Nhưng câu chuyện về sự thống trị tất yếu của Trung Quốc này dựa trên những giả định chủ chốt quá thường xuyên không được xem xét kỹ lưỡng. Chẳng hạn, phải chăng điều mặc định là chỉ với tổng lượng thương mại mở rộng và đầu tư cơ sở hạ tầng, Trung Quốc có thể thực sự biến chúng thành sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn hơn? Liệu Washington và trật tự khu vực mà họ đã giúp xây dựng và duy trì có thực sự đang trên đà suy yếu không thể cứu vãn? Phải chăng các bên tham gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á và trong khu vực rộng lớn hơn được cho là sẽ hoan nghênh một cách thụ động sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Không giả định nào trong số này có cơ sở vững chắc. Chặng đường của Trung Quốc tiến tới vị thế hàng đầu khu vực có thể chông chênh hơn dự kiến, và ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á có được sức bền đáng kể nhờ các lợi ích chiến lược và mạng lưới đồng minh rộng của Washington. Hơn nữa, các bên tham gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan có phương pháp tác động bị đánh giá thấp trong việc định hình các môi trường chiến lược của họ và chống lại những yêu cầu hống hách của Trung Quốc. Bối cảnh khu vực đang tiến triển có thể sẽ là một sự chắp vá giữa nhiều trung tâm quyền lực thay vì một cuộc giằng co giữa Bắc Kinh và Washington.

Chiến dịch gây cảm tình của Trung Quốc

Chỉ vài tháng sau khi củng cố quyền lực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có hai bài phát biểu quan trọng tạo nên tinh thần chung cho tầm nhìn chính sách đối ngoại của ông. Bài phát biểu đầu tiên diễn ra tại một hội nghị đáng chú ý vào tháng 10/2013, đánh dấu cuộc họp chính sách đầu tiên về các nước láng giềng trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Thành phần tham dự bao gồm các thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị và tất cả những người có liên quan trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của đất nước. Tại hội nghị này, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc Trung Quốc phải tăng cường hợp tác kinh tế và các mối quan hệ đối tác an ninh với các nước ở sân sau của mình. Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình đã yêu cầu Bắc Kinh “phấn đấu thúc đẩy một hình thức hợp tác an ninh khu vực” với các nước láng giềng theo các tiêu chí “tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và hợp tác”, đây được coi là tuyên bố chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Ông nhấn mạnh vai trò trung tâm của việc “bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực láng giềng” và sự cần thiết phải “đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng và xây dựng một mô hình mới cho hội nhập kinh tế khu vực”.

Tuyên bố chiến lược của Tập Cận Bình được đưa ra sau một loạt dấu hiệu cho thấy quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng đang xấu đi. Trung Quốc phải chật vật trước những căng thẳng đang âm ỉ với các quốc gia dọc theo cái gọi là “Chuỗi đảo thứ nhất”, trải dài từ phía Bắc Nhật Bản cho tới tận khu vực phía Tây của Biển Đông. Philippines, một đồng minh của Mỹ và cũng là bên chủ chốt có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đã đưa ra quyết định chưa từng có là kiện Trung Quốc ra tòa vì các tranh chấp biển giữa hai nước, trong khi Manila đang thăm dò khả năng thiết lập các căn cứ gần như cố định của Mỹ tại nước này theo Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA). Trong khi đó, Washington gần đây đã tiết lộ chính sách xoay trục sang châu Á, điều mà nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc coi là một chiến lược kiềm chế được che đậy sơ sài. Tập Cận Bình thừa nhận việc cấp bách phải làm là giảm bớt căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng do lo sợ rằng họ sẽ tham gia một mạng lưới được cho là do Mỹ dẫn dắt gồm các liên minh chống Trung Quốc.

Đáp lại, Tập Cận Bình đã thực hiện một loạt bước đi nhằm mục tiêu tăng cường sức mạnh của Trung Quốc. Chỉ hai tháng sau hội nghị nói trên, ông đã khởi xướng các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn trên các cấu địa hình đang bị tranh chấp ở Biển Đông, biến các bãi đá, đảo san hô và bãi cạn nửa chìm nửa nổi thành các đảo nhân tạo khổng lồ hiện chứa các tài sản quân sự tối tân, trong đó có thiết bị gây nhiễu sóng điện tử, tên lửa đất-đối-không và tên lửa hành trình chống tàu. Tập Cận Bình cũng tái cơ cấu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và tăng cường tài trợ để tập trung vào việc triển khai sức mạnh tấn công trên biển và trên không, đồng thời tăng cường năng lực của các lực lượng chiến lược Trung Quốc nhằm ngăn chặn (hoặc gia tăng phí tổn đối với) Mỹ và các cường quốc khác tiếp cận vùng biển gần Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột. Trên mặt trận ngoại giao, Tập Cận Bình đã bổ nhiệm Vương Nghị, một chuyên gia hàng đầu về châu Á và cũng là nhà ngoại giao kỳ cựu, làm bộ trưởng ngoại giao. Trước đây, Vương Nghị đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, và trong nhiều vấn đề khác.

