Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN lần thứ hai diễn ra ngày 24/9 vừa qua tại Niu Yoóc dường như đã chuyển tải đi ấn tượng về một liên minh đang nổi lên. Đúng như vậy, sau nhiều năm “giữ mình” trước các vấn đề ở Đông Nam Á, Mỹ đang can dự mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khiến Bắc Kinh giận dữ khi tuyên bố ủng hộ những nỗ lực của ASEAN tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc thông qua ngoại giao đa phương và coi biển Đông như là một “vùng biển chung” hơn là một “vùng biển lãnh thổ”. 


Hình ảnh bành trướng của Trung Quốc và kháng cự của Mỹ đang được củng cố thêm bởi những sự kiện ở phía Bắc biển Hoa Đông sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc lao vào một tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản ở ngoài khơi quần đảo tranh chấp Điếu Ngư (phía Nhật Bản gọi là Senkaku). Trung Quốc đòi Nhật Bản trả tự do cho thuyền trưởng tàu đánh cá, bồi thường và xin lỗi. Tôkyô đồng ý việc trả tự do, nhưng tuyên bố hai yêu cầu sau đó là “không thể tưởng tượng được”. Nhật Bản được khích lệ bởi sự xác nhận của bà Clinton rằng “sự quản lý” của Nhật Bản với quần đảo trên nằm trong phạm vi hiệu lực của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates bình luận ngắn gọn rằng Mỹ “sẽ thực hiện các trách nhiệm đồng minh của chúng ta”. 

 

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu phân tích hội nghị thượng đỉnh ở Niu Yoóc vừa qua như là sự khởi đầu cho một liên minh Mỹ-châu Á mới chống lại Trung Quốc. Bất chấp những lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh, không quốc gia ASEAN nào sẽ sẵn sàng thể hiện một cách rõ ràng sự ủng hộ của mình về liên minh như vậy. Đột nhiên Mỹ được coi ở vị trí chống lại những tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á, với các chính phủ ASEAN dường như sắp đứng vào hàng ngũ ủng hộ Oasinhtơn đối phó với Bắc Kinh. Trong khi sự mô tả này nhìn chung là hợp lý, điều cốt lõi là các nhà chiến lược và hoạch định chính sách Mỹ không nên quá đắm chìm vào những bình luận của bà Clinton ở Hà Nội, đặc biệt khi liên quan đến việc ủng hộ ASEAN. 


Những tham vọng chiến lược của Bắc Kinh ở Đông Nam Á hiển hiện rõ ràng. Từ khía cạnh Trung Quốc, Đông Nam Á là ngưỡng cửa phía Nam của họ và Trung Quốc đã có những gốc rễ sâu rộng trong khu vực này bắt nguồn từ địa lý (một biên giới chung với Việt Nam, Lào và Mianma), sắc tộc (những cộng đồng người Hoa lớn, hùng mạnh về kinh tế ở khắp khu vực) và lịch sử (hệ thống “chư hầu” thể hiện Đông Nam Á bị khuất phục bởi Trung Quốc trong hàng nghìn năm). 

 

Về quan điểm chiến lược, giới lãnh đạo Trung Quốc khiến những người có óc thực tế cổ điển nhớ lại châu Âu thế kỷ 19: rất quan tâm đến những đặc quyền lãnh thổ và tính bất khả xâm phạm của các biên giới, được khích động thêm bởi những tính toán về quyền lực và ảnh hưởng. Từ quan điểm của chế độ Trung Quốc, Đông Nam Á được coi chính thức là phạm vi ảnh hưởng đương nhiên và chính đáng của Trung Quốc, một khu vực mà các lợi ích của Trung Quốc là tối thượng. Khi những quan điểm này được chính thức chấp nhận, Trung Quốc được chuẩn bị để thông qua những chính sách có lợi cho Đông Nam Á lẫn Trung Quốc, theo quan điểm rộng lượng và hài hòa của Khổng giáo. Kể từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã nhấn mạnh khía cạnh hài hòa bằng một phong cách ngoại giao tinh vi “chinh phục bằng sức mạnh mềm” được xây dựng nhằm tô vẽ hình ảnh một láng giềng tốt, cống hiến vì tiến bộ kinh tế của người dân Trung Quốc lẫn người dân Đông Nam Á. 


Biển Đông là trọng tâm trong tham vọng này, nhưng ở một hạng mục đặc biệt. Trung Quốc đưa ra một đường lưỡi bò bao quanh toàn bộ biển Đông và cắt ngang các tuyến hàng hải chính. Cho đến gần đây, các quan chức Trung Quốc vẫn che đậy tuyên bố chủ quyền của mình dưới một lớp vỏ bọc nhập nhằng bằng việc cẩn trọng né tránh khái niệm chủ chốt “chủ quyền”. Nhưng nghiên cứu kỹ các tuyên bố và hành động của Trung Quốc trong những năm qua, không nghi ngờ gì việc Bắc Kinh coi biển Đông là lãnh thổ chủ quyền của họ. Vì Trung Quốc thiếu khả năng quân sự để đòi quyền lợi này một cách có hiệu quả, họ theo chiến thuật gây mơ hồ về vấn đề hơn là làm rõ những dự định. 


