PDF file

  

 

 Đây là bản thảo, đề nghị không trích dẫn.

Nhiều bài viết về tình hình tranh chấp biển Đông hiện nay tập trung vào khía cạnh luật pháp, hay các vấn đề tài nguyên, hay ảnh hưởng của tranh chấp đối với mối quan hệ nội bộ ASEAN hoặc giữa thành viên ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, bài viết này sẽ tập trung vào khía cạnh mang tính biểu tượng của tranh chấp đảo này đối với Trung Quốc và Mỹ, nước không đưa ra yêu sách, nhưng dường như ngày càng dính líu nhiều hơn vào quá trình tranh chấp và các cuộc thảo luận về giải pháp cuối cùng có thể có. Điều này một phần là do cách người Mỹ nói chung và Hải quân Hoa Kỳ nói riêng nhìn nhận về khái niệm tự do trên biển. Đó không ‘chỉ’ đơn thuần là vấn đề pháp lý. Nhiều hơn, đó còn là vấn đề liên quan đến triết lý và văn hóa, và có sự khác biệt đáng kể với quan điểm của Trung Quốc về những vấn đề như vậy. Cuối bài viết là một số suy đoán ngắn gọn về hệ lụy của điều này đối với tranh chấp và các nước có liên quan.

Các đảo: Tại sao chúng quan trọng

Nhìn bề ngoài, sự quan tâm đến quyền sở hữu một nhóm đảo nhỏ, bãi san hô và bãi cát ngầm chưa tương xứng với giá trị nội tại của chúng. Dù vậy, các tranh chấp về quyền sở hữu các đảo trên khắp thế giới có lẽ thực sự gây ra sự phấn khích và sức nóng không cân xứng, đôi khi (như trường hợp quần đảo Falkland) để lại những hậu họa chết người. Có thể có bốn lí do chính giải thích cho điều này, nhưng bài viết này sẽ chỉ tập trung vào lí do cuối.

1: Sự không rõ ràng và bất đồng về pháp lý

Pháp và vương quốc Anh không có tranh chấp về quyền sở hữu đối với quần đảo Channel bởi vì cả 2 bên đều thừa nhận rằng Hiệp ước Kingston 1217 đã giải quyết vấn đề một cách hiệu quả mặc dù sau đó có một số thay đổi. Điều thú vị ở đây là cho tới nay vẫn còn một bất đồng ở mức độ nhẹ về phạm vi vùng biển mà các quần đảo này tạo ra, bởi vì trước đây vấn đề này không được làm rõ ràng trong hiệp ước nói trên. Một điểm khá rõ ràng nhưng cũng đáng nêu lên đó là các tranh chấp đảo chỉ xảy ra khi không có thỏa thuận về lịch sử và/hoặc quy chế pháp lý của chúng và cả hai bên đều tích cực tìm cách giải quyết vấn đề theo hướng có lợi cho mình. Chỉ khi đó thì các bất đồng mới trở thành các tranh chấp. Tuy nhiên, điều này không đúng khi áp dụng ví dụ như trong trường hợp Nam Cực.

2: Tài nguyên

Một trong các lí do chính làm cho vấn đề tranh chấp quyền sở hữu các đảo và vùng biển của Biển Đông trở nên khó khăn là tiềm năng về nguồn cá và năng lượng. Cả thế giới đang tham gia vào công cuộc đầy bất an là tìm kiếm nguồn lương thực và năng lượng cho tương lai mà có thể được tìm thấy trong hoặc dưới các vùng biển của biển Đông. Ước tính về nguồn tài nguyên có thể tìm được này rất khác nhau, tuy nhiên ít nhất là cũng có một trữ lượng lớn. Các tài nguyên này, chẳng hạn như dầu và khí đốt thực sự có trong biển ở một mức độ nào đó mà người ta tin là có đang ngày càng quan trọng về mặt kinh tế. Nghịch lý thay, việc thiếu các thỏa thuận về quyền sở hữu khiến cho quá trình khai thác hợp lý nguồn tài nguyên mà các vùng biển và quần đảo đem lại trở nên khó khăn.