Cũng trong tháng mà Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất một khuôn khổ hợp tác mới tại một hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Khuôn khổ này hướng đến mục tiêu đạt được sự đồng thuận chính trị bao gồm hai luận điểm về việc tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và quan hệ hàng xóm láng giềng hữu hảo (có khả năng thông qua một hiệp ước thân thiện và hợp tác phiên bản của Trung Quốc), kết hợp với một gói hợp tác kinh tế, trong đó tập trung mở rộng đầu tư, thương mại và cơ sở hạ tầng song phương. Đề xuất của Lý Khắc Cường là một phần trong kế hoạch trên biển của sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) do Trung Quốc lập ra, một kế hoạch sâu rộng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án kết nối khác trên toàn khu vực Á-Âu.

Tháng 9/2013, Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu quan trọng tại Đại học Nazarbayev ở Kazakhstan, nơi ông đã khánh thành một cơ sở trên đất liền trong khuôn khổ BRI. Bằng cách này, Trung Quốc đã tuyên bố nỗ lực dẫn dắt một giai đoạn mới trong cạnh tranh địa chính trị, cụ thể là thông qua phát triển cơ sở hạ tầng. Theo lời Diêm Học Thông, một trong những học giả nổi tiếng của Trung Quốc về chính sách đối ngoại, “chính sách hiện nay cho phép các nước láng giềng nhỏ hơn hưởng lợi về mặt kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, chúng tôi cấp thiết cần các mối quan hệ tốt đẹp hơn là phát triển kinh tế. Chúng tôi để cho họ hưởng lợi về kinh tế, và đổi lại, chúng tôi có được các mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Chúng tôi cần phải theo đuổi những mối quan hệ này”.

Trong những năm giữa thời gian đó, Trung Quốc đã tài trợ cho một loạt dự án cơ sở hạ tầng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhiều nơi khác trên thế giới. Một vài dự án nổi bật nhất trong số này ở Đông Nam Á gồm có một dự án đường sắt lớn được gọi là Tuyến đường sắt ven biển phía Đông và một dự án cảng lớn có tên Cửa ngõ Malacca ở Malaysia; một tuyến đường sắt được đề xuất xây dựng giữa thành phố Côn Minh của Trung Quốc và Singapore; và dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia. Tuy nhiên, ít nhất một vài dự án trong số này đã gây tranh cãi tại nhiều nước trong khu vực do một loạt vấn đề, trong đó có các gánh nặng nợ nần tăng nhanh, các điều khoản không minh bạch và điều mà nhiều người cho là sự thờ ơ trước các tác động đối với hệ sinh thái.

Những hiểm họa của việc trở thành một cường quốc còn non trẻ

Malaysia

Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm biến sức mạnh kinh tế thành thiện chí ngoại giao, nhiều nước láng giềng vẫn e dè về Bắc Kinh. Một phần, đây là vấn đề về quy mô. Như lời Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã nói với tác giả bài viết trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 3/2019, “thế giới luôn sợ Trung Quốc vì quy mô của nước này”. Nêu bật một thực tế về cấu trúc không thể chối cãi vốn định hình quan hệ của Bắc Kinh với các nước láng giềng lân cận nhất, Mahathir nói thêm: “khi Trung Quốc còn nghèo, người ta lo lắng về Trung Quốc. Giờ họ đã trở nên giàu có, người ta vẫn lo ngại về họ vì những lý do khác”.

Vị thủ tướng Malaysia này không chỉ là một nhân vật nổi bật ở Đông Nam Á mà còn là một trong những nhà lãnh đạo khu vực có tiếng nói nhất trong các vấn đề liên quan đến tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Kể từ khi trở lại nắm quyền mang tính lịch sử sau gần 2 thập kỷ nghỉ hưu, nhà hoạt động chính trị độc lập Malaysia này đã bất ngờ trở thành người đi đầu cổ vũ cho chủ nghĩa hoài nghi đối với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thực hiện đúng lời hứa ông đã đưa ra trong cuộc tranh cử năm 2018, Mahathir đã xem xét kỹ lưỡng hơn các thỏa thuận kinh tế của nước này với Trung Quốc. Tháng 11/2018, ông tạm thời đình chỉ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trị giá hàng chục tỷ USD, công khai chất vấn về tính bền vững và minh bạch của chúng. Ban đầu, những thỏa thuận cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được xem xét lại, nếu không nói là bị hủy bỏ, gồm có dự án cảng Cửa ngõ Malacca trị giá 10 tỷ USD, dự án Tuyến đường sắt ven biển phía Đông trị giá 20 tỷ USD, và một dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn. Tháng 4/2019, sau nhiều tháng tranh cãi và đàm phán không khoan nhượng, Chính phủ Malaysia tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý giảm chi phí xây dựng Tuyến đường sắt ven biển phía Đông xuống khoảng 5 tỷ USD và cho phép các công nhân và công ty địa phương tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên, kết cục của các dự án khác nêu trên vẫn chưa được làm rõ.

