Ngô Sĩ Tồn: Chính sách Biển Đông mới của Mỹ khiến các nước láng giềng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan

Lời giới thiệu

Ngày 28/3, trang mạng của Viện nghiên cứu Biển Đông đăng bài viết của Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc – Đông Nam Á, Viện trưởng Sáng lập Viện nghiên cứu Biển Đông với tựa đề “Chính sách Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) mới của Mỹ khiến các nước láng giềng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”. Giống như màu sắc chủ đạo trong các bài viết trước đây, Ngô Sĩ Tồn tiếp tục tập trung vào việc chỉ trích, lên án sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông. Ông cho rằng, chính quyền Biden đã bước sang năm thứ hai trong nhiệm kỳ của mình và dự báo chính quyền Mỹ sẽ triển khai phiên bản mới của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chính sách Biển Đông của Mỹ sẽ từng bước chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng, và gây ra nhiều tác động đối với chính sách Biển Đông của các nước xung quanh và tình hình Biển Đông nói chung. Đồng thời cho rằng, chính sách Biển Đông mới của Mỹ sẽ thúc đẩy các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Maláysia, Brunei điều chỉnh chính sách Biển Đông, ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-ASEAN, tạo thêm các biến số cho sự phát triển của tình hình trên biển, đồng thời tác động đến việc tái cấu trúc trật tự an ninh khu vực.

Tuy nhiên, không khó để nhận thấy tính chất tuyên truyền, đấu tranh dư luận qua bài nghiên cứu mang tính đả kích Mỹ bởi xét ở mọi khía cạnh, việc Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông đang phần nào kiềm chế sự bành trướng, bá quyền và tham vọng kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông của Trung Quốc.

Để phục vụ tư liệu nghiên cứu cho độc giả, Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu nội dung toàn bộ bài viết của Ngô Sĩ Tồn.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Sau khi xảy ra khủng hoảng Ukraine, Điều phối viên phụ trách châu Á của chính quyền Biden, Kurt Campbell, tuyên bố mặc dù khủng hoảng đang tiếp diễn, nhưng Mỹ vẫn sẽ tiếp tục quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông cho biết Mỹ từng can dự sâu vào khu vực này trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh. Điều này hàm ý sẽ không có bất kỳ sự thay đổi hay điều chỉnh nào trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như chính sách can dự của Mỹ vào các vấn đề ở châu Á-Thái Bình Dương chỉ vì xung đột ở Ukraine.

Xét ở một góc độ khác, hãy lắng nghe tiếng nói của lãnh đạo các nước châu Á. Bài viết của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, “Thế kỷ châu Á gặp nguy hiểm”, đăng trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ hồi tháng 6/2020 có đoạn viết: “Các nước châu Á-Thái Bình Dương không muốn phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ”. Xét ở một khía cạnh nào đó, đây là tiếng nói của hầu hết các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có các nước ASEAN, nhưng Mỹ dường như không cam tâm đánh mất nguồn sức mạnh to lớn do các đồng minh và đối tác mang lại. Trong đó, các quốc gia ven Biển Đông được Mỹ xem là quân bài mặc cả không thể thiếu để duy trì quyền bá chủ hàng hải và giành quyền chi phối trật tự hàng hải ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Đồng thời, việc Mỹ điều chỉnh chính sách Biển Đông ảnh hưởng đến cách thức một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc cũng là điều hiển nhiên. Năm nay là năm thứ hai trong nhiệm kỳ của Chính quyền Biden. Chính quyền Biden đã bước sang năm thứ hai trong nhiệm kỳ của mình. Điều này dự báo phiên bản mới của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chính sách Biển Đông của Mỹ sẽ từng bước chuyển sang giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng, và tác động của phiên bản mới này đối với chính sách Biển Đông  của các nước xung quanh và xu hướng triển khai chính sách trên biển của Mỹ thời gian tới cũng sẽ trở nên rõ ràng.

