Những tin tức về việc Trung Quốc và Campuchia có thể đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép Bắc Kinh được kiểm soát dài hạn một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia, và các tàu hải quân, các thiết bị và nhân viên quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được quyền triển khai tới căn cứ này, đã gây ra những lo ngại rất lớn về sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên khắp khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Như chuyên gia về khu vực Carlyle Thayer đã quan sát: "Trung Quốc chắn chắn sẽ thiết lập một vị thế về quân sự ở Campuchia, đây là kết quả của một tiến trình diễn ra từ từ mà tốc độ của nó sẽ phụ thuộc vào sự phản kháng chính trị ở Campuchia và cả khu vực". Thỏa thuận bí mật giữa Campuchia và Trung Quốc kéo dài trong 30 năm, và sau đó cứ 10 năm lại được tự động gia hạn.

Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ khai thác sân bay quốc tế Dara Sakor ở gần đó, vốn do tập đoàn Union Development của Trung Quốc xây dựng. Sân bay này nằm ở giữa vùng rừng rậm của tỉnh Koh Kong, và đường băng của nó rõ ràng được thiết kế để hỗ trợ cho những chiếc máy bay quân sự lớn cũng như các máy bay chiến đấu.

Căn cứ hải quân Ream và sân bay Dara Sakor chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia và hiện đang cho các công ty của Trung Quốc thuê, giúp Trung Quốc có thể mở rộng sự hiện diện quân sự hơn nữa và khiến Campuchia phải trả giá bằng chủ quyền của mình.

Thỏa thuận bí mật bị tiết lộ này càng củng cố cho quan điểm của rất nhiều người rằng Campuchia đang trượt sâu hơn vào "quỹ đạo" chiến lược của Bắc Kinh. Giáo sư Thayer cho rằng dự án Ream đã cho thấy một xu thế lớn hơn, xu thế đã chứng kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen ký "một thỏa thuận với quỷ dữ để bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ của ông".

Ông Thayer lập luận rằng giao kèo này cuối cùng sẽ dẫn tới việc ông Hun Sen nhượng lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát những quyết định liên quan tới sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc ở Campuchia. Ông nhấn mạnh rằng "Campuchia không còn là một chủ thể độc lập nữa; nước này có thể đề nghị sự hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc mới là nước quyết định dự án nào sẽ được gây quỹ và dự án nào không".

Một nhân tố then chốt đằng sau thỏa thuận bí mật giữa Trung Quốc và Campuchia đó là chính sách ngoại giao "bẫy nợ" của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này. Ông Hun Sen đã chấp nhận viện trợ đáng kể từ Trung Quốc khi ký kết BRI, bao gồm một khoản vay 600 triệu USD, và Bắc Kinh đã đề xuất sẽ cung cấp cho Campuchia thêm 2 tỷ USD nữa để Trung Quốc có thể xây đường xá và mạng lưới đường ray đi qua Campuchia.

Sự kết hợp giữa các khoản tiền cho vay của Trung Quốc và các cảng, sân bay do Trung Quốc xây dựng, cùng với đường xá và mạng lưới đường ray kết nối bán đảo Đông Dương không chỉ giúp Bắc Kinh có được tầm ảnh hưởng chiến lược và giúp Trung Quốc ép các nước láng giềng trở thành các nước chư hầu trên thực tế, mà còn tăng cường khả năng triển khai của PLA, và cuối cùng sẽ cho phép sự hiện diện chiến lược của quân đội Trung Quốc.

Đó là tất cả ý nghĩa của BRI. Điều này khác xa hoàn toàn với kết quả "cùng thắng" đạt được thông qua việc phát triển phụ thuộc vào nhau, vốn có lợi cho tất cả các bên. Thay vào đó, chỉ có phần thắng cho một Trung Quốc đang trỗi dậy - nước đang tìm cách tái khẳng định vai trò của mình như một "Vương quốc Trung tâm" của thế kỷ 21.

Sư hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Campuchia là một nhân tố làm thay đổi những lợi ích an ninh của ASEAN. ASEAN được thành lập để tăng tính kiên cường của khu vực, nhưng bất kể một căn cứ quân sự nào của Trung Quốc - kể cả một căn cứ có mục đích kép (hòa bình và quân sự) - chắc chắn sẽ trở thành một nhân tố làm tan rã hiệp hội này, bởi vì căn cứ đó có thể sẽ được sử dụng để Trung Quốc cưỡng ép quân sự chống lại các quốc gia thành viên của ASEAN.

Ảnh hưởng trực tiếp nhất của việc Trung Quốc được quyền tiếp cận căn cứ Ream sẽ là đối với tranh chấp lãnh thổ trên biển chưa được giải quyết giữa Campuchia và Thái Lan, vốn xuất phát từ những khác biệt về quan điểm của hai nước đối với một thỏa thuận biên giới được ký kết từ năm 1907, và khả năng Trung Quốc tiếp cận các khu vực có dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở khu vực tranh chấp này. Sự hiện diện của các lực lượng hải quân Trung Quốc lưu trú tại Ream sẽ khiến Thái Lan lo ngại, và làm gia tăng khả năng Trung Quốc sẽ can thiệp vào tranh chấp này.