Các cuộc tái đàm phán này phản ánh cách Malaysia và các nước chung tư tưởng khác thể hiện sự lo ngại ngày càng tăng về các rủi ro kinh tế và đặc biệt là rủi ro tài chính của việc tiếp nhận quá nhiều khoản vay của Trung Quốc và những nỗ lực chống tham nhũng ở nước này. Sự ổn định tài chính là một cân nhắc trọng tâm. Đối mặt với khoản nợ lên tới 250 tỷ USD, một phần đáng kể trong đó là do các thỏa thuận kinh tế giữa Trung Quốc và bộ máy chính quyền tham nhũng của cựu Thủ tướng Najib Razak, Chính phủ Malaysia cảm thấy việc đánh giá lại các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém của Trung Quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Những nỗi bất bình của Mahathir phản ánh sự bất an dai dẳng trong các quốc gia trên toàn châu Á về nguy cơ vấp phải bẫy nợ bằng cách tham gia BRI do Trung Quốc dẫn dắt. Mahathir đã nói với tác giả bài viết rằng “nếu anh vay một khoản tiền lớn, rốt cuộc anh sẽ phải chịu sự ảnh hưởng và chỉ đạo của bên cho vay”, nhấn mạnh mối đe dọa về sự phụ thuộc không tự nguyện nếu các nước nhỏ vay “vượt quá khả năng trả nợ”. Ông cảnh báo các nước tiếp nhận về “nguy cơ gây nguy hiểm cho sự tự do của chính họ” khi họ nợ Trung Quốc quá nhiều tiền.

Công bằng mà nói, các hoạt động chính trị trong nước xoay quanh các cáo buộc tham nhũng đã hình thành nên một yếu tố lớn trong việc hiệu chỉnh mối quan hệ giữa Malaysia và Trung Quốc lần này. Tìm cách loại bỏ hành vi tham nhũng của người tiền nhiệm, Mahathir đã quy kết cho Chính quyền Najib tội bán nước để đổi lấy những khoản tiền lót tay và các thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Trước cuộc bầu cử năm 2018 và cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra sau đó, quyết định của Trung Quốc về việc trợ giúp 2,3 tỷ USD cho chính quyền trước đây của Malaysia vào đỉnh điểm của vụ bê bối tham nhũng của Công ty phát triển 1Malaysia (1MDB), trong khi các nước khác đã bắt đầu phong tỏa tài khoản ngân hàng của các nhà lãnh đạo Malaysia, chỉ làm tăng thêm sự bất mãn ở phe đối lập do Mahathir lãnh đạo vào thời điểm đó. Như Bộ trưởng Tài chính hiện nay Lim Guan thừa nhận, Malaysia tìm cách “khôi phục khả năng tài chính và cả danh tiếng của đất nước trong giới tài chính quốc tế”, vốn bị tổn hại nặng nề trong vụ bê bối tham nhũng 1MDB và tình hình tài chính suy yếu của đất nước.

Các cân nhắc địa chính trị trong khu vực cũng là một phần trong tính toán này. Quan sát các dàn xếp “biến nợ thành vốn chủ sở hữu” gây tranh cãi của Trung Quốc ở các nơi khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Tài chính Malaysia nêu rõ rằng một kịch bản giống như vụ Sri Lanka bàn giao một cảng cho Trung Quốc để trả nợ là điều không thể chấp nhận được đối với Malaysia. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 8/2018, Mahathir đã công khai cảnh báo về “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”. Ông cũng ủng hộ đối thoại và hợp tác với những nước khác tiếp nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI, trong đó có Pakistan, nước vốn đã lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất một phần do dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 62 tỷ USD. Mahathir nhận định: “Khi nói về chủ nghĩa thực dân kiểu mới, đó không hẳn là điều Trung Quốc đang làm, nhưng nó có tác động làm giảm quyền tự do hành động của những nước khác nợ Trung Quốc quá nhiều”.

Đối với các nước láng giềng, một dấu hiệu nguy hiểm lớn khác chính là việc Trung Quốc không hiểu được những mối lo lắng và bận tâm của họ ở địa vị là các bên tham gia địa chính trị nhỏ hơn và có sức ảnh hưởng kém hơn. Công bằng mà nói, nhà lãnh đạo Malaysia này có quan điểm tương đối đa chiều về các khoản đầu tư của Trung Quốc. Không dứt khoát bác bỏ BRI, ông nêu rõ rằng “chúng tôi không lấy làm phiền nếu họ xây dựng các nhà máy sản xuất hàng hóa. Điều quan trọng là Trung Quốc cũng phải để ý đến quan điểm và nhận thức của các nước khác”.