Chính sách Biển Đông mới của Mỹ nhằm xây dựng lại hệ thống liên minh và đối tác

Kể từ cuối những năm 1960, chính sách Biển Đông của Mỹ đã trải qua một số giai đoạn phát triển khác nhau. Từ thời điểm xảy ra tranh chấp Biển Đông đến giữa những năm 1990, Mỹ duy trì thái độ tương đối trung lập và quan tâm có chọn lọc đối với các tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và Malaysia về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán đối với một số đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa). Philippines nhiều lần yêu cầu Mỹ đưa vấn đề Biển Đông vào Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines, nhưng Mỹ đều từ chối “một cách khéo léo”. Cho đến khi xảy ra “sự cố đá Vành Khăn” giữa Trung Quốc và Philippines năm 1995, Chính phủ Mỹ mới đưa ra tuyên bố đầu tiên về vấn đề Biển Đông trong lịch sử, và lần đầu tiên tuyên bố rõ ràng về lợi ích tự do hàng hải vốn có của Mỹ trên Biển Đông. Đây là sự kiện đánh dấu việc Mỹ bắt đầu can dự vào vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, các đời tổng thống của chính quyền Mỹ – từ Clinton đến Bush (con) – đều hạn chế can dự vào các tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 7/2010, sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố trong khuôn khổ chiến lược “tái cân bằng” châu Á-Thái Bình Dương rằng Mỹ có những quan ngại và lợi ích lớn ở Biển Đông. Năm 2014, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ, Kang Da, một lần nữa tuyên bố việc Mỹ có được lợi ích quốc gia cao nhất ở Biển Đông là bước ngoặt quan trọng . Do đó, Mỹ đã bắt đầu lấy việc giành lấy lợi ích địa chính trị và kiềm chế Trung Quốc làm định hướng, tích cực can thiệp vào vấn đề Biển Đông trên các lĩnh vực như ngoại giao, quân sự, luật pháp và dư luận. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày 13/7/2020 đã cho thấy hai đặc trưng rõ ràng trong chính sách Biển Đông của Mỹ – đó là “can dự toàn diện” và “chọn bên”.

Mỹ lợi dụng vấn đề tự do hàng hải như một cái cớ để can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đồng, nhưng việc theo đuổi và duy trì quyền bá chủ khu vực trên biển mới là cân nhắc chiến lược hàng đầu của Mỹ, khiến nước này chuyển từ “hậu trường” ra “sân khấu”, từ “tương đối trung lập” sang “chọn bên”. Báo cáo “Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Biển Đông và biển Hoa Đông”, được Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) Mỹ cập nhật không định kì từ năm 2018, đã cho thấy bản chất của chính sách Biển Đông của Mỹ dưới sự chi phối của các lợi ích chiến lược, các mối đe dọa dựa trên sự tưởng tượng của Mỹ và mục tiêu kiềm chế Trung Quốc.

Nhiệm vụ của Chính quyền Biden là khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, trong đó có việc duy trì và củng cố quyền bá chủ của Mỹ ở Biển Đông. Theo đó, nội dung chính của chính sách Biển Đông mới của Mỹ từ khi Biden lên nắm quyền là tăng cường triển khai lực lượng chiến lược tuyến đầu, tái thiết quan hệ với các đồng minh và đối tác, xây dựng khuôn khổ an ninh đa phương hẹp bao gồm các quốc gia trong và ngoài khu vực. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chính quyền Biden sẽ tuân theo các mục tiêu và đường lối đã vạch ra trong chính sách mới, đồng thời thông qua nhiều cách thức và thủ đoạn đa dạng hơn để thực hiện các mục tiêu và lợi ích mong muốn ở Biển Đông.

Thứ nhất, Chính quyền Biden sẽ dựa vào các đồng minh và đối tác, cơ chế an ninh 4 bên (Bộ tứ) cũng như liên minh với Anh và Australia (AUKUS) để xây dựng cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương hẹp đan xen ở Biển Đông. Chính quyền Biden coi việc xây dựng lại mạng lưới đồng minh và đối tác là một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là biện pháp hữu hiệu để kiềm chế Trung Quốc. Việc tận dụng cơ chế an ninh Bộ tứ và AUKUS mới được thiết lập tương đối hoàn thiện và ổn định để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin tình báo quân sự, tiến hành hoạt động quân sự chung, phối hợp chính sách, sử dụng căn cứ và cơ sở của nhau.... Đây sẽ là cách thức quan trọng để Mỹ củng cố lợi thế so sánh của mình đối với Trung Quốc ở  Biển Đông và kiềm chế Trung Quốc mở rộng không gian địa chính trị. Ngoài việc tiếp tục lôi kéo Việt Nam và Philippines phối hợp xây dựng cơ chế ba bên ổn định trong khu vực, bao gồm cả việc hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ ngoại giao và tham gia tập trận chung ở Biển Đông, Mỹ còn có thể vận động Malaysia, Indonesia và Đài Loan thiết lập khuôn khổ hợp tác đa phương hẹp, tương đối lỏng lẻo và hợp tác song phương trên các lĩnh vực như xây dựng lực lượng cảnh sát biển tuần tra chung.

