Giáo sư John Mearsheimer


Giáo sư John Mearsheimer, hiện đang giảng dạy tại Đại học
Chicago , là một trong những nhà tư tưởng táo bạo và gây nhiều tranh cãi nhất của Mỹ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Cuốn sách "Những nhà vận động hành lang Do Thái và chính sách ngoại giao của Mỹ" do ông và Stephen Walt thuộc Đại học Harvard làm đồng tác giả đã tạo ra những cuộc tranh luận nảy lửa, và đã được dịch sang 17 thứ tiếng. Trong khuôn khổ chương trình giảng dạy Michael Hintze hàng năm lần thứ tư về đề tài quan hệ quốc tế tại Đại học Sydney của Ôxtrâylia đầu tháng 8 vừa qua, ông Mearsheimer đã có bài thuyết giảng về sự cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á. Sau đây là nội dung bài phát biểu: 


"Thật là thú vị và vinh hạnh cho tôi được có mặt ở đây tại Đại học Sydney để diễn giảng về đề tài quan hệ quốc tế trong chương trình giảng dạy Michael Hinzte hàng năm. Tôi xin được tỏ lòng biết ơn đối với ông Alan Dupont – người đã ngỏ lời mời tôi, và cảm ơn tất cả quý vị đã có mặt tại đây. 


Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới suốt nhiều thập kỷ qua và là quốc gia đã triển khai những lực lượng quân sự hùng hậu đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngay từ những năm đầu của Chiến tranh Thế giới thứ II. Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực láng giềng của quí vị đã mang lại những kết quả có giá trị cho Ôxtrâylia và cho cả khu vực rộng lớn hơn. 


Chính quyền Ôxtrâylia cũng đã nhận ra điều này, ít nhất là theo Sách Trắng Quốc phòng 2009 thì: “Ôxtrâylia là quốc gia rất an toàn và ổn định trong suốt nhiều thập kỷ, phần lớn bởi vì khu vực châu Á-Thái Bình Dương lớn hơn đã được tận hưởng một kỷ nguyên hòa bình và ổn định chưa từng có trước đó do ưu thế chiến lược của Mỹ bảo đảm”. Nói cách khác, Mỹ đã đóng vai người gìn giữ hòa bình cho khu vực này của thế giới. 


Tuy nhiên, ở câu tiếp theo trong Sách Trắng, “Trật tự đó đang chuyển đổi vì những thay đổi về kinh tế bắt đầu dẫn đến những thay đổi trong phân bổ quyền lực chiến lược". Luận điểm này rõ ràng là đề cập đến sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tác động đáng kể lên sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Đặc biệt, khoảng trống quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đang thu hẹp lại và hoàn toàn có khả năng “ưu thế chiến lược của Mỹ” trong khu vực này sẽ không còn nữa. Điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ biến mất; thực tế là sự hiện diện của Mỹ ở đây có khả năng gia tăng tương ứng theo đà trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng Mỹ sẽ không còn là cường quốc trội hơn trong khu vực láng giềng của quí vị nữa, như nó đã từng xảy ra từ năm 1945. 


Câu hỏi quan trọng nhất nảy sinh từ cuộc thảo luận này là liệu Trung Quốc có thể trỗi dậy một cách hòa bình. Điều này quá rõ ràng như theo trong Sách trắng Quốc phòng – có nhiệm vụ đánh giá tình hình chiến lược tính đến năm 2030 của Ôxtrâylia – cho rằng những nhà hoạch định chính sách ở đây đang lo lắng về cán cân quyền lực đang thay đổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xin hãy xem xét những lời bình như thế này trong Sách Trắng: “Trong khi các nước lớn khác nổi lên, và ưu thế của Mỹ đang ngày càng bị thử thách, quan hệ giữa các cường quốc ắt sẽ phải thay đổi. Khi điều này xảy ra, sẽ tồn tại một khả năng tính toán sai lầm. Có một khả năng không đáng kể nhưng vẫn đáng quan ngại về sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa một số trong những cường quốc này”. Một điểm khác trong Sách Trắng mà chúng ta có thể đọc được, “Những nguy cơ do kết quả của cạnh tranh chiến lược leo thang có thể nổi lên bất cứ lúc nào và không đoán định được, và sẽ là một nhân tố phải được tính đến trong việc hoạch định kế sách quốc phòng của chúng ta”. Nói tóm lại, Chính phủ Ôxtrâylia dường như cảm nhận được sự hoán chuyển cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ có lẽ sẽ có những tác động không mấy tốt đẹp cho nền hòa bình của khu vực láng giềng.


Tôi muốn nêu lên quan điểm rằng người dân Ôxtrâylia cần phải lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, bởi vì nó có thể dẫn đến một cuộc cạnh tranh an ninh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, với nhiều khả năng chiến tranh có thể nổ ra. Hơn thế nữa, đa số các quốc gia láng giềng của Trung Quốc, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Xinhgapo, Hàn Quốc, Nga, Việt Nam và cả Ôxtrâylia nữa sẽ liên kết với Mỹ để kìm hãm quyền lực của Trung Quốc. Vậy xin nói thẳng là: Trung Quốc không thể trỗi dậy một cách hòa bình được. 


Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng tôi không lập luận rằng chỉ riêng hành vi của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh an ninh vẫn còn nằm ở phía trước. Mỹ cũng có khả năng cư xử theo những cách thức hung hăng, do vậy sẽ đẩy xa hơn triển vọng gây ra rắc rối ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương này. 


Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cách nhận định tình hình này của tôi. Nhiều người tin rằng Trung Quốc có thể trỗi dậy một cách hòa bình; họ cũng cho rằng không phải không thể tránh khỏi việc Mỹ và Trung Quốc hùng mạnh sẽ có những quan hệ đối đầu. Dĩ nhiên, họ giả định rằng Trung Quốc sẽ theo đuổi những mục đích hòa bình và sự thật thú vị của cuộc đời đó có thể giúp thiết lập ổn định tại khu vực này, mặc dù sự cân bằng quyền lực nền tảng được cho là sẽ thay đổi triệt để. 