Các tàu của Hải quân PLA, hay các lực lượng bán dân sự được vũ trang đầy đủ như Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc và dân quân hàng hải, có thể sẽ hoạt động hung hăng ở Vịnh Thái Lan và tiến vào cả Biển Đông.

Ví dụ, các lực lượng hải quân Trung Quốc xuất phát từ căn cứ Ream có thể tuần tra gần quân đảo Natuna để bảo vệ các hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc, động thái trước đây từng bị Indonesia thách thức. Nó cũng có thể khuyến khích Trung Quốc quyết đoán hơn trong việc khẳng định rằng cái gọi là "đường chín đoạn" có thể kéo dài tới phía Nam của các vùng lãnh thổ này của Indonesia. Nếu hành động này được Không quân PLA hậu thuẫn, Indonesia sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc đối phó với các hoạt động đánh bắt cá trái phép xung quanh quần đảo này.

Charles Edel - nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney - đã viết: Nếu Trung Quốc có một căn cứ hải quân ở Campuchia, điều đó có nghĩa rằng Hải quân Trung Quốc có một môi trường hoạt động thuận lợi hơn ở các vùng biển xung quanh khu vực Đông Nam Á...Tự nhiên khu vực Đông Nam Á lục địa sẽ nằm ở phía sau một vành đai phòng thủ quân sự của Trung Quốc. Cho tới nay, đó sẽ là hàm ý lớn nhất.

Việt Nam chắc chắn sẽ cảm nhận được sức ép. Căn cứ Ream chỉ cách biên giới Việt Nam-Campuchia 100 km, và các tàu chiến của Trung Quốc có thể hoạt động ở phía Nam của Việt Nam trước khi chuyển sang hướng Đông Bắc để hỗ trợ các hoạt động của Trung Quốc dọc theo bờ biển Việt Nam ở khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp. Ở trên không, phạm vi chiến đấu của những chiếc máy bay J-10C của Không quân PLA bay từ sân bay Dara Sakor có thể đưa Thái Lan, Malaysia và Singapore, cũng như một phần của Indonesia và Myanmar, vào tầm ngắm.

Một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia cũng có thể giúp Trung Quốc tăng khả năng "bót nghẹt" các "dòng chảy" thương mại trên biển trong bất kỳ cuộc bao vây Đài Loan nào trong tương lai - khúc mở đầu cho một cuộc xâm chiếm của Trung Quốc trong những năm tới. Ngược lại, căn cứ này sẽ giúp Trung Quốc tăng cơ hội phá vỡ thế bao vây từ xa do Mỹ áp đặt trong một viễn cảnh như vậy, khiến Mỹ và các đồng minh - trong đó có cả Úc - không thể hoạt động một cách suôn sẻ trên khắp vùng biển Đông Nam Á.

Một căn cứ quân sự của Trung Quốc nằm ở giữa ASEAN là một cái nêm hữu hình gây chia rẽ ASEAN và ảnh hưởng tới an ninh của khối. Nếu ASEAN vẫn là một tổ chức hoạt động hiệu quả, thì các quốc gia thành viên khác phải hành động để ngăn chặn Campuchia làm xói mòn an ninh tập thể của khối thông qua một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc dùng căn cứ quân sự.

Động thái của Campuchia giúp Trung Quốc triển khai sức mạnh hàng hải dọc theo "con đường tơ lụa" trên biển và vươn tới các vùng biển xa ở Ấn Độ Dương. Campuchia trở thành "viên ngọc trai" tiếp theo trong "chuỗi ngọc trai" ngày càng hiện lên rõ ràng, bắt đầu với Djibouti và kéo dài qua Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka, và hiện nay là Ream ở Campuchia. Mỗi căn cứ này đều gần sát các "yếu hầu" hàng hải hay các hành lang biển quan trọng.

Alfred Thayer Mahan - một trong những nhà chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỷ 19 - đã lập luận rằng sức mạnh trên biển là một phương tiện để giành vị thế vượt trội về kinh tế và từ đó giúp gây ảnh hưởng về chính trị. Trong cuốn "Ngôi sao Đỏ trên Thái Bình Dương", tác giả Toshi Yoshihara và James Holmes viết rằng một cách tiếp cận theo kiểu của Mahan đối với sức mạnh trên biển bắt đầu bằng việc công nhận "sự cần thiết phải bảo đảm thương mại, bằng các biện pháp chính trị có lợi cho quân sự hay sức mạnh hàng hải".

Sở hữu những căn cứ như căn cứ Ream có nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ có vị trí tốt hơn để kiểm soát vùng biển xung quanh khu vực Đông Nam Á - trung tâm kinh tế quan trọng của hành tinh, nắm trong tay thương mại trên biển của toàn cầu được vận chuyển qua khu vực quan trọng này./.

Malcolm Davis là nhà phân tích cao cấp tại ASPI. Bài viết đăng trên “Aspistrategist”.

Mỹ Anh (gt)