PDF file

 

Tóm tắt

Phân định biển chỉ có thể được tiến hành trên cơ sở danh nghĩa chủ quyền về lãnh thổ. Tuy nhiên, trong tranh chấp tại biển Đông, các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đang lâm vào bế tắc. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp theo trình tự thông thường từ vấn đề chủ quyền lãnh thổ đến phân định biển là khó có thể thực hiện được. Trong bối cảnh này, việc nhìn nhận tranh chấp từ góc độ “ngược”, từ các nguyên tắc về phân định biển, để dự báo triển vọng phân định các vùng biển có thể được tạo ra bởi các đối tượng của tranh chấp lãnh thổ sẽ có thể giúp các bên tranh chấp có cái nhìn tổng quan về kết quả cuối cùng của tranh chấp và từ đó tạo điều kiện giúp họ giải quyết tranh chấp. Luật quốc tế đương đại về phương pháp phân định biển xác định phân định biển là một quá trình trong đó đường cách đều là bước đầu tiên, và sau đó bước thứ hai là điều chỉnh đường này theo các hoàn cảnh hữu quan để đạt được giải pháp công bằng. Trong số các hoàn cảnh hữu quan thường được xem xét, sự hiện diện của các đảo thuộc chủ quyền của các bên tranh chấp thường được coi là hoàn cảnh hữu quan. Tuy nhiên, hiệu lực tối đa của các đảo trong phân định biển chỉ là 50% trong trường hợp các đảo nằm ở vị trí gần với đất liền của quốc gia có chủ quyền, và hiệu lực này sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu các đảo nằm ở vị trí đơn lẻ hoặc gần với đất liền của quốc gia không có chủ quyền. Các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là các đảo nhỏ, vì vậy, khi phân định các vùng biển của các đảo này (nếu có) với các vùng biển của đất liền sẽ tạo ra sự bất cân xứng về tỉ lệ chiều dài bờ biển và vì vậy, các đảo này sẽ có thể bị coi là các hoàn cảnh hữu quan. Do đó, nếu cần phân định các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ đất liền của các quốc gia ven biển và các đảo của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì các đảo này có thể sẽ phải giảm hiệu lực (nếu có) và  nhường hiệu lực đầy đủ cho các vùng biển của đất liền. Nếu cần phân định chồng lấn tạo ra từ các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển khác, các đảo này có thể chỉ được trao 12 hải lý. Triển vọng này cho thấy cho dù vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có kết quả ra sao, các vùng biển được tạo ra từ đất liền trong phạm vi 200 hải lý vẫn thuộc về các quốc gia ven biển. Yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa và quy chế pháp lý của các đảo này có thể chỉ có tác động đến khu vực biển nằm ngoài phạm vi 200 hải lý nói trên. Triển vọng này là kết quả của việc áp dụng luật quốc tế về phân định biển, mà không cần tính đến kết quả của tranh chấp chủ quyền. Nếu tranh chấp chủ quyền có thể không mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan như các bên trông đợi, các bên có thể cùng nhau tạm gác tranh chấp chủ quyền lại và xây dựng một quy chế hợp tác chung trong khu vực biển Đông ngoài giới hạn 200 hải lý từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các quốc gia ven biển.

 

Phân định biển chỉ có thể được tiến hành từ danh nghĩa chủ quyền của các bên liên quan đối với lãnh thổ đất liền. Điều này có nghĩa là nếu các bên có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp này phải giải quyết trước khi tiến hành phân định biển. Tuy nhiên, các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông hiện nay đang trong quá trình bế tắc. Để góp phần vượt qua được bế tắc này và tạo điều kiện thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp, bài viết sẽ phân tích tranh chấp từ một góc độ khác, từ các nguyên tắc của luật quốc tế về phân định biển nhằm dự báo kết quả phân định biển cho các bên tranh chấp và tác động có thể có đối với tranh chấp. Hy vọng triển vọng về phân định biển sẽ giúp các bên nhìn nhận được được những gì đón chờ mình nếu tiếp tục giữ yêu sách chủ quyền, từ đó sẽ có cách tiếp cận mềm dẻo hơn và cùng nhau xây dựng một chế độ hợp tác tại biển Đông.

 

Luật quốc tế về phân định biển

 

Luật áp dụng

Luật quốc tế về phân định biển mới chỉ được phát triển trong thời gian gần đây thông qua bước khởi đầu tại các công ước về luật biển năm 1958. Điều 6 và điều 12 của hai Công ước 1958 về Thềm lục địa và Tiếp giáp lãnh hải đã quy định nguyên tắc phân định biển theo công thức đường cách đều và các hoàn cảnh đặc biệt.

