02/03/2012
Yoshihiko Noda được coi là nghị sĩ trẻ và trung kiên của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), là “thế hệ lãnh đạo mới” của đảng. Trước khi Đảng DPJ cầm quyền, phong cách chính trị của ông mang màu sắc của phái diều hâu cứng rắn, được coi là “Koizumi của Đảng Dân chủ Nhật Bản”
Ông Yoshihiko Noda nắm rất vững chính sách tài chính tiền tệ, xử lý ổn thỏa công việc hành chính phức tạp đồng thời có sở trường điều hòa các mối quan hệ, có chuẩn mực giá trị, quan điểm chính trị, tư tưởng ngoại giao và chủ trương chính sách khá bảo thủ.
I/ Đối ngoại và an ninh – khó khăn chồng chất
Trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh, Noda đều tỏ ra bảo thủ, vừa ủng hộ phát triển sức mạnh quân sự, vừa coi trọng “tăng cường an ninh Nhật Bản”. Ông chủ trương thực hiện “quyền tự vệ tập thể”, đề nghị quốc hội thông qua “Luật an ninh quốc gia”, “Luật về tình trạng khẩn cấp”, yêu cầu nâng cao khả năng phòng thủ cả về chất và lượng nhằm hoàn thiện thể chế bảo đảm an ninh toàn diện. Ông tích cực thúc đẩy xây dựng “Luật cơ sở về vũ trụ”, coi đây là thành tích nổi bật của mình và đã ra sức tuyên truyền trong dịp tranh cử Hạ viện năm 2009. Điều đáng chú ý là Noda coi vũ trụ và đại dương là “tuyến đường mới”, cổ vũ Nhật Bản phải nỗ lực khai thác vũ trụ và biển, từ đó “mở ra kế sách lớn hàng trăm năm của Nhật Bản”. Chủ trương chính sách vũ trụ của Noda không chỉ giới hạn sử dụng cho mục đích hòa bình, mà còn tích cực nghiên cứu sử dụng vì mục đích quân sự, có ý đồ sửa đổi lại phương châm cơ bản nghiêm cấm sử dụng vũ trụ vào “mục đích phòng vệ”. Ông khẳng định: ‘Nếu không phải sử dụng vào mục đích quân sự thì có thể mở rộng phạm vi và cấp độ sử dụng”.
(1) Quan hệ với Mỹ vẫn là vấn đề ngoại giao quan trọng nhất của Chính quyền Noda. Ông nhấn mạnh: “Đồng minh Nhật - Mỹ là nền tảng và tài sản lớn nhất của ngoại giao và an ninh Nhật Bản”, phải nhận thức được tầm quan trọng của Mỹ từ hai góc độ lợi ích thực tế và quan niệm giá trị, chủ trương tuân thủ hiệp định giữa Nhật Bản và Mỹ về việc di chuyển căn cứ không quân ở Okinawa, lấy quan hệ đồng minh vững chắc Nhật - Mỹ làm nền tảng, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng châu Á. Do đó, về mặt ngoại giao, Chính quyền Noda còn tiếp tục phương châm chính sách cơ bản “lôi kéo Mỹ chống Trung Quốc”. Tuy nhiên, cục diện chính trị của Nhật Bản bất ổn, liên tục thay thủ tướng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tiến hành đối thoại bình thường mang tính cơ chế giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Naoto Kan chưa thể thực hiện chuyến thăm Mỹ trong nhiệm kỳ của mình. Một chuyên gia Mỹ về Nhật Bản nhận xét: Lãnh đạo Nhật Bản liên tục bị thay thế, làm cho Oasinhtơn không đối xử nghiêm túc với bất kỳ một vị thủ tướng nào của Nhật Bản do thời gian nhậm chức của thủ tướng quá ngắn. Hiện nay, vấn đề di chuyển căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa vẫn khó giải quyết. Do đó, khi vừa nhậm chức thủ tướng, Noda đã có một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner, bày tỏ nguyện vọng đến thăm Mỹ. Ngày 1/9/2011, ông đã nói chuyện 15 phút qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Obama, đàm phán để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Noda nhấn mạnh: củng cố đồng minh Nhật - Mỹ là việc làm không thể thiếu đối với sự ổn định, hòa bình và phồn vinh ở châu Á - Thái Bình Dương, sẽ cùng với Tổng thống Obama tăng cường hơn nữa đồng minh Nhật - Mỹ. Điều này chứng tỏ chính sách ngoại giao của Noda vẫn được coi đồng minh Nhật - Mỹ là trục cơ bản nhất.
