Quan hệ Trung-Mỹ luôn được coi trọng nhất trong các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Sự tốt lên hay xấu đi của mối quan hệ này cũng đang ảnh hưởng trực tiếp tới các quyết sách và chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Mấy năm gần đây, quan hệ Trung-Mỹ có nhiều thăng trầm, vừa có sự đối đầu cục bộ, ví dụ sự kiện Kitty Hawk (2008), sự kiện Impeccable (2009), vừa có những canh bạc trên vũ đài quốc tế, ví dụ hội nghị về biến đổi khí hậu thế giới ở Côpenhaghen, nhưng về tổng thể là giữ ổn định. Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc cũng im ắng trải qua một loạt thay đổi, từ coi Trung Quốc là “bên có lợi ích liên quan” tới đề xuất “Trung-Mỹ”, nhóm 2 nước Trung-Mỹ (G-2) và dần quá độ tới “tái đảm bảo chiến lược”.

Từ “bên có lợi ích liên quan” tới “tái đảm bảo chiến lược” 

Tháng 9/2005, trong khi phát biểu về quan hệ Trung-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Zoellick có đề cập: “Mỹ và Trung Quốc là hai bên tham gia có lợi ích liên quan trong hệ thống quốc tế.” Bài phát biểu coi Trung Quốc là “bên có lợi ích liên quan” của Zoellick lập tức làm dấy lên sự quan tâm của các giới. Từ khi Tổng thống Bush lên cầm quyền năm 2001 tới nay, Mỹ luôn định nghĩa Trung Quốc là “kẻ cạnh tranh chiến lược”, việc đưa ra “bên có lợi ích liên quan” đã hình thành sự tương phản rõ rệt với lập trường trước đây của Bush, chứng tỏ Mỹ đã có những thay đổi lớn trong cách đánh giá vị trí và vai trò của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế.

Theo lời giải thích của Zoellick, “bên có lợi ích liên quan” nghĩa là: Mỹ “cần nhìn xa hơn một chút trong phương diện chính sách”, tức là chính sách “tiếp xúc” giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay cần vươn xa hơn, bao trùm nhiều lĩnh vực hơn. Đã là “bên có lợi ích liên quan”, hai bên cần cùng nhau gánh vác quyền lợi nghĩa vụ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, ví dụ như an ninh, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, Đông Bắc Á và vấn đề hạt nhân Iran v.v… 

Cách đề cập “nhóm hai nước” Trung-Mỹ đã xuất hiện từ năm 2004, do C. Fred Bergsten, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Peter G. Peterson của Mỹ, đề xuất. Ông cho rằng “nhóm hai nước” Trung-Mỹ là một trong 4 “nhóm hai nước” (G-2) Mỹ cần dốc sức bồi dưỡng trong tương lai. Đây có thể coi là sự khởi đầu của ý tưởng “nhóm hai nước” Trung-Mỹ. Sau đó, cách đề cập “nhóm 2 nước” Trung-Mỹ dần xuất hiện trên báo chí và được các cơ quan thông tin đại chúng quan tâm. Đặc biệt là tờ “Thời báo tài chính” Anh ngày 23/5/2007 đã có bài bình luận “G2 trỗi dậy, Trung-Mỹ cô lập G7”, đưa khái niệm “nhóm hai nước” Trung-Mỹ tới chỗ có những cuộc tranh luận gay gắt, bài viết chỉ rõ: “Bất luận xem xét từ góc độ nào, đối thoại chiến lược Trung-Mỹ đang được tiến hành rất có khả năng chính là một mô hình thu nhỏ của tổ chức G2 chủ đạo các sự vụ kinh tế trên toàn cầu trong tương lai.” 