Sự hoài nghi ngày càng tăng của Malaysia dưới thời Mahathir đối với Bắc Kinh đặt biệt có lý vì ít nhất hai lý do chính. Trước hết, Malaysia trong lịch sử luôn là một trong những bằng hữu thân thiết nhất và cũng là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Trung Quốc, ít nhất là từ kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bắt đầu tìm cách nối lại quan hệ hữu nghị với Đông Nam Á hồi đầu những năm 1980. Thứ hai, vì Malaysia là một nước tầm trung tương đối phát triển, kinh nghiệm của họ thậm chí có giá trị định hướng hơn khi tìm hiểu về quan điểm của các nước lớn hơn và phát triển hơn ở trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, theo những cách mà các nước khác như Lào, Pakistan hay Sri Lanka không bao giờ làm được. Xét cho cùng, các nước châu Á phát triển hơn với xếp hạng tín nhiệm cao thường có thể dựa vào các thể chế tài chính quốc tế hoặc các nhà đầu tư tư nhân để gây quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Ngược lại, các nước nghèo hơn với xếp hạng tín nhiệm thấp hơn thường có những lựa chọn hạn chế hơn, điều này giải thích cho sự phụ thuộc của họ vào các bên cho vay như Trung Quốc. Malaysia, dưới thời Chính quyền Najib, đã trở thành một câu chuyện mang tính cảnh báo về cách ngay cả những quốc gia châu Á tiên tiến hơn cũng có thể trở thành con mồi cho bẫy nợ của Trung Quốc.

Singapore và các nước còn lại ở Đông Nam Á

Malaysia không phải bên tham gia duy nhất ở Đông Nam Á phải đối mặt với thách thức về việc làm thế nào để đối phó với các đề xuất ngoại giao của Trung Quốc. Sự phản đối của Kuala Lumpur đã phản ánh mạnh mẽ thái độ của những người hoài nghi Trung Quốc cũng như những người ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc tại các nước láng giềng khác, đặc biệt là Indonesia, Philippines và Singapore.

Cứ cho là Bắc Kinh đã xâm nhập vào nền kinh tế Đông Nam Á, giống như nước này đã làm ở nhiều nơi khác trên thế giới. Bắc Kinh đang mở rộng thị phần thương mại và tầm ảnh hưởng đầu tư của nước này ở Đông Nam Á và châu Á nói chung. Giáo sư người Mỹ David Kang đã ghi chép về những lần Trung Quốc mở rộng dòng chảy thương mại và đầu tư của họ ở khu vực này trong 2 thập kỷ qua.

Tuy vậy, sự hội nhập kinh tế được Trung Quốc thúc đẩy đang tiếp thêm động lực cho những phản ứng dữ dội đang bùng lên từ phe dân tộc chủ nghĩa và phe bảo hộ chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng. Tình trạng này gần giống với thuật ngữ “sự chuyển mình vĩ đại” mà Karl Polanyi đặt ra để gọi sự hội nhập kinh tế nhanh chóng dưới thời chủ nghĩa tư bản và phản ứng dữ dội mà nó gây ra trong những bên cảm thấy bị đe dọa hoặc bị gạt ra bên lề. Sự hội nhập, trong trường hợp này là giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, có thể sinh ra sự phẫn nộ và phản ứng dữ dội không kém thay vì hướng tới sự hòa hợp theo định hướng thị trường.

Hơn nữa, mô tả thông thường về quan hệ kinh tế đang mở rộng của Trung Quốc với các nước láng giềng thường bỏ qua sự bất cân xứng rõ ràng trong khối lượng thương mại và các điều khoản giữa Bắc Kinh và các đối tác thương mại của họ. Trung Quốc đang gia tăng thặng dư thương mại với hầu hết các nước láng giềng lớn ở Đông Nam Á. Khắp khu vực đang dấy lên sự phẫn nộ về việc di chuyển chuỗi sản xuất hàng cấp thấp sang Trung Quốc đại lục trong vài thập kỷ qua, trong khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực phải vật lộn với dòng sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào khu vực đang mở rộng, nhưng việc nước này dựa một cách tai tiếng vào công nhân Trung Quốc, ngoài năng lực công nghệ và kỹ thuật Trung Quốc, chỉ làm trầm trọng thêm sự bất mãn của người dân địa phương tại các nước tiếp nhận.

Sự bất cân xứng này đã khơi gợi lại những động lực của chủ nghĩa bảo hộ đã âm ỉ từ lâu ở các nước đang phát triển, những nơi phẫn nộ với sự thống trị kinh tế của phương Tây theo kiểu thực dân mới trong thế kỷ 20. Mahathir, người kế vị xuất chúng nhất của Phong trào không liên kết trong thế kỷ 21, đã nhắc đến chính bối cảnh này khi ông nói về “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” ở châu Á. Điều đã làm xấu đi vị thế của Trung Quốc, và làm trầm trọng thêm những căng thẳng đang gia tăng của nước này với các nước có tư tưởng độc lập hơn trong khu vực, chính là chiến dịch gây cảm tình đôi khi không được tính toán thấu đáo của họ và cách tiếp cận cứng rắn của Tập Cận Bình về mặt ngoại giao.

