Từ “Vụ án gián điệp RioTinto” 


Hồ Sĩ Thái (Stern Hu) 46 tuổi, quốc tịch Ôxtrâylia gốc Trung Quốc có lẽ không ngờ rằng chỉ trong một đêm mình đã trở thành nhân vật tiêu điểm thu hút sự chú ý ở trong và ngoài nước Trung Quốc. Ngày mùng 5/7/2009, Stern Hu và ba nhân viên bán hàng khác của Công ty Rio Tinto (công ty hàng đầu của nghành khoáng sản Ôxtrâylia) đã bị cục An ninh Quốc gia tại thành phố Thượng Hải bắt dẫn đi. Ba nhân viên nói trên tiết lộ, bằng các thủ đoạn khác nhau, Stern Hu và những người này thu thập những số liệu bí mật của các xí nghiệp gang thép Trung Quốc, khiến cho ngành gang thép của Trung Quốc trong một thời gian dài luôn rơi vào thế bị động trong đàm phán. Giống như một màn kịch lớn vừa mới bắt đầu, mỗi bước tiến triển của “Vụ án gián điệp Rio Tinto” đều thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới truyền thông và công chúng. 


Đằng sau vụ án này có một tập hợp số liệu. Bắt đầu từ năm 2003, khối lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó giá quặng sắt thỏa thuận theo hợp đồng cũng bắt đầu tăng chóng mặt, trong thời gian 6 năm đã lần lượt tăng với các mức: 8,9%, 18,6%, 71,5%, 19%, 9,5%, 79,9%. Căn cứ theo lượng nhập khẩu để tính toán thì chỉ trong thời gian 6 năm ngắn ngủi, do nhân tố tăng giá của từng năm mà các xí nghiệp thép của Trung Quốc đã phải chi thêm hơn 700 tỉ NDT, tương đương với hơn ba lần tổng lợi nhuận của các xí nghiệp thép trong thời gian cùng kỳ. Cần phải biết rằng, công nghiệp gang thép là trụ cột quan trọng của mô hình phát triển công nghiệp hóa đất nước, chỉ cần một tác động nhỏ là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình. 


Cùng thời gian này, cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Trung Quốc - Mỹ được tổ chức tại Bắc Kinh. Giới truyền thông đánh giá, hai bên đã trao đổi ý kiến và đạt thành quả tích cực về các vấn đề mang tính chiến lược, tính lâu dài và tính toàn cục, liên quan các lĩnh vực ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của hai nước như khủng hoảng tài chính, an ninh khu vực, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu… đặt cơ sở cho các công việc trong thời gian tới. Đằng sau cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Trung –Mỹ, cũng có một tổ hợp số liệu như vậy. Cho đến cuối quý 2 năm 2009, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là hơn 2.131,6 tỉ USD, trong đó Mỹ nợ gần 800 tỉ USD tiền mua quốc trái. Là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc có lý do để lo lắng cho sự an toàn về số tài sản USD của mình. Nếu lấy đơn vị là 2.000 tỉ USD để tính toán, giả sử đồng USD mất giá 1%, thì Trung Quốc sẽ bị tổn thất 20 tỉ USD – sản xuất một chiếc tàu khu trục tiên tiến có giá khoảng 1 tỉ USD, nếu quy đổi, con số này sẽ tương đương với 20 chiếc tàu khu trục tiên tiến bị đánh chìm . 


Không có khói lửa chiến tranh, không hề có khói súng, nhưng lợi hại trong đó lại không hề thua kém sự thắng bại trên chiến trường. 


Cuộc “ chiến tranh mềm ” không khói súng .


