PDF file

 

Chúng ta gặp mặt để thảo luận các giải pháp ngăn không cho một xung đột về lợi ích chính trị có thể xảy ra ở Biển Đông mà nếu không bị triệt tiêu từ trong trứng nước, sẽ có khả năng làm suy giảm an ninh hàng hải của khu vực. Quan ngại đầu tiên của hội thảo này đối với tôi là ai có khả năng và nên gìn giữ hòa bình ở Biển Đông?

 

Chúng ta gặp nhau ở một thời điểm vô cùng quan trọng khi mà các nhà lãnh đạo thế giới đang cùng nhau kiếm tìm các giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế thế giới đang sụp đổ, giữa các buổi hội đàm ngăn chặn chiến tranh tiền tệ toàn cầu, chiến tranh mậu dịch, phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, biến đổi khí hậu và cuộc chiến chống khủng bố. Tình trạng tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết ở Biển Đông trông qua có vẻ vô hại; trên thực tế, các vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau bởi các chủ thể là như nhau. Trừ phi chúng ta có thể quản lý được vùng biển đầy bão tố nơi đây và những nơi khác thì chẳng hạn như công cuộc phục hồi nền kinh tế thế giới, mối quan ngại chung của toàn thế giới hiện nay sẽ ngày càng khó khăn hơn.

 

Bình luận của Tờ báo Newsweek (ngày 11/10/2010) rằng “rạn nứt về kinh tế gây ra nạn nứt về chính trị” là hoàn toàn đúng đắn. Điều ngược lại cũng đúng trong trường hợp chính quyền Bắc Kinh quyết định trì hoãn cuộc gặp gỡ quốc phòng cấp cao sau khi Washington quyết định bán vũ khí trị giá 6.4 tỷ đô la Mỹ cho Đài Loan vào tháng 1/2010 và sau cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Dalai Lama vào tháng hai. Cuộc gặp gỡ quốc phòng cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ vừa được nối lại vào tháng 10/2010 tại Hà Nội.

 

Địa điểm được chọn lựa để tổ chức hội thảo này không thể thích hợp hơn. Đó là thành phố Hồ Chí Minh nơi mà Tổng thống của chính quyền Nam Việt Nam Duong Van Minh đầu hàng vô điều kiện chính xác 35 năm và 6 tháng trước đây. Vào những giờ khắc đầu tiên của ngày 30/4/1975, đại tá của chính quyền Bắc Việt Nam Bùi Tín (đã di cư sang Pháp năm 1990) đã chấp nhận yêu cầu đầu hàng và thừa nhận với ông Minh rằng, “ … Chỉ có những người Mỹ là bị đánh bại. Nếu các ông là những người yêu nước, hãy xem đây như là một thời khắc vui mừng.”

 

Dĩ nhiên, chúng ta không ở đây để kỷ niệm “thời khắc vui mừng đó”. Thay vào đó, chúng ta ở đây hôm nay để thảo luận những gì cần thực hiện để đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại và rằng Biển Đông sẽ không trở thành một chiến trường khác. Chúng ta không có ý định khơi gợi lại những vết thương của quá khứ. Ngược lại, chúng ta mong muốn hoạch định tương lai và thảo luận vấn đề hòa bình trong một môi trường địa chính trị mới bao gồm cả sự trỗi dậy của các siêu cường kinh tế châu Á, tình trạng suy thoái nền kinh tế toàn cầu và sự suy giảm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Mỹ. George Robertson và Paddy Ashdown đã phàn nàn về tình trạng tương lai không chắc chắn này ở tạp chí Times (ngày 12/6/2008). Theo hai ông, đây là “lần đầu tiên trong 200 năm, chúng ta đang phát triển ở một trật tự thế giới không hoàn toàn bị thống trị bởi phương Tây”. Trong bối cảnh chính trị đó, chúng ta gặp nhau để đảm bảo rằng hòa bình phải ngự trị ở khu vực biển đang tranh chấp, nơi đã từng là chiến trường trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh.

