Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc kiểm soát chặt chất lượng đối với hàng hóa của mình, chắc chắn sẽ được thế giới chấp nhận.

Ngoài ra, theo Lưu Tuyết Cầm - Phó Chủ nghiệm bộ phận nghiên cứu mậu dịch đối ngoại thuộc Viện nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc - sau đợt thiên tai này, Nhật Bản sẽ cần lượng lớn vốn và nguyên vật liệu để phục vụ công cuộc tái thiết, song khả năng tái thiết của Nhật Bản sẽ khá yếu, buộc phải nhập khẩu lượng lớn sắt thép và đồ gỗ từ Trung Quốc. Xét về góc độ thương mại, đây có thể là cơ hội lớn đối với Trung Quốc. Giáo sư Tống Công Hưng, thuộc Học viện kinh doanh của trường Đại học Nam Kinh, nhận định: "Về địa lý, Trung Quốc là nước láng giềng của Nhật Bản. Sau thảm họa, tất nhiên Nhật Bản phải đối mặt với vấn đề tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Trung Quốc là nước sản xuất nguyên vật liệu, sắt thép lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dịch vụ công trình xây dựng hàng đầu thế giới, các ngành có liên quan của Trung Quốc có thể hy vọng thu được một phần nhất định từ việc này”.

Theo “Thái Dương”, nhìn nhận một cách khách quan, đợt thiên tai vừa qua ở Nhật Bản đã mang lại cho Trung Quốc một cơ hội lớn, ít nhất Trung Quốc cũng có được 5 năm để "dưỡng sức", tập trung ổn định và phát triển. Vấn đề còn lại hiện nay là liệu Chính phủ Trung Quốc có thể nắm bắt được cơ hội này không?

Theo Thái Dương, TTXVN