Vừa qua, tuần san “Thời đại ” – tờ tạp chí nổi tiếng của Mỹ có đăng bài viết với nhan đề “Những ngày tháng cuối cùng của George W. Bush và Dick Cheney”. Bài viết cho biết, giai đoạn cuối cùng trước khi Tổng thống Bush (con ) rời Nhà Trắng, để tìm kiếm sự đặc xá của Tổng thống cho trợ lý Lewis Libbi của mình, Phó Tổng thống Dick Cheney đã nhiều lần gây áp lực với Tổng thống George Bush, thậm chí suýt nữa đã đẩy quan hệ giữa hai người đến bờ vực đổ vỡ . 
Trước đó ông Libbi đã phải ngồi tù do bị tình nghi làm giả chứng cứ cho cuộc chiến tại Irắc của Mỹ. Tính hợp pháp của cuộc chiến tranh Irắc luôn bị đặt dấu hỏi. Dư luận thế giới chỉ trích Chính quyền của Tổng thống George Bush đã bịa đặt chứng cứ, ra sức tìm cớ cho hành động quân sự của mình. Libbi chính là nhân vật chủ chốt trong đó. Khi tranh thủ sự đặc xá cho Libbi, Cheney đã có một câu nói kinh điển: “Chúng ta không thể vứt bỏ những binh lính của mình trên chiến trường”. 


Câu nói này có thể gọi là lời nói đúng bản chất nhất của vấn đề. Chính phủ Mỹ lúc ấy trước tiên tuyên bố Irắc có sở hữu vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, hóa học đe dọa nước Mỹ. Sau khi các điều tra viên của Liên Hợp Quốc điều tra không có kết quả, lại cáo buộc Saddam Hussein có liên hệ với Bin Laden và tổ chức khủng bố Al Qaeda của Bin Laden, cuối cùng đã liều lĩnh phát động cuộc tiến công vũ lực đối với Irắc. Sau khi kiểm soát được Irắc, quân đội Mỹ đã phải đối mặt với công việc tìm kiếm chứng cứ trong vô vọng, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell buộc phải công nhận rằng Mỹ không có chứng cứ để chứng minh cho tính xác thực của những lý do nêu trên. 


Ông ta còn chưa công khai một sự thật là, nguồn tài nguyên dầu mỏ của Irắc từ đó đã bị Mỹ kiểm soát, Lầu năm góc tuyên bố rõ ràng rằng chỉ có những người bạn tốt của Chính phủ Mỹ mới có thể dành được những hợp đồng có lợi nhuận lớn của ngành công nghiệp dầu mỏ ở Irắc. Những hợp đồng khai thác dầu mỏ mà các công ty dầu mỏ của Trung Quốc, Nga, Pháp đã ký với chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein đã không còn hiệu lực. 


Theo dự tính, dự trữ dầu mỏ chưa qua khai thác của Irắc chỉ xếp sau Arập Xêút, đứng thứ hai trên thế giới. Mỹ từ đó đã chiếm thêm được một vùng chiến lược năng lượng mới. Việc này lại một lần nữa chứng minh cho câu danh ngôn nổi tiếng của Carlvon Clausewitz: “Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị, kinh tế là cơ sở và là mục đích cuối cùng của chính trị” . 


Trên thực tế, sự đan xen giữa chiến tranh và kinh tế, giữa thủ đoạn quân sự và phi quân sự chưa bao giờ gián đoạn, lịch sử của Trung Quốc và thế giới đều không thiếu những ví dụ như thế để chứng minh. 


Dưới thời Xuân Thu, Tề Vương áp dụng sách lược của các mưu thần ra lệnh cho các đại thần trong cả nước phải mặc quần áo làm bằng tơ tằm, đồng thời ra lệnh trong nước chỉ được trồng cây lương thực. Một thời, giá tơ tằm tăng gấp bội, các nước láng giềng nhỏ lân cận đua nhau dừng trồng lương thực chuyển sang trồng dâu. Mấy năm sau, các nước láng giềng như nước Lỗ, nước Lương mất mùa, Tề Vương lại ra lệnh quần thần chỉ được phép mặc áo vải thô và cấm xuất khẩu lương thực, kết quả là các nước láng giềng sống phụ thuộc vào nghề trồng dâu không đánh mà bại, lãnh thổ nước Tề nhanh chóng được mở rộng. 