 

Theo quan điểm của tôi, ASEAN và Trung Quốc có thừa khả năng đảm bảo hòa bình ở Biển Đông trong môi trường địa chính trị mới.

 

Có một quan niệm xuất phát từ bên ngoài khu vực rằng Trung Quốc là chuyên gia gây rắc rối và do vậy không nên dựa vào Trung Quốc để giữ gìn hòa bình ở Biển Đông. Trung Quốc đã bị cáo buộc vì nhiều vấn đề: một quân đội bắt nạt kẻ yếu và không thỏa hiệp liên quan đến các vấn đề lãnh thổ như các yêu sách xung đột ở Biển Đông. Ngoài việc đe dọa về mặt quân sự cho khu vực, Bắc Kinh cũng bị cáo buộc đang nỗ lực để ngăn chặn tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc còn bị cáo buộc ngăn không cho các tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động quân sự ở các vùng biển của mình.

 

Một vài người còn quá khích cho rằng sẽ có lúc Trung Quốc chiếm trọn luôn eo biển Malacca và Singapore. Sự cáo buộc chính sách như vậy nhằm tạo ra tâm lý hoài nghi và sợ hãi đối với chính quyền Bắc Kinh. Theo tôi, sự cáo buộc này cũng cố tình muốn đẩy Trung Quốc chống lại các quốc gia ven biển (bao gồm 4 quốc gia ASEAN và Ấn Độ) và các nước có quyền lợi liên quan khác trong cộng đồng thương mại quốc tế sử dụng eo biển này. Sẽ là một sai lầm ngớ ngẩn về mặt địa chiến lược nếu Trung Quốc có ý định chiếm trọn các eo biển đó ngay cả khi đặt ý định đó trong một tình huống chiến tranh. Làm như vậy chỉ chuốc thêm rắc rối từ các nước có quyền lợi liên quan trên thế giới cương quyết giữ eo biển đó cho tự do thương mại quốc tế; bên cạnh đó, Trung Quốc là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 nên phải đảm bảo quyền qua lại quá cảnh.

 

Đối với nhiều người, một Trung Quốc hùng mạnh là tai họa cho cả khu vực.

 

Chính sách này của Trung Quốc va chạm với một số quốc gia khác là không có lợi cho an ninh khu vực; công tác tuyên truyền làm khơi gợi lại nỗi đau của quá khứ. Trong suốt thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, các nước trong khu vực đều bị tuyên truyền rằng chủ nghĩa cộng sản (dẫn đầu là Liên Xô cũ và Trung Quốc) sẽ xâm chiếm toàn khu vực. Để ngăn việc các quân bài đô-mi-nô sụp đổ, chúng ta lại được tuyên truyền rằng Mỹ cần phải đến để hỗ trợ cho Nam Việt Nam (đang tiến hành nội chiến) để đánh bại chủ nghĩa cộng sản. Nội chiến kết thúc và người Mỹ bị buộc phải rút quân và bỏ chạy trên nóc tòa đại sứ quán Mỹ vào tháng 4/1975. Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, ngoại trừ Việt Nam không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á đi theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ba thập niên trôi qua, chúng ta được nghe lại chuyện cũ rằng Trung Quốc có vẻ như đang sử dụng hải quân của mình để chiếm lại những vùng lãnh thổ mà Malaysia, Việt Nam, Brunei, Philippin và Đài Loan có yêu sách.

 

Tôi mạn phép được phản đối quan niệm cho rằng Trung Quốc đang gây ra mối đe dọa về quân sự cho khu vực.

 

Ở một nơi khác, tôi đã từng tranh luận rằng sự trở lại đột ngột của Mỹ ở khu vực Biển Đông sau hơn 3 thập niên vắng bóng không phải là dấu hiệu tốt cho an ninh khu vực. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và bây giờ là Việt Nam đã làm gia tăng tâm lý sợ hãi của Trung Quốc đối với sự tập hợp lực lượng của Mỹ và các nước đồng minh. Một số quốc gia trong khu vực cần phải có bước đi thận trọng trong diễn biến của trò chơi quyền lực này, đó là “khi trâu bò đánh nhau (hay yêu nhau) ruồi muỗi đều chết”. 