Thứ hai, Chính quyền Biden hướng tới mục tiêu xây dựng sức mạnh răn đe, đồng thời duy trì sự hiện diện quân sự tuyến đầu với cường độ cao ở Biển Đông  thông qua các lực lượng tác chiến và phương thức tác chiến mới. Đối với Mỹ, lực lượng bảo vệ bờ biển là lực lượng bổ sung quan trọng cho hải quân và thủy quân lục chiến, có thể đối phó với lực lượng hải cảnh và “lực lượng màu xám” là dân quân của Trung Quốc ở Biển Đông. Kể từ khi khởi động Chương trình quan sát viên trên tàu từ những năm 1970, Mỹ đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với 16 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thỏa thuận quan sát viên trên tàu dưới hình thức song phương với 11 quốc đảo Thái Bình Dương. Các thỏa thuận song phương này cho phép các quan chức quốc phòng và lực lượng thực thi pháp luật của các nước đối tác của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và Hải quân Mỹ khám xét các tàu bị nghi ngờ vi phạm luật hoặc quy định trong vùng đặc quyền kinh tế của nước đối tác. Thông qua việc ký kết các thỏa thuận song phương với chính quyền Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Đài Loan, định kỳ triển khai hoạt động tập trận chung, triển khai kế hoạch nâng cao năng lực, thăm các cảng và sử dụng căn cứ, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông và khu vực các nước láng giềng từng bước được bình thường hóa. Trong tương lai, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ hợp tác với các quốc gia và khu vực lân cận ở Biển Đông cũng như ký kết các thỏa thuận quan sát viên trên tàu để thực thi luật pháp tại vùng biển tranh chấp. Điều này cũng sẽ trở thành một nhân tố không xác định mới ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông trong thời gian tới.

Đồng thời, các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông từ đầu năm đến nay, vốn được xem là một phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách “răn đe toàn diện”, cho thấy Hạm đội 3 và Hạm đội 7 của quân đội Mỹ ở Biển Đông với biên đội tàu sân bay giữ vai trò chủ đạo, đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng trinh sát trên không và lực lượng tấn công để từng bước bình thường hóa việc triển khai các hoạt động nhằm thể hiện sức mạnh răn đe đối với Trung Quốc.

Thứ ba, trên cơ sở phán quyết của Tòa trọng tài, Mỹ phủ nhận hoàn toàn các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời thể hiện sự ủng hộ một cách rõ ràng hoặc âm thầm đối với các đồng minh và đối tác. Do đó, cuộc chiến pháp lý giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông lại tái diễn một lần nữa. Kể từ khi có phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7/2016, Mỹ luôn thông qua nhiều hình thức khác nhau, lợi dụng các diễn đàn và cơ chế quốc tế để biến phán quyết thành công cụ kiềm chế Trung Quốc, đồng thời thông qua các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên cũng như các tuyên bố và báo cáo của chính phủ để thách thức địa vị pháp lý của các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 1/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố “Báo cáo ranh giới biển” lần thứ tư trong lịch sử có nội dung liên quan đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đặt nghi vấn về “đường 9 đoạn” và các yêu sách lịch sử ở Biển Đông, địa vị pháp lý của bộ phận đảo và đá ngầm ở Biển Đông, yêu sách tổng thể về các vùng biển, quần đảo xa bờ và đường cơ sở thẳng. Rõ ràng, Mỹ đã coi cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trở ngại duy nhất và lớn nhất đối với mong muốn chi phối việc thiết lập các quy tắc và trật tự ở Biển Đông. Không khó để nhận thấy Chính quyền Biden sẽ tiếp tục sử dụng phán quyết của Tòa trọng tài để lôi kéo các đồng minh và đối tác “cùng chí hướng” trong khu vực, đồng thời kiên trì gây sức ép với Trung Quốc dựa trên cái gọi là “luật pháp quốc tế” trong các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khó khăn đối với các nước láng giềng và rào cản cho tiến trình hợp tác trong khu vực Biển Đông

