08/05/2023
Ngày 30/1/2022, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ đăng báo cáo về hoạt động tuần tra của tàu hải cảnh Trung Quốc tại năm thực thể trên Biển Đông. Kết luận của báo cáo có thể minh chứng cho xu hướng đẩy mạnh tần suất hoạt động của hải cảnh trên diện rộng của Trung Quốc.
Hoàng Hà
Báo cáo kết luận những gì?
Với tên gọi “Hoạt động tuần tra của hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông năm 2022”[1], báo cáo phân tích hiện diện của hải cảnh Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây, Cụm bãi cạn Luconia, Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, Bãi Tư Chính và Đảo Thị Tứ qua dữ liệu vệ tinh (AIS) từ trang MarineTraffic.
Theo báo cáo, tại Biển Đông, hải cảnh Trung Quốc tuần tra nhiều nhất gần năm thực thể trên với tần suất tăng so với năm 2020: từ 287 lên 344 ngày tại Scarborough/Hoàng Nham; từ 279 lên 316 ngày tại Luconia; từ 142 lên 310 ngày tại Tư Chính (hơn 100%); từ 232 lên 279 ngày tại Cỏ Mây.
Ngoài ra, báo cáo cũng có thêm một đoạn về các hoạt động “quấy rối” của hải cảnh Trung Quốc như phối hợp với tàu dân binh tại Bãi Cỏ Mây, cắt cáp tàu Philippines gần Thị Tứ, ngăn cản hoạt động dầu khí và hoạt động tiếp tế của Philippines… Từ đó, báo cáo kết luận hiện diện gia tăng của hải cảnh Trung Quốc khiến đụng độ trong tương lai “không thể tránh khỏi”. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng số vụ gây hấn của hải cảnh Trung Quốc tại dàn khoan của các nước Đông Nam Á trong năm 2022 giảm đi, có thể do một số nước đã rút lui trước sức ép từ Trung Quốc (trừ Indonesia).
Suy ngẫm thêm về số liệu
Nếu sử dụng cùng nguồn dữ liệu, ta có thể rút ra nhiều quan sát khác về xu hướng tuần tra của tàu hải cảnh Trung Quốc mà báo cáo chưa nhắc tới. Về tần suất, hầu như ngày nào Trung Quốc cũng có ít nhất một tàu hải cảnh tuần tra tại các điểm trên. Về địa điểm, Scarborough/Hoàng Nham là khu vực tập trung nhiều tàu hải cảnh nhất, cả về số ngày và số tàu. Bãi Tư Chính là nơi có nhiều tuần tra kéo dài 1-2 tháng (có ý kiến học giả cho rằng Tư Chính có thể coi là điểm “nghỉ chân” của tàu hải cảnh[2]). Về công cụ, các tàu tại Scarborough/Hoàng Nham đều có số hiệu bắt đầu bằng số “3” trong khi các tàu tại các thực thể khác thường bắt đầu bằng “5”, thuộc phân cục số 5, có trách nhiệm hỗ trợ cho cả ba khu vực biển của Trung Quốc (Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải). Do đó, các tàu số 5 linh động hơn (tàu 5203 hay 5305 được dùng để tuần tra nhiều thực thể). Đáng chú ý, tàu hải cảnh số hiệu 5901 không được báo cáo chú trọng dù đây là tàu lớn nhất thế giới, có xuất hiện hơn 1 tháng tại Thị Tứ và đến tháng[3]1/2023 vẫn đang tiến vào vùng chồng lấn EEZ của Indonesia và Malaysia.
Cũng cần chú ý rằng, số liệu của báo cáo chỉ phản ánh một phần hiện trạng. Thứ nhất, nguồn tín hiệu AIS còn nhiều hạn chế, dễ dàng bị giả mạo hoặc bị tắt đi. Có thể Trung Quốc có nhiều tàu hải cảnh hơn nhưng phát tín hiệu định danh là tàu chở hàng (ví dụ như tàu Dujuae được báo cáo nhắc đến). Thứ hai, Biển Đông còn nhiều thực thể khác, không được báo cáo theo dõi. Thứ ba, không loại trừ trường hợp các tàu hải cảnh này không tiến hành tuần tra mà có các hoạt động khác.
Biểu hiện của chiến thuật “vùng xám” ngày càng rõ nét?
Bên cạnh tàu dân bình và tàu khảo sát, hải cảnh là một phần của “bộ ba” công cụ thực thi chiến thuật “vùng xám” trên thực địa của Trung Quốc. Tại Biển Đông, các lực lượng có khả năng phối hợp nhuần nhuyễn. Nếu kết hợp với báo cáo tháng 9/2022 của AMTI về dân binh biển[4], ta có thể thấy tần suất hoạt động của dân binh tại Hoàng Nham và Cỏ Mây tương đối thấp nhưng tại Thị Tứ tương đối cao. Trong khi đó, tần suất hoạt động của hải cảnh tại Hoàng Nham và Cỏ Mây cao nhưng tại Thị Tứ thấp hơn. Ngoài ra, có nguồn tin cho rằng các lực lượng đã cùng thực hiện các hành trình đánh chặn tàu quân sự của Philippines ở gần bãi Cỏ Rong[5] hay bảo vệ cho tàu khảo sát HD8 khi vào EEZ Việt Nam[6].