(2) Chính sách đối với Trung Quốc là khâu then chốt quyết định thành bại ngoại giao Nhật Bản. Về quan hệ đối với Trung Quốc, quá khứ của Noda đã chứng tỏ ông có thái độ cứng rắn trong vấn đề an ninh, lãnh thổ. Điều này có thể trở thành trở ngại ảnh hưởng đến sự phát triển thuận lợi của quan hệ Trung - Nhật. Noda cho rằng: Sự phát triển của quân đội Trung Quốc khiến các nước xung quanh cảm thấy bất an, lại khẳng định “Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trên thực tế nên không có tư cách để nói này nọ với Nhật Bản về vấn đề đảo Điếu Ngư” (Senkaku). Ông còn đưa ra dự thảo tại quốc hội, yêu cầu quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận đảo Điếu Ngư thuộc Nhật Bản. Về quan điểm lịch sử, Noda là một trong số ít nghị sĩ ủng hộ việc đến thăm Đền Yasukuni. Đa số thành viên của Đảng Dân chủ Nhật Bản cho rằng ngôi đền này có thờ những tội phạm chiến tranh đầu sỏ, không nên đến thăm, nhưng Noda lại cho rằng: “Về mặt pháp luật, họ không phải là tội phạm chiến tranh, không thể lấy lý do đó để phản đối thủ tướng đến thăm”, cho dù thủ tướng không đến thăm, cũng chỉ là “cân nhắc về vấn đề chính trị quốc tế”, Thẩm phán Tokyo cho rằng vụ thảm sát tại Nam Kinh có tới 200 nghìn nạn nhân là hư cấu. Quan điểm này của Noda ngay cả trong đảng Dân chủ Tự do nổi tiếng bảo thủ cũng có thể được coi là “thiên hữu”. Phương tiện truyền thông của Đức thì bình luận: Những phát biểu của Noda về chiến tranh trong lịch sử có thể gây ra sự phản đối ở các quốc gia láng giềng châu Á, có thể va chạm với các nước láng giềng về ngoại giao. Một mặt, Noda nhấn mạnh sự tăng cường lực lượng sức mạnh quân sự của Trung Quốc và đường lối đối ngoại cứng rắn của Trung Quốc đã trở thành nhân tố khiến Nhật Bản lo lắng, đồng thời có nguy cơ làm chao đảo trật tự quốc tế trong khu vực. Mặt khác, Nhật Bản cũng coi trọng thị trường rộng lớn của Trung Quốc có thể thúc đẩy kinh tế châu Á phát triển và đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, hy vọng có thể nhờ vào sức mạnh của châu Á để giúp Nhật Bản thoát khỏi khó khăn kinh tế hiện nay. Ông nói rằng quan hệ giữa Nhật Bản và châu Á là quan hệ cùng có lợi, quan hệ kinh tế với Trung Quốc phải trở thành trụ cột ngoại giao kinh tế của Nhật Bản. Chính sách bắt cá hai tay đó đối với Trung Quốc cũng giống như sách lược với Mỹ đã phản ánh tư duy “phục tùng Mỹ” quen thuộc của Nhật Bản. Từ đó có thể thấy, chính sách đối với Trung Quốc của Chính quyền Noda không thể lên xuống thất thường. Do vấn đề mang tính cơ cấu trong quan hệ Trung-Nhật vẫn chưa giải quyết hiệu quả, nên tâm lý dân tộc và lợi ích kinh tế ảnh hưởng qua lại với nhau. Noda làm thế nào để đánh giá lợi ích quốc gia của Nhật Bản, làm thế nào để nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc, làm thế nào để giao lưu với Trung Quốc. Đây là những vấn đề mới mà ông phải đối mặt hiện nay.
