___________________________
 
 Từ khóa : Cục diện, Trật tự thế giới, Quan hệ quốc tế
***********
 
 
Để có được đường lối, chính sách đúng đắn cả về đối nội lẫn đối ngoại, một trong những điều kiện cần có là phải “biết mình, biết người và biết thời thế”. Biết mình tức là hiểu rõ thế và lực của nước mình ra sao, mục tiêu cần hướng tới là gì, làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy. Biết người tức là nhận biết rõ các đối tác của mình mạnh yếu thế nào, bản thân họ muốn gì, cũng như họ muốn gì từ phía các đối tác và từ phía mình, họ sẽ làm gì để đạt được ý muốn ấy. Biết thời thế là hiểu rõ tương quan lực lượng trên trường quốc tế và ở khu vực cũng như những xu thế lớn trên thế giới và mối quan hệ qua lại giữa các quốc gia.

 

Bài viết này xin thử bàn về vế thứ ba, tức là về thời thế, hay nói một cách khác là cục diện thế giới ngày nay. Đặt ra điều này vào thời điểm hiện nay là đúng lúc và rất quan trọng vì chúng ta đang chứng kiến những đổi thay sâu sắc trên thế giới tạo nên cục diện mới. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề rộng lớn và cực kỳ phức tạp, vả lại mọi chuyện đang chuyển động mạnh mẽ. Cho nên tác giả chỉ xin “thử” nêu lên một số khía cạnh để cùng nhau trao đổi.

 

Để đánh giá cục diện hiện nay ta nên nhìn lại cục diện thế kỷ trước cho đến những năm đầu thế kỷ này

 

Trong thế kỷ XX có hai thời kỳ chủ yếu: từ đầu thế kỷ đến Chiến tranh thế giới thứ hai và từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến khi Liên Xô tan rã. Sau đó khoảng một thập kỷ là giai đoạn chuyển tiếp từ cục diện cũ sang cục diện mới.

 

Từ đầu thế kỷ XX đến Chiến tranh thế giới thứ hai, trong sự phát triển của các quốc gia nổi lên 6 đặc điểm sau:

 

- Sức mạnh và ảnh hưởng của nước Anh được mệnh danh là một đế chế mà ở đó “mặt trời không bao giờ lặn” thuyên giảm; sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ gia tăng và Mỹ bắt đầu cất tiếng đòi quyền lãnh đạo thế giới;

 

- Xuất hiện các đế quốc “mới” giành giật với các đế quốc “cũ”: sau chiến tranh với Nga năm 1905, Nhật ngày càng bộc lộ tham vọng nước lớn, chí ít ở Viễn Đông và Thái Bình Dương; sau Hội nghị Véc-xây, nước Đức ngày càng bộc lộ tham vọng phục thù và xác lập quyền thống trị của mình, trước hết ở châu Âu;

 

- Cách mạng tháng Mười thành công, Nhà nước Xô-viết ra đời, ngày một lớn mạnh, nắm vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới với cơ quan đầu não là Quốc tế Cộng sản;

 

- Phong trào giải phóng dân tộc nhen nhóm ở một số nước, nổi lên là Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo đưa tới sự ra đời của Trung hoa Dân quốc năm 1912 và sau cuộc chính biến của Tưởng Giới Thạch năm 1927, ở Trung Quốc nổ ra nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản kéo dài hơn hai chục năm;

 

- Nổ ra cuộc đại suy thoái 1929 - 1933 đánh dấu bước chuyển từ các cuộc khủng hoảng chu kỳ ở từng nước riêng lẻ sang khả năng bùng nổ khủng hoảng cơ cấu rộng lớn ở nhiều quốc gia.

 

Mối quan hệ quốc tế thời kỳ đó nổi lên hai nét đặc trưng: (i) Các nước đế quốc “mới” giành giật khu vực ảnh hưởng và thuộc địa với các nước đế quốc “cũ”, đưa tới hai cuộc chiến tranh thế giới; (ii) Các nước đế quốc hùa nhau tiêu diệt Nhà nước Xô-viết nhưng không thành, sau đã buộc phải vừa kiềm chế vừa liên kết với Liên Xô để chống lại các nước đế quốc mới nổi.

