“Tại sao Mỹ lại tự trói tay mình với chính sách đó?” - Đây là câu hỏi của phóng viên hãng tin CNN Jake Tapper gửi tới Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts trong buổi tranh luận của đảng Dân chủ Mỹ hồi tuần trước. Câu hỏi này ngay lập tức hé lộ một vết rạn nứt chính sách lâu nay trong chiến lược hạt nhân của Mỹ. Chính sách đang được đề cập là cam kết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”, trong đó Mỹ cam kết không trở thành quốc gia đầu tiên triển khai vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột quân sự. Và theo cam kết này, Mỹ sẽ vẫn có quyền trả đũa ồ ạt.

Mặc dù cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã suy đi tính lại cam kết này, song ông vẫn không phê chuẩn chính thức. Mỹ vẫn luôn giữ lại một sự lựa chọn “sử dụng trước tiên”, giúp Washington có thể triển khai vũ khí hạt nhân bất kỳ lúc nào, thậm chí khi không bị khiêu khích. Lawrence Wittner, Giáo sư danh dự môn Lịch sử tại Đại học Albany (Mỹ), nói: “Tôi cho rằng có 2 vấn đề cơ bản trong sự lựa chọn ‘sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên’. Đầu tiên là trong số các quốc gia phi hạt nhân, điều này tạo động lực để họ sản xuất vũ khí hạt nhân. Bởi nếu Mỹ tấn công trước, họ sẽ không thể ngăn cản… khi đó, biện pháp ngăn chặn tốt nhất dường như là phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ. Vấn đề thứ hai là điều này khuyến khích những quốc gia sở hữu hạt nhân ‘động thủ’ trước. Do đó, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, trong một cuộc đối đầu, (họ) lo sợ đánh mất tài sản hạt nhân… điều này khiến họ có động lực tấn công trước, và theo tư duy đó, cả hai quốc gia có thể rơi vào một cuộc chiến hạt nhân mà họ không muốn hoặc không chuẩn bị trước”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry phục vụ dưới thời Tổng thống Bill Clinton giai đoạn năm 1994-1997 cho rằng chính sách hạt nhân hiện tại là một chính sách vô ích tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh. Ông nói: “Quay trở lại những ngày đầu tiên của Chiến tranh Lạnh, khi chúng ta phải đối mặt với viễn cảnh xung đột với Liên Xô ở châu Âu và không có các lực lượng thông thường để ngăn chặn họ… chúng ta đã phải tính đến kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công thông thường bởi chúng ta không tin rằng các lực lượng thông thường của (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) NATO có đủ sức ngăn chặn Hồng quân. Kể từ khi đó, vấn đề này đã biến mất, nhưng chúng ta vẫn duy trì chính sách và tôi cho rằng mọi người đã không suy nghĩ thấu đáo về việc chúng ta không cần điều đó vào lúc này”.

Conn Hallinan, một nhà báo của tạp chí Foreign Policy, đồng ý rằng động lực chính chống lại việc áp dụng cam kết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên” là việc tuân theo suy nghĩ truyền thống. Ông nói: “Tôi cho rằng có một nhóm nào đó của tổ chức quốc phòng (không phải tất cả mọi người) coi vũ khí hạt nhân chỉ là một phần trong kho vũ khí quân sự tiêu chuẩn của Mỹ... Về cơ bản, họ luôn lập luận rằng Mỹ cần có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân, và bất cứ điều gì khác có thể cản trở tổng thống”.

Theo cả 3 chuyên gia, một cam kết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên” sẽ không chỉ đơn thuần là một cử chỉ lấy lệ và sẽ được các quốc gia khác hiểu là một khởi đầu chân thành cho việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Perry nói: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đưa ra một tuyên bố ‘không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên’ tại Mỹ, chúng ta sẽ nghiêm túc về điều đó. Nó sẽ không mang tính biểu tượng. Và sau đó, nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ sao lưu bằng những thay đổi về việc bố trí lực lượng và những thay đổi chính sách của chúng ta”. Những thay đổi cấu trúc đó “sẽ là dấu hiệu rõ ràng gửi tới người dân Mỹ và các quốc gia khác rằng chúng không mang tính biểu tượng, rằng chúng ta nghiêm túc về điều đó”. Chính sự thay đổi trong quan điểm hạt nhân làm cho cam kết trở nên hiệu quả. Ông Hallinan nói: “Ý của tôi là chiến tranh hạt nhân sẽ không xảy ra. Khi ai đó bắn tên lửa vào bạn, bạn sẽ có thể phát hiện ra điều đó (hy vọng là thế)…”, ám chỉ rằng sự phát hiện đó là điều sẽ tạo dựng niềm tin cho cam kết này.

Hiện tại có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong đó, chỉ có 2 nước - Trung Quốc và Ấn Độ - đã xác nhận cam kết “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên”, mặc dù Ấn Độ đã bắt đầu rút lại cam kết này dưới thời chính quyền Thủ tướng Narendra Modi. Mặc dù ông Perry cho rằng cam kết này sẽ không nhận được nhiều sự chú ý trong các cuộc bầu cử sơ bộ ban đầu, nhưng ông tin nó sẽ được thảo luận nghiêm túc trong cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ. Ông nói: “Ứng cử viên đảng Dân chủ, dù là ai đi nữa, cũng sẽ nhấn mạnh vấn đề này và nói rõ rằng nếu họ được bầu làm tổng thống, đây sẽ là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của họ”. Điều này sẽ giúp họ khác biệt với Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump.

Tuần này đánh dấu kỷ niệm lần thứ 74 vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Các cuộc tấn công của Mỹ chống Nhật Bản - lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh - đã khiến hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng. Theo ông Hallinan, sẽ có nhiều người nói rằng đang tồn tại 2 mối đe dọa đối với sự sống còn của nhân loại. Một là biến đổi khí hậu, và hai là chiến tranh hạt nhân. Cả ba chuyên gia đều nói rằng mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không thể được đánh giá thấp. Ông Perry tin rằng sự nguy hiểm của thảm họa hạt nhân ngày hôm nay lớn hơn nhiều so với những năm đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh.

Theo “National Interest

Vũ Hiền (gt)