3: Niềm tự hào và Danh dự Quốc gia

Quyền tài phán đối với các quần đảo là vấn đề đặc biệt nhạy cảm bởi vì nó tượng trưng cho uy quyền và danh tiếng của các nước có yêu sách, cả trong nước và quốc tế. Bởi vì các quần đảo này thường cách xa các trung tâm chính quyền, nên chúng được xem như là ‘chỉ số đánh giá kết quả’ chung về năng lực điều hành hiệu quả của một chính quyền. Đây là lý do tại sao tranh chấp về quần đảo Falkland rất quan trọng đối với chính phủ Argentina và vương quốc Anh; những gì đã đe dọa tới 2 bên không chỉ đơn giản là vấn đề quyền tài phán đối với hòn đảo xa xôi mà còn là danh tiếng, thậm chí là sự tồn vong của hai chính quyền đang xung đột với nhau. Một phần là bởi vì trong thời đại truyền thông hiện đại, quần chúng không thể bị đứng ngoài các vấn đề phức tạp như thế - và họ thường có xu hướng dân tộc chủ nghĩa nhiều hơn, ngay cả khi họ được cung cấp thông tin ít hơn chính phủ của mình. Điều này cũng giống trong trường hợp liên quan đến vụ tranh chấp về cụm đảo Senkaku/Điếu Ngư và Takeshima/Tokdo.

Niềm tự hào và danh dự có thể không liên quan nhiều đến tình trạng pháp lý của các đảo, đến giá trị của các nguồn tài nguyên mà các đảo này đem lại hay thậm chí là giá trị chiến lược của chúng. Một trong những lý do tại sao Argentina xâm chiếm quần đảo Falkland là cảm giác dễ hiểu và quả thật là chính xác rằng phần lớn lập luận của phía Anh về cơ bản đã kết luận rằng quần đảo Falkland không đáng phải bận tâm và vì thế họ không nên tìm cách chiếm lại. Điều trớ trêu là, chiến dịch Rosario của Argentina đã làm thay đổi mọi thứ. Việc chiếm lại quần đảo, thậm chí ngay cả khi chưa biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, đã trở thành một nhu cầu chiến lược đối với Anh, chỉ đơn giản bởi vì có người đã cướp tay trên hòn đảo của họ. Rõ ràng là những động thái quân sự đã dẫn đến hậu quả này.

4: Tầm quan trọng chiến lược

Các đảo có thể mang ý nghĩa chiến lược. Ví dụ trong chiến dịch quần đảo Falkland, đảo Ascension chứng tỏ tầm chiến lược quan trọng với vai trò là một căn cứ giữa đường có nhiệm vụ dự trữ, tiếp nhiên liệu, và tái tổ chức các lực lượng quân đội Anh. Tuy nhiên, các quần đảo có thể trở thành một nghĩa vụ chiến lược bởi vì nếu quyền sở hữu chúng bị thách thức thì chúng phải được bảo vệ bằng các nguồn lực quân sự có thể triển khai tốt hơn ở nơi khác và chúng có thể đẩy các chính phủ vào các ràng buộc chiến lược mà họ muốn tránh. Ngay cả khi gần với các đường giao thông biển quan trọng, giá trị chiến lược của các đảo ở biển Đông không rõ ràng do chúng chỉ là các đảo nhỏ và trên thật tế, nhiều vùng trong khu vực biển này đã được các nhà hàng hải cho là ‘vùng nguy hiểm’. Điều thú vị ở đây là các quần đảo này từng đóng một vai trò chiến lược không đáng kể trong cả hai cuộc chiến tranh lớn nhất diễn ra ở khu vực này trong thế kỉ trước – Thế chiến thứ 2 và chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng việc Hải quân Trung Quốc đầu tư xây dựng căn cứ mới tại Tam Á trên đảo Hải Nam đánh dấu tầm quan trọng mang tính chiến lược tại khu vực này bởi vì căn cứ này tăng tính phòng thủ cho lực lượng quân sự triển khai lên phía Bắc.