Mặc dù, trong quan hệ với Trung Quốc, Noda đã từng tỏ thái độ cứng rắn, nhưng trước khi DPJ lên nắm quyền và ông nhậm chức thủ tướng, ông không hề đến thăm đền Yasukuni. Sau khi nhậm chức thủ tướng, ông đã nói rằng ông và nội các của ông không thể công khai đi thăm ngôi đền này. Việc làm này phù hợp với lợi ích chung của Trung Quốc và Nhật Bản, chắc chắn là một lựa chọn đặt lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích cá nhân. 2012 là dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc và Nhật Bản khôi phục quan hệ ngoại giao. Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã trải qua sự phát triển 40 năm, vượt qua cấp độ của tính cách, quan điểm, lập trường của một nhà lãnh đạo Nhật Bản. Một nhà chính trị lão luyện cũng không thể vì nhận thức của cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, không thể tùy ý sử dụng tình cảm cá nhân vào quá trình hoạch định chính sách. Ngày 29/8/2011, theo điều tra của Thời báo Hoàn Cầu, khi được hỏi “Bạn có lo lắng khi ông Noda có thể làm thay đổi quan hệ Trung-Nhật”, 74% số người được hỏi không hề lo lắng, 26% tỏ ra lo ngại. Xem ra, người dân Trung Quốc vẫn có thái độ lạc quan và hy vọng đối với quan hệ Trung-Nhật trong tương lai. Quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia đã đi vào chiều sâu, cũng làm cho khả năng những biện pháp như: động viên xã hội “chống Trung Quốc” giảm mạnh. Nhiều năm gần đây, Nhật Bản đã hình thành phương châm nguyên tắc, chính sách và lợi ích cơ bản nhất đối với Trung Quốc, quá trình hoạch định chính sách chứa đầy rủi ro, một mình thủ tướng không thể hoàn toàn kiểm soát được tình hình. Do đó, đối với chính sách nhằm vào Trung Quốc của Chính quyền Noda, điều quan trọng không phải là nhanh chóng ghi dấu ấn, mà là “lắng nghe, quan sát”. Đương nhiên, họ không thể coi thường xung đột do những sự kiện bất ngờ xảy ra trong quan hệ hai nước. Không những thế, cá nhân những nhà hoạch định chính sách phải xử lý tốt các cuộc khủng hoảng. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng song phương, nhằm ngăn chặn phản ứng mang tính bản năng của các nhà hoạch định chính sách.
(3) Ngoại giao với các nước xung quanh. Trên cơ sở những quan điểm bảo thủ mà Noda đã thể hiện trước kia, các nước châu Á có sự cảnh giác nhất định đối với thủ tướng mới của Nhật Bản. Ngày 17/10/2005, Noda đã gửi thư chất vấn quốc hội nước này. Bức thư có đoạn viết: “Những người được coi là tội phạm chiến tranh không phải là tội phạm chiến tranh. Do vậy, lấy lý do này để phản đối thủ tướng đến thăm đền Yasukuni là không hợp lý”; “Vấn đề thăm viếng phải xem xét đến lợi ích quốc gia, nên việc coi những tội phạm giả tưởng đồng nghĩa với tội phạm chiến tranh là không hợp lý, trên thực tế là xâm phạm nhân quyền của những người đó và lợi ích quốc gia của Nhật Bản”. Vì thế, các phương tiện truyền thông của Hàn Quốc đã bày tỏ sự lo ngại khi Noda nắm quyền. Do Noda thuộc phái cực hữu trở thành thủ tướng của Nhật Bản nên quan hệ lạnh lẽo do tranh chấp Đảo Dokdo sẽ vẫn tiếp tục kéo dài. Tờ “Thời báo Hàn Quốc” ra ngày 29/8/2011 cho rằng ông Noda đã chủ trương phủ nhận tội lỗi của những tên phát xít trong Đại chiến thế giới thứ hai và phản đối “những người có vấn đề” - người gốc nước ngoài tại Nhật, trong đó có kiều dân Hàn Quốc được quyền tham gia chính trường, quyền tranh cử, nên rất có thể ông ta sẽ có thái độ cứng rắn hơn so với Naoto Kan trong các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, sách giáo khoa lịch sử. Điều này sẽ gây ra va chạm lớn hơn giữa hai nước, tương lai quan hệ Hàn - Nhật sẽ rất đáng lo ngại. Theo báo chí Hàn Quốc, phía Nhật Bản cho rằng lợi ích cốt lõi của họ là không còn “kẻ thù” ở xung quanh.
