PDF file

Tóm tắt

Bài viết này lập luận rằng việc thúc đẩy hợp tác kinh tế tại Biển Đông chính là một biện pháp giúp giảm bớt căng thẳng đang gia tăng một cách đáng chú ý giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ những lợi ích của mình trong vùng biển này. Trong bối cảnh mà nguy cơ xung đột trong vùng biển này đang gia tăng, xuất phát từcác động thái thù địch và lập trường không khoan nhượng của một số quốc gia có lợi ích trong khu vực này, sự cần thiết phải xoa dịu “độ nóng chính trị” và kêu gọi các bên xung đột tập trung vào một mục tiêu chung càng trở nên cấp bách. Một lựa chọn rõ ràng cho mục tiêu này là hợp tác kinh tế, trong điều kiện tất cả các quốc gia, bất chấp những khác biệt về chính trị và chiến lược tại Biển Đông, đều có nhu cầu chung là xúc tiến các hoạt động kinh tế, sử dụng các nguồn tài nguyên, phát triển thương mại và sinh sống hòa bình tại khu vực. Bài viết này sẽ chỉ ra những lợi ích kinh tế có thể có được từ việc tham gia hợp tác kinh tế chung tại Biển Đông đối với các nước ven biển cũng như các nước tiêu thụ và các bên liên quan khác. Bài viết khảo sát tính hiệu quả của mô hình Ủy ban Phát triển chung (JDA), dựa trên kinh nghiệm từ thành công của một số JDA giữa các nước có yêu sách biển chồng lấn, được áp dụng cho Biển Đông để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các bên liên quan. Bài viết kiến nghị Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, với những kinh nghiệm và thành công trong xúc tiến nhiều sáng kiến hợp tác và nâng cao năng lực trong khu vực, nên đóng vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực tại Biển Đông. Mặc dù thừa nhận khả năng khu vực này có thể sa lầy trong căng thẳng lâu dài, bài viết kêu gọi các bên có tranh chấp tại Biển Đông gác lại những khác biệt và tập trung gặt hái những “trái ngọt gần ngay trước mắt” thông qua việc tham gia hợp tác kinh tế nhằm xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm như là một biện pháp để tránh xung đột trong vùng biển này.

Từ khóa:   Biển Đông, hợp tác kinh tế, Cơ quan Phát triển chung, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 

Bersatu kita teguh, bercerai kita roboh

Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết

(Tục ngữ Malaysia)

Vùng biển chiến lược trong vòng vây hãm

Biển Đông là tuyến đường giao thông hàng hải (SLOC) có tầm quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực vềkinh tế.[2] Đây là vùng biển trung chuyển khối lượng lớn thương mại khu vực và quốc tế, bao gồm nhiều tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Những hành lang biển này cung cấp nhiều cung đường cho việc vận chuyển một lượng đáng kể thương mại biển quốc tế và là đường giao thông huyết mạch của các nền kinh tế Đông Á vận hành tốt nhờ các nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Biển Đông đã luôn có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với sự phát triển của lịch sử khu vực, là nơi tiếp nhận những luồng dân cư và thương mại có tác động đặc biệt đến quá trình tiến bộ và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. [3]

Vị trí chiến lược và các nguồn tài nguyên dồi dào của vùng biển này đã thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế từ đó cung cấp nguồn thu nhập chủ yếu cho các quốc gia ven biển và cơ hội việc làm cho nhiều người dân sinh sống dọc bờ biển. Tầm quan trọng của Biển Đông càng được nhấn mạnh khi ước tính hơn nửa số tàu chở dầu và hơn nửa số tàu buôn lớn (tính theo tấn) của thế giới qua lại tuyến giao thông này mỗi năm. [4] Vùng biển rộng lớn này cũng rất phong phú về đa dạng sinh học, ước tính bao gồm 30% thảm san hô ngầm của thế giới và chứa các mỏ năng lượng hydrocarbon dồi dào.[5]

Biển Đông cũng là vùng nước có tầm quan trọng lớn về địa chiến lược và địa chính trị. Khu vực này chứng kiến sự tương tác giữa  nhiều lợi ích và quan điểm khác nhau, và là khu vực có chứa nhiều lợi ích quan trọng của các quốc gia ven biển và các cường quốc trong và ngoài khu vực. Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi vùng biển này là chủ đề thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Bằng chứng là khu vực này chứa đựng nhiều tranh chấp lãnh thổ và liên quan tới nhiều nước.[6] Không ít hơn 10 quốc gia đã tuyên bố chủ quyền trên các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực được cho là có nguồn năng lượng phong phú và trữ lượng cá dồi dào.

Những diễn biến dính líu tới các bên liên quan chủ chốt gần đây trên Biển Đông khiến vùng biển này đang ngày càng trở nên nóng hơn, bao gồm vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Hải quân Mỹ Impeccable vào tháng 3/2009[7], sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về các hòn đảo mà phía Nhật gọi là Sensaku và Trung Quốc gọi là Diaoyu (Điếu Ngư) (tháng 9/2010)[8], việc Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của đất nước đông dân nhất thế giới này (tháng 7/2010)[9], và thái độ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc bảo đảm lợi ích chiến lược Mỹ tại Biển Đông (tháng 10/2010), điều đã khiến Trung Quốc trở nên cảnh giác.[10] Lập trường không khoan nhượng và cách tiếp cận hung hăng của vài nước trong việc khẳng định chủ quyền tại Biển Đông có thể đe doạ hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại vùng biển này và trong khu vực. Điều này chắc chắn không có lợi cho việc tạo ra một môi trường thuận lợi để các bên có liên quan theo đuổi các hoạt động kinh tế cũng như cho việc hưởng lợi tối đa từ các tiềm năng và tài nguyên ở Biển Đông.

