PDF file

 

 

Lời mở đầu

Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn đối với Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam, hai cơ quan tổ chức của Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã có lời mời tham dự. Tôi cũng cảm thấy vinh dự khi được tham gia Hội thảo về cùng chủ đề vào khoảng thời gian này năm 2009 ở Hà Nội, cũng được tổ chức dưới sự tài trợ của hai tổ chức nêu trên. Do đó, tôi thực sự rất cảm kích vì có thêm cơ hội tại Hội thảo lần này.

Tôi đánh giá rất cao Hội thảo lần này vì được tổ chức dựa trên và tiếp nối Hội thảo năm 2009 ở Hà Nội. Một hội thảo kênh hai khác mà ở đó tôi có vinh dự được tham gia trình bày tham luận có chủ đề là “Hợp tác trong việc Giải quyết các Vấn đề An ninh Phi truyền thống ở Biển Đông: Kiếm tìm các Giải pháp Hiệu quả hơn” được tổ chức ở Hải Khẩu, Trung Quốc từ 20-22/5/2010 dưới sự bảo trợ của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông. Tôi rất cảm kích vì được tham gia Hội thảo này vì theo tôi được biết đó là hội thảo đầu tiên tập trung vào các vấn đề an ninh phi truyền thống, và theo một cách thức khá toàn diện. Hơn nữa, chủ đề này rất quan trọng bởi vì hợp tác trong giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tạo thêm một cú hích cho các nỗ lực kiếm tìm sáng tạo các cách tiếp cận hay phương thức có thể giúp làm dịu đi tình hình ở Biển Đông; hội thảo đưa ra một cách tiếp cận mới và chỉ ra một hướng đi khác giúp mở rộng khả năng tìm ra các giải pháp hữu hiệu. Nỗ lực song song trong việc giải quyết các vấn đề phi truyền thống có thể được gói gọn trong việc quản lý đại dương, điều có thể là chìa khóa trong việc “tạm gác” các yêu sách chủ quyền, và hy vọng cuối cùng có thể loại bỏ các yêu sách này. Với sự hỗ trợ không ngừng của Học viện ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông, và các cơ chế kênh hai khác trong khu vực, những kiến nghị của Hội thảo lần này cũng như các hội thảo và hội nghị tương tự trước đó có thể được tổng hợp và dần dần được chuyển vào kênh I.

 Những nỗ lực kênh II này của Học viện Ngoại giao, Hội Luật gia Việt Nam, và Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông nhằm thúc đấy các buổi đàm thoại và thảo luận mang tính xây dựng liên quan đến các vấn đề có vẻ như không dễ dàng giải quyết được và những quan ngại về quản lý hàng hải ở Biển Đông phải được xem như là các bước đi cần thiết ban đầu nhằm mục đích thiết lập được cơ chế hợp tác kênh I toàn diện về hòa bình, an ninh hàng hải và trật tự ở khu vực. Rõ ràng phương thức kênh II hiện tại đã không chỉ là việc các học giả tham gia trình bày tham luận/ý kiến. Thay vào đó, như tên gọi của cuộc gặp này, đây là một HỘI THẢO – người tham gia bao gồm các chuyên gia về chủ đề liên quan được yêu cầu thảo luận và nghiên cứu một cách chủ động theo một cách thức tập trung về các cách tiếp cận có thể áp dụng nhằm tháo gỡ các vấn đề cũng như những quan ngại vô cùng phức tạp và đan cài với nhau mà cho đến bây giờ đang ngăn cản việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và hợp tác quản lý hàng hải ở Biển Đông. Hơn nữa, chúng ta cũng cần đánh giá cao việc những nỗ lực kênh II tương tự đã nêu ở trên đều được tổ chức bởi các tổ chức thuộc các quốc gia yêu sách. Sẽ là có ý nghĩa đóng góp cực kỳ lớn nếu Philippin, quốc gia có yêu sách ở tuyến đầu và dễ bị tổn thương nhất từ tất cả các đe dọa phát sinh từ xung đột hay hợp tác phát triển, hay ngay cả các sự cố xảy ra do vấn đề vận chuyển đường thủy, có thể tổ chức tiếp nối một Hội thảo kênh II tổng hợp tất cả các quan điểm liên quan đến các giải pháp được đưa ra đối với hai lĩnh vực, an ninh truyền thồng và phi truyền thống, và tổng hợp các giải pháp này theo một cách thức chặt chẽ và toàn diện để đưa lên xem xét ở kênh I. Trong khi ý tưởng này có lẽ hơi tham vọng, chúng ta cần phải chấp nhận rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đặc biệt là tại thời điểm muộn màng này sẽ không có tiến triển gì có ý nghĩa thông qua các giải pháp manh mún.

Bài tham luận của tôi ngày hôm nay không phải là một bài viết học thuật mà chỉ trình bày một số quan điểm cá nhân dựa trên những đánh giá thực tế liên quan đến hai trong ba chủ đề của Hội thảo, cụ thể là:

· Những diễn biến gần đây ở Biển Đông và những hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực.

· Hợp tác ở Biển Đông vì an ninh và phát triển của khu vực.

Rất nhiều ý trong bài viết này là những quan sát và kiến thức chuyên môn liên quan đến các vấn đề Biển Đông mà tôi thu được trong suốt 30 năm làm ngoại giao ở nước tôi, một quốc gia yêu sách ở tuyến đầu. Tuy nhiên tôi cũng hy vọng rằng bài viết này có thể góp phần tìm ra những bước đi thiết thực nhằm làm dịu bớt tình trạng xung đột hiện thời ở Biển Đông.

Tầm quan trọng lịch sử và truyền thống của Biển Đông trong bối cảnh khu vực và toàn cầu

Trước tiên tôi xin điểm qua một vài ý ngắn gọn về tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh khu vực và toàn cầu. Từ ngàn xưa, Biển Đông luôn luôn được xem cầu nối thông tin giữa các đảo và các nền văn minh trong khu vực. Biển của khu vực này là một nhân tố thống nhất hơn là phân chia; là một vùng biển hòa bình chưa bao giờ có xung đột. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây ở khu vực và toàn cầu trong vòng 60 năm qua đã tác động lên vai trò địa chiến lược của Biển Đông ở hai khía cạnh:

· Bối cảnh quân sự và chính trị chiến lược của khu vực sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2

· Sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt về các nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu  khí tiềm năng; bao gồm cả việc áp đặt quyền tài phán liên quan đến nguồn tài nguyên hải sản. 

Liên quan đến khía cạnh thứ nhất, Biển Đông là một bộ phận biển khu vực rất quan trọng  bao gồm các tuyến đường hàng hải cho giao thông trong nước, khu vực và quốc tế. Để miêu tả rõ hơn, tôi xin mượn lời của tuyên bố chung ASEAN – Mỹ tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần hai diễn ra trong năm nay, “Biển Đông vốn truyền thống là khu vực hòa bình và ổn định khu vực, an ninh hàng hải, thương mại không bị ngăn cản và tự do hàng hải”. Văn hóa hàng hải của khu vực phục vụ cho tất cả các hoạt động của con người ở Biển Đông trong lịch sử hàng hải luôn tuân theo nguyên tắc “tự do biển cả” (“mare liberum”). Đây là nguyên tắc ngự trị của luật biển quốc tế trong khu vực này trong một thời gian dài sau khi các cường quốc hàng hải đầu tiên trên thế giới chuyển sang sử dụng khái niệm và hình thành quy phạm “biển đóng” (“mare clausum”) theo Hiệp ước Tordisillas vào thế kỷ 14.

Hoàn cảnh cũng như thực tế địa chính trị thay đổi sau chiến tranh thế giới thứ 2 có thể giải thích cho việc mạnh mẽ chiếm đoạt các vùng biển giữa các quốc gia ven Biển Đông trước đây đã từng là láng giềng hữu nghị. Ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ II, một số đảo và đảo nhỏ ở Biển Đông được sử dụng như là nơi đồn trú lực lượng của các quốc gia xâm lược. Các quốc gia ven biển có lợi ích liên quan tranh giành quyền sở hữu bất kỳ hay tất cả những cấu trúc địa chất ở vùng biển của khu vực như một phản ứng tức thời nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Trong bối cảnh diễn biến của tình hình, xét môi trường hòa bình đã từng ngự trị ở khu vực như đã đề cập ở trên rằng Biển Đông đã một khu vực sẻ chia hòa bình các nguồn tài nguyên, các quốc gia ven biển chịu áp lực phải biện minh cơ sở các yêu sách tương ứng của mình theo thể thức hợp lý của ngày nay, phải dựa trên quyền sở hữu. Một số quốc gia yêu sách thậm chí còn dựa trên các cơ sở khác cho yêu sách của mình, cụ thể là cơ sở “khám phá”; trích dẫn lập luận rằng các đảo và đảo nhỏ là “lãnh thổ vô chủ”. Với sự chiếm hữu và chủ quyền làm cơ sở cho các yêu sách của mình, nguyên tắc khu vực về “tự do biển cả” đối với Biển Đông nhanh chóng chuyển thành “biển đóng” (“mare clausum”). Những điều này có thể được xem như là nguyên do chính trị cho các tranh chấp trên Biển Đông. 