Khái niệm “Trung-Mỹ” bắt nguồn từ nhà kinh tế học người Mỹ Niall Ferguson và giáo sư lịch sử kinh tế Đại học tự do Béclin Moritz Schularick. Năm 2007, hai ông cùng hợp tác viết bài “Tái nhận thức ‘Trung-Mỹ’”, cho rằng “đặc trưng rõ nét nhất trong nền kinh tế thế giới hiện nay không phải là sự thiếu hụt tài sản hoặc dư thừa quá mức mang tính lưu động mà là sự chênh lệch giữa mức độ lợi nhuận của doanh nghiệp và lãi suất thực tế, nguyên nhân quan trọng gây ra hiện tượng này là do sự nâng cao của “Trung-Mỹ”. Theo định nghĩa của Niall Ferguson, “Trung-Mỹ” chủ yếu là cộng đồng lợi ích được tạo thành bởi Mỹ - nước tiêu dùng lớn nhất và Trung Quốc - nước dự trữ lớn nhất, cũng như những ảnh hưởng của cộng đồng lợi ích này đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới. Cộng đồng này đã tập hợp những sở trường của hai bên gồm Trung Quốc - thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và Mỹ - nền kinh tế phát triển nhất trong ngành tài chính toàn cầu. 

Tháng 6/2008, Bergsten có viết bài trên tạp chí “Foreign Affairs” Mỹ: “Quan hệ đối tác bình đẳng: Oasinhtơn nên đối phó thế nào trước các thách thức kinh tế của Trung Quốc”, chủ trương Trung Quốc và Mỹ lập thành “nhóm hai nước”, “cùng chia sẻ quyền lãnh đạo kinh tế toàn cầu”. Xét về mặt lý luận, bài viết này đã trình bày một cách có hệ thống những nội dung và ý tưởng của “nhóm hai nước” Trung-Mỹ, cho rằng chỉ đặt Trung Quốc ở vị trí “bên có lợi ích liên quan có trách nhiệm” vẫn chưa đủ, nếu muốn Trung Quốc gánh vác nhiều trách nhiệm quốc tế hơn thì phải để họ trở thành nước cùng lãnh đạo thật sự. Vì vậy, Bergsten kiến nghị cần nâng cấp hơn nữa Đối thoại kinh tế chiến lược Trung-Mỹ thành “cục diện nhóm 2 nước lãnh đạo trật tự kinh tế thế giới”. Đến lúc này, khái niệm “Trung-Mỹ cùng trị” chính thức được nâng lên tầm cao lý luận. Tại “Cuộc hội thảo kỷ niệm 30 thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ” được Hội học thuật ngoại giao nhân dân Trung Quốc, Viện nghiên cứu quan hệ Trung-Mỹ Kissinger và Trung tâm Woodrow Wilson của Mỹ cùng tổ chức vào ngày 12 – 13/1/2009, một số người như Kissinger và Bzrezinski công khai khởi xướng thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương” và “nhóm 2 nước phi chính thức”, làm cho ý tưởng “nhóm hai nước” Trung-Mỹ từ cấp độ kinh tế được nâng lên cấp độ chiến lược. Nói tóm lại, mục đích chính của cái gọi là “Trung-Mỹ cùng trị” của Mỹ là: dùng phương thức chia sẻ quyền lực quốc tế thích hợp đưa Trung Quốc đang vươn lên vào hệ thống bá quyền do Mỹ chủ đạo. Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng “Trung-Mỹ cùng trị” không thể thực hiện, mối quan hệ “cộng sinh” giữa Trung Quốc và Mỹ về kinh tế không thể lấp vào những bất đồng về chính trị, lợi ích an ninh, và mục tiêu chiến lược khác nhau làm cho ý tưởng Trung-Mỹ cùng quản lý chẳng qua chỉ là những “ảo tưởng viển vông”. Năm 2009, tạp chí “Foreign Affairs” Mỹ đăng bài viết “Ảo ảnh của G2”, nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc không thể che giấu vị trí nhầm chỗ của Trung Quốc và Mỹ về mặt lợi ích, quan niệm giá trị và năng lực. Mặc dù Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc để đối phó với các thách thức toàn cầu, nhưng việc nâng cấp quan hệ song phương mà không giải quyết được những bất đồng thực tế sẽ không những chẳng có kết quả gì, mà cuối cùng sẽ chỉ trích nhau chứ không phải là mối quan hệ đối tác thành công. Khái niệm “Trung-Mỹ” và “G-2” tuy chưa được các quan chức Mỹ thừa nhận, nhưng đã dẫn tới những cuộc thảo luận gay gắt trong giới học thuật và một số cựu quan chức, trên một mức độ nào đó cũng có thể được coi là cuộc thăm dò chính sách chính thức của Mỹ. Trước tình hình này, giới học thuật Trung Quốc cũng triển khai những cuộc thảo luận kịch liệt, nhưng phần lớn lại giữ thái độ tiêu cực, cho rằng những nhân tố kiềm chế mang tính cơ cấu như kết cấu nhận thức, kết cấu cộng sinh kinh tế không hài hòa giữa Trung Quốc và Mỹ và kết cấu quyền lực quốc tế là nguyên nhân quan trọng khiến “Trung-Mỹ cùng trị” không khả thi. Có học giả cho rằng đây chính là cái bẫy phương Tây bố trí cho Trung Quốc, “bề ngoài niềm nở nói cười, nhưng trong lòng rắp tâm sát hại”. Chính phủ Trung Quốc thì công khai từ chối ý tưởng “Trung-Mỹ” và “nhóm hai nước”. 

