ư


Sự cân bằng chiến lược cũ khó có thể tiếp tục 


Nhìn lại diễn biến khu vực thời gian qua có thể thấy rõ, trước khi xảy ra sự kiện tàu Cheonan, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ở một mức độ nào đó, Mỹ đã lâm vào khó khăn chiến lược: việc di chuyển căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng Nhật Bản; Hàn Quốc cũng không còn hoan nghênh việc đóng quân lâu dài của quân đội Mỹ tại đất nước này và đã đạt được với Mỹ một hiệp định về việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Hàn Quốc trong hai năm tới; chính phủ của cựu Thủ tướng Hatoyama đề xuất việc xây dựng một cộng đồng Đông Á không bao gồm Mỹ trong đó cũng khiến Mỹ cảm nhận được nguy cơ bị đẩy ra khỏi vòng tròn kinh tế Đông Á đang có sức phát triển mạnh. 


Trong khi đó, dưới tác động của cơn bão tài chính thế giới vừa qua, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, có tác dụng ngày càng rõ nét trong việc giúp các nền kinh tế Đông Á phục hồi và phát triển, ảnh hưởng của nước này tại khu vực vì thế cũng được tăng lên. Trung Quốc đang dần thay thế Mỹ, trở thành nhân tố bên ngoài chủ yếu dẫn dắt kinh tế Đông Á. Điều này khiến Mỹ cảm thấy vị trí bá quyền của mình đang bị đe dọa. 


Sau sự kiện tàu Cheonan, Mỹ nhận thấy đây là cơ hội tôt để củng cố địa vị bá quyền của mình tại châu Á – Thái Bình Dương, lập tức nắm lấy cơ hội này, điều binh khiển tướng, thể hiện sức mạnh, ra sức ủng hộ Hàn Quốc về mặt ngoại giao, thừa cơ tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Mỹ đã đạt được với Hàn Quốc về một hiệp định đóng quân lâu dài tại nước này. Mỹ đồng thời lợi dụng một số nước ASEAN có tranh chấp lợi ích trên biển với Trung Quốc tại biển Đông liên kết lại gây khó khăn cho Trung Quốc, mục đích cuối cùng vẫn là nhằm tăng cường vị trí của Mỹ tại khu vực. 


Chính sách hai mặt của Mỹ chưa thay đổi 


Hiện nay, Mỹ ngày càng có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trong các vấn đề ở biển Đông cũng như vấn đề tập trận tại Hoàng Hải, liệu đây có phải là sự thay đổi chính sách của Chính quyền Obama đối với Trung Quốc hay không? Để giải đáp vấn đề này, Giáo sư Trần đưa ra một số phân tích như sau: 


Gần đây, Mỹ luôn áp dụng thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trong một số vấn đề, chủ yếu do hai nguyên nhân: Một là, sự đối lập giữa Mỹ và Trung Quốc trong chính sách ngoại giao và chính sách hải dương. Trung Quốc nhất quán thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ với tôn chỉ là duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy cùng phát triển, đồng thời bảo vệ quyền lợi chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mình theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ lập trường bá quyền, Mỹ cho rằng Trung Quốc vẫn chưa có đóng góp tích cực, nhất là chưa có sự hợp tác và phối hợp trong các vấn đề hạt nhân của Iran hay Bắc Triều Tiên. Một số nhân vật trong giới quyết sách và hoạch định chiến lược của Mỹ còn cho rằng, khi quốc lực mạnh lên, Trung Quốc đã trở nên “ngạo mạn” và bớt coi trọng Mỹ, Mỹ cần phải có phản ứng cứng rắn về vấn đề này. Hai là, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang đến gần, một số người trong Đảng Cộng hòa công kích kịch liệt chính sách “mềm yếu” đối với Trung Quốc của Chính quyền Obama, giới quân sự mưu đồ làm nhẹ đi việc cắt giảm chi phí quốc phòng; trong cuộc chiến chống khủng bố, ngành công nghiệp vũ khí đang phình to của Mỹ lo lắng bị giảm sút số lượng đơn đặt hàng nên cần tạo ra chút không khí căng thẳng. Những nhân tố nội chính này cũng là các nguyên nhân quan trọng trong việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc hiện nay. Từ đó, xét về tổng thể, chính quyền Obama vẫn chưa có sự thay đổi gì về chính sách hai mặt đối với Trung Quốc. (Hướng) chủ đạo của Chính quyền Obama vẫn là muốn phát triển quan hệ hợp tác tích cực toàn diện Trung - Mỹ. Một lần nữa, Mỹ lại đưa ra yêu cầu khôi phục giao lưu quân sự với Trung Quốc. Mỹ chủ động cử quan chức cao cấp đến thăm Trung Quốc, tiến hành trao đổi. Tuy Mỹ vẫn kiên trì việc cử tàu sân bay tham gia diễn tập quân sự ở Hoàng Hải nhưng đã khá thận trọng trong các hành động quốc tế. Những điều này đều thể hiện rằng Mỹ không muốn làm căng quan hệ với Trung Quốc. 