II/ Chính sách kinh tế khó thực hiện
Về phương diện kinh tế, những vấn đề gay cấn chất cao như núi. Chẳng hạn như: việc xử lý sự cố nhà máy điện hạt nhân, xây dựng lại sau vụ động đất, nợ công quá lớn gây khó khăn cho ngân sách chính phủ, đồng yên tăng giá... Đối với nội các của Noda, bất kỳ vấn đề nào cũng ảnh hưởng đến toàn cục, liên quan đến tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế và xã hội, không dễ giải quyết. Trước hết, Chính phủ Noda không có môi trường chính trị tốt đẹp. Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) chiến thắng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2009. Chiến thắng này đã phá vỡ thể chế 55 năm cầm quyền của LDP. Nguyên nhân khách quan của sự kiện này là chính sách của LDP trong một thời gian dài cầm quyền đã trở nên lỗi thời và dân chúng đã quá thất vọng đối với họ. Nguyên nhân chủ quan là hình tượng DPJ rất mới mẻ, sách lược bầu cử rất hợp lý. Thay đổi đảng lãnh đạo là nguyện vọng dễ thấy nhất của người dân Nhật Bản lúc đó, đa số yêu cầu DPJ lên cầm quyền. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả đã tan thành mây khói đối với DPJ. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa được khắc phục, Nhật Bản vẫn đang loay hoay việc tái thiết sau thảm họa, bị hạ mức xếp hạng tín dụng. Tình hình lưỡng viện trong Quốc hội Nhật Bản có bước chuyển ngoặt, có quá nhiều mâu thuẫn trong nội bộ đảng, phân tán nguồn lực bên trong và bên ngoài của đảng trong vận hành chính trị, phối hợp các chính sách. Sự rối ren chính trị và suy thoái kinh tế tác động lẫn nhau, làm cho Nhật Bản rơi vào tình trạng khó khăn cả trong lẫn ngoài và trở nên bế tắc không có lối ra.
Thứ hai là thiếu di sản chính sách tốt. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chiến thắng vào năm 2009 của DPJ là phản đối cải cách cơ chế thuế do LDP đưa ra, chủ trương duy trì mức thuế tiêu dùng 5% hiện nay, đồng thời tuyên bố thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho dân chúng. Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, do khó duy trì được thu chi ngân sách, nên Chính phủ Nhật Bản buộc phải cải cách, yêu cầu tăng thuế tiêu dùng, chính sách an dân hoặc bị trì hoãn hoặc giảm bớt. Do đó, chính quyền họ bị coi là những kẻ nói dối, dẫn đến thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2010. Sau khi Noda trúng cử, ông phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn như tái thiết sau thảm họa thiên tai, năng lượng hạt nhân, nợ công, tăng trưởng kinh tế, thu chi và cải cách bảo hiểm y tế. Ông đã tỏ ra muốn thúc đẩy “nền chính trị có hiệu lực, đưa ra ba mục tiêu ưu tiên lớn về chính trị như “nhanh chóng xử lý tốt sự cố rò rỉ hạt nhân, thực hiện xây dựng lại sau thảm họa, ứng phó với tình trạng khó khăn về kinh tế và ngân sách”. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, ông cần một lượng tiền rất lớn, làm thế nào tăng ngân sách là vấn đề khó khăn nhất. Noda thuộc phe kiên quyết tăng thuế. Trong cam kết bầu cử, ông đã từng khởi xướng tăng thuế để tái thiết Nhật Bản sau thảm họa, tăng từ 5% lên 10%, phát đi tín hiệu tăng thuế một cách quyết liệt, nhằm làm dịu thị trường chứng khoán luôn gây lo ngại cho chính phủ trong việc thông qua phát hành trái phiếu xây dựng và trái phiếu không lãi suất để huy động vốn tái thiết sau thảm họa. Ông cho rằng: “Giải pháp chỉ dựa vào giảm chi ngân sách để cứu vãn nền kinh tế Nhật Bản đã cố gắng tối đa, từ nay về sau phải tăng thuế để có thêm sức sống mới cho nền kinh tế”. Tăng thuế rất có thể đã trở thành một trong những chính sách quan trọng của nội các Noda, rủi ro đương nhiên sẽ rất lớn.
