Ván bài Trung-Mỹ đằng sau việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc 

Bất kể Trung Quốc hay Mỹ, động cơ trong các hành vi của họ đều là lợi ích của nước mình. Mặc dù Trung Quốc và Mỹ có không gian hợp tác rộng rãi, nhưng lợi ích quốc gia, mục đích hành vi và phương thức của hai nước đều có nhiều mâu thuẫn, hai bên đang tiến hành những ván bài rộng rãi và quyết liệt trong một loạt vấn đề xoay quanh việc hội nhập hay là từ chối hệ thống quốc tế hiện hành. 

Thứ nhất, ván bài rõ rệt nhất, cấp bách nhất giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay chủ yếu tập trung ở lĩnh vực kinh tế thương mại. Vấn đề nhập siêu thương mại quá lớn đối với Trung Quốc là một trong những mối quan tâm quan trọng của Chính phủ Mỹ các khóa trước, đồng thời dẫn đến vấn đề chế độ quản lý ngoại hối và tài chính của Trung Quốc. Phía Mỹ cho rằng việc Chính phủ Trung Quốc can thiệp và thao túng tỉ giá hối đoái không những đi ngược lại quy tắc điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế mà còn làm nguy hại nghiêm trọng tới việc ổn định nền kinh tế thế giới và địa vị chủ đạo của đồng USD. Từ khi Mỹ tuyên bố từ bỏ gắn USD với vàng, thực hiện tỉ giá hối đoái thả nổi tới nay, Mỹ đã dần chuyển từ nền kinh tế thực dụng sang nền kinh tế hư cấu, thông qua một loạt sản phẩm tài chính và tạo ra sản phẩm phái sinh, Mỹ đã giành được lợi ích trên toàn thế giới từ việc thao túng tài chính quy mô lớn. Thông qua một loạt thể chế được thiết lập sau chiến tranh, ví dụ Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Mỹ lợi dụng biện pháp chính trị và kinh tế, đưa tiền vốn USD tới khắp thế giới, tạo dựng đế quốc tài chính thế giới lấy Mỹ làm đỉnh kim tự tháp; thông qua “đồng bạc xanh” mạnh đổi lấy tiền lãi phát triển, hàng hóa và dịch vụ lao động của các nước mới nổi. Trong tình hình nền kinh tế thực dụng của Mỹ suy yếu, việc Chính phủ Trung Quốc tăng giữ trái phiếu đồng USD đã trở thành nguồn quan trọng để Chính phủ Mỹ bù vào thâm hụt tài chính. Vì vậy, thuyết phục Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính, thực hiện tỉ giá hối đoái linh hoạt và tự do lưu động vốn, đồng thời tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ trở thành nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ Mỹ. Mỹ hy vọng sẽ đưa Trung Quốc vào hệ thống tài chính quốc tế mở cửa tự do hiện nay, trở thành một thành viên bảo vệ hệ thống này. Tuy nhiên, việc thị trường tài chính tràn lan USD và mở cửa tự do cũng đã làm tăng các hành vi đầu cơ, gây bất ổn cho thị trường tài chính toàn cầu. Từ những năm 1970 tới nay ở các nước và khu vực như Nhật Bản, Nga, Mêhicô và Đông Nam Á liên tiếp xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính. Trung Quốc lo ngại việc hội nhập hoàn toàn vào hệ thống này sẽ phá vỡ sự ổn định tài chính và sự phát triển lành mạnh của nước này. Việc đồng nhân dân tệ không thực hiện tỉ giá linh hoạt là để tránh giẫm lên vết xe đổ của các nước khác. Tuy nhiên, khoản dự trữ ngoại tệ kếch sù trong nhiều năm đã làm cho Trung Quốc rơi vào thế lưỡng nan trong vấn đề tiếp tục mua trái phiếu hay là vứt bỏ khoản nợ quốc gia của Mỹ; vừa lo ngại USD mất giá khiến của cải mất đi, vừa lo ngại USD sụp đổ dẫn tới món của cải kếch sù biến thành số 0, thậm chí đành phải công khai yêu cầu phía Mỹ có biện pháp để đảm bảo an ninh tài sản của Trung Quốc. Mặc dù Keohane, giáo sư chính trị học thuộc trường Đại học Duke, cho rằng sau khi sức mạnh quốc gia suy yếu, Mỹ vẫn có thể lợi dụng các thể chế quốc tế duy trì địa vị của mình, nhưng nước Mỹ ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính không những đang đứng trước sức mạnh quốc gia yếu đi mà quan trọng hơn là các thể chế tài chính quốc tế lỏng lẻo do Mỹ thiết lập cũng đứng trước cuộc khủng hoảng tín dụng. 