Các nước  xung quanh là yếu tố quyết định thành bại đối với chính sách Biển Đông mới của Mỹ. Sự ủng hộ về ngoại giao và quân sự của Mỹ cũng làm phong phú thêm sự lựa chọn trong chính sách Biển Đông của các nước có tuyên bố chủ quyền. Các nước xung quanh có phản ứng khác nhau đối với chính sách Biển Đông mới của Mỹ do mức độ thân thiết khác nhau trong mối quan hệ song phương giữa những nước này và Mỹ. Tuy nhiên, xuất phát từ những tính toán lợi ích của mỗi nước,  trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông ngày càng gay gắt, các nước ngày càng khó có thể duy trì sự cân bằng hoặc “không chọn bên”. Do đó, khuynh hướng “chọn bên” ngày càng rõ nét.

Thứ nhất, chính sách Biển Đông của Philippines sẽ dần nghiêng về phía ủng hộ Mỹ, thể hiện ở việc Philippines muốn triển khai sức mạnh đối với Trung Quốc và liên tục có các hành động khiêu khích đơn phương. Mặc dù chính quyền Trump đã đáp ứng yêu cầu đưa Biển Đông vào phạm vi áp dụng của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines vốn được Philipines phấn đấu và hi vọng từ những năm 1970, nhưng sự biến động của môi trường xung quanh quan hệ Mỹ-Philippines đã khiến cho việc thực hiện cam kết này trở nên khó khăn. Trong bối cảnh Chính quyền Biden đang từng bước khắc phục những lỗ hổng trong quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines do chính quyền Trump để lại  các thế lực thân Mỹ tại Philippines đã giành lại ảnh hưởng chính trị bằng cách tận dụng giai đoạn chuyển giao quyền lực, khả năng Philippines đã quay trở lại với vai trò là đại diện của Mỹ ở Biển Đông như dưới thời Tổng thống Aquino III. Ngoài việc đưa ra lập trường cứng rắn về vấn đề phán quyết của Tòa trọng tài, không loại trừ khả năng trong tương lai, Philippines có thể sẽ cung cấp thêm căn cứ quân sự cho Mỹ, tham gia tích cực hơn vào các cuộc tập trận với quân đội Mỹ ở Biển Đông, cũng như phối hợp với lực lượng cảnh sát biển và hải quân của Mỹ thực hiện những hành động khiêu khích đối với cảnh sát biển, dân quân trên biển và tàu cá của Trung Quốc ở vùng biển này. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các công ty dầu khí và cơ quan ngoại giao của Mỹ và các nước phương Tây, khả năng Philippines có thể sẽ đơn phương triển khai hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về năng lượng dường như ngày càng lớn.

Thứ hai, nhu cầu chiến lược của Mỹ trong việc tìm kiếm “quốc gia đại diện” mới ở Biển Đông tạo không gian mới cho Việt Nam trong việc mở rộng trang bị quân sự trên biển, thúc đẩy hoạt động đơn phương khai thác dầu khí, xây dựng và mở rộng đảo và đá ngầm tại các khu vực tranh chấp đồng thời thu được lợi ích từ cả hai bên Mỹ và Trung Quốc.

Từ các cuộc trao đổi cấp cao  các chuyến thăm cảng tàu sân bay trong các đợt chuyển giao vũ khí và những lần chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến  Biển Đông, Mỹ và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác an ninh toàn diện ở mức gần như là đồng minh để đối phó với Trung Quốc ở khu vực này. Việt Nam đã tranh thủ thời cơ và tận dụng lợi thế để triển khai các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương tại các khu vực tranh chấp; thực hiện hành dộng chiếm đóng trái phép các đảo và bãi đá ngầm, mở rộng và triển khai các cơ sở tại đây. Trong tương lai, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phối hợp chính sách với chính quyền Biden ở Biển Đông, tận dụng sức mạnh và sự ủng hộ của các nước bên ngoài khu vực như Mỹ để đẩy mạnh hoạt động đơn phương khai thác dầu khí tại lô 05-1 bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa và mỏ khí Cá Voi Xanh nằm trên đường đứt đoạn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai các cơ sở quân sự tại các bãi đá ngầm như đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca cũng như thông qua việc tăng cường số lượng cán bộ nhân viên và trang thiết bị quân sự để kiềm chế Trung Quốc. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông.