Trong trường hợp của Singapore, vấn đề không hoàn toàn là về kinh tế. Một khía cạnh trong những bất đồng ngoại giao ngày càng công khai của quốc gia này với Bắc Kinh chính là mối lo ngại ngày càng tăng về sự can thiệp của Trung Quốc vào nền chính trị trong nước. Như nhà ngoại giao kỳ cựu của Singapore Bilahari Kausikan đã nói, Trung Quốc đang tiến hành “các hoạt động gây ảnh hưởng toàn lực” trong đó tìm cách tập hợp các nhóm cư dân gốc Hoa trên khắp châu Á quy tụ dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc sáp nhập Văn phòng các vấn đề Trung Quốc ở nước ngoài vào Ban Công tác mặt trận thống nhất trung ương đã báo hiệu sự ra đời của chiến lược mới này, trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố của Bắc Kinh về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Singapore lo lắng về việc Bắc Kinh dường như cố tình xóa nhòa sự khác biệt giữa “Hoa nguyên” (người gốc Hoa với mọi quốc tịch) và “Hoa kiều” (công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài). Như Kausikan đã nhấn mạnh trong một bài phát biểu nổi tiếng vào tháng 7/2018 về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, “mục tiêu của công tác mặt trận thống nhất đang diễn ra hiện nay là xóa nhòa sự khác biệt giữa trong nước và quốc tế, và thúc đẩy lợi ích của Đảng ở bất cứ nơi nào có thể, dù là trong hay ngoài nước”. Ông tiếp tục chỉ ra rằng các chiến dịch kiểu này “nhằm bác bỏ hoặc phủ nhận các quy tắc chuẩn Westphalia không can thiệp vào công việc nội bộ, được quy định trong Điều 41 Công ước Viên về quan hệ ngoại giao”. Bilahari cho rằng hành vi này của Trung Quốc tạo thành một hình thức “hành động vượt quá giới hạn” mang tính chiến lược trong quan hệ với các nước láng giềng.

Sự phát triển này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh Tập Cận Bình tuyên bố rằng “việc hiện thực hóa sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa đòi hỏi nỗ lực chung của các thế hệ người Trung Quốc ở trong và ngoài nước”. Điều này còn đúng hơn khi xét tới thực tế rằng có đến 60 triệu người gốc Hoa đang sống trên khắp thế giới, nhiều người trong số đó cư trú tại các nước láng giềng Đông Nam Á.

Singapore đã thực hiện ít nhất là một vài bước đi để củng cố hệ thống quốc phòng của mình. Năm 2017, nước này đã trục xuất Hoàng Tĩnh, một giáo sư gốc Hoa nổi tiếng tại trường chính sách công Lý Quang Diệu, sau khi cáo buộc vị học giả này “hợp tác với các đặc vụ tình báo nước ngoài (từ Trung Quốc)” và nỗ lực tham gia vào việc “lật đổ và can thiệp vào nền chính trị trong nước của Singapore”. Singapore cũng đã thắt chặn luật an ninh mạng chống lại tin tức và tuyên truyền giả mạo, bao gồm từ các bên tham gia thù địch ở nước ngoài. Và nỗi lo lắng của Singapore về quyền lực sắc bén của Trung Quốc được cho là đã bộc lộ khi nước này quyết định xây dựng một Trung tâm văn hóa Trung Hoa tại Singapore trị giá 110 triệu USD để khẳng định cách diễn giải độc đáo của họ về di sản văn hóa của Trung Quốc.

Chiến dịch đưa tin sai lệch và sự can thiệp của Nga vào các cuộc bầu cử của Mỹ và châu Âu có thể là lời cảnh tỉnh trước những hành động gây phá hoại và các chiến dịch xâm nhập tương tự của Trung Quốc để gây ảnh hưởng tới nền chính trị Singapore. Như lưu ý trong một cách giải thích mang tính học thuật, những biểu hiện của “quyền lực sắc bén” như vậy bao gồm cả các chiến dịch do những “chế độ chuyên chế hùng mạnh và tham vọng” thực hiện, trong đó “tập trung vào việc phân tán và thao túng” các vấn đề xã hội ở nước ngoài.

Các tranh chấp của Singapore với Bắc Kinh đôi khi có những tác động an ninh rõ rệt. Căng thẳng song phương đã gia tăng vào mùa Hè năm 2016 khi Singapore kêu gọi cả Trung Quốc và Philippines tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài liên quan đến Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trong vụ kiện do Manila khởi xướng nhằm phản đối các tuyên bố lãnh hải quy mô lớn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiểu hành động này như là một sự thách thức trực tiếp đối với quan điểm “3 không” của họ: không tham gia, không công nhận và không tuân thủ các thủ tục tố tụng trọng tài được quy định trong UNCLOS. Hợp tác chiến lược và quốc phòng chặt chẽ hơn giữa Singapore và Đài Loan cũng kích động thêm nhiều tranh cãi. Cuối năm 2016, Trung Quốc thậm chí đã tạm thời chặn một nhóm xe bọc thép của Singapore đang di chuyển qua Hong Kong từ các cuộc tập trận quân sự ở Đài Loan. Tình tiết này đã làm nổ ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao và dẫn đến các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần lễ cho đến khi những chiếc xe Terrex chở bộ binh Singapore cuối cùng cũng được trả lại. Bị quấy rối bởi sự quyết đoán trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc, Singapore đã đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ, bằng cách trao quyền tiếp cận lâu dài cho các tàu chiến ven biển của Mỹ cũng như của các đối tác chung tư tưởng như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Đài Loan. Trên thực tế, một số nhà phân tích chiến lược đang bắt đầu nói về triển vọng mở rộng ít nhất là một số yếu tố trong Bộ tứ - một hình thức hợp tác chiến lược được thể chế hóa giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ để bao gồm cả Singapore. Trong khi đó, nước này đang mở rộng nhanh chóng các năng lực quân sự của mình, khi chi tiêu quốc phòng năm 2019 đạt mức cao nhất trong vòng 12 năm bất chấp nền kinh tế suy thoái.