Tháng 9/2009, trong khi diễn thuyết ở Oasinhtơn, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg lần đầu tiên khởi xướng “tái đảm bảo chiến lược” Trung-Mỹ, và nêu rõ: “Chúng tôi (Mỹ) và các nước đồng minh của mình sẽ không kiềm chế Trung Quốc, ngược lại, chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước lớn Trung Quốc phồn vinh. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần tìm cách để các nước khác yên tâm, bảo đảm sự phát triển và lớn mạnh của họ không phải trả giá bằng an ninh và hạnh phúc của nước khác.” Do đó, “hai bên cần dốc sức xoa dịu các mối lo ngại của nhau, triển khai hợp tác vì mục tiêu chung bằng nhiều con đường nhằm xây dựng một hệ thống quốc tế dựa trên sự tin cậy lẫn nhau.” Ông cho biết dự tính ban đầu trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là “không một quốc gia nào có thể đơn độc đối mặt với các thách thức trên thế giới”, huống hồ “phần lớn các nước đứng trước những mối đe dọa toàn cầu giống nhau”. “Tái đảm bảo chiến lược” dần trở thành khung mới trong chính sách của Chính quyền Obama đối với Trung Quốc, hàm nghĩa của cụm từ này là Trung Quốc và Mỹ cần tìm cách nêu bật và nhấn mạnh lợi ích chung của hai nước, đồng thời dùng phương thức trực tiếp bắt tay tháo gỡ căn nguyên nảy sinh sự không tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực chính trị, quân sự hay kinh tế. Chính quyền Obama cho rằng Trung Quốc và Mỹ có không gian hợp tác rộng rãi trong việc cùng giải quyết những vấn đề như phục hồi kinh tế toàn cầu, khí hậu toàn cầu ấm lên, vấn đề hạt nhân Iran và Bắc Triều Tiên, ổn định Ápganixtan và Pakixtan, và đã giành được những thành tựu khiến người khác ngưỡng mộ nhưng cũng đang giữ mối hoài nghi đối với Trung Quốc trong một số vấn đề nào đó, ví dụ vấn đề công khai quân sự, hiện đại hóa vũ khí hạt nhân chiến lược, khả năng tấn công ngoài không gian vũ trụ và khả năng tấn công không gian mạng không ngừng được tăng cường của Trung Quốc cũng như vấn đề eo biển Đài Loan và vấn đề lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc liên tiếp xảy ra tranh chấp trong thời gian gần đây. Trong thời gian Obama ở thăm Trung Quốc tháng 11/2009, “Tuyên bố chung” giữa hai nước đã là sự phản hồi đối với “tái đảm bảo chiến lược”, trình bày lại những nhận thức chung của hai nước cũng như các mục tiêu liên quan tới phát triển và hợp tác trong 5 phương diện từ “quan hệ hai nước”, “thiết lập và khơi sâu sự tin cậy chiến lược lẫn nhau”, “hợp tác kinh tế và phục hồi toàn cầu”, “những thách thức khu vực và mang tính toàn cầu”, “biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường”. “Tuyên bố chung” chỉ rõ: “Hai bên cho rằng việc bồi đắp và làm cho sự tin cậy chiến lược lẫn nhau trở nên sâu sắc hơn là điều hết sức quan trọng đối với việc phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong thời kỳ mới. Trong các cuộc thảo luận song phương, phía Bắc Kinh bày tỏ, Trung Quốc luôn kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, thực hiện trước sau không đổi chiến lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng lợi, dốc sức thúc đẩy xây dựng thế giới hài hòa hòa bình lâu dài, cùng phồn vinh. Phía Oasinhtơn nhấn mạnh, Mỹ hoan nghênh một nước Trung Quốc lớn mạnh, phồn vinh, thành công, phát huy vai trò lớn hơn trong các công việc quốc tế.” Nhưng cũng có tin tức cho biết “tái đảm bảo chiến lược” vẫn đang trong giai đoạn tranh luận ở Nhà Trắng, ít nhất là Steinberg chưa giải thích được rõ ràng khái niệm này cho Hội đồng an ninh quốc gia và Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nghiên cứu viên kỳ cựu của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) Bonnie Glaser cho rằng nội bộ Chính quyền Obama chưa phối hợp tốt trong việc đưa ra “tái đảm bảo chiến lược”. Thậm chí có học giả cho rằng đây hoàn toàn là chính sách thỏa hiệp cầu an của Mỹ đối với Trung Quốc. “Tuyên bố chung Trung-Mỹ” lần này tuy đã phản hồi yêu cầu của “tái đảm bảo chiến lược” nhưng vẫn né tránh từ ngữ cụ thể này, chứng tỏ Trung Quốc giữ nguyên thái độ đối với cách đề cập mới về quan hệ hai nước. 