 

Tuy nhiên, mười một năm sau, trong vụ Thềm lục địa biển Bắc,[1] luật quốc tế về phân định biển đã phát triển theo một hướng khác. Phán quyết trong vụ việc này đã không công nhận nguyên tắc được quy định tại Điều 6 của công ước 1958 là luật tập quán quốc tế mà để ngỏ cho khả năng áp dụng của nhiều phương pháp phân định biển để đạt đến kết quả công bằng, trong đó công thức đường cách đều và các hoàn cảnh đặc biệt không phải là phương pháp bắt buộc. Hơn nữa, phán quyết cũng xác nhận lại một nguyên tắc quan trọng, “đất thống trị biển”, theo đó các vùng biển chỉ có thể được tạo ra từ các danh nghĩa chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ..[2] Cách tiếp cận hướng tới giải pháp công bằng của vụ Thềm lục địa biển Bắc đã tạo ra ảnh hưởng đối với các vụ việc sau đó, ví dụ như trong vụ phân định giữa Tunisia và Libya vào năm 1982[3] đường cách đều đã hoàn toàn bị bỏ qua. Phán quyết năm 1982 này cũng phản ánh quá trình đàm phán và ký kết Công ước luật biển năm 1982 trong đó các điều 74(1) và 83(1) đã pháp điển hoá một nguyên tắc thoả thuận và giải pháp công bằng. Từ thời điểm này, người ta thấy phương pháp phân định biển đã thay đổi từ công thức đường cách đều/ hoàn cảnh đặc biệt của năm 1958 sang thoả thuận/ giải pháp công bằng của năm 1982. Giải pháp công bằng không loại trừ việc áp dụng công thức đường cách đều và các hoàn cảnh đặc biệt nhưng đường cách đều cũng không coi là bước khởi đầu cho quá trình phân định biển.

 

Đến vụ phân định giữa Libya Malta,[4] sự phát triển của luật quốc tế về phân định biển đánh dấu với một xu thế mới. Trong vụ việc này, phân định biển được bắt đầu bằng lại việc xây dựng đường cách đều. Tuy nhiên phải đến vụ việc giữa Qatar v. Bahrain,[5] đường cách đều mới được chính thức công nhận là bước khởi đầu cho quá trình phân định biển cho cả hai trường hợp, phân định biển giữa các quốc gia đối diện hay tiếp liền. Phán quyết của vụ Qatar v. Bahrain vào năm 2002  cũng định nghĩa rõ ràng đường cách đều là đường nối tất cả các điểm có khoảng cách bằng nhau từ các điểm gần nhất của đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các quốc gia tương ứng. Phương pháp phân định biển cũng được định nghĩa rõ ràng là một quá trình trong đó bước đầu tiên và tạm thời là xác định đường cách đều, sau đó bước thứ hai là điều chỉnh đường cách đều theo các hoàn cảnh hữu quan.[6] Hai bước của phương pháp này đã được áp dụng nhất quán trong các phân định biển gần đây giữa Cameroon v. Nigeria[7] (2003), Barbados v. Trinidad và Tobago[8] (2006), Guyana v. Suriname[9] (2007) và gần đây là Rumania v. Ukraine[10] (2009).

 

Vì đường cơ sở chỉ là bước khởi đầu và tạm thời, bước thứ hai là xem xét các hoàn cảnh hữu quan. Các phán quyết tại vụ Thềm lục địa biển Bắc và các vụ việc trước vụ Qatar v. Bahrain có thể dẫn đến kết luận rằng không có giới hạn nào về danh sách các hoàn cảnh hữu quan. Tuy nhiên, các vụ việc từ  Qatar v. Bahrain cho thấy một xu thế hạn chế nhất định. Trong số 5 hoàn cảnh hữu quan về lợi ích kinh tế và an ninh, sự hiện diện của các đảo và bãi nửa nổi nửa chìm và sự bất tương xứng của độ dài bờ biển, toà án chỉ công nhận sự hiện diện của các đảo và bãi nửa nổi nửa chìm là hoàn cảnh hữu quan trong vụ Qatar v. Bahrain.[11] Không có yếu tố nào trong số 6 hoàn cảnh được yêu cầu xem xét trong vụ Cameroon v. Nigeria được chấp nhận là hoàn cảnh hữu quan.[12] Chỉ có lợi ích về hàng hải được xem là hoàn cảnh hữu quan trong vụ Guyana v. Suriname.[13] Và sự hiện diện của đảo là hoàn cảnh hữu quan duy nhất trong vụ giữa Rumania v. Ukraine.[14] Kết luận của toà án qua các vụ việc gần đây cho thấy sự ưu tiên hướng tới xem xét các hoàn cảnh khách quan là kết quả của đặc điểm tự nhiên hoặc địa lý của các bờ biển có liên quan, trong khi đó các hoàn cảnh về an ninh và kinh tế sẽ được xem xét một cách rất thận trọng. Hiện nay, sự kết hợp giữa đường cách đều được đo đạc theo công thức toán học và các hoàn cảnh hữu quan mang tính khách quan đã tạo ra những nguyên tắc phân định biển dễ dự đoán và ổn định hơn.

 