Tuyên bố của bà
Clinton tại diễn đàn ARF ở Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh quan ngại về Trung Quốc gia tăng trong các chính phủ ASEAN. Suốt nhiều tháng, Hà Nội đã phản đối công khai cũng như qua các kênh ngoại giao về việc phía Trung Quốc ức hiếp các ngư dân Việt Nam cũng như các công ty dầu khí nước ngoài muốn khai thác dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Những chính phủ ASEAN khác dù ít công khai hơn song cũng thể hiện các dấu hiệu băn khoăn về việc Trung Quốc xây dựng nhanh chóng các lực lượng vũ trang, đặc biệt là kế hoạch tăng cường sức mạnh trên biển. Việc Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn sông Mê Công (giúp Bắc Kinh kiểm soát hệ thống sông cực kỳ quan trọng này) cũng gây lo ngại về hậu quả cho các quốc gia hạ nguồn. Việc một số Bộ trưởng ASEAN sẵn sàng lên tiếng ủng hộ bà Clinton ở Hà Nội là bằng chứng cho mối quan ngại ngày càng tăng cũng như cho sự chuẩn bị ngoại giao của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. 


Nhiều quốc gia trong khu vực tán thành sự sẵn sàng của Mỹ giữ một vai trò trong việc ủng hộ biển Đông là vùng biển chung, không phải một vùng biển lãnh thổ, cũng như ngoại giao đa phương thay cho quyết tâm của Trung Quốc giải quyết song phương với từng quốc gia ASEAN liên quan. Nó cho thấy một tín hiệu quan trọng nhưng bị chậm trễ từ lâu rằng các chính phủ ASEAN sẽ không phải đơn độc đối phó với Trung Quốc. Với ý nghĩa đó, sáng kiến của bà Clinton đã cung cấp một “liều thuốc” dũng cảm và tự tin cho ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc. 


Điều này có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải lưu tâm đặc biệt về những giới hạn mà các chính phủ Đông Nam Á có thể và sẵn sàng làm. Một sự so sánh cũ rích: ít nhất một vài thành viên ASEAN có thể sẵn sàng xuất hiện và giữ áo cho Mỹ nếu Oasinhtơn tranh chấp tay đôi với Bắc Kinh, nhưng đừng chờ đợi họ nhảy vào sàn chiến ngoài những hình thức được hạn chế cẩn trọng bởi một số lí do bắt buộc. 


Đầu tiên, từ lâu đã có sự thật hiển nhiên rằng các chính phủ Đông Nam Á sợ bị buộc phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Mỹ. Không quốc gia ASEAN nào muốn phải đưa ra một chọn lựa như vậy, song không ít nhân vật lão luyện như đại sứ Xinhgapo tại Mỹ, Chan Heng Chee, đưa ra đánh giá rằng nếu buộc phải quyết định, các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung ngả về Trung Quốc. Có một sự đồng thuận trong khu vực rằng quan hệ Mỹ-Trung mang tính sống còn với tất cả các bên liên quan. Khi được hỏi dạng quan hệ nào bảo vệ tốt nhất những lợi ích của Đông Nam Á, câu trả lời là nguyên tắc Goldilocks quen thuộc: “không quá nóng và cũng không quá lạnh”. Một quan hệ hợp tác nhưng không cộng tác quá sâu rộng được coi là chuẩn mực. 


Thứ hai, như đã nêu trên, ảnh hưởng và tầm vươn chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á là sâu rộng, mạnh mẽ và ngày càng phát triển. Điều này thể hiện đặc biệt rõ ràng trong phạm vi kinh tế. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu làm suy yếu sự tin cậy vào các nền kinh tế Mỹ và châu Âu, Trung Quốc nổi lên như đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Không phải là sự trùng hợp khi đầu năm nay, khu vực tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. 


Thứ ba, bất chấp những đầu tư đáng kể cho hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, không quốc gia Đông Nam Á nào sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc về quân sự. Nước duy nhất đã làm vậy trong vài thập kỷ gần đây là Việt
Nam nhằm đáp trả lại hành động xâm lược biên giới phía Bắc nước này năm 1979. Các lực lượng Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến đó, nhưng Hà Nội không hề ảo tưởng rằng thành công như vậy có thể lặp lại ở thời hiện nay. Các lực lượng không quân và hải quân duy nhất có thể đối mặt chống Trung Quốc ở biển Đông là Mỹ. Và nếu điều đó xảy ra, các chỉ huy Mỹ sẽ thấy ít hoặc không có sự hỗ trợ nào từ ASEAN. 


Thứ tư, ASEAN không phải là tổ chức kém cỏi như một số quan điểm phương Tây miêu tả. Nhưng họ cũng không phải là một bên đoàn kết, có mục đích trong vấn đề biển Đông. Một số chính phủ ASEAN, trong đó có Lào, Campuchia và Mianma, sẵn sàng đáp ứng nhiệt tình các lợi ích của Trung Quốc và không có lợi ích riêng gì trong tranh chấp biển Đông. Điều tốt nhất mà Oasinhtơn có thể chờ đợi, là sự ủng hộ ngoại giao thận trọng giống như những gì đã thấy ở diễn đàn ARF. Dù sao, đó là một thay đổi quan trọng so với trước đây mà Mỹ cần hoan nghênh./.

Nguồn: Asia Sentinel; TTXVN