 

Không có lý do rõ ràng để cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để chiếm lại những vùng lãnh thổ đang được các quốc gia yêu sách khác chiếm đóng. Ngoại trừ ba sự kiện (Hoàng Sa (1974), Đảo Gạc Ma (1988) và đảo Vành Khăn (1995)) Trung Quốc không hề sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Ngược lại, với uy tín của mình, Trung Quốc đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, một cơ chế khu vực nhằm xây dựng lòng tin ở Biển Đông.

 

Có những lời đồn đại rất thiếu cơ sở rằng các nước ASEAN đang có xu hướng dựa vào Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Trước thềm Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN giữa tổng thống Obama và nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN tổ chức ở New York vào ngày 24/9/2010, báo giới đã dự đoán rằng Mỹ và ASEAN sẽ sử dụng diễn đàn này để phản đối sự cương quyết gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước đã tránh được sự “đối đầu” do thiếu đồng thuận từ phía ASEAN. Tuyên bố chung của Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ - ASEAN (24/9/2010) đã không lên án Trung Quốc, ngoại trừ tuyên bố như sau:

“Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định khu vực, an ninh hàng hải, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải theo những quy định liên quan được nhất trí của luật pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và những điều luật hàng hải quốc tế khác, đồng thời giải quyết hoà bình các tranh chấp.”

 

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + 8 diễn ra ở Hà Nội vào tháng 10/2010 cũng không thảo luận về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Tương tự như vậy, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 (28/10/2010) đã nhận thấy tầm quan trọng hơn của việc thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN nhằm đưa ASEAN thành một Cộng đồng Kinh tế vào năm 2015 hơn là việc thảo luận tình hình quân sự ở Biển Đông. Một ngày trước Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN cũng không hề nhắc đến tình hình an ninh ở Biển Đông; thay vào đó, Hội nghị đã nhất trí đẩy nhanh việc thực thi Tuyên bố ASEAN về Tìm kiếm và Cứu nạn trên biển.

 

Các tuyên bố của các hội nghị nêu trên gây cho tôi ấn tượng rằng tình hình an ninh hàng hải ở Biển Đông đang ở mức chấp nhận được. Tôi cũng hiểu điều này thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc “giữ nguyên trạng” và sự công nhận rằng ASEAN và Trung Quốc đã thành công trong việc gìn giữ hòa bình và trật tự ở Biển Đông.

 

Mỹ cũng không nên lo lắng quá mức đến tự do qua lại ở Biển Đông như vậy. Bởi vì như tất cả các nước khác, Trung Quốc cũng có nghĩa vụ đảm bảo quyền tự do hàng hải hợp pháp trên biển. Là một quốc gia ký kết UNCLOS, Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm trước các thành viên của cộng đồng quốc tế nếu Trung Quốc có bất kỳ hành động nào gây cản trở quyền tự do hàng hải hợp pháp của các nước. Đồng thời, Washington cũng nhận thức được rằng Trung Quốc sẽ không do dự để chống lại các hoạt động diễn tập quân sự không được phép (dưới chiêu bài tự do hàng hải) trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động thăm dò gần khu căn cứ Hải quân của Trung Quốc ở Tam Á, Hải Nam là một ví dụ.