Tuy nhiên, không có gì có thể biện minh cho mối quan ngại an ninh khu vực này trong thập niên sau chiến tranh trong bối cảnh Hiến chương Liên hợp quốc, văn kiện quy định nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia và an ninh tập thể, bắt đầu có hiệu lực. Hơn nữa, với đặc điểm địa hình/địa chất đặc biệt của Biển Đông là một biển kín hoặc nửa kín nửa hở, một cơ chế quản lý đại dương với những hệ luỵ liên quan trực tiếp đến an ninh hàng hải khu vực đã được thiết lập một thời gian không lâu sau đó theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, các quốc gia yêu sách mới không thể trở lại nguyên trạng như trước chiến tranh. 

Những vấn đề liên quan đến các nguồn tài nguyên khoáng sản và dầu khí không hề xuất hiện trong các xung đột và cạnh tranh ở Biển Đông cho đến ít nhất hai thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ II. Trong thập niên 80, khi các buổi hội đàm liên quan đến các mỏ dầu tiềm năng ở Biển Đông bắt đầu diễn ra, tranh cãi chủ yếu xoay quanh vấn đề liệu có tồn tại các nguồn tài nguyên như thế ở Biển Đông hay không, hoặc trong trường hợp có tồn tại thì liệu các nguồn tài nguyên đó có khả năng khai thác thương mại hay không. Các cuộc tranh cãi này đã làm giảm dần ý đồ chiếm hữu của các quốc gia ven biển. Vào những năm đầu thập niên 90, khi đã có nhiều bằng chứng về sự tồn tại của các nguồn dầu mỏ ở khu vực tranh chấp, tranh cãi lại chuyển sang vấn đề về quy mô tiềm năng của các mỏ dầu khí và khí đốt, với các ước tính ngày càng lớn dần. Cũng nên lưu ý rằng các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đã bắt đầu căng thẳng vào thời điểm này vì các lý do nêu trên, và tiến đến đỉnh điểm của căng thẳng và xung đột như hiện nay, do được thúc đẩy đáng kể của hai cơn sốc dầu mỏ xảy ra vào giữa những năm 70 và cuối những năm 80. Tình trạng xung đột và cạnh tranh cũng trở nên căng thẳng hơn do UNCLOS quy định quyền tài phán trên biển mở rộng xung quanh các đảo riêng lẻ, ví dụ như vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Trong bối cảnh địa hình/địa chất của Biển Đông, việc mở rộng các khu vực biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia không tránh khỏi tạo ra các vùng chồng lấn về chủ quyền và lãnh thổ, đã làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng. Các sự kiện trên có thể được xem như là nguyên nhân về kinh tế ngăn chặn sự trở lại nguyên trạng như thời kỳ trước chiến tranh thế giới thứ II ở vùng biển này của khu vực.

Vấn đề cạnh tranh về các nguồn hải sản, cho tới tận bây giờ, vẫn chưa bao giờ là một cuộc cạnh tranh nghiêm trọng tại Biển Đông, nhiều bằng chứng cho thấy không hề có nhu cầu, thậm chí là giữa các quốc gia ven biển có chung các nguồn tài nguyên, nhằm kiểm soát việc bảo tồn và khai thác cũng như thiết lập các cơ chế quản lý khu vực và quốc tế. Một quốc gia yêu sách trong những năm gần đây đã ban hành luật quốc gia về nghề cá ở Biển Đông, quy định lệnh cấm đánh bắt cá vào những mùa nhất định, bao trùm lên cả khu vực đang tranh chấp. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một động thái nhằm mục tiêu củng cố cho yêu sách chủ quyền, và sau đó tăng cường thêm yêu sách này bằng việc xây dựng nơi trú ẩn cho các ngư dân ở một vùng chiến lược trong khu vực đang tranh chấp. Lời hứa hẹn chia sẻ nơi trú ẩn với ngư dân của các nước khác chưa bao giờ được thực hiện. Điều này không phải để nói lên rằng vấn đề nghề cá không phải là một nhân tố trong tình hình địa chính trị của Biển Đông, mà nói một cách đơn giản, là vào thời điểm hiện tại, nghề cá không thể được coi là một nhân tố để biện minh cho việc áp đặt quyền tài phán của các quốc gia. Vấn đề nghề cá nếu được sử dụng làm lập luận để bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông và hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền thì quả là nguỵ biện.

Những lý lẽ nêu trên chỉ là nỗ lực nhằm làm rõ và đơn giản hoá các vấn đề để chúng ta có thể đánh giá tốt hơn các kiến nghị nhằm tìm ra giải pháp. Bài viết không đổ lỗi, không chỉ đạo, cũng không có ý chỉ trích chống lại bất kỳ quốc gia liên quan nào. Bài viết sẽ cung cấp ngay sau đây một bản mô tả triển khai các điểm nêu trên nhằm phát triển hơn nữa cách tiếp cận và đánh giá tốt hơn các vấn đề liên quan từ đó, hy vọng đưa ra được một số phương hướng cho con đường phía trước.

Các tuyến đường hàng hải ở Biển Đông

Tổ chức Hàng hải Quốc tế miêu tả vai trò quan trọng của đại dương như sau: “lịch sử của thế giới là lịch sử của sự khám phá, xâm chiếm và thương mại bằng đường biển.” Lịch sử đại dương gắn với lịch sử cuả thương mại bằng đường biển có thể áp dụng cho khu vực châu Á, khu vực nằm giữa tuyến hàng rào biển bảo vệ với các quần đảo phía Đông, từ đó cũng hình thành nên vành đai ngoài của Biển Đông về phía Thái Bình Dương. Hoạt động thương mại bằng đường biển giữa các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng như các quốc gia khác đã có truyền thống trong hàng thế kỷ. Ghi chép lịch sử cho thấy rằng kể từ khi bắt đầu xuất hiện những chuyến đi biển, thương mại hàng hải đã được thực hiện trên toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi mà sau đó hình thành nên huyết mạch giao thông quan trọng của Con đường Tơ lụa, Hải trình Gia vị, Con đường Thương mại Galleon, thời đại khám phá của Châu Âu, và thời đại thời đại thăm dò của Trung Quốc dưới triều Minh.

Trong thời kỳ đương đại, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ước tính thương mại vận chuyển bằng hàng hải quốc tế vào năm 2007 đạt mức 8.02 tỷ tấn hàng hoá. Sự suy giảm về khối lượng hàng hoá được vận chuyển theo khu vực địa lý đã giúp châu Á trở thành khu vực thị trường lớn nhất với mức 40%,[1] từ đó giúp Biển Đông trở thành một trong những tuyến vận tải biển tấp nập nhất trên thế giới. Biển Đông nối liền khu vực Đông Bắc Á với Đông Nam Á và Trung Đông. Hơn một nửa khối lượng hàng hoá thương mại hàng năm được vận chuyển qua các eo biển Malacca, Sunda, và Lombok, với tỷ lệ lớn tiếp tục qua Biển Đông.[2] Các tàu chở dầu qua eo biển Malacca đến Biển Đông nhiều gấp 3 lần các tàu quá cảnh ở Kênh đào Suez Canal, và gấp 5 lần khối lượng qua kênh đào Panama.[3] UNCTAD dự đoán rằng thương mại biển toàn cầu sẽ tăng mức 44% vào năm 2020 và tăng gấp đôi vào năm 2031. Với các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á, Biển Đông chắc chắn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng và có tính chiến lược trong hàng hải thương mại thế giới.

Các nguồn tài nguyên năng lượng ở Biển Đông

Biển Đông được cho là hình thành từ sự vận động phức tạp của các tầng địa chất ở các khu vực xung quanh … có ảnh hưởng lớn đối với mẫu địa chất của khu vực, những thay đổi của môi trường thời cổ đại, sự hình thành những lưu vực trầm tích và sự phân bổ các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt.”  Đặc điểm địa lý này đã đưa đến giải định rằng có tồn tại nguồn tài nguyên năng lượng ở khu vực,[4] làm gia tăng sự tò mò và các cuộc điều tra.

Trong khi các nguồn khác nhau có ước tính khác nhau về nguồn tài nguyên dầu mỏ và khá đốt tiềm năng, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chỉ riêng vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), kế sát với Philippin và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này nhưng lại bị nước yêu sách khác cho rằng thuộc vùng biển đang tranh chấp, có thể có khoảng từ  0.1 – một nghìn tỷ m3 (3.4 – một nghìn tỷ feet khối khí) và 440 triệu thùng dầu tiềm năng[5]. Do nhu cầu về năng lượng trong khu vực ngày càng tăng (Cục Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán rằng nhu cầu về dầu mỏ ở các quốc gia ở Biển Đông tăng nhiều hơn hai lần, khoảng 15.1 triệu thùng/ngày vào năm 2002 đến gần 33.6 triệu thùng/ngày vào năm 2025[6] ), cạnh tranh về nguồn tài nguyên này sẽ ngày một căng thẳng và do đó Biển Đông sẽ chắc chắn trở thành một điểm nóng trong khu vực trừ phi các bên đạt được các dàn xếp nhanh chóng nhằm điều hoà và quản lý tranh chấp và xung đột.