Tuy nhiên, ước tính giá trị chiến lược của bất cứ vấn đề gì, bao gồm của cả các đảo, chủ yếu là liên quan đến cái gọi là ‘văn hóa chiến lược’ trong nhận thức và tập quán lịch sử hơn là thực tế khách quan. Khía cạnh có tính chất tượng trưng của tranh chấp biển Đông và sự can thiệp ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ xứng đáng được chú ý nhiều hơn so với những gì vấn đề biển Đông được quan tâm cho đến nay.

Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã nhiều lần tuyên bố quốc gia này không có lập trường về quyền sở hữu các đảo ở biển Đông, và họ mong muốn vấn đề được giải quyết một cách hoà bình và cả tranh chấp hay biện pháp giải quyết tranh chấp cũng không được vi phạm nguyên tắc về tự do hàng hải trong khu vực. Trước đây, vấn đề này cũng chưa được quan tâm đầy đủ.

Vấn đề này không chỉ đơn giản là việc tái khẳng định mang tính khuôn mẫu về sự tin tưởng lâu nay về viêc các thương gia buôn bán và vận chuyển hàng bằng đường biển hợp pháp cần được phép di chuyển trên các đại dương trên thế giới mà không gặp phải bất cứ sự can thiệp nào; mà đây còn là vấn đề cốt lõi với chính nước Mỹ với tư cách là một quốc gia, và là trọng tâm trọng điểm của Hải quân Mỹ. Trước đây, sự bảo vệ và tuân thủ nguyên tắc trên chính là lý do Mỹ tuyên chiến với Anh năm 1812 để bảo vệ những lợi ích của mình và đó cũng là lí do để Mỹ quyết định tham gia vào thế chiến thứ I và đứng về phía Anh năm 1917.

Điểm nổi bật của vấn đề quan trọng này trở nên rõ ràng hơn khi người ta tìm thấy những thông tin ở một trong số các ấn phẩm mang tính học thuyết gần đây nhất của Hải quân Mỹ mang tên Naval Operations Concept 2010 –NOC 2010.[1] (tạm dịch là Khái niệm Hoạt động Hải quân 2010). Ấn phẩm ngắn và chưa được phân loại đó có tiêu đề ‘Thực hiện Chiến lược Biển’ và dự kiến nối tiếp ấn phẩm ‘Chiến lược Hợp tác vì Sức mạnh Biển thế kỉ 21’ xuất bản vào tháng 10 năm 2007.[2]

Tiêu chuẩn và quan điểm chung của Mỹ về tự do biển là rõ ràng theo tuyên bố ngắn gọn sau:

Việc lưu chuyển các nguồn năng lượng, nhu yếu phẩm và hàng hóa  lâu bền bằng đường biển mà không bị cản trở là nền tảng của hệ thống kinh tế toàn cầu, đồng thời là nền tảng của sự thịnh vượng của mỗi quốc gia trong một chừng mực đáng kể[3].

Các mối đe dọa đối với việc lưu chuyển hàng hóa tự do mà hòa bình và sự thịnh vượng của thế giới được xem như là phụ thuộc vào thường xuất phát từ hàng loạt các mối đe dọa từ tội phạm hàng hải, các rối loạn ở một đầu tới các cuộc xung đột giữa các nước ở đầu kia.

Khó khăn đối với một số quốc gia xuất hiện khi chúng ta đi từ các tuyên bố rộng lớn về mục tiêu của Mỹ sang cuộc thảo luận tập trung về phương tiện, mặc dù vấn đề đầu tiên là khái niệm quan hệ đối tác hàng hải của các bên quan tâm chỉ thu hút tương đối ít các bình luận trái chiều.

Hợp tác Hàng hải Đa quốc gia

Bởi vì đại dương trên thế giới (sử dụng theo thuật ngữ của Nga) có ý nghĩa rất rộng, việc bảo vệ ‘những của chung’ khỏi các mối đe dọa như vậy đòi hỏi sự hợp tác của các lực lượng biển [cả lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển] trên khắp thế giới:

An ninh biển toàn cầu chỉ có thể đạt được thông qua việc thống nhất hợp tác, nhận thức và các sáng kiến hưởng ứng trong phạm vi quốc gia và khu vực.[4]

Sự nhấn mạnh về một mối quan hệ đối tác hàng hải toàn cầu bao gồm tất cả các nước là chủ đề chính của CS21 và nhìn chung được hoan nghênh trên toàn thế giới. Đô đốc Mike Mullen cũng đưa ra quan điểm hợp tác tương tự như vậy năm 2005.