Tôi xin được đề cập ba lập luận căn bản mà thường được sử dụng để bảo vệ cho những dự đoán có tính chất lạc quan này. 


- Thứ nhất, có một số người khẳng định rằng Trung Quốc có thể làm dịu đi nỗi e sợ đối với sự trỗi dậy của mình bằng việc tuyên bố rõ với các nước láng giềng và Mỹ rằng Trung Quốc chỉ theo đuổi những mục đích hòa bình, và sẽ không sử dụng vũ lực để làm thay đổi cán cân quyền lực. Kiến giải này có thể tìm thấy trong Sách Trắng Quốc phòng như sau: “Cường độ, qui mô và cấu trúc của công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc có khả năng gây ra quan ngại cho những quốc gia láng giềng nếu nó không được giải trình cẩn thận, và nếu Trung Quốc không mở rộng vòng tay ra với những quốc gia khác để xây dựng lòng tin đối với những kế hoạch quân sự của mình". Về bản chất, niềm tin ở đây là Trung Quốc có khả năng gửi tín hiệu về những mục đích hiện tại và tương lai của mình cho Ôxtrâylia và những quốc gia khác theo những cách thức thật sự hấp dẫn. 


Bất hạnh thay, các quốc gia trên thế giới không bao giờ có thể chắc chắn về những mục đích hay dự định của nhau. Họ không thể hiểu hết được liệu có phải họ đang đối phó với một quốc gia theo khuynh hướng xét lại hay một cường quốc nguyên trạng. Chẳng hạn, các chuyên gia vẫn không nhất trí được với nhau về việc liệu có phải Liên bang Xôviết đã có chủ định muốn thống trị cả lục địa Âu - Á suốt thời gian Chiến tranh Lạnh. Cũng như không có sự đồng thuận nào đối với nghi vấn phải chăng đế quốc Đức là một quốc gia hung hăng gây hấn cao độ phải chịu trách nhiệm chính đã gây ra Chiến tranh Thế giới thứ I. Gốc rễ của vấn đề là ở chỗ không giống như những khả năng quân sự có thể thấy bằng mắt và đo đếm được, những dự định không thể chứng minh trên cơ sở thực nghiệm. Những dự định nằm ở trong đầu của những nhà quyết sách và chúng đặc biệt rất khó nhận biết rõ bằng các giác quan. Quí vị có thể nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng ngôn từ để giải thích cho những dự định của họ. Nhưng lời nói thì chẳng tốn kém gì và ai cũng biết là các nhà lãnh đạo thường nói dối các thính giả ngoại quốc. Do vậy, thật khó đoán được những dự định của những nhà lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc, điều này không phải để nói rằng họ nhất thiết là theo chủ trương xét lại. 


Nhưng thậm chí giả định rằng quí vị có thể xác định được những dự định, mục đích của Trung Quốc ngày hôm nay đi chăng nữa, thì cũng không có cách nào để biết được họ sẽ như thế nào trong tương lai. Tóm lại, không thể chỉ đích danh ai là người điều hành những chính sách ngoại giao của quốc gia nào đấy từ 5 cho đến 10 năm trong tương lai, chứ chưa nói tới chuyện làm sao biết được những quốc gia đó có những dự tính xâm lược hay không. Nói bao nhiêu cũng không đủ để nhấn mạnh một thực tế rằng chúng ta phải đối mặt với sự khó đoán định bất cứ khi nào chúng ta muốn xác định rõ những dự tính tương lai của bất kỳ một quốc gia nào đó, kể cả Trung Quốc. 


- Lập luận thứ hai là một Trung Quốc nhân từ có thể tránh được sự đối đầu bằng cách xây dựng những lực lượng quân sự để tự vệ thay cho tấn công. Nói cách khác, Bắc Kinh có thể đưa ra tín hiệu rằng mình là một cường quốc như nguyên trạng qua việc từ bỏ khả năng sử dụng vũ lực để làm thay đổi cán cân quyền lực. Tóm lại, một quốc gia không có khả năng tấn công không thể là một quốc gia theo khuynh hướng xét lại, bởi vì nước đó không có phương tiện để thực thi hành động xâm lấn. Không ngạc nhiên chút nào khi chúng ta vẫn thường nghe những nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục tuyên bố rằng quân đội của họ được thiết kế chủ yếu nhằm mục đích tự vệ. Lấy ví dụ, tờ "Thời báo Niu Yoóc" mới đây cho đăng một bài tường trình quan trọng về quân chủng hải quân Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo của nó vẫn khẳng định rằng lực lượng hải quân này chỉ “đơn thuần là một lực lượng tự vệ". 


Lập luận này có một vấn đề: thật khó mà phân biệt được đâu là khả năng phòng vệ và đâu là khả năng tấn công của một lực lượng quân sự. Các nhà đàm phán tại Hội nghị giải trừ quân bị năm 1932 đã nỗ lực đưa ra những phân biệt như thế nhưng cuối cùng thấy mình bị mắc kẹt khi không thể phân định được những loại vũ khí cụ thể chẳng hạn như xe tăng hay khu trục hạm là có thuộc tính tự vệ hay tấn công. Vấn đề cốt lõi là những khả năng mà các quốc gia phát triển chỉ để tự vệ lại thường có tiềm năng tấn công rất đáng kể. Hãy xem xét những gì Trung Quốc đang làm ngày hôm nay. Họ đang xây dựng những lực lượng quân sự có khả năng triển khai sức mạnh tầm xa đáng kể, và giống như Sách Trắng Quốc phòng cho chúng ta hay, “công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc càng ngày càng thiên về đặc tính phát triển những khả năng triển khai sức mạnh tầm xa”. Ví dụ, Trung Quốc đang xây dựng những lực lượng hải quân có khả năng triển khai sức mạnh ra xa tới “Chuỗi đảo thứ hai” (Trong chiến lược vươn ra đại dương Trung Quốc đã định ra 2 chuỗi đảo, chuỗi đảo thứ nhất gồm cả Biển Đông, chuỗi đảo thứ hai được nói đến ở đây nằm ở phía Tây Thái Bình Dương. Và họ còn tuyên bố đang lên kế hoạch để xây dựng lực lượng “hải quân biển xanh” có khả năng hoạt động ở vùng biển Arập và Ấn Độ Dương. Vì những lý do thật dễ hiểu, họ muốn có khả năng tự bảo vệ những tuyến đường biển của mình mà không phải lệ thuộc vào hải quân Mỹ). 