Thứ hai, các khu vực xung quanh Trung Quốc trở thành chiến trường quan trọng trong ván bài giữa Mỹ và Trung Quốc. Khu vực xung quanh vừa là chỗ dựa chiến lược để Trung Quốc tìm kiếm phát triển, hướng tới thế giới hơn nữa, cũng là điểm tựa quan trọng để Mỹ kiềm chế Trung Quốc, duy trì bá quyền toàn cầu. Sự nhảy vọt về kinh tế khiến Trung Quốc có được quyền lực lớn ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, cục diện quyền lực quốc tế cũng đang lặng lẽ thay đổi. Hiện nay, tuy sự biến đổi này không làm thay đổi triệt để địa vị nước lớn siêu cường số 1 của Mỹ, nhưng đa cực hóa thế giới đã trở thành một xu thế phát triển. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã đẩy nhanh xu thế này, các thể chế quốc tế và hệ thống quốc tế đang trải qua sự thay đổi sâu sắc. Trung Quốc tích cực tìm kiếm thiết lập hiệp định thương mại song phương và khu vực với các nước xung quanh – “Tổ chức hợp tác Thượng Hải”, “ASEAN+3” – đẩy mạnh đầu tư vào khu vực xung quanh, dựa vào thực lực mềm từng bước mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Ví dụ, ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù USD vẫn là ngoại tệ dự trữ và phương tiện thanh toán thương mại quốc tế chủ yếu nhất của khu vực này, nhưng đồng nhân dân tệ (NDT) cũng ngày càng được chú trọng, nhiều quốc gia bắt đầu coi NDT là một trong những ngoại tệ dự trữ. Việc quốc tế hóa đồng NDT cũng trở thành đề tài được giới học thuật và giới quyết sách của Trung Quốc thảo luận thận trọng. Những nỗ lực trong việc xây dựng “cộng đồng Đông Á” lại bị Mỹ coi là nhằm gạt bỏ Mỹ khỏi phạm vi thế lực của Trung Quốc, là sự thách thức đối với hệ thống quốc tế của chủ nghĩa đa phương do Mỹ khởi xướng. Vì vậy, một mặt Mỹ tiếp tục tăng cường phong tỏa các khu vực xung quanh Trung Quốc ở phía Đông châu Á, tích cực tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin, Thái Lan, Xinhgapo và Ấn Độ, đồng thời liên tục bán vũ khí cho Đài Loan, đi ngược lại 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, bao vây con đường đi ra biển xa của Trung Quốc; mặt khác, thông qua cuộc chiến chống khủng bố và hợp tác quân sự, đưa chiếc vòi quân sự dần thâm nhập vào sau lưng Trung Quốc, hình thành thế đánh thọc sườn đối với Trung Quốc từ phía Tây Bắc và Tây Nam, hạn chế không gian mở rộng thế lực của Trung Quốc. Thông qua cuộc chiến ở Ápganixtan năm 2001, Mỹ đã đưa quân bố trí ở phía Tây Trung Quốc. Cuộc tập trận quân sự “Khaan Quest” giữa Mỹ và Mông Cổ năm 2003 chính là việc lần đầu tiên trong lịch sử chiếc vòi quân sự của Mỹ vươn tới phía Bắc Trung Quốc. Mông Cổ giống như cái đinh đóng ở khu vực trung tâm của Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Ở hướng Tây Nam, Mỹ tiếp tục hợp tác quân sự với Ấn Độ, tích cực tạo dựng “liên minh quân sự Mỹ-Ấn”, dẫn dắt Ấn Độ tham gia sự sắp xếp chiến lược bao vây Trung Quốc. Mặc dù Mianma chưa trở thành đồng minh quân sự của Mỹ, nhưng Chính quyền Mianma đã gặp rất nhiều khó khăn trong các phong trào dân chủ do phe dân chủ liên tục phát động dưới sự ủng hộ của Mỹ. Ngoài ra, sự vươn lên của đồng NDT ở châu Á đã tạo thành thách thức tiềm tàng nghiêm trọng đối với bá quyền Mỹ. Cùng với việc thành lập Khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN, có thể dự đoán đồng NDT sẽ dần đi tới quốc tế hóa. Điều này không những sẽ làm tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc mà còn sẽ chèn ép địa vị của đồng USD ở các khu vực, làm suy yếu bá quyền Mỹ. Bất luận việc Trung Quốc tìm kiếm thiết lập hiệp định thương mại song phương và khu vực với các nước xung quanh có mang mục đích chính trị, có ý đồ thiết lập khu mậu dịch tự do Đông Á mang tính bài xích do Trung Quốc lãnh đạo hay không, những việc làm của Trung Quốc đều làm dấy lên sự cảnh giác của Mỹ và các nước nơi đó. Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom Thụy Điển, từ năm 2005-2009, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam tăng 32,15% so với 5 năm trước, trong cùng kỳ Inđônêxia tăng 83,4%, Xinhgapo tăng 146%, trong khi Malaixia tăng đến 722%. Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc ráo riết mua vũ khí có khả năng là nhằm vào sự vươn lên về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mỹ luôn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, cũng là một trong những nguồn vũ khí quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á. Một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Xinhgapo nói mối quan tâm chủ yếu của Xinhgapo là những thay đổi trong sự cân bằng của sức mạnh Đông Nam Á vì sức mạnh giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á khác nhau xa nên một khi giữa hai bên có vấn đề, Xinhgapo mong muốn Mỹ ít nhất có thể can thiệp dàn hòa thậm chí trực tiếp can dự. Quan điểm này có thể đại diện cho lập trường của phần đông các nước Đông Nam Á giữ mối hoài nghi với Trung Quốc. 