Ngày nay, thực tế là các thỏa thuận và mô hình an ninh trong quá khứ hiện không còn đủ cho tương lai. Và các thách thức ngày nay quá đa dạng để có thể giải quyết một cách riêng lẻ; chúng đòi hỏi phải có khả năng và nhiều nguồn lực hơn bất cứ một quốc gia đơn lẻ nào có thể có được.[5]

Theo CS21, ‘sự tin cậy và hợp tác không thể bị thúc ép’. Chúng phải được xây dựng và duy trì qua thời gian, thông qua tăng cường nhận thức giữa các lực lượng biển Hoa Kỳ và thúc đẩy mối các quan hệ đối tác quốc tế. Tài liệu này thảo luận về ngoại giao hải quân, theo đó tập trung vào xây dựng liên minh, với sáng kiến Đối tác Biển Toàn cầu – được xem là biểu hiện quan trọng nhất cuả ngoại giao hải quân.[6] Điều này trở thành một trong sáu nhiệm vụ chiến lược của Hải quân, đồng thời cũng rất quan trọng đối với hai trong số sáu khả năng nòng cốt của nhiệm vụ chiến lược, cụ thể là An ninh Hàng hải, Hỗ trợ nhân đạo và Đối phó Thiên tai. Điều đáng chú ý là nếu một quốc gia do dự khi tham gia vào các biện pháp phòng vệ hệ thống tập thể, đa phương như vậy có thể dễ bị Washington hiểu sai hay suy diễn quá mức.

Nhận thức về lĩnh vực biển

Nhận thức tương tự về mức độ lớn của nhiệm vụ này tăng sự cần thiết phải có năng lực giám sát diễn biến trên khắp các đại dương càng chặt chẽ càng tốt,  bởi vì điều này sẽ tạo điều kiện cho các phản ứng chủ động  và hiệu quả về mặt chi phí đối với các mối đe dọa đang nổi lên. Theo đó,

Một sáng kiến mang tính hợp tác chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu là nỗ lực tăng cường nhận thức cấp quốc gia và quốc tế về lĩnh vực biển (MDA)… sự hiểu biết đúng đắn về bất cứ vấn đề gì liên quan đến lĩnh vực biển có thể gây tác động tới an ninh, an toàn, kinh tế, hay môi trường của một quốc gia.[7]

Do đó, Mỹ nhấn mạnh tất cả các khía cạnh giám sát biển đã dẫn tới các khó khăn như sự việc tàu USS Impeccable năm ngoái.[8]

Sự hiện diện sớm

Với điều này, chúng ta sẽ đi vào trọng tâm vấn đề mà Hải quân Mỹ thực sự xem là khía cạnh cần thiết của khái niệm về tự do biển:

Hải quân sử dụng biển như không gian hoạt động. Sự linh hoạt và tính cơ động tạo thành những thuộc tính hoạt động cơ bản của hải quân. [9]

Khả năng đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì, phù hợp với luật quốc tế, trong phạm vi khả năng là những gì mà Mỹ tin rằng lực lượng hải quân có thể thực hiện được. Sự tự do hoạt động, tính linh hoạt và khả năng thích nghi này là những thuận lợi chính của lực lượng hải quân Mỹ so với lực lượng không quân và lục quân, nhưng điều này lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự do biển cả không bị ngăn cản. Nó cho phép ‘những hoạt động trên biển’ như:

…triển khai, tập hợp, chỉ huy, lên kế hoạch, tái tổ chức và tái triển khai các lực lượng chung từ biển mà không cần dựa vào các căn cứ trên đất liền trong phạm vi hoạt động.[10]

Đại dương trên thế giới với tư cách là không gian hoạt động lớn nhất của thế giới tạo điều kiện triệt để cho sự hiện diện sớm của lực lượng hải quân mà được xem như là giúp định hình môi trường chiến lược một cách chủ động:

