K.Subharamana, một chiến lược gia Ấn Độ, trong những ngày cuối đời đã bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng của một thỏa thuận của các nhà hoạch định chính sách Mỹ - Trung đối với Ấn Độ. Theo đó, Mỹ - Trung sẽ có một loạt thỏa hiệp chiến lược, bao gồm việc Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào nền kinh tế Mỹ để đổi lại một hiệp ước không chính thức không xâm phạm lẫn nhau, đặc biệt là phần liên quan đến vấn đề Đài Loan. Một số nhà phân tích Ấn Độ cho rằng đây là âm mưu của Trung Quốc sử dụng Mỹ để thực hiện mưu đồ bá quyền tại châu Á.

 

Theo thỏa thuận trên, Mỹ sẽ chuyển giao công nghệ cao sang Trung Quốc để đổi lại việc Trung Quốc đầu tư 1.000 tỷ USD vào ngành doanh nghiệp tư nhân tại Mỹ và với ưu thế về dân số, Trung Quốc sẽ dần trở thành nền kinh tế thống trị thế giới.

 

Ấn Độ cũng lo ngại việc Mỹ không thể hạn chế mãi được việc chuyển giao các thiết bị công nghệ cao cho Trung Quốc bởi đơn giản là Trung Quốc có thể mua các thiết bị đó từ châu Âu.

 

Thỏa thuận Mỹ - Trung mặc dù có đề cập tới Iran và Đài Loan nhưng hoàn toàn không nói gì tới Pakistan, kho vũ khí hạt nhân của nước này cũng như sự hợp tác về công nghệ tên lửa với Trung Quốc. K. Subharamana cho rằng đây có thể là sự thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Pakistan và khu vực Nam Á.

 

Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi điều khoản của thỏa thuận liên quan đến Đài Loan vì Trung Quốc có thể tái triển khai các lực lượng quân sự trước đây nhắm vào Đài Loan và Thái Bình Dương nay chuyển hướng nhắm vào Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Trong số 14 nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ là nước duy nhất có tranh chấp lãnh thổ công khai với Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã từ chối việc “sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên” trong khi tiếp tục củng cố lực lượng quân đội tại các khu vực Tây Tạng và Kashmir. Những nỗ lực nhằm nâng cao vai trò của Ấn Độ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng do phải lo đối phó với Trung Quốc.

 

Thời điểm đưa ra đề nghị trên cũng khá đáng ngờ khi nó được công bố ngay sau chuyến thăm của TTh Obama tới Ấn Độ và được nhìn nhận như một cố gắng của Trung Quốc hòng đẩy Mỹ ra xa Ấn bằng một đề nghị hỗ trợ kinh tế.

 

Theo ông K.Subharamana, Ấn Độ cần nhanh chóng cải thiện quan hệ với Mỹ và những ai ủng hộ chủ trương không liên kết cần xem lại lập trường của mình.

 

Minh Thảo, cộng tác viên tại Ấn Độ