Sau cuộc chiến tranh năm 1962, sự nghi kị đeo đẳng không dứt gần nửa thế kỷ qua giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự nghi kị này, trong đó đáng kể nhất là yêu sách của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ diện tích bang Arunachand Pradesh của Ấn Độ. Quan hệ hai bên trở nên căng thẳng hơn trong năm 2009, khi Ấn Độ cho phép thủ lĩnh tinh thần người Tây Tạng Đạtlai Lạtma tới thăm bang này, và một số học giả Trung Quốc nói nước này có thể phá vỡ Ấn Độ thành nhiều quốc gia độc lập.


Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Ấn Độ Kanchan Gupta, hiện có dấu hiệu lãnh đạo hai nước đang trở lại với quan điểm thực tế hơn nhằm cải thiện quan hệ Ấn - Trung. Trong bối cảnh trên, việc Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ tới thăm Trung Quốc 4 ngày, bắt đầu từ 5/4 là cơ hội tốt để hai bên thảo luận các biện pháp tháo gỡ dần những vướng mắc nhằm cải thiện quan hệ song phương vì lợi ích chung của hai nước.


Có những lý do không thể bác bỏ đòi hỏi hai nước cần phải cùng nhau thay đổi quan hệ song phương khi bước sang thế kỷ 21.


Về mặt lịch sử, Ấn Độ và Trung Quốc không những chỉ là hai nền văn minh lớn nhất ở châu Á, mà còn tạo ra hình ảnh tốt đẹp về nền văn minh đã được thế giới thừa nhận. Địa hình hiểm trở vùng biên giới dài 3.600 km đã không ngăn cản việc đi lại và buôn bán giữa hai nước trước khi cả hai giành được độc lập từ nhiều thế kỷ trước.


Hy vọng hai nền văn minh chín muồi có thể rút kinh nghiệm từ lịch sử, từ các thực tế hiện nay và tầm nhìn tương lai để xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp. Đây không phải là công việc dễ dàng, mà đòi hỏi cả Ấn Độ và Trung Quốc phải có những nỗ lực to lớn và quyết tâm thực hiện. Hoàng đế Càn Long của Trung Quốc trước đây có cách nói giản dị về mối đe doạ treo trên ngai vàng của ông: “Đường tới thiên đường thẳm sâu và bí ẩn. Đường đi của loài người là khó khăn”. Các dân tộc vĩ đại cần phảI biết thưc tế đó để khắc phục những khó khăn.


Ấn Độ và Trung Quốc đang tiến nhanh về tương lai, nơi hai nước chiếm tổng cộng gần 40% dân số thế giới, và có thể sẽ cùng nhau chi phối nền kinh tế toàn cầu. Chỉ có một nước khác có tầm ảnh hưởng gần như vậy là Mỹ, song không thể sánh với quan hệ Ấn-Trung.


Mặc dù vậy, các nền kinh tế mới nổi hùng mạnh tự chúng sẽ không phục vụ cho bất kỳ mục tiêu to lớn nào. Chỉ có thể đạt được mục tiêu to lớn khi Ấn Độ và Trung Quốc tạo thành một đối tác chiến lược, vượt khỏi sự hợp tác mang tính hình thức và vạch ra các chiến lược đương đầu với thế giới tương lai.


Tăng cường thương mại và hợp tác rõ ràng là những thành tố quan trọng trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, cũng tồn tại những thành tố khác: đối phó với các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu và các hậu quả của nó. Trung Quốc cần cân nhắc về những lo ngại của Ấn Độ về quan hệ giữa Bắc Kinh và Ixlamabát, và việc Trung Quốc cung cấp vũ khí hạng nặng cho chế độ bảo trợ khủng bố Pakixtan. Trung Quốc cần biết rằng Ấn Độ có quyền tiếp cận các dữ liệu về các con sông chảy vào lãnh thổ Ấn Độ cũng như về các sông băng cung cấp nước cho các con sông ấy. Ngăn chặn các yêu cầu của Ấn Độ về các dữ liệu thông tin như vậy không phải là cách trả lời mà Niu Đêli mong muốn. Trung Quốc cũng cần hiểu rằng có tình hữu nghị với Ấn Độ sẽ là điềm tốt cho tương lai của Trung Quốc cũng như có tình hữu nghị với Trung Quốc sẽ là điềm tốt cho tương lai của Ấn Độ.


Sẽ là sai lầm nếu cho rằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc không có những bất đồng, trong đó bất đồng lớn nhất là vấn đề biên giới. Hai bên đã đi đúng hướng khi thành lập cơ chế để giải quyết vấn đề này đồng thời tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực quan hệ khác như thương mại. Điều đó không có nghĩa rằng có thể bỏ qua và không cần lo ngại về vấn đề bất đồng biên giới, song hai bên đã không để điều đó lấn át các mối quan hệ song phương khác. Điều đó có ý nghĩa thực tế đối với lợi ích chung.


Một tình bạn thực sự phải thể hiện sự trung thực, phải nói thoải mái với nhau về suy nghĩ của mình. Ấn Độ có thể tâng bốc Trung Quốc, như trong thực tế một số nước đã làm như vậy. Song, như trong cuốn sách cổ Trung Quốc I Ching “Sách lược biến hóa” đã viết rất khôn ngoan về vấn đề này: “Người tầm thường dễ chấp nhận những lời tâng bốc, song đối với một người vĩ đại đó là điều không thể”. Là một dân tộc vĩ đại, Trung Quốc cần phải biết lo ngại về những lời tâng bốc từ Pakixtan và Mỹ.


Bạn bè cũng có thể ganh đua với nhau. Tình hữu nghị và sự cạnh tranh không loại trừ nhau và không mâu thuẫn với lợi ích cùng chia sẻ. Thế giới này đủ lớn cho Ấn Độ và Trung Quốc vừa cạnh tranh với nhau vừa hợp tác về những vấn đề then chốt cùng quan tâm. Để đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới phù hợp với những thực tế trong thập kỷ tới và xa hơn nữa đòi hỏi Ấn Độ và Trung Quốc phải nỗ lực rất nhiều.


Bất chấp những triển vọng về cải thiện quan hệ giữa hai nước, ông Kanchan Gupta cũng cảnh báo các phương tiện thông tin đại chúng Ấn Độ và Trung Quốc cần phải kiềm chế những phản ứng thiếu cân nhắc cũng như giới chính trị cần tránh đưa ra những lời lẽ sôvanh, hiếu chiến. Bởi lẽ nếu ngược lại sẽ là rất nguy hiểm như “Sách lược biến hoá” đã vạch rõ: “Hãy kiềm chế cảm xúc của ngươi. Nếu không, thảm họa đang ở phía trước... Hãy duy trì sự hài hòa giữa tất cả các sự vật trên Trái đất để có hòa bình và ổn định lâu dài”. Để đạt được sự hài hòa đó là một thách thức thực sự đối với Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay./.