Tác giả Patrick Seale nhận định hai nước này dường như đang đi tới chỗ đoạn tuyệt với nhau. Mục tiêu của họ khác nhau và mối nghi kỵ giữa hai nước sâu sắc đến mức Pakixtan có thể tính nước thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Mỹ. Việc Mỹ đưa nhóm đặc nhiệm vào lãnh thổ Pakixtan để tiêu diệt Bin Laden mà không báo cho Pakixtan biết chắc chắn là giọt nước làm tràn ly khiến các nhà lãnh đạo nước này nổi giận. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ashfaq Kayani tuyên bố mọi hành động trong tương lai "xâm phạm chủ quyền của Pakixtan" sẽ buộc nước này phải xem xét lại toàn bộ sự hợp tác quân sự với Mỹ.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua, Thủ tướng Yousuf Raza Gilani không ngớt lời ca ngợi Trung Quốc mà ông coi là "nguồn cảm hứng cho người Pakixtan". Ngoài việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực (kinh tế, quân sự, hạt nhân dân sự…), Pakixtan mong muốn Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở Gwada thuộc tỉnh Baloutchistan (Tây-Nam) và duy trì sự có mặt thường xuyên ở đây. Thông báo này khiến nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a, chú ý. Ngoại trưởng Mỹ, bà Hilary Clinton, phải bay ngay sang Ixlamabát để thu xếp, nhưng dường như không đạt được nhiều kết quả. Cuộc tranh cãi xung quanh cái chết của Bin Laden thực tế chỉ là sự việc mới nhất trong chuỗi những hiểu lầm giữa hai bên.

Tên lửa bắn từ máy bay không người lái vào các "mục tiêu khủng bố" trên lãnh thổ Pakixtan không tránh khỏi đánh vào dân thường làm gia tăng tâm lý chống Mỹ. Quốc hội Pakixtan đã lên tiếng tố cáo các vụ không kích đó là vi phạm chủ quyền quốc gia và yêu cầu chấm dứt ngay. Một số nghị sĩ tuyên bố nước họ sẽ cắt đường tiếp tế cho quân Mỹ tại Ápganixtan nếu Mỹ tiếp tục các vụ tiến công như vậy.

Thái độ thù địch chống Mỹ lên tới đỉnh điểm khi Raymond David, một nhân viên CIA, bắn hạ hai người Pakixtan ngay giữa đường phố ở Lahore. Dư luận đòi treo cổ nhân viên tình báo này. Phải cố gắng lắm Mỹ mới giải cứu được người của mình. Tại Pakixtan, người ta bắt đầu nghi ngờ Mỹ đưa cả một đạo quân vào để chống lực lượng Hồi giáo cực đoan. Lãnh đạo nước này thậm chí còn yêu cầu Mỹ giảm sự có mặt quân sự ở đây. Mối quan hệ giữa CIA và Cơ quan tình báo Pakixtan (ISI) rất căng thẳng.

Vấn đề Ápganixtan cũng nằm trong tâm điểm bất đồng giữa Mỹ và Pakixtan. Không bằng lòng với việc tiêu diệt Bin Laden, Mỹ muốn truy lùng các thành viên của al-Qaeda và các nhóm thánh chiến khác từ Ápganixtan đến Pakixtan và Yêmen. Do bị ám ảnh bởi mối đe dọa khủng bố nên Mỹ không nhận ra được thái độ thù địch của người Arập và Hồi giáo đối với họ là do các cuộc chiến tranh của họ ở Irắc, Ápganixtan và tại Pakixtan, đã làm nhiều dân thường chết, cũng như sự ủng hộ của họ đối với Ixraen, gây ra.

Do nghi ngờ Pakixtan đồng lõa với những kẻ thánh chiến nên Mỹ buộc Pakixtan phải tham gia các chiến dịch chống khủng bố của mình. Mỹ cũng muốn Pakixtan phải chấm dứt mọi quan hệ với Giáo chủ Omar, thủ lĩnh tinh thần của những kẻ Taliban ở Ápganixtan, với các tổ chức Jalaluddin và Lakhdar-e-Taiba, một nhóm ở Pakixtan bị nghi tiến hành các vụ khủng bố kinh hoàng ở Mumbai năm 2008.