Bị chìm lấp giữa các tuyên bố yêu sách và tuyên bố phản đối về chủ quyền trên Biển Đông,  những hành động triển khai sức mạnh quân sự và các lập trường cương quyết về lợi ích, ảnh hưởng và ưu thế vượt trội của một vài chủ thể quan trọng tại khu vực chính là cuộc thảo luận về tiềm năng về kinh tế của vùng nước giàu tài nguyên này. Vai trò của hợp tác kinh tế giữa các bên liên quan[11] tại Biển Đông như là công cụ phát huy hoà bình, ổn định và an ninh khu vực hầu như ít được chú ý đến. Tin tức về các trận xung đột và đối đầu thống trị các mục thông tin đại chúng tường thuật về Biển Đông, trong khi có rất ít tin về hợp tác kinh tế giữa các bên liên quan xuất hiện.

Mục tiêu của bài viết này là nhằm khái quát tiềm năng về kinh tế có thể khai thác được từ vị trí chiến lược và các nguồn tài nguyên khổng lồ của Biển Đông. Bài viết cũng xác định các lĩnh vực hợp tác mà các quốc gia ven biển có thể cùng thực hiện tại Biển Đông và khuyến nghị một cơ chế hỗ trợ việc này. Hy vọng bài viết sẽ đóng góp tích cực vào cuộc đàm luận về vấn đề Biển Đông và thúc đẩy các bên liên quan gác lại các khác biệt về địa chính trị và địa chiến lược để tập trung vào việc hợp tác vì lợi ích kinh tế chung nhằm gặt hái những cơ hội kinh tế phong phú mà vùng biển vĩ đại này mang lại.

Lợi ích của việc thúc đẩy hợp tác kinh tế tại Biển Đông

Các nguồn tài nguyên kinh tế phong phú và tầm quan trọng của Biển Đông với tư cách là một tuyến đường giao thông thương mại biển che giấu một sự thật phũ phàng rằng khu vực này có thể trở thành một điểm nóng phát sinh từ các căng thẳng không thể kiềm chế, gây ra từ việc các bên có lợi ích trong khu vực cương quyết khẳng định chủ quyền và cố hiện thực hoá tuyên bố của mình bằng mọi giá. Để tránh xung đột, các bên liên quan phải hành xử một cách kiềm chế và tận dụng mọi kênh ngoại giao để duy trì hoà bình tại vùng biển này. Tối hậu, chúng ta đều mong muốn là vùng biển tuyệt vời này sẽ tạo điều kiện cho thương mại quốc tế và có ý nghĩa quyết định tới thịnh vượng kinh tế-xã hội của các quốc gia ven biển cũng như các bên có lợi ích tại Biển Đông.

Các khu vực dọc bờ Biển Đông tập trung đông dân cư và có rất nhiều hoạt động kinh tế. Nhiều thành phố và các cơ sở hạ tầng then chốt bao gồm cảng, xưởng đóng tàu, nhà máy điện và các xí nghiệp nằm dọc bờ Biển Đông. Trữ lượng dầu và khí đốt dồi dào tại khu vực giúp thoả mãn nhu cầu năng lượng không ngừng tăng lên chưa từng thấy của thế giới, cung cấp nguồn thu nhập quan trọng cho các quốc gia ven biển và tạo cơ hội công ăn việc làm cho nhiều người.

Đòi hỏi cấp thiết hiện nay là các quốc gia trong một khu vực biển rộng lớn như Biển Đông hợp tác cùng nhau để thu lợi về mặt kinh tế từ các nguồn tài nguyên mà vùng biển này mang lại. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiếp giáp với Biển Đông, những nước đã xem hội nhập kinh tế là câu chân ngôn và không lâu nữa là một lẽ sống. ASEAN đã đề xuất nhiều biện pháp khu vực nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên và với các đối tác thương mại chủ chốt của tổ chức như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Đại Dương thông qua một loạt các hiệp định tự do thương mại. Các biện pháp này nhằm nâng cao khối lượng thương mại, khuyến khích đầu tư nước ngoài, tạo nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng khu vực, và gia tăng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và năng suất sản xuất.