 

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến khi Liên Xô tan rã, trong sự phát triển của các quốc gia có 6 đặc điểm:

 

- Đức, Ý, Nhật bại trận; Anh, Pháp kiệt quệ; Mỹ vươn lên đóng vai trò lãnh đạo thế giới tư bản và vai trò “sen đầm quốc tế”;

 

- Dần dần Đức, Ý, Nhật hồi phục, trở thành các nước phát triển hàng đầu; các nước Tây Âu liên kết thành Liên minh châu Âu, từng bước trở thành một thực thể thống nhất;

 

- Liên Xô trở thành một siêu cường hùng mạnh về quân sự, có ảnh hưởng lớn về chính trị trên thế giới; các nước Đông Âu trở thành các quốc gia XHCN cùng Liên Xô tập hợp trong khối Vác-xa-va và SEV. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ đến cuối những năm 80 các nước này dần dần rơi vào khó khăn, khủng hoảng và cuối cùng sụp đổ, tan rã;

 

- Cách mạng Trung Quốc thành công năm 1949, những năm đầu đã phát triển đáng kể, song trong những năm 60 - 70 ngập sâu trong các cuộc khủng hoảng nội bộ như “Đại nhẩy vọt”, “Cách mạng văn hóa” tuy nhiên vẫn trở thành cường quốc hạt nhân; từ 1978, nhờ chính sách cải cách mở cửa đã phát triển nhanh chóng.

 

- Hệ thống thuộc địa bị xóa bỏ, nhiều quốc gia độc lập dân tộc ra đời;

 

- cuộc khủng hoảng dầu lửa nổ ra trong những năm 70-80 chấm dứt thời đại sử dụng tài nguyên dễ dãi, các quốc gia dầu lửa tỏ sức mạnh của mình; mặt khác các nước công nghiệp áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, đạt nhiều thành tựu nổi bật về khoa học - công nghệ. Xu thế toàn cầu hóa thể hiện rõ nét và ngày càng phát triển.

 

Trong quan hệ quốc tế thời kỳ này có 4 nét đặc trưng sau:

 

- Hình thành cục diện hai phe do Liên Xô và Mỹ đứng đầu, vừa đấu tranh, giành giật, kiềm chế lẫn nhau, vừa hòa hoãn với nhau trên cơ sở cân bằng hạt nhân chiến lược, một phần nhờ vậy đã không xẩy ra chiến tranh thế giới như nửa đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên đã xẩy ra nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà điển hình là chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh An-giê-ri...

 

- Trong mỗi phe nảy sinh một số nước tách khỏi nước đứng đầu, theo đuổi chính sách độc lập vì lợi ích riêng của mình. Điển hình của sự điều chỉnh này là Trung Quốc trong phe XHCN và Pháp của tướng Đờ-Gôn trong phe TBCN. Trên đấu trường quốc tế, Trung Quốc, EU và Nhật Bản nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò của mình, đồng thời được Mỹ-Xô tranh thủ, sử dụng như những đối trọng trong cuộc đấu tranh, hòa hoãn với nhau;

 

- Các nước độc lập dân tộc tập hợp trong Phong trào KLK, nhiều thế lực trong đó chủ trương “đứng giữa hai phe” song phần lớn nghiêng về phía XHCN, chống lại chính sách cường quyền, hiếu chiến của Mỹ;

 

- Hình thành nhiều thể chế đa phương khu vực và toàn cầu để điều hòa lợi ích giữa các quốc gia, giải quyết mâu thuẫn xung đột, đẩy mạnh sự phát triển.

 

Sau khi chế độ XHCN ở Đông Âu bị xóa bỏ, Liên Xô tan rã dường như đã diễn ra một giai đoạn chuyển tiếp với nhiều sự xáo động, quan hệ quốc tế mới chưa định hình.

 

Về đại thể. cục diện thế giới mang những nét đặc trưng như: Mỹ nổi lên là siêu cường duy nhất mưu toan xác lập thế giới một cực do Mỹ lãnh đạo; Nga thời En-xin suy yếu, mất dần vùng ảnh hưởng xung quanh mình, vai trò vị trí cường quốc lu mờ, trong nhiều trường hợp ngả theo Mỹ và phương Tây; Trung Quốc và cả Ấn Độ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, từng bước điều chỉnh chiến lược nhằm khẳng định vai trò nước lớn của mình; EU mở rộng về phía Đông lấn lướt Nga, vừa tiếp tục gắn kết với Mỹ, vừa tỏ ra độc lập hơn với Mỹ; Nhật Bản rơi vào khủng hoảng, trì trệ sau “bong bóng kinh tế” kéo theo những rối loạn chính trị, tuy nhiên tiếp tục nỗ lực trở thành “quốc gia bình thường”, khẳng định vị trí nước lớn cả về chính trị lẫn quân sự.