Các nguồn tài nguyên thủy sản ở Biển Đông

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tài nguyên thủy sản ở Biển Đông có vai trò quan trọng cho địa phương, quốc gia và quốc tế bởi vì nguồn tài nguyên này cung cấp thực phẩm và đóng góp lớn vào thu nhập quốc dân.[7] Biển Đông được coi là một trong những nơi có nguồn tài nguyên hải sản thương mại dồi dào và quan trọng nhất trên thế giới với 2500 loài hải sản biển và 500 loại san hô ngầm.[8] Các loài cá thương mại phổ biến ở khu vực là cá sòng và cá thu là các loài cá lưỡng cư, và cá thu và các loài tương tự cá thu là các loài cá có khả năng di cư cao.[9] Khu vực có tổng khối lượng hải sản hàng năm là trên 8 triệu tấn, chiếm khoảng 10% tổng lượng hải sản đánh bắt của thế giới.[10] Trong ba quốc gia yêu sách chính, vấn đề liên quan đến nghề cá không phải là sự cạnh tranh đối với nguồn tài nguyên này mà là vấn đề các ngư dân và  tàu thuyền tiến hành đánh cá bất hợp pháp ở các vùng biển thuộc các quốc gia khác.

Tình hình chính trị sau Chiến tranh thế giới thứ 2 ở khu vực Biển Đông

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, sự tương tác về mặt chính trị giữa các quốc gia trong khu vực không còn được hưởng sự gắn kết về xã hội và văn hoá chính trị như trong lịch sử của khu vực trước đây, chủ yếu do thời kỳ thuộc địa đã làm trì hoãn sự hình thành các cấu trúc chính trị quốc gia, định hướng văn hoá-xã hội, và sự phát triển giữa các quốc gia trong khu vực. Thời kỳ thuộc địa, chính là Thời kỳ Khai phá giữa các nước cạnh tranh ở Châu Âu, và sau đó là sự tham gia của Mỹ đã đưa những quốc gia xa lạ ở Biển Đông trở thành các quốc gia láng giềng. Ngay cả trước đó, sợi dây thống trị gắn kết giữa các nền văn minh trong khu vực dưới một đế chế Trung Quốc, nếu chúng ta có thể coi như vậy, đã bất ngờ kết thúc cùng với các cuộc thám hiểm của Thịnh Hòa (Zheng He) triều Minh, sau cái chết không đúng lúc của vị đô đốc hải quân này.  Sự cách ly về chính trị giữa các quốc gia trong khu vực có thể được xem là lý do vì sao ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, mỗi một quốc gia đều tự mình, bằng sự chiếm hữu đơn phương các đảo và đảo nhỏ ở Biển Đông, nhằm đảm bảo sự bảo vệ cho lợi ích an ninh quốc gia của mình. Không còn tồn tại ý thức chung về chủ nghĩa khu vực hay bản sắc khu vực sau gần  4 thế kỷ chia rẽ giữa các quốc gia láng giềng ven biển. Cuối cùng, sự tranh giành lãnh thổ trên biển sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhanh chóng chuyển thành tình trạng xung đột cùng với sự khám phá ra nguồn tài nguyên khí hydrocacbon tiềm năng lớn ở Biển Đông; và ngày càng căng thẳng hơn do nhu cầu ngày càng tăng về nguồn tài nguyên dầu khí của các nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia yêu sách. Những mối quan ngại về an ninh quốc gia nhanh chóng mở rộng đến các vấn đề an ninh kinh tế. 

Các cách tiếp cận đối với việc giải quyết tranh chấp

Giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống ở Biển Đông

Khi xem xét một số giải pháp có khả năng giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống liên quan đến Biển Đông, một số biện pháp cụ thể với mục đích và khả năng áp dụng hạn chế đã được thảo luận trong một thời gian dài. Những biện pháp này sẽ không được đưa ra xem xét ở đây, mặc dù một ví dụ điển hình sẽ được đề cập chỉ nhằm diễn tả tính chất tạm thời của các kiến nghị này. Ví dụ ở đây chính là các báo cáo mà hai bên trong một tranh chấp về quyền sở hữu đảo ở Biển Đông Trung Hoa đã nhất trí về một “hệ thống liên lạc” sau sự cố gần đây liên quan đến va chạm giữa các tàu bảo vệ bờ biển của một bên và tàu đánh cá của bên còn lại. Giải pháp này là để ngăn chặn các xung đột diễn ra trên biển. Điều này không có nghĩa là các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin hay phòng ngừa xung đột trên biển là vô nghĩa hay không có giá trị gì. Nhưng những biện pháp đó không giúp loại bỏ hay giải quyết vấn đề cốt lõi của tình hình tranh chấp, đó là vấn đề chủ quyền và quyền sở hữu. Những biện pháp đó có tính xây dựng nhưng vẫn còn hạn chế, và sẽ mất rất nhiều thời gian trước khi sự tổng hợp của các biện pháp nhỏ lẻ đó có thể góp phần cho một giải pháp lâu dài nhất quán như mong đợi đối với những quan ngại ở Biển Đông. Thực sự, một loạt các cơ chế tương tự giải quyết vấn đề Biển Đông đã được đề xuất năm 2006 theo Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC-SCS) . . . một dự thảo Hướng dẫn về Thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông, vẫn chưa bắt đầu được thảo luận.

Vấn đề chính trị cốt lõi trong tình trạng xung đột ở Biển Đông chính là vấn đề chủ quyền hay quyền sở hữu đối với một số khu vực nhất định, hoặc trên thực tế là toàn bộ Biển Đông. Thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ II, xung đột này cần thiết phải được giải quyết trong bối cảnh Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm sử dụng vũ lực và quy định một số cơ chế hoà bình giải quyết các tranh chấp. Theo thứ tự được quy định trong Hiến chương, các biện pháp đó bao gồm: đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài và lựa chọn biện pháp tài phán. Vì các lý do rõ ràng, trong tình trạng quan hệ hiện thời ở Biển Đông, có vẻ như ngay tức khắc chúng ta có thể loại bỏ hai hình thức điều tra và hoà giải. Cũng tương tự như vậy đối với biện pháp trọng tài, lý do sẽ được trình bày sau.

· Lựa chọn biện pháp tài phán – Trong danh sách các biện pháp hoà bình giải quyết các tranh chấp quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc nêu trên, một thực tiễn được chấp nhận chung đó là biện pháp lâu dài và có khả năng đưa ra một giải pháp cuối cùng cao nhất đó là cơ chế tài phán. Và các cơ quan giải quyết thuộc cơ chế này là Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Tuy nhiên, biện pháp này không dễ gì thực hiện được. Sẽ cực kỳ khó khăn, và rõ ràng không có khả năng rằng tất cả các bên cùng đưa một vụ kiện ra trước các Tòa án, dựa vào cơ sở khác nhau để bảo vệ cho yêu sách về quyền sở hữu; các quốc gia yêu sách khác nhau có các lập luận khác hẳn nhau để bảo vệ cho yêu sách của mình. Và đó là chưa kể đến các thủ tục phức tạp để bắt đầu một vụ kiện. Còn chưa kể đến, chắc chắn sẽ có sự im lặng từ phía một vài bên tranh chấp bởi các bên này đã dựa vào các nhân tố lịch sử làm một trong các cơ sở chính cho yêu sách quyền sở hữu. Các phán quyết của ICJ đã tuyên bố rõ ràng rằng chỉ có cơ sở lịch sử mà không có bằng chứng về chiếm hữu thực sự hay thực thi chủ quyền không thể làm cơ sở đầy đủ cho yêu sách về quyền sở hữu. Như đã chỉ rõ ở trên, ở khu vực tranh chấp, các quốc gia yêu sách chắc chắn không thể củng cố cơ sở lịch sử cũng bằng khả năng chiếm hữu và quản lý hành chính thực tế. Cuối cùng, việc mong chờ hay dự đoán một phán quyết của Tòa án sẽ là mạo hiểm mà các quốc gia yêu sách không muốn cá cược, đặc biệt bởi vì đối tượng của các yêu sách quyền sở hữu ở khu vực tranh chấp có thể không đáp ứng các điều kiện theo UNCLOS về định nghĩa một “đảo” thích hợp cho con người đến ở mới có thể là chủ thể của sự chiếm hữu. Trên thực tế, khu vực tranh chấp là một tập hợp các đảo (tuy nhiên các đảo này không thích hợp cho “con người đến ở” theo cách hiểu thông thường nhất của cụm từ đó), bãi cạn, đảo nhỏ, đảo thấp và đảo đá. Lựa chọn cơ chế tài phán do đó có thể bị loại bỏ ra khỏi các biện pháp hữu hiệu nhằm hòa bình giải quyết các tranh chấp. Dù ở mức độ nào, biện pháp này có vẻ như chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ của các quốc gia yêu sách; chưa bao giờ được nhắc đến.