Tại Hoa Đông, thông tin từ Nhật Bản cho thấy hải cảnh Trung Quốc xuất hiện ở khu vực lân cận Senkaku/Điếu Ngư với tần suất ngày một tăng, nhất là từ khi Trung Quốc đưa ra luật hải cảnh mới [7] (159 ngày năm 2018, 282 ngày năm 2019 và 330 ngày từ năm 2020). Thời gian hoạt động trong vùng biển Senkaku lâu nhất của một tàu hải cảnh lên đến 64 giờ 17 phút[8]. Các tàu này còn tiếp cận, bám đuôi và xua đuổi[9] các tàu đánh cá của Nhật Bản[10] hoặc có chở pháo 76 ly tiếp cận khu vực gần quần đảo tranh chấp[11]. Đây có thể là xu hướng của Trung Quốc nhằm “răn đe” Nhật Bản khi chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang điều chỉnh chính sách an ninh theo hướng mạnh mẽ hơn (tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, hướng tới hỗ trợ hoạt động quân sự ngoài biên giới, can dự sâu hơn vào các hoạt động an ninh biển khu vực).
Trung Quốc có khả năng đẩy mạnh tần suất hoạt động của hải cảnh trên diện rộng có thể vì nhiều lý do. Thứ nhất, TQ có xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào ngân sách quốc phòng và chấp pháp[12], đồng thời phối hợp hành động của quân đội và chấp pháp. Trung Quốc trong những năm gần đây đã cải thiện cơ sở pháp lý để mở rộng phạm vi hoạt động của hải cảnh[13]. Thứ hai, hoạt động của hải cảnh các nước khác để ứng phó còn hạn chế: Mỹ khó có thể xuất hiện tại các vùng biển phía Đông và Đông Bắc Trung Quốc thường xuyên do các khu vực này không tồn tại vùng biển quốc tế (high sea); năng lực của hải cảnh Philippines hay Nhật Bản chưa đủ mạnh so với Trung Quốc.
Nhìn chung, số liệu CSIS đưa ra không phản ánh đầy đủ thực trạng về hoạt động của tàu Trung Quốc tại Biển Đông nhưng có thể hé lộ phần nào về các xu hướng hiện diện hải cảnh trên thực địa của nước này như: tập trung vào một số thực thể lớn; tăng tần suất tuần tra dài ngày; tăng phối hợp giữa hải cảnh và các lực lượng khác để triển khai các hiện diện mang tính “vùng xám” tại vùng tranh chấp./.
Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân.
[1] https://amti.csis.org/flooding-the-zone-china-coast-guard-patrols-in-2022/
[2] https://www.rfa.org/english/news/southchinasea/china-coast-guard-01312023020626.html
[3] https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3206445/china-sending-signal-deploying-largest-coastguard-vessels-near-indonesias-natunas
[4] https://amti.csis.org/the-ebb-and-flow-of-beijings-south-china-sea-militia/
[5] https://twitter.com/GordianKnotRay/status/1620653199245074433
[6] https://thediplomat.com/2019/08/chinas-dominance-on-display-in-the-south-china-sea/
[7] https://www.kaiho.mlit.go.jp/mission/senkaku/senkaku.html
[8]https://japan-forward.com/china-aggressively-seeking-effective-control-in-waters-around-the-senkaku-islands/
[9] https://vnexpress.net/hai-canh-trung-quoc-xua-duoi-tau-nhat-gan-dao-tranh-chap-4564862.html
[10]https://japan-forward.com/china-aggressively-seeking-effective-control-in-waters-around-the-senkaku-islands/
[11] https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-theo-doi-sat-tau-phao-cua-trung-quoc-tai-khu-vuc-senkaku-dieu-ngu-post986210.vov
[12]https://news.usni.org/2019/11/19/chinas-coast-guard-enforcing-blue-its-intended-water-territorial-expansion
[13] https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Analysis-Xi-takes-over-Coast-Guard-and-gives-it-a-license-to-fire
Báo cáo khảo sát tình hình Đông Nam Á thường niên (The State of Southeast Asia) của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS) là báo cáo khảo sát uy tín nhất về tình hình điạ chính trị ở Đông Nam Á hiện nay. Mỗi khi công bố, kết quả của các Báo cáo được rất nhiều báo chí, truyền thông...
Ngày 29/9/2022, chính quyền Biden công bố Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ có một văn bản chiến lược riêng với các nước đảo quốc Thái Bình Dương.
Ngày 27/11/2022, Bộ Ngoại giao Canada lần đầu ban hành bản Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Ấn – Thái) . Dù có phần muộn hơn các văn bản tương tự của “bạn láng giềng” Mỹ và các đồng minh lịch sử Anh hay Pháp, bản của Canada vẫn có những điểm nhấn nhất định, đem lại “gam màu” mới cho tập hợp...
Việc Mỹ-Trung rơi vào vòng xoáy mâu thuẫn chiến lược, cạnh tranh công nghệ bị đẩy cao tiệm cận hình thái “chiến tranh” đang không chỉ tác động sâu sắc tới quan hệ giữa hai nước lớn, mà còn tạo ra nhiều thay đổi với phát triển của thế giới và khu vực.
Trong bối cảnh Biển Đông và Hoa Đông ngày càng liên thông về không gian biển và địa chiến lược, hợp tác an ninh biển của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước ven Biển Đông ngày càng phát triển.
Thông điệp liên bang năm 2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến Trung Quốc nhiều hơn Nga dù cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn, đậm màu sắc cấp tiến trong các mục tiêu đối nội.