 

Trật tự hai cực đã mất, trật tự một cực không thành, các nước tìm kiếm trật tự thế giới mới có lợi nhất cho mình.

 

Vậy hiện nay và trong vài thập kỷ tới có những đặc điểm gì khác hai thời kỳ trước?

 

Nét nổi bật là trên thế giới bắt đầu diễn ra sự cơ cấu lại tương quan lực lượng giữa các quốc gia và quan hệ quốc tế.

 

Trong sự phát triển của các quốc gia đang xuất hiện một số nét mới sau:

 

Một là, Mỹ tuy vẫn là siêu cường duy nhất song có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang ở thế đi xuống chứ không phải ở đỉnh cao của thời kỳ “hoàng kim” ngắn ngủi sau khi Liên Xô tan rã.

 

Trước mắt, Mỹ có sức mạnh tổng hợp vượt trội so với bất kỳ quốc gia nào khác. Về kinh tế, tuy Mỹ chỉ chiếm 4% dân số toàn cầu nhưng về GDP chiếm trên 30%, lớn hơn 4 nước sau Mỹ cộng lại (năm 2006, GDP của Mỹ là 13.152,71 tỷ USD so với 12.434,35 tỷ của Nhật, Đức, Trung Quốc, Anh). Về khoa học-công nghệ, chi phí của Mỹ chiếm trên 60% chi phí toàn thế giới và trên 60% bằng phát minh sáng chế, 70% những người được giải Nobel. Về quân sự, Mỹ nắm bộ máy quân sự khổng lồ, được trang bị hiện đại bậc nhất, có mặt ở nhiều khu vực và trên tất cả các đại dương, chi phí của Mỹ cho lĩnh vực này chiếm 47% chi phí quân sự của tất cả các nước. Về chính trị, Mỹ còn có thể thao túng cục diện chung cũng như hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế hàng đầu.

 

Tuy nhiên, kinh tế Mỹ có nhiều khuyết tật, nợ Nhà nước lên đến 9.130 tỷ USD trong khi năm 2000 là 5.700 tỷ, bằng 65% GDP so với 35% năm 1975, có dự báo cho rằng năm 2050 khoản nợ này sẽ bằng 350% GDP trong khi trong Chiến tranh thế giới thứ hai chỉ là 120%. Mỹ trở thành con nợ của nhiều nước: nợ Nhật Bản 586 tỷ, Trung Quốc 400 tỷ (điều không thể tưởng tượng được trong 2 - 3 thập kỷ trước và khác với Liên Xô), Anh 244 tỷ... Về khoa học-công nghệ Mỹ cũng không còn chiếm vai trò độc tôn trong nhiều lĩnh vực, các đối thủ cạnh tranh khác như Nga, Nhật Bản, Tây Âu, Trung Quốc, thậm chí các nước NIC như Hàn Quốc cũng đang tìm mọi cách vươn lên, chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao mới. Bộ máy quân sự khổng lồ cũng có mặt trái là hao người tốn của, dàn trải ra khắp nơi, trước mắt sa lầy trong hai cuộc chiến ở Áp-ga-nít-xtan và I-rắc, ngốn tới 3.000 tỷ USD, trong khi đó các nước đồng minh đều tìm cách tháo chạy, các đối thủ cạnh tranh tranh thủ thời cơ vươn lên mạnh mẽ. Mỹ và các cường quốc hạt nhân không còn độc quyền về loại vũ khí giết người hàng loạt này, sự kiện 11/9 chứng tỏ Mỹ không còn là một quốc gia bất khả xâm phạm. Về chính trị, Mỹ trở thành đối tượng bị nhiều người không ưa, là mục tiêu tấn công của nhiều thế lực, là đối thủ cạnh tranh của tất cả các nước lớn, ngay các nước đồng minh thân cận của Mỹ cũng không còn nhất nhất nghe theo, chủ nghĩa “đơn phương” mau chóng thất bại.

 

Hai là, người ta nói nhiều tới sự xuất hiện của một loạt nước “mới nổi” như BRIC (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc chiếm 46% dân số thế giới và 1/3 GDP theo đầu người nếu tính PPP), thậm chí cả nhóm nước VISTA (Việt Nam, In-đô-nê-xia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Ác-hen-ti-na). Trong số đó, điều được dư luận toàn thế giới quan tâm nhất là sự lớn mạnh nhanh chóng và những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga.