· Hòa giải và Trọng tài – Cơ hội để đưa ra giải quyết ở trọng tài cũng xa xôi như cũng tương tự như trong các trường hợp trên, bởi các nguyên tắc mà ICJ đặt ra như được nêu ở trên cũng sẽ được các trọng tài viên áp dụng. Lựa chọn phương thức hòa giải cũng khó có khả năng xảy ra bởi các vấn đề về quyền sở hữu liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông sẽ không có khả năng được kết hợp. Trong trường hợp này, có thêm một lý do thực tế nữa đó là trong khi bản chất của biện pháp hòa giải là “cho và nhận”, không một quốc gia nào lại từ bỏ lãnh thổ chủ quyền của mình hay thậm chí thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền.

· Đàm phán – phương thức truyền thống nhằm hòa bình giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia đó là thông qua đàm phán. Và đây chính là biện pháp mà các quốc gia đang áp dụng ở Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn chưa có đàm phán song phương trực tiếp nào giữa các quốc gia liên quan – phương pháp được các quốc gia lớn nhất và mạnh nhất về cả quân sự lẫn kinh tế trong số các quốc gia yêu sách chấp nhận. Rất dễ hiểu rằng các quốc gia yêu sách có thế lực yếu hơn sẽ không muốn đàm phán song phương với quốc gia có ưu thế hơn mình bởi vì họ cho răng sự bất cân bằng quyền lực đáng kể giữa hai nước này sẽ tạo nên một sân chơi không cân sức; hay dẫn đến một hay nhiều thỏa thuận không công bằng (do đó đây không bao giờ là giải pháp lâu dài). Các bên yếu thế hơn trong cân bằng quyền lực là thành viên của một cơ chế khu vực đã tìm kiếm sự ủng hộ về mặt chính trị dưới sự bảo trợ của tổ chức khu vực đó, điều có thể được xem như là một bước đi địa chính trị truyền thống. Lựa chọn này của các quốc gia yếu hơn không tránh khỏi việc chịu sức ép bởi vì trong một liên mình gồm hai bên yếu hơn, các nguồn lực quân sự và chính trị kết hợp giữa hai quốc gia đó thậm chí cũng không thể làm suy chuyển sức mạnh đối kháng của cường quốc có ưu thế ở khu vực, quốc gia mà sức mạnh kinh tế và quân sự tương ứng với ảnh hưởng chính trị đang tiếp tục tăng lên mạnh mẽ.

Những bước đi đầu tiên cho đàm phán kênh I được Phillipin đề xuất thông qua Tuyên bố ASEAN về Biển Đông ở Manila sau sự kiện đảo Vành Khăn năm 1992. Năm 1995, Philippin đã thỏa thuận riêng với Trung Quốc và Việt Nam về Luật ứng xử song phương nhằm hạn chế nguy cơ xung đột hay bắn nhầm trên biển. Những bước đi đầu tiên của kênh I nêu trên được tiếp nối bằng các cuộc đàm phán giữa ASEAN – Trung Quốc về Bộ luật Ứng xử. Tuy nhiên, đàm phán  gặp ngay một vấn đề do tồn tại các quan điểm khác nhau về cơ chế đàm phán: ASEAN cho rằng đang thương lượng với Trung Quốc với tư cách là một cơ chế khu vực, trong khi Trung Quốc cho rằng đang thương lượng với từng thành viên hay từng quốc gia riêng biệt của ASEAN thông qua diễn đàn khu vực này. Do đó, đối tượng đàm phán hay bất kỳ hình thức nào tương tự cũng không đi vào vấn đề cốt lõi là chủ quyền hay quyền sở hữu. Dù cho bất kỳ mô hình nào của mối tương tác giữa ASEAN – Trung Quốc, hai bên thương lượng chỉ để thiết lập được các cơ chế giải quyết tránh sử dụng vũ lực bằng việc thực hiện song phương hay đa phương các biện pháp xây dựng lòng tin.

Kết quả đạt được ở giai đoạn đầu của đàm phán là nỗ lực thiết lập một Bộ luật Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, đặt ra các quy tắc ứng xử và các giá trị mà các bên có nghĩa vụ tuân thủ ở Biển Đông. Cụ thể, COC sẽ ngăn không cho các Bên tiến hành bất kỳ hoạt động nào làm leo thang hay phức tạp thêm các tranh chấp lãnh thổ. COC cũng kiến nghị một số hoạt động xây dựng lòng tin nhất định mà các bên liên quan nhất trí thực hiện trên cơ sở song phương hay đa phương. Tuy nhiên, sau vài năm nỗ lực COC vẫn chưa đạt được sự chấp thuận giữa các bên.  Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tình hình, dự thảo Bộ luật Ứng xử đã bị “giáng cấp” xuống thành Tuyên bố Ứng xử (DOC) vì vậy, đạt được sự chấp thuận của các bên như một giải pháp tạm thời. Sự khẳng định về ý định thông qua Bộ luật Ứng xử đã được quy định trong DOC.[11] Có ý kiến cho rằng có sự khác biệt giữa Bộ luật Ứng xử, được cho là có tính quy phạm và quy định các biện pháp trừng phạt các quốc gia thành viên vi phạm, với Tuyên bố Ứng xử, được cho là không ràng buộc và chỉ mang tính khích lệ. Tuy nhiên, vào thời điểm thông qua, DOC nói chung được đánh giá là một dấu hiệu tốt cho hòa bình và an ninh hàng hải ở khu vực.

[Việc các bên có quan điểm phân biệt giữa DOC, được cho là không có tính ràng buộc, và COC, mang tính quy chuẩn, không mang tính xây dựng. Nhận xét này này làm cho Tuyên bố đồng thuận giữa các quốc gia chủ quyền bị xem như chỉ là một “văn kiện vớ vẩn” không hề có giá trị đạo đức nào. Hơn nữa, cứ cho rằng sự phân biệt trên là có giá trị và liên quan, và COC là có hiệu lực cao do có các điều khoản trừng phạt, xét trong bối cảnh cân bằng quyền lực và mức độ căng thẳng trong tranh chấp giữa các bên, sẽ rất khó có thể tin được rằng một Bộ luật sẽ được các quốc gia tuân thủ đúng mức. Nếu mục tiêu  chính là nhằm để các bên kìm chế sử dụng vũ lực và theo đuổi một phương thức hòa bình giải quyết tranh chấp, một Bộ luật ứng xử là không cần thiết. Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền và Nghĩa vụ của các Quốc gia, Công ước Luật biển (Hiến pháp Đại dương) đã bao hàm tất cả các khía cạnh trong mối quan hệ giữa các quốc gia và hòa bình giải quyết các tranh chấp, giải quyết các vấn đề đại dương và hàng hải. Hơn nữa, có thể nói rằng các bộ luật ứng xử ở khu vực, theo kinh nghiệm lịch sử, phần lớn phát triển từ việc quản lý hay điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực và có vẻ giống một viễn cảnh quản lý hơn là kìm chế và nhấn mạnh các xung đột lãnh thổ. Một vấn đề cần xem xét cuối cùng đó là nếu một Tuyên bố Ứng xử không mang tính ràng buộc phải mất một thập niên để hoàn thành thì sẽ mất bao lâu để có thể thông qua được Bộ luật Ứng xử  – từ quá trình dự thảo cho đến việc ký kết và đi vào hiệu lực? Đến lúc đó, có nhiều khía cạnh của vấn đề đã được đặt trong tình thế “sự đã rồi” do đó loại bỏ luôn bất kỳ khả năng giải quyết các vấn đề an ninh mềm và phi truyền thống nào. Điều đáng suy nghĩ là Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền và Nghĩa vụ của các Quốc gia không hề có tính ràng buộc và chỉ là các tuyên bố đơn thuần nhưng vẫn đạt được tính quy phạm và được coi như là tập quán pháp quốc tế bởi vì các văn kiện này đạt được sự chấp thuận toàn cầu từ các quốc gia ký kết. Có thể nói rằng nếu DOC nhận được sự chấp thuận như vậy giữa số ít các bên ký kết thì một COC là không cần thiết. DOC sẽ là luật tập quán quốc tế ở khu vực. (Mặt khác, COC cũng có thể chỉ là một vấn đề nêu ra nhằm đánh lạc hướng câu chuyện.) Một mối quan ngại lịch sử nữa đó là một COC hay thậm chí là DOC sẽ chỉ làm hỏng danh tiếng đã có từ thời xa xưa của Biển Đông và các nền văn minh lân cận về một khu vực của hòa bình và tự do.

