Hàng ngày trong tuần vào đầu tháng 9, các binh sĩ quân đội Mỹ đi lại trên con đường dài 10 dặm giữa khách sạn Grand Hotel xiêu vẹo của Kinshasa và căn cứ huấn luyện quân sự của CHDC Cônggô ở trên đỉnh đồi nhìn xuống thủ đô Kinshasa . Những người Mỹ này có thể không nhận ra, nhưng con đường rộng, bằng phẳng và mát mẻ mà họ sử dụng, mặc dù không tương xứng với những con đường đầy ổ gà và không được trải nhựa, gần đây đã được xây dựng bởi một đối thủ đang ngày càng lớn mạnh - đó là Trung Quốc. 


Các binh sĩ Mỹ ở Cônggô để giúp huấn luyện các đối tác trong quân đội nước này. Cuộc diễn tập kéo dài trong hai tuần, do Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ tổ chức, được dự định để mở rộng ảnh hưởng của Oasinhtơn tại đất nước giàu khoáng sản quý hiếm nhưng mất ổn định ở Trung Phi này. Thế nhưng, các kỹ sư cầu đường Trung Quốc đã đến Kinshasa để làm công việc tương tự nhân danh Bắc Kinh, sử dụng các biện pháp có phần khôn ngoan hơn. 


Việc Trung Quốc và Mỹ đang trong cuộc đua nhằm giành ảnh hưởng tại những nước sở hữu các nguồn tài nguyên mang tính sống còn, không chỉ ở châu Phi mà trên khắp thế giới đang phát triển, hầu như không phải là điều mới mẻ. Thế nhưng, cảnh tượng ở Kinshasa, các binh sĩ Mỹ đi trên con đường do Trung Quốc xây dựng, nhấn mạnh những chiến lược khác nhau mà Oasinhtơn và Bắc Kinh đã nhắm tới để theo đuổi. Trong khi quân đội Mỹ lãnh đạo những bước tiến của nước này vào Cônggô và những quốc gia giàu tài nguyên khác, nổi bật nhất là Irắc và Ápganixtan, Trung Quốc theo truyền thống thích bảo trợ các dự án cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, các kỹ sư Trung Quốc được đặt cố định ở những tiền đồn tại các nước đang phát triển xa xôi như Cộng hòa Sát và Xômali. 


Thế nhưng, trong khi hai cường quốc tiếp cận vấn đề ảnh hưởng từ những xuất phát điểm khác nhau, họ cũng đang ngày càng dẫm chân lên nhau trong cách thức phát triển quyền lực mềm, đặc biệt là trong việc sử dụng hải quân. Cả hai nước đã tăng cường thực hiện những sứ mạng lưỡng dụng quân sự-nhân đạo mà có thể trở nên dễ thấy hơn khi các nỗ lực chiến tranh của Mỹ ở Irắc và Ápganixtan giảm bớt. 


Hơn nữa, ngay cả khi những cuộc xung đột đó kéo dài trong một thập niên qua, Mỹ cũng đã đi tiên phong và phát triển những sứ mạng quyền lực mềm trên diện rộng, triển khai nhân viên y tế, kỹ sư và huấn luyện viên quân sự và dân sự trên các tàu chiến và máy bay vận tải trên khắp các vùng Mỹ Latinh, châu Phi, Cápcadơ, Đông Nam Á và châu Đại Dương. Sau một thời gian quan sát và nghiên cứu, Trung Quốc đã bắt đầu bắt chước cách tiếp cận của Mỹ. 


Sự bắt chước của Bắc Kinh là một sự công nhận ngấm ngầm các nỗ lực của Mỹ, và cũng trùng hợp với những sáng kiến tương tự đang hình thành ở những nước giàu có hơn, trong đó có Nhật Bản và Hà Lan. Mỹ đã đảm bảo đóng một vai trò hỗ trợ quan trọng trong những sứ mạng quyền lực mềm ban đầu mang tính vừa phải của Tôkyô và Amxtécđam, với việc Oasinhtơn từ lâu coi quyền lực mềm là một phương tiện lý tưởng cho hợp tác quốc tế. 

 


Các tàu bệnh viện 


Những công cụ quyền lực mềm hữu hình nhất là các tàu bệnh viện công nghệ cao thuộc Hải quân Mỹ và Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN). Vào cuối tháng 8, "Tàu 866" của Trung Quốc, một phiên bản sao chép gần đây với quy mô nhỏ hơn của các tàu Comfort và Mercy do Mỹ đóng từ 20 năm nay, đã thực hiện hành trình lớn đầu tiên, đi tới Ấn Độ Dương trong 3 tháng để cung cấp dịch vụ chăm sóc và đào tạo y tế miễn phí ở Gibuti, Kênia, Tandania, Xâysen và Bănglađét. 