 

Sau 30 năm cải cách và mở cửa, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc gia tăng rất nhanh. Nếu như GDP năm 1978 mới có trên 215 tỷ $ thì năm 2007 đã lên tới 3.470 tỷ $, tức là tăng 16 lần; nếu tính theo đầu người thì tăng 9 lần (từ 255$ lên 2.040$). Với sự tăng trưởng như vậy kinh tế Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ 4, chỉ sau Mỹ, Nhật và Đức; về xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng hàng thứ hai với 780 tỷ $; đứng đầu về dự trữ ngoại tệ với trên 1.760 tỷ $ (tính đến 6/5/2008). Nay kinh tế Trung Quốc chiếm 5% sản lượng thế giới so với 1% năm 1978, 8% xuất khẩu thế giới và 10% đóng góp cho tăng trưởng toàn cầu. là “công xưởng cho thế giới”, đồng thời là “thị trường lớn nhất của thế giới”, kinh tế Trung Quốc đã có thể tác động đến kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày một tăng và nay Trung Quốc chẳng những nằm trong câu lạc bộ các nước có vũ khí hạt nhân mà còn bước vào câu lạc bộ các nước chinh phục vũ trụ.

 

Dưới tác động của những thành tựu thần kỳ ấy, đã xuất hiện nhiều sự đánh giá về triển vọng phát triển và vai trò của Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Có người cho rằng, giữa năm 40 của thế kỷ này,  Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới; thậm chí có người đánh giá rằng thời đại ngày nay là “thời đại Trung Hoa”. Ngược lại có người lại nhấn mạnh những mặt còn yếu kém của Trung Quốc để chứng minh rằng, Trung Quốc chưa phải là nhân tố đáng gờm, chỉ là cường quốc khu vực, chưa phải là toàn cầu...

 

Có lẽ cách đánh giá phù hợp nhất là sự lớn mạnh nhanh chóng và vai trò ngày một gia tăng của Trung Quốc là hiện tượng hoàn toàn mới so với thế kỷ trước. Nếu như Liên Xô trước đây chỉ có lợi thế về chính trị-quân sự là chính, về kinh tế chưa trở thành một nhân tố đáng gờm đối với các đối thủ cạnh tranh này thì nay Trung Quốc rõ ràng có lợi thế không nhỏ về cả kinh tế, vị trí vai trò của Trung quốc sẽ không chỉ bó hẹp ở khu vực.

 

Mặt khác cũng cần thấy rằng, Trung Quốc đang đứng trước không ít thách thức và còn tương đối yếu kém về nhiều mặt. GDP của Trung Quốc mới bằng 1/7 của Mỹ, 1/2 của Nhật, nếu tính theo đầu người thì chỉ bằng 1/36 của Mỹ; chi khoa học chỉ bằng 1/3 của Mỹ; nền kinh tế kém hiệu quả, tiêu hao lớn (GDP chiếm khoảng trên dưới 5% toàn cầu nhưng tiêu thụ tới 15% than, 30% thép, 54% xi-măng, 7% dầu lửa... toàn thế giới); sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền, tầng lớp dân cư lớn (theo THX tới 2011, số hộ giầu chỉ chiếm 0,1% nhưng nắm 41,4% tài sản quốc gia; tuy còn kém xa Mỹ, Nhật về GDP nhưng có tới 108 tỷ phú đô-la so với 300 ở Mỹ, 24 ở Nhật); “tam nông” tiếp tục là điểm nóng; còn tồn tại nhiều vấn đề chính trị-xã hội trong nước không dễ xử lý như khả năng chấp chính, tệ tham nhũng, nguy cơ ly khai, ô nhiễm.... Kinh tế Trung Quốc tùy thuộc đáng kể vào kinh tế nước ngoài, vị thế quốc tế còn chưa ngang tầm và trở thành đối tượng các cường quốc khác muốn kiềm chế, tâm lý lo ngại Trung Quốc âm ỉ ở nhiều quốc gia. Môi trường xung quanh Trung Quốc trên hầu hết các hướng đều ẩn chứa những nhân tố bất ổn.

 

Trước sự lớn mạnh của mình, đồng thời nhận thức rõ những thách thức phải đối mặt, Trung Quốc đang có những điều chỉnh lớn.