Tất nhiên, đa số các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đều nghĩ rằng hải quân của họ chỉ thiên về tự vệ, mặc dù thực tế nó có khả năng tấn công rất đáng kể và khả năng đó sẽ mạnh hơn nữa trong tương lai. Thực ra, họ đã đặt tên cho chiến lược hải quân của họ là “Phòng thủ biển xa”. Đúng như lời nhận xét của Kaplan, gần như chắc chắn rằng khi hải quân của Trung Quốc phát triển cả qui mô lẫn khả năng, không một quốc gia láng giềng nào của Trung Quốc, kể cả Ôxtrâylia, xem đó là để tự vệ. Tất cả các quốc gia đó đều xem hải quân Trung Quốc là lực lượng tấn công rất đáng gờm. Cho nên, bất kì ai muốn xác định những dự tính tương lai của Trung Quốc qua việc quan sát lĩnh vực quân sự của nước này đều có thể đi đến kết luận rằng Bắc Kinh có rắp tâm gây hấn xâm lược. 


- Sau cùng, có một số người vẫn cho rằng những ứng xử mới đây của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng, mà chưa có thể coi là gây hấn theo ý nghĩa trọn vẹn của nó, là chỉ dấu đáng tin cậy về cách thức hành động của Trung Quốc trong những thập kỷ tới. Vấn đề cốt lõi của lập luận này là hành tung trong quá khứ không phải lúc nào cũng là chỉ dấu đáng tin cậy cho hành vi trong tương lai, bởi vì những nhà lãnh đạo đến rồi đi và có một số thì hiếu chiến hơn một số khác. Thêm vào đó, tình hình ở trong nước và ở nước ngoài có thể biến chuyển theo cách khiến việc muốn sử dụng lực lượng quân đội ít nhiều trở nên hấp dẫn. 

 

Trường hợp Trung Quốc là một minh chứng cho lập luận này. Hiện tại Bắc Kinh chưa sở hữu một quân đội có sức mạnh đáng gờm và chắc chắn chưa ở vào vị thế có thể gây chiến với Mỹ. Nói như thế không có ý cho Trung Quốc là một con cọp giấy, nhưng họ không có khả năng gây ra nhiều rắc rối trong khu vực này. Mặc dù vậy, tình hình có triển vọng là sẽ thay đổi đáng kể theo thời gian, và trong trường hợp đó Trung Quốc sẽ có khả năng tấn công đáng kể. Đến lúc đó, chúng ta sẽ thấy họ cam kết với nguyên trạng như thế nào. Nhưng bây giờ chúng ta không thể nói gì nhiều về hành vi trong tương lai của Trung Quốc, bởi vì hiện tại họ chỉ có khả năng rất giới hạn để hành động theo cách gây hấn hung hãn. 

 

Tất cả những điều này cho chúng ta thấy một điều là không hiện hữu một cách thức tốt đẹp nào để phỏng định Trung Quốc sẽ có những dự định gì trong tương lai hoặc tiên đoán hành vi trong tương lai của họ bằng cách chỉ căn cứ vào những chính sách ngoại giao gần đây của nước này. Tuy nhiên, dường như rõ ràng rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ có một quân đội có tiềm năng tấn công đáng kể. Từ nãy đến giờ, tôi chỉ mới đề cập đến cách như một người Mỹ hoặc một người Ôxtrâylia bất kỳ nào có thể đánh giá hành vi tương lai của Trung Quốc. Nhưng để hiểu rõ một cách tường tận sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chúng ta cũng phải xem xét những gì mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tiên liệu về cách xử sự tương lai của Mỹ, qua việc xem xét những ý định, khả năng, và hành vi trong hiện tại của nước này. 


Một điều hiển nhiên là các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có cách nào để có thể đoán được ai sẽ là người có trách nhiệm điều hành chính sách ngoại giao của Mỹ trong những năm tới, chưa nói gì đến những dự định của họ đối với Trung Quốc sẽ như thế nào. Nhưng họ thừa biết tất cả những tổng thống Mỹ trong thời hậu Chiến tranh Lạnh, kể cả Tổng thống Barack Obama, đều đã tuyên bố rằng họ vẫn cam kết duy trì ưu thế của Mỹ. Điều này có nghĩa là Oasinhtơn có thể sẵn sàng làm mọi điều có thể để ngăn cản Trung Quốc trở nên quá hùng mạnh. 

 

 

Về khả năng quân sự của Mỹ, Mỹ đã chi một số tiền khổng lồ cho quốc phòng nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới gộp lại. Hơn thế nữa, bởi vì quân đội Mỹ được thiết kế để tác chiến ở bất cứ nơi đâu trên khắp toàn cầu, nên nó đã có sẵn những khí tài dư thừa cho việc triển khai sức mạnh tầm xa. Đa phần khả năng đó hoặc đã được bố trí sẵn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoặc có thể nhanh chóng chuyển vận đến bất cứ khi nào có nhu cầu. Trung Quốc không thể không nhận ra rằng Mỹ đã có sẵn những lực lượng quân sự rất hùng hậu có mặt tại khu vực lân cận của mình, được thiết kế phần lớn là cho những mục đích tấn công. Chắc chắn, khi Mỹ cho chuyển những khu trục hạm vào trong vùng eo biển Đài Loan – như đã xảy ra hồi năm 1996 – hoặc khi Mỹ tái triển khai những tàu ngầm đến vùng Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc coi những khí tài hải quân này là có tính chất tấn công hơn là tự vệ.


