Tàu Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động dầu khí trên Biển Đông của Malaysia thời gian gần đây và cách thức phản ứng của Malaysia

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường các động thái thực thi yêu sách trên Biển Đông trên mọi phương diện, từ tuyên truyền đến ngoại giao, thực địa…). Trên thực địa, tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam,  có các hành vi quấy nhiễu và cản trở các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của những nước này. Bài viết này tập trung vào phân tích các động thái quấy nhiễu của tàu Trung Quốc thời gian gần đây đối với hoạt động dầu khí của Malaysia và phản ứng của Malaysia.

Tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của Malaysia trên Biển Đông

Việc tàu của Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển của Malaysia không phải là mới mà là vấn đề thường xuyên đối với Malaysia từ nhiều năm nay. Các tàu Trung Quốc, từ hải cảnh, hải quân đến tàu cá, thường xuyên đi vào các khu vực bãi cạn Luconia thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Theo số liệu mới nhất của Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI), trong năm 2022, tàu Hải cảnh Trung Quốc có mặt tại khu vực Luconia với tổng thời gian là 316 ngày.[1] Tuy nhiên, việc tàu Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động dầu khí của các quốc gia Đông Nam Á khác nói chung và của Malaysia nói riêng trên Biển Đông là một hiện tượng mới diễn ra chỉ từ năm 2019 – 2020 trở lại đây[2] như một bước tiến mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa yêu sách trên biển của mình. Đối với Malaysia, các động thái quấy nhiễu này cụ thể như sau:

- Tháng 5 năm 2019, các tàu Hải cảnh Haijing 35111 và Haijing 46302 quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza của Shell khi giàn khoan này tiến hành khoan một số giếng trong khu vực lô SK 308 nằm gần khu vực Bãi cạn Luconia.[3]

- Từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 5 năm 2020, các tàu Hải cảnh Trung Quốc Haijing 5203, Haijing 5204 và Haijing 5305 quấy nhiễu hoạt động thăm dò của tàu thăm dò West Capella trong khu vực các lô ND1 và ND4 cũng như tiếp tục quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza tại lô SK 308.[4] Cùng thời gian đó, tháng 4 năm 2020, Trung Quốc cho tàu khảo sát HD-8 (chiếc đã thực hiện khảo sát trong vùng biển Việt Nam năm 2019) thực hiện khảo sát địa chấn trong khu vực thuộc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Malaysia gần nơi tàu West Capella hoạt động (đôi lúc có lấn sang vùng yêu sách đặc quyền kinh tế của Brunei và khu vực báo cáo chung Việt Nam – Malaysia). Thậm chí có những thời điểm hai tàu chỉ cách nhau 8.5 hải lý. Tàu HD-8 được một số tàu Hải cảnh và tàu cá dân quân Trung Quốc hộ tống.[5]

- Tháng 11 năm 2020, tàu Hải cảnh Trung Quốc Haijing 5402 đến rất gần giàn khoan Gunlod (trong phạm vi 2 hải lý) của công ty Borr Drilling hoạt động trong khu vực lô SK410B dường như là để yêu cầu giàn khoan dừng hoạt động.[6]

- Từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2021, các tàu Hải cảnh Trung Quốc Haijing 5303 và 5403 quấy nhiễu các hoạt động thiết lập giàn khoan tại mỏ khí Kasawari của các tàu lắp đặt Sapura 2000 và Sapura 3000 trong khu vực lô SK 316.[7] Cùng trong tháng 6 năm 2021, 16 máy bay của Không quân Trung Quốc đã bay “theo đội hình chiến thuật” vào vùng trời nằm trên vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và vùng Thông báo bay (FIR) Kota Kinabalu mà không thông báo gì cho trung tâm kiểm soát bay Malaysia.[8]

- Tháng 9 – 10 năm 2021, để phản ứng lại hoạt động thăm dò của tàu West Capella trong khu vực lô K của Malaysia, Trung Quốc cử tàu thăm dò Da Hai Yang đến hoạt động gần vị trí mà tàu West Capella đang thăm dò. Tín hiệu AIS cho thấy đôi lúc hai tàu chỉ cách nhau 6 hải lý. Đi cùng tàu Da Hai Yang có hai tàu hỗ trợ (Yue Xia Yu Zhi 20027 và Yue Xia Yu Zhi 20028), hai tàu Hải cảnh (Haijing 5202 và Haijing 6307), và ít nhất là một tàu cá dân quân (Qiong Sansha Yu 318).[9]