 

Về đối nội, nhấn mạnh sự phát triển khoa học và sự hài hòa nhằm khắc phục những tồn tại trên; đi đôi với phát triển kinh tế chú trọng các vấn đề xã hội và cả môi trường, nâng cao khả năng chấp chính, phát huy dân chủ;

 

Riêng về kinh tế, chuyển từ khẩu hiệu “nhanh và tốt” sang “tốt và nhanh” với 3 sự chuyển hướng chủ yếu: từ chỗ chú trọng hai nhân tố đầu tư và xuất khẩu chuyển sang chú trọng cả nhân tố nội nhu; từ chỗ chú trọng sử dụng nhiều vốn và nguyên liệu chuyển sang chú trọng khoa học-công nghệ, từ chỗ chú trọng công nghiệp hóa là chính sang chú trọng cả ba sản nghiệp;

 

Về quốc phòng, có 7 sự điều chỉnh: (i) về vị trí của quốc phòng, chuyển từ phương châm ‘chịu đựng một chút” sang phương châm “nước giầu quân mạnh”; (ii) về chi phí quân sự từ xu thế giảm bớt chuyển sang xu thế ngày một gia tăng (năm 1978 chiếm 17% chi ngân sách, 1999 chỉ còn 7%, năm 2007 khôi phục lại mức 17% với 47 tỷ USD, chỉ sau Mỹ, Anh, Nhật); (iii) về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang chuyển từ “ngoài chống xâm lược, trong chống bạo loạn” sang “3 bảo đảm, một phát huy” (bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, cơ hội lịch sử phát triển và bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên thế giới; phát huy vai trò trong thế giới hiện nay); (iv) về đối tượng, nếu như trong những năm 50 thế kỷ trước đối thủ giả định là Mỹ thì trong những năm 60 - 70 là Liên Xô, nay về công khai không nói rõ mà đề cập đa dạng; (v) về không gian hoạt động, từ chỗ nhấn mạnh lãnh thổ và bầu trời chuyển sang nhấn mạnh biển, đất, trời; (vi) về phương tiện chiến tranh, đi đôi với cơ giới hóa được coi là nền tảng, tin học hóa được coi là chủ đạo, theo đó đề ra 3 giai đoạn: trước 2010 xây dựng nền tảng vững chắc; tới 2020 phát triển mạnh và đến giữa thế kỷ về cơ bản thực hiện mục tiêu tin học hóa, bảo đảm đánh thắng trong chiến tranh tin học; (vii) về tổ chức nhấn mạnh nhân tố hiệp đồng, hậu cần, đào tạo nguồn nhân lực.

 

Về ngoại giao, có 5 điều chỉnh lớn: (i) chuyển từ phương châm có phần thụ động “giấu mình chờ thời cơ” sang phương châm mang tính chủ động tiến công “ngoại giao nước lớn”, “trỗi dậy hòa bình”, “quật khởi dân tộc”; (ii) chuyển từ nhất biên đản, khi thì cùng Xô chống Mỹ, khi thì “phản đế phản tu”, khi thì cùng Mỹ chống “đại bá, tiểu bá” sang ngoại giao đa cực; (iii) chuyển từ ngoại giao cứng “xuất khẩu cách mạng” sang “ngoại giao mềm” xuất khẩu hàng hóa và cả vốn đầu tư, tranh thủ tài nguyên, nhất là nhiên liệu; (iv) chuyển từ “viễn giao cận công” sang “mục lân, an lân, phú lân”; (v) chuyển từ khu vực ra phạm vi toàn cầu, mở rộng mạnh mẽ quan hệ với các nước vốn được coi là sân sau và vùng ảnh hưởng của các nước lớn khác như Đông Nam Á, châu Phi, Trung Á và Mỹ La-tinh.

 

Thời En-xin, nước Nga ngập sâu trong khủng hoảng toàn diện, cả về kinh tế -tài chính lẫn chính trị-xã hội, quốc phòng về ngoại giao hầu như mất vị trí cường quốc: thu nhập thực tế năm 1999 chỉ bằng 40% năm 1991, 1998 bùng nổ khủng hoảng tiền tệ-tài chính, 1/3 dân số sống dưới mức nghèo, nợ nước ngoài lên tới 220,8 tỷ USD, mỗi năm hàng chục tỷ đô-la chảy ra nước ngoài; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội mất ổn định nghiêm trọng, liên tục thay đổi chính phủ, nảy sinh 2.000 điểm xung đột, điển hình là Chê-xnhia, tội phạm, tham nhũng tràn lan; quốc phòng suy yếu, năm 1999 chi quốc phòng chỉ còn 4,7 tỷ USD, uy tín quân đội, an ninh xuống thấp chưa từng có; trên trường quốc tế bị phương Tây lấn lướt, mất dần vùng ảnh hưởng truyền thống.

 

Trong 8 năm cầm quyền của Pu-tin, kinh tế hồi phục, GDP tăng 6-7%/năm, từ 2000 đến 2007 tăng 72%, đạt 863 tỷ vào năm 2006 và xấp xỉ 1.000 tỷ vào năm 2007, trở thành một trong 7 nền kinh tế lớn nhất, thu thập thực tế tăng 2,5 lần, thất nghiệp, hộ nghèo giảm 2 lần, không những đã xóa được nợ (nay chỉ còn 3% GDP) mà còn có dự trữ 487 tỷ USD, đứng hàng ba sau Trung Quốc và Nhật; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đi dần vào thế ổn định; cuộc chiến ở Che-xnhia lắng dịu; chi phí quân sự tăng 16-30%/năm, lực lượng vũ trang được đề cao, xuất khẩu vũ khí đạt khoảng 26,9 tỷ USD, hơn Mỹ 1 tỷ; về đối ngoại theo đuổi một đường lối cứng rắn, cố gắng bảo vệ lợi ích và danh dự dân tộc.

 

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được Nga đang theo đuổi những kế hoạch đầy tham vọng: dự kiến GDP năm 2020 tăng 4 lần so với 2008, vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, tầng lớp trung lưu chiếm 60-70%...

 

Tuy nhiên, nước Nga còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vừa qua kinh tế phát triển mạnh chủ yếu nhờ vào giá dầu lửa tăng cao; ở nước Nga còn ẩn chứa nhiều vấn đề nan giải về chính trị-xã hội, sắc tộc; các nước thuộc Liên Xô cũ nói chung đều nghi ngại Nga và tìm kiếm đối trọng mới trong quan hệ với Nga; các nước lớn đều tìm cách kiềm chế Nga, đẩy nước Nga vào thế phải đối mặt với sự kiềm chế, cạnh tranh ở cả bốn phía.

 

Để khắc phục những điểm yếu ấy, “Chiến lược phát triển của nước Nga đến 2020” đưa ra một số hướng: Về kinh tế, nhấn mạnh yêu cầu thoát khỏi tình trạng dựa quá nhiều vào thế mạnh năng lượng, chuyển mạnh sang tận dụng thành quả khoa học-công nghệ, phát triển “kinh tế tri thức”, nâng cao năng suất, hiệu quả, chú trọng các ngành hàng không-vũ trụ, đóng tầu, năng lượng, thông tin, sinh học; Về xã hội, đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục, y tế, gia tăng từng lớp trung lưu đi đôi với việc cải thiện đời sống cho tầng lớp nghèo, tinh giản bộ máy Nhà nước; Về quốc phòng, chú trọng chế tạo vũ khí hiện đại đi đôi với việc nâng cao trình độ quân đội; Về đối ngoại, khôi phục vị trí nước lớn, chống lại chính sách bao vây, kiềm chế nước Nga nhưng có tránh rơi vào thế đối đầu, chạy đua tốn kém.

 

Với sự điều chỉnh chiến lược từ đóng cửa, tự cấp tự túc sang cải cách mở cửa, từ liên minh với Liên Xô, đối đầu với Trung Quốc và cả Mỹ sang chính sách đa dạng hóa, Ấn Độ đang trở thành một nhân tố quan trọng mới trên bàn cờ quốc tế. Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, lên tới 9,4% trong năm tài chính 2006-2007, giá trị GDP đạt gần 1.000 tỷ USD, đứng hàng thứ 12, tính theo đầu người khoảng 885 USD, về cơ cấu kinh tế thế mạnh nổi trội của Ấn Độ là dịch vụ chiếm 60,7% GDP, đặc biệt dịch vụ phần mềm và tài chính rất phát triển.