Điều này không phủ nhận thực tế rằng đa số người dân Mỹ, giống như đa số người dân Trung Quốc, nghĩ rằng lực lượng quân sự của họ là công cụ tự vệ; nhưng đó không phải là cách nhìn nhận khi bạn ở phía đằng kia của họng súng. Do vậy, bất kỳ người dân nào ở Trung Quốc khi cố công lượng định những dự tính của Mỹ qua việc đánh giá những khả năng quân sự của nước này cũng đều có thể nghĩ Mỹ là quốc gia theo khuynh hướng xét lại, không phải là một cường quốc theo khuynh hướng nguyên trạng. 


Cuối cùng, còn tồn tại một vấn đề liên quan tới hành vi mới đây của Mỹ và điều có thể nói cho chúng ta hay những hành động trong tương lai của Mỹ như thế nào. Như tôi đã nói lúc trước, những hành động trong quá khứ thường không phải là chỉ định đáng tin cậy cho hành vi trong tương lai, bởi vì tình thế luôn thay đổi và những nhà lãnh đạo mới thường có những suy nghĩ khác về chính sách ngoại giao so với những người tiền nhiệm của họ. Nhưng nếu giới lãnh đạo Trung Quốc muốn dự đoán Mỹ có thể hành xử ra sao trong tương lai bằng cách xem xét chính sách ngoại giao mới đây của Mỹ, họ gần như chắc chắn sẽ kết luận rằng Mỹ là một quốc gia hiếu chiến và nguy hiểm. Xét cho cùng, Mỹ đã và đang lâm vào chiến tranh trong 14 năm của khoảng thời gian 21 năm từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nghĩa là cứ 3 năm là có 2 năm lâm chiến. Và xin lưu ý rằng Chính quyền Obama đang có ý định tiến hành một cuộc chiến mới chống lại
Iran . 


Có thể có người phản bác lại rằng cho dù tất cả đó đều là sự thật, nhưng Mỹ chưa hề hăm dọa tấn công Trung Quốc. Một vấn đề trong lập luận này là các nhà lãnh đạo Mỹ từ Đảng Dân chủ cũng như Đảng Cộng hòa đều tuyên bố rõ ràng rằng họ tin Mỹ là, xin trích dẫn lời của bà cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright, “quốc gia không thể thiếu được”, cho nên nước này vừa có quyền vừa có trách nhiệm làm sen đầm trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, đa số người Trung Quốc đều ý thức rất rõ Mỹ đã lợi dụng Trung Quốc yếu kém như thế nào bằng cách thúc ép đẩy nhanh chính sách “mở cửa” bỉ ổi vào hồi đầu thế kỷ 20. Những giới chức Trung Quốc cũng biết rằng Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến đẫm máu ở Bắc Triều Tiên giữa những năm 1950 và 1953. 

 


Tất cả những điều đó nói lên cho chúng ta thấy một điều rằng môi trường an ninh trong tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ xoay quanh Mỹ và Trung Quốc, và mỗi một nước lớn đó đều sở hữu một quân đội với khả năng tấn công rất đáng kể cùng với những dự tính không thể đoán trước. 

Quan hệ Mỹ -Trung sẽ ảnh hưởng đến nền hòa bình và ồn định của Ôxtrâylia cũng như các quốc gia  khu vực


Còn một yếu tố khác đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai. Không hiện hữu một tổ chức thế quyền tập trung cao nào để cho những quốc gia quay sang nương tựa trong trường hợp có kẻ xâm lăng nguy hiểm hăm dọa họ. Không có người canh gác đêm trong hệ thống quốc tế; điều này có nghĩa là các quốc gia phải tự lực cánh sinh để đảm bảo sự tồn vong của mình. Do vậy, câu hỏi cốt lõi mà bất cứ nhà lãnh đạo nào cũng phải tự đặt ra cho mình là: đâu là phương cách để có thể tối ưu hóa nền an ninh của quốc gia mình trong một thế giới nơi mà một quốc gia khác có trong tay khả năng quân sự tấn công hùng hậu cũng như những dự định tấn công, và nơi không có tổ chức nào mạnh hơn mà ta có thể quay sang nương tựa nếu quốc gia hung hãn đó tỏ hăm dọa quốc gia ta? Câu hỏi này – hơn bất cứ câu hỏi nào khác – sẽ là động cơ thúc đẩy các giới lãnh đạo Mỹ cũng như Trung Quốc trong thời gian tới, giống như nó từng có trong quá khứ. 


Tôi tin rằng có một câu trả lời thẳng thắn cho câu hỏi này và rằng tất cả các cường quốc đều biết câu trả lời đó và căn cứ theo đó mà hành động. Cách thức tốt nhất để cho bất kỳ quốc gia nào có thể đảm bảo được sự tồn vong của mình là phải trở nên hùng mạnh hơn rất nhiều so với tất cả những quốc gia khác trong toàn hệ thống, bởi vì những quốc gia yếu hơn không thể tấn công nó vì sợ rằng sẽ bị đánh bại thảm hại. Ví dụ, không một quốc gia nào ở Tây bán cầu dám đánh lại Mỹ bởi vì Mỹ quá hùng mạnh so với tất cả những nước láng giềng của họ.

 
Xin nói cụ thể hơn, điều kiện lý tưởng cho mọi cường quốc lớn là phải duy trì vị trí bá chủ trong toàn hệ thống, bởi vì từ đó sự tồn vong của nó mới được hầu như bảo đảm. Một quốc gia bá chủ là một quốc gia rất hùng mạnh khiến có thể thống trị tất cả những quốc gia khác. Nói theo cách khác, không một quốc gia nào khác có đầy đủ sức mạnh quân sự để có thể gây nên một cuộc chiến thực sự chống lại nó. Về căn bản, một quốc gia bá chủ là nước lớn duy nhất trong toàn hệ thống. 