- Gần đây nhất từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2023, tàu Hải cảnh Haijing 5901 của Trung Quốc với trọng tải 12000 tấn, được coi là tàu thực thi pháp luật to nhất thế giới, đã tiếp tục quấy nhiễu các hoạt động xây lắp giàn khoan tại mỏ khí Kasawari trong khu vực lô SK 316.[10]

          Các hành vi quấy nhiễu mà tàu Trung Quốc thường sử dụng là đi tới gần khu vực nơi Malaysia đang có hoạt động dầu khí, đi vòng quanh các giàn khoan của Malaysia và bắc loa kêu gọi dừng hoạt động; cũng như cản trở hoạt động của các tàu tiếp tế cho các giàn khoan này.

Phản ứng của Malaysia

Trên thực địa

Malaysia thường không đưa tin công khai các biện pháp triển khai trên thực địa để bảo vệ các hoạt động dầu khí của mình nhưng qua các ứng dụng theo dõi hàng hải, AMTI khẳng định là các tàu của Hải quân và Lực lượng thực thi pháp luật trên biển thường được cử ra hiện trường để theo dõi, bảo vệ các hoạt động dầu khí. Trong một số trường hợp, các tàu này còn thực hiện các động thái ngăn cản tàu Trung Quốc tiếp cận và quấy nhiễu các hoạt động dầu khí.

Cụ thể, khi Trung Quốc quấy nhiễu các hoạt động của tàu West Capella cuối năm 2019 đầu năm 2020, Malaysia đã cử tàu hải quân KD Kelantan và sau đó là tàu MMEA Bagan Datuk ra bảo vệ tàu West Capella. Tàu Bagan Datuk được cho là đã tiến đến gần tàu Hải cảnh Trung Quốc Haijing 5203 ít nhất một lần.[11] Tháng 11 năm 2020, khi tàu Haijing 5402 của Trung Quốc tiếp cận giàn khoan Gunlod, Malaysia cử tàu hải quân KD Keris (vốn là tàu tác chiến gần bờ do Trung Quốc đóng) ra bảo vệ. Tín hiệu AIS cho thấy hai tàu KD Keris và Haijing 5402 đã có các động thái rượt đuổi lẫn nhau trong vài ngày trước khi tàu Trung Quốc rời đi.[12] Tháng 6 năm 2021, tàu hỗ trợ hải quân Bunga Mas Lima đã được cử ra khu vực mỏ khí Kawasari một ngày trước khi các tàu lắp đặt giàn khoan Sapura 2000 và Sapura 3000 tới để bảo vệ các tàu này hoạt động trước sự cản phá của các tàu Hải cảnh Haijing 5303 và 5403 của Trung Quốc.[13] Đối với động thái 16 máy bay Trung Quốc bay vào vùng đặc quyền kinh tế và Vùng thông báo bay của Malaysia, Không quân Malaysia cũng cử máy bay từ căn cứ không quân Labuan lên để tiến hành “quan sát xác nhận”.[14] Tháng 2 năm 2023, Malaysia cử tàu Hải quân KD Badik, ra bảo vệ giàn khoan tại mỏ khí Kasawari trước sự tiếp cận của tàu Hải cảnh Haijing 5901 của Trung Quốc. Mặc dù tàu KD Badik tránh tiếp xúc trực tiếp với tàu Haijing 5091 nhưng tín hiệu AIS cho thấy dường như hai tàu cũng đã có những lúc di chuyển rất gần nhau.[15]

Trên mặt trận ngoại giao, chính trị và truyền thông

          Các biện pháp ngoại giao mà Malaysia hay sử dụng mỗi khi có sự vụ trên biển là giao thiệp với Trung Quốc và gửi công hàm phản đối. Phần lớn các sự vụ và phản ứng không được Malaysia công khai.[16] Tuy nhiên, đối với một số sự vụ mà Malaysia cho là nghiêm trọng cũng sẽ được giới chức nước này chủ động công khai, như vụ việc 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này năm 2016,[17] vụ việc 16 máy bay quân sự Trung Quốc bay vào Vùng Thông báo bay của Malaysia tháng 6 năm 2021,[18] hay vụ việc tàu Da Hai Yang được các tàu Hải cảnh và tàu cá dân quân hộ tống hoạt động trong khu vực lô dầu khí K thuộc vùng biển yêu sách đặc quyền kinh tế của Malaysia tháng 9, tháng 10 năm 2021.[19]