Những diễn biến sau DOC

 DOC thể hiện một sự chấp nhận ngầm từ các quốc gia yêu sách rằng các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông sẽ bị tạm gác sang một bên. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây mà được cho là vi phạm DOC sẽ làm cho vấn đề Biển Đông thay vì dịu đi sẽ càng phức tạp thêm, đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố, trong số đó bao gồm:

· Philippin thông qua Đạo luật số 9522 (Luật về Đường cơ sở quần đảo của Philippin) vào tháng 3/2009. Luật về Đường cơ sở quần đảo của Philippin tái khẳng định chủ quyền của Phillipin đối với Nhóm đảo Kalayaan (KIG), một nhóm đảo nằm trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Trung Quốc cũng đang có yêu sách.  Việc thông qua Luật này bị cả Trung Quốc và Việt Nam phản đối [12];

· Báo cáo đơn phương của Việt Nam[13] và Báo cáo chung của Malaysia[14] và Việt Nam lên Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới ngoài Thềm lục địa (CLCS) về yêu sách của hai nước này đối với vùng thềm lục địa mở rộng (ECS) ở Biển Đông vào tháng 5/2009. Hai báo cáo đều bị Philippin và Trung Quốc phản đối;

· Quyết định của Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) hoãn xem xét báo cáo chung về ECS của Việt Nam và Malaysia để tạo cho các bên liên quan ở Biển Đông có cơ hội thảo luận giữa các nước này;[15] điều mà trên thực tế càng biểu hiện rõ lập trường khác biệt giữa các bên ở Biển Đông;

·  Việc tiến hành thăm dò địa chấn biển chung ba bên ở Biển Đông giữa Tập đoàn Dầu khí Xa bờ Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM), và Công ty Dầu khí Quốc gia Philippin (PNOC) vào năm 2005[16] và thất bại trong việc thực hiện bước tiếp theo để tiến hành thăm dò chung;

· Quá trình quân sự hóa mạnh mẽ của một số nước yêu sách[17] và tăng cường các cơ sở đồn trú ở các khu vực chiếm đóng; và sự tăng cường về tàu “giám sát” ở Biển Đông của một bên tranh chấp[18] (và việc bên tranh chấp đó cắm cờ quốc gia ở vùng đáy biển của khu vực tranh chấp).

Trong bối cảnh này, ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa đi đến được một thỏa thuận nào về Hướng dẫn thực thi các hoạt động hợp tác theo DOC như đã đề cập ở trên; cùng lúc đó, cả hai đều bày tỏ nguyện vọng chung về việc nâng cấp một văn kiện không mang tính ràng buộc như DOC thành một văn kiện mang tính quy phạm dưới dạng COC (có ý kiến cho rằng thảo luận về COC ở cấp độ nhóm làm việc đã được khởi động).[19] Trong bối cảnh các sự kiện sau DOC như đã nêu, không hề có một diễn biến nào tích cực vì lợi ích hòa bình và tránh xung đột.

Con đường phía trước:  Giữ nguyên trạng  ... (và Thụt lùi?)

Xét những diễn biến tiêu cực gần đây bất chấp DOC, Biển Đông đang tiếp tục trở thành tâm điểm của xung đột và tranh chấp. Thuật ngữ dùng cho tiêu đề của chương này được mượn từ các cuộc đàm phán thương mại quốc tế nhưng cũng là một đề xuất mang tính biểu tượng khá phù hợp, với vai trò là xuất phát điểm để từ đó tiếp tục tiến triển, trong bối cảnh diễn biến tình hình ở Biển Đông ngày càng xấu đi . Trong quá trình kiếm tìm các giải pháp lâu dài có thể giúp xoa dịu, thậm chí hy vọng đảo ngược tình hình đang ngày càng xấu đi, giữ nguyên trạng là cần thiết. Đây không phải là một đề xuất mới. Năm 1996, Trung Quốc đã đề xuất các nước “gác lại” các yêu sách về chủ quyền (và tiến tới xem xét cùng hợp tác và phát triển giữa các quốc gia yêu sách). Và như đã nêu ở trên, DOC khuyến khích các bên kìm chế các hoạt động có thể làm leo thang hay phức tạp thêm các tranh chấp lãnh thổ; rõ ràng là một lời kêu gọi giữ nguyên trạng.

Không cần phải nói, tình trạng tranh chấp không được phép tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, một bước lùi trở lại như tình trạng trước chiến tranh thế giới thứ II khó có khả năng xảy ra, mà có lẽ là không thể. Các công trình được củng cố và xây dựng hàng loạt trên các loại địa chất không phải là đảo, không chỉ là “các kho quân sự” mà là bằng chứng cho thấy lập trường không khoan nhượng và sẽ không dễ dàng bị phá vỡ bởi các quốc gia yêu sách. Hơn nữa, theo đuổi COC không thể mang lại cho một giải pháp lâu dài vì lý do như đã nêu ở trên, đó là điều này không hề trực tiếp giải quyết vấn đề cốt lõi về chủ quyền hay quyền sở hữu. Giả sử có được ý chí chính trị mạnh mẽ từ các nước, tồn tại vấn đề liệu COC có thể được hoàn thiện trong vòng 1 thập niên, điều mà ta có thể lạc quan nếu xét khoảng thời gian để dự thảo văn kiện không mang tính ràng buộc DOC, và dự thảo HƯỚNG DẪN (mất khoảng thêm 4 năm nữa). Thêm vào đó, COC , được cho là có thể trừng phạt các quốc gia chủ quyền trong trường hợp xảy ra vi phạm, sẽ cần thiết phải yêu cầu chữ ký và phê chuẩn, quá trình có thể làm kéo dài khung thời gian để văn kiện có hiệu lực. Và ngay cả nếu thực sự có hiệu lực đi chăng nữa, COC sẽ không đóng góp gì cho ổn định, chưa kể đến an ninh và hòa bình trên biển, bởi vấn đề “cốt lõi”, vấn đề tiếp tục là chủ đề của tranh cãi, vẫn chưa được giải quyết.

Điều này không phải để nói rằng vấn đề cốt lõi có khả năng được giải quyết, thực ra là không, như đã giải thích ở trên (xem tr. 7). Trong tình hình này, mối quan ngại căn bản và ngay trước mắt của khu vực sẽ là hòa bình, an ninh, và trật tự trên biển, và vấn đề này chỉ có thể được giải quyết thông qua một cơ chế quản lý đại dương đa phương ở khu vực. Với sự hiểu biết có thiện chí và nỗ lực giữ nguyên trạng theo khung DOC, bước đi tiếp theo sẽ là đưa ra các biện pháp tương đương với cái mà ICJ và ITLOS gọi là “các biện pháp tạm thời”, điều sẽ giúp tạo điều kiện hình thành một cơ chế quản lý đại dương. Điều này có thể thực hiện được mà không cần thiết phải có COC, giải pháp mà theo mọi dấu hiệu hiện nay thì phải còn lâu mới hình thành, và ngay cả nếu giải pháp đó có thể đạt được đi chăng nữa thì nó cũng không hiệu quả hơn một cơ chế DOC được các bên tuân thủ . Việc theo đuổi COC, điều mà ngay ban đầu đã thất bại, có thể dẫn đến một nhận thức sai về an ninh. Một quốc gia yêu sách đã thành công trong việc khoan dầu ở vùng nước sâu và tiếp tục thăm dò tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông.[20] Một DOC đến muộn sẽ không thể ngăn chặn sự kiện có thể đoán được theo logic là hoạt động thăm dò đơn phương của các quốc gia.

Rõ ràng rằng sau gần nửa thế kỷ âm ỷ các tranh chấp nhỏ với mối đe dọa thường trực về một điểm nóng đang bùng nổ, các cuộc đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp lâu dài cho các vấn đề Biển Đông sẽ không đi đến đâu bất chấp những dấu hiệu tích cực mà DOC mang lại ngay sau khi được thông qua. Các cuộc đụng độ nhỏ lẻ với tần suất thấp và sự tồn tại của các công trình được xây dựng và có quân đồn trú trên các thực thể không phải là đảo ở các khu vực tranh chấp minh chứng rõ điều này. Hơn nữa, không một giải pháp lâu dài nào là khả quan nếu chủ quyền và quyền sở hữu tiếp tục là vấn đề cốt lõi của tranh chấp. Nhưng như được trình bày ở trên, việc thiết lập cơ chế quản lý đại dương ở khu vực, thậm chí ban đầu như là các biện pháp tạm thời và đến một thời điểm thích hợp sẽ trở thành lâu dài, là quan trọng và không thể thiếu. Tình trạng hiện thời là khá là nguy hiểm; không thể tưởng tượng được điều sẽ xảy ra nếu tình trạng cạnh tranh căng thẳng và sự thăm dò đơn phương dần dần về dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác không hề suy giảm. Các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống cần phải được gấp rút tìm ra. Mục tiêu trước mắt là nhằm giữ gìn an toàn và an ninh hàng hải, hòa bình và trật tự ở khu vực.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống

Vào lúc này, các vấn đề an ninh phi truyền thống không cần được định nghĩa cụ thể. Các vấn đề này có thể được hiểu là bất kỳ hay tất cả các vấn đề không thuộc các vấn đề an ninh hay chính trị và có xu hướng hướng đến một cơ chế quản lý đại dương được chế định hóa ở Biển Đông nhằm thúc đẩy và thiết lập hòa bình, an ninh và trật tự trên biển. Một vài ví dụ điển hình là vấn đề nghề cá và bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên bờ biển, bảo vệ môi trường biển, an toàn và an ninh hàng hải, ứng phó với sự cố tràn dầu, tìm kiếm và cứu nạn và còn rất nhiều vấn đề khác có thể. Rất nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống này đã được đề cập trong DOC.