Hai bên đều cố tránh đối đầu 


Hiện nay, bàn cờ chiến lược Trung - Mỹ này có thể dẫn tới chiến lược đối kháng hay không? Xét từ hiện tại thì khả năng này không lớn lắm. 

 

Thứ nhất, trọng tâm đối ngoại của Chính quyền Obama vẫn là duy trì địa vị bá quyền trên toàn cầu của Mỹ (người Mỹ thường nói là địa vị lãnh đạo). Trung Quốc tuy không thừa nhận nước nào lãnh đạo nhưng cũng không khiêu khích địa vị bá quyền của Mỹ. Trung Quốc cũng biểu thị rõ ràng rằng, không những không phản đối sự tồn tại của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò tích cực ở khu vực này. 


Thứ hai, hai bên đều đang tránh đối kháng. Tính phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ ngày càng cao hơn, đã hình thành mối quan hệ “cùng vinh cùng nhục”, hình thành nên mối quan hệ “cân bằng khủng bố”. Nếu như nền kinh tế Mỹ lại rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng một lần nữa, hệ thống đồng USD bị sụp đổ thì Trung Quốc sẽ chịu tổn thất vô cùng lớn, nền kinh tế thế giới bao gồm cả nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ nảy sinh những khó khăn rất lớn. Ngược lại, nếu kinh tế Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng thì cũng gây ra những tác dụng phụ rất lớn đến kinh tế Mỹ, thậm chí cho cả nền kinh tế thế giới. 


Thứ ba, Trung Quốc và Mỹ đều có lợi ích chung trong việc giữ gìn, duy trì hòa bình ổn định của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là hòa bình ổn định của bán đảo Triều Tiên. Trong việc duy trì an ninh tuyến đường biển phía Tây Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, lợi ích của hai nước là như nhau. Trung Quốc, Mỹ và các nước Đông Nam Á có không gian hợp tác rất lớn trong việc cùng nhau duy trì an ninh trên biển. 


Thứ tư, lập trường của Trung Quốc về duy trì quyền lợi trên biển và chủ quyền hải đảo là rõ ràng nhưng trong tranh chấp về duy trì quyền lợi trên biển và chủ quyền hải đảo, Trung Quốc sẽ nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế. Hiện nay, mâu thuẫn về quyền lợi hải dương giữa Mỹ và Trung Quốc là những xung đột nguy hiểm mang tính cục bộ chứ không phải tính toàn cục. Vì vậy, qua một thời gian đấu tranh, đàm phán bao gồm mưu đồ chiến lược, thăm dò, khả năng về việc từng bước hình thành sự thỏa hiệp chiến lược, xây dựng nên thế cân bằng mới, khiến cho cục bộ tương đối ổn định lại là rất lớn. Đương nhiên, nếu hai bên sai lầm trong việc giải quyết thì cũng không thể loại trừ khả năng nảy sinh đối kháng. 


Giáo sư Trần kết luận, điều đáng suy nghĩ là, trong lúc tưởng như “nước sôi lửa bỏng”, hai bên Trung - Mỹ vẫn tiến hành viếng thăm, tăng cường trao đổi. Điều này thể hiện rằng, những người lãnh đạo hai quốc gia đã chú ý tới tính nguy hại của quan hệ không tốt giữa hai nước trong thời kỳ trước kia, quyết tâm thực hiện các biện pháp để tăng cường khống chế. 

 

Nguồn: Đại Công Báo; TTXVN