Hiệu lực của đảo trong phân định biển

Trong số các hoàn cảnh hữu quan có thể được xem xét, sự hiện diện của các đảo thuộc chủ quyền của các bên trong tranh chấp thường được coi là các hoàn cảnh hữu quan. Tuy nhiên, hiệu lực của các đảo này trong phân định biển được xác định trong các vụ việc được phân định tại toà và thực tiễn phân định biển của các quốc gia tuỳ thuộc vào độ lớn, vị trí của các đảo so với các bờ biển liên quan trong quá trình phân định. Với những đảo nằm cách xa bờ biển của quốc gia có chủ quyền hoặc nằm giữa các bờ biển liên quan, hiệu lực của chúng thường bị giảm bớt để nhường cho hiệu lực của các bờ biển đất liền của quốc gia ven biển.[15] Điều này càng được củng cố trong các vụ việc có liên quan đến các đảo nhỏ và không có dân cư sinh sống. Trong vụ trọng tài phân xử giữa Anh và Pháp,[16] sự hiện diện của ba hòn đảo, đảo đá Eddystone, đảo Channel và đảo Scilly đã dẫn đến sự điều chỉnh đường cách đều. Nằm ở vị trí gần với bờ biển của Pháp, đảo Eddystone thuộc chủ quyền Pháp được trao đầy đủ hiệu lực.[17] Trong khi đó, nằm ở vị trí gần bờ biển Pháp nhưng đảo Channel thuộc chủ quyền Anh chỉ được phân định với 12 hải lý[18] và tương tự đảo Scilly chỉ có nửa hiệu lực.[19] Thậm chí với những đảo lớn như Jan Mayen trong vụ Jan Mayen,[20] có chiều dài khoảng 30 dặm và chiều rộng khoảng 2 dặm, và đảo Kerkenas, có dân số khá lớn, có tầm quan trọng về kinh tế và có diện tích khoảng 63 dặm vuông trong vụ Tunisia/Libya,[21] cả hai đảo này đều chỉ được trao khoảng nửa hiệu lực trong phân định biển. Kết luận tương tự có thể được tìm thấy trong các vụ Vịnh Maine[22]Libya/ Malta[23]. Trong vụ trọng tài St Pierre và Miquelon,[24] đảo St Pierre và Miquelon có khả năng tạo ra đầy đủ các vùng biển nhưng chỉ được trao cho 24 hải lý tại phần phía tây của đường phân định biển. Sự giảm bớt hiệu lực cũng xảy ra tại phần phía Nam của đường phân định biển nơi mà các đảo này nằm chắn trước hoặc nằm quá gần bờ biển Canada.[25] Trong vụ việc diễn ra tại trọng tài gần đây giữa Eritrea/Yemen Arbitration, các đảo nhỏ như đảo al-Tayr và nhóm đảo al-Zubayr thậm chí còn đều bị bỏ qua.[26]  Trong vụ  Qatar v. Bahrain, toà án cũng giảm hiệu lực của đảo nhỏ Qit’at Jaradah để tránh sự mất cân xứng về tỉ lệ chiều dài bờ biển.[27] Trong vụ Cameroon v. Nigeria, đảo thuộc chủ quyền của quốc gia thứ ba cũng bị bỏ qua trong phân định biển.[28]

 

Cách tiếp cận tương tự cũng diễn ra trong thực tiễn phân định biển của các quốc gia. Ví dụ như trong Hiệp định Eo biển Torres giữa Australia và Papua New Guinea,[29] một số đảo nhỏ của Australia trong Eo biển Torres nằm ở vị trí gần với bờ biển của Papua New Guinea chỉ được trao 3 hải lý lãnh hải và không có vùng biển khác. Trong 11 hiệp định phân biển khác giữa Colombia-Jamaica, Phần Lan-Thuỵ Điển, Cộng hoà Dominican-Anh (Turks và Caicos), Thái Lan-Việt Nam, Guinea Xích đạo-Nigeria, Ireland-Anh, Iceland-Nauy, Arập Xêút-Yemen, Estonia-Phần Lan-Thuỵ Điển và Algeria-Tunisia, hiệu lực của các đảo nhỏ cũng bị giảm bớt hoặc bỏ qua.[30]

 

Các vụ việc trước toà và trọng tài cũng như thực tiễn các quốc gia về phân định biển cho thấy khả năng các đảo nhỏ có được các vùng biển phụ thuộc vào kích thước, địa điểm của các đảo và sự sinh sống của dân cư trên đảo đó. Các đảo nào càng nằm gần đất liền của quốc gia có chủ quyền, thì đảo đó càng có ưu thế trong việc tạo ra các vùng biển. Ngược lại, nếu các đảo nằm ở vị trí gần với bờ biển của quốc gia không có chủ quyền với đảo hoặc nằm giữa khu vực cần phân định giữa hai quốc gia tiếp liền hoặc đối diện, thì đảo nằm càng xa bờ biển của quốc gia có chủ quyền, hiệu lực của đảo càng bị giảm bớt. Trong một số trường hợp, nếu các vùng biển của các đảo tạo ra kết quả phân định biển không công bằng, đảo có thể bị bỏ qua hiệu lực.[31] Trong tất cả các trường hợp đã được thảo luận ở trên, các đảo nhỏ chỉ có thể có tối đa là 50% hiệu lực trong phân định biển, cho dù các đảo đó có thể có dân số đáng kể và có tầm quan trọng về kinh tế như đảo Kerkenas trong vụ Tunisia/Libya.[32] Cũng cần lưu ý rằng hiệu lực tối đa của các đảo nhỏ đó chỉ có thể có được với sự hỗ trợ hiệu lực từ bờ biển đất liền.[33] Vì vậy, có thể kết luận rằng, nếu không có sự hỗ trợ hiệu lực từ đất liền, các đảo riêng lẻ sẽ còn có ít hiệu lực hơn trong trường hợp phân định biển với đất liền.