Những năm 80 của thế kỷ 20, Nhật Bản dựa vào thực lực kinh tế và tài chính, nhanh chóng vươn lên thành cường quốc thế giới, còn các ngân hàng của Mỹ lại rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 30. Cảm thấy được tai họa đang đến gần, Mỹ bắt đầu gây áp lực với Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Tháng 9/1985, Nhật Bản và các nước phương Tây ký “Hiệp định Quảng Trường”, đồng Yên Nhật tăng giá chóng mặt. Để bù đắp lại những tổn thất trong buôn bán ngoại thương, các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản dồn dập chuyển sang đầu cơ tài chính, đến cuối những năm 80, tổng giá trị bất bất động sản của Tôkyô đã vượt qua giá trị bất động sản của cả nước Mỹ, giá trị cổ phiếu trên danh nghĩa của thị trường cổ phiếu Nhật Bản chiếm khoảng 42% tổng giá trị thị trường toàn cầu. Lúc này, do ý thức được nguy cơ bong bóng nên nhà đương cục Nhật Bản dự định điều chỉnh thị trường một cách cẩn trọng, nhưng các ngân hàng đầu cơ chủ yếu phố Wall lại nhanh như chớp sử dụng tất cả các công cụ tài chính, thả sức bán khống để đầu cơ, làm cho thị trường Tôkyô sụt hẳn. Sau đó, giới đầu cơ tiền tệ Mỹ còn cướp sạch thị trường Đông Nam Á, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đông Nam Á, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào thị trường Đông Nam Á, địa vị của đồng Yên Nhật rơi xuống đáy vực, tài sản quốc dân của Nhật Bản co lại nhanh chóng. Sau sự việc, các nhà kinh tế Nhật Bản đã phải than thở xót xa: Những tổn thất của kinh tế Nhật Bản lần này tương đương với những tổn thất từ thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ II.

 
Sau khi Josheph Nye (Chính trị gia người Mỹ) lần đầu tiên đưa ra khái niệm “thực lực mềm”, người ta đã phải công nhận, “thực lực mềm” là một bộ phận cấu thành quan trọng của thực lực quốc gia. Như vậy chiến tranh cũng cần phải có cả phần cứng, phần mềm. Trên chiến trường không khói súng, “chiến tranh mềm” cũng khiến cho người ta phải lo sợ như vậy. 


Nỗi lo tiềm ẩn của trỗi dậy hòa bình 


Trong “chiến tranh mềm”muôn màu muôn vẻ, có hai chiến tuyến ảnh hưởng sâu sắc nhất, có khả năng trực tiếp kiềm chế triển vọng trỗi dậy hòa bình Trung Quốc nhất chính là năng lượng và lương thực. 


Năng lượng là nền tảng cho kinh tế xã hội phát triển, trong đó dạng năng lượng phổ biến nhất, an toàn nhất là dầu mỏ. Những tài liệu của Cục năng lượng quốc gia cho thấy: Năm 2008 sản lượng dầu thô của Trung Quốc là 190 triệu tấn, lượng dầu thô tiêu hao khoảng 386 triệu tấn, nhập khẩu ròng 197 triệu tấn, tỉ lệ phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu nước ngoài đã vượt quá 50%. Trong tương lai, do bị hạn chế nguồn dầu thô nên mức độ lệ thuộc vào bên ngoài có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên hơn nữa. 


Trung Quốc đang trong thời kỳ then chốt phát triển kinh tế. Nếu theo tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì có thể trong vòng 10 năm tới đây Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và Nhật Bản, trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Vì trong nước không thể tìm được đủ nguồn dự trữ dầu thô nên trong tương lai tuyệt đại bộ phận nguồn dầu mỏ cần thiết cho phát triển kinh tế sẽ phải dựa vào nhập khẩu. Nguồn năng lượng độc lập, đáng tin cậy, đặc biệt là dầu mỏ sẽ trở thành huyết mạch cho sự phát triển của Trung Quốc . 


Nhưng cục diện năng lượng thế giới lại đầy biến động. Thông qua hai cuộc chiến tranh Irắc, Ápganixtan và một loạt hành động chống khủng nhằm vào Iran, Libi, Xuđăng , Inđônêxia, lực lượng quân sự Mỹ đã khống chế toàn bộ các tuyến năng lượng trên lục địa Âu - Á về mặt chiến lược, từ đó đã giành thế chủ động trong quan hệ năng lượng với các nước trên thế giới. 