Bá quyền Mỹ suy yếu và sự trỗi dậy của Trung Quốc 

Những cuộc cạnh tranh trên vũ đài quốc tế là cạnh tranh về thực lực quốc gia, những điều chỉnh nhỏ trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trên thực tế cho thấy những thay đổi về thực lực giữa hai nước, liên quan tới việc bá quyền Mỹ suy yếu, là một trong những biện pháp của Mỹ để kéo dài sự bá quyền. Mỹ hy vọng Trung Quốc tiếp tục hội nhập hệ thống bá quyền do Mỹ chủ đạo. 

Chủ nghĩa hiện thực cho rằng trạng thái vô chính phủ là đặc trưng của hệ thống quốc tế. Khi một nước nào đó thể hiện hết tài năng trong hệ thống quốc tế, có ưu thế chủ đạo và vạch ra quy tắc và trật tự quốc tế được vận hành trong nền kinh tế chính trị quốc tế, sẽ trở thành nước bá quyền. Dưới hệ thống bá quyền, các nước bá quyền thường thiết lập trật tự thế giới có lợi cho mình, có được và thực hiện quyền lãnh đạo thế giới. Hệ thống quốc tế từ khi Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc tới nay là một hệ thống bá quyền do Mỹ làm trung tâm, địa vị bá quyền của Mỹ đã kéo dài hơn nửa thế kỷ. Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc không những khiến Mỹ trở thành siêu cường duy nhất mà còn làm cho một loạt thể chế và quy chế quốc tế do Mỹ chủ đạo thiết lập sau Chiến tranh thế giới lần Hai nhanh chóng bao phủ khắp toàn cầu, trở thành sự đảm bảo chế độ bảo vệ thể chế bá quyền của Mỹ. Bá quyền của Mỹ đã từng vững chắc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bá quyền lại không thay đổi được tính vô chính phủ của hệ thống quốc tế, trong lịch sử, sự thay thế của nước bá quyền và quyền lãnh đạo thế giới đã xuất hiện những đặc trưng mang tính chu kỳ nào đó. Từ những năm 70 thế kỷ 20 đến nay, những tiếng nói liên quan tới việc bá quyền Mỹ suy yếu vang lên liên tục. 
Bài viết cho rằng xét tình hình hiện nay, sự suy yếu của bá quyền Mỹ không phải là sự suy yếu tuyệt đối mà chỉ là một sự suy yếu tương đối. Một mặt, Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, dẫn đầu các nước và khu vực khác về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và văn hóa; nhưng mặt khác, cùng với sự trỗi dậy của các nước và khu vực khác (ví dụ Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc v.v…), ưu thế siêu cường của Mỹ đã sụt giảm tương đối. Cụ thể là, có 4 nguyên nhân khiến bá quyền Mỹ sụt giảm tương đối. 

Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế đã đẩy nhanh việc phổ biến những công nghệ mới, khiến thời gian các quốc gia mới nổi đuổi kịp và vượt Mỹ rút ngắn lại. Yếu tố mấu chốt khiến Mỹ có thể giành được bá quyền là nhờ đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chế tạo làm cho Mỹ có thể thể hiện hết tài năng. Tuy nhiên ưu thế này lại không thể duy trì lâu dài. Cùng với sự phổ biến công nghệ, các nước khác cuối cùng sẽ vượt lên trước, vì vậy nước bá quyền sẽ suy yếu. Từ năm 1870 tới năm 1950, năng suất lao động của Mỹ tăng nhanh, khoảng cách giữa nước lãnh đạo với các nước khác dần mở rộng, đây là sự đảm bảo căn bản khiến bá quyền Mỹ được thiết lập. Nhưng trong thời gian từ năm 1950 tới năm 1987, xét về mặt năng suất, tốc độ đuổi kịp và vượt bình quân hàng năm của 15 nước công nghiệp đối với Mỹ lên tới 1,8%, sau năm 1973 tuy tốc độ này giảm xuống 1,31%, nhưng rõ ràng là, sự chênh lệch về năng suất lao động giữa Mỹ và các nước phát triển khác đang dần thu hẹp. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thông tin hóa và toàn cầu hóa được đẩy mạnh, Mỹ đang dần mất đi ưu thế tuyệt đối trong ngành chế tạo và lĩnh vực thương mại quốc tế. Tuy chưa có các số liệu chứng minh các nước khác đã vượt qua năng suất lao động của Mỹ, nhưng xu thế phát triển trước đó và sự nhập siêu thương mại quá lớn liên tục tăng lên của Mỹ trong những năm gần đây đã phản ánh sự sụt giảm tương đối trong sức cạnh tranh kinh tế của Mỹ. Từ giữa những năm 1970 tới nay, thâm hụt thương mại của Mỹ liên tục tăng lên, năm 2006 thậm chí đã lên tới cao mới 760,359 tỷ USD, sau đó mặc dù khủng hoảng tài chính khiến nhu cầu trong nước sụt giảm, dẫn tới thâm hụt thương mại xuống thấp, nhưng năm 2009 vẫn là 378,628 tỷ USD. Tuy Mỹ giữ vị trí dẫn đầu thế giới ở những lĩnh vực đỉnh cao như kỹ thuật hàng không, chế tạo vũ khí, nhưng xuất phát từ những toan tính về an ninh, ưu thế này lại không thể chuyển thành ưu thế thương mại, vì vậy cũng không thể thay đổi xu thế sức cạnh tranh kinh tế của Mỹ tương đối sụt giảm. Đây là nguyên nhân căn bản khiến bá quyền Mỹ suy yếu. Mặc dù Mỹ đang duy trì địa vị siêu cường thông qua thể hiện vũ lực nhưng bá quyền mất đi chỗ dựa kinh tế thì không thể duy trì được lâu dài. 