Ý tưởng giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng không phải là mới. Ý tưởng này đã được nêu trong DOC để tập hợp thành các biện pháp xây dựng lòng tin, được khuyến khích thực hiện trên cơ sở song phương hay đa phương. Điều này đáng lẽ sẽ tạo ra được một khởi đầu thuận lợi nếu được theo đuổi một cách nghiêm túc và thiện chí ngay sau khi thông qua DOC gần một thập niên trước. Hiện này, cho dù các bên có một bước đi tích cực và ý chí chính trị mạnh mẽ,  việc theo đuổi các quy định của DOC trong khuôn khổ các giới hạn cho phép của nó cũng sẽ chỉ như một con tàu siêu chậm đang tiến đến “một nơi nào đó bất định”. Toàn bộ các vấn đề an ninh phi truyền thống tương tự như các vấn đề đang tồn tại ở Biển Đông đã được nều ra trong Phần IX của UNCLOS. Các vấn đề này đều được quy định dưới dạng các quy phạm trong UNCLOS; và hợp tác theo phần IX của UNCLOS đã được “đo ni đóng giày” cho các biển kín và biển nửa kín mà Biển Đông chính là khu vực có mô hình địa lý/địa chất truyền thống độc nhất vô nhị trên thế giới. Điều này đặc biệt đúng khi liên quan đến những thách thức đối với môi trường biển và an toàn, an ninh hàng hải. Hơn nữa, tính thích hợp của phần IX của UNCLOS không chỉ là do các đặc điểm địa lý địa chất của Biển Đông mà cả do sự cần thiết phải thực hiện ngay  nhằm điều hòa môi trường chính trị ở khu vực biển này. Đây là mục tiêu chính của bài viết này và là một đề nghị độc lập, không phải là biện pháp thay thế. Cho đến thời điểm này, các vấn đề an ninh truyền thống đã được thảo luận rất nhiều, những vẫn chưa đạt được một kết quả nào cụ thể.

Việc xác định được hướng đi và tập hợp các đề xuất giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống không phải là khó khăn. Ý tưởng và cốt lõi của khái niệm đã được quy định dưới dạng các quy phạm trong phần IX của UNCLOS và đã được thảo luận ở kênh II. Điều cần thiết phải làm đó là tiếp tục xác định, phát triển và tổng hợp các quan niệm và thực hiện các ý tưởng theo một cách thức toàn diện và thống nhất, nhằm mục đích đưa chúng vào kênh Imột cách chính thức.

Những diễn biến gần đây chỉ dấu Lộ trình

Một số sự kiện nhất định trong vòng 6 tháng qua có vẻ như giúp đưa ra một vài chỉ dẫn cho các bước tiếp theo. Những sự kiện sau được trích dẫn:

· Những sáng kiến gần đây nhằm dự thảo COC

· Phát biểu của Mỹ tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Mỹ, Hà Nội 22/7/2010

· Trung Quốc nhắc lại đề xuất cùng hợp tác/cùng phát triển

· Sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico, và các sự kiện tương tự xảy ra gần đây trên diện rộng ảnh hưởng đến đại dương

Nỗ lực chung về COC được tài khởi động

Đồng thuận giữa ASEAN – Trung Quốc để bắt đầu thảo luận về COC là tích cực vì có vẻ như hai bên đã quan tâm nhiều đến việc khởi động lại nỗ lực chung nhằm tìm ra một giải pháp cho các vấn đề Biển Đông. Mặc dù như đã lập luận rằng COC không phải là biện pháp thích hợp nhằm đạt được một giải pháp lâu dài có thể giải quyết các vấn đề cốt lõi liên quan đến chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, sự quan tâm được nối lại này, theo cách này hay cách khác, sẽ là một diễn biến tích cực sau một thập niên hầu như bị gián đoạn trong nỗ lực tìm một giải pháp.

Cơ chế quản lý đại dương khu vực được thể chế hóa

Phát biểu của Mỹ tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Mỹ được tổ chức ở Hà Nội ngày 22/7/2010 cần được được xem xét ở phương diện tích cực và nên được thừa nhận theo ý nghĩa hiển ngôn của nó. Bài phát biểu tuyên bố Mỹ việc không quan tâm đến các vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông, và nếu đọc kỹ hơn phát biểu này chúng ta sẽ phát hiện thêm các yếu tố sau[21]:

· Giải pháp cho các vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực

· Các giải pháp được thể chế hóa theo Công ước Luật Biển

Công thức nêu trên là không thể tranh cãi, và nó xuất phát từ một loại chủ thể có liên quan ở Biển Đông mà theo phần IX của UNCLOS, được phân loại là “các nước có lợi ích liên quan khác” khi bàn đến một biển kín và nửa kín, mà ở đó các nước trong và ngoài khu vực đều có thể tham gia. Điều không có trong tuyên bố của Mỹ đó là đặt vai trò lãnh đạo lên ASEAN. Tương tự như vậy, quản lý hàng hải ở Biển Đông theo phần IX UNCLOS bao hàm một số đặc quyền giữa các nước ven biển và không hoàn toàn mang tính chất là các vùng biển chung quốc tế. Một lưu ý quan trọng về tuyên bố nêu trên của Mỹ là tuyên bố này lảng tránh việc giải quyết các vấn đề chủ quyền và quyền sở hữu, và có vẻ giống bài phát biểu và lời kêu gọi thực hiện DOC hơn.

Một đề xuất khác nhằm đơn giản hóa và làm rõ viễn cảnh tranh chấp đó là loại bỏ từ “thể chế hóa” ra khỏi cách diễn đạt của viễn cảnh xung đột. Điều này đang được sử dụng để chống lại nỗ lực của một cường quốc nhằm áp đặt các quyền của mình ở vùng biển chung cho hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Trong bối cảnh Biển Đông là một biển kín hay nửa kín, là nơi giao nhau của các con đường giao thông liên lạc trên biển quốc tế và khu vực của tàu bè qua lại với 40% khối lượng vận tải biển thương mại của thế giới, toàn bộ thế giới, bao gồm cả các quốc gia đất liền đều là “các bên có lợi ích liên quan” đến tất cả các khía cạnh của các hoạt động hợp pháp của con người bao gồm, đặc biệt là bảo tồn và bảo vệ môi trường biển.

[Liên quan đến một cơ chế được thể chế hóa nhằm giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, phần IX của UNCLOS cũng kiến nghị thành lập một tổ chức khu vực mà theo đó hợp tác về quản lý đại dương có thể được tiến hành. Trong khi đây là một biện pháp phụ thuộc vào lựa chọn của các quốc gia, một tổ chức hàng hải khu vực sẽ là cần thiết và thiết thức cho một cơ chế quản lý đại dương được thể chế hóa và toàn diện trong bối cảnh tồn tại các nhu cầu quản lý cực kỳ phức tạp ở Biển Đông,là khu vực tồn tại nhiều yêu sách chồng lấn về quyền tài phán các vùng biển theo UNCLOS, với đường biên giới phía Đông với Thái Bình Dương là tập hợp 3 quốc gia quần đảo lớn nhất, nơi mà các chế độ theo UNCLOS[22] vẫn chưa được phát triển rộng rãi (đặc biệt liên quan đến các chế độ các khu vực biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia, ví dụ như vùng đặc quyền kinh tế), và một tuyến hàng hải quá cảnh. Ngoài việc tập trung chú ý trước mắt đối với những lo ngại về vấn đề quản lý đại dương hiện thời, tổ chức khu vực đó cũng có thể đi đầu trong việc tiến hành nghiên cứu và dự đoán/thúc đẩy “những phát triển tiến bộ” của luật quốc tế ở khu vực tương ứng với những điều kiện đặc biệt của Biển Đông, điều có thể sẽ giúp điều chỉnh những thiếu sót trong phần IX của UNCLOS. Tổ chức hàng hải khu vực phải liên kết trực tiếp với Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Các quốc gia thành viên trong bối cảnh biển kín và nửa kín như Biển Đông có thể vượt ra ngoài phạm vi các nước ASEAN. Thực ra, các quốc gia có lợi ích liên quan khác cũng như các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đều có thể là thành viên tham gia, như theo quy định của phần IX của UNCLOS.]

Cùng hợp tác/cùng phát triển

Ngoài DOC/COC, mà chỉ đơn thuần là các biện pháp tạm thời trong một nỗ lực nhằm tránh leo thang xung đột, có lẽ cũng nên bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm tục một đề xuất của một nước yêu sách từ hơn 1,5 thập kỷ trước để… gác lại những vấn đề chủ quyền và tiếp tục xem xét vấn đề cùng hợp tác/cùng phát triển. Một quốc gia yêu sách khác đã có phản ứng tích cực ủng hộ đề xuất đó. Thật đáng tiếc, không hề có một hành động nào tiếp theo. Cùng hợp tác/cùng phát triển luôn luôn là một lựa chọn nhằm che đậy những vấn đề biên giới mới phôi thai hay âm ỉ bấy lâu nay để cho phép khai thác các nguồn tài nguyên; hay thúc đẩy nhận thức về cách thực hiện hiệu quả nhất các biện pháp nhằm tăng cường hòa bình và an ninh khu vực. Trong bối cảnh Biển Đông, đó không phải là một cách tiếp cận riêng lẻ hay mới mẻ. Các biện pháp đó đã được các quốc gia ven biển có các vấn đề về lãnh thổ hay thẩm quyền các vùng biển theo áp dụng. Các thỏa thuận cùng phát triển giữa Thái Lan và Malaysia, và giữa Malaysia và Vietnam đã tạo điều kiện cho sự phát triển trên lĩnh vực dầu khí và khí đốt xa bờ.[23] Trung Quốc và Đài Loan được biết là đã tiến hành dự án cùng hợp tác ở lô gọi là “Chaosan” phía tây bắc Philippin, vào những năm đầu thế kỷ này.