Bắc Kinh bắt đầu lên kế hoạch cho Tàu 866 khoảng 5 năm trước đây, sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương. Thảm họa này, quét sạch rất nhiều cộng đồng sinh sống ở ven biển trên khắp 11 quốc gia và làm cho hơn 200.000 người thiệt mạng, đã thúc đẩy một phản ứng quốc tế chưa từng có. Các nhân viên cứu trợ, nhu yếu phẩm và đóng góp từ thiện đã đổ vào, với sự đóng góp của Mỹ được lãnh đạo bởi một đội tàu chiến mang theo máy bay trực thăng, bác sĩ và đồ viện trợ. Tâm điểm của hạm đội nhân đạo này là một tàu sân bay, một tàu đổ bộ và tàu Mercy dài 900 ft được sơn màu trắng với chữ thập đỏ ở thân tàu. 

Tàu Mercy rời Ấn Độ Dương vào tháng 4/2005 sau 4 tháng điều trị cho hàng nghìn người sống sót. Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành sau đó cho thấy rằng tỉ lệ người Inđônêxia có quan điểm thiên về Mỹ đã tăng hơn gấp đôi tới gần 40%, chủ yếu là nhờ chuyến ghé thăm của tàu Mercy. Sóng thần báo hiệu sự khởi đầu một kỷ nguyên hoạt động của Hải quân Mỹ (trừ các cuộc không kích xuất phát từ tàu sân bay nhằm vào Irắc và Ápganixtan) chủ yếu tập trung vào quyền lực mềm. Vài lần trong năm, các tàu chiến và tàu bệnh viện của Mỹ lại lên đường tới những vùng duyên hải xa xôi, các phòng trên tàu chứa đầy bác sĩ, kỹ sư và huấn luyện viên đồng thời khoang chở hàng chứa nhiều hàng cứu trợ và thuốc men. 


Vào lúc đó, bất chấp việc là nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới, Trung Quốc không đóng vai trò hữu hình nào trong việc cứu trợ thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương và không giành được bất cứ thiện chí nào. Thứ trưởng Bộ Hải quân Mỹ Bob Work cho rằng "sóng thần đã làm họ (Trung Quốc) xấu hổ. Người Trung Quốc phản ứng với sự xấu hổ theo những cách thức rất tập trung". Trong trường hợp này, họ đóng Tàu 866 trong số các tàu có khả năng mang lại quyền lực mềm khác. 


Tàu 866 chỉ có trọng tải 10.000 tấn, so với trọng tải 70.000 tấn của các tàu Mercy và Comfort. Tuy nhiên, theo tờ "Nhân dân Nhật báo", tàu này chứa đựng "các chức năng và cơ sở toàn diện tương đương với các bệnh viện cấp 3A". Với màu sơn trắng và đỏ giống như các tàu của Mỹ, Tàu 866 được hạ thủy đầu năm 2009 và bắt đầu trang bị cho những sứ mạng hỗ trợ nhân đạo. 


Tuy nhiên, sự xuất hiện của tàu này đã vấp phải một số nghi ngờ từ các nhà quan sát phương Tây. Những người chỉ trích chỉ ra rằng Tàu 866 hạ thủy cùng thời gian tàu tấn công đổ bộ đầu tiên của Trung Quốc, tàu "Type 071" trọng tải 14.000 tấn. Tàu tấn công đổ bộ này dường như được đóng chuyên dụng để dẫn đầu một cuộc xâm lược bằng đường biển vào Đài Loan hoặc các phần đang tranh chấp ở Biển Đông. Nhà phân tích John Pike thuộc tổ chức nghiên cứu Globalsecurity.org có trụ sở ở Virginia (Mỹ) cho rằng "người ta có thể sẽ thực thi một đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông bằng cách sở hữu các hòn đảo. Làm thế nào để người ta sở hữu một hòn đảo? Bằng tấn công đổ bộ". Ông John Pike nói: "Nếu họ chỉ đóng một tàu bệnh viện, tôi sẵn sàng bắt đầu nghĩ về tàu đó ở mức độ hỗ trợ nhân đạo. Nhưng khi họ đồng thời đóng tàu đổ bộ Type 071, tôi có xu hướng nghĩ rằng quyết định đóng các tàu đó được đưa ra tại cùng một cuộc họp, một phần của một một kế hoạch chung" cho những cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào các đảo. 


Tàu 866 có thể được sử dụng cho cả các cuộc tấn công vào các đảo lẫn quyền lực mềm, theo đúng cách thức mà hầu hết các tàu của Mỹ cũng đang mang tính lưỡng dụng. Điều thú vị là đợt triển khai đầu tiên của tàu Type 071 là tại các vùng biển Đông Phi để tham gia các cuộc tuần tra quốc tế chống cướp biển trong năm nay. Tàu 866 đi ngay sát đằng sau ở đúng khu vực này. 