Thứ ba, Malaysia và Indonesia sẽ ngày càng  liều lĩnh hơn trong việc thúc đẩy khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp do chọn đứng về phía Mỹ. Tuy nhiên, hai nước này vẫn sẽ tìm cách để vấn đề Biển Đông không ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa họ với Trung Quốc, cũng như quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN. Tuy nhiên, trước việc tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc với Malaysia và Indonesia ngày càng leo thang và việc Mỹ không ngừng vận động, lôi kéo các nước, khiến chính sách Biển Đông của Malaysia và Indonesia trong tương lai  sẽ khó có thể xác định đường hướng rõ ràng. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Malaysia trong khai thác dầu khí ở cụm bãi cạn Luconia và tranh chấp giữa Trung Quốc và Indonesia ở vùng biển phía Tây Nam quần đảo Trường Sa đã tạo cơ hội cho Mỹ lợi dụng vấn đề Biển Đông để triển khai chiến lược “ngoại giao đối tác Biển Đông” với hai nước Malaysia và Indonesia. Do đó, trong khuôn khổ đối thoại chiến lược song phương, việc tiến hành trao đổi “lợi ích thay thế” với  xung quanh vấn đề  Biển Đông, ủng hộ nước này triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông để đổi lấy sự ủng hộ của Chính quyền Biden đối với hoạt động khai thác dầu khí có sự tham gia của công ty ExxonMobil tại khu vực Đông Natuna thuộc quần đảo Trường Sa, sẽ trở thành một trong những lựa chọn chính sách của Indonesia để giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Về phần mình, mặc dù còn e dè trong việc công khai hợp tác với Mỹ về vấn đề  Biển Đông, song Malaysia cũng sẽ tận dụng tốt sự cản trở của Mỹ đối với Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch đấu thầu và thăm dò các lô dầu khí ở vùng biển tranh chấp như Sarawak và Sabah.

Ngoài ra, quyết tâm chính trị của các nước như Philippines và Việt Nam đối với việc hợp tác thiết thực trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và việc triển khai hợp tác thiết thực trên biển trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng sẽ bị suy yếu do ảnh hưởng của chính sách  Biển Đông mới của Mỹ. Đặc biệt, một số quốc gia có tranh chấp ưu tiên khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp và tiến hành xây dựng trên các các đảo, đá đang kiểm soát. Về đề xuất hợp tác khai thác tài nguyên biển do Trung Quốc khởi xướng, những nước này hoặc làm ngơ, hoặc là muốn nhưng lại vờ không muốn.

Tái cấu trúc trật tự an ninh trên biển sau khủng hoảng Ukraine

Chính sách Biển Đông mới của Mỹ đã thúc đẩy các nước láng giềng điều chỉnh chính sách của họ đối với vùng biển này, ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-ASEAN, tạo thêm các biến số cho sự phát triển của tình hình trên biển, đồng thời tác động đến việc tái cấu trúc trật tự an ninh khu vực.

Thứ nhất, nguy cơ bất ổn ở  Biển Đông gia tăng. Trò chơi quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ do Mỹ phát động và các yếu tố như sự ủng hộ vô nguyên tắc của Mỹ đối với các nước có tranh chấp đều đi ngược với thỏa thuận mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đảm bảo an ninh chung thông qua đối thoại và tham vấn, tăng cường lòng tin lẫn nhau và kiểm soát rủi ro. Gần đây, quân đội Mỹ đã triển khai nhiều biên đội tàu sân bay, lực lượng tác chiến đổ bộ và tàu ngầm hạt nhân đến Biển Đông nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc cũng như để đảm bảo an ninh cho Mỹ và các đồng minh. Nhưng trên thực tế, việc Mỹ gia tăng các hành động quân sự ở  Biển Đông đã tác động tiêu cực đến an ninh khu vực. Ngoài ra, việc Mỹ chuyển giao vũ khí và hỗ trợ ngoại giao cho các nước có tranh chấp như Việt Nam và Philippines cũng làm tăng nguy cơ xung đột giữa các nước có tranh chấp do các hoạt động kiểm soát và xây dựng các đảo đá, khai thác dầu khí, đánh bắt cá và quản lý biển.