Các lợi ích xuất phát từ hợp tác kinh tế tại Biển Đông rất đa dạng, bao gồm:

i. Xúc tiến thương mại giữa các quốc gia ven biển chủ yếu bao gồm nhiều nước đang phát triển với các nền kinh tế dựa nhiều thương mại để tạo ra tăng trưởng. Với sự lệ thuộc này, đẩy mạnh thương mại là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu đối với các quốc gia ven biển dựa vào Biển Đông để thúc đẩy phần lớn thương mại của mình. Nhu vậy, cần có các nỗ lực nhằm tạo ra một môi trường Biển Đông có thể thúc đẩy thương mại trong các khu vực biển, giữa các quốc gia ven biển, và giữa các quốc gia này với các đối tác thương mại của họ. Tăng cường quan hệ thương mại giữa các quốc gia ven Biển Đông và các đối tác thương mại thông qua việc khuyến khích tiến hành nhiều trao đổi buôn bán hơn nữa sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên có hàng hoá thương mại được vận chuyển quan Biển Đông. Điều này sẽ cổ vũ các nguồn đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại như đường sá và cảng biển, thúc đẩy sự phát triển của các ngành hậu cần và tạo công ăn việc làm, từ đó đưa đến nhiều tác động to lớn đối với các nền kinh tế khu vực.

ii. Tạo điều kiện cho các quốc gia ven biển tận dụng các nguồn tài nguyên mà các quốc gia này không đủ khả năng mua hay tự cung cấp. Ví dụ trong việc thăm dò và sản xuất dầu và khí đốt trong một khu vực thuộc Biển Đông giáp với nhiều nước, các nước kém phát triển luôn có lợi nhờ tận dụng các cơ hội có được từ việc tham gia vào dự án công nghệ cao này. Các nước có nguồn nhân lực có tay nghề cao tham gia vào dự án có thể được lợi từ việc thuê ngoài từ những nước có nhiều lực lượng lao động đối với các quy trình và hoạt động có giá trị gia tăng thấp hơn.

iii. Tận dụng sự phân công sản xuất trong một số hoạt động kinh tế nhất định. Xu hướng trong các dây chuyền sản xuất hiện nay là một số quy trình được chuyển sang các nước và khu vực có chi phí thực hiện các quy trình và hoạt động này rẻ hơn. Khu vực Biển Đông với nhiều quốc gia có giá đất và nhân công thấp và giàu các nguồn tài nguyên cần thiết cho việc sản xuất một số mặt hàng nhất định đã và đang hưởng lợi từ xu hướng này. Các nước có nguồn tài nguyên và lao động để tiến hành các hoạt động sản xuất cao cấp hơn, có giá trị gia tăng cho sản xuất nội địa. Một ví dụ điển hình trong trường hợp này là trong ngành sản xuất các sản phẩm điện tử - một nguồn tăng trưởng chính cho nền kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông như Malaysia, vốn hưởng lợi từ việc phân công sản xuất của ngành này trong hoàn cảnh chi phí trung gian cao.[12] Đẩy mạnh các hoạt động kinh tế dạng này trong khu vực Biển Đông trên cơ sở hợp tác chung sẽ mang lại lợi ích cho các nước thiếu những nguồn tài nguyên và năng lực nhất định và sẽ kích hoạt nhiều tác động tích cực lên các nền kinh tế này.

iv. Tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu khu vực khai thác các thị trường lớn hơn. Hợp tác và hội nhập kinh tế giúp các nhà sản xuất, chế tạo và các nhà cung cấp dịch vụ có điều kiện thâm nhập vào thị trường rộng lớn hơn trong khu vực. Điều này đặc biệt thiết yếu đối với những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ đến từ các nước có thị trường nội địa khiêm tốn, bất kể là về mặt quy mô dân số, nhu cầu hay mức thu nhập. Thông qua hợp tác kinh tế, các nước trong khu vực Biển Đông có thể xuất khẩu với khối lượng lớn hơn sang nhiều nước khác trong khu vực và xa hơn nữa, tới những thị trường có nhu cầu cao đối với những mặt hàng được xuất khẩu.

v.  Xúc tiến tự do hóa với mức độ cao hơn. Sự gia tăng các hoạt động hợp tác kinh tế như thương mại vận tải biển và thăm dò và sản xuất dầu và khí đốt là chất xúc tác cho quá trình tự do hóa. Điều này đặc biệt đúng với một khu vực rộng lớn bao gồm các nước có trình độ phát triển kinh tế-xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng cực kỳ khác biệt như Biển Đông. Để hỗ trợ liên kết sâu hơn về kinh tế giữa các quốc gia ven biển và các đối tác thương mại, các quốc gia này sẽ phải dỡ bỏ các hàng rào thương mại và kỹ thuật và cho phép các dòng vốn, lao động và thông tin luân chuyển tự do hơn.

vi. Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài là nguồn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều tác động tích cực về kinh tế, đặc biệt đối với các nước kém phát triển.

Phải thừa nhận rằng những lợi ích của hợp tác kinh tế sẽ không được phân phối đồng đều giữa các quốc gia ven vùng biển này do chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế-xã hội và khác biệt về chính sách. Các quốc gia còn dựa vào các hoạt động kinh tế sử dụng nhiều sức lao động sẽ không thể hưởng “hiệu ứng tràn” từ các hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng thông qua việc tham gia hợp tác với các nước khác.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế tại Biển Đông: Một phương hướng được kiến nghị

Xu hướng rõ ràng về toàn cầu hóa, tự do hoá và gia tăng phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông hiện nay đòi hỏi các nước phải tăng cường phối hợp và hợp tác để gặt hái những cơ hội có sẵn trong và quanh khu vực Biển Đông. Bằng cách này, các nước có thể khắc phục hiệu quả hơn những thách thức xuyên biên giới do những biến động không ngừng trong thương mại biển khu vực và quốc tế mang lại.