Xét ở một số khía cạnh nào đó, mâu thuẫn ngày càng tăng của Singapore với Trung Quốc thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn so với Malaysia, đặc biệt là xét tới đa số người gốc Hoa ở nước này và quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế thậm chí còn gần gũi hơn từ trong lịch sử với Trung Quốc đại lục. Xét cho cùng, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình không chỉ các chính sách kinh tế của Trung Quốc sau nhiệm kỳ của Mao Trạch Đông mà còn cả quan hệ ngoại giao của nước này với phương Tây.

Các cuộc tranh luận chiến lược đang diễn ra trong và giữa các nước Đông Nam Á chủ chốt chỉ gây ấn tượng sai lầm về câu chuyện thần thoại về sự ma mãnh trong ngoại giao của Trung Quốc và những giả định sai lầm về việc Trung Quốc tất yếu sẽ giành được bá quyền khu vực. Những rạn nứt giữa Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cho thấy vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực không hề suôn sẻ như nhận định ban đầu. Bắc Kinh càng mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực một cách vụng về, họ càng nhắc nhở các nước láng giềng nhỏ hơn hậu thuộc địa của mình về những nỗi kinh hoàng không chỉ của chủ nghĩa thực dân phương Tây mà còn của cả hệ thống chư hầu của Trung Quốc thời kỳ tiền hiện đại. Sự hòa nhập lớn hơn với Trung Quốc cũng khiến nhiều nước láng giềng có ý thức tự bảo vệ và nhu cầu tự chủ cao hơn.

Thái Bình Dương hòa bình

Ngoài những kiến nghị đôi khi không phân biệt âm điệu đối với các nước láng giềng, điều có vẻ như nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành ưu thế chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã gặp trở ngại vì ít nhất ba lý do khác.

Bước ngoặt mang tính cạnh tranh trong quan hệ Mỹ-Trung

Một mặt, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang diễn ra trong giai đoạn Mỹ hồi sinh chiến lược trong một số lĩnh vực, đặc biệt là dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, người thiếu kiềm chế hơn nhiều so với những người tiền nhiệm trong việc thách thức Trung Quốc. Câu chuyện thông thường giữa các nhà phân tích về Chính quyền Trump là về sự rút lui chiến lược của Mỹ, đặc biệt là khi xét tới mức độ không được lòng dân của tổng thống trong khu vực cũng như quyết định của ông về việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trụ cột trong chiến lược tái cân bằng sang châu Á của chính quyền tiền nhiệm.

Nhưng trong bối cảnh khu vực châu Á, vai trò của Washington còn phức tạp hơn thế. Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và các cuộc tuần tra trên không bằng máy bay ném bom hạt nhân ở Biển Đông, công khai thách thức các yêu sách biển quá đáng và gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc. Chính quyền Trump đã trao cho Lầu Năm Góc quyền hạn lớn hơn để kiềm chế sự quyết đoán trên biển của Trung Quốc, bao gồm cả các quyết định liên quan đến FONOP. Washington đã tăng gấp đôi số tiền tài trợ quân sự nước ngoài cho các đồng minh chủ chốt trong khu vực, trong đó có Philippines, công khai kêu gọi Trung Quốc loại bỏ các tài sản quân sự tối tân ra khỏi các cấu trúc địa hình đang có tranh chấp ở Biển Đông, và thậm chí quyết định coi các lực lượng bán quân sự hàng hải của Trung Quốc đang hoạt động trong khu vực này là phần mở rộng của hải quân Trung Quốc trên thực tế. Chính quyền Trump thậm chí đã thực hiện bước đi chưa từng có là công khai đề nghị rằng họ sẽ giải cứu Philippines trong trường hợp nổ ra xung đột với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Washington cũng tăng cường sự can dự kinh tế ở châu Á. Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật sáng kiến trấn an châu Á (ARIA) trị giá hàng tỷ USD, và tăng cường sự hiện diện quốc phòng và quân sự cũng như hoạt động ngoại giao của nước này trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư cho phát triển (BUILD) trị giá 60 tỷ USD nhằm mục tiêu huy động các khoản đầu tư chất lượng cao của Mỹ vào các thị trường chiến lược, cụ thể là ở Đông Á. Đối với Washington và các đồng minh, những nỗ lực này về cơ bản là nhằm duy trì một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, cụ thể là bằng cách bảo toàn các quy tắc tự do nói chung, cả chính thức lẫn không chính thức, và quản lý các tương tác giữa các nước.