Thứ ba, ván bài an ninh truyền thống trên những vũ đài lớn quốc tế. Một là, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu dấy lên từ Mỹ cần sự hợp tác và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, hy vọng Trung Quốc tham gia. Phía Mỹ đã đề xuất với Trung Quốc mở cửa biên giới với Ápganixtan ở hành lang Wakhan, làm cho hành lang này trở thành tuyến tiếp viện mới cho quân Mỹ để đáp ứng nhu cầu vật tư cho lực lượng mở rộng tới 100.000 quân. Chính phủ Ápganixtan cũng luôn đốc thúc Trung Quốc mở cửa đoạn biên giới này và đề nghị cùng cải thiện giao thông ở nơi đó để tăng cường mối liên hệ thương mại. Trên thực tế, các doanh nghiệp của Trung Quốc đã tham gia tiến trình tái thiết Ápganixtan. Có điều là, Trung Quốc không những có lợi ích kinh tế thương mại mà còn có lợi ích địa-chiến lược quan trọng ở Ápganixtan – Chính phủ Ápganixtan ổn định và hữu nghị là điều hết sức quan trọng đối với sự ổn định của biên cương Tây Bắc Trung Quốc. Hành lang Wakhan vừa là lá chắn cho Trung Quốc về mặt quân sự vừa là con đường quan trọng để tiến vào Ápganixtan về kinh tế. Trung Quốc và Mỹ đã từng hợp tác chặt chẽ trong thời gian Liên Xô chiếm lĩnh Ápganixtan, hai bên cùng Pakixtan chi viện cho lực lượng du kích chống Liên Xô của Ápganixtan. Mỹ từng thiết lập trạm nghe trộm ở Tân Cương gần với Ápganixtan, cùng chia sẻ thông tin tình báo thu thập được với Trung Quốc. Nhưng trước yêu cầu lần này của phía Mỹ, Trung Quốc lại phản ứng thận trọng, chỉ tiết lộ hai bên vẫn đang bàn bạc. Mối lo ngại chủ yếu của phía Trung Quốc là một khi mở cửa hành lang Wakhan cũng có nghĩa là Tân Cương sẽ trở thành nơi cung cấp vật tư cho quân Mỹ, điều này không chỉ liên quan tới vấn đề chủ quyền mà còn có khả năng bị cộng đồng quốc tế lý giải là Trung Quốc đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến ở Ápganixtan, có khả năng trở thành người chịu tội thay cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, thậm chí có khả năng đắc tội với thế giới Hồi giáo. “Tuyên bố chung Trung-Mỹ” trong thời gian Obama ở thăm Trung Quốc có nhắc tới hai bên “ủng hộ những nỗ lực của Ápganixtan, Pakixtan trong việc tấn công các phần tử khủng bố, bảo vệ ổn định trong nước, thực hiện phát triển bền vững kinh tế xã hội” nhưng không nói rõ chi tiết cụ thể. Hai là, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran cũng là một trong những trọng điểm trong canh bạc lớn giữa Trung Quốc và Mỹ. Không phổ biến hạt nhân là một trong những chính sách cơ bản của Chính phủ Mỹ, Mỹ liên tục gây khó khăn trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran, thậm chí không ngại đe dọa sử dụng vũ lực. Tuy ủng hộ không phổ biến hạt nhân nhưng xuất phát từ toan tính địa-chính trị, Trung Quốc không hoàn toàn đứng về phía Mỹ trong vấn đề hạt nhân của hai nước trên. 
Thứ tư, canh bạc trong vấn đề an ninh phi truyền thống. Một là vấn đề tài chính, điều này có quan hệ mật thiết với bá quyền Mỹ. Từ năm 1973 tới nay, thao túng tài chính quốc tế đã trở thành một trong những biện pháp để Mỹ duy trì phát triển mạnh ở trong nước, về đối ngoại giáng trả các nước gây thách thức. Năm 1985, để trả đũa đồng yên Nhật, Mỹ đã ép Chính phủ Nhật Bản ký “Hiệp định Plaza”; năm 1999, để chống lại đồng euro, Mỹ ngang nhiên phát động chiến tranh Nam Tư. Sự thực là, những năm gần đây Trung Quốc luôn tiến hành những cuộc chiến tài chính không khói súng với Mỹ. Hai là vấn đề giảm bớt khí thải, cùng với việc bảo vệ môi trường trở thành ý dân chủ lưu của thế giới hiện nay, việc cắt giảm khí thải cácbon diễn biến phát sinh sau đó gắn với thuế quan đã trở thành một trận đấu khác trong ván bài quyền lực giữa các nước. Trung Quốc không né tránh vấn đề môi trường, cũng nhận thức được những tác hại của việc môi trường bị phá hoại đối với xã hội con người và phát triển kinh tế, nhưng yêu cầu gánh vác trách nhiệm vượt quá khả năng của mình, chẳng khác gì là bóp nghẹt sự phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, liệu các hoạt động của con người có phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khí hậu trái đất ấm lên hay không vẫn là điều đáng hoài nghi. Ba là vấn đề năng lượng. Việc kiểm soát năng lượng có liên quan tới sự sinh tồn và phát triển của một quốc gia. Một trong những mục đích quan trọng khiến Mỹ phát động chiến tranh Ápganixtan và chiến tranh Irắc trong đầu thế kỷ 21 chính là triển khai quân Mỹ tới hai khu vực lớn then chốt về năng lượng của thế giới: Trung Đông và Trung Á. Chỉ cần quân Mỹ có thể kiểm soát chặt chẽ năng lượng toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ thì có thể khống chế vị trí hiểm yếu để Trung Quốc phát triển. Còn Trung Quốc thì tích cực triển khai thương mại song phương, tự đạt được hiệp định với các nước xuất khẩu năng lượng và nguyên vật liệu để tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu an toàn; đồng thời, dưới tiền đề không kèm theo bất cứ điều kiện chính trị nào, Trung Quốc đã viện trợ cho bên ngoài với quy mô lớn, tìm kiếm sự ủng hộ chính trị và mở rộng ảnh hưởng. Theo phía Mỹ, hành động của Trung Quốc không những đã phá hoại quy tắc giao dịch năng lượng và nguyên vật liệu mà còn không tính toán tới các nguyên tắc xã hội như tình hình nhân quyền, điều kiện lao công, bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo, quản lý làm trong sạch hóa bộ máy chính trị và nguyên tắc kinh tế, cũng đi ngược lại các nguyên tắc thông hành quốc tế. Vì vậy, trên trường quốc tế liên tục dấy lên các làn sóng phê bình Trung Quốc (ví dụ vấn đề Đafua). 

Thứ năm, Trung Quốc và Mỹ là hai nước có tính chất khác nhau, có xung đột kịch liệt về ý thức hệ. Được coi là “người cầm lái” của các nước tư bản chủ nghĩa, Mỹ đã bắt đầu kiềm chế đối với các nước cộng sản từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã và Đông Âu biến đổi nhanh, Mỹ đã coi Trung Quốc là mục tiêu tiếp theo, lợi dụng nhiều biện pháp như tự do tôn giáo, văn hóa, thông tin, hy vọng dựa vào chèn ép đốc thúc thay đổi, thực hiện sự thay đổi tính chất nhà nước Trung Quốc, hướng về phe tự do dân chủ do Mỹ lãnh đạo, thậm chí ủng hộ các thế lực ly khai trong lãnh thổ Trung Quốc, tìm cách lật đổ Trung Quốc từ bên trong. Bất kể là Đạtlai Lạtma hay là Rebiya Kadeer đều nhận được sự ủng hộ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Đầu năm 2010, Trung Quốc và Mỹ xảy ra tranh luận xoay quanh việc Google rút khỏi Trung Quốc, bề ngoài xem như là cuộc tranh cãi tự do thông tin nhưng trên thực tế là cuộc cạnh tranh ý thức hệ giữa hai bên: Mỹ hy vọng thông qua tự do thông tin để gây ảnh hưởng tới những thay đổi và phát triển bên trong Trung Quốc. Là một nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc buộc phải đối phó để bảo vệ an ninh đất nước. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Trung Quốc tỏ ra hoài nghi đối với việc hội nhập hoàn toàn vào hệ thống thế giới do Mỹ chủ đạo. 

Kết luận và các biện pháp đối phó của Trung Quốc 

30 năm cải cách mở cửa khiến Trung Quốc giành được những thành tựu làm thế giới kinh ngạc, giấc mộng phục hưng nhiều năm qua của dân tộc Trung Hoa đang từng bước biến thành hiện thực. Trong lịch sử, khi kết cấu quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang hai cực hoặc đa cực, các cuộc tranh giành quyền lãnh đạo toàn cầu sẽ dần đi tới kịch liệt hơn. Để bảo vệ địa vị bá quyền, các nước bá quyền cũ thường áp dụng các biện pháp kiềm chế và làm suy yếu nước thách thức tiềm ẩn, thậm chí sử dụng vũ lực. Trong lịch sử quan hệ quốc tế, các nước gây chiến lần lượt xuất hiện sau này gồm có Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nhật Bản và Liên Xô, nhưng không có một nước gây chiến nào cuối cùng giành thắng lợi trong “chiến tranh toàn cầu” để thiết lập bá quyền thế giới mới. Các nước thật sự thiết lập được bá quyền mới thường là các nước đồng minh hoặc nước hợp tác của một nước bá quyền cũ. Là một nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc có xung đột ý thức hệ tự nhiên với Mỹ một nước tư bản chủ nghĩa, trên cơ sở này rất khó hình thành mối quan hệ đồng minh giống như giữa Mỹ và Anh. Vì vậy, sự trỗi dậy của Trung Quốc khó tránh khỏi khiến Mỹ giữ cảnh giác. 
Mặc dù lịch sử chứng minh sự hưng thịnh và suy yếu của bá quyền chắc chắn dựa vào các biện pháp gây chiến tranh trên toàn cầu, nhưng khả năng đảm bảo hủy diệt lẫn nhau của vũ khí hạt nhân đã khiến toàn nhân loại không thể phát động bất cứ một cuộc chiến tranh toàn cầu nào khác. Rõ ràng là giữa Trung Quốc và Mỹ rất khó xảy ra chiến tranh hạt nhân quy mô lớn nhưng điều này không có nghĩa là hai nước bình yên vô sự vì lịch sử cũng đã cung cấp một biện pháp tranh bá khác: Chiến tranh Lạnh. Những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc chứng tỏ một mặt Mỹ mong muốn đổi việc chia sẻ quyền lực và lợi ích để đưa Trung Quốc vào hệ thống quốc tế hiện hành, chia sẻ trách nhiệm quốc tế; mặt khác cũng luôn luôn giữ cảnh giác đối với Trung Quốc, dựa vào thủ đoạn Chiến tranh Lạnh tiếp tục tăng cường sự kiềm chế, tìm cách định hướng và phương thức trỗi dậy của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Niu Đêli ngày 20/1/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Gates bày tỏ Mỹ mong muốn cùng Trung Quốc tiến hành đàm phán cắt giảm vũ trang theo “kiểu Chiến tranh Lạnh” để tránh khả năng xảy ra xung đột trong tương lai. Có thể nhận định, đây là một tín hiệu của một cuộc “Chiến tranh Lạnh” Mỹ gửi tới Trung Quốc, cũng là sự đáp trả việc năm 2007 Trung Quốc sử dụng tên lửa phá hủy vệ tinh và năm 2010 thử nghiệm tên lửa đánh chặn. 