Pakixtan lại nhìn nhận sự việc dưới góc độ khác. Ra đời như một nơi trú ngụ cho người Anhđiêng theo đạo Hồi sau vụ phân chia lãnh thổ năm 1947, Pakixtan cảm thấy mình thường xuyên bị đe dọa, đặc biệt bởi Ấn Độ. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị coi việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với những kẻ Taliban và các mạng lưới cực đoan khác của Ápganixtan là lợi ích quốc gia vì các nhóm này sẽ là những đồng minh quý giá một khi quân Mỹ rút đi (theo kế hoạch bắt đầu từ tháng Bảy tới).

Mặt khác, Pakixtan muốn nắm Ápganixtan vì hai lý do. Thứ nhất là để tránh việc thành lập một "vùng Đại Pashtun" nằm trên biên giới vì như vậy Pakixtan có thể sẽ bị mất Tỉnh biên giới Tây-Bắc (PFNO) với người Pashtun chiếm số đông. Sau khi bị mất Casơmia vào tay Ấn Độ trong cuộc chiến tranh 1947-1948, rồi vùng Đông - sau này trở thành Bănglađét- trong cuộc xung đột năm 1971, Pakixtan sợ lại mất thêm lãnh thổ nữa. Nhà phân tích Patrick Seale cho rằng Mỹ nên giảm bớt nỗi lo sợ của mình bằng cách khích lệ Ấn Độ giải quyết cuộc khủng hoảng Casơmia chứ không nên thúc đẩy Pakixtan phải đoạn tuyệt với các nhóm khủng bố. Thứ hai, Pakixtan quyết tâm giữ Ápganixtan trong vòng kiềm tỏa của mình là để ngăn không cho nước này rơi vào vòng ảnh hưởng của Ấn Độ. Vùng lãnh thổ này sẽ giúp Pakixtan, nước luôn lo sợ bị bao vây, có được một "chiều sâu chiến lược". Vốn nghi ngờ, Pakixtan cho rằng Mỹ không phải là một đối tác trung thành mà bỏ rơi đồng minh khi họ không còn có ích nữa. Trong suốt những năm 1990, với sự giúp đỡ của Pakixtan và hỗ trợ tài chính của Arập Xêút, Mỹ đã tuyển mộ, trang bị vũ khí và huấn luyện hàng chục nghìn lính tình nguyện Hồi giáo để chiến đấu chống Liên Xô trước đây tại Ápganixtan. Nhưng sau khi Liên Xô rút khỏi đây vào năm 1989, Mỹ đã bỏ rơi các chiến binh này. Một số trong số họ không được tiếp nhận ngay trên chính đất nước mình. Bin Laden đã tuyển mộ họ vào al-Qaeda.

Điều oái oăm là Pakixtan do bị Mỹ thúc giục phải đấu tranh chống những kẻ cực đoan Hồi giáo - trên lãnh thổ của mình và ở Ápganixtan - đã phải trả giá đắt. Các chiến dịch đó không những làm cho nhiều lính Pakixtan thiệt mạng và tốn kém về phương diện tài chính mà còn khiến Pakixtan bị các nhóm như Tehrik-t-Taliban (TTP) trả thù bằng nhiều vụ đánh bom liều chết. An ninh trong lãnh thổ của Pakixtan bị đe dọa và nền kinh tế nước này suy sụp.

Mỹ cấp cho Pakixtan, đất nước có 180 triệu dân, một khoản viện trợ hàng năm trị giá 3 tỷ USD, song ít hơn so với Ixraen chỉ có 7 triệu dân. Trong tình hình đó, ông Patrick Seale cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên nếu các nhà lãnh đạo Pakixtan nghĩ rằng đất nước họ sẽ khá hơn nếu không có "tình hữu nghị" của người đồng minh vướng víu này.

Theo The-diplomat

Viết Tuấn (gt)