Tình hình trở nên cực kỳ phức tạp. Cũng giống như cách thức nói trên, tháng 8/2003 Nhật Bản với tư cách là nước lớn nhập khẩu năng lượng tìm cách ký hợp đồng dài hạn khai thác các giếng dầu với
Iran, đã bị Mỹ ngăn chặn với lý do Iran có kế hoạch phát triển hạt nhân. Ý thức được ý đồ này của Mỹ, Nhật Bản bèn quay sang mua dầu của công ty dầu mỏ khổng lồ Yukos của Nga với mức giá cao hơn của Trung Quốc. 


Một trận tuyến khác cũng có liên quan tới vấn đề năng lượng. Ngày 18/12/2007 Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua dự luật năng lượng đầu tiên kể từ năm 1975, theo đó yêu cầu phải cắt giảm lượng dầu mỏ nhập khẩu, tăng tỉ lệ các chất phụ gia là nhiên liệu sinh học như Ethanol. Việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học đã khai thông mối liên hệ giữa giá dầu mỏ với giá lương thực, Mỹ lại là nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, năng lượng tiêu hao trong nước tăng mạnh tất yếu sẽ dẫn tới giá lương thực tiếp tục tăng lên. Tới lúc đó Mỹ sẽ là nước thu lợi lớn nhất. 


Đường đi nước bước đã hoàn thành. Trong bối cảnh chung về tự do hóa thương mại toàn cầu, duy chỉ có các quốc gia Âu - Mỹ là không chịu nhường một bước trong vấn đề trợ cấp nông nghiệp, thêm vào đó những quốc gia này không ngừng thúc đẩy nghiên cứu phát triển kỹ thuật nông nghiệp, vì thế ưu thế cạnh tranh của họ trong ngành này là rất rõ ràng. Sản xuất lương thực của các quốc gia khác không đủ sức cạnh tranh nên đã lần lượt giảm bớt đầu tư, phụ thuộc vào nhập khẩu. Mức sản xuất lúa gạo của Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang từ đỉnh cao đã hạ xuống hơn 30% , Trung Quốc cũng nằm trong số đó. Lấy đậu tương làm ví dụ, trước năm 1995 Trung Quốc luôn là nước thuần xuất khẩu đậu tương, nhưng sau khi đậu tương của Mỹ vào thị trường Trung Quốc với giá thấp, khối lượng đậu tương sản xuất của Trung Quốc từng bước bị thu hẹp, mức nhập khẩu tăng lên vùn vụt, hiện nay Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu lớn. Theo các tư liệu của Hiệp hội đậu tương tỉnh Hắc Long Giang, năm 2009 đã có 68 doanh nghiệp chế biến dầu mỡ của tỉnh này gần như phải ngừng sản xuất hoàn toàn. Quyền định giá đậu tương trên thị trường hoàn toàn rơi vào tay người khác. Sau đó, năng lực điều phối dầu ăn của Tổng công ty quản lý dự trữ lương thực Trung Quốc cũng ngày càng hiện rõ sự yếu kém. 


Trung Quốc đất hẹp người đông, diện tích đất canh tác bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 mức bình quân của thế giới, hơn nữa còn phải đối mặt với tình trạng số lượng mất đi, chất lượng giảm xuống. Thêm vào đó tình trạng phân bố nguồn nước cần thiết cho hệ thống tưới tiêu nông nghiệp lại không đồng đều, do đó nhu cầu nuôi sống 1,3 tỉ người là chuyện không dễ dàng, điều này đã đẩy giá thành lên cao hơn một mức. Vậy là dựa vào nhập khẩu dường như đã là sự lựa chọn hợp lý. Nhưng sự việc đã liên quan tới vấn đề lương thực thì đó hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ nhặt. Một khi lương thực trở thành một thứ vũ khí được con người sử dụng thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. 


Điều lo ngại này nhất quyết không phải là chuyện lo bò trắng răng. 


