Báo cáo “Giới hạn trên Biển” số 150

Bản tóm tắt các điểm chính

Nghiên cứu này xem xét các yêu sách biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) trên Biển Đông. Các yêu sách biển bành trướng của CHND Trung Hoa ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước/UNCLOS).

CHND Trung Hoa khẳng định bốn loại yêu sách biển* ở Biển Đông:

  • Yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển. CHND Trung Hoa yêu sách “chủ quyền” đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông, vốn chìm dưới mặt nước biển khi thuỷ triều dâng cao và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể như vậy không phải là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển như lãnh hải.
  • Đường cơ sở thẳng. CHND Trung Hoa đã vẽ hoặc khẳng định quyền được vẽ “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo, vùng nước và các thực thể chìm trong các vùng không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông. Không có nhóm nào trong số bốn “nhóm đảo” mà CHND Trung Hoa yêu sách chủ quyền ở Biển Đông (“Quần đảo Đông Sa,” “Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam - người dịch chú thích),” “Quần đảo Trung Sa,” và “Quần đảo Nam Sa” (Trường Sa của Việt Nam - người dịch chú thích) đáp ứng các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo UNCLOS. Ngoài ra, không có một quy chế tập quán quốc tế đặc biệt nào ủng hộ quan điểm của CHND Trung Hoa rằng nước này có thể xác định các đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm đảo.
  • Các vùng biển. CHND Trung Hoa khẳng định các yêu sách về nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên việc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này yêu sách chủ quyền là “một thực thể đơn nhất”. Yêu sách này không được luật pháp quốc tế cho phép. Phạm vi của các vùng biển phải được tính từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước thủy triều thấp dọc theo bờ biển. Trong các vùng biển mà nước này yêu sách, CHND Trung Hoa cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.
  • Các quyền lịch sử. CHND Trung Hoa khẳng định có “các quyền lịch sử” ở Biển Đông. Yêu sách này không có cơ sở pháp lý và được CHND Trung Hoa khẳng định mà không có bất kỳ diễn giải cụ thể nào về bản chất của “các quyền lịch sử” mà nước này đã yêu sách.

Ảnh hưởng tổng thể của các yêu sách biển này là việc CHND Trung Hoa yêu sách chủ quyền hoặc một số loại đặc quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông một cách bất hợp pháp. Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều điều khoản của luật quốc tế được công nhận rộng rãi như được phản ánh trong UNCLOS. Vì lý do này, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những yêu sách này của CHND Trung Hoa để ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trên toàn thế giới.

Giới thiệu

Nghiên cứu này được xây dựng dựa trên báo cáo Giới hạn trên biển số 143 (2014) phân tích yêu sách “đường đứt đoạn” không rõ ràng của CHND Trung Hoa (CHND Trung Hoa) ở Biển Đông.  Giới hạn trên biển số 143 kết luận rằng đường đứt đoạn của CHND Trung Hoa không phải ranh giới quốc gia hợp lệ, yêu sách theo đường này không phải yêu sách hợp lệ về quyền lịch sử tại Biển Đông. Nghiên cứu cũng kết luận, các yêu sách biển của CHND Trung Hoa trong đường đứt đoạn chỉ phù hợp với luật quốc tế nếu giới hạn trong các vùng biển phát sinh từ thực thể đất liền (như từ lục địa và đảo), theo các điều khoản có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).  

Năm 2016, sau khi xem xét yêu sách của CHND Trung Hoa, Tòa trọng tài xác lập bởi UNCLOS đã đưa ra kết luận tương tự trong Vụ kiện Biển Đông (Cộng hòa Philippines kiện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết thống nhất chung thẩm và ràng buộc đối với Philippines và CHND Trung Hoa  rằng:

Yêu sách của CHND Trung Hoa về quyền lịch sử, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác đối với các khu vực tại Biển Đông bao gồm phần liên quan của “đường 9 đoạn” là trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lý vì vượt quá giới hạn địa lý và thực chất các quyền trên biển CHND Trung Hoa được hưởng theo UNCLOS… UNCLOS thay thế mọi quyền lịch sử, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá giới hạn UNCLOS đề ra.