Khi người ta bàn đến chuyện quốc gia bá chủ ngày nay, họ thường đề cập đến Mỹ, mà theo mô tả của họ là một bá chủ toàn cầu. Tuy nhiên, tôi không thích thuật ngữ này, bởi vì dường như không có quốc gia nào – kể cả Mỹ - có thể đạt được danh hiệu bá chủ toàn cầu. Trở ngại chính trong việc thống trị thế giới đó là khó khăn trong việc triển khai lực lượng vượt qua những khoảng cách lớn, đặc biệt là vượt qua những vùng nước mênh mông như Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. 

 

Một giải pháp tối ưu mà một nước lớn có thể hy vọng với tới là trở thành bá chủ khu vực, và có khả năng kiểm soát một khu vực khác gần kề và có thể thâm nhập dễ dàng bằng đường bộ. Mỹ, hiện tại đang thống trị khu vực Tây bán cầu, là bá chủ khu vực duy nhất trong lịch sử hiện đại. Năm nước lớn khác đã nỗ lực thống trị từng khu vực riêng của mình – Đế chế Pháp thời Napoleon, đế quốc Đức, đế quốc Nhật, Đức Quốc xã, và Liên bang Xôviết – nhưng không một nước lớn nào đạt được thành công. 


Mỹ, xin được nhấn mạnh, đã không ngẫu nhiên mà trở thành bá chủ ở Tây bán cầu. Khi Mỹ giành được độc lập vào năm 1783, chỉ là một quốc gia non yếu bao gồm 13 bang nằm dọc theo bờ Đại Tây Dương. Suốt một thời kỳ kéo dài 115 năm sau đó, những nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bền bỉ theo đuổi ngôi vị bá chủ trong khu vực. Họ đã mở rộng biên cương từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương như một phần của chính sách thường được nhắc đến dưới tên gọi “Biểu thị vận mệnh”. Thực vậy, Mỹ là một nước lớn bành trướng hàng đầu. Henry Cabot Lodge - một sử gia nổi tiếng kiêm chính trị gia thuộc Đảng Cộng hòa - nhận xét rất đích đáng khi ông viết rằng Mỹ có “thành tích chinh phục, thuộc địa hóa, và bành trướng lãnh thổ mà không một dân tộc nào có thể sánh nổi trong suốt thế kỷ 19”. Và tôi có thể thêm vào cả thế kỷ 20 nữa. 


Nhưng những nhà lãnh đạo Mỹ vào hồi thế kỷ thứ 19 không chỉ quan tâm muốn biến Mỹ trở thành một quốc gia hùng mạnh về lãnh thổ, họ còn quyết tâm đẩy những nước lớn châu Âu ra khỏi Tây bán cầu, và tỏ rõ cho những nước lớn ấy thấy là họ không được hoan nghênh quay trở lại. Chính sách này, vẫn còn hiệu lực đến tận ngày hôm nay, được biết đến với tên gọi “Học thuyết
Monroe ”. Vào khoảng năm 1898, đế chế cuối cùng của châu Âu thống trị ở châu Mỹ sụp đổ và Mỹ đã trở thành quốc gia bá chủ trong khu vực. 


Các quốc gia đã đạt được ngôi vị bá chủ khu vực có một mục đích xa hơn: họ cố ngăn cản những nước lớn tại những khu vực địa lý khác không lặp lại kỳ công của họ. Một quốc gia bá chủ khu vực, nói cách khác, không muốn có đối thủ cạnh tranh ngang bằng. Mỹ, chẳng hạn, đã đóng vai trò chính trong việc ngăn cản đế quốc Nhật, đế quốc Đức, Đức quốc xã, và Liên bang Xôviết giành được ngôi bá chủ khu vực. Những quốc gia bá chủ khu vực nỗ lực kiểm soát những quốc gia bá chủ đầy tham vọng tại những khu vực khác, bởi lo sợ rằng một đối thủ nước lớn thống trị tại khu vực của chính họ sẽ trở thành một kẻ thù đặc biệt hùng mạnh mà có thể tự do thong dong khắp toàn cầu và gây rắc rối ngay tại sân sau của họ. Những quốc gia bá chủ khu vực chỉ mong muốn có ít nhất hai nước lớn cùng cát cứ tại những khu vực khác, bởi vì sự gần gũi của họ sẽ buộc họ phải tập trung canh chừng nhau hơn là dè chừng đến quốc gia bá chủ xa xôi. Hơn nữa, nếu có một nước bá chủ tiềm năng nổi lên trong đám họ, những nước lớn khác trong khu vực đó có thể tự kìm hãm nước đó lại, cho phép quốc gia bá chủ xa xôi kia có thể tồn tại an toàn đứng ngoài cuộc không can dự. 


Điều mấu chốt là vì những lý do chiến lược đúng đắn, Mỹ đã phải vật lộn vất vả hơn một thế kỷ để đạt được ngôi vị bá chủ khu vực, và từ sau khi đạt được mục đích đó, Mỹ đã tìm cách đảm bảo rằng không một nước lớn nào có thể thống trị hoặc châu Á hoặc châu Âu theo cái lối họ đang thống trị khu vực Tây bán cầu.

 
Hành vi trong quá khứ của Mỹ mách bảo cho chúng ta điều gì về sự trỗi dậy của Trung Quốc? Cụ thể là, chúng ta nên trông mong Trung Quốc hành xử ra sao khi nước này trở nên hùng mạnh hơn? Và chúng ta nên chờ đợi Mỹ và các láng giềng của Trung Quốc phản ứng thế nào với một Trung Quốc hùng mạnh? 