Khi các rào cản thương mại được tháo dỡ và môi trường kinh doanh khu vực trở nên thông thoáng hơn, các nước khu vực Biển Đông sẽ không thể tiếp tục giữ lối suy nghĩ cũ và vận hành trong cô lập. Hơn lúc nào hết, các nước cần phải hợp tác để đẩy mạnh thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh và thu hút của khu vực nhằm lôi kéo nhiều thương mại và đầu tư hơn nữa trong khu vực.

Xu hướng toàn cầu hóa, tự do hoá và gia tăng phụ thuộc kinh tế lẫn nhau rõ ràng giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông hiện nay đòi hỏi các nước này phải mở các cánh cửa trước đây còn đóng để cho phép gia tăng thương mại và hội nhập kinh tế nhiều hơn nữa trên cả khu vực. Việc này sẽ dẫn đến mức độ cạnh tranh lớn hơn trong thu hút và quản lý thương mại giữa các quốc gia khu vực và giữa các đối thủ trong ngành hàng hải.

Trong bối cảnh này, rõ ràng là các bên đang tranh cãi tại Biển Đông nếu không tạm gác lại thì cũng cần giải quyết các khác biệt và xích lại gần nhau nhằm đạt được mục tiêu chung là hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Biển Đông có thể là con đường dẫn đến thịnh vượng thay vì là nguồn cơn của bất ổn, nếu các quốc gia ven biển mong muốn. Việc đưa ra các sáng kiến khu vực như Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Hội đồng Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, và thành công của các hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia khu vực Biển Đông là bằng chứng về tính thiết thực và khả thi của mục tiêu cao quý là hình thành một khu vực Biển Đông hoà bình và thịnh vượng.

Với các lợi ích có được do việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế tại Biển Đông như đã nêu ở trên, bài viết kiến nghị một nền tảng tạo điểu kiện cho việc phát huy hợp tác kinh tế tại Biển Đông. Trên nền tảng hợp tác kinh tế nhiều lĩnh vực này, các lĩnh vực tiềm năng cần được thăm dò bao gổm:

i. Thăm dò và sản xuất năng lượng

ii. Khai thác nguồn thủy sản

iii. Mở rộng thương mại biển

iv. Gia tăng khối lượng hàng vận chuyển qua các cảng, công suất vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ hàng hải

v. Xúc tiến các hoạt động kinh tế ven biển

vi. Mở rộng các tuyến đường vận tải biển xuyên biên giới

vii. Gia tăng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng biển

viii. Đẩy mạnh du lịch biển

ix. Tăng cường xây dựng năng lực trong các hoạt động kinh tế kể trên

Về mặt này, thành công của sáng kiến Khu vực Phát triển chung (JDA) giữa Malaysia và Thái Lan nhằm cùng nhau khai thác tài nguyên trong Vịnh Thái Lan có thể cung cấp một mô hình khả thi cho hợp tác kinh tế chung tại Biển Đông.[13] Khu vực giàu khí đốt mà Malaysia và Thái Lan có yêu sách chồng lấn được quản lý bởi một Cơ quan Phát triển chung gồm các thành viên đến từ cả hai quốc gia. JDA thể hiện một nỗ lực phối hợp nhằm dẫn dắt hướng phát triển của khu vực JDA.

Ngoài mô hình JDA giữa Malaysia và Thái Lan còn có nhiều ví dụ khác về thành công trong hợp tác kinh tế đa phương thông qua sáng kiến này, bao gồm Khu vực Phát triển chung Nigeria - Sao Tome và Principe được thành lập bởi một hiệp định[14] điều chỉnh những vấn đề về các nguồn tài nguyên tại nơi mà yêu sách biển của hai nước chồng lấn. Sáng kiến này, cũng như sáng kiến JDA giữa Malaysia và Thái Lan, là bằng chứng thuyết phục cho tính khả thi của mô hình các quốc gia liên quan đến các cuộc tranh chấp biển gác lại các khác biệt/bất đồng và hành động vì một khu vực mà các bên có quan tâm và lợi ích chung.

Thành công của các mô hình JDA này nên được xêm là nguồn tham khảo để các nước có yêu sách tại Biển Đông suy nghĩ về tác dụng của hợp tác kinh tế. Với mô hình JDA này, kể cả những nước có yêu sách đặc biệt trên cùng những khu vực biển giống nhau vẫn có thể cộng tác với nhau nhằm thúc đẩy và phát triển các cơ hội về kinh tế.

ASEAN nên là người tiên phong trong việc đưa ra các phương hướng cho việc hợp tác kinh tế giữa các quốc gia khu vực Biển Đông và thực thi các biện pháp nhằm đạt được mục đích này. ASEAN có thể là một lựa chọn hợp lý cho vai trò đầu tàu thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kinh tế tại Biển Đông do vị trí trung tâm của Đông Nam Á trong khu vực Biển Đông. Mặc dù không phải là không có những hạn chế, thành tích thúc đẩy hội nhập khu vực và tinh thần sẵn sàng hợp tác tích cực với các đối tác đối thoại trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm của ASEAN đã giúp ASEAN có ưu thế rõ ràng hơn so với các tập hợp hay cơ chế khác trong khu vực trong việc xúc tiến hợp tác kinh tế tại Biển Đông.