 

Tuy nhiên, Ấn Độ còn đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng do dân số quá đông, tỷ lệ nghèo đói cao, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu (nông nghiệp và công nghiệp đều chiếm trên 19%), xã hội phân hóa theo đẳng cấp nặng nề, đảng phái, tôn giáo giằng xé nhau, tứ phía đều bất ổn, vị trí trên thế giới còn có hạn, các nước lớn thường chỉ lợi dụng vai trò Ấn Độ như nhân tố bổ sung, làm đối trọng chứ chưa coi là nhân tố ngang vai bằng vế.

 

EU tiếp tục mở rộng và nhất thể hóa thành một thực thể thống nhất như một siêu quốc gia với đồng tiền chung, Hiến pháp chung, một dạng chính phủ và ngoại trưởng chung, xu hướng độc lập hơn với Mỹ ngày càng bộc lộ. Nhật Bản sẽ tiếp tục chiều hướng thoát khỏi những ràng buộc sau chiến tranh để trở thành cường quốc cả về kinh tế lẫn chính trị và quân sự, giành ghế ủy viên thường trực HĐBA LHQ. Tuy vẫn lấy quan hệ đồng minh với Mỹ làm cốt lõi song cũng đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ để tạo thế cơ động hơn.

 

Tóm lại, đang diễn ra sự cơ cấu lại tương quan lực lượng theo quy luật phát triển không đều. Tất nhiên, sự “đi xuống” của Mỹ, sự “đi lên” của một loạt nước mới chỉ manh nha, ở phía trước còn cả quá trình lâu dài, ẩn chứa nhiều nhân tố khó lường, thậm chí có thể có những khúc quanh co, những bước thụt lùi. Mỹ yếu đi song vẫn có thể tiếp tục duy trì vai trò siêu cường trong thời gian đáng kể; các nước mới nổi cũng còn đứng trước không ít thử thách cam go.

 

Trong bối cảnh ấy, quan hệ quốc tế trong thời kỳ mới nổi lên 6 điểm mới:

 

Một là, nếu như trong hai thời kỳ trước trên đấu trường chỉ có các nước châu Âu đóng vai trò chính, ngày nay có cả các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á. Khác với trước, bên cạnh các nước lớn còn đóng vai trò chủ đạo, các nước vừa và nhỏ ngày càng vươn  lên giành vị trí của mình.

 

Hai là, nếu như trong hai thời kỳ trước, các nhân tố chính trị, quân sự bộc lộ nổi trội trong sự phát triển của các quốc gia và trong quan hệ quốc tế, còn nhân tố kinh tế ẩn mình bên trong; ngày nay bên cạnh các nhân tố chính trị, quân sự, nhân tố kinh tế bộc lộ rõ nét và đóng vai trò quan trọng;

 

Về chính trị, bên cạnh quyền lực “cứng”, quyền lực “mềm” trở thành phương cách ngày càng phổ biến và có nhiều tác dụng.

 

Về quân sự, bên cạnh cuộc chạy đua về sức công phá, khả năng cơ động, đang nổi lên cuộc chạy đua về khả năng điều khiển bằng công nghệ thông tin; về không gian, bên cạnh đất liền và bầu trời, đại dương và vũ trụ đang trở thành địa bàn tranh giành gay gắt.

 

Về kinh tế, trong cuộc chạy đua về sức mạnh tổng lực, nước nào cũng dành ưu tiên cao cho khoa học-công nghệ, từ đó rất chú trọng nhân tố con người. Dưới tác động của toàn cầu hóa đã nảy sinh cả hai chiều hướng: vừa cạnh tranh nhau gay gắt nhằm giành thị trường (nhưng không phải giành không gian với tư cách là các thuộc địa, khu vực ảnh hưởng như trước mà là giành khách hàng đối với hàng hóa và dịch vụ), vừa hợp tác đan xen tạo nên thế tùy thuộc lẫn nhau. Đây là một trong những nhân tố hạn chế khả năng nổ ra chiến tranh thế giới.

 

Nếu như trước kia nguồn cung cấp nguyên liệu luôn là mục tiêu giành giật thì nay đang nổi lên sự tranh giành nguồn năng lượng, trong đó các nước giầu nguyên liệu biến chúng thành vũ khí lợi hại, các nước thiếu nguyên liệu ra sức chiếm đoạt hoặc bằng vũ lực hoặc bằng tài chính và trong cuộc giành giật này hình thành những sự liên kết khác nhau.