Sự kết hợp của các lực lượng được triển khai luân phiên và đóng quân sớm là một cách thích nghi duy nhất để duy trì sự hiện diện của quân đội trên toàn cầu trong khi vẫn tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác.[11]

Hình thức hiện diện sớm của quân đội phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng khu vực cụ thể. “Các lực lượng được phân bổ khắp nơi trên toàn cầu, và phân công theo nhiệm vụ” được lập ra để đương đầu với một loạt các sứ mệnh ở mức độ thấp hơn mà ‘thúc đấy sự ổn định, ngăn chặn khủng hoảng và chống khủng bố’. Mặt khác, “sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy tập trung theo khu vực” cần thiết cho ‘các nhiệm vụ khó khăn hơn là bảo vệ các lợi ích sống còn của nước Mỹ; làm an lòng các bạn bè;… và răn đe, khuyên can, và nếu cần thiết, đánh bại các đối thủ tiềm năng.’[12]

Trong trường hợp sau và chỉ trong trường hợp sau, yêu cầu về kiểm soát biển trở nên có hiệu quả:

Khả năng thiết lập kiểm soát biển cục bộ và khu vực của lực lượng hải quân Mỹ là vấn đề cơ bản để khai thác tiềm năng biển như không gian hoạt động, bảo vệ các đường giao thông biển trọng yếu, đồng thời triển khai và duy trì sức mạnh chiến đấu ở nước ngoài.[13]

Tự do trên biển rõ ràng là vấn đề hết sức quan trọng đối với nhận thức về khái niệm sức mạnh biển và mục đích của hải quân. Do đó, hải quân Mỹ có độ nhạy cảm chính xác đối với bất cứ điều gì mà có thể hạn chế quyền tự do đó, cho dù điều đó xuất phát từ việc diễn giải không được hoan nghênh luật biển quốc tế, [14] hay sự xuất hiện của môi trường không cho phép về mặt chính trị, hay từ loại hình chiến lược chống tiếp cận, từ chối quyền tiếp cận khu vực (A2AD) mà Hải quân Trung Quốc PLA[N] được cho là đang chuẩn bị.[15] 

Tầm quan trọng của khái niệm này trong tư duy của hải quân Mỹ giải thích lí do tại sao trước đây người Mỹ từng tham gia vào hoạt động tự do hàng hải ‘với thái độ’ trong quá khứ, chẳng hạn như các cuộc tuần du trên biển vịnh Sirte giữa những năm 1980 và vụ việc va chạm liên quan đến việc tàu USS Caron và một tàu chiến của Liên Xô tại biển Đen vào năm 1988.[16]

Bởi vì có rất nhiều các tuyên bố chi tiết như vậy trong tư duy của hải quân Mỹ, người ta rất dễ dàng hiểu được quan niệm của họ về sức mạnh biển. Điều này trở nên khó khăn hơn, như trong trường hợp của Hải quân Trung Quốc, khi không có sẵn tư duy học thuyết đó và khi mà những gì Trung Quốc nghĩ về các vấn đề đó chỉ có thể suy ra được từ chính hành động của họ, hay thực sự từ các quan điểm của các nhà bình luận không chính thức của hải quân Trung Quốc đang ngày càng có ảnh hưởng, trong đó một số tuyên bố của các nhà bình luận này dường như là khác biệt, và đôi khi còn gay gắt với các quan niệm về sức mạnh biển của Mỹ.[17] Trong khi người Mỹ có xu hướng nghĩ ‘đại dương thế giới’ theo thuật ngữ toàn cầu – nhạy cảm một cách chính xác đối với cách thức mà theo đó một tiền lệ đã được lập nên ở một khu vực có thể áp dụng được ở nơi khác, thì người Trung Quốc dường như lại có quan điểm mang tính chất địa phương hơn, nhất là tự cho mình bị bao quanh bởi các thế lực nước ngoài trong vùng biển khu vực.[18]