 

Các vùng biển chồng lấn tại biển Đông và triển vọng phân định biển

 

Yêu sách về các vùng biển và các vùng chồng lấn

Biển Đông là một trong những biển nửa kín lớn nhất thế giới, bao quanh bởi các quốc gia như Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines. Mỗi quốc gia đã đưa ra yêu sách về các vùng biển của mình bao gồm cả 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngoài ra, Việt Nam và Malaysia đã đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng đến Uỷ ban về Rìa ngoài của thềm lục địa (CLCS).[34] Theo đó, Việt Nam yêu sách thềm lục địa mở rộng tại khu vực bờ biển phía Đông và cùng yêu sách với Malaysia tại khu vực bờ biển phía Nam.[35]  Trung Quốc, Brunei và Philippines cũng đã nộp thông tin sơ bộ về thềm lục địa mở rộng theo thời hạn của CLCS,[36] do vậy, các quốc gia này cũng tiếp tục có thể đệ trình yêu sách về thềm lục địa mở rộng trong tương lai. Các yêu sách này tạo ra các vùng biển trong lấn từ các bờ biển tiếp liền hoặc đối diện giữa các quốc gia ven biển Đông.

 

Bên cạnh các vùng biển tạo ra từ lãnh thổ đất liền của các quốc gia ven biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với vị trí ở giữa biển Đông, có thể làm phức tạp thêm các khu vực chồng lấn nếu các đảo của hai quần đảo này có tể tạo ra đầy đủ các vùng biển. Quy chế pháp lý của đảo được quy định tại Điều 121 của Công ước luật biển 1982. Theo đó, một đảo có khả năng tạo ra đầy đủ các vùng biển nếu đạo đó có khả năng cho con người cư trú hoặc có đời sống kinh tế riêng.[37] Ngôn ngữ của điều này rất mập mờ và gây tranh cãi[38] và thậm chí còn có thể dễ gây tranh cãi hơn khi áp dụng vào trường hợp của Hoàng Sa và Trường Sa khi mà các đảo đều rất nhỏ về kích thước, không có dân thường sinh sống và rất hạn chế về tài nguyên thiên nhiên trên bản thân các đảo. Hiện nay, các quốc gia như Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan), Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với tất cả hoặc một phần của các đảo, đồng thời có các quan điểm khác nhau về quy chế pháp lý của các đảo. Malaysia và Việt Nam theo như nội dung của tuyên bố phúc đáp tuyên bố phản đối của Trung Quốc về thềm lục địa mở rộng đã lập luận rằng đệ trình/ đệ trình chung của họ “không làm phương hại tới các vấn đề phân định biển giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện, cũng như lợi ích của các bên trong tranh chấp chủ quyền và vùng biển”.[39] Cụm từ “không làm phương hại” ngụ ý rằng thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam và Malaysia yêu sách không tạo ra chồng lấn về vùng biển, có nghĩa là Hoàng Sa và Trường Sa không thể tạo ra đầy đủ các vùng biển. Indonesia cũng chia sẻ quan điểm tương tự về vấn đề này với Việt Nam và Malaysia khi tuyên bố rằng “các đảo xa và nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc cho phép các đảo đá không có người cư trú và các bãi san hô nằm cách biệt với đất liền, giữa biển cả, được sử dụng làm điểm cơ sở để tạo ra các vùng biển vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Công ước luật biển và xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cộng đồng quốc tế”.[40] Trong khi đó, Trung Quốc khi đưa ra tuyên bố phản đối yêu sách thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia đã lập luận rằng  “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trong biển Đông và các vùng biển tiếp liền, và được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tương ứng (xem bản đồ đính kèm)”.[41] Cụm từ “quyền chủ quyền và quyền tài phán” và “vùng biển có liên quan” ám chỉ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, có nghĩa là Trung Quốc ủng hộ quan điểm Hoàng Sa và Trường Sa có đầy đủ các vùng biển. Đặc biệt, bản đồ đường lưỡi bò lần đầu tiên được đính kèm với tuyên bố này một cách chính thức ngụ ý rằng  Trung Quốc muốn sử dụng đường lưỡi bò để yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo trong biển Đông, thay thế cho yêu sách lịch sử trước đây. Có lập trường trung dung ở giữa là quan điểm của Philippines. Quốc gia này quy định trong nội luật rằng “chủ quyền và quyền tài phán [của nhóm đảo Kalayaan]  sẽ được quyết định theo quy chế pháp lý của đảo”[42]. Trong trường hợp Hoàng Sa và Trường Sa có đầy đủ các vùng biển, tình trạng chồng lấn các vùng biển tại biển Đông có thể diễn ra rất phức tạp như sau:

 

- Chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Hoàng Sa và Trường Sa với đất liền của các quốc gia ven biển, xem minh hoạ tại bản đồ 1 và 2 dưới đây.

-  Chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa, theo minh hoạ tại bản đồ 1 và 2 dưới đây.

-   Chồng lấn giữa thềm lục địa của Hoàng Sa và Trường Sa với thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei (nếu hai nước này có yêu sách này), như minh hoạ tại Bản đồ 2, dưới đây.

-  Chồng lấn giữa nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của một số đảo của Hoàng Sa và Trường Sa với vùng đặc quyền kinh tế của đất liền của các quốc gia ven biển.