 

Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng về khía cạnh chính sách, với tư cách là một siêu cường quân sự, Mỹ sẽ không từ bỏ các hoạt động quân sự ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác mà Mỹ cho rằng là hợp pháp, mặc dù tính hợp pháp của các hoạt động đó còn chưa được thống nhất trong luật quốc tế. Xét tính chất không chắc chắn như vậy, viễn cảnh cho các sự cố giữa tàu quân sự Mỹ và Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Biển Đông không phải là không xảy ra trong tương lai gần khi mà cả hai bên đều cố gắng gia tăng tối đa vị thế của mình. Những nỗ lực của một số quốc gia nhằm đưa ra quy chế hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế không mang lại kết quả. Tình hình này đã trở nên càng phức tạp khi rất nhiều nước cho rằng yêu cầu của Mỹ về quyền thực thi tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác như một phần của chiến lược lớn hơn của Mỹ nhằm triển khai sức mạnh.

 

Là một quốc gia thương mại, Trung Quốc có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải theo đúng cách hiểu truyền thống của cụm từ đó, ví dụ như liên quan đến sự qua lại của tàu bè trên biển. Theo tôi, điểm cốt lõi trong bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ và một vài quốc gia hàng hải khác là liệu các quốc gia có quyền tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác hay không. Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất yêu cầu các quốc gia phải xin phép trước khi tiến hành các hoạt động quân sự trong các vùng biển của Trung Quốc và cho rằng các hoạt động quân sự, đặc biệt là hoạt động do thám và các hoạt động nhằm cố tình làm giảm, đe dọa và phá hoại an ninh của Trung Quốc là không được phép trong luật pháp quốc tế. Các quốc gia khác đã phê chuẩn UNCLOS có chính sách tương tự bao gồm Ấn Độ, Bra-xin., Bangladesh, Pakistan, Malaysia, Uruguay và Cape Verde.

 

Trong khi công nhận rằng các tàu quân sự có quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, Trung Quốc và các quốc gia ký kết khác không nhất trí với quan điểm cho rằng các quốc gia có quyền và tự do tiến hành các hoạt động quân sự mà không cần có sự cho phép công khai của các quốc gia ven biển. Lập luận của các nước này khá đơn giản: các hoạt động quân sự như bắn đạn thật, do thám và các hoạt động khác không phải lúc nào cũng góp phần gìn giữ trật tự công cộng trên biển và có thể bị các quốc gia ven biển diễn giải như là một mối đe dọa.

 

Lập trường của Trung Quốc về vấn đề nhạy cảm này được thể hiện khá chi tiết trong các tài liệu liên quan đến vấn đề này.

 

Mỹ giữ một quan điểm khác; Raul Pedrozo là một ví dụ bảo vệ lập trường của Mỹ. Theo Pedrozo các hoạt động quân sự được cho phép trong luật quốc tế và không có quy định nào trong UNCLOS hay Công ước Chicago quy định cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế hay vùng trời bên trên chúng. Theo quan điểm của ông, lập trường của Trung Quốc cho rằng các hoạt động quân sự (đặc biệt là hoạt động điều tra và thu thập tình báo) trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc là không phù hợp với mục tiêu hòa bình của các điều khoản của UNCLOS và không được hỗ trợ bằng thực tiễn quốc gia hay “được hỗ trợ theo  cách diễn đạt đơn giản” của UNCLOS hay các văn kiện quốc tế khác.

 

Bài viết này không nhằm thảo luận tính hợp pháp (hoặc là thiếu tính hợp pháp) của các hoạt động quân sự trên biển theo UNCLOS và các văn kiện quốc tế khác. Nhưng mục đích của bài viết là nhằm thảo luận công khai rằng một số cường quốc hàng hải đang lợi dụng tính không rõ ràng của luật. Theo Trung Quốc, Mỹ đang sử dụng quyền tự do hàng hải để tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc như là một chiêu bài để tiến hành các hoạt động tình báo (bao gồm gián điệp, do thám và các hoạt động ngầm khác) có thể làm suy giảm an ninh của Trung Quốc và nhằm duy trì sự bá quyền về chính trị và quân sự của Mỹ. Theo như một học giả về luật quốc tế của Trung Quốc, toàn bộ những tranh cãi xoay quanh các hoạt động quân sự nước ngoài ở vùng đặc quyền kinh tế không còn xoay quanh vấn đề luật quốc tế mà về chính trị quốc tế.

