Việc cắt giảm viện trợ quân sự và kinh tế cho một nước đang bị khủng hoảng sẽ là thất bại chính sách đối ngoại. Sự kiêu căng ngạo mạn như vậy có thể dẫn đến những toan tính sai lầm về lợi ích quốc gia và tạo nên một khoảng trống quyền lực ở một nước vốn chịu ảnh hưởng. Tháng 2/1947, sau khi Chính phủ Anh tuyên bố không ủng hộ lực lượng quốc gia Hy Lạp chống lại những người Cộng sản, lập tức Mỹ sẵn sàng nhảy vào vì lo sợ những người Cộng sản giành quyền kiểm soát nước này. Mối quan tâm chung của Mỹ và Anh trong việc ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản đã thúc đẩy Mỹ thế chân khi Anh rút khỏi Hy Lạp. Hiện nay, một mối quan tâm chung khác liên quan đến Pakixtan mà Trung Quốc và Mỹ đều chú trọng là ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo bạo lực. Sau vụ tiêu diệt Osama Bin Laden gần đây và vai trò không chắc chắn của Pakixtan, một số nghị sĩ Mỹ đã đặt dấu hỏi việc Chính quyền Mỹ tiếp tục chương trình viện trợ quân sự và dân sự trị giá nhiều tỷ USD cho Pakixtan. Đứng trước nền kinh tế trong nước đang có nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao và các cam kết toàn cầu, liệu Chính quyền Barack Obama có thể cắt giảm viện trợ và để Trung Quốc lấp đầy khoảng trống?

Trước hết, hành động cắt giảm viện trợ của Chính quyền Obama xem ra có vẻ đi ngược lại lợi ích quốc gia của Mỹ, và hiểu được lý do tại sao Mỹ can dự vào Pakixtan là vấn đề quan trọng. Mục tiêu chủ yếu của Mỹ ở khu vực Nam Á là ngăn chặn những kẻ khủng bố tạo lập một thiên đường an toàn tại Ápganixtan và ngăn chặn không để các loại vũ khí hạt nhân của Pakixtan rơi vào tay những kẻ cực đoan. Do Osama Bin Laden đã bị giết và sớm muộn lực lượng Mỹ cũng rút khỏi Ápganixtan, Pakixtan sẽ không đóng vai trò đáng kể trong chiến lược của Mỹ, mặc dù vai trò quan trọng của Pakixtan đối với Trung Quốc, nước cũng quan tâm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và sự ổn định trong khu vực, ngày càng tăng. Một nhà bình luận chính sách đối ngoại sắc sảo của Mỹ ví mối quan hệ Mỹ - Pakixtan như "một thanh nam châm tai hại" có sức hút mạnh đến nỗi hai bên không đủ lý do và lập luận trong suy nghĩ nên thường đối xử với nhau bằng những hành động tiêu cực. Xem xét lịch sử gần đây của liên minh Mỹ - Pakixtan sẽ thấy rõ vấn đề này. Ví dụ, Pakixtan khó có thể bác bỏ một thực tế là, Chính phủ nước này đã sử dụng phần lớn khoản viện trợ xấp xỉ 20 tỷ USD của Mỹ để nâng cao sức mạnh quân sự bằng cách đầu tư mua sắm các loại trang thiết bị hiện đại nhằm răn đe Ấn Độ. Các nghị sĩ Mỹ có ý đồ chống lại hành động này của Pakixtan đã đưa ra Đạo luật Kerry - Lugar và ngăn chặn khoản viện trợ cả gói trị giá 7,5 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2009, từ đó khiến công chúng Pakixtan tức giận vì coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Pakixtan do quân đội phụ thuộc Chính phủ dân sự. Đồng thời, Mỹ tiếp tục phá hủy những điều kiện đó bằng cách huy động phần lớn các nỗ lực ngoại giao vào quân đội Pakixtan cũng như Tham mưu trưởng quân đội Ashfaq Kayani chứ không chú ý đến Chính phủ dân sự yếu kém của Tổng thống Zardari. Như ông Manvendra Singh, Nghị sĩ và cũng là Tổng biên tập tạp chí Cảnh báo An ninh và Quốc phòng của Ấn Độ, nhận xét: "Trở ngại chủ yếu trong quan hệ Mỹ - Pakixtan là Mỹ chú trọng các cá nhân chứ không để ý đến các tổ chức và cách làm đó đang tàn phá các định chế dân chủ ở Pakixtan".