Về mặt truyền thông, thỉnh thoảng báo chí Malaysia cũng công khai tình hình và số lần tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này[20] cũng như sự bất bình của công chúng trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.[21] Đôi lúc các quan chức của Malaysia cũng phát biểu công khai theo hướng giảm nhẹ vấn đề song vẫn giữ quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Cụ thể, tháng 4 năm 2020, trước vụ việc tàu HD-8 của Trung Quốc hoạt động cùng khu vực với West Capella,[22] Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein lúc bấy giờ đã ra tuyên cáo báo chí với nội dung như sau:

- Malaysia kiên quyết và nhất quán bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của mình;

- Các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế;

- Tất cả các bên liên quan phải hợp tác cùng nhau để đảm bảo hòa bình, an ninh, và ổn định ở Biển Đông;

- Sự có mặt của tàu chiến ở Biển Đông có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và gây ra các tính toán sai lầm;

- Tất cả các tranh chấp phải được giải quyết một cách thân thiện, thông qua các biện pháp hòa bình, ngoại giao và tin tưởng lẫn nhau giữa tất cả các bên;

- Malaysia vẫn luôn duy trì các kênh liên lạc với tất cả các bên, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.[23]

          Gần đây nhất, ngày 04 tháng 4 năm 2023, khi trả lời câu hỏi của Quốc hội về các cuộc thảo luận liên quan đến Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nói Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc Petronas tiến hành một hoạt động quy mô lớn tại khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Ông Anwar cho biết đã trả lời phía Trung Quốc là Malaysia coi khu vực này thuộc vùng biển của Malaysia, do đó Petronas sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở đó. Tuy nhiên, Malaysia sẵn sàng đàm phán "nếu Trung Quốc cảm thấy đây là quyền của họ", đồng thời nói thêm ASEAN cảm thấy các tuyên bố chủ quyền chồng lấn cần được giải quyết bằng đàm phán. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh muốn hợp tác với Malaysia để giải quyết những khác biệt ở Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn theo cách phù hợp.[24]

          Phát biểu của Thủ tướng Ibrahim Anwar ngay lập tức đã gặp phải chỉ trích từ phe đối lập và dư luận Malaysia.[25] Các ý kiến phê phán cho rằng tuyên bố của ông Anwar là “bất cẩn” và “vô trách nhiệm”. Theo đó, Thủ tướng đã gián tiếp công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với một vùng biển thuộc về Malaysia một cách hợp pháp từ đó có thể gây ảnh hưởng tới “chủ quyền quốc gia”. Bên cạnh đó, ông cũng làm ảnh hưởng tới lập trường của Malaysia trong ASEAN khi mà tổ chức này từ chối công nhận yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Malaysia phải ra tuyên cáo báo chí tái khẳng định lập trường của Malaysia về Biển Đông và giải thích phát biểu của Thủ tướng Anwar. Theo đó, lập trường của Malaysia về Biển Đông vẫn chưa có gì thay đổi: một mặt, Chính phủ Malaysia dứt khoát và kiên quyết cam kết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như các lợi ích của Malaysia trong các vùng biển của mình trên Biển Đông. Mặt khác, quan điểm của Malaysia là các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và có tính xây dựng, phù hợp với các quy tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Bộ Ngoại giao Malaysia cũng giải thích từ “đàm phán” được ông Anwar sử dụng khi trả lời câu hỏi tại Quốc hội ngày 4 tháng 4 năm 2023 là ý muốn nói các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được thảo luận hoặc giải quyết một cách hòa bình, sử dụng các cơ chế hiện có và các kênh ngoại giao nhưng không làm ảnh hưởng đến lập trường nguyên tắc của Malaysia và tránh gia tăng căng thẳng cũng như đe dọa sử dụng vũ lực. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Malaysia khẳng định sẽ tiếp tục cách tiếp cận ngoại giao trong xử lý vấn đề với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc.[26]