 

Hiện đang có lời kêu gọi tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết ở các diễn đàn đa phương. Phân tích kỹ hơn vào tình hình thực tế sẽ thấy rằng chính bản chất đa phương của tình hình làm cho tình hình trở nên rất mong manh. Trung Quốc đang đối mặt với 5 bên khác, trong đó 4 bên là thành viên của ASEAN. Tuyên bố về cách ứng xử của các bên năm 2002 cũng là một văn kiện đa phương. Các bên ngoài khu vực không liên quan trực tiếp đến các yêu sách lãnh thổ sẽ chỉ làm phức tạp thêm vấn đề thẩm quyền hiện nay. Hậu quả trước mắt của việc mở rộng hơn nữa tính đa phương của tranh chấp là khả năng làm suy yếu sự cân bằng quân sự hiện nay ở Biển Đông. Dù sao đi nữa, tình hình chính trị - quân sự hiện thời hay nguyên trạng đã mang lại bình yên cho Biển Đông; phát súng cuối cùng đã được bắn vào năm 1988.

 

Một vài khó khăn nhỏ trong quá trình thực hiện là hoàn toàn có thể bởi các mối quan hệ thương mại và chính trị cạnh tranh luôn theo định nghĩa luôn đi kèm với những bất đồng nhất định. Trong bối cảnh chính sách xây dựng đồng thuận mà Trung Quốc và ASEAN đã không ngừng nỗ lực thiết lập trong suốt các năm qua, đối lập với chính sách “bạn hay thù” dưới thời chính quyền Bush, những xích mích nhỏ (như việc bắt ngư dân hay trao đổi các công hàm ngoại giao ngắn gọn) không có vẻ là mối đe dọa cho chính quyền và không dẫn đến việc sử dụng vũ lực.

 

Có 4 yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến an ninh hàng hải ở Biển Đông. Bốn yếu tố này là: kinh tế, địa lý, nhân khẩu học và lịch sử. Các yếu tố địa lý, nhân khẩu học và kinh tế có mối quan hệ khăng khít trong mối quan hệ giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc được thành lập vào tháng 1/2010 là khu vực lớn nhất thế giới; với thị trường bao gồm 1.8 triệu người và trị giá hơn hai tỷ đô la Mỹ. Có ít nhất 5 nước ASEAN có chung đường biên giới với Trung Quốc. Bất kỳ sóng gió gì ở Biển Đông cũng có thể ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ thương mại ASEAN – Trung Quốc.

 

Mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang lớn mạnh hàng ngày. Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc Chen Deming phát biểu tại hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN- Trung Quốc lần thứ 9 tại Đà Nẵng (24/8/2010) rằng thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt 161 tỷ đô la Mỹ, tăng 49.6 % từ tháng 1 - 7/2010. ASEAN là thị trường lớn thứ tư của Trung Quốc.

 

Cũng như kinh tế, thương mại, nhân khẩu học và lịch sử, yếu tố địa lý cũng tác động đến mối quan hệ giữa các quốc gia. Có lẽ cũng đã có một vài gián đoạn trong lịch sử của những nước này với Trung Quốc; nhưng là những nước láng giềng, địa lý là yếu tố hàng đầu trong mối quan hệ với Trung Quốc. Địa lý đã ràng buộc các nước này trong quá khứ và sẽ tiếp tục ràng buộc các nước này trong tương lai: dù về vấn đề di cư trong quá khứ (bây giờ là du lịch) hay về thương mại và cạnh tranh vì các nguồn tài nguyên và sử dụng các tuyến đường biển. Sự nổi trội của yếu tố địa lý có thể giúp các nước vượt qua thời điểm khó khăn và theo ý kiến của tôi, địa lý giúp tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và ngay cả quân sự trong khu vực sẽ giúp tạo điều kiện cho ASEAN và Trung Quốc trong việc gìn giữ hòa bình ở Biển Đông.