Giọng điệu gay gắt trong phản ứng phía Trung Quốc đối với sự dự định xuất hiện nhưng sau đó đã bị hủy bỏ của tàu sân bay Mỹ George Washington đã được lên kế hoạch rồi lại hủy trong một cuộc diễn tập với hải quân Hàn Quốc ở vùng biển Hoàng Hải và các bài xã luận sau đó của tờ Global Times, phiên bản tiếng Anh của tờ Nhân dân Nhật báo là những minh chứng về quan điểm trên. Các bài xã luận viết rằng:

Không còn nghi ngờ gì nữa Trung Quốc cần xây dựng khả năng chống tàu sân bay với độ tin cậy cao… Trung Quốc không chỉ cần tên lửa đạn đạo chống tàu, mà còn cần các phương pháp khác để tiêu diệt tàu sân bay… Bởi vì các nhóm chiến đấu hàng không mẫu hạm của Mỹ ở Thái Bình Dương tập tạo thành một cản trở đối với các lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc phải có khả năng đối trọng.[19]

Những bình luận như vậy khiến cho người Mỹ có mối nghi ngờ rằng Trung Quốc bằng cách kết hợp các sáng kiến về công nghệ, ngoại giao và pháp lý đang tìm cách để thiết lập một loại học thuyết Monroe cho Biển Hoa Đông và biển Đông, một đề xuất chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải đưa ra phản ứng tiêu cực, một phần bởi vì phạm vi các lợi ích trên biển của nước này ở Đông Á và một phần bởi vì chính tác động có thể có của sự việc này ở các nơi khác.

Trở lại với vấn đề về các đảo, và những gì chúng ta có thể nói cho đến nay, Trung Quốc coi tranh chấp biển Đông là một vấn đề nội bộ mà những thế lực bên ngoài, đặc biệt là những ai thừa nhận không có yêu sách gì đối với khu vực này không có việc gì để can dự vào tranh chấp này và chỉ tổ làm phức tạp vấn đề hơn. Nhưng điều chú ý ở đây là trong mối quan tâm về vấn đề tự do biển cả của mình, Mỹ cảm thấy họ có một rủi ro lớn trong vấn đề này, xét đến các sự kiện như việc tấn công tàu USNS Impeccable. Điều này xuất phát từ quanniệm hoàn toàn khác của Trung Quốc về mức độ tự do biển cả được mở rộng sang khu vực ven biển.

Như Tổng tham mưu các chiến dịch hải quân của Hoa kỳ nhận xét:

Tôi không chắc rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ thống nhất về luật áp dụng cho vùng đặc quyền kinh tế (VĐQKT). Chúng tôi diễn giải luật này để cho phép chúng tôi tiến hành các hoạt động giám sát quân sự trong phạm vi VĐQKT, còn Trung Quốc cho rằng luật này là để khẳng định VĐQKT này mang tính đặc quyền hơn tất thảy. Tôi nghĩ… rằng chúng tôi có bất đồng trong cách hiểu về luật này.[20]

Có thể là việc tái khẳng định gần đây của bà Hillary Clinton về ‘lợi ích quốc gia’ của Mỹ trong khu vực này là hậu quả trực tiếp của vụ Impeccable làm cho ‘sự can thiệp’ của Mỹ ở Biển Đông dường như có nhiều khả năng hơn, chứ không phải là giảm đi.[21] 

Kết quả của những nhận thức khác biệt đó có thể là một sự đánh giá thấp quan trọng về rủi ro mà bên này hay bên kia, hoặc có thể là cả 2 bên trong quá trình giải quyết tranh chấp biển Đông. Nó cũng có thể dẫn đến những căng thẳng không mong muốn trong việc tiến hành các hoạt động thương mại hàng hải bình thường ở những nơi khác. Khi gộp thêm việc này với một loạt các căng thẳng khác giữa hai nước như bán vũ khí cho Đài Loan, những người đoạt giải Nobel hòa bình, nhân quyền và giá trị đồng nhân dân tệ, các khoáng sản hiếm trên trái đất, kế hoạch tập trận quân sự c của tàu USS George Washington ở biển Hoàng Hải và v.v. sự cần thiết phải có một hiểu biết chung, gần gũi hơn chứ không phải là cách biệt hơn trở nên rõ ràng.[22] Trong bối cảnh này, rất dễ dàng để thấy vấn đề biển Đông trở nên xấu đi như thế nào.