Có một vài điểm tương tự với viễn cảnh hợp tác theo phần IX UNCLOS đã được đưa ra ở kênh II, một số được đưa ra chính thức ở kênh I. Đoàn khảo sát khoa học phối hợp giữa Philippin – Việt Nam (JOMSRE), đã suýt đạt được thỏa thuận 3 bên giữa Trung Quốc Philippin Việt nam (nhưng bị hủy vào phút cuối do một bên tham gia rút khỏi thỏa thuận với lý do nội bộ), là một ví dụ. Thỏa thuận gần đây nhất là Tiến hành Thăm dò địa chấn biển chung (JMSU) cũng giữa ba quốc gia yêu sách nêu trên nhưng phải cũng bị hủy bỏ một cách đáng tiếc ở giai đoạn khai thác cũng bởi vì các vấn đề nội bộ của một bên tham gia. Các hội thảo Kênh II cũng đã có các nghiên cứu có lẽ là hữu ích trong trường hợp Biển Đông và chỉ cần được tập hợp củng cố lại. Các nghiên cứu này bao gồm các kết quả của một hội thảo được tổ chức có tên là Quỹ Nghiên cứu Chính sách Đại dương (OPRF) tài trợ với chủ đề “Hội thảo Nhóm vùng Đặc quyền kinh tế 21 về chế độ của Vùng Đặc quyền kinh tế” được tổ chức vào tháng 9/2005 ở Tokyo, và Nhóm nghiên cứu CSCAP về Xây dựng Năng lực Hợp tác An ninh Hàng hải ở Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức ở Côn Minh, Trung Quốc vào tháng 12/2004. Quyết định chung giữa các nhà khoa học Philippin và Việt nam trong buổi lễ bế mạc của Đoàn khảo sát khoa học phối hợp song phương giữa Philippin – Việt Nam vào năm 2008 (như đã đề cập ở trên) nếu có thể thực hiện được, sẽ tạo ra một cơ chế xây dựng hòa bình đầy hứa hẹn. (Buổi lễ bế mạc này nhằm đánh dấu sự điều chỉnh như đã nêu trên về sự phát triển dần dân Đoàn khảo sát khoa học biển và hải dương học phối hợp giữa hai bên thành thỏa thuận ba bên giữa Trung Quốc – Phillipin – Việt Nam.) Các nhà khoa học đã đồng ý thành lập một Công viên Hòa bình Biển Xuyên Biên giới bao quanh các thực thể trên biển đang bị các quốc gia này chiếm đóng.

Cùng phát triển/cùng hợp tác sẽ vẫn là đề xuất mang tính khả thi cho một giải pháp thay thế lâu dài bởi vấn đề cốt lõi về quyền sở hữu hay chủ quyền sẽ luôn gặp bế tắc. Đề xuất này đã được liên tục được cập nhật và gần đây đã được quốc gia yêu sách từng đề xuất nhắc lại. Do dó, đây có thể được coi là một bước phát triển nên được xem xét nghiêm túc cùng với các nỗ lực để dự thảo nên COC, hoặc thay vì COC, là một giải pháp độc lập giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Nếu đề xuất trong bài viết này được theo đuổi để tiến hành cùng với phần IX của UNCLOS, thay thế hay kết hợp với COC, cùng phát triển/cùng hợp tác sẽ là một đề xuất song hành không thể thiếu, hai biện pháp này kết hợp với nhau sẽ là một biện pháp giữ thể diện và lâu dài làm lu mờ các yêu sách chủ quyền/quyền sở hữu.

Các sự cố tràn dầu ngăn cản việc thực hiện cùng phát triển/cùng hợp tác

Tuy nhiên, việc trì hoãn thực hiện các thỏa thuận cùng hợp tác/cùng phát triển ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông có lẽ sẽ mang tính xây dựng, xét trong bối cảnh những thiệt hại về kinh tế và môi trường/hệ sinh thái do các sự cố tràn dầu gần đây, những sự kiện nên được xem là nguyên nhân cho mối quan ngại sâu sắc đối với việc hoạch định các hoạt động phát triển (dù là chung hay là hình thức khác) ở Biển Đông. Một loạt các viễn cảnh tràn dầu trên diện rộng này sẽ là điều có thể xảy ra nếu việc khoan hút dầu hay khí đốt diễn ra trước khi các biện pháp quản lý chặt chẽ, điều chỉnh và ứng phó được thiết lập. Các sự cố này là những diễn biến gần đây, chỉ khoảng trong vòng 6 tháng vừa qua và do đó có tính chất thời sự và liên quan đến bất kỳ thảo luận nào về cùng hợp tác và cùng phát triển ở Biển Đông mà trong thời điểm hiện tại chủ yếu là về dầu và khí đốt, mặc dù các tài nguyên khoáng sản tiềm năng cũng được cho là có thể tạo ra các mối đe dọa tương tự. 

Sự cố tai tiếng nhất trong số đó là thảm họa tràn dầu ở Vịnh Mexico. Nguyên nhân là do quy mô lớn của khu vực biển chịu ảnh hưởng, mức độ ô nhiễm dọc các bờ biển và việc thiếu kỹ năng quản lý cũng như chuyên môn kỹ thuật sẵn sàng cho các hoạt động khai thác dầu ở khu vực nước sâu, và đặc biệt là khả năng sẵn sàng ứng phó với thảm họa. Ở mức độ nhẹ hơn là sự cố tràn dầu ở Cảng Tân Cương thuộc Đại Liên, Trung Quốc và sự cố tràn dầu ở Montara, bờ biển phía Bắc của bờ Tây nước Úc. Thiệt hại của cả 3 sự cố này đó là các bãi biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn hải sản và đời sống động thực vật biển bị đầu độc và thiệt hại đối với du lịch và nghư nghiệp.

Philippin cũng đã phải chịu nhiều thiệt hại do các sự cố tràn dầu gây ra, không phải từ các hoạt động khai thác dầu mà phát sinh từ các sự cố tàu thuyền ở cảng và những va chạm do các tàu chở dầu trong nước gây ra. Các sự cố và thiệt hại gây ra cho môi trường biển là vô cùng nhỏ so với các trường hợp kể trên. Tuy nhiên, với đặc điểm của Philippin là một quốc gia quần đảo, những thiệt hại mang tính địa phương sẽ tác động trở lại cộng đồng địa phương cùng với cách thức như các vụ tràn dầu ở trên, và cả chính nền kinh tế quốc dân. Về vấn đề này, việc nhận thức về các sự cố tràn dầu gần đây như đã nêu ở trên có tầm quan trọng sâu sắc đối với Philippin bởi vì khu vực tranh chấp nơi dự tính diễn ra cùng khảo sát và cùng phát triển nằm dọc sát lãnh hải và trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippin.

Các sự cố nêu trên, và sự các sự cố thu nhỏ ở Philippin, dẫn đến đề xuất cần phải thiết lập một cơ chế ứng phó khu vực trước khi bất kỳ hoạt động nào được thực hiện. Không cần phải nói, đây là một nguyên tắc mới trong số các quy định nghiêm ngặt về việc quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản và dầu khí, và về tính minh bạch và điều phối giữa các bên có lợi ích liên quan. Một nỗ lực kênh II có lẽ có thể khởi xướng nhận thức và hợp tác, không chỉ giữa chính phủ của các nước trong khu vực mà còn là các quốc gia láng giềng khác (một lần nữa phải đặt trong bối cảnh phần IX của UNCLOS) về trao đổi thông tin, chuyên môn và hệ thống các hình thức hỗ trợ ứng phó khả thi. Trong số các bài học quan trọng từ các thảm họa trên diện rộng nêu trên là sự minh bạch và trách nhiệm của các công ty cũng như sự điều phối liên tục giữa các bên có lợi ích liên quan, dù là các thực thể chính phủ hoặc phi chính phủ, hay các công ty tư nhân. Sự cố Montara (Úc) sẽ là một mô hình thực hành tốt cho dự án hợp tác này.

Kết luận và đề xuất

Việc giữ nguyên trạng như trước chiến tranh thế giới thứ 2 cho khu vực Biển Đông sẽ không quá khó để đạt được đối với các quốc gia yêu sách không phải là các quốc gia thù địch trong chiến tranh thế giới thứ 2; thực tế, tất cả đều là nạn nhân. Và trước chiến tranh thế giới thứ 2, hầu hết đều là các thuộc địa và các lãnh thổ tự quản không thể kiểm soát được vận mệnh của chính dân tộc mình và khu vực. Ngay cả trước kỷ nguyên thuộc địa, hầu hết ở đây cũng chỉ tồn tại một loạt các xã hội thị tộc và các nền văn minh, và do đó, quyền dân tộc tự quyết, cơ sở văn hóa chính trị xã hội của khu vực và định hướng chính trị là hoàn toàn không có. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cùng tồn tại và tương tác hòa bình là nguyên tắc nổi trội lúc bấy giờ. Nếu đạt được hướng đi như đã được đề xuất ở bài viết này, một mô hình an ninh hàng hải mới cho biển Đông sẽ không chỉ là “vùng biển chung cho hàng hải”; đó có thể là cơ chế  quản thác khu vực tập thể hoặc một “di sản chung của loài người” ở khu vực.