Ngay sau khi phán quyết được ban hành, CHND Trung Hoa đưa ra tuyên bố  và sách trắng  mới, trong đó nêu cách diễn giải mới về các yêu sách biển ở Biển Đông. CHND Trung Hoa cũng đã gửi nhiều công hàm lên Liên Hợp quốc và các quốc gia thành viên, trong đó mô tả các yêu sách ở Biển Đông của nước này bằng các thuật ngữ tương tự (Phụ lục 2). Các tài liệu này đề cập đến một loạt các yêu sách biển của CHND Trung Hoa ở Biển Đông, bao gồm yêu sách liên quan đến quyền lịch sử, đường cơ sở và các vùng biển được yêu sách từ các đảo, nhóm đảo và các thực thể trên biển khác.

Nghiên cứu Giới hạn trên biển 150 xem xét các diễn giải mới về yêu sách Biển Đông của CHND Trung Hoa sau khi phán quyết trong Vụ kiện Biển Đông được công bố. Vì CHND Trung Hoa không cụ thể hóa yêu sách Biển Đông trong luật hoặc quy định trong nước, nghiên cứu này dựa trên các tuyên bố chính thức của CHND Trung Hoa, các văn bản lập trường và các trao đổi kênh ngoại giao để đánh giá đặc điểm và tương thích của các yêu sách này với luật pháp quốc tế.

Phần tiếp theo cung cấp Tổng quan Địa lý Biển Đông. Sau đó, phần Cơ sở phân tích: i) tóm tắt các yêu sách biển của CHND Trung Hoa ở Biển Đông và bàn về các quy định của luật biển quốc tế có liên quan đến các yêu sách đó; ii) xem xét các yêu sách biển của CHND Trung Hoa từ góc độ địa lý và pháp lý chiếu theo tính tương thích với luật biển quốc tế. Phần Kết luận tóm tắt kết quả phân tích của nghiên cứu này về yêu sách biển của CHND Trung Hoa ở Biển Đông.

Tổng quan Địa lý Biển Đông

Biển Đông là một vùng biển lớn, nửa kín, bao bọc bởi Brunei, CHND Trung Hoa, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam (Bản đồ 1). Biển Đông có nhiều đảo nhỏ gồm các nhóm đảo cách xa đường bờ biển của các quốc gia ven biển gần nhất. Ở trạng thái tự nhiên, các đảo này có tổng diện tích đất liền chỉ khoảng 15 km2. Ngoài ra, Biển Đông còn có rất nhiều bãi cạn lúc nổi lúc chìm hoặc chìm hoàn toàn, không được coi là “đảo” theo luật quốc tế.  

Bản đồ 1 biểu thị các thực thể liên quan đến nghiên cứu này, bao gồm:

  • Đảo Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa). Pratas là hòn đảo lẻ duy nhất tiếp giáp với Rạn san hô Pratas và nằm ở phần đông bắc Biển Đông, cách lục địa CHND Trung Hoa 130 hải lý về phía nam.
  • Quần đảo HoàngQuần đảo nằm ở phía tây bắc Biển Đông, gần như cách đều Hải Nam và phần đất liền Việt Nam.
  • Bãi Macclesfield.  Macclesfield là thực thể lớn và chìm hoàn toàn, nằm ở phía đông nam quần đảo Hoàng Sa. Bãi dài khoảng 70 hải lý và rộng 40 hải lý.
  • Bãi Scarborough. Scarborough là một rạn san hô hình tam giác được bao bọc bởi các hòn đảo nhỏ, nằm giữa Macclesfield và đảo Luzon của Philippines.
  • Quần đảo Trường Quần đảo trải dài trên một khu vực địa lý rộng lớn tại phía nam Biển Đông. Nhóm đảo này nằm xen kẽ với nhiều rạn san hô, bãi cạn và các thực thể ngập nước khác. Đảo Itu Aba (Ba Bình) là đảo lớn nhất, có diện tích dưới 0,5 km2 ở trạng thái tự nhiên.
  • Bãi cạn James Bãi cạn James Shoal nằm về phía nam của quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Malaysia khoảng 60 hải lý về phía bắc. Thực thể chìm này nằm dưới mực nước biển khoảng 20 mét.

CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các đảo ở Biển Đông (và nhiều thực thể biển khác, như đề cập bên dưới). Mỗi đảo hoặc nhóm đảo đều được ít nhất một bên khác yêu sách: Philippines (bãi cạn Scarborough và một số thực thể tại Trường Sa), Malaysia (một số thực thể tại Trường Sa), Brunei (Bãi đá ngầm Louisa, thuộc Trường Sa), Việt Nam (Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) và Đài Loan (tất cả các đảo và nhóm đảo). Các thực thể địa lý được mô tả phía trên nằm trong các đường đứt đoạn xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên một số bản đồ của Chính quyền Trung Hoa Dân quốc xuất bản vào năm 1947 (Bản đồ 1).  Phía nam Biển Đông có Quần đảo Natuna, có vẻ như nằm bên ngoài các đường đứt đoạn và không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Báo cáo “Giới hạn trên Biển” số 150

Bản đồ 1. Bản đồ toàn cảnh Biển Đông với các thực thể chính theo đánh dấu.

Cơ sở phân tích

Cơ sở để phân tích yêu sách biển của CHND Trung Hoa trong nghiên cứu này là luật biển quốc tế, được phản ánh trong UNCLOS.  CHND Trung Hoa đã phê chuẩn UNCLOS vào ngày 7/6/1996. UNCLOS có giá trị ràng buộc đối với CHND Trung Hoa và các bên khác như vấn đề của luật điều ước quốc tế.  Hoa Kỳ coi các điều khoản cơ bản của UNCLOS được trích dẫn trong phần này là phản ánh luật tập quán quốc tế có giá trị ràng buộc đối với tất cả các Quốc gia, giống như quan điểm của các tòa án và cơ quan tài phán quốc tế.

Phần sau đây mô tả ngắn gọn các yêu sách biển của CHND Trung Hoa ở Biển Đông và các điều khoản của luật biển quốc tế liên quan đến các yêu sách này.

Tóm tắt các yêu sách biển của CHND Trung Hoa ở Biển Đông

Nghiên cứu này đề cập đến 4 yêu sách của CHND Trung Hoa ở Biển Đông: (1) tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể biển; (2) đường cơ sở; (3) vùng biển và (4) quyền lịch sử.

(1) Tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể biển. CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền đối với bốn “nhóm đảo” ở Biển Đông. Các yêu sách này bao gồm các yêu sách chủ quyền đối với các đảo thực thụ và với các thực thể biển không đáp ứng định nghĩa “đảo” theo UNCLOS,  ví dụ như các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hay các thực thể nằm dưới đáy biển chìm hoàn toàn trong nước. Nghiên cứu này chỉ xem xét loại thứ hai - các thực thể biển không được coi là đảo.

(2) Đường cơ sở. CHND Trung Hoa đã vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh một trong các nhóm đảo Biển Đông - quần đảo Hoàng Sa (nhằm coi tất cả các vùng nước bên trong là vùng nội thủy).  Tuy nhiên, các tuyên bố của CHND Trung Hoa chỉ ra rằng các đường cơ sở thẳng “sẽ được áp dụng” cho tất cả các đảo và nhóm đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền.  

(3) Các vùng biển. Thông qua nội luật và tuyên bố đơn phương, CHND Trung Hoa yêu sách lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa tại Biển Đông.  CHND Trung Hoa khẳng định rằng các vùng biển này được “dựa trên Nam Hải chư đảo” bao gồm 4 “nhóm đảo” (và các thực thể liên quan) mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền và xem là các thực thể thống nhất.

(4) Quyền lịch sử. Sau phán quyết của Tòa trọng tài như đã được đề cập ở trên, CHND Trung Hoa khẳng định rõ ràng yêu sách về “các quyền lịch sử" ở Biển Đông.  Kể từ đó, CHND Trung Hoa lặp lại yêu sách này trong các văn bản trao đổi tới Liên hợp Quốc và các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc.

Tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể trên biển

Nguyên tắc cơ bản của luật biển quốc tế là “đất thống trị biển”: đất là “nguồn gốc pháp lý của quyền lực” của một quốc gia ven biển để thực hiện thẩm quyền đối với vùng biển cận kề.  Theo đó, với yêu sách về chủ quyền thực thể, ta cần phân biệt (1) các thực thể thuộc lãnh thổ đất liền theo đúng nghĩa pháp lý và (2) các thực thể chìm (dưới mực nước biển) ở trạng thái tự nhiên. Loại (1) có thể mở rộng các vùng biển, trong khi đó, quy chế pháp lý của loại (2) phụ thuộc vào vùng biển mà thực thể nằm trong.

Lãnh thổ đất liền bao gồm vùng đất lục địa và các đảo. Đây có thể là đối tượng để yêu sách chủ quyền một cách hợp pháp (có khả năng là đối tượng thụ đắc) và có thể tạo ra các vùng biển, cụ thể là lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Bảng 1).  Điều 121 của UNCLOS định nghĩa “đảo” là “một vùng đất được hình thành tự nhiên, được bao quanh bởi nước, nổi trên mặt nước khi thủy triều lên.” Các đảo nói chung được hưởng các vùng biển giống như các lãnh thổ đất liền (lục địa) khác (Điều 121 (2)). Tuy nhiên, Đoạn 3 của Điều 121 đưa ra ngoại lệ đối với các đảo là “đảo đá không thể duy trì đời sống con người hoặc đời sống kinh tế riêng”. Loại đảo này “sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.”

Các thực thể chìm và bãi cạn lúc chìm lúc nổi là một phần của không gian biển và quy chế của các thực thể được luật biển điều chỉnh. Chủ quyền của quốc gia ven biển kéo dài từ lãnh thổ đất liền của quốc gia tới lãnh hải liền kề. Tuy nhiên, các thực thể chìm và bãi cạn lúc chìm lúc nổi nằm ngoài ranh giới lãnh hải không thể thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Ngoài ra, các thực thể này dù nằm ở đâu cũng không có vùng biển riêng (Bảng 1).

Bảng 1. Đặc điểm địa lý và quyền lợi hàng hải.

Báo cáo “Giới hạn trên Biển” số 150

Việc gọi tên các thực thể địa lý (như đảo san hô, bờ biển, đảo, rạn san hô, đá hay bãi cạn…) không quyết định quy chế pháp lý của thực thể là đảo hay thực thể chìm hay không. Thay vào đó, quy chế của thực thể chỉ dựa trên các đặc điểm thực tế liên quan đến các tiêu chí đặt ra trong UNCLOS (tóm tắt trong Bảng 1). Quy chế của một thực thể cũng phải được đánh giá dựa trên trạng thái tự nhiên.  Hoạt động cải tạo đảo hoặc các hoạt động khác của con người làm thay đổi trạng thái tự nhiên của bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoặc thực thể chìm hoàn toàn không thể biến các thực thể này thành đảo.   Tương tự, một đảo là “đảo đá” theo Điều 121 (3) không thể biến thành “đảo” được hưởng đầy đủ các vùng biển thông qua hoạt động bồi đắp của con người.  UNCLOS quy định rằng “các đảo, các công trình và cấu trúc nhân tạo không có quy chế đảo” (Điều 60 (8)).

Đường cơ sở

Trong Phần II của UNCLOS, luật quốc tế đưa ra các quy định xác định đường cơ sở - đường để từ đó xác định giới hạn của các vùng biển.  Điều 5 xác định đường cơ sở thông thường là “ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, được thể hiện trên các hải đồ có tỉ lệ lớn và được quốc gia ven biển chính thức công nhận.” Các điều khoản liên quan bổ sung thuộc Điều 6 (về đá ngầm), Điều 9 (về cửa sông), Điều 10 (về vịnh), Điều 11 (về cảng), Điều 12 (về vũng tàu) và Điều 13 (bãi cạn lúc chìm lúc nổi).