Thứ hai, cùng với việc chuyển từ nền kinh tế thực dụng sang nền kinh tế hư cấu, món nợ nước ngoài kếch sù tích lũy hàng chục năm của Mỹ trong thương mại quốc tế đã gặm nhấm sạch tín dụng quốc gia. Tỉ trọng các khoản nợ của Mỹ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 30% những năm 1980 tăng mạnh lên 70% hiện nay. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Peter G. Peterson dự đoán, địa vị kinh tế quốc tế của Mỹ sẽ sụt giảm nhanh chóng, tới năm 2030 tỉ trọng thâm hụt trong tài khoản vãng lai của Mỹ trong GDP sẽ từ 6% hiện nay tăng lên 15%, mỗi năm sẽ vượt qua 5.000 tỷ USD, nợ tịnh sẽ từ 3.500 tỷ USD hiện nay tăng lên 50.000 tỷ USD, tương đương với 140% GDP. Lúc đó, mỗi năm Mỹ đành phải dùng 7% sản lượng kinh tế làm ra để trả nợ nước ngoài. Về mặt lý luận, thâm hụt thương mại kéo dài hàng chục năm đã dần đẩy Mỹ đi đến phá sản. Đây là nhân tố bên trong khiến bá quyền Mỹ suy yếu. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn đã làm cho tính suy yếu của bá quyền Mỹ bộc lộ rõ. Cơ chế tài chính một thời khiến nước Mỹ cảm thấy vẻ vang ngày càng bị hoài nghi, đây có thể coi là một trong những tiêu chí quan trọng khiến bá quyền Mỹ suy yếu. Bên cạnh đó, địa vị là đồng tiền dự trữ của thế giới của USD đang dần sụt giảm, từ chỗ chiếm trên 70% dự trữ của toàn thế giới trong lịch sử giảm còn 35,09% vào năm 2009. Trong khi tỉ lệ của đồng euro xuất hiện từ năm 1990 trong tổng số tiền dự trữ của thế giới dần tăng lên, từ trên 13,86% lúc ban đầu tăng lên 15,46% năm 2009, vào thời điểm cao nhất lên tới 18,49% (2003). Được coi là đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng euro đang chèn ép không gian của đồng USD, trở thành đồng tiền dự trữ và thanh toán thương mại quốc tế chỉ sau USD. 

Thứ ba, việc quá can thiệp vào các cuộc tranh chấp của thế giới, đặc biệt là các cuộc can thiệp quân sự liên tiếp ở nước ngoài đã tạo thành gánh nặng quân sự và tài chính cho nước Mỹ, đồng thời cũng dẫn tới thực lực mềm của Mỹ suy yếu. Paul Kennedy từng viết trong cuốn “Sự hưng thịnh và suy vong của nước lớn”, nước Mỹ vào cuối những năm 1980 đang giẫm lên con đường suy yếu của các nước bá quyền trong lịch sử: thông qua bành trướng quá mức làm tiêu hao tinh lực của mình từ đó dẫn tới suy yếu. Immanuel Wallerstein coi sự kiện 11/9/2001 gây chấn động thế giới là tiêu chí của bá quyền Mỹ suy yếu, cho rằng sau sự kiện này, một loạt hành vi chiến tranh của Mỹ nhằm vào Irắc dưới sự lãnh đạo của chính phủ phe diều hâu là đang lạm dụng vũ lực chứ không phải đang thể hiện sức mạnh. Từ sự kiện 11/9 đến nay, các cuộc chiến của quân Mỹ ở Irắc và Ápganixtan đã kéo dài hàng chục năm, tiêu tốn tới 944 tỷ USD. Trong dự toán quốc phòng năm tài khóa 2010 của Mỹ, chi phí dùng cho cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan lên tới 139 tỷ USD, tổng cộng là 1080 tỷ USD. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẽ rút quân, giảm bớt chi phí chiến tranh, nhưng xét tình hình Irắc và Ápganixtan hiện nay, thời gian rút quân thật sự vẫn còn xa vời. Joseph Nye cho rằng bá quyền Mỹ chưa suy yếu vì xét từ góc độ thực lực mềm, Mỹ vẫn đang lãnh đạo thế giới, dù thực lực cứng của Mỹ quả thực có phần sụt giảm tương đối. Tuy nhiên, cùng với việc cuộc chiến ở Irắc và Ápganixtan gây tranh cãi ngày một gay gắt trên toàn cầu dần, Nye buộc phải thừa nhận thực lực mềm của Mỹ đang giảm sút. 