Tôi mong muốn Trung Quốc cũng hành xử giống như Mỹ đã từng làm trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của họ. Đặc biệt, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ cố gắng thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương giống như Mỹ đang thống trị khu vực Tây bán cầu. Vì những lý do lợi ích chiến lược, Trung Quốc sẽ tối đa hóa hố ngăn cách quyền lực giữa bản thân mình với các quốc gia láng giềng nguy hiểm tiềm tàng như Ấn Độ, Nhật Bản và Liên bang Nga. Trung Quốc muốn chắc chắn là mình phải trở nên thật hùng mạnh để không một quốc gia nào ở châu Á có đủ sức uy hiếp họ. Có thể Trung Quốc sẽ không theo đuổi sự ưu việt về quân sự để có thể đi theo con đường chiến tranh và chinh phục những quốc gia khác trong khu vực, mặc dù đó luôn luôn là một khả năng. Thay vào đó, có nhiều khả năng hơn là Trung Quốc rất muốn vạch ra những giới hạn cho cách hành xử có thể chấp nhận được đối với các quốc gia láng giềng, gần giống như cách thức Mỹ đã tỏ rõ cho những quốc gia khác ở châu Mỹ biết rằng Mỹ là ông trùm. Nhắm đến ngôi vị bá chủ khu vực, tôi xin thêm vào, có thể là cách thức duy nhất Trung Quốc sử dụng để lấy lại Đài Loan. 


Một Trung Quốc hùng mạnh gấp nhiều lần cũng có thể, được cho là sẽ thử sức đánh đuổi Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giống như cách thức Mỹ đã từng đánh đuổi những nước lớn châu Âu ra khỏi khu vực Tây bán cầu vào hồi thế kỷ 19. Chúng ta nên hy vọng Trung Quốc tạo ra được một phiên bản học thuyết
Monroe cho riêng mình, giống như Đế quốc Nhật đã làm hồi thập niên 1930. Sự thực là chúng ta đã thấy những nét tương tự của chính sách đó. Hãy xem xét sự kiện sau, vào hồi tháng Ba, giới chức Trung Quốc đã nói với hai nhà hoạch định chính sách cao cấp của Mỹ rằng Mỹ không còn được phép can thiệp vào khu vực Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), mà Trung Quốc xem như là vùng “quyền lợi cốt lõi” giống như Đài Loan và Tây Tạng. Và dường như Trung Quốc cũng nghĩ giống như vậy với vùng biển Hoàng Hải. Mới đây, Mỹ và Hàn Quốc cùng tập trận hải quân chung để tỏ phản ứng đối với vụ tàu chiến của Hàn Quốc bị nghi là do Bắc Triều Tiên đánh chìm. Những cuộc tập trận hải quân đó đã được lên kế hoạch từ ban đầu là thực hiện trên vùng biển Hoàng Hải, tiếp giáp với vùng bờ biển của Trung Quốc, nhưng do Trung Quốc phản đối mãnh liệt nên Chính quyền Obama phải quyết định dời xa về hướng đông vào Biển Nhật Bản. 


Những mục đích đầy tham vọng này rất có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc. Bắc Kinh những muốn một Nhật Bản yếu về quân sự và Liên bang Nga là những quốc gia láng giềng của mình, cũng giống như Mỹ thích có Mêhicô và
Canađa yếu kém về quân sự nằm tiếp giáp với họ. Không quốc gia tỉnh táo và sáng suốt nào mà lại muốn những quốc gia hùng mạnh khác hiện hữu trong khu vực của họ. Mọi người dân Trung Quốc chắc chắn vẫn còn nhớ rõ những gì đã xảy ra trong thế kỷ qua khi mà Nhật Bản hùng mạnh và Trung Quốc suy yếu. Hơn nữa, tại sao một Trung Quốc hùng mạnh lại có thể chấp nhận được các lực lượng quân sự của Mỹ vào hoạt động ngay tại sân sau của mình? 


Rốt cuộc, những nhà hoạch định chính sách Mỹ bày tỏ sự giận dữ bất cứ khi những cường quốc xa xôi phái lực lượng quân sự đến khu vực Tây bán cầu. Những lực lượng ngoại quốc đó được xem như một mối đe dọa tiềm năng đối với nền an ninh Mỹ. Lô gích tương tự như thế nên áp dụng cho Trung Quốc. Tại làm sao Trung Quốc có thể thấy an toàn với lực lượng của Mỹ triển khai đến sát ngay trước cửa nhà mình? Căn cứ theo lô gích của Học thuyết Monroe, chẳng phải nền an ninh của Trung Quốc sẽ được tốt hơn lên nhiều nếu đẩy được lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương đó sao? 


Tại sao chúng ta lại chờ đợi Trung Quốc hành xử khác hơn so với Mỹ trong suốt tiến trình lịch sử của nó? Có phải họ nguyên tắc hơn người Mỹ? Đạo đức hơn? Có phải họ kém dân tộc chủ nghĩa hơn người Mỹ? Kém quan ngại hơn về sự tồn vong của họ? Dĩ nhiên, họ hoàn toàn không như vậy, đó là lý do tại sao Trung Quốc có vẻ như đang bắt chước Mỹ và phấn đấu để trở thành một quốc gia bá chủ khu vực. 


Và Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc vươn lên thống trị châu Á? Theo cứ liệu lịch sử thì rõ ràng là Mỹ không bao giờ chịu có đối thủ cạnh tranh ngang vai bằng vế. Như được minh chứng qua suốt cả thế kỷ 20, Mỹ kiên quyết duy trì vị trí bá chủ khu vực duy nhất của thế giới. Do vậy, có thể thấy rõ Mỹ sẵn sàng làm mọi điều có thể để kìm hãm Trung Quốc và cuối cùng làm cho Trung Quốc suy yếu đến mức không còn có thể đe dọa thống trị tại khu vực châu Á. Về bản chất, Mỹ có thể đối xử với Trung Quốc theo cách tương tự như họ đã đối xử với Liên bang Xô Viết trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh. 