Bản đồ 1.Khả năng chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế[43]

 


Bản đồ  2. Khả năng chồng lấn vùng thềm lục địa[44]

 

Triển vọng phân định biển

Áp dụng các nguyên tắc chung về phân định biển vào trường hợp của biển Đông, hai bước của quá trình phân định biển cần được tiến hành. Bước đầu tiên là xác định đường cách đều và bước thứ hai là điều chỉnh đường cách đều để đạt được giải pháp công bằng. Với kích thước nhỏ, sự hiện diện của các đảo của Trường Sa và Hoàng Sa hoặc sự bất cân xứng về tỷ lệ độ dài bờ biển của các đảo này so với bờ biển đất liền của các quốc gia ven biển sẽ hoàn toàn có thể được xem là hoàn cảnh hữu quan. Theo phân tích tại phần trên, hiệu lực tối đa mà các đảo này có được trong trường hợp có sự trợ giúp về hiệu lực từ đất liền là 50%, và hiệu lực này sẽ giảm đi nhiều nếu các đảo đứng riêng lẻ, không có sự trợ giúp hiệu lực của đất liền trong quá trình phân định với các vùng biển tạo ra từ đất liền của các quốc gia ven biển. Vì vậy, khi phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các đảo của Hoàng Sa, Trường Sa và đất liền của các quốc gia ven biển, các đảo này sẽ chắc chắn bị giảm bớt hiệu lực (nếu có) để nhường cho hiệu lực đầy đủ của đất liền. Khi phân định vùng chồng lấn giữa nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của một số đảo của Hoàng Sa và Trường Sa với vùng đặc quyền kinh tế của đất liền của các quốc gia ven biển, các đảo này có thể chỉ được trao cho 12 hải lý.

 

Với các vùng chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa bản thân các đảo của Hoàng Sa, Trường Sa, có thể không có hoàn cảnh hữu quan nào cần tính đến vì các đảo có cùng hoàn cảnh và đặc điểm như nhau, do vậy, đường cách đều có thể được giữ nguyên.

 

Cuối cùng, đối với chồng lấn về thềm lục địa của Trường Sa và Hoàng Sa với thềm lục địa mở rộng của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei (nếu hai nước này có yêu sách này), cho tới nay chưa có tiền lệ trong thực tiễn phân định biển của các nước, cũng như không có nguyên tắc đặc biệt nào được áp dụng cho tình huống cụ thể này. Bản thân các đảo có thể được coi là hoàn cảnh hữu quan và sự mở rộng của thềm lục địa vượt ra ngoài giới hạn 200 hải lý cũng có thể được coi như vậy. Do đó, trong trường hợp này đường cách đều cũng có thể được xem là kết quả cuối cùng.

 

Sự kết hợp các triển vọng phân định biển như phân tích trên đây cho thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các vùng biển được tạo ra từ đất liền đến giới hạn 200 hải lý sẽ thuộc về chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển. Các yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quy chế pháp lý của các đảo này chỉ có ảnh hưởng đến vùng biển tại biển Đông nằm ngoài giới hạn 200 hải lý từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các quốc gia ven biển. Những dự đoán này là kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc về phân định biển mà không cần tính đến kết quả của việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.


Bản đồ 3. Vùng biển nằm ngoài giới hạn 200 hải lý[45]

 

Tác động của triển vọng phân định biển đối với các tranh chấp tại biển Đông

Bất kỳ quá trình phân định biển nào cũng chỉ có thể tiến hành dựa trên các danh nghĩa về chủ quyền lãnh thổ, do vậy việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ phải được thực hiện trước khi tiến hành phân định biển.  Tuy nhiên, tại biển Đông hiện nay khi các tranh chấp về lãnh thổ đang lâm vào bế tắc, thì việc tìm hiểu một góc độ khác từ các nguyên tắc phân định biển, sẽ có thể tạo điều kiện cho các bên giải quyết tranh chấp. Như đã được phân tích tại các phần trên, áp dụng các nguyên tắc của luật quốc tế đương đại về phân định biển vào trường hợp biển Đông, danh nghĩa chủ quyền đối với các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa sẽ không có nhiều giá trị trong việc tạo ra các vùng biển. Trường Sa và Hoàng Sa có thể chỉ giúp các quốc gia có được các vùng biển trong khu vực ngoài giới hạn 200 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải của các quốc gia ven biển, nếu các đảo này thoả mãn yêu cầu tại điều 121(3) để có thể có được đầy đủ các vùng biển. Nếu không, khu vực ngoài giới hạn 200 hải lý đó sẽ là biển cả và để ngỏ cho tất cả các quốc gia thăm dò và khai thác. Trong bất kỳ trường hợp nào, khu vực ngoài giới hạn 200 hải lý không thể lớn như khu vực do đường lưỡi bò bao quanh. Vì vậy, có lẽ giải pháp tốt nhất là các bên trong tranh chấp tại biển Đông nên tạm gác lại các yêu sách chủ quyền và hợp tác với nhau để cùng xây dựng quy chế hợp tác chung trong khu vực ngoài giới hạn 200 hải lý. Đề xuất này cũng phù hợp với nghĩa vụ hợp tácđược quy định tại Điều 123 của Công ước luật biển dành cho các quốc gia ven biển nửa kín như biển Đông.[46]

 

Để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hợp tác này, các bên trong tranh chấp có thể yêu cầu Toà án luật biển đưa ra ý kiến tư vấn về quy chế pháp lý của Hoàng Sa và Trường Sa. Lựa chọn này sẽ giúp các quốc gia giữ thể diện, tránh những kết cục không mong muốn vì ý kiến tư vấn không có giá trị pháp lý ràng buộc mà chỉ có giá trị khuyến nghị nhằm cung cấp những định hướng cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp.