Kết luận: Những vấn đề khi ”những chú voi” khiêu vũ?

Về cơ bản, tranh chấp biển Đông là vấn đề về quy chế lịch sử và pháp lý của các đảo và vùng biển ở khu vực này. Nhưng đối với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ còn liên quan đến các vấn đề lớn hơn. Trên thực tế, điều này làm phức tạp và thậm chí là còn đẩy xa thêm vấn đề đã vốn khó khăn, phức tạp và có thể khiến cho một giải pháp cho tranh chấp dường như không phải là triển vọng khả thi hàng đầu; điều này còn khiến cho vấn đề trở nên khó quản lý hơn và do đó làm trầm trọng thêm các căng thẳng ở khu vực. Rõ ràng là không quốc gia nào trong khu vực mong muốn căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc mà buộc họ phải chọn một trong hai, và mối quan hệ càng trở nên xấu đi thì điều này càng có khả năng xảy ra.

Mặt khác, một số nước ở khu vực có thể sẽ thấy một sự hiện diện tích cực hơn của Mỹ trong tranh chấp như một đối trọng được chờ đợi đối với một Trung Quốc đang càng quyết đoán hơn.[23] Dù cách này hay cách kia, rõ ràng là không có lý gì lại ủng hộ việc mở rộng các vấn đề chiến lược lớn hơn này mà nảy sinh dù người ta có thích hay không. Thay vào đó, sẽ là khôn ngoan nếu tất cả các bên có liên quan tránh các hành động leo thang phản tác dụng đối với tình hình vốn đã căng thẳng và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hiểu các quan điểm hay hiểu nước khác và kiên nhẫn giải thích rõ ràng các quan điểm của mình một cách minh bạch nhất có thể.

GS. Geoffrey Till, Chương trình an ninh biển, RSIS, Singapore

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây



[1] Tướng James T. Conway, Chỉ huy thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Gary Roughead, Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ và Thad W. Allen, Chỉ huy cảnh sát biển Hoa Kỳ, Naval Operations Concept 2010. (Washington: Department of the Navy, tháng 7 năm 2010) – sau đậy gọi là NOC2010

[2] Tướng James T Conway , Chỉ huy thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Gary Roughead [Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ] và Thad W.Allen, Chỉ huy cảnh sát biển Hoa Kỳ. ‘A Cooperative Strategy for 21st Century Seapower’ [Chiến lược hợp tác vì sức mạnh biển thế kỉ 21]  [sau đây gọi là CS21]  (Washington: Department of the Navy, tháng 10 năm 2007.)

[3] NOC21010, trang 52. nhấn mạnh của tác giả.

[4] NOC2010, sđd, trang 36

[5] Đô đốc Mike Mullen, trong John B. Hattendorf, Seventeenth Annual Seapower Symposium: Report of Proceedings [Hội thảo sức mạnh biển hàng năm lần thứ 17: Bản báo cảo về các vụ kiện], [Newport: Naval war College Press, 2005], trang 5.  

[6] Christopher J Castelli, ‘New Maritime Strategy Would emphasize Soft and Hard Power’ [Chiến lược biển mới sẽ tập trung vào sức mạnh mềm và sức mạnh cứng], Inside the Nany, 18/06/2007; phó chỉ huy John G Morgan và  thiếu tướng hải quân Charles W Martoglio, ‘The 1,000-ship Navy Global Maritime Network’ [Hải quân 1000 tàu Các vụ kiện của mạng lưới biển toàn cầu], Proceedings  of the U.S. Naval Institute, tháng 11 năm 2005

[7] NOC2010, trang 15

[8] Michael Perkinson, ‘Collision Course: China and US make waves in South China Sea’ [Quá trình xung đột: Trung Quốc và Mỹ tạo sóng ở biển Đông], Jane Intelligence Review, tháng 5, 2009. ‘China navy criticizes dispatch of US destroyers: state media’ [Hải quân Trung Quốc chỉ trích những kẻ phá hoại của Mỹ: truyền thông quốc gia] báo cáo của AFP qua địa chỉ http://www.spacewar.com/reports 16/03/2009.