Cách tiếp cận dựa trên đồng thuận và theo chủ nghĩa kiến tạo của ASEAN trong thúc đẩy quan hệ khu vực là cách tiếp cận thích hợp nhất nhằm tăng cường liên kết kinh tế trong một khu vực rộng lớn với nhiều cổ đông như Biển Đông. Cam kết của Hiệp hội đối với việc mở rộng hợp tác kinh tế và phát triển quan hệ thương mại sẽ cho phép ASEAN có thể cung cấp nền tảng tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế giữa các quốc gia ven Biển Đông và các bên liên quan khác. Kinh nghiệm của ASEAN trong việc tạo ra các cơ chế và mô hình có hiệu quả nhằm đẩy mạnh hợp tác khu vực trong các lĩnh vực như thương mại, vận tải và an ninh chắc chắn cũng có thể áp dụng cho Biển Đông.

Thành tích và cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực là bằng chứng cho khả năng làm trung gian có hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế tại Biển Đông của ASEAN. Nhiều sáng kiến khác nhau nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, từ việc thai nghén ý tưởng về các Hiệp định Mậu dịch Ưu đãi cuối thập niên 1970 đến các Dự án Công nghiệp ASEAN và chương trình Bổ trợ Công nghiệp ASEAN trong thập kỷ 1980, đã đưa đến quá trình tự do hóa thương mại và sự hình thành AFTA. Các sáng kiến khác nhằm tạo ra hội nhập kinh tế trong khu vực và giữa ASEAN với các đối tác thương mại của Hiệp hội gồm có Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ và Sáng kiến Hội nhập ASEAN. Tất cả những sáng kiến này sẽ dẫn đến sự thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN [15], một sáng kiến tham vọng với mục tiêu hội nhập các nền kinh tế khác biệt trong khu vực Đông Nam Á nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế và thương mại giữa các nước trong khu vực và nâng cao mức sống của người dân khu vực[16].

Để đạt được điều này, một cơ quan gọi là Nhóm Hợp tác Kinh tế Biển Đông (SCSECG) cần được thành lập với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực Biển Đông. Nhóm này có thể cung cấp một diễn đàn cho các nước ven Biển Đông và các bên liên quan khác thảo luận về các lĩnh vực hợp tác và xác định các hoạt động kinh tế mà tất cả có thể cùng theo đuổi. Ban Thư ký ASEAN có thể thiết lập một ủy ban điều phối đặc biệt nhằm hỗ trợ SCSECG và lên kế hoạch, xúc tiến và thực thi các chiến lược đề ra bởi Nhóm này.

SCSECG cũng có thể là nơi phù hợp cho các quốc gia ven Biển Đông thảo luận giải quyết các thách thức kinh tế chung và đẩy mạnh xây dựng năng lực trong nhiều hoạt động kinh tế khác nhau. Các thành viên của Nhóm có thể huy động nguồn tài chính và thành lập một quỹ tài trợ cho hoạt động của SCSECG, đồng thời các quốc gia và tổ chức khác có lợi ích tại Biển Đông cũng có thể đóng góp vào quỹ này cũng như các sáng kiến đặc biệt khác của Nhóm nhằm xúc tiến các hoạt động kinh tế tại khu vực biển này.

Thông qua SCSECG, không chỉ quan hệ kinh tế giữa các quốc gia ven Biển Đông mà còn giữa các đối tác đối thoại của các quốc gia này có thể được mở rộng và làm sâu sắc. Đây là cách tiếp cận có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường triển vọng hợp tác kinh tế tại Biển Đông, trong đó nhiều nước và bên liên quan ngoài khu vực cũng được tính là cổ đông. Các diễn đàn và khuôn khổ khu vực như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, Cấp cao Đông Á và ASEAN+3 có thể bổ sung cho một cơ chế dẫn dắt bởi ASEAN bằng việc hỗ trợ các sáng kiến hợp tác do cơ chế này xúc tiến. Để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác tại cơ chế này, các quốc gia và tổ chức ngoại khối cũng có thể được mời tham dự các cuộc họp của SCSECG. Bằng cách này, vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là đầu tàu có thể được giữ vững, đồng thời quan điểm và lợi ích của các bên ngoại khối liên quan tại Biển Đông cũng không bị bỏ qua trong quá trình thúc đẩy hợp tác tại vùng biển này.

Tác giả bài viết không ngây thơ trước những thách thức trong việc kêu gọi các quốc gia ven biển xếp lại lợi ích quốc gia và hòa giải những khác biệt vì mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các nước tại vùng biển này. Dù ý tưởng đẩy mạnh hợp tác rất hấp dẫn, nhưng nói thì dễ hơn làm. Nhiều quốc gia có thể chưa chuẩn bị để nhượng bộ và có thể cảm thấy bị thua thiệt về kinh tế khi tham gia vào hợp tác kinh tế thay vì hành động đơn độc. Việc tham gia các sáng kiến kinh tế đa phương cũng có thể đưa đến nhiều hậu quả chính trị trong nước và một số rủi ro về ngoại giao nhất định. Cử tri địa phương tại các quốc gia ven Biển Đông và các sức ép từ bên ngoài có thể khiến việc dính líu đến một tổ chức như SCSECG bị xem là một sự thỏa hiệp không thể chấp nhận đối với chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, từ đó có thể gây áp lực buộc các chính phủ không tham dự vào sáng kiến này.