Về mặt thương mại, Mỹ đã công khai tìm cách thay đổi về cơ bản các chính sách thương mại và công nghiệp của Trung Quốc, nghi ngờ khả năng tồn tại của BRI, và gây sức ép buộc các đồng minh và đối tác phải tránh xa các dự án đầu tư công nghệ cao của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Trong khi khoảng cách tương đối giữa sức mạnh kinh tế và quân sự của Bắc Kinh và Washington đã thu hẹp đáng kể trong thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về nguồn lực “ròng” – trong đó có sức mạnh mềm, công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực, vũ khí quân sự, khoáng sản quý hiếm và các tài nguyên thiên nhiên khác, cùng các tài sản kinh tế khác – những thứ có thể được huy động trong giai đoạn xung đột. Như học giả Michael Beckley đã lưu ý, “sức mạnh của một quốc gia không phải xuất phát từ tất cả các nguồn lực nói chung mà là từ những nguồn lực ‘ròng’ – những gì còn lại sau khi trừ đi chi phí tạo ra chúng”. Ngoài ra, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức to lớn về cấu trúc nội bộ, trong đó có những trở ngại còn tồn đọng trong nhân khẩu học của dân số già hóa, tình trạng bất ổn xã hội gia tăng, tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp và mất cân bằng kinh tế trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng của đất nước. Công bằng mà nói, sự “hồi sinh” của Mỹ chủ yếu là trong lĩnh vực phản công quân sự chống lại Trung Quốc, và có những lo ngại sâu sắc giữa các đối tác và đồng minh khu vực về tính dễ dự đoán trong chính sách của Mỹ dưới sự cầm quyền của phe dân túy trong Nhà Trắng. Tuy vậy, các cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy phần lớn thế giới vẫn muốn Mỹ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu hơn là Trung Quốc.

Mạng lưới đối tác sâu rộng của Washington

Ngoài những nỗ lực của riêng Washington nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều đáng lưu ý là các đồng minh và đối tác chung tư tưởng của Mỹ phải làm thế nào để lấp vào khoảng trống mà các chính sách bảo hộ của Trump đã để lại. Điều làm tăng thêm lợi thế của Mỹ đối với Trung Quốc là mạng lưới các liên minh khu vực rộng lớn và ổn định, đặc biệt là các cường quốc tầm trung có chung các mối quan ngại, dù không giống nhau, về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, các nước như Úc, Nhật Bản và hiện nay là Ấn Độ. Một vài cường quốc khu vực trong số này, cụ thể là Nhật Bản và Úc, dường như cam kết ủng hộ tầm nhìn của Washington về một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” và ủng hộ làn sóng phản đối do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Trung Quốc. Chúng ta cần phải hiểu các nỗ lực thành công của Nhật Bản, song song với Úc, trong chính bối cảnh này để khôi phục một phiên bản mới của TPP mà ông Trump đã bỏ rơi.

Các đối tác của Mỹ hoàn toàn có khả năng theo cách riêng của họ. Nhật Bản, một đồng minh hiệp ước của Mỹ, đã có sáng kiến kết nối riêng trị giá hàng tỷ USD, trong đó tài trợ cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Đông Nam Á. Úc và ASEAN đã ký kết một thỏa thuận đầu tư, nhằm mục tiêu “phát triển một hệ thống các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao để thu hút đầu tư chính phủ và đầu tư tư nhân”. Ấn Độ đang mở rộng viện trợ phát triển riêng cũng như hợp tác chiến lược với các nước ASEAN.

Thay vì phụ thuộc vào các hướng dẫn hay sáng kiến của Mỹ, mỗi cường quốc tầm trung trong số này đang gắn kết tất cả hoặc từng nước thành viên ASEAN nhằm giúp bảo vệ và tăng cường trật tự dựa trên quy tắc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cuộc tranh giành chiến lược đang diễn ra này chủ yếu không phải để tìm cách chống lại các sáng kiến của Trung Quốc về mặt kinh tế. Thay vào đó, và quan trọng hơn là, đây là một cuộc cạnh tranh về các quy tắc và quy định mà sẽ quản lý sự phát triển toàn cầu và đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược. Phải thừa nhận rằng vẫn còn quá sớm để nói về một liên minh Bộ tứ hoàn toàn gắn kết để chống lại Trung Quốc, nhưng mỗi nước trong số 4 cường quốc này đã cho thấy họ ngày càng quan tâm đến việc hỗ trợ các nhu cầu và nguyện vọng về phát triển và an ninh của Đông Nam Á.

Không giống như Washington và đội ngũ đối tác mạnh mẽ của họ, Trung Quốc gần như không có một đồng minh nào đáng tin cậy để thúc đẩy tầm nhìn và các giá trị của họ trong khu vực này. Cả Triều Tiên và Pakistan, được coi là các đối tác chiến lược gần gũi nhất của Bắc Kinh, đã tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại của họ trong những năm gần đây. Bình Nhưỡng đã tìm cách đàm phán trực tiếp với Washington, chủ yếu là nhằm xóa bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế đang đi xuống của nước này. Đến lượt mình, Islamabad đã xoay trục sang Saudi Arabia và tiếp nhận một gói cứu trợ khác từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào BRI và gánh nặng nợ đang lơ lửng do BRI.