Xung đột ở Biển Đông đã diễn ra trong một thời gian dài ngang với xung đột ở Trung Đông. Bài học rút ra được từ việc so sánh yếu tố thời gian không phải về các bối cảnh xoay quanh hai tranh chấp kéo dài. Bài học đó là vấn đề cốt lõi liên quan đến chủ quyền có thể kéo dài mãi mãi mà không có thể giải quyết. Vấn đề chủ quyền phải được gạt ra khỏi các vấn đề liên quan tới Biển Đông để các bên có thể tiến tới. Hơn nữa, DOC/COC sẽ không thể mang lại công lý cho những mối quan hệ lâu đời trong lịch sử giữa các quốc gia ven biển, và nói chung không phù hợp trong quan hệ giữa các quốc gia ở kỷ nguyên ngoại giao quốc tế như hiện nay. (Liệu có Bộ luật ứng xử hay Tuyên bố Ứng xử Israel -Ả Rập hay không? Có đề xuất gì cho Bộ luật Ứng xử trên Biển Đông Trung Hoa giữa Nhật Bản – Trung Quốc? về Nhật Bản – Hàn Quốc thì sao?)

Một học giả tham gia/báo cáo viên tại Hội thảo ở Hà Nội năm ngoái đã đưa ra một nhận xét mang tính cảnh báo liên quan đến tình hình Biển Đông rằng “sợ hãi đang sắp đuổi kịp hy vọng”. Kể từ đó, những diễn biến gần đây như đã trình bày ở trên đã hoàn toàn thay đổi diện mạo chung và các hoàn cảnh. Tại thời điểm này, sợ hãi có lẽ đã “chạy vượt qua” hy vọng. Tuy nhiên, có một câu nói cổ xưa có thể hiểu như sau: chúng ta không thể sợ hãi … và chúng ta cũng không được mất tinh thần. Cánh cửa này có thể đóng, ví dụ việc giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống bao gồm và phát sinh từ vấn đề cốt lõi liên quan đến chủ quyền hay quyền sở hữu, nhưng cũng nên lưu ý rằng một cánh khác đang được mở ra, ví dụ việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống kết hợp với việc tiến hành cùng hợp tác và cùng phát triển ở các khu vực tranh chấp. Biện pháp thứ nhất, có thể xem như một tạm ước (“modus vivendi”), lại không có tác dụng xoa dịu tình hình – trong khi đó điều cần thiết là phải giải quyết các quan ngại về quản lý biển ở Biển Đông. Trong thời gian trung và dài hạn, chiến thuật này thậm chí có thể là công cụ giữ thể diện (vô cùng quan trọng và liên quan trong văn hóa phương đông) có thể vượt qua các yêu sách chủ quyền không thể giải quyết được và  đưa đến một bước THỤT LÙI vô cùng được mong đợi./.

Alberto A. Encomienda, Tập đoàn Dagat Kalinga Alaga, Philippin  

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây

 

 

 

[1] Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD, Review of Maritime Transport 2008. Tại http://wwwunctad.org/en/docs/rmt2008_en.pdf. Tham khảo ngày 26/9/2010.

[2] Xem  http://www.globalsecurity.org/military/world/war/spratly-ship.htm.

[3] Như trên.

[4] Tuy nhiên ước tính tiềm năng khí hydrocarbon trong khu vực là khác nhau. Xem “Global Security Org. South China Sea Oil and Gas.” At http://www.globalsecurity.org/military/world/war/spratly-oil.htm. Xem thêm Nguyen,2005.

[5] “China doesn’t take kindly to oil exploration by RP” Philippine Daily Inquirer, 16/8/2009, trang A7.

[6] Cục Thông tin Năng lượng. Biển Đông. Tại

http://www.eia.doe.gov/emeu/cabs/South_China_Sea/Background.html.

[7] UNEP, 2005. Wilkinson, C., DeVantier, L., Talaue-McManus, L., Lawrence, D. và D. Souter. South China Sea, GIWA Regional assessment 54. University of Kalmar, Kalmar, Thụy Điển.

[8] Như trên.

[9] Wang, Kuan-Hsuing. (2001). “Bridge over troubled waters: fisheries cooperation as resolution to the South China Sea conflicts.” The Pacific Review, 14(4):531-551.

[10] Nguyen, D. (2005). “Settlement of disputes under the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea: The case of the South China Sea dispute.” Chưa xuất bản. (Fellow paper at the United Nations Division for Ocean Affairs and the Law of  the Sea). 84 p

[11] Xem mục 10 trong Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông. Tham khảo ở http://www.aseansec.org/13163.htm.

[12] Tuy nhiên một điều đáng lưu ý là cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã thông qua luật về lãnh hải/đường cơ sở của riêng mình, áp dụng giống cách thức mà Philippin đã thực hiện liên quan đến quy chế đối với Nhóm các đảo Trường Sa. Đạo luật số 9522 quy định chủ quyền của Philippine đối với KIG nhưng không vẽ đường cơ sở xung quanh nhóm đảo này. Theo Luật Lãnh hải và Đường cơ sở của Trung Quốc, Trung Quốc yêu sách đối với “Quần đảo Nam Sa” (Nhóm các đảo Trường Sa), nhưng cũng không vẽ điểm và đường cơ sở xung quanh các đảo này.  Trong Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam chỉ rõ rằng đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quần đảo Trường Sa sẽ được xác định sau. Xem Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở của lãnh hải, 15/5/1996 và Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam.

[13] Việt Nam có 2 báo cáo về vùng thềm lục mở rộng ở Biển Đông. Một báo cáo là yêu sách về vùng thềm lục dịa mở rộng ở phía Bắc của Biển Đông. Báo cáo còn lại là báo cáo chung với Malaysia liên quan đến yêu sách về vùng thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông. Xem http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/commission_submissions.htm.  

[14] Malaysia đã báo cáo chung với Việt Nam liên quan đến yêu sách về vùng thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông.

[15]  Xem các Mục 21 và 24 của Ủy ban Liên hợp quốc về Ranh giới Thềm lục địa. CLCS/64 – Tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban về Ranh giới Thềm lục địa về những tiến bộ trong công việc của Ủy ban – Phiên họp thứ 24.  Ra ngày 01/10/2009. Tại http://daccess-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N09/536/21/PDF/N0953621.pdf?OpenElement.

[16] “RP, China, Vietnam to explore Spratlys.” (2005) The Manila Times. http://www.manilatimes.net/national/2005/mar/15/yehey/top_stories/20050315top5.html. Thứ ba, ngày 15/3/2005; Xem thêm  Bộ ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 2005. Các Công ty dầu khí của Trung Quốc, Philippin và Việt Nam đã ký thỏa thuận Hợp tác ở Biển Đông. Thao khảo tại http://www.fmprc.gov.cn/eng/wjb/zwjg/zwbd/t187333.htm vào 9/3/2006.

[17] Vào tháng 12/2009, Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga để chuyển cho Việt Nam 6 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesal loại 6 kilo tổng trị giá 3,2 tỷ đô la Mỹ. Xem http://en.rian.ru/mlitary_news/20100603/159279455.html. Năm 2009, Malaysia mua được hai tàu ngầm loại Scorpene để tăng cường năng lực quân sự nhằm bảo vệ đất nước . Xem http://news.xinhuanet.com/english/2009-09/03/content_11991609.htm. Các báo cáo cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân của Trung có tiềm lực quốc phòng đủ  để bảo vệ các yêu sách các vùng biển và lãnh thổ. Xem Fischer , Richard Jr. “South China Sea Competition: China Contemplates More Mischief.” 28/6/2009. Tạihttp://www.strategycenter.net/research/pubID.209/pub_detail.asp.

[18] “China to Boost Maritime Fleet” Manila Bulletin, 29/10/2010 tại tr.17, Associated Press, Beijing

[19] ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận về Bộ luật Ứng xử ở cấp độ nhóm làm việc. Xem http://www.chinadaily.com.cn/china/2010-09/30/content_11371512.htm. tham khảo ngày 30/9/2010.

[20] “China Covets Riches Deep Under the Ocean” The New York Times, được tạp chí Manila Bulletin tái xuất bản ngày 25/9/2010, tr. 10.

[21] Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng nêu ngắn gọi lập trường của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong một cuộc họp báo vào ngày 23/7/2010. Xem http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm#. Tham khảo ngày 30/9/2010.

[22]  Phần IV, UNCLOS.

[23] “A Code of Conduct for the South China Sea.” Jane’s Intelligence Review. 16/10/2000. Tiếp cận lại được ngày 06/4/2006 từ http://www.janes.com/regional_news/asia_pacific/news/jir/jir001027_1_n.shtml.