Để có thể xây dựng được một cơ chế như SCSECG trên thực tế, cần phải có cam kết chắc chắn và ý chí chính trị từ các quốc gia ven Biển Đông về việc cùng hợp tác và tập trung vào các khu vực lợi ích chung thay vì nhắc đi nhắc lại những khác biệt. Chỉ khi nào có hòa bình và ổn định tại vùng biển này thì các hoạt động kinh tế mới được xúc tiến và có khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng tại khu vực. Cũng cần phải có một sự tổng hòa của các yếu tố nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho các quốc gia ven Biển Đông tiến lại gần nhau để cùng theo đuổi các hoạt động kinh tế tại vùng biển này mà then chốt là việc dừng các hành động có thể dẫn đến xung đột và thù địch giữa các nhân vật chính[17].

Sẽ là rất khó để các quốc gia ven Biển Đông thăm dò hợp tác kinh tế trong vùng biển này chừng nào mà căng thẳng vẫn còn tồn tại giữa các quốc gia về khu vực này. Dù chúng ta có thể, và nên, hy vọng rằng tới một lúc nào đó các bên tranh chấp tại Biển Đông cùng hưởng một không gian hòa bình, không thể phủ nhận rằng thời điểm đó vẫn còn xa. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng sẽ cần phải được thuyết phục bằng việc Trung Quốc và Nhật Bản sẽ dàn xếp những khác biệt tại Biển Đông và cùng theo đuổi lợi ích kinh tế trong vùng biển này trong tương lai gần.

Kết luận: Vì một khu vực Biển Đông kinh tế phồn vinh

Có nhiều lý do để quan ngại về tình hình Biển Đông dựa trên những diễn biến gần đây đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực gần đây. Thực tế là nhiều bên có lợi ích trong vùng biển này đã khiến nó trở thành một sân khấu tiềm năng của những căng thẳng trong khu vực. Các yêu sách về các khu vực biển, sự tăng cường mãnh mẽ về hải quân, những hành vi hiếu chiến và lập trường không khoan nhượng của một số bên đã làm gia tăng khả năng xung đột xảy ra trong vùng biển này. Các cuộc đụng độ có liên quan đến các cường quốc hải quân trong vùng biển này những tháng gần đây và những phản ứng sau đó, có thể trở nên trầm trọng và chuyển thành các cuộc đối đầu toàn diện nếu không được giải quyết tế nhị và dàn xếp một cách thân thiện.

Không may là các cuộc thảo luận hiện thời về Biển Đông lại chủ yếu là tập trung vào những cuộc đối đầu và xung đột biên giới trên biển có thể dẫn đến bùng nổ xung đột trong vùng biển này, do những tiêu đề gây chú ý của các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, sự gia tăng căng thẳng trong vùng biển này không nên làm nhụt chí những nỗ lực nhằm kêu gọi các quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông cùng tập trung vào những vấn đề có lợi ích chung. Bất chấp sự phức tạp của các vấn đề và sự đa dạng của các yếu tố liên quan, nhiều nỗ lực phối hợp hơn nữa cần được thực hiện để thúc đẩy quan hệ giữa các bên liên quan chủ yếu tại Biển Đông. Với tầm quan trọng của vùng biển này đối với ổn định khu vực và từ đó, đối với các nền kinh tế của các quốc gia có lợi ích tại Biển Đông, các bên liên quan cần tập trung tăng cường các mối liên kết với nhau thay vì đổ sức lực và của cải vào các cuộc tranh chấp có thể đe dọa hòa bình trong vùng biển này và các khu vực lân cận.

Mặc dù các diễn biến gần đây cho thấy tình trạng căng thẳng tại Biển Đông sẽ không sớm lắng dịu, tuy nhiên cũng không hợp lý nếu quá bi quan về triển vọng hòa bình trong vùng biển này. Chúng ta có thể hy vọng rằng lý trí sẽ thắng thế và nhận thức về sự cần thiết của việc khai thác những tiềm năng và lợi ích kinh tế trong vùng biển này sẽ vượt qua nhu cầu bảo vệ các lợi ích mà có thể gây nhiều căng thẳng hơn nữa tại Biển Đông.

Thông điệp mà bài viết này mang lại rất đơn giản: không ai muốn xung đột mà tất cả chúng ta đều muốn sử dụng các nguồn tài nguyên mà vùng biển này cung cấp để trở nên thịnh vượng về kinh tế và sinh sống hòa bình. Một số nhân vật chính trên sân khấu Biển Đông cần phải từ bỏ tâm lý thắng-bằng-mọi-giá trong việc đòi chủ quyền và bảo vệ lợi ích của họ tại Biển Đông và phải suy nghĩ cẩn thận về hậu quả của cách tiếp cận của mình đối với hòa bình và ổn định khu vực, cũng như đối với các thế hệ tương lai. Tất cả các bên liên quan cần đề xướng các hành động cấp thiết và cụ thể nhằm giảm căng thẳng và giải quyết mâu thuẫn giữa họ. Chỉ như vậy thì các bên mới có thể tham gia vào các hoạt động hợp tác kinh tế mà bài viết khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế và quan hệ giữa các bên, và tối ưu hóa tiềm năng kinh tế cung cấp bởi các nguồn tài nguyên của dải biển then chốt này.