Công cuộc tìm kiếm quyền tự trị của Đông Nam Á

Một vấn đề khác đối với nỗ lực của Trung Quốc nhằm tìm kiếm ưu thế trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là việc một số nước Đông Nam Á đang cố gắng đa dạng hóa các quan hệ đối tác chiến lược của họ và các nguồn đầu tư nước ngoài. Mặc dù được biết đến nhờ căng thẳng lịch sử với phương Tây, các nhà lãnh đạo Malaysia (Mahathir) và Philippines (Rodrigo Duterte), chưa nói đến các nhà lãnh đạo Việt Nam, đã hoan nghênh sự hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn với Mỹ và các khoản đầu tư từ Mỹ, và quan trọng hơn là Nhật Bản. Ngay cả các quốc gia Đông Nam Á nghèo như Campuchia, Lào và Myanmar cũng đã chủ động tìm kiếm các dự án đầu tư phát triển và cơ sở hạ tầng của Nhật Bản để giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Điều này là do các quốc gia Đông Nam Á, dù lớn hay nhỏ, đều cố gắng duy trì quyền tự chủ chiến lược hậu thuộc địa của họ, dùng một cường quốc để đối phó với một cường quốc khác trong khi tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ nước lớn nào bên ngoài. Cả các nước Đông Nam Á có thu nhập thấp và trung bình cũng rất cần tìm kiếm các mối quan hệ chiến lược đa dạng dù là song phương hay đa phương (thông qua ASEAN) với một loạt cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó không chỉ có Trung Quốc và Mỹ mà còn cả Ấn Độ, Nhật Bản và Nga.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng muốn có các nguồn đầu tư và viện trợ đa dạng. Nhật Bản vẫn là đối tác khu vực hàng đầu trong khía cạnh này. Những năm đầu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đóng vai trò là bên bảo vệ an ninh chính ở Đông Nam Á, trong khi Nhật Bản là bên tham gia kinh tế chính kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Làn sóng đầu tư đầu tiên của Nhật Bản vào Đông Nam Á diễn ra trong giai đoạn những năm 1980 và 1990, và làn sóng thứ hai đã và đang diễn ra trong thập kỷ qua, khi Nhật Bản tìm cách cung cấp các phương án thay thế cho vốn tài trợ của Trung Quốc. Phải thừa nhận rằng sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách một bên tham gia kinh tế lớn đã mở rộng nhóm các đối tác chiến lược của Đông Nam Á, khi Mỹ và Nhật Bản đã đóng vai trò ít có tính quyết định hơn trong những năm gần đây.

Trong bất kỳ trường hợp nào, các quốc gia Đông Nam Á không phải là những quân tốt trên bàn cờ địa chính trị, mà là những bên tham gia tích cực với những phương pháp đáng kể để định hình tương lai chiến lược riêng của họ. Kết cục của bối cảnh vô cùng năng động và gây tranh cãi về chiến lược này là sự xuất hiện của một trật tự khu vực không ngừng thay đổi và bình đẳng, ngược lại với trật tự chủ yếu mang tính thứ bậc lấy Trung Quốc làm trung tâm hoặc do Mỹ lãnh đạo. Có thể sẽ có nhiều trung tâm quyền lực và các mức độ tự do chiến lược khác nhau tùy theo mỗi nước, và không cường quốc nào tự thấy mình có thể định hình đầy đủ các nghị trình an ninh, kinh tế và ngoại giao trong khu vực. Sự hợp tác riêng giữa các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ, vốn đã hành động ngày càng độc lập với các mệnh lệnh của Trump, là dấu hiệu cho thấy các mạng lưới hợp tác linh hoạt đang nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Kết luận

Thách thức lớn nhất đối với nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành bá quyền ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á, là cách tiếp cận không nể nang về mặt ngoại giao của nước này trong khu vực. Bắc Kinh gặp khó khăn bởi một dạng ngạo mạn bá quyền gây xa lánh, các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ thiếu tính minh bạch và không ổn định, và sự coi thường công khai đối với công cuộc tìm kiếm quyền tự trị của các nước nhỏ hơn, và sự quyết đoán ngày càng tăng trong các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc khảo sát chính thức trên khắp Đông Nam Á cho thấy 70% số người được hỏi muốn chính phủ của họ phải thận trọng khi tiếp nhận quá nhiều nợ thông qua BRI của Trung Quốc, trong khi chưa đầy một nửa số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo mang tính xây dựng trong khu vực. Quốc gia đáng tin cậy nhất trong mắt các nước Đông Nam Á vẫn là Nhật Bản. Trung Quốc vẫn là một bên tham gia chính trong khu vực nhưng còn xa mới đạt được vị thế bá chủ chắc chắn của họ.

Richard Javad Heydarian là một học giả, tác giả và nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Loan. Bài viết được đăng trên Carnegie Endowment for International Peace.

Kim Nguyên (gt)