Thứ hai, việc xây dựng trật tự khu vực ở Biển Đông dựa trên các quy tắc không mấy khả quan.

Nắm giữ quyền thiết lập quy tắc là một trong những nhu cầu lợi ích chủ yếu của Mỹ ở Biển Đông. Dựa trên sự cân nhắc chiến lược này, kể từ năm 2019, Mỹ đã thay đổi lập trường về đàm phán COC – từ “thúc đẩy” sang “ngăn chặn” – và đã bắt đầu lợi dụng các nước tham gia đàm phán COC như Việt Nam và Philippines để gây ảnh hưởng đối với tiến trình và nội dung đàm phán COC. Các nước có tranh chấp như Việt Nam, Philipines một mặt cân nhắc nhu cầu lợi ích của mình, mặt khác, dưới ảnh hưởng của Mỹ, bắt đầu đưa ra những lập luận hưởng ứng lập trường của Mỹ như “không làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba”. Thêm nữa,  những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc của cục diện quốc tế do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra khiến cho  Biển Đông  – chiến trường của các nước lớn – khó tránh khỏi bị tác động. Do đó, đàm phán COC dự kiến sẽ gặp phải những khó khăn và thách thức chưa từng có.

Thứ ba, “cạnh tranh” thay thế “hợp tác” có thể sẽ trở thành xu hướng chính của những diễn biến ở Biển Đông trong tương lai.

Hợp tác thiết thực trên biển trong các lĩnh vực như thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm cứu nạn và kiểm soát rủi ro là ý tưởng của DOC, cũng là mục tiêu chung trong đàm phán COC. Chính quyền Biden đã định nghĩa quan hệ Trung-Mỹ bằng hai từ “cạnh tranh”, theo đuổi ưu thế quân sự để nắm quyền định đoạt các quy tắc ở  Biển Đông.  Cho dù có sự tương tác an ninh trên Biển Đông thì hai nước Mỹ và Trung Quốc cũng không thể thoát khỏi “tình trạng khó khăn của “Trò chơi có tổng bằng 0”,  đồng thời cũng tạo những thách thức đến tiến trình hợp tác trên biển đã được khởi động giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, khiến hợp tác trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, bảo về nguồn cá và thực thi pháp luật tại khu vực tranh chấp giữa các nước có tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Malaysia ngày càng đi vào bế tắc.

Năm 2022 đánh dấu 20 năm ngày ký DOC. Mười năm đầu tiên sau khi ký DOC là 10 năm quý báu trong việc duy trì ổn định ở Biển Đông. Từ năm 2012 trở lại đây, tình hình  Biển Đông  bắt đầu  xuất hiện tình trạng căng thẳng leo thang thậm chí bất ổn trong thời gian dài. Về vấn đề này, Mỹ là bên có lỗi và nhân tố Mỹ phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Mặc dù Trung Quốc và các nước ASEAN đều tin rằng COC sẽ trở thành “vũ khí quan trọng” để duy trì an ninh lâu dài ở  Biển Đông, nhưng điều này chắc chắn đòi hỏi sự định hướng về chính sách và nỗ lực chung của tất cả các nước trong khu vực. Đặc biệt, các nước tranh chấp có liên quan cần xử lý ổn thỏa quan hệ song phương với Mỹ về vấn đề Biển Đông, tránh trở thành quân bài để Mỹ lợi dụng nhằm kiềm chế Trung Quốc ở vùng biển này, không nên vì mong muốn tối đa hóa lợi ích của mình mà làm ảnh hưởng đến đại cục. Để hóa giải những thách thức từ các nước ngoài khu vực như Mỹ đối với đàm phán COC, đẩy mạnh hợp tác thiết thực trên biển, kiểm soát nguy cơ và phát triển an ninh chung, các nước trong khu vực cần tranh thủ thời gian để xây dựng chính sách chung, thiết lập cơ chế hữu hiệu và tăng cường mối quan hệ lợi ích của Cộng đồng chung vận mệnh Biển Đông.

Lan Quyên gt