Một lưu ý đầy khả quan nữa là không lý do gì các quốc gia có thể phối hợp tăng cường hợp tác kinh tế lại không thể giải quyết các tranh chấp trên biển theo lối thân thiện tương tự. Biển Đông có thể là đường dẫn tới hợp tác thay vì là sân khấu cho các cuộc tranh chấp nếu các bên liên quan mong muốn như vậy./.

Nazery Khalid, Chuyên viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Biển Malaysia (MIMA)

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây



[1] Chuyên viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Biển Malaysia (MIMA). Email: nazery@mima.gov.my  Các quan điểm trình bày hoàn toàn mang tính cá nhân và không phải là quan điểm chính thức của cơ quan mà tác giả đang công tác. Bài viết nhằm mục đích cung cấp một cách diễn giải mang tính học thuật khách quan về Biển Đông và hoàn toàn không đại diện cho bất cứ lập trường chính trị liên quan đến bất cứ tình hình nào tại vùng biển này. Tác giả biết ơn những nhận xét đáng giá của Dato’ Abu Bakar Jaafar, Chuyên viên Phụ tá Cao cấp tại MIMA.

Tham luận trình bày tại “Hội thảo Quốc tế về Biển Đông: Hợp tác vì Phát triển An ninh Khu vực” tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ngày 11-12 tháng 11, 2010.

[2] Khái niệm SLOC liên quan đến một đường đi trên biển nơi một khối lượng lớn thương mại chuyên chở bởi nhiều tàu buôn lớn có thể qua lại. Đường đi này cũng có giá trị chiến lược đặc biệt từ góc nhìn quân sự, và chứa các điểm cổ chai có thể khiến con đường đóng lại trong trường hợp có sự cố như va chạm, ô nhiễm và các cuộc tấn công tàu thuyền. Về cuộc bàn luận về khái niệm SLOC, xem Rohr, K. C. (2010). Amphibious force and sea control in South Asia.  Chokepoints. Marine Corps Gazette. Truy cập 6/10/2010 tại Marine Corps website: http://www.mca-marines.org/gazette/article/chokepoint. Xem thêm Lehman Brothers Global Equity Research. (2008, January 18). Global Oil Choke Points, Energy and Power. Truy cập 6/10/2010 từ website Lehman Brothers: http:www.lehman.com.

[3] Trong phạm vi bài viết này, “khu vực Biển Đông” được định nghĩa là các vùng hải phận trong khu vực biển này và các khu vực đất đai dọc bờ biển.

[4] Anon. (undated).  The South China Sea.  Truy cập 23/10/2009 từ  The South China Sea Virtual Library website : http://community.middlebury.edu/~scs/intro.html

[5] tlđd.

[6] Nhiều tranh cãi về tình trạng pháp lý của các hòn đảo, các Vùng Đặc quyền Kinh tế chồng lấn và thềm lục địa liên quan đến nhiều nước có thể minh họa cho sự phức tạp của các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Điều này tạo ra nhiều bất an và có thể cả một động cơ kích thích gây căng thẳng giữa các bên yêu sách trong vùng biển này. Về phân tích chi tiết về bản chất các cuộc tranh chấp này, xem Burgess, P. (2003, March).  The politics of the South China Sea : Territoriality and international law. Security Dialogue. 34(1).

[7] Xem McDonald, M. (2009, March 10).  US Navy provoked South China Sea incident, says China.  New York Times.  Truy cập 11/10/2010 tại New York Times website :

http://www.nytimes.com/2009/03/10/world/asia/10iht-navy.4.20740316.html. Xem thêm De Luce, D. (2009, March 10). Chinese ships ‘harassed’ USNS Impeccable in South China Sea.  Agencie France-Press. Truy cập 11/10/2010 tại  News.com.au website : http://www.news.com.au/story/0,27574,25164890-401,00.html

[8] Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Hà Nội vào cuối tháng 10/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bắt tay với Thủ tướng Nhật Naoko Kan, hứa hẹn triển vọng về một cuộc thảo luận thân mật giữa hai cường quốc châu Á về tranh chấp giữa hai bên tại Biển Đông tại Hội nghị. Tuy nhiên, cái bắt tay này hóa ra lại chỉ là tín hiệu giả. Tiếp sau đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hu Zhengyue miêu tả “sự cộng tác với các quốc gia khác” của nhóm các nhà ngoại giao Nhật đang “khiến vấn đề quần đảo Điếu Ngư trở nên nóng hơn”. Hu còn chỉ trích cách cư xử của Nhật tại hội nghị là một sự vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Những từ ngữ mạnh này thực sự phản ánh tính nghiêm trọng của sự căng thẳng giữa hai quốc gia về các hòn đảo đang tranh chấp tại Biển Đông. Xem Anon. (2010, October 30).  Diplomatic feud deepens.  The Star.  W38.