Nhưng cấp độ địa chính trị chiến lược còn lớn hơn nhiều. Sau khi chi phí nhiều tỷ USD cho các khoản viện trợ, nếu Mỹ thành công trong việc ổn định Pakixtan và Ápganixtan, thành công đó sẽ rơi vào tay Trung Quốc-nước bí mật thúc đẩy mối quan hệ đối tác đặc biệt với Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo nhiều thập kỷ qua và như Chính phủ Pakixtan nhiều lần tuyên bố Trung Quốc là một "người bạn trong mọi tình huống". Do gần gũi về địa lý, Pakixtan trở thành cửa ngõ cho Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, thế giới Hồi giáo và nguồn tài nguyên thiên nhiên rẻ mạt. Trong tương lai, Pakixtan cũng có thể cung cấp các tuyến đường năng lượng mới. Về chiến lược, Pakixtan cũng sẽ trở thành một khu đệm ngăn chặn hữu ích giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hoạt động của Trung Quốc ở Pakixtan tăng đáng kể trong mấy năm qua. Năm 2007, đầu tư của Trung Quốc tại Pakixtan chỉ đạt 4 tỷ USD. Tháng 12/2010, Thủ tướng Pakixtan Syed Yusuf Raza Gilani và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ký hàng loạt thỏa thuận trị giá 25 tỷ USD-mức tăng khổng lồ chỉ trong 3 năm. Trung Quốc cũng viện trợ nhiều triệu USD cho các nạn nhân ở các khu vực bị lũ lụt và các dự án tái thiết. Tháng 6/2010, hai nước tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chống khủng bố lần thứ 3. Mặc dù cuộc diễn tập chỉ mang tính chiến thuật, nhưng thực tế Trung Quốc rất lo ngại ảnh hưởng tiềm tàng của các chiến binh Pakixtan đối với cộng đồng thiểu số người Hồi giáo của nước này ở tỉnh Tân Cương. Trung Quốc cũng là một trong số các nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho Pakixtan. Ví dụ, hiện nay khoảng 70% xe tăng các loại của Pakixtan là của Trung Quốc. Năm 1990, Trung Quốc cho phép Pakixtan thử nghiệm thiết bị hạt nhân đầu tiên ở Lop Nor. Trung Quốc cũng giúp Pakixtan mua các tên lửa Nodong và Taepodong từ Bắc Triều Tiên sau khi Mỹ không cung cấp các máy bay chiến đấu F-16 và quân đội Pakixtan phải tìm kiếm các phương tiện khác để phóng các vũ khí hạt nhân của nước này. Mối quan tâm của Trung Quốc đối với Pakixtan gồm nhiều mặt. Trước hết, bằng cách kiểm soát các cửa ngõ phía tây của Trung Quốc, Pakixtan có thể phục vụ như một tuyến đường mới cho nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của Trung Quốc-hiện bị tắc nghẽn ở eo biển Malắcca (65% nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc đi qua eo biển Malắcca). Trung Quốc đang đầu tư rất lớn vào con đường từ bến cảng Gwadar đến đèo Karakoram dẫn đến khu tự trị của Tân Cương. Đây là những gì mà một số nhà bình luận Mỹ gọi là chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc nhằm xây dựng mối quan hệ đối tác với nhiều nước và nối liền các bến cảng cũng như sân bay từ biển Đông qua eo biển Malắcca và qua Ấn Độ Dương đến Vịnh Arập nhằm bảo đảm các tuyến đường cung cấp năng lượng. Cửa Vùng Vịnh chỉ cách bến cảng Pakixtan 350km. Hiện nay, một đơn vị hải quân Trung Quốc đóng quân thường trực ở bến cảng Gwadar, từ đó làm tăng khả năng sức mạnh của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và biển Arập để bảo vệ các tàu vận chuyển mang cờ Trung Quốc.

Vấn đề quan trọng là, nếu Mỹ quyết định cắt giảm ngân sách cho Pakixtan, liệu Trung Quốc có tăng viện trợ cho Ixlamabát? Pakixtan đang đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Trong hai thập kỷ qua, Pakixtan đã 2 lần sắp rơi vào tình trạng sụp đổ kinh tế: một lần vào năm 1990 và sau đó là năm 2008. Ở các thời điểm đó, Pakixtan chỉ tồn tại nhờ các khoản cứu trợ của Mỹ, châu Âu, Arập Xêút, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu càng làm trầm trọng thêm trình độ quản lý yếu kém của các chính quyền Musharraf và Bhutto. Các thành phố lớn ở Pakixtan thiếu điện, giá lương thực leo thang và Chính phủ phải chi phí rất lớn để nhập khẩu dầu lửa. Ảnh hưởng của Trung Quốc trong những năm tới ở Pakixtan sẽ không bằng Mỹ và sự hỗ trợ Pakixtan của Trung Quốc có bằng Mỹ hay không còn là dấu hỏi. Nhìn chung viện trợ của Trung Quốc cho Pakixtan không nhiều và ít kèm theo các điều kiện. Mặc dù Trung Quốc quan tâm chống khủng bố và xoa dịu các dân tộc thiểu số người Hồi giáo ở nước này, nhưng quân đội Trung Quốc từ trước đến nay không đóng vai trò quan trọng trong nền ngoại giao Trung Quốc. Việc triển khai quân đội Trung Quốc ở nước ngoài vẫn còn xa lạ đối với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Bên cạnh đó khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc huấn luyện cảnh sát và chống nổi dậy vẫn chưa được thử nghiệm và không thể so sánh với quân đội Mỹ. Trung Quốc cũng cung cấp ít khoản viện trợ nước ngoài trực tiếp cho Pakixtan. Nói cách khác, từ trước đến nay Pakixtan không phải là ưu tiên chiến lược cao trong toan tính chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu Mỹ quyết định giảm bớt các nỗ lực ở Pakixtan. Hầu hết các nhà quan sát khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc ở Pakixtan trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Đây là một tiến trình phù hợp với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và Mỹ không thể ngăn chặn điều đó. Do gần gũi địa lý và sức mạnh sẵn có, Trung Quốc sẽ trở thành đồng minh quan trọng và thường trực ở Pakixtan. Tóm lại, Trung Quốc có thể mong muốn lấp đầy khoảng trống nếu Mỹ quyết định giảm bớt các nỗ lực để tập trung cho các lợi ích quốc gia lâu dài của Mỹ. 

Theo Huffingtonpost

 Vũ Hiền (gt)