          Như vậy, trước sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí trên Biển Đông của mình, Malaysia đã phản ứng thầm lặng và nhẹ nhàng về phương thức; song kiên quyết và nhất quán về nguyên tắc. Cụ thể Malaysia không chủ động và thường xuyên công khai các sự vụ tàu Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động dầu khí của mình và trong các phát biểu công khai, các quan chức Malaysia thường tìm cách làm nhẹ tình hình. Tuy nhiên, trên thực địa, Malaysia kiên quyết tiếp tục thực hiện các hoạt động dầu khí (thậm chí còn có kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này). Mặt khác, các lực lượng Hải quân và chấp pháp trên biển của Malaysia cũng sẵn sàng đối đầu với các tàu Trung Quốc để bảo vệ các hoạt động dầu khí đang được tiến hành.

Hải Đăng

 

[1] Flooding the Zone: China Coast Guard Patrol in 2022 (30/012023) online: AMTI <https://amti.csis.org/flooding-the-zone-china-coast-guard-patrols-in-2022/>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[2] Thomas Daniel, “Changing Realities for Malaysia in the South China Sea Dispute” (27 September 2021) online: Stratsea <https://stratsea.com/changing-realities-for-malaysia-in-the-south-china-sea-dispute/>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[3] “Update: China Risks Flare-Up over Malaysia, Vietnamese Gas Resources” (13 December 2019) online: AMTI <https://amti.csis.org/china-risks-flare-up-over-malaysian-vietnamese-gas-resources/>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[4] “Malaysia Picks a Three-Way Fight in the South China Sea” (21 February 2020) online: AMTI <https://amti.csis.org/malaysia-picks-a-three-way-fight-in-the-south-china-sea/>, tham khảo ngày 25/4/2023. 

[5] “Update: Chinese Survey Ship Escalates Three-Way Standoff” (30 April 2020) online: AMTI <https://amti.csis.org/chinese-survey-ship-escalates-three-way-standoff/>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[6] “China and Malaysia in Another Staredown over Offshore Drilling” (25 November 2020) online: Asia Maritime Transparency Initiative <https://amti.csis.org/china-and-malaysia-in-another-staredown-over-offshore-drilling/>, tham khảo ngày 25/4/2023 

[7] Contest at Kasawari: Another Malaysian Gas Project Faces Pressure (7 July 2021) online: AMTI <https://amti.csis.org/contest-at-kasawari-another-malaysian-gas-project-faces-pressure/>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[8] “South China Sea: Malaysia scrambles jets to intercept 16 Chinese military planes” (1 June 2021) online: South China Morning Post <https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3135661/south-china-sea-malaysia-scrambles-jets-intercept-16-chinese>, tham khảo ngày 25/4/2023

[9] Duan Dang, “China's latest incursion in Malaysia's waters” (26 September 2021) online: South China Sea Brief <https://scsbrief.substack.com/p/chinas-latest-incursion-in-malaysias> & Nervous Energy: China Targets New Indonesia, Malaysia Drilling (12 November 2021) online: AMTI <https://amti.csis.org/nervous-energy-china-targets-new-indonesian-malaysian-drilling/>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[10] Perilous Prospects: Tension Flare at Malaysian, Vietnamese Oil and Gas Fields (30 March 2023) online: AMTI <https://amti.csis.org/perilous-prospects-tensions-flare-at-malaysian-vietnamese-oil-and-gas-fields/>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[11] Xem chú thích số 4. 

[12] Xem chú thích số 6.

[13] Xem chú thích số 7.

[14] “South China Sea: Malaysia scrambles jets to intercept 16 Chinese military planes” (1 June 2021) online: South China Morning Post <https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3135661/south-china-sea-malaysia-scrambles-jets-intercept-16-chinese>, tham khảo ngày 25/4/2023.

[15] Xem chú thích số 10.

[16] Yew Meng Lai and Cheng-Chwee Kuik, “Evolving Policy: Malaysian Diplomacy in the South China Sea” (25 June 2021) online: Australian Institute of International Affairs

<https://www.internationalaffairs.org.au/australianoutlook/evolving-policy-malaysian-diplomacy-in-the-south-china-sea/>, tham khảo ngày 26/4/2023.