 

Biển Đông đã từ lâu được coi là điểm nóng đe doạ đến sự ổn định về an ninh của khu vực. Các xung đột vẫn leo thang, môi trường biển bị huỷ hoại và hậu quả là không bên nào hưởng lợi từ tình hình hiện trạng. Luật quốc tế đương đại cũng cho thấy kết quả không khả quan đón đợi các bên tranh chấp về khả năng tạo ra các vùng biển từ danh nghĩa chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, giữa hợp tác và sử dụng vũ lực để yêu sách lãnh thổ, hợp tác chắc chắn là lựa chọn khôn ngoan cho các bên trong tranh chấp tại biển Đông hiện nay.

TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Khoa Luật  Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây



[1] Vụ Thềm lục địa biển Bắc, Phán quyết, Báo cáo của ICJ (1969), tr.3

[2] Như trên,đoạn 39-56

[3] Phân định biển (Tunisia v. Libya),Phán quyết, Báo cáo của ICJ (1982), tr.18

[4] Phân định biển (Libyan Arab Jamahiriya v.Malta), Phán quyết, Báo cáo của ICJ (1985), tr.13

[5] Vụ liên quan đến phân định biển và tranh chấp lãnh thổ giữa Qatarvà Bahrain, Phán quyết, Báo cáo của ICJ (2001), tr.40

[6] Như trên, đoạn.230

[7] Vụ liên quan đến biên giới đất liền và trên biển giữa Cameroon và Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea Can thiệp), Phán quyết, Báo cáo của ICJ (2002), tr.303

[8] Phân định biển giữa Barbados v. Cộng hoà Trinidad và Tobago, Phán quyết trọng tài, 11 tháng 4 năm 2006

[9] Phân định biển giữa  Guyana và Suriname, Phán quyết trọng tài, 17  tháng 9 năm 2007

[10] Phấn định biển tại biển Đen ( Rumania v. Ukraine), tr.61

[11] Bãi nửa nổi nửa chìm Fasht al Azm đã được coi là hoàn cảnh hữu quan với các khả năng hoặc là một bộ phận của đảo Sitrah, hoặc là có thể được sử dụng là điểm cơ sở để xác định đường cách đều hoặc là một bãi nửa nổi nửa chìm độc lập. Toà án kết luận rằng, trong tất cả các khả năng đều dẫn tới sự bất tương xứng về tỉ lệ chiều dài bờ biển, do vậy Fasht al Azm được coi là hoàn cảnh hứu quan dẫn đến việc điều chỉnh đường phân định chạy qua giữa Fasht al Azm và Qit’at ash Shajarah. (đoạn 218). Đồng thời, sự hiện diện của đảo nhỏ Qit’at Jaradah cũng được coi là hoàn cảnh hữu quan dẫn đến việc lựa chọn đường phân định biển chay qua sát phía đông của Qit’at Jaradah. Tuy nhiên, Toà không đưa ra giải thích cụ thể về hiệu lực của đảo này trong việc tạo ra sự bất tương xứng (đoạn 219).

[12] Trong vụ việc này, đầu tiên Toà không xem xét đặc điểm địa lý lõm của vịnh Guinea và bờ biển của Cameroon, đặc điểm này đã được hy vọng là rất tương đồng với đặc điểm địa lý của vụ Thềm lục địa biển Bắc và đã tạo ra hoàn cảnh hữu quan (đoạn 297). Thứ hai, Toà đã chấp nhận rằng sự hiện diện của các đảo có thể tạo thành hoàn cảnh hữu quan, đặc biệt khi các đảo nằm trong khu vực cần phân định và nằm ở vị trí gần bờ biển của quốc gia không có chủ quyền. Trong vụ việc này, đảo Bioko là lãnh thổ của quốc gia thứ ba, Guinea Xích đạo. Do đó, Toà kết luận, hiệu lực của đảo Bioko về phias trước của bờ biển của Cameroon có thể là vấn đề liên quan giữa Cameroon và Guinea Xích đạo, không phải giữa Cameroon và Nigeria; do vậy, Bioko không phải là hoàn cảnh hữu quan (đoạn 298-9). Thứ ba, Toà công nhận sự khác biệt lớn về độ dài bờ biển của các bên có thể dẫn đến sự điều chỉnh đường cách đều. Tuy nhiên, trong vụ việc này  bờ biển có liên quan của Nigeria không dài hơn bờ biển có liên quan của Cameroon, và phủ nhận sự hữu quan của tỷ lệ chiều dài bờ biển (đoạn 300-1). Cuối cùng, mặc dù các dự án dầu mỏ đôi khi có thể là hoàn cảnh hữu quan trong phân định biển như trong các vụ việc giữa Tunisia/Libya (Báo cáo của ICJ, 1982, tr.18), Vịnh Maine (Báo cáo của ICJ, 1984, tr.246), Guinea/Guinea Bissau ((1986) 25 ILM 251) và St Pierre và Miquelon (Vụ St Pierre và Miquelon  (1992) 31 ILM 1145), trong vụ việc này, Toà coi các dự án dầuu khí và sự tồn tại của các giếng dầu không phải là hoàn cảnh hữu quan dẫn đến sự điều chỉnh đường cách đều” (đoạn 304).

[13] Trong phân định lãnh hải, Trọng tài cho rằng không có danh nghĩa lịch sử hay đặc điểm địa lý nào có thể lý giải cho việc điều chỉnh biên giới biển (đoạn 297). Trong trường hợp phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Trọng tài cho rằng các bờ biển có liên quan không tạo ra vùng lõm rõ rệt. Do vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, Trọng tài kết luận rằng đặc điểm địa lý của các bờ biển liên quan không tạo ra hoàn cảnh hữu quan dẫn tới sự điều chỉnh đường cách đều để đạt tới giải pháp công bằng. Ngoài ra, đối với hành động của các bên, Trọng tài ủng hôk kết luận của các phán quyết trước đây trong vụ St-pierre và Miquelon, Lybia/Malta, Cameroon v. NigeriaBarbados v. Trinidad và Tobago rằng dự án dầ khí và sự tồn tại của các giếng dầu nhìn chung không toạ ra hoàn cảnh hữu quan dẫn tới sự điều chỉnh đường cách đều và do vậy thực tiễn hoạt động về dầu mỏ của các bên không được tính đến trong quá trình phân định biển của vụ việc này (đoạn 386-91, Phán quyết 2007).

[14] Trong vụ việc này, sự bất cân xứng về chiều dài bờ biển, bản chất kín của biển Đen, các phân định đã thực hiện trong khu vực, sự tồn tại của đảo Serpents tại khu vực cần phân định, thực tiễn của các bên về dầu mỏ, đánh bắt cá và tuần tra trên biển, tác động cắt giữa và cân nhắc về an ninh của các bên đã được Toà xem xét khi kết luận về hoàn cảnh hữu quan (đoạn 105-204 của Phán quyết 2009).

[15] Bowett, “Islands, Rocks and Low Tide Elevations in Maritime Boundary Delimitations” trong Jonathan I. Charney and Lewis M. Alexander, International Maritime Boundaries, (Dordrucht, Boston and London: Martinus Nijhoff Publishers, 1993, Vol.1), tr.131 tại 151.

[16] Vụ liên quan đến phân định thềm lục địa giữa Anh và Pháp, Phán quyết vào ngày 30 tháng 6 năm  1977, Báo cáo phán quyết trọng tài, (1979 )18 ILM, tr. 339

[17] Như trên, đoạn 144.

[18] Như trên, đoạn 189-202.

[19] Như trên, đoạn 243-251.

[20] Báo cáo của ICJ, 1993, tại đoạn 60-61 và 68-69.

[21] Báo cáo của ICJ, 1982, tại đoạn 79 và 126.

[22] Phân định biển tại Vịnh Maine (Mỹ  v. Canada), Phán quyết, Báo cáo của ICJ (1984), tr.246. Trong vụ này, đảo Seal, đảo Mud và các thực thể tiếp liền của Canada được trao 50% hiệu lực dựa trên kích thước và vị trí địa lý, Báo cáo của ICJ, 1984, đoạn 222.

[23] Đảo không có người cư trú Filfla của Malta đã bị bỏ qua trong phân định biển, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1985,đoạn 64.

[24] (1992) 31 ILM 1145

[25] Xem thêm chi tiết, bản đồ minh hoạ và lập luận của trọng tài về điểm này tại như trên, tr.1148 và đoạn 69-71.

[26] Eritrea/Yemen Arbitration, đoạn 147-8.

[27] Tuy nhiên, Toà không đưa ra giải thích cụ thể về việc giảm bớt hiệu  lực. Báo cáo của ICJ, 2001, tr.40, tại đoạn 219.

[28] Báo cáo của ICJ, 2002, tr.303, tại đoạn 298-9.

[29] Jonathan I. Charney and Lewis M. Alexander, Jonathan I. Charney and Lewis M. Alexander, International Maritime Boundaries, (Dordrucht, Boston and London: Martinus Nijhoff Publishers, 1993, Vol.1), Report 5-3, tr.929.

[30] Xem chi tiêt tại phân tích của Victor Prescott and Gillian Triggs, “Islands and Rocks and Their Role in Maritime Delimitation” in David Colson and Robert W. Smith (ed.), International Maritime Boundaries, (Leiden and Boston: Martinus Nijhoff Publisher, 2005, Vol.5), tr.3245 tại 3255-9.

[31] Đây cũng là kết luận của Bowett, “Islands, Rocks and Low Tide Elevations in Maritime Boundary Delimitations” in Jonathan I. Charney and Lewis M. Alexander, International Maritime Boundaries, (Dordrucht, Boston and London: Martinus Nijhoff Publishers, 1993, Vol.1), tr.131và Prescott, như trên.

[32] Vụ Thềm lục địa  (Tunisia v. Libya), Phán quyết, Báo cáo của ICJ (1982), tr.18.

[33] Đảo Jan Mayen là một ngoại lệ. Đảo này nằm độc lập trong phân định biển với Greenland mà không có sự liên quan đến lãnh thổ đất liền của Nauy. Tuy nhiên, vì Greenland cũng là một đảo, do vậy, hai đảo này có hiệu lực ngang nhau trong việc tạo ra các vùng biển. Do đó, việc giảm hiệu lực của Jan Mayen trong phân định biển không phải do Jan Mayen là đảo, mà vì sự bất cân xứng về độ dài bờ biển của hai đảo.

[34] Các thành viên của Công ước luật biển 1982 có yêu sách về vùng thềm lục địa vượt ra ngoài 200 hải lý phải đệ trình thông tin về ranh giới ngoài của thềm lục địa của họ lên CLCS càng sớm càng tốt nhưng trong mọi trường hợp phải trong vòng 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực với thành viên đó (Các nguyên tắc và thủ tục của Uỷ ban về Ranh giới ngoài của thềm lục địa- Rules and Procedure, Doc. CLCS/40 of 2 July 2004.). Do những khó khăn mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt khi chuẩn bị các thông tin cần đệ trình, tại phiên họp thứ 11 của các thành viên của Công ước vào năm 2001, các thành viên đã nhất trí rằng đối với các thành viên mà Công ước có hiệu lực từ ngày 13 tháng 5 năm 1999, thời hạn 10 năm được bắt đầu từ thời điểm này. (Quyết định liên quan đến thời điểm bắt đầu thời hạn 10 năm cho việc đệ trình lên CLCS được quy định tại Điều 4 của Phụ lục II của Công ước 1982, SPLOS/72 vào ngày 29 tháng 5 năm 2001, đoạn (a).)

[35] Xem đệ trình chung của Malaysia và Vietnam vào ngày 7 tháng 5 năm 2009 tại http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm và đệ trình của Việt Nam vào ngày 8 tháng 5 năm 2009 tại:

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm

[36] Đệ trình của Trung Quốc được nộp vào ngày 11 tháng 5 năm 2009, xem:

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/preliminary/chn2009preliminaryinformation_english.pdf;  Đệ trình của Brunei được nộp vào ngày 12 tháng 5 năm 2009, xem:

http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/preliminary/brn2009preliminaryinformation.pdf; Đệ trình của  Philippines được nộp vào ngày 8 tháng 4 năm 2009, xem:

 http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_phl_22_2009.htm

[37] Điều 121 quy định rằng:

1. Đảo là một vùng đất hình thành một cách tự nhiên, bao bọc bởi nước và luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên.

2. Trừ trường hợp được quy định tại khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa của đảo được xác định như các quy định của Công ước này áp dụng cho lãnh thổ đất liền.

3. Đảo đá không có khả năng cho con người cư trú hoặc đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

[38] Một số thảo luận về sự khó khăn trong việc giải thích điều này, xem Charney, “Rocks Cannot Sustainable Human Habitation” 93(1999) AJIL tr.863-77 và Kwiatkowska and Soons, “Entitlement to Maritime Areas of Rocks which Cannot Sustain Human Habitation or Economic Life of their Own” 21(1990) NYIL, 174, tr.139-181. Brown bình luận về diễn đạt của Điều 121(3) là “theo cách quy định hiện nay, Điều 121(3) dường như là một công thức hoàn hảo cho sự nhầm lẫn và xung đột”. Xem thêm tại Brown E.D., “Rockall and the Limits of National Jurisdiction of the UK” (Part I) (1978) Marine Policy, tr.181 tại 206.

[39] Đoạn 3 của Tuyên bố ngày 18 tháng 8 năm 2009 của Việt Nam và quan điểm tương tự của Malaysia tại đoạn 3 của Tuyên bố ngày 21 tháng 8 năm 2009.

[40] Đoạn 3 Tuyên bố ngày 8 tháng 7 năm 2010 của  Indonesia.

[41] Đoạn 2 Tuyên bố ngày 7 tháng 5 năm 2010 của Trung Quốc.

[42] Republic Act No 9522, Phần 2. Nhóm Kalayaan là tên gọi của một phần của Trường Sa theo tiếng  Philipino.

[43] Bản đồ được vẽ bởi chương trình Mapinfo. Các thực thể được đánh dấu bởi hình vuông màu xanh là những đảo lớn nhất về kích thước và có tiềm năng nhất về khẳ năng tạo ra đầy đủ các vùng biển (nếu được công nhận). Vùng chấm màu xanh là khu vực biển có khả năng chồng lấn giữa Trường Sa và đất liền. Triển vọng tương tự sẽ diễn ra với Hoàng Sa.

[44] Bản đồ được vẽ bằng chương trình Mapinfo. Chú thích tương tự như bản đồ 1 cũng được sử dụng tại bản đồ này. Đường màu đỏ vẽ thêm minh hoạ cho thềm lụa địa mở rộng mà Việt Nam và  Malaysia yêu sách.

[45] Cảm ơn sự chia sẻ bản đồ này từ  Clive Schofield và Robert Beckman

[46] Điều 123 quy định nghĩa vụ hợp tác của các quốc gia bao quanh biển kín hoặc nửa kín như sau: “Các quốc gia bao quanh biển kín hoặc nửa kín cần hợp tác với nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ thep quy định của Công ước này. Vì mục tiêu này, các quốc gia cần nỗ lực, một cách trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khu vực phù hợp:

(a) phối hợp quản lý, bảo tồn, thăm dò và khai thác tài nguyên sinh vật của biển;

(b) phối hợp thực hiện quyền và nghĩa vụ có liên quan đến việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển;

(c) phối hợp các chính cách nghiên cứu khoa học và thực hiên các dự án nghiên cứu khoa học chung phù hợp về biển;

(d) trong trường hợp thích hợp, mời các quốc gia có quan tâm, hoặc các tổ chức quốc tế hợp tác với các quốc gia ven biển để việc thực hiện của điều khoản này.