 

Ba là, nếu như trong hai thời kỳ trước luôn luôn tồn tại hai khối cạnh tranh, đối đầu nhau (đồng minh chống phát xít với khối “trục” trong chiến tranh thế giới thứ hai, phe XHCN với phe TBCN) thì ngày nay phổ biến là sự tập hợp lực lượng đan xen, lỏng lẻo, nhiều khi tạm thời tùy theo lợi ích, theo nội dung, theo địa bàn, theo thời điểm, trong đó các nước vừa lôi kéo, lợi dụng, vừa kiềm chế lẫn nhau.

 

Nói một cách khác, âm mưu thiết lập thế giới đơn cực nhanh chóng thất bại; trong tương lai khó có khả năng xuất hiện cục diện “hai cực mới” vì chưa thể xuất hiện hai nước cân bằng lực lượng và có khả năng tập hợp các nước khác thành một khối thống nhất; sự hình thành thế giới đa cực cũng khó xuất hiện do nước nào cũng chủ trương đa dạng hóa quan hệ, tránh “xếp hàng” theo một cực nhất định, do đó nét nổi trội sẽ là một thế giới đa dạng như trên đã nói.

 

Đáng chú ý là trong sự đấu tranh, giành giật, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

 

Bốn là, nếu như trong các thời kỳ trước, các tổ chức đa phương mang tính toàn cầu chưa xuất hiện (nửa đầu thế kỷ XX chỉ có Hội Quốc liên nhưng thất bại) hoặc chưa phát huy được những tác dụng (nửa sau thế kỷ XX, về chính trị có Liên Hợp Quốc, về kinh tế có GATT nhưng tác dụng còn hạn chế) thì nay đồng thời diễn ra hai quá trình phản ánh hai xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa: (i) các thực thể đa quốc gia ngày càng phát triển dưới hình thức, mức độ chặt lỏng khác nhau; (ii) bên cạnh Liên Hợp Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng, tồn tại và xuất hiện rất nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu hoặc khu vực điều hòa lợi ích, xung đột, xử lý các vấn đề có mối quan tâm chung...

 

Năm là, nếu như trong hai thời kỳ trước châu Âu cùng với các thuộc địa và khu vực ảnh hưởng của các nước châu Âu là đấu trường chủ yếu thì ngày nay nổi lên địa bàn “vùng ven”, nhất là châu Á, bao gồm cả Tây Á, Trung Cận Đông đi đôi với sự giành giật ở Mỹ La-tinh, châu Phi cũng như Trung Á.

 

Sáu là, thế giới phải đối mặt với nhiều khủng hoảng nghiêm trọng về tài nguyên, dầu lửa, lương thực, môi trường, khí hậu... đặt ra yêu cầu bức xúc phải cùng nhau hợp tác để giải quyết vì sự tồn vong của nhân loại.

 

Tác động đối với Việt Nam

 

Những diễn biến trên tất yếu tác động tới nước ta. Trong cuộc chạy đua khốc liệt để tăng cường sức mạnh tổng hợp, tất cả các quốc gia đều dành ưu tiên cao cho khoa học-công nghệ và đi liền với nó là chất lượng nguồn nhân lực. Điều đó đặt nước ta trước những thách thức gay gắt hơn, nguy cơ tụt hậu xa hơn, nếu không có chiến lược phát triển thích hợp.

 

Để phục vụ cho cuộc chạy đua trên, nhu cầu về nguyên nhiên liệu, nhất là dầu lửa ngày một lớn. Nước ta nằm trong khu vực có tiềm năng dầu khí tương đối lớn, do đó được các nước bên ngoài quan tâm. mặt khác vì mục tiêu phát triển, nhu cầu năng lượng của nước ta ngày một tăng, do đó ngoại giao năng lượng cần trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Lương thực cũng đang trở thành một điểm nóng trong quan hệ quốc tế. Đối với Việt Nam, một nước có thế mạnh về mặt này, sự phát triển nông nghiệp không chỉ nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước mà còn có thể là công cụ hữu hiệu trong quan hệ quốc tế;

 

Nước ta nằm ở khu vực châu Á nay là động lực phát triển của thế giới, được tất cả các nước lớn quan tâm, do đó chịu tác động của sự tranh chấp, giành giật phức tạp giữa các nước lớn cả về chính trị, quân sự lẫn kinh tế. Điều đó đặt ra yêu cầu có những sự tiếp cận thích hợp.

 

 

Hồ Vũ

Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 2 (73) tháng 6 – 2008, Học viện Ngoại giao