 

Những ai cho rằng Trung Quốc là một chuyên gia gây rắc rối ở khu vực rõ ràng cố tình coi nhẹ đóng góp của Trung Quốc đối với hòa bình khu vực. Các sự kiện năm 1974, 1988 và 1995 luôn luôn được đưa ra như là bằng chứng về chủ nghĩa đơn phương và hiếu chiến của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Những hoạt động mà Trung Quốc đã thực hiện để thúc đẩy hoà bình ở Biển Đông thường không được ghi nhận và bị lờ đi. Những hoạt động này bao gồm:

+ Ký kết thành công, sau 35 năm đàm phán để giải quyết các vấn đề đất liền với Việt Nam vào năm 1999. Quá trình này không được thế giới bên ngoài ghi nhận.

+ Trung Quốc chấp thuận Tuyên bố năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

+ Hiệp định về phân định vùng Lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ năm 2000 (phê chuẩn năm 2004). Hiệp định song phương này đã nhận được rất ít bình luận trên báo chí bởi vì rất ít người tin rằng hai bên có thể thỏa thuận được bất kỳ hình thức phân định tranh chấp hàng hải nào.

+ Bản ghi nhớ về Khảo sát địa chấn biển chung giữa ba công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc (CNOOC), Philippin (PNOC-EC) và Việt Nam (PetroVietnam) để thăm dò một phần Biển Đông bao gồm cả nhóm đảo Trường Sa đang tranh chấp. Mặc dù chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn (hết hạn vào tháng 7/2008), Hiệp định là một ví dụ khác của một dự án chung liên quan đến Trung Quốc nhưng lại hiếm khi được công nhận. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng đã ký hiệp định nghề cá với Hàn Quốc và Nhật Bản.

+ Một loạt các hiệp định liên quan đến thương mại và đầu tư ký với khu vực, bao gồm cả Hiệp định Tự do thương mại năm 2004 (có hiệu lực vào năm 2010).

 

Taylor Fravel, một chuyên gia về biên giới của Trung Quốc đã bác bỏ lập luận cho rằng Trung Quốc thiếu thiện chí trong việc giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng. Trong cuốn sách của mình, Fravel đã chứng minh rằng từ năm 1949, Trung Quốc đã thoả hiệp và nhân nhượng trong 17 trên tổng số 23 tranh chấp biên giới đất liền và trên biển với các nước láng giềng. Với uy tín của mình, việc Trung Quốc không hề vi phạm bất kỳ hiệp định biên giới nào thể hiện mức độ hạn chế trong tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc và sự tôn trọng luật quốc tế. Việc đơn phương vi phạm bầt kỳ hiệp định nói trên nào cũng sẽ biến Bắc Kinh thành một kẻ hiếu chiến.

 

Việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và xung đột giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam năm 1988 ở phía Nam đảo Gạc Ma luôn luôn được trích dẫn như là bằng chứng cho việc Trung Quốc luôn sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp biên giới với các nước láng giềng ở Biển Đông. Tuy nhiên, Fravel lưu ý rằng, để cân bằng lại, Trung Quốc đến nay ít có xu hướng sử dụng vũ lực và hợp tác trong việc giải quyết các tranh chấp biên giới không như quan niệm của thiểu số xem Trung Quốc là một nước theo chủ nghĩa bành trướng”.

 

Thách thức về an ninh đối với các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông là làm cách nào để ngăn không cho các tranh chấp về lãnh thổ phát triển thành các xung đột về quân sự. Cả ASEAN và Trung Quốc đều có trách nhiệm chung trong việc duy trì trật tự trên biển. Trách nhiệm này có thể được thực hiện bằng việc đẩy mạnh các cơ chế xây dựng hoà bình ở cấp song phương và khu vực.