Thứ tư, bá quyền Mỹ ngày càng chịu sự thách thức của các nước và khu vực như Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, sự phục hồi kinh tế và tốc độ phát triển của Nhật Bản và châu Âu khiến nhiều người kinh ngạc, đã hình thành những thách thức lớn đối với địa vị ưu thế của Mỹ. Trong rất nhiều vấn đề quốc tế, nước bá quyền Mỹ tất sẽ phải suy tính tới lợi ích của các nước và khu vực khác, đánh bạc với họ và cũng ngày càng cần sự ủng hộ của các nước lớn khác. 

Tình hình hiện nay cho thấy Trung Quốc chính là nước cạnh tranh lớn nhất đối với sự bá quyền của Mỹ. Chính sách cải cách mở cửa thành công đã làm cho nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh trong hơn 30 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân năm lên tới trên 10%, GDP tính theo tỉ giá hối đoái năm 2009 là 4.900 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, tính theo ngang giá sức mua lên tới 8.765 tỷ USD, chỉ đứng sau EU và Mỹ. So với năm 1978, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc ít nhất đã tăng gấp đôi. Là nước lớn thương mại thứ hai thế giới, Trung Quốc đã duy trì thặng dư thương mại với số tiền lớn trong thời gian dài, dự trữ ngoại tệ tăng lên nhanh chóng, năm 2009 đạt gần 2.400 tỷ USD, trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới. Là một trong những trung tâm sản xuất chủ yếu nhất của thế giới, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất về năng lượng và nguyên vật liệu của thế giới. Về mặt quân sự, từ khi bắt đầu hiện đại hóa quân sự năm 1989 đến nay, chi phí quốc phòng của Trung Quốc tăng 12,9%/năm, vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc dân cùng kỳ. Chi phí quân sự duy trì biên độ tăng trưởng hai con số trong nhiều năm, và có nhiều điều tương đối không minh bạch khiến phương Tây cảm thấy bất an và đưa ra nhiều suy đoán. Từ năm 2007 đến nay, việc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa phá hủy vệ tinh ngoài không gian vũ trụ và thử nghiệm tên lửa đánh chặn tầm trung cộng với việc có va chạm với tàu “Kitty Hawk” năm 2008 và tàu “Impeccable” năm 2009 rõ ràng đã làm gia tăng sự bất an và hoài nghi này. Đi cùng với thực lực vươn lên là ngoại giao Trung Quốc thâm nhập quy mô lớn vào châu Phi, Mỹ Latinh và khu vực Trung Đông, thông qua hợp tác kinh tế thương mại và tác động lẫn nhau về ngoại giao mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, đưa lực lượng vũ trang của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo Mỹ, Trung Quốc không chỉ là nuớc cạnh tranh về kinh tế, cũng là nuớc cạnh tranh về quân sự tiềm tàng, rất có khả năng mang lại sự thay đổi trong kết cấu quyền lực toàn cầu. 