Thứ ba, đối với vấn đề tăng giá đồng yên, Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy một loạt giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hiệu quả. Đối với vấn đề trên, ông cũng có thái độ cứng rắn, luôn kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cùng ứng phó với việc tăng giá đồng yên, nhưng hiện nay vẫn chưa tôn trọng tính chất độc lập của Ngân hàng Trung ương, chưa thực hiện biện pháp nới rộng biên độ tỉ giá. Những biện pháp mà Noda thúc đẩy sau khi lên cầm quyền có thể đạt hiệu quả hay không? Thời gian sẽ trả lời.
Thứ tư, về chiến lược năng lượng quốc gia, khác với chủ trương từng bước từ bỏ điện hạt nhân, Noda thuộc phe chủ trương phát triển điện hạt nhân. Ông cho rằng: “Ít nhất trong vòng 30 năm vẫn nên sử dụng hợp lý những nhà máy điện hạt nhân hiện có, đồng thời có thái độ tích cực đối với việc xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân”. Đối với điều tra dân ý tại khu vực bị rò rỉ phóng xạ hạt nhân và tâm lý bất an của dân chúng đối với nhà máy điện hạt nhân, Noda bày tỏ chính phủ không thể xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới trong một thời gian ngắn. Với tiền đề bảo đảm an toàn, ông hy vọng sẽ khởi động lại lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa nhưng được đánh giá là an toàn sau đợt kiểm tra, nhằm bảo đảm cung ứng năng lượng ổn định. Tuy nhiên, sau sự cố rò rỉ hạt nhân nhà máy Fukushima , chính quyền và dân chúng địa phương khó có thể khôi phục lại niềm tin về năng lượng hạt nhân. Chủ trương của Noda có khoảng cách lớn đối với yêu cầu của họ, việc có thể nhận được sự ủng hộ của họ hay không vẫn là ẩn số. Vấn đề mà nội các Noda phải đối mặt là “di sản đổ nát” do nhiệm kỳ thủ tướng trước để lại. Tăng trưởng kinh tế và xây dựng lại nền tài chính ngân sách là một vấn đề “nan giải”: Để tăng trưởng kinh tế, phải kích thích tiêu dùng; để xây dựng lại nguồn ngân sách chính phủ, lại phải tăng thuế. Nền kinh tế không mấy sáng sủa dẫn đến thu không đủ tiền thuế, phúc lợi xã hội lại cần chính phủ chi trả nhiều, thu ít chi nhiều khiến Chính phủ Nhật Bản chỉ còn cách phát hành trái phiếu với số lượng lớn. Quy mô nợ công của Chính phủ Nhật Bản gấp đôi GDP của nước này. Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Nhật Bản. Không tăng thuế thì ngân sách chính phủ không thể chịu nổi sức ép nợ nần. Tuy nhiên, nếu chính phủ sẽ làm giảm mức sống của nhân dân, không thể thông qua kích thích tiêu dùng để chấn hưng nền kinh tế. Về chính trị, đã có bài học do đề xuất tăng thuế của Thủ tướng H. Naoto Kan mà DPJ đã thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện, vậy thì DPJ có dám tăng thuế trước cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới không? Một khi Noda tăng thuế tiêu dùng, có nghĩa là rủi ro chính trị tăng lên, mà điều này có thể quyết định chính quyền Noda tồn tại được bao lâu.
