Libya: Cuộc tấn công Libi của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được Mỹ ủng hộ, đã bước sang tháng thứ 3 mà chưa có dấu hiệu kết thúc, do quân đội của Đại tá Muammar Gaddafi và lực lượng chống đối - vốn không được huấn luyện bài bản và không được trang bị các loại vũ khí đầy đủ - đã đẩy cuộc chiến vào tình trạng bế tắc. Không có sự lãnh đạo chiến dịch quân sự của Mỹ, các nỗ lực của NATO ngày càng thể hiện sự yếu kém của liên minh quân sự có một không hai trên thế giới này. Tổng thống Obama vẫn không giải thích tại sao quân đội của ông Gaddafi bắn vào những người biểu tình thì bị trừng phạt, trong khi Tổng thống Xyri Bashar al-Assad hành động tương tự lại được miễn trừ. Rõ ràng, ông Obama không có chính sách nhất quán, không có vai trò lãnh đạo thực sự và không có mục tiêu rõ ràng. 

Iran: Năm 2009, khi những người biểu tình ở thủ đô Teheran cầu cứu sự giúp đỡ của Washington, Tổng thống Obama chỉ ủng hộ "đôi chút" vì ông ta vẫn mơ tưởng rằng những lời nói đầy "ma lực" của mình có thể tác động mạnh mẽ đến các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Iran. Quan điểm ngây thơ của ông ta đã làm bẽ mặt công chúng Iran, vẫn đang hy vọng cải cách dân chủ, đồng thời bảo đảm cho Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tiếp tục thúc đẩy tham vọng biến Iran thành một cường quốc hạt nhân.

Ai Cập: Ban đầu, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đồng minh lâu đời của Mỹ - Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak - không phải là nhà lãnh đạo độc tài, sau đó Chính quyền Mỹ kêu gọi ông ta từ chức. Với việc chấm dứt ủng hộ Tổng thống Mubarak, ông Obama đã gây cú sốc rất lớn cho các nước đồng minh khác của Mỹ ở khu vực Trung Đông, kể cả hai nước có nhiều dầu lửa là Arập Xêút và Baranh, và tạo điều kiện để tổ chức "Anh em Hồi giáo" phát triển thế và lực.

Đồng USD: "Chính sách giảm số lượng" của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke đã và đang phá hủy giá trị của USD, đồng thời khuyến khích lạm phát. Các nước nắm giữ USD trên thế giới hết sức bất bình khi thấy USD giảm giá và đòi thay thế USD bằng đồng tiền khác trong hệ thống tài chính thế giới. Cùng với khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, các khoản nợ của Chính quyền Mỹ đang là mối đe dọa. 

Isarel: Bài diễn văn của ông Obama, tìm cách khơi dậy vấn đề biên giới năm 1967 của Isarel, đã bán rẻ nước đồng minh tin cậy duy nhất của Mỹ trong khu vực. Ý đồ làm trung gian cho bất cứ thỏa thuận nào giữa Isarel và Palestine của ông Obama đang trệch hướng. Đặc sứ George Mitchell của ông Obama vừa từ chức và Isarel rất lo ngại trước đường lối cứng rắn của ông Obama về vấn đề biên giới, cũng như sự ngây thơ của ông ta về thế giới Arập. Và do "Mùa Xuân Arập" có khả năng đưa những người Hồi giáo vào các chính quyền, Isarel sẽ bị cô lập hơn nữa trong khu vực. 

Các tổ chức toàn cầu: Bằng cách trao quyền cho Liên hợp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều tổ chức quốc tế khác, ông Obama đang "tàn phá" chủ quyền của Mỹ. Ví dụ, hành động quân sự chống Libi là do LHQ quyết định chứ không phải Quốc hội Mỹ. Do IMF chi nhiều tỷ USD tiền thuế của Mỹ để cứu trợ các nước mắc nợ, nhiều người Mỹ đã đặt câu hỏi: phải chăng ý tưởng về Một Chính phủ Thế giới đang trở thành hiện thực. 

Dầu lửa của Brasil: Thật tồi tệ khi ông Obama quyết định ngừng thăm dò khai thác dầu lửa ở Vịnh Mêhicô. Tuy nhiên, sau khi các công ty dầu lửa Mỹ đưa thiết bị khai thác dầu lửa của họ đến Brasil, ông Obama nói: "Chúng tôi muốn trở thành một trong những khách hàng tốt nhất của các ngài" và công bố các kế hoạch cung cấp nhiều tỷ USD cho các công ty dầu lửa trực thuộc nhà nước Brasil để khai thác dầu ở ngoài khơi bờ biển nước này. Thực tế, Tổng thống Obama cũng biết Mỹ có rất nhiều nguồn dầu lửa, nếu được khai thác có thể tạo công ăn việc làm và giảm sự lệ thuộc của Mỹ vào dầu lửa nước ngoài. 

Pakistan: Đồng minh này của Washington thường xuyên phá hoại các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ, vì cơ quan tình báo Pakistan dường như đang ủng hộ các chiến binh chống Mỹ. Các dấu hiệu không rõ ràng của Chính quyền Obama sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden chỉ càng phá hủy hơn nữa mối quan hệ với Pakistan. 

Nga: Toan tính của ông Obama trong việc nối lại quan hệ với Nga đã buộc Mỹ phải "lùi bước" trong vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí hạt nhân mà không đem lại bất cứ lợi ích gì cho Mỹ. Thay vì quan hệ thân thiện hơn với Mỹ, hiện nay Nga đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Braxin, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác trong những lĩnh vực quan trọng.

Theo Human Events

TT(gt)