Chính phủ Mỹ vừa phải chịu một thất bại ngoại giao lớn tại Trung Á, khi Ngoại trưởng Ápganixtan Zalmay Rasoul đến Bắc Kinh để thảo luận những đề xuất nhằm siết chặt các quan hệ giữa Cabun với Chính phủ Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo trước đó của Mỹ rằng Ápganixtan không nên làm như vậy. Chuyến thăm của ông Rasoul (từ ngày 9-12/5) cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc rằng nước này có thể phá hoại tham vọng của Mỹ tại Trung Á bằng việc thiết lập các quan hệ ngoại giao với nhiều nước láng giềng.

Động cơ chủ yếu đằng sau hoạt động ngoại giao này là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đã cho phép Trung Quốc và Nga hợp tác chặt chẽ hơn trong "ứng xử" với khu vực Trung Á và Trung Đông. 

SCO đang tự giới thiệu với khu vực là một tổ chức "đảm bảo an ninh" thay thế NATO, mặc dù Trung Quốc và Nga đều công khai ủng hộ những nỗ lực đảm bảo an ninh của NATO tại Ápganixtan và Pakixtan. Do các thành viên của SCO gồm Trung Quốc, Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Nga, Tátgikixtan và Udơbêkixtan và các nước này đang ve vãn Ápganixtan, nên SCO đang đe dọa sự độc quyền của Mỹ trong việc có các căn cứ quân sự tại Ápganixtan và những nơi khác trong khu vực.

Một trong những đồng minh tiềm tàng của Trung Quốc là Ấn Độ, quốc gia đã tuyên bố rõ ràng rằng họ thích theo đuổi một chính sách khu vực độc lập, hơn là chỉ theo đuôi Mỹ. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có lợi ích trong việc ổn định Ápganixtan và Pakixtan, nhưng không nước nào muốn Mỹ sử dụng cuộc chiến chống khủng bố, hay cuộc xung đột tại Ápganixtan để đẩy mạnh chiến lược "Đại Trung Á" của Oasinhtơn. SCO là một khung hợp tác lý tưởng trong các vấn đề an ninh khu vực.

Quan hệ giữa Ixlamabát và Oasinhtơn chưa bao giờ dễ chịu, và đang bị tác động mạnh bởi chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Chính quyền Mỹ đã tỏ rõ rằng họ muốn hành động ở bên trong lãnh thổ Pakixtan mà không quan tâm đến chủ quyền hay những vấn đề nhạy cảm của nước này. Điều này đang phá hủy nghiêm trọng sự tự tin của chính phủ Pakixtan và làm giảm lòng tin vào sự hợp tác thực sự của Oasinhtơn. Việc gia nhập SCO dường như là một thời cơ lý tưởng, khi Ixlamabát đang tìm kiếm những đồng minh khác có thể giúp họ tự đảm bảo an ninh.

Tuy nhiên, những vấn đề cấp bách nhất đối với Nga và Trung Quốc là sự can thiệp của phương Tây tại Libi, những sự kiện tại Xyri, những cáo buộc về thái độ đạo đức giả của phương Tây đối với Baranh và quyết tâm duy trì sự có mặt quân sự của Mỹ tại Irắc. Ngoài ra, Mátxcơva quan ngại rằng Obama đang chuẩn bị khởi động lại các kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tại Ba Lan và Rumani, cũng như thiết lập sự có mặt quân sự lâu dài tại hai nước này. Điều này có thể thách thức quyền bá chủ của Nga đối với Biển Đen. Những nỗ lực của Nga nhằm tham gia chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ và châu Âu đã thất bại.

Tất cả những diễn biến trên, và việc Trung Đông và Trung Á rõ ràng chán ghét sự có mặt quân sự lâu dài của Mỹ và NATO đã khuyến khích tất cả các bên đẩy mạnh những nỗ lực ngoại giao của họ. Vì thế, trong khi ông Rasoul đang bị Bắc Kinh ve vãn, Tổng thống Pakixtan Zardari đã thăm Nga và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tiến hành chuyến thăm Cabun hai ngày. 

Theo Worldtribune

Viết Tuấn (gt)