III/ Chính trị trong nước từng bước thoát khỏi khó khăn
Khôi phục quan hệ với LDP sẽ là thách thức lớn nhất đối với khả năng điều hành của thủ tướng mới. Quan hệ giữa H. Naoto Kan và LDP càng ngày càng lâm vào bế tắc, làm cho nhiều dự thảo khó được quốc hội thông qua. H. Naoto Kan chỉ vì lợi ích của đảng mình mà đấu tranh với LDP, không cố gắng hết sức giải quyết vấn đề kinh tế xã hội, gây mất lòng dân. Để điều hành thuận lợi chính trị nội bộ, DPJ đã cố gắng thúc đẩy “liên kết” với đảng đối lập LDP, sửa đổi cương lĩnh tranh cử của DPJ. Tuy nhiên, nếu việc sửa đổi này diễn ra có nghĩa là mất uy tín với nhân dân, tạo ra tác động tiêu cực đối với tiếng nói của DPJ, hơn nữa gây ra sự phản đối của những người trong nội bộ đảng muốn tuân thủ cương lĩnh tranh cử, làm gia tăng bất đồng và đấu tranh trong nội bộ đảng. 5 vị thủ tướng trước Noda đều bị đảng đối lập phản đối nên gặp trở ngại chồng chất khi thực hiện các chính sách kinh tế. Noda cũng phải đối mặt với khó khăn tương tự. Để điều hành thuận lợi công việc chính trị trong nước, Noda đã gặp gỡ ngay lãnh tụ đảng đối lập, đề xuất xây dựng cơ chế hiệp thương về các chương trình như tái thiết sau thảm họa, cải cách chế độ thuế, đối sách với đồng yên tăng giá… và đã được đảng Dân chủ tự do, đảng Công minh chấp thuận. Để củng cố cơ sở chính trị trong Đảng, Noda đã đưa ra khẩu hiệu “Hòa hợp toàn đảng”, đề xuất “nền chính trị vượt qua oán hận”, trong sắp xếp nhân sự nội bộ đảng cố gắng quan tâm đến các phe cánh lớn. Tuy nhiên, đối với một đảng, không phải lấy khái niệm chính trị và quan điểm chính sách làm chủ đề thảo luận chính, mà quan hệ thân sơ của cá nhân là tiêu điểm tranh cãi trong đảng, bộc lộ điểm yếu chỉ có “nhân trị”, thiếu “chính trị”.
IV/ Thời gian cầm quyền hạn chế
Chính quyền Noda sẽ tồn tại trong một thời gian ngắn hay thời gian dài? Ngoài các nhân tố khách quan như tình hình chính trị, kinh tế và quốc tế, còn có vấn đề thời gian do quy định nhiệm kỳ bầu cử trong đảng. Nhiệm kỳ đại diện của DPJ là 2 năm. Tháng 9/2010, H. Nato Kan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử để là người đại diện của DPJ, một năm sau ông ta từ chức. Do đó, nhiệm kỳ của Noda chỉ đến tháng 9/2012, như vậy, ông chỉ có một năm để chứng tỏ mình. Thời gian ngắn, quá nhiều chương trình nghị sự, tình hình kinh tế suy thoái đã quyết định tính chất hạn chế về không gian và cấp bách về thời gian khi hoạch định chính sách của nội các Noda. Lựa chọn ông Noda có thể là nhân tố tích cực thúc đẩy công việc trong nước, cố gắng thông qua giải quyết một số vấn đề quốc tế được mọi người quan tâm để hóa giải áp lực trong nước, tranh thủ lòng dân, chuẩn bị khi cuộc bầu cử quốc hội cận kề. Công việc quốc tế khá ổn định, ưu tiên xử lý vấn đề tồn tại trước mắt còn chưa giải quyết được, theo chính sách hiện tại phải ổn định quan hệ với các nước lớn chủ yếu, duy trì trật tự khu vực hiện có. Trên thực tế, do cuộc bầu cử Thượng viện ngày càng đến gần, chương trình bầu cử sẽ làm cho việc điều chỉnh chính sách và xây dựng chính sách mới trở nên cấp bách hơn, nguồn lực hạn chế hơn. Noda liệu có thể dễ dàng thành công hay không?