UNCLOS cũng cho phép phương pháp vẽ đường cơ sở thẳng nhưng chỉ khi quốc gia ven biển đáp ứng các điều kiện nhất định, cụ thể là (1) “nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm” hoặc (2) nơi có một chuỗi đảo nằm sát và chạy dọc theo bờ biển” (Điều 7, khoản 1).  Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã kết luận rằng:

… phương pháp vẽ đường cơ sở thẳng, là ngoại lệ đối với các quy tắc xác định đường cơ sở thông thường, chỉ có thể được áp dụng nếu một số điều kiện được đáp ứng. Phương pháp phải được áp dụng một cách hạn chế. Những điều kiện chủ yếu là đường bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm, hoặc có chuỗi đảo nằm sát và dọc bờ biển.

Khi điều kiện địa lý ven biển cho phép thiết lập đường cơ sở thẳng, Điều 7 quy định các yêu cầu bổ sung đối với việc vẽ các đường cơ sở thẳng. Các điều khoản liên quan nêu rõ rằng “việc vẽ các đường cơ sở thẳng không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển”, “các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đắt liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy”, “đường cơ sở thẳng… không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi” trừ một số trường hợp hãn hữu, “hệ thống đường cơ sở thẳng sẽ không được áp dụng… nếu làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi vùng biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế” (Điều 7, đoạn 3 đến đoạn 6).

Phần IV của UNCLOS đưa ra các quy tắc liên quan đến các đường cơ sở quần đảo – đường nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và và các rạn đá ngầm khô của quần đảo. Điều 47 quy định các quy tắc chi tiết để vẽ các đường cơ sở quần đảo, bao gồm cả độ dài của từng phân đoạn và tỷ lệ giữa diện tích nước với diện tích đất được bao quanh bởi các đường cơ sở (phải nằm trong khoảng từ tỷ lệ 1:1 đến 9:1). Tuy nhiên, những đường cơ sở như vậy chỉ có thể được vẽ bởi “quốc gia quần đảo” - “quốc gia được tạo thành hoàn toàn bởi một hoặc nhiều quần đảo và có thể bao gồm các đảo khác” (Điều 47 (1), 46 (a)). Phán quyết của tòa án và tòa trọng tài,  và thực tiễn vẽ đường cơ sở của các quốc gia phải là quốc gia quần đảo,  khẳng định rằng các quốc gia lục địa có quần đảo không được vẽ đường cơ sở quần đảo.

Các điều khoản của UNCLOS được đề cập ở trên quy định một cách toàn diện về các đường cơ sở mà quốc gia ven biển có thể xác lập. Nếu không đáp ứng các điều kiện cụ thể được mô tả trong các điều khoản trên, UNCLOS yêu cầu sử dụng đường cơ sở thông thường. Như đã nêu trong Điều 5, “trừ khi có quy định ngược lại trong Công ước, đường cơ sở thông thường” là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển.

Vùng nước ở phía đất liền của đường cơ sở là vùng nội thủy (Điều 8), bao gồm vùng nước trong các đường khép kín liên quan đến đá ngầm, cửa sông, vịnh và cảng (Điều 6, 9, 10 và 11).  

Vùng biển

Luật quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS, bao gồm các quy tắc điều chỉnh quyền của một quốc gia ven biển đối với các vùng biển.

Phần II của UNCLOS đưa ra các quy định điều chỉnh lãnh hải – vùng biển có thể mở rộng đến 12 hải lý tính từ đường cơ sở và trong đó quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền và tôn trọng quyền qua lại vô hại và các quy tắc khác của luật pháp quốc tế (Điều 2, 3 và 17). Các điều khoản liên quan đến qua lại vô hại được quy định trong các Điều 17 đến 32. Ngoài ra, Phần II mô tả vùng tiếp giáp lãnh hải, không quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở, trong đó quốc gia ven biển có thể thực hiện việc kiểm soát cần thiết để ngăn chặn và trừng phạt vi phạm hải quan, thuế khóa, quy định về nhập cư hoặc y tế trong lãnh thổ hoặc lãnh hải của mình (Điều 33).