Bí quyết kiểm soát cả thế giới 


Trong ván cờ phức tạp, chúng ta có thể tìm ra được một nét gợi ý từ trong suy đoán, nhận định của Kissinger - Cựu Ngoại trưởng Mỹ trong thập niên 70 của thế kỷ trước: “Kiểm soát được dầu mỏ, bạn có thể kiểm soát được mọi quốc gia; Kiểm soát được lương thực, bạn có thể kiểm soát được tất cả mọi người; Kiểm soát được tiền tệ, bạn có thể kiểm soát được cả thế giới” . 


Là một trong những nhân vật quyền thế nhất ở Oasinhtơn và cả thế giới phương Tây lúc bấy giờ, Kissinger đã nói rõ bản chất của vấn đề bằng cái nhìn thấu triệt, đơn giản mà đầy sắc thái uy quyền. Thực tế là cơ sở thực sự để con người dựa vào đó mà tồn tại, phát triển, xưa nay đều không phải là tổng lượng kinh tế hay tổng giá trị sản phẩm ở bên ngoài, mà nó là tài nguyên nội lực ở bên trong. 
Tài sản, đặc biệt là tài sản được đại diện bằng tiền tệ là một loại chứng từ để trao đổi tài nguyên hợp pháp được thiết lập trên cơ sở khế ước xã hội. 
Đã một thời các kim loại quý như vàng bạc đóng vai trò tiền tệ, sau này dần dần được thay bằng tiền giấy. Nếu nói bản thân vàng bạc chính là một loại tài nguyên, thì tiền giấy lại chỉ là một ký hiệu trần trụi, một sản phẩm phái sinh. Trong tình huống cực đoan mà nói thì tiền giấy có lẽ cũng chỉ là một tờ giấy. Năm 2008 nền kinh tế của nước châu Phi Dimbabuê sụp đổ, tháng 9 tỉ lệ lạm phát của nước này đã lên tới con số không thể tưởng tượng được là 230 triệu %, chính phủ buộc phải phát hành tờ tiền có mệnh giá cao nhất là 100 nghìn tỉ, nhưng chỉ đổi được có đúng một USD, trong tháng 12 chính phủ tuyên bố đồng tiền Dimbabuê tự động tiêu vong. 


Trong dòng chảy phát triển lâu dài của lịch sử loài người, các ví dụ tương tự về sự tràn lan của tiền giấy nhiều vô kể, nhưng các nguồn tài nguyên thực sự quý hiếm có giá trị lâu dài lại là các tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, rừng, than, lương thực, nguồn nước…, ngoài ra còn có tài nguyên nhân lực mà chủ yếu là lao động chân tay và lao động trí óc. Nói theo ý này thì đất đai rộng lớn, sản vật phong phú, nhân tài lớp lớp xuất hiện, đó quả thực là sự thể hiện chính xác vị thế của nước lớn. 


Vậy mà trong thế giới hiện thực, các loại tiền giấy muôn hình muôn vẻ đã trở thành tiêu chuẩn được công nhận để cân đo tài sản. Chỉ cần phát hành được tiền là có thể tạo ra quyền lực kiểm soát tài nguyên; đồng tiền nước nào trở thành loại tiền tệ thông dụng quốc tế là nước đó có thể có trong tay năng lực chi phối nguồn tài nguyên toàn cầu. 


Sau Thế chiến thứ hai, dựa vào nguồn dự trữ vàng khổng lồ, vào năng lực sáng tạo khoa học kỹ thuật và thực lực quân sự hùng mạnh của mình để tạo nên nguồn tín dụng quốc gia mà các nước khác không có, đồng USD từ đó đã dần dần thay thế đồng Bảng Anh trở thành đồng tiền thông dụng của quốc tế. Chỉ cần người ta tin tưởng và chấp nhận rộng rãi đồng USD Mỹ thì tất cả đều có thể được chuyển động một cách thuận lợi. 


Chỉ tiếc là, mầm mống của sự bất ổn đã tự ẩn chứa một cách lặng lẽ ngay từ đầu. 