Trong thực tế, các nước bá quyền thường nhạy cảm hơn các nước khác đối với những thay đổi trong phân phối quyền lực trong hệ thống quốc tế. Một mặt, các nước mới vươn lên dựa vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ để tăng cường thực lực, vì vậy mong muốn có thể được chia sẻ quyền lực chính trị quốc tế nhiều hơn, dẫn tới kết cấu phân phối quyền lực của hệ thống quốc tế vốn không ổn định hiện nay, làm suy yếu hoặc đe dọa địa vị lãnh đạo quốc tế của nước bá quyền; mặt khác, do các nguyên nhân như hiệu ứng lan tỏa từng được phân tích trong thuyết chu kỳ bá quyền, sự sụt giảm tương đối về thực lực kinh tế của chính nước bá quyền đã làm suy yếu năng lực và mong muốn chủ đạo các sự vụ toàn cầu của nước này, dẫn tới bá quyền suy yếu. Về phía Mỹ, đối nội duy trì kinh tế trong nước tăng trưởng, đối ngoại duy trì hệ thống bá quyền thế giới dựa vào nhau, cùng phục vụ cho lợi ích của Mỹ. Mặc dù thực lực của Mỹ sụt giảm tương đối nhưng không có nghĩa là bá quyền Mỹ sắp sụp đổ. Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ tất sẽ xoay quanh việc làm thế nào để tiếp tục duy trì bá quyền thế giới. Robert Keohane tin rằng ngay cả sau khi sức mạnh quốc gia suy yếu Mỹ vẫn có thể lợi dụng các thể chế quốc tế được thiết lập dưới sự chủ đạo của mình để duy trì địa vị, bảo vệ trật tự bá quyền hiện nay. Phương pháp lôgích của Robert Keohane là đưa tất cả các nước, đặc biệt là các nước gây chiến, vào trong thể chế bá quyền hiện nay, dựa vào những lợi ích được mang lại từ sức ràng buộc và hợp tác của các thể chế để làm yên lòng các nước gây chiến. G. John Ikenberry cũng cho rằng Mỹ phải dốc sức tăng cường và bảo vệ hệ thống thế giới phương Tây cũng như một loạt cơ chế, quy chế, luật quốc tế đi cùng. Điều mấu chốt đảm bảo Trung Quốc trỗi dậy sẽ không hướng tới chiến tranh, sẽ không lật đổ bá quyền Mỹ chính là đặt sự phát triển của Trung Quốc vào trong hệ thống thế giới phương Tây, lợi dụng các cơ chế, quy chế và pháp luật quốc tế hiện hành ràng buộc các hành vi của Trung Quốc, làm cho Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác là trở thành một thành viên. “Mỹ không có cách nào ngăn chặn Trung Quốc vươn lên nhưng Mỹ có thể đảm bảo Trung Quốc hành động trong các quy tắc và cơ chế quốc tế do Mỹ và các nước đồng minh đưa ra….. Địa vị toàn cầu của Mỹ có thể sẽ suy yếu nhưng hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo vẫn sẽ là sự chủ đạo của thế kỷ 21”. Tuy nhiên, sau khi bá quyền suy yếu liệu các thể chế quốc tế vẫn sẽ có giá trị như khi mới sáng lập, liệu vẫn có thể mang lại những lợi ích đủ để đáp ứng nguyện vọng của các nước gây thách thức, là điều đáng nghi ngờ. Sự thực là, ngay cả Keohane cũng cho rằng “chúng ta vẫn chưa thấy những bằng chứng đã được kiểm nghiệm về việc liệu các thể chế quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại ‘sau khi bá quyền suy yếu’”. Việc đưa ra các ý tưởng “bên có lợi ích liên quan”, “Trung-Mỹ”, “nhóm 2 nước” và “tái đảm bảo chiến lược” cho thấy Mỹ đã nhận thức được khả năng duy trì bá quyền thế giới của mình đang xuống thấp, cũng chú ý tới những tác động của việc Trung Quốc trỗi dậy đối với hệ thống quốc tế hiện hành, vì vậy mong muốn thông qua phương thức chia sẻ quyền lực quốc tế đưa Trung Quốc vào hệ thống quốc tế hiện hành, một mặt làm cho Trung Quốc gánh vác trách nhiệm quốc tế nhiều hơn, mặt khác lợi dụng hệ thống điều lệ quốc tế ràng buộc mục đích và phương thức hành vi trỗi dậy của Trung Quốc để nước này trở thành một thành viên trong phe dân chủ tự do. Là nước mới vươn lên, Trung Quốc mong muốn tìm kiếm con đường phát triển độc lập tự chủ dưới tiền đề kiên trì chế độ xã hội chủ nghĩa, đối với Trung Quốc, “Trung-Mỹ cùng trị” không những có nghĩa là chia sẻ quyền lực và gánh vác trách nhiệm, còn có nghĩa là đặt sự phát triển của nước mình dưới bá quyền Mỹ, thậm chí có khả năng đe dọa chế độ xã hội và con đường phát triển của mình. Vì vậy, không khó có thể hiểu được vì sao Chính phủ Trung Quốc công khai từ chối “Trung-Mỹ cùng trị” và luôn giữ thái độ thận trọng đối với việc Mỹ thay đổi chính sách đối với nước mình.

(Còn tiếp) 

NCBĐ giới thiệu