Trong cộng đồng quốc tế, năm 2012 là một năm đầy biến động, cũng là năm tổ chức bầu cử hoặc thay đổi nhiệm kỳ lãnh đạo ở nhiều nước lớn trên thế giới. Làm thế nào để ứng phó với việc những sự kiện lớn ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh của Nhật Bản chắc chắn sẽ là một thử thách nghiêm trọng về ngoại giao đối với nội các Noda. Theo điều tra dư luận trên Hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 21/8/2011, vấn đề mà nhân dân quan tâm là hy vọng chính phủ ưu tiên giải quyết công việc trong nước. Hơn nữa, dư luận quốc tế đều không đánh giá cao nội các của Noda. Phương tiện truyền thông của Âu Mỹ cho rằng: Việc Noda tự so sánh mình với “Con Chạch” đã phản ánh tình trạng mỏng yếu về nền tảng chính trị của DPJ. Các nước châu Á phê phán quan điểm lịch sử của Noda. Phương tiện truyền thông của Nhật Bản thì cho rằng “con tàu Noda” vừa xuất phát đã gặp nhiều sự cố. Tóm lại, tình hình Nhật Bản hiện nay gặp nhiều khó khăn. Bên trong nước là gánh nặng tái thiết sau thảm họa, bên ngoài là tình hình xuất khẩu khó khăn, về chính trị thì trong đảng lủng củng, hợp tác ngoài đảng trục trặc, về kinh tế thì nợ công chồng chất, tỷ giá hối đoái không ngừng leo thang. Trước khối bùng nhùng đó, người được mang danh “Con Chạch” là Noda cũng như êkíp của ông trong “Nội các Con Chạch” liệu có đủ sức tồn tại hay không? Thời gian sẽ trả lời chính xác nhất câu hỏi này./.
Theo Tạp chí “Hòa bình và phát triển”-Trung Quốc
Lê Sơn (gt)
Nghiên cứu Biển Đông xin giới thiệu Báo cáo “Tăng cường kết nối giữa Hàn Quốc và các nước thành viên Quad tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”của Kristi Govella, Garima Mohan và Bonnie Glaser, chuyên gia Viện Quỹ German Marshall (GMF) . Theo nhóm tác giả, Hàn Quốc hiện có nhiều điều kiện để tăng hợp tác...
Ngày 28/8, tranh chấp Nhật-Hàn lại tiếp tục rơi vào bế tắc khi Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” về thương mại. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, sau những đòn tấn công “ăn miếng trả miếng” quyết liệt, mâu thuẫn Nhật-Hàn đã leo thang, căng thẳng và phức tạp hơn. Cuộc khủng hoảng này...
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia chủ chốt ở châu Á – Thái Bình Dương đồng thời cũng là là quốc gia đồng minh chính trong chiến lược của Mỹ ở khu vực. Nhưng thù hằn quá khứ dai dẳng của Hàn Quốc với Nhật Bản vẫn luôn sôi sục từ lâu. Giờ đây, động thái áp đặt hạn chế thương mại của Nhật Bản đối với...
Từ các tuyên bố và thể hiện chính sách thời gian qua của Tổng thống Moon có thể dự báo là trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ thực thi chính sách đối ngoại khác biệt so với thời kỳ Tổng thống Pak Geun-hye; đặc trưng bởi quyết tâm theo đuổi quan hệ độc lập hơn so với Mỹ, củng cố quan hệ với Nhật, duy trì...
Tốc độ tiến triển nhanh chóng của ngoại giao Triều Tiên khiến cho việc Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ hơn về những thay đổi tiềm tàng đối với an ninh Đông Bắc Á trở nên quan trọng. Nhưng trước tiên họ phải vượt qua một số nỗi oán giận thâm căn cố đế.
Thích ứng và lên kế hoạch cho các tình huống bất ngờ từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ chiếm phần lớn trong chính sách quốc phòng và những vấn đề về việc mua sắm của Nhật Bản.