Biên tập viên Raymond Pritchett thuộc blog hải quân có nhiều ảnh hưởng "Phổ biến thông tin" bình luận: "Chìa khóa cho sự triển khai này đối với tôi là làm thế nào để điều đó chứng tỏ lần đầu tiên trong sự nổi lên của PLAN mà chúng ta có thể khẳng định một cách hợp pháp rằng PLAN đang bắt chước cách hành xử của Hải quân Mỹ". Hơn nữa, trong khi năng lực hải quân ngày càng tăng của Bắc Kinh một ngày nào đó có thể được sử dụng cho một cuộc tấn công vào một số nơi ở Thái Bình Dương, vào lúc này rõ ràng là năng lực đó sẽ càng có thể được sử dụng nhằm thúc đẩy mục tiêu của Trung Quốc sao chép các chiến dịch hải quân chú trọng vào quyền lực mềm của Mỹ. 

 


Lời khuyên của Mỹ 


Trung Quốc không phải là nước duy nhất bắt chước quyền lực mềm của Mỹ. Mùa Thu năm ngoái, Hải quân Hà Lan đã triển khai tàu vận tải đổ bộ mang tên Johan de Witt và hàng trăm thủy thủ tới Xiêra Lêôn, Libêria, Gana và quần đảo Cape Verde. Hải quân Hà Lan thông báo rằng "cùng với những nước này, họ sẽ thực hiện đo đạc thủy văn và diễn tập. Theo đề nghị của một số tổ chức phi chính phủ, tàu này cũng mang theo một lượng lớn hàng cứu trợ cho các nước vùng duyên hải châu Phi". 


Để chuẩn bị cho sứ mạng đó, Hà Lan đầu tiên cử các sĩ quan lên tàu Comfort trong sứ mạng của tàu này ở Mỹ Latinh. Người Hà Lan thậm chí đã áp dụng những thông lệ đặt tên của Hải quân Mỹ. Người Mỹ gọi sự triển khai của mình ở châu Phi là "Các trạm đối tác châu Phi" và giờ đây người Hà Lan làm giống như vậy. 


Ở phía bên kia của thế giới, người Nhật Bản cũng học tập người Mỹ trong việc phái đi những sứ mạng quyền lực mềm của mình. Tháng 5/2010, tàu đổ bộ Kunisaki của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã mang theo 40 chuyên gia y tế và nha khoa cùng đại diện của 22 tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản để tham gia cùng với tàu Mercy trong một hành trình nhân đạo tới Việt Nam và Campuchia. Mục tiêu ở đây là triển khai cái gọi là "những người anh em" Nhật Bản tới các nước đang phát triển trên cơ sở thường kỳ, thậm chí không cần sự giúp đỡ của Mỹ. 


Điều thú vị là mặc dù mới chỉ mong đợi rằng Hà Lan và Nhật Bản, các đồng minh thân cận của Mỹ, sẽ hợp tác chặt chẽ, Trung Quốc cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ trước khi phái Tàu 866 tới Đông Phi - vào mùa Xuân 2009, PLAN đã đề nghị tư vấn trong chuyến thăm Côlômbia của tàu Comfort. Bác sĩ cao cấp trên tàu Comfort vào lúc đó, Đại úy hải quân James Ware, nói: "Họ đang lắp ráp một tàu bệnh viện và quan tâm tới việc chúng tôi làm việc của mình như thế nào". Cuối cùng, 10 sĩ quan Trung Quốc đã được James Ware và nhân viên của ông này huấn luyện đôi chút ở Côlômbia. 


Câu hỏi là Mỹ và Trung Quốc có thể chia sẻ sân khấu như thế nào khi hai cường quốc hàng đầu thế giới này sẽ chịu nhiều sức ép nhất của thế kỷ 21. Tuy nhiên, sự cộng tác của hai nước về các tàu bệnh viện chí ít cũng là một gợi ý rằng hợp tác là điều có thể. Theo chuyên gia hải quân Mỹ Eric Wertheim, khi nói đến những khát vọng quyền lực mềm ngày càng tăng của Trung Quốc, "có nhiều lý do để lạc quan" hơn là lo lắng. 


Tất nhiên, khi những căng thẳng nổi lên một cách định kỳ giữa hai nước, kể cả về những tuyên bố trên biển, Mỹ và Trung Quốc có thể thường xuyên tự thấy mình đang theo đuổi những chiến lược rất khác nhau cho việc gây ảnh hưởng toàn cầu. Thế nhưng, những động thái quyền lực mềm hải quân gần đây cho thấy rằng ở một số phạm vi, chí ít cũng có chỗ cho sự hợp tác cũng như cạnh tranh. 

Theo The Diplomat; TTXVN