[9] NOC2010, trang 14.

[10] NOC2010, trang 21

[11] NOC2010, trang 29

[12] NOC2010, trang 32

[13] NOC2010, trang 57

[14] Để xem một tuyên bố mạnh mẽ về lập trường của Mỹ về vấn đề này đối với sự kiện USNS Impeccable, xem James Kraska, ‘Sovereignty at sea’ [Chủ quyền trên biển] Survival, tập 51, số 3, tháng 6-tháng 7 năm 2009, trang13-18.

[15] Office of the Secretary of Defense, Military Power of the People’s Republic of China [Sức mạnh quân sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa], năm 2009 (Washington D.C.: Bộ quốc phòng, 2009)  trang 20-24. Xem bài viết của Andrew S Erickson và David D Yang, Using the Land to Control the Sea ? Chinese Analysts Consider the Antiship Ballistic Missile [Sử dụng đất liền để kiểm soát biển? Các nhà phân tích Trung Quốc xem xét các tên lửa đạn đạo chống  tàu], US Naval War College Review, mùa thu năm 2009, trang 37-86. Bài viết thảo thuận về tầm quan trọng của các loại giấy tờ được đưa ra trước sự việc này bởi trường đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc. Eric Hagt và Mathew Durnin, China’s Anti-ship Ballistic Missiles [Tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc], US Naval War College Review, mùa thu năm 2009, trang 87-115.  trang 91.

[16] Sau này được giải quyết bởi thỏa thuận Liên Xô –Mỹ, được ký kết vào ngày 23 tháng 9 năm 1989 ở Jackson Hole, Wyoming nơi mà Xô Viết đồng ý về việc tàu chiến nước ngoài có quyền đến vùng biển nước ngoài trong phạm vi ‘qua lại vô hại và đổi lại, Mỹ đã thực hiện việc không tham gia nhiều vào các chuyến tuần du hàng hải tự do như thế. Điểm tranh cãi trong trường hợp này là  quyền của nước ngoài di chuyển trong lãnh hải chứ không phải là đặc khu kinh tế.

[17] Để biết thêm về quan điểm xác thực của một tác giả người Mỹ về tác động của văn hóa chiến lược lên tư duy của người Trung Quốc, xem Toshi Yoshihara và James R Holmes, Red Star Over the Pacific: China’s Rise and the Challenge to US Maritime Strategy [Ngôi sao đỏ ở Thái Bình Dương:  Sự vươn lên của Trung Quốc và các thách thức đối với chiến lược biển của Mỹ] (Annapolis: ấn phẩm của Học viện Hàng Hải, 2010) trang14-43, 154- 162.

[18] Nt, trang 109-110 về nhận thức mối đe dọa Aegis

[19] Các phóng viên của AFP ở Bắc Kinh, 7 tháng 9 năm 2010, ‘China Needs ‘carrier-killer missile: press’ [Trung Quốc cần tên lửa đạn đạo tiêu diệt  tàu sân bay], trích trong Global Times ngày 6 tháng 9 năm 2010. 

[20] Đô đốc Gary Roughead, phỏng vấn, Defense News 4 tháng 5 năm 2009.

[21] Brantly Womack, ‘Vietnam: Friend Yes, ally No’ Defense News 27 tháng 9 năm 2010.

[22] ‘Washington adds China to Clinton’s Asia-Pacific Tour’ [Washington bổ sung Trung Quốc vào chuyến thăm châu Á Thái Bình Dương của Clinton], Global Times, ngày 28 tháng 10 năm 2010.

[23] Điều này dường như là bao hàm cả Việt Nam. Sự xuất hiện của tàu USS John S McCain ở Đà Nẵng theo sau một từ chối của Trung Quốc về những phàn nàn của Việt Nam về các cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. ‘Vietnam and U.S. Edge Closer, Thanks to China’ [Việt Nam và Mỹ gần nhau hơn nhờ Trung Quốc], Defense News 16 tháng 8 năm 2010.