Năm 1971, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố đóng lại “cánh cửa vàng” của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ, ngừng đổi đồng US D lấy vàng. Năng lực phát hành tiền tệ của Mỹ được mở rộng không giới hạn, đồng USD thoát khỏi chỗ dựa là kim loại quý, từ đó đã đi vào quỹ đạo bành trướng rộng thênh thang. Trong hơn 30 năm liên tục sau đó, nước Mỹ đã dựa vào năng lực tài chính gần như không bị hạn chế của mình bắt đầu vay tiền rầm rộ, đầu tiên là duy trì mức nhập siêu thương mại khổng lồ với Đức và Nhật Bản, liền sau đó tiếp tục mở rộng tới các nước đang nổi có nền kinh tế phát triển mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ. Trong một vòng tuần hoàn, Mỹ đã dùng nguồn USD vô tận của mình để đổi lấy tài nguyên sản phẩm và dịch vụ của nước ngoài, tiếp đó đồng USD trong tay các nước trên thế giới lại lần lượt quay về nước Mỹ bằng các phương thức như công trái hay chứng khoán của chính phủ Mỹ. Cuối cùng hình thành khoản nợ được tính theo giá của đồng USD Mỹ. 


Trong tài liệu có tên “Sự trượt dốc của đồng USD Mỹ”, Anderson Viking đã phân tích, trước cuộc khủng hoảng tiền tệ, số nợ của Mỹ đã lên tới 9 nghìn tỉ USD, nếu thêm các khoản chưa giao nộp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản phúc lợi thì toàn bộ số tiền lên tới 53 nghìn tỉ USD, bình quân mỗi người phải gánh chịu 175 nghìn USD. Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ, con số này vẫn tăng lên từng ngày. 


Tại khu phố Manhattan ở New York có một chiếc “đồng hồ quốc trái”, những con số chạy trên đó liên tiếp ghi lại tổng giá trị công trái phát hành của nước Mỹ. Tháng 9/2009 tổng giá trị công trái của Mỹ đã vượt quá con số tối đa mà ban đầu người ta đã lập trình cho chiếc đồng hồ kỹ thuật cao này là 10 nghìn tỉ USD. Người phụ trách chiếc đồng hồ cho biết, sẽ phải tăng thêm hai con số nữa cho chiếc đồng hồ điện tử này để nó có thể hiện thị con số lên tới một triệu tỉ. 
Nếu quả thực như vậy thì nước Mỹ sẽ còn phải tiếp tục “đi mượn” bao nhiêu nguồn lực của thế giới nữa? Số tài sản chúng ta đã “cho mượn”, tới lúc đó sẽ bị thưa thớt đi không biết còn lại được bao nhiêu? 


Quay lại vụ án gián điệp Rio Tinto và đối thoại chiến lược – kinh tế Trung-Mỹ như đã đề cập ở phần trên. Hai sự kiện thời sự nổi bật rất được người trong nước quan tâm này, đã tạo thành một lời chú giải tốt nhất về mối quan hệ giữa tiền tệ và tài nguyên: Khi chúng ta mua tài nguyên vào, cái giá phải trả ngày càng cao; Khi chúng ta dùng nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực giá rẻ của mình để đổi lấy lượng tích trữ ngoại hối lớn, thì không thể không lo lắng, những tài sản được tính giá bằng tiền tệ này liệu có thực sự an toàn hay không? 
“Người không mưu tính trăm việc sẽ không thể mưu tính việc trong chốc lát; người không mưu tính được toàn cục, sẽ không thể mưu tính một lĩnh vực”, quân sự từ trước tới nay không phải là lĩnh vực độc lập nằm ngoài kinh tế và chính trị. Trên thực tế, trong phần lớn thời gian, tranh chấp giữa các nước với nhau được thể hiện nhiều hơn trong việc tìm cách kiểm soát tài nguyên để sinh tồn, chiến tranh chỉ là một biện pháp buộc phải viện đến vũ lực để giải quyết những mâu thuẫn không thể điều hòa được. 

 


Chúng ta có thực sự an toàn được chăng? Lời đáp cho vấn đề này không thể khái quát được chỉ trong hai chữ Hòa Bình./.

 

 

 

 Bài đăng trên Tạp chí “Quân sự thế giới”, Trung Quốc, số 10/2009