 

Xét từ góc độ địa chính trị rộng hơn, việc duy trì hoà bình trên biển trong một trật tự quốc tế vô chính phủ như hiện nay đòi hỏi sự cùng tồn tại, tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như nội luật của các quốc gia khác. Sự cùng tồn tại đó chỉ có thể được duy trì thông qua việc làm dịu đi lo sợ của các quốc gia nhỏ yếu rằng các cường quốc sẽ không sử dụng vũ lực để giải quyết và khi có vấn đề lại áp dụng các nguyên tắc quốc tế thiếu minh bạch để biện minh cho sự tấn công vào thẩm  quyền nội bộ của họ.

 

Để hoà bình lâu dài ngự trị ở Biển Đông, cả hai bên đều phải tuân thủ các nguyên tắc. Tuy nhiên, khu vực mong muốn Trung Quốc sẽ giữ vai trò tiên phong, thực hiện kìm chế và không trở nên quá khích. Theo quan điểm của tôi, dĩ nhiên sự hiện diện của các nước ngoài khu vực sẽ làm cho môi trường địa chính trị nơi đây trở nên gay gắt và mong manh hơn.

 

Là những quốc gia Châu Á, chúng ta không nên cho phép những vết hằn của quá khứ kìm hãm tương lai chung đầy hứa hẹn của chúng ta.

 B.A Hamzah, Nghiên cứu sinh, Đại học Malaya, Kuala Lumpur

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây

 

Tài liệu tham khảo chọn lọc:

 Michael Becker, The Shifting Public Order of the Oceans: Freedom of Navigation and Interdiction at Sea, Harvard International Law Review, tập 46, số. 1 Mùa đông, 2005

Steve Chan, China, the US and the Power Transition Theory: a Critique, Routledge, New York, 2008.

Ralf Emmers,” The Changing Power Relations in the South China Sea: Implications for Conflict Management and Avoidance”, RSIS Working Paper, số 183, 30/9/2009.

Taylor Fravel, Strong Borders Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2008)

BA Hamzah, “Rich and Strong China Good for the Region”, The Sun Daily, Malaysia, 18/5/2009.

---------, “China and the freedom of navigation in the South China Sea”, The Korean Journal of Defense Analysis, tập 22, số 2, Tháng 6/2010

Martin Jacques, When China rules the World: The Rise of the Middle Kingdom and the end of the Western World,, London: Allen Lane, 2009.

Robert Kaplan, “The Geography of Chinese Power”, Foreign Affairs, tập 89, Vấn đề 3, tháng 5 - 6/2010

Zou Keyuan, The Sino-Vietnamese Agreement on Maritime Boundary Delimitation in the Gulf of Tonkin, Ocean Development and International Law(ODIL), số 36, 2005

----------, Law of the Sea Issues Between the United States and East Asian States, ODIL, tập 39, 2008.

Military and Intelligence Gathering Activities in the Exclusive Economic Zones: Consensus and Disagreement, Marine Policy, tập 29, số 2, tháng 3/2005.

Raul Pedrozo, Preserving navigational Rights and Freedoms: The Right to Conduct Military Activities in China’s Economic Zone, Chinese International Law,tập 9, 2010.

David Rosenberg, “China, Neighbours progress in fishery Agreements”, Asia Times Online, 19/8/2005

Rick Rozoff, “Global Military Agenda: Increased US_NATO military presence in Southeast Asia”, SavedBD.com (tham khảo ngày 25/10/2010)

Clive Schofield and Ian Storey, The South China Sea dispute: Increasing Stakes and Raising Tensions Washington DC: The Jamestown Foundation, Washington DC, 2009.

Ruchir Sharma, “The Post China World: the End of the Boom is now in Sight...”, the Newsweek từ 28/6 – 5/7/2010.

Vietnam/China: Latent stresses threaten relationship, Oxford Analytica: Global Strategic Analysis, 15/7/2010.

Rudiger Wolfrum, “Statement of Freedom of Navigation: New Challenges”, International Tribunal for the Law of the Sea, Hamburg, Đức, 2009.