Chuyên gia bình luận quốc tế Greg Sheridan

Trước những động thái gây hấn đơn phương ngày càng gia tăng của Trung Quốc, các nước cần phải hành động để khép Bắc Kinh vào những lề luật và tập quán quốc tế. Phải chăng năm nay là năm mà giới lãnh đạo Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ đã quyết định không tuân thủ những tiêu chí thông thường của thế giới mà chỉ đơn thuần sử dụng vũ lực để đạt được những gì mình muốn? 


Đó là một kết luận hơi quá đà, nhưng chắc chắn đây là một năm mà Bắc Kinh đã thể hiện những hành vi thô bạo, một phong cách ứng xử ngang ngược mà dư luận cần phải theo dõi sát sao. Có hai ví dụ điển hình cho phong cách ứng xử này là trường hợp của Stern Hu và Chiêm Kỳ Hùng. 


Stern Hu nguyên là Trưởng đại diện của tập đoàn khai mỏ Rio Tinto (Ôxtrâylia) tại Thượng Hải và là nhân vật số 2 của tập đoàn này tại Trung Quốc. Stern Hu có trách nhiệm thương lượng về giá cả quặng sắt với khách hàng là các công ty luyện kim của Trung Quốc cũng như tiến hành tiếp thị quặng sắt. Ông này bị nhà chức trách Trung Quốc bắt vào tháng 7/2009 về tội làm gián điệp thương mại và đầu năm nay bị kết án 10 năm tù vì tội hối lộ. 


Trong khi đó, Chiêm Kỳ Hùng là thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc, nhân vật trung tâm trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Tôkyô và Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Do đánh bắt cá tại vùng biển gần quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát, Chiêm Kỳ Hùng đã điều khiển tàu đâm thẳng vào tàu chiến Nhật khi bị truy đuổi nên đã bị phía Nhật Bản bắt giữ và sau đó được phóng thích. 


Về trường hợp của Stern Hu, nhà bình luận Sheridan viết: "Chúng ta không bao giờ biết Stern Hu có phạm tội hay không, chỉ biết rằng nạn hối lộ hoành hành tại Trung Quốc và ông ta là quan chức điều hành ngoại quốc duy nhất bị Chính quyền Trung Quốc điểm mặt theo lối này". 


Theo Sheridan thì gốc rễ của vấn đề là giá khoáng sản mà họ đặt ra với phía Trung Quốc và tham vọng mua phần lớn cổ phần của tập đoàn khai mỏ Rio Tinto. Vì giá quặng sắt quá cao và vì không mua được hãng Rio Tinto nên Bắc Kinh đã nhằm vào Stern Hu, một công dân Ôxtrâylia. 


Về trường hợp của Chiêm Kỳ Hùng, tác giả viết: "Bây giờ hãy xem xét trường hợp của Chiêm Kỳ Hùng. Anh ta là thuyền trưởng một tàu đánh cá. Anh ta hành nghề tại quần đảo Senkaku thuộc vùng biển Hoa Đông. Nhật Bản xem những hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và thực thi sự điều hành bình thường tại đó. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền trên những hòn đảo này, cũng giống như đã đòi hỏi một vùng biển rộng lớn ở khu vực Tây Bắc và Đông Nam Á. 


Tàu tuần duyên Nhật Bản tiến lại tàu đánh cá của Chiêm Kỳ Hùng. Hãy xem, trên khắp thế giới, nếu một người đánh cá bất hợp pháp gặp tình huống này thì sẽ hành xử như thế nào? Thông thường họ sẽ bỏ chạy. 


Nhưng trong trường hợp của Chiêm Kỳ Hùng, Hải quân Nhật Bản cho biết anh ta đã đâm vào thuyền chiến của Nhật. Hành động này tương tự với hành động của quân cướp biển và chắc chắn là một tội phạm hình sự. 


Chiêm Kỳ Hùng bị lực lượng chức năng của Nhật Bản bắt giữ. Anh ta không bị buộc tội xâm phạm hải phận Nhật Bản nhưng bị buộc tội đâm vào tàu Nhật. Theo nhiều chuyên gia phân tích thì chính Chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cho các ngư phủ của mình hành động như vậy để thăm dò phản ứng của Nhật Bản.