[17] “Malaysia says 100 China boats intrude into its waters” (26 March 2016) online: Arab News <https://www.arabnews.com/node/900681/amp>, tham khảo ngày 26/4/2023.

[18] Ministry of Foreign Affairs of Malaysia, Ministry of Foreign Affairs will issue a diplomatic protest and summon the ambassador of the People’s Republic of China (1 June 2021) Press Statement.

[19] Malaysia Protests the Encroachment of Chinese Vessels into Malaysian Waters, Press Release (4 October 2021) online: Ministry of Foreign Affairs of Malaysia <https://www.kln.gov.my/web/guest/-/malaysia-protests-the-encroachment-of-chinese-vessels-into-malaysian-waters>.

[20] Jennifer Laeng, “China Coast Guard vessel found at Luconia Shoals” (3 June 2015) online: Borneo Post <https://www.theborneopost.com/2015/06/03/china-coast-guard-vessel-found-at-luconia-shoals/>; “China encroached into Malaysian waters 89 times in 4 years: report” (15 July 2020) online: ABS CBN News <https://news.abs-cbn.com/overseas/07/15/20/china-encroached-into-malaysian-waters-89-times-in-4-years-report>; and  “Minister: Chinese vessels encroached M'sian waters 23 times last year” (30 March 2022) online: Malaysiakini <https://www.malaysiakini.com/news/616302>, tham khảo ngày 26/4/2023.

[21] Serembu rep urges govt to object to Chinese intrusion into M’sian waters” (2 June 2022) online: the Vibers <https://www.thevibes.com/articles/news/62339/serembu-rep-urges-govt-to-object-to-chinese-intrusion-into-msian-waters>; “MP calls for ‘stronger’ govt action over South China Sea intrusions” (29 April 2022) online: Free Malaysia Today <https://www.freemalaysiatoday.com/category/nation/2022/04/29/mp-calls-for-stronger-govt-action-over-south-china-sea-intrusions/>; Jason Loh, “South China Sea: Time To Display Firm Resolve” (25 July 2020) online: The ASEAN Post <https://theaseanpost.com/article/south-china-sea-time-display-firm-resolve>;  tham khảo ngày 26/4/2023.

[22] Xem chú thích số 5.

[23] Press Statement of of YB Dato’ Seri Hishammuddin Tun Hussein Minister of Foreign Affairs on the South China Sea (23 April 2020) online: Ministry of Foreign Affairs of Malaysia

<https://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:NnWWBlBkwtkJ:https://www.kln.gov.my/web/guest/home/-/asset_publisher/latest/content/press-statement-on-south-china-sea-by-yb-dato-seri-hishammuddin-tun-hussein-minister-of-foreign-affairs-wisma-putra-23-april-2020&cd=3&hl=en&ct=clnk&gl=vn>, tham khảo ngày 26/4/2023.

[24] Bình An, “Tàu Trung Quốc bị tố tới gần dự án khí đốt Malaysia ở Biển Đông” (4 April 2023) online: Tuổi trẻ online <https://tuoitre.vn/tau-trung-quoc-bi-to-toi-gan-du-an-khi-dot-malaysia-o-bien-dong-20230404144204018.htm>, tham khảo ngày 26/4/2023.

[25] “Muhyiddin slams Anwar over ‘careless’ South China Sea remarks” (6 April 2023) online: FMT <https://www.freemalaysiatoday.com/category/nation/2023/04/06/muhyiddin-slams-anwar-over-careless-south-china-sea-remarks/> và   “South China Sea dispute: What was Anwar thinking?” (7 April 2023) online: Malaysiakini <https://www.malaysiakini.com/letters/661381>, tham khảo ngày 26/4/2023.

[26] Ministry of Foreign Affairs of Malaysia, Press Release on Malaysia’s Position on the South China Sea (8 April 2023) online: Ministry of Foreign Affairs of Malaysia <https://www.kln.gov.my/web/guest/-/malaysia-s-position-on-the-south-china-sea?inheritRedirect=true&redirect=%2Fweb%2Fguest%2Fpress-releases>, tham khảo ngày 26/4/2023.