Những quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương chắc chắn phải e sợ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, và họ sẽ làm tất cả mọi cách để có thể ngăn cản không cho Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực. Thực tế là, đã có những chứng cớ xác đáng cho thấy những quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, và Liên bang Nga, cũng như những nước nhỏ như Xinhgapo, Hàn Quốc và Việt Nam, đang lo ngại trước sự vươn lên của Trung Quốc và đang tìm mọi cách để kìm hãm Trung Quốc. Chẳng hạn, vào tháng 10 năm 2008, Ấn Độ và Nhật Bản đã ký kết “Tuyên bố An ninh Chung,” một phần chính là do lo ngại trước sức mạnh càng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ấn Độ và Mỹ, đã có quan hệ với nhiều thử thách suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, đã trở thành đôi bạn thân thiết hơn trong thập kỷ qua, phần lớn chỉ vì cả hai đều sợ Trung Quốc. Chỉ tháng 7 vừa qua, Chính quyền Obama, với những con người luôn cao giọng rao giảng cho cả thế giới về tầm quan trọng của nhân quyền, đã tuyên bố tái lập quan hệ với các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Inđônêxia, bất chấp thành tích vi phạm nhân quyền dày cộm của nhóm này. Nguyên nhân của sự thay đổi này là Mỹ muốn có Inđônêxia đứng về phía họ trong khi Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh. 


Là quốc gia nằm án ngữ trong vùng eo biển trọng yếu Malắcca và rất lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Xinhgapo tha thiết muốn nâng cấp mối quan hệ vốn dĩ đã rất gần gũi với Mỹ. Nhằm đạt được mục đích đó, vào cuối thập niên 1990, Xinhgapo đã cho xây dựng căn cứ hải quân Changi để hải quân Mỹ có thể triển khai tàu sân bay đến Xinhgapo nếu có yêu cầu. Và một quyết định mới đây của Nhật Bản cho phép lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ tiếp tục ở lại căn cứ Okinawa là do xuất phát từ quan ngại của Tôkyô đối với thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời do nhu cầu liên đới muốn duy trì vững vàng cái ô an ninh của Mỹ trên đầu Nhật Bản. Đa số các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cuối cùng sẽ tham gia một liên minh đối trọng do Mỹ lãnh đạo được hoạch định để kiểm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, rất giống cách thức Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, và ngay cả Trung Quốc, liên kết lực lượng với Mỹ để kiềm chế Liên bang Xô Viết suốt thời gian Chiến tranh Lạnh. 


Tôi xin thảo luận chi tiết hơn việc tôi nghĩ về sự trỗi dậy của Trung Quốc đặc biệt ảnh hưởng tới Ôxtrâylia ra sao. Ôxtrâylia có được ưu thế do vị trí địa lý của mình mang lại là điều quá hiển nhiên không phải bàn cãi; Ôxtrâylia nằm cách rất xa Trung Quốc và hai quốc gia bị chia cắt bởi những vùng biển mênh mông. Ôxtrâylia, hiển nhiên, phải đối mặt với một tình thế tương tự với đế quốc Nhật, điều giúp giải thích tại sao quân đội Nhật Bản đã không xâm lược Ôxtrâylia khi hoành hành khắp khu vực châu Á-Thái Bình Bương vào tháng 12 năm 1941.

 
Người ta có thể cho rằng nhờ vị trí địa lý cách biệt như thế nên Ôxtrâylia ít lo sợ Trung Quốc và vì thế nước này có thể yên tâm đứng ngoài cuộc trong khi liên minh đối trọng liên kết với nhau để kiềm chế Trung Quốc. Thực ra, Sách Trắng Quốc phòng 2009 nêu lên khả năng “một Chính quyền Ôxtrâylia bất kỳ có thể có quan điểm cho rằng trung lập về quân sự là giải pháp tối ưu cho mục đích bảo toàn an ninh quốc gia và lãnh thổ.” Điều này sẽ không bao giờ xảy ra, bởi vì Trung Quốc – nếu vẫn tiếp tục trỗi dậy nhanh chóng – cuối cùng sẽ cho Ôxtrâylia thấy mối đe dọa đủ trầm trọng đến mức khiến nước này không còn cách nào khác là phải tham gia vào liên minh do Mỹ đứng đầu để kiềm chế Trung Quốc. Tôi xin nêu lên ba điểm để củng cố cho lập luận này. 


- Trước hết, xin lưu ý rằng lúc này đây chúng ta không nói tới mối đe dọa gây ra bởi lực lượng quân sự hiện thời của Trung Quốc, mà thực ra họ chưa có nhiều khả năng triển khai lực lượng tầm xa và cũng chưa phải là mối nguy hiểm ghê gớm cho những quốc gia láng giềng trong khu vực. Chúng ta đang nói tới việc dân chúng Ôxtrâylia sẽ nghĩ như thế nào về một Trung Quốc trải qua hai thập kỷ nữa với mức tăng trưởng kinh tế thật ấn tượng và sẽ sử dụng nguồn tích góp tài sản giàu có dư thừa đó để xây dựng một quân đội với trang bị vũ khí tối tân tinh vi thượng hạng. Chúng ta đang nói tới một quân đội Trung Quốc đang tiến gần đến tầm mức có thể ganh đua với quân đội Mỹ trên khía cạnh phẩm chất của vũ khí. Tuy nhiên, một quân đội Trung Quốc như thế cần có hai lợi thế quan trọng trước đối thủ Mỹ. Nó phải lớn hơn, có lẽ phải lớn hơn rất nhiều, bởi vì dân số của Trung Quốc sẽ ít nhất lớn hơn gấp ba lần dân số Mỹ vào thời điểm giữa thế kỷ này. Hơn thế nữa, Mỹ sẽ ở vào thế rất bất lợi trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, bởi vì quân đội của Mỹ sẽ phải triển khai sức mạnh qua hơn 6000 dặm trên đại dương, trong khi đó quân đội của Trung Quốc chỉ hoạt động trong sân sau của mình. Tóm lại, Trung Quốc có khả năng có một tiềm lực quân sự tấn công mạnh hơn nhiều vào năm 2030 so với năm 2010 hiện nay. 


- Thứ hai, mặc dù đế quốc Nhật đã không thực hiện cuộc tấn công đổ bộ lên Ôxtrâylia vào năm 1942, họ đã nghiền ngẫm nghiêm túc phương án đó, và đã quyết định hủy bỏ nó không chỉ bởi vì những khó khăn hiện hữu trong việc triển khai, mà còn vì Nhật Bản đã nghĩ họ có một giải pháp chiến lược thay thế để xử lý với Ôxtrâylia. Đặc biệt là, Nhật Bản đã nghĩ rằng họ có thể sử dụng tầm kiểm soát của mình ở Tây Thái Bình Dương để phong tỏa và vô hiệu hóa Ôxtrâylia. Mặc dù chiến lược đó đã thất bại, chúng ta cũng không nên bỏ qua sự kiện rằng đế quốc Nhật đã là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ôxtrâylia. Đó chính là lý do tại sao Ôxtrâylia đã hăng hái chiến đấu sát cánh với Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ II. 


- Thứ ba, các chiến lược gia Trung Quốc sẽ rất chú ý đến Ôxtrâylia trong những năm tới, chủ yếu là vì dầu mỏ. Việc lệ thuộc vào dầu nhập khẩu của Trung Quốc, hiện đã rất đáng kể, sẽ gia tăng rất lớn trong vài thập kỷ tới. Phần lớn số dầu nhập khẩu đó là từ vùng Trung Đông và hầu hết phải được vận chuyển về Trung Quốc bằng đường biển. Mặc dù nói đến vận chuyển dầu mỏ bằng đường ống dẫn hoặc bằng đường sắt qua ngả Mianma và Pakixtan, một thực tế hiển nhiên là vận chuyển đường biển vẫn là sự chọn lựa dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều. Và hiển nhiên người Trung Quốc thấu hiểu được điều đó và đó là một trong những lý do họ triển khai kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân biển xanh. Họ muốn có khả năng để bảo vệ những tuyến đường biển lưu thông giữa họ và Trung Đông. 
Trung Quốc đối mặt với những trở ngại địa lý lớn trong việc đảm bảo an toàn cho những tuyến đường biển đó; điều này mang những hàm ý rất có ý nghĩa đối với Ôxtrâylia. Đặc biệt, có ba con đường biển chính nối Biển Nam Trung Hoa với Ấn Độ Dương. Mặt khác, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác nhau nằm ở hai vùng biển lớn đó. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bất cứ lúc nào cũng phải được quyền vào tối thiểu một trong các con đường đó nếu Trung Quốc hy vọng có khả năng kiểm soát những tuyến đường biển của họ nối liền với vùng Trung Đông giàu dầu mỏ. Tàu thuyền của Trung Quốc có thể đi qua eo biển Malắcca, bao quanh bởi Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo, hoặc là chúng có thể đi xa hơn xuống phía Nam rồi đi qua một trong hai ngả là eo biển Lombok hoặc eo biển Sunda, cả hai đều cắt xuyên qua Inđônêxia, và cả hai đều đưa tới những vùng biển mênh mông của Ấn Độ Dương, ở ngay phía Tây Bắc của Ôxtrâylia. 


Tuy nhiên, Trung Quốc chắc không thể đi qua eo biển Malắcca trong trường hợp có một cuộc xung đột với Mỹ, bởi vì Xinhgapo, là một đồng minh thân cận của Mỹ, án ngữ ngay tại eo biển này. Đây là điều mà các chiến lược gia Trung Quốc gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan Malắcca.” Do vậy, Trung Quốc có sự thôi thúc mạnh mẽ để đảm bảo tàu thuyền của họ luôn có thể lưu thông qua hai cửa ngõ chính ngang qua Inđônêxia. 


Tình huống này hầu như chắc chắn có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại những vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Ôxtrâylia và có lẽ ngay cả trong lãnh thổ của Inđônêxia. Trung Quốc chắc chắn rất quan ngại tới những khả năng triển khai sức mạnh của Ôxtrâylia, và sẽ làm mọi cách để đảm bảo những khả năng đó không thể được dùng để ngăn chặn hai eo biển Lombok và Sunda hoặc đe dọa hoạt động vận tải biển của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Những bước đi được Trung Quốc thực thi để vô hiệu hóa mối đe dọa mà Ôxtrâylia tạo ra cho những tuyến đường biển của họ - và xin hãy nhớ rằng, chúng ta đang nói đến một Trung Quốc hùng mạnh gấp bội lần hơn Trung Quốc hiện tại – chắc chắn sẽ đẩy Canbơrơ đến cộng tác chặt chẽ với Oasinhtơn để kìm hãm Trung Quốc. Nói tóm lại, có những hạn chế nghiêm trọng đối với vấn đề vị trí địa lý có thể che chở cho Ôxtrâylia nhiều đến mức nào khỏi một Trung Quốc bành trướng. 


Bức tranh tôi vừa mô tả cho quí vị thấy trong buổi tối hôm nay về những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng như hiện nay quả thật không phải là bức tranh đẹp. Mà thực ra, đó là bức tranh u ám đáng buồn. Tôi những ước gì mình có thể trình bày được một câu chuyện lạc quan hơn về những triển vọng cho hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng thực tế, hoạt động chính trị thế giới là một công việc xấu xa và nguy hiểm và không một mảy may thiện chí nào có thể cải thiện được tình trạng cạnh tranh gay gắt về an ninh bắt đầu khi một quốc gia bá chủ đầy khát vọng xuất hiện ở lục địa Âu-Á. Và gần như chắc chắn rằng có một quốc gia bá chủ như thế đang lấp ló ở phía chân trời. 

 


Xin cám ơn tất cả quí vị./.

 

Nguồn tổng hợp từ : The University of Sedney; TTXVN

Đọc bản gốc
tại đây