So sánh phản ứng của Trung Quốc với vụ bắt giữ Chiêm Kỳ Hùng và phản ứng của Ôxtrâylia với vụ bắt giữ Stern Hu sẽ nói lên nhiều điều. Không một nhân vật quan trọng nào tại Trung Quốc lên tiếng yêu cầu Nhật Bản hãy minh bạch hoá các tiến trình xét xử theo luật pháp của mình. Thay vào đó, Bắc Kinh đã hành xử một cách tàn nhẫn nhưng rất hiệu quả. Trung Quốc đã huỷ bỏ các cuộc họp cấp cao với Nhật Bản, trong đó có cuộc hội đàm giữa hai thủ tướng. Các nhóm du khách Trung Quốc bị cấm thăm viếng Nhật Bản, trong khi bốn người Nhật ở Trung Quốc bị bắt với một cáo buộc phi lý là chụp hình căn cứ quân sự Trung Quốc. Chính quyền và giới truyền thông Trung Quốc thực hiện một cao trào đả kích Nhật Bản. Có tin nói Trung Quốc còn muốn cấm xuất khẩu sang Nhật Bản đất hiếm, một nguyên liệu quan trọng để sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao. Tuy nhiên, cuối cùng đề nghị này đã bị gác lại. 


Cuối cùng, phía Nhật Bản đã nhượng bộ và phóng thích Chiêm Kỳ Hùng và đến lúc này Trung Quốc còn được thể lên nước, đòi Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường. Phản ứng giận giữ của công chúng đã buộc Chính phủ Nhật Bản bác bỏ đòi hỏi này. 


Theo đánh giá, trường hợp của Chiêm Kỳ Hùng cần được xem xét trong bối cảnh ba sự kiện khác trong năm nay, theo đó thì Trung Quốc đã "miệt thị những quy tắc hành xử lâu đời của thế giới". 


Thứ nhất là vụ đánh đắm tuần dương hạm Cheonan của Hàn Quốc, các chuyên gia hàng đầu của nhiều nước khẳng định thủ phạm là Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ. Tác giả cho rằng sở dĩ Trung Quốc có động thái này là vẫn muốn đầu tư vào chế độ Stalinist tại Bắc Triều Tiên. 


Thứ hai là vụ tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải ngay sau khi xảy ra vụ Cheonan. Trung Quốc đã đòi hỏi một cách vô lý rằng Mỹ phải đưa hàng không mẫu hạm của mình ra khỏi vùng biển này vì sẽ gây "va chạm" với tàu thuyền Trung Quốc. Hành động trên hàm ý Bắc Kinh có thể quyết định nơi mà các tàu thuyền quốc tế có thể qua lại, thậm chí cả những vùng biển quốc tế mà không có nước nào tranh chấp chủ quyền. Vì Mỹ không muốn sao lãng mối quan tâm của mình với Bắc Triều Tiên, nên đã chuyển cuộc tập trận đến bờ Đông của bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố sẽ quay lại Hoàng Hải vào cuối năm nay. 


Thứ ba là khu vực Biển Đông. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Nhiều nước Đông Nam Á đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển kế cận mình. Chỉ cần nhìn lên bản đồ sẽ thấy ngay sự vô nghĩa lý trong đòi hỏi của Bắc Kinh, về sự xa cách của "Biển Đông  với lục địa Trung Hoa". 


Tại cuộc họp của ASEAN vào năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã giận dữ nói với các nước ASEAN rằng họ là nước nhỏ trong khi Trung Quốc là nước lớn, họ phải làm theo lời chỉ bảo của Trung Quốc. 


Tất cả những điều trên không chứng minh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tỏ thái độ hung hãn như vậy trong những năm tới, tuy nhiên chắc chắn là không ai có thể chứng minh là Bắc Kinh sẽ hành xử một cách ôn hoà trong tương lai. 

 

Theo tác giả, có ba cách đáp trả thận trọng thái độ hung hăng của Trung Quốc. Thứ nhất là buộc Trung Quốc phải khép mình vào các định chế đa phương để tuân thủ những quy chế hành xử và luật lệ. Thứ hai là từng quốc gia phải có giới hạn rõ ràng về quyền lợi của mình, không nên nhượng bộ trước những đòi hỏi quá quắt của Trung Quốc. Thứ bamọi quốc gia phải củng cố tiềm lực quân sự và liên kết để tạo một cán cân sức mạnh trong khu vực. Bằng cách đó, "những tính toán sai lầm về mối đe doạ Trung Quốc" có tính sinh tử sẽ được giảm thiểu. Nhưng mặt khác, sự thoả hiệp mang tính đầu hàng với Trung Quốc chắc chắn là phương sách tệ hại nhất cho mọi quốc gia./.

 

Nguồn: The Astralian; TTXVN

 Bài liên quan: Phản ứng ngược đối với Bắc Kinh