28/01/2022
Ngày 20/1/2022, Hạm đội 7 hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Benfold đã tiến hành 2 hoạt động tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa (20/1) và Trường Sa (18/1). Nhìn tổng thể các động thái của Mỹ tại Biển Đông trong thời gian gần đây, hoạt động này có ba điểm đáng chú ý.
Mỹ “nói được làm được”
Đây là chuỗi FONOP Biển Đông đầu tiên trong năm 2022 của Mỹ, lần đầu kể từ tháng 9/2021 sau một quãng thời gian “vắng bóng”. Các FONOP cũng được tiến hành khoảng một tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo “Các Giới hạn trên Biển” số 150 (12/1). Văn bản này thách thức bốn nhóm yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có yêu cầu khai báo trước khi thực hiện quyền “qua lại vô hại” trong lãnh hải – mục tiêu trực tiếp của các FONOP Mỹ.
Ngoài ra, các FONOP cũng diễn ra một vài ngày sau khi Mỹ hoàn tất tập trận đầu tiên của năm tại Biển Đông với Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và Nhóm sẵn sàng đổ bộ USS Essex (16/1).
Trước đó, nhiều ý kiến quan ngại về khả năng Mỹ giảm ưu tiên tại Biển Đông để dồn sức cho các điểm nóng tại châu Âu hay Đài Loan. Các ý kiến này chỉ ra rằng số FONOP Biển Đông năm 2021 (5 cuộc) giảm 50% so với năm 2020 (10 cuộc), làm gián đoạn xu hướng tăng cường FONOP Mỹ từ năm 2015. Tuy nhiên, các FONOP lần này và các động thái quan trọng đi kèm liên tiếp đã ngầm gửi thông điệp Mỹ vẫn hiện diện tại Biển Đông, không chỉ bằng lời nói mà cả bằng hành động thực địa (dù có thể chuỗi các động thái này xảy ra song song chỉ là trùng hợp).
Thay đổi chiến thuật?
Đây là lần FONOP Biển Đông thứ tư liên tiếp Mỹ sử dụng tàu USS Benfold. Việc sử dụng cùng một tàu để tiến hành một loạt FONOP liên tiếp như vậy khá hiếm. Trước đó, Mỹ chỉ một lần dùng tàu John McCain để tiến hành bốn FONOP liên tiếp trong khoảng thời gian 5 tháng, từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021. Chuỗi bốn FONOP đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden cũng được tiến hành bởi bốn tàu khác nhau (USS Montgomery, USS McCampbell, USS Barry và USS Bunker Hill).
Có khả năng đây là dấu hiệu cho thấy thay đổi chiến thuật của Mỹ: các tàu Trung Quốc thường áp sát các tàu Mỹ thực hiện FONOP (vì FONOP thường được tiến hành gần các thực thể biển, chủ yếu trong vùng cách các thực thể 12 hải lý) và có thể dễ dàng thu thập thông tin tác chiến của các tàu này. Để khiến hoạt động của Mỹ khó đoán hơn, Mỹ có thể ít thay đổi tàu thực hiện FONOP thay vì luân phiên tàu như trước kia, qua đó hạn chế số tàu của Mỹ mà Trung Quốc có thể tiếp cận được, đảm bảo bí mật tác chiến của các tàu còn lại.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng tác chiến trên thực địa Mỹ đang theo đuổi gần đây. Trong năm 2021, nhiều học giả đã chỉ ra rằng Mỹ đang muốn giảm năng lực “chống tiếp cận – chống xâm nhập” (A2/AD) của Trung Quốc bằng cách thay đổi phương thức hành động, khiến hoạt động của Mỹ khó đoán định hơn. Ví dụ, tàu Mỹ trước kia thường vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ giữa Đài Loan và Philippines nhưng hải trình qua vệ tinh cho thấy các tàu Mỹ năm 2021 tiến vào Biển Đông theo nhiều hướng khác nhau, trong đó có eo Balabac và những vùng biển hẹp giữa các đảo của Philippines.
Tuy nhiên, cũng không nên loại trừ khả năng lựa chọn một tàu liên tiếp là do phân bố lực lượng. Do Hạm đội 7 phải dàn trải khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tàu nào ở vị trí thuận tiện nhất sẽ được chọn tiến hành FONOP.
Tiếp tục xu hướng minh bạch hóa?
Theo Hạm đội 7, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc đã tuyên bố “đuổi” tàu USS Benfold tại Hoàng Sa. Đáp lại, Trung úy Mark Langford, người phát ngôn Hạm đội cho biết tuyên bố của Trung Quốc là sai sự thật.
Từ năm 2017, khi Mỹ tăng tần suất các FONOP tại Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu tuyên bố tàu nước mình đã “đuổi” hoặc “trục xuất” tàu Mỹ. Trước năm 2021, Mỹ thường ít công khai đáp trả hoặc chỉ đáp trả sau tuyên bố của Trung Quốc một thời gian. Tuy nhiên, với các FONOP từ 2021 tới nay, Mỹ thường đáp trả trong cùng một ngày với tuyên bố “đuổi tàu” của Trung Quốc. Động thái này nhằm 2 mục đích: i) giúp minh bạch các hoạt động của Mỹ hơn và ii) hạn chế khả năng định hình dư luận của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một chi tiết đáng nói là FONOP ngày 18/1 không được truyền thông rộng rãi. Hoạt động của FONOP ngày 18/1 cũng không được đăng trên trang của Hạm đội 7 mà chỉ được thông báo qua kênh CNN. Có thể Mỹ muốn đợi FONOP ngày 20/1 để công bố cùng một lúc hai FONOP.
FONOP Mỹ tại Biển Đông luôn là một vấn đề đáng theo dõi. Hoạt động không chỉ cho thấy cam kết của Mỹ với luật biển quốc tế mà còn có thể là chỉ dấu hé lộ những thay đổi trong chiến lược và chiến thuật của Mỹ tại khu vực.
Đỗ Hoàng, Viện Biển Đông. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
Ngày 11 tháng 4 năm 2025, tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya (Antalya Diplomacy Forum, gọi tắt ADF 2025), diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Prabowo Subianto có bài phát biểu về tầm quan trọng của hợp tác khu vực trong đó có đề cập đến ý tưởng phát triển chung giữa Indonesia và Trung Quốc trên...
Mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đã trải qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1993 và chịu nhiều tác động bởi các yếu tố lịch sử, khác biệt về tự do chính trị, dân chủ, nhân quyền và quan hệ với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump...
Trong 50 ngày đầu nắm quyền, Chính quyền Trump 2.0 đã có nhiều điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách đối ngoại, tạo ra nhiều “cú sốc” với cả đồng minh và đối thủ. Tuy nhiên, tại Biển Đông, chiều hướng can dự của Chính quyền Trump 2.0 (tạm gọi là “chính sách Biển Đông” của Trump 2.0) có phần ổn định hơn. Đâu...
Với chiến thắng trước ứng cử viên Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2024, Donald Trump đã tái đắc cử và trở thành Tổng thống thứ 47 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chiến thắng này đem lại niềm vui cho một bộ phận lớn cử tri Mỹ, song cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại.
Ngày 21.2, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố về đường cơ sở của Việt Nam trong vịnh Bắc bộ. Đây là hoạt động chính đáng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm (UNCLOS) 1982 và phù hợp với luật Biển Việt Nam năm 2012.
Thời gian gần đây Trung Quốc có xu hướng vừa gia tăng hiện diện trên thực địa để hiện thực hóa các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa thúc đẩy các cam kết về hợp tác khai thác chung tài nguyên biển với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông.