Trái với cách tiếp cận tương đối ôn hòa trong năm đầu cầm quyền, bước vào năm 2010 Chính quyền Obama bất ngờ có những điều chỉnh mạnh mẽ, tỏ ra cứng rắn, không khoan nhượng Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề: từ việc Mỹ nối lại việc bán vũ khí cho Đài Loan bất chấp việc Trung Quốc cắt quan hệ quân sự để trả đũa, Tổng thống Obama tiếp Đạt Lai Lạt Ma, đến hồ sơ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, thái độ căng lên của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, tỷ giá đồng Nhân dân tệ, thâm hụt thương mại…

 

Tại sao tuần trăng mật Mỹ - Trung lại sớm kết thúc ngay khi vừa mới bắt đầu? Phải chăng đây là những phát súng báo hiệu trận thư hùng tất yếu sẽ xảy ra giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc đang suy yếu?

 

Bình thường hay bất thường

 

Nếu bình tâm xem xét và đặt những diễn biến gần đây trong toàn bộ đoạn trường quan hệ hơn 30 năm có lẻ giữa Trung Quốc (TQ) và Mỹ, ta thấy đây chỉ là một trong số khá nhiều hiện tượng "sáng nắng, chiều mưa" giữa hai cường quốc này.

 

Những năm đầu thập kỷ 1980 đã chứng kiến sự đổ vỡ đầu tiên của "tuần trăng mật" Trung-Mỹ, không lâu sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/1/1979. Khi đó hai cường quốc đều cảm thấy thất vọng khi không thể sử dụng nhau làm con bài hiệu quả trong việc chống Liên Xô. Giữa những năm 1990, với Chiến lược an ninh quốc gia Can dự và Mở rộng, TQ nhanh chóng trở thành đối tượng được Chính quyền Clinton tranh thủ và ve vãn, mặc dù trước đó chưa lâu Clinton "thề" sẽ mạnh tay đối với TQ nếu đắc cử Tổng thống. Tiếp theo đó, sự "cứng rắn" của Chính quyền Bush đối với TQ, mà đỉnh điểm là căng thẳng sau vụ va chạm máy bay hai nước ngoài khơi đảo Hải Nam tháng 4/2001, cũng không kéo dài quá một năm sau khi Bush lên cầm quyền. Chỉ sau đó vài năm, tướng C.Powell trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ đã mô tả "quan hệ hai nước ở vào thời kỳ tốt đẹp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ".

 

Nói vậy để thấy vào những thời điểm nhất định luôn có những tác nhân tìm cách lái quan hệ Trung-Mỹ đi theo hướng "tả" hoặc "hữu". Nhưng bên dưới bề mặt tưởng chừng toàn gió to, sóng cả lại tồn tại một lực vô hình kéo quan hệ hai nước đi đúng quỹ đạo. Vấn đề đặt ra là lực kéo đó có còn đủ mạnh để đưa quan hệ Trung-Mỹ phát triển bình thường sau những điều chỉnh trái chiều vừa qua hay không.

 

Nền tảng lung lay

 

Cả lý thuyết lẫn thực tiễn quan hệ quốc tế đều cho rằng sự nổi lên nhanh chóng của một cường quốc, trong trường hợp này là TQ, không sớm thì muộn sẽ dẫn đến xung đột, thậm chí chiến tranh với cường quốc bá quyền, mà ở đây là Mỹ, để lập lại trật tự thế giới và xác lập vị thế quốc tế mới của mình. Tuy nhiên, điều này có vẻ không đúng đối với quan hệ Trung-Mỹ, ít nhất là hiện nay.

 

Về chính trị và an ninh-quân sự, TQ tuy mạnh lên rất nhiều nhưng chưa đủ khả năng và cũng không có ý định thay đổi trật tự thế giới hiện tại vốn được hình thành từ sau Thế chiến thứ II đến nay. Đó là chưa kể đến những hệ quả tiêu cực khác mà TQ có thể phải đối mặt trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, do Mỹ vẫn duy trì sức mạnh vượt trội so với TQ trên tất cả phương diện sức mạnh. Khoảng cách này không dễ san lấp ngay cả khi TQ đuổi kịp Mỹ về tổng GDP, được dự báo vào năm 2020.

 

Nhìn vào lịch sử, phải mất 75 năm kể từ khi soán ngôi cường quốc công nghiệp số 1 thế giới từ tay đế quốc Anh năm 1870 và trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, Mỹ mới thực sự xác lập vị thế siêu cường thế giới, cũng như thiết lập một trật tự thế giới lấy Mỹ làm trung tâm.

 

Thực tế cho thấy, lợi ích của TQ nằm trong sự tồn tại và vận hành ổn định của hệ thống quốc tế hiện hành. Những hành xử gần đây của TQ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cho thấy TQ muốn tìm cách cải biến bên trong phạm vi hệ thống để có ảnh hưởng và tiếng nói có trọng lượng hơn là tìm cách thay đổi cả hệ thống.

 

Theo nhận xét của nhà bình luận quốc tế James Fallows, dù có khác biệt, nhưng nhìn chung TQ và Mỹ nhất trí với nhau về 3 điểm cơ bản: "Hợp tác tốt chứ không phải coi nhau như kẻ thù; sự thịnh vượng của TQ không nhất thiết dựa trên sự hy sinh lợi ích của Mỹ; và giữa hai nước có một số bất đồng thực sự".

 

Tuy nhiên, sự đồng thuận này cũng đang biến đổi và nguyên nhân chính xuất phát từ thay đổi trong tương quan so sánh sức mạnh kinh tế giữa hai nước. Cho đến nay, hạt nhân của quan hệ vừa đối tác, vừa có phần xem nhau như địch thủ giữa TQ và Mỹ là sự gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau cao độ về kinh tế. Đi cùng với nó là sự gắn kết giữa thịnh vượng kinh tế, tương lai và vận mệnh của hai dân tộc với nhau. Sự kết dính kinh tế này được Giáo sư sử học Harvard Niall Ferguson thể hiện bằng thuật ngữ "Chimerica" (từ ghép tiếng Anh của TQ và Mỹ). Hơn 30 năm qua, Chimerica đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ và TQ cũng như kinh tế toàn cầu, giúp quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và phát triển ổn định.

 

Từ chỗ có công, Chimerica giờ đây đang bị một số giới của Mỹ quy là "tội đồ", gây đình đốn kinh tế Mỹ cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua. Đối với TQ, Chimerica có nghĩa là chiến lược phát triển dựa trên việc thúc đẩy xuất khẩu bằng mọi giá, tạo ra hàng chục triệu việc làm mới mỗi năm, tăng sản lượng GDP của nước này lên 4 lần từ năm 2000 đến nay, tạo ra số dự trữ ngoại tệ khổng lồ gần 3.000 tỷ USD.

 

Đối với Mỹ, Chimerica giúp người dân hưởng lối sống dựa trên tiêu xài quá mức, được nhận nguồn cung cấp tín dụng dồi dào với lãi suất thấp (thông qua việc TQ mua lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ). Từ năm 2000-2008, tổng tiêu dùng của Mỹ đã vượt quá tổng thu nhập của nước này tới 45%, trong đó hàng nhập khẩu từ TQ đóng góp tới 1/3 tổng mức tiêu dùng này.

 

TQ hiện không ngần ngại vung nguồn ngoại tệ khổng lồ hàng trăm tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ của Mỹ, Nhật nhằm vực dậy Chimerica và hỗ trợ cỗ máy xuất khẩu khổng lồ thông qua duy trì tỷ giá Nhân dân tệ thấp so với đồng USD. Về phía Mỹ, rút kinh nghiệm từ khủng hoảng nợ châu Âu, nước này đã bắt đầu cảm nhận bóng ma nợ công và thấy không thể tiếp tục in tiền và tăng lượng bán trái phiếu kho bạc vô hạn định để bù lỗ thâm hụt kép và kích cầu kinh tế. Đây được coi như nguyên nhân của sự trì trệ kinh tế Mỹ hiện nay, cũng như quả bom tấn tiềm tàng có khả năng phá hủy nước Mỹ trong tương lai.

 

Qua đó có thể thấy, các đấu tranh giữa TQ và Mỹ trong việc xử lý các mất cân đối mang tính cơ cấu nói trên chưa thể thay đổi cục diện thế giới một cách căn bản và ngay lập tức. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh này sẽ lâu dài và ngày một quyết liệt, mang tính quyết định không chỉ đôi với tương lai quan hệ hai nước, mà còn kéo theo các hệ quả sâu rộng đối với hệ thống quốc tế và các quốc gia khác.

Hoàng Anh Tuấn