Cơn khát khí ga tự nhiên và LNG của Trung Quốc

Trong phần lớn những thập kỷ qua, Trung Quốc đã dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế thế giới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước Đông Nam Á và sau đó là Trung Quốc đã lần lượt đi qua tiến trình công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh chóng. Sự bùng nổ kinh tế và sự phát triển của mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu, được biết tới như “Sự thần kỳ của Đông Á” đã duy trì nhu cầu toàn cầu về năng lượng và các nguồn tài nguyên. Các nền kinh tế Châu Á đã trở thành những nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới. Năm 2017, Trung Quốc vượt Hàn Quốc trở thành nước nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới. Trong phần lớn năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu nhiều LNG hơn Nhật Bản, và dự kiến sẽ trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới vào đầu thập kỷ tới.

Mặc dù tự sản xuất một phần đáng kể các năng lượng hoá thạch để bảo đảm tiêu dùng trong nước, Trung Quốc vẫn không ngừng tăng lượng nhập khẩu khí, khí ga và LNG kể từ giữa những năm 1990. Từ khi trở thành thành viên WTO vào đầu những năm 2000, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng GDP bình quân khoảng 10%. Nhu cầu năng lượng và nguyên liệu thô của Trung Quốc trong giai đoạn này được gọi là “siêu chu kỳ trên thị trường hàng hoá” - có nghĩa là nhu cầu của Trung Quốc lớn đến nỗi giá dầu, khí ga, than, các kim loại quan trọng và các nguồn tài nguyên then chốt khác giữ giá cao trong một thời gian dài. Thậm chí sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các gói kích thích của Chính phủ Trung Quốc mạnh đến nỗi Trung Quốc đi vào một chu kỳ phục hồi hình “V”, chủ yếu do tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tăng trưởng chưa từng có này đã tạo áp lực lớn lên nguồn cung năng lượng của Trung Quốc. Tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc gần 60% vào than, tương đương với việc tiêu thụ hơn 50% tổng lượng than trên toàn cầu. Cách đây vài năm, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, 70% lượng dầu sử dụng ở Trung Quốc là nhập khẩu. Mặc dù nỗ lực sản xuất khí ga, Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu nội địa về tiêu thụ khí ga khi nhu cầu này tăng ở mức 2 con số, đạt khoảng 17,3% hàng năm trong giai đoạn 2002 - 2013. Nhu cầu nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng sau một vài năm sau khi giá năng lượng toàn cầu giảm, và vào năm 2018, mức nhập khẩu LNG tăng 41%. Nhu cầu có thêm khí ga tự nhiên và LNG một phần là do chính sách giảm sử dụng than của Chính phủ, không chỉ để chống ô nhiễm mà còn để đáp ứng các cam kết của Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu. Khí ga tự nhiên và LNG được coi là các nguồn năng lượng chuyển tiếp, hoặc một phần của chính sách chuyển đổi năng lượng, trong ngắn và trung hạn, nhằm giảm việc sử dụng than trong tương quan với các nguồn năng lượng khác tại Trung Quốc, trước khi chuyển hẳn sang sử dụng các năng lượng thay thế và tái tạo. Dự báo, tỉ trọng của khí ga và LNG trong tổng lượng năng lượng được sử dụng của Trung Quốc sẽ tăng từ 7% hiện nay lên 12% hoặc hơn nữa vào năm 2040.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học British Columbia ghi nhận khí thải than tiếp tục tăng, chủ yếu do việc sản xuất điện tại Châu Á. Đến nay, khí phát thải do than chịu 1/3 trách nhiệm về việc làm tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp và là nguyên nhân chính duy nhất cho việc tăng này. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nơi việc sử dụng than là chính và khí ga mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số năng lượng được tiêu thụ, tỉ trọng sử dụng khí ga tự nhiên đang tăng mạnh.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khí phát thải từ việc sử dụng khí ga ưu việt hơn từ việc sử dụng các năng lượng hoá thạch khác. Lượng CO2 tạo ra từ việc sản xuất mỗi đơn vị điện từ khí ga thấp hơn từ 40 - 55% so lượng CO2 phát thải từ việc sử dụng than, và thấp hơn 20% so với lượng CO2 phát thải từ việc sử dụng dầu thô. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo khí LNG sẽ là một phần của các giải pháp thay thế cho các nguồn năng lượng tạo ra nhiều khí phát thải carbon cũng như giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí. Xu hướng nổi lên trên thị trường năng lượng toàn cầu đã đưa LNG trở thành một trong những mặt hàng được trao đổi nhiều nhất thế giới. Mặt hàng này có tiềm năng trở thành nguồn năng lượng giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ than tại các nền kinh tế tạo nhiều khí carbon như Trung Quốc và giúp các nước chuyển sang năng lượng tái tạo.

Chiến lược khí đốt và LNG của Trung Quốc

Trong khi các nhà nhập khẩu khí ga và LNG tại Châu Á đang tích cực theo đuổi các nguồn cung ổn định, thường là thông qua việc cho các tập đoàn lớn của mình đầu tư ra nước ngoài, đến nay, Trung Quốc là “chủ thể” mang tính chiến lược và dài hạn nhất. Dự báo nhu cầu khí ga của Trung Quốc trong những năm tới và thập kỷ tới sẽ vượt xa các nước khác.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của mình, Bắc Kinh theo đuổi các dự án đường ống dẫn đầu trên đất liền tại Trung Á, Nga và Myanmar, đồng thời xây thêm các cảng tiếp nhận LNG dọc các cảng biển phía đông của mình. Nhu cầu gia tăng đã thúc đẩy các tập đoàn năng lượng lớn của Trung Quốc như CNPC, Sinopec hoặc CNOOC (được biết tới như “3 ông lớn” về dầu khí của Trung Quốc), đầu tư vào các công ty dầu mỏ và khí ga của các nước Châu Phi và Trung Đông trong 2 thập kỷ qua, và tại Úc, Canada và Mỹ trong những năm gần đây. Là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, vấn đề an ninh năng lượng được Trung Quốc đề cao trong những năm gần đây. Nhằm tăng tỷ trọng khí ga trong tiêu thụ năng lượng của mình, Trung Quốc đã áp dụng một số chiến lược nội địa và quốc tế trong những năm qua.

Thứ nhất