[9] Lối biểu đạt đầy cân nhắc “lợi ích cốt lõi” dường như biểu thị quan điểm ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh trong việc bảo vệ lợi ích của mình tại Biển Đông, và có thể gợi ý rằng Trung Quốc sẽ không do dự mà bảo vệ các lợi ích này bằng mọi biện pháp, bao gồm cả một giải pháp quân sự. Xem Anon. (2010, July 4).  China adds South China Sea as ‘core interest’ in new policy.  Truy cập 11/10/2010 từ Zeenews.com website : http://www.zeenews.com/news638592.html

[10] Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton can thiệp vào tranh chấp Trung-Nhật tại Biển Đông về quần đảo Sensaku-Điếu Ngư bằng việc tuyên bố quần đảo đang tranh chấp nằm trong phạm vi đồng minh chiến lược giữa Washington và Tokyo, cụ thể là Hiệp ước Mỹ-Nhật về An ninh và Hợp tác lẫn nhau. Quả quyết về liên minh Mỹ-Nhật, được Clinton mô tả là “nền tảng cam kết chiến lược của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương”, xuất hiện tại thời điểm Mỹ ngày càng lo ngại về cái Mỹ cho là một Trung Quốc ngày càng tự mãn mà Washington cần cân bằng. Xem Anon. (2010, October 29).  US, Japan hit back at China.  The Star.  W40.

[11] Trong phạm vi bài viết này, “các bên liên quan/cổ đông” của Biển Đông bao gồm các bên hưởng các lợi ích về xã hội, kinh tế, chính trị và chiến lược của vùng biển này, trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm các nước ven biển, các nước tiêu thụ, các cường quốc hải quân, các đường vận tải biển, các nhà vận tải biển, các bên khai thác cảng biển, các cơ quan an ninh hàng hải, ngành cá, các cộng đồng miền duyên hải và nhân dân nói chung.

[12] Xem Raynor, J.J. (2010). Managing the diplomatic risks of Asian regional economic integration.  The Journal of Diplomacy and Foreign Relations.  11(1), 2010. p.9.

[13] JDA giữa Malaysia-Thái Lan bao gồm một khu vực rộng 7250km trong Vịnh Thái Lan. Được thiết lập như một biện pháp tạm thời nhằm giúp cả hai nước khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực thềm lục địa mà cả hai đều có yêu sách, JDA này cung cấp một mô hình có lợi cho cả đôi bên để cùng chia sẻ công bằng nguồn thu nhập từ các nguồn tài nguyên ở đây. Bất chấp sự dàn xếp này, JDA này không phủ nhận quyền pháp lý được đưa ra yêu sách về khu vực tranh chấp của cả hai nước, một nguyên tắc tạo nên nguyên lý then chốt cho dự án phát triển chung tại các hải phận còn tranh chấp. Truy cập ngày 17/10/2010 từ Malaysia-Thailand JDA website : http://www.jta.org

[14] Những điều khoản chính của hiệp ước này là: (i) Định nghĩa Khu vực Phát triển chung bằng cách xác định các tọa độ của khu vực này; (ii) Việc phân bổ 60% tài nguyên cho Nigeria, 40% cho Sao Tome và Principe; (iii) Hiệp ước này sẽ tồn tại trong 45 năm và được xem xét lại sau 30 năm; và (iv) Không được phép có phản đối đối với quyền yêu sách của cả hai nước đối với khu vực. Xem thêm tại “The JDZ Treaty signed in 2001 between The Federal Republic of Nigeria and The Democratic Republic of Sao Tome and Principe on the Joint Development of Petroleum and Other Resources of the Exclusive Economic Zones of the Two States.  Truy cập 27/10/2010, từ Nigeria-Sao Tome and Principe Joint Development Authority website :http://www.nigeriasaotomejda.com/

[15] Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12 tại Cebu, Philippines tháng 1/2007, các lãnh đạo ASEAN đã đồng ý đẩy nhanh việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Điều này phù hợp với các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2020 trên cơ sở các trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN. Xem Cebu Declaration on the Acceleration of the Establishment of an ASEAN Community by 2015.  Truy cập 26/10/2010 từ ASEAN website : http://www.aseansec.org/19260.htm

[16] Chương trình nghị sự của Cộng đồng Kinh tế ASEAN bao gồm: (i) giảm “khoảng cách phát triển” giữa các thành viên sáng lập ASEAN và vương quốc dầu mỏ Brunei với nhóm CMLV (Cambodia, Lào, Myanmar, Việt Nam); (ii) xúc tiến phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực giữa các quốc gia thành viên; (iii) tăng cường tham vấn về các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô; (iv) tăng cường cơ sở hạ tầng và liên lạc kết nối giữa các quốc gia thành viên; và (v) tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong các hoạt động kinh tế.

[17] Sự ra đời của sáng kiến Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho thấy sáng kiến này sẽ không thể thành hình nếu không có những yếu tố và tiến triển khuyến khích sự thành lập một cộng đồng như vậy. Nếu không có sự di chuyển tự do của vốn, thương mại và lao động trong khu vực Đông Nam Á, sự tồn tại của một mạng lưới các công ty đa quốc gia và hệ thống vận chuyển thương mại tốt trên khắp khu vực, sự ra đời của các phương tiện viễn thông, và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đổ vào khu vực, khái niệm thành lập một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất trong khu vực sẽ không bao giờ có thể hình thành. Để tham khảo một thảo luận cô đọng về vấn đề này, xem Raynor, J.J. (2010).  Managing the diplomatic risks of Asian regional economic integration.  The Journal of Diplomacy and Foreign Relations.  11(1), 2010.  89-112.