Phần V của UNCLOS đưa ra các điều khoản liên quan đến EEZ, có thể kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở (Điều 57). Trong EEZ, quốc gia ven biển có nhiều quyền, đặc biệt là “quyền chủ quyền nhằm mục đích thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên” và “quyền tài phán được quy định” trong UNCLOS liên quan đến “việc xây dựng và sử dụng các đảo, các công trình và cấu trúc nhân tạo” cũng như “nghiên cứu khoa học biển” và “bảo vệ và giữ gìn môi trường biển” (Điều 56). Đồng thời, tuân theo các quy định liên quan của UNCLOS, tất cả các quốc gia được hưởng các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt và bảo trì cáp ngầm và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác (Điều 58 và 87).

Phần VI UNCLOS gồm các điều khoản liên quan đến thềm lục địa – vùng mở rộng đến mép ngoài của rìa lục địa hoặc cách đường cơ sở 200 hải lý – được mô tả tại Điều 76. Quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền nhằm thăm dò thềm lục địa và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây. Những quyền này là “độc quyền” và “không phụ thuộc vào chiếm hữu thực tế, chiếm hữu danh nghĩa hay bất cứ tuyên bố rõ ràng nào” (Điều 77). Tuy nhiên, tất cả Quốc gia đều có quyền đặt đường ống và cáp ngầm dưới biển trên thềm lục địa (Điều 79).

Quyền lịch sử

Không điều khoản nào trong UNCLOS chứa đựng thuật ngữ “quyền lịch sử”. Luật quốc tế cũng không quy định cách hiểu thống nhất về nghĩa của thuật ngữ này.  Các điều khoản nội dung của UNCLOS đề cập đến “vịnh lịch sử” hoặc “danh nghĩa lịch sử” trong 2 trường hợp. Thứ nhất, Điều 10 (Vịnh) quy định rằng các điều khoản liên quan đến vịnh “không áp dụng đối với các vịnh gọi là ‘vịnh lịch sử’”. Thứ hai, Điều 15 (phân định lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc liền kề) quy định rằng quy tắc chung điều chỉnh việc phân định lãnh hải chồng lấn “không áp dụng” trong một số trường hợp liên quan đến “danh nghĩa lịch sử hoặc các trường hợp đặc biệt khác.”

Những điều khoản này về cơ bản giống với những điều khoản trong Điều 7 và Điều 12 trong Công ước năm 1958 về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp lãnh hải,  bị giới hạn về mặt địa lý và nội dung. Các điều khoản chỉ áp dụng đối với các vịnh và các cấu trúc ven biển gần bờ tương tự. Các điều khoản cũng chỉ được soạn thảo như giải pháp dự phòng, ví dụ như quy định tại Điều 10 và Điều 15 “không áp dụng” đối với các trường hợp vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử nói trên.

Không có điều khoản nào trong UNCLOS bảo đảm “các quyền lịch sử”.   Theo đó, bất kỳ yêu sách về quyền lịch sử phải phù hợp với các quy định của UNCLOS, bao gồm cả đối với EEZ, thềm lục địa và biển cả. Trong Phán quyết vụ Vịnh Maine (1984), Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) ghi nhận: sự ra đời của thẩm quyền đặc biệt của một quốc gia ven biển đối với tài nguyên thủy sản trong phạm vi 200 hải lý của bờ biển cao hơn (chiếm ưu thế) hơn so với việc sử dụng và các quyền trước đó của các quốc gia khác trong khu vực đó.  Tòa Trọng tài trong  Vụ kiện Biển Đông đưa ra kết luận tương tự.  Các vùng biển và giới hạn địa lý theo UNCLOS đặt ra khuôn khổ quản lý tất cả các phần của đại dương, một khuôn khổ mà mọi bảo lưu đều không được phép (Điều 309). Đặc biệt, Điều 56 và 77 của UNCLOS không cho phép yêu sách của bất kỳ quốc gia nào vi phạm quyền chủ quyền đặc quyền của quốc gia ven biển đối với EEZ và thềm lục địa, trừ phi được quy định trong UNCLOS hoặc theo thỏa thuận với các quốc gia ven biển.

...........

Xem toàn bộ bản dịch tại đây