Trước tình hình quốc tế phức tạp nhiều thay đổi, lựa chọn chiến lược trở thành một vấn đề Trung Quốc hiện phải hết sức thận trọng. Lịch sử chứng minh, đối kháng toàn diện với nước bá quyền sẽ không có lối thoát vì thế chỉ có thể lựa chọn hợp tác. Nhưng hợp tác không có nghĩa là chịu khuất phục, mà là hội nhập có lựa chọn vào hệ thống quốc tế hiện nay. Vận mệnh của một quốc gia thường quyết định bởi chiến tranh và các khoản nợ. Nước Anh cũng vậy và Liên Xô cũng thế. Cuộc khủng hoảng tài chính lần này bộc lộ sự suy yếu của Mỹ, và cũng chính vì vậy Mỹ mới cần sự hợp tác của Trung Quốc, do vậy đã tạo cơ hội cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Quá trình này tất đi cùng với thỏa hiệp và đấu tranh. Thỏa hiệp là nhằm tránh đối kháng toàn diện, đấu tranh là để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Việc hình thành cơ chế đối thoại bàn bạc song phương tất nhiên sẽ là xu thế duy trì sự phát triển tích cực trong quan hệ Trung-Mỹ từ nay về sau, cũng là phương hướng Trung Quốc cần nỗ lực: 

Một là, phải tích cực thảo luận phương thức và phương pháp tiếp tục hội nhập hệ thống bá quyền do Mỹ chủ đạo, tích cực gánh vác những trách nhiệm quốc tế tương xứng với thực lực của Trung Quốc. Việc Chính phủ Trung Quốc tích cực tham gia Hội nghị biến đổi khí hậu Côpenhaghen và đưa ra cam kết giảm bớt khí thải tương xứng với thực lực của mình chính là những biểu hiện quan trọng của việc gánh vác trách nhiệm quốc tế. 

Hai là, trong những lĩnh vực liên quan tới lợi ích phi cốt lõi, tích cực dựa vào và lợi dụng luật pháp quốc tế cũng như các quy chế, giải quyết tranh chấp trong các thể chế quốc tế hiện hành. Ví dụ, một số tranh chấp thương mại nào đó có thể thông qua Tổ chức thương mại thế giới, dựa vào hệ thống điều lệ tương ứng đưa ra kiện tụng và chống kiện tụng, phải ngăn chặn động một chút là có hành vi báo thù kinh tế theo kiểu tình cảm. Trước cục diện quốc tế phức tạp, khi cần thiết phải vứt bỏ một số lợi ích phi cốt lõi. 

Ba là, lợi dụng các cơ chế khu vực hiện hành để xử lý quan hệ với các nước xung quanh. Ví dụ, trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tiếp tục phát huy vai trò phối hợp trong các cuộc đàm phán 6 bên. Để giải quyết quan hệ với các nước Đông Nam Á có thể tiếp tục lợi dụng các cơ chế đa phương của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương chứ không nên tìm kiếm chính sách triệt để gạt bỏ Mỹ, nếu không chỉ có thể khiến môi trường an ninh khó khăn hơn. Một mặt, Trung Quốc hiện vẫn chưa có có đủ sức mạnh đẩy Mỹ khỏi châu Á; mặt khác, xuất phát từ mục đích giữ cân bằng và tự bảo vệ, các nước Đông Nam Á cũng sẽ mạnh mẽ yêu cầu Mỹ “ở lại” châu Á. 

Bốn là, trong những vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi, kiên quyết tiến hành các cuộc đấu tranh có lý có lợi, không để Mỹ can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc. Cao trào của “cách mạng màu” với chiêu bài ý thức hệ tự do dân chủ tuy đã qua đi nhưng vẫn rục rịch ngóc đầu dậy, tìm cách làm tan rã Trung Quốc từ bên trong, các chế độ xoay quanh mới và cuộc chiến tiền tệ sẽ làm dấy lên những làn sóng điên cuồng. 

Năm là, trong quá trình trỗi dậy Trung Quốc cần hết sức đề phòng sự bành trướng của tình cảm dân tộc trong nước, tránh bị tình cảm của chủ nghĩa dân tộc cấp tiến thao túng, có các hành vi đối kháng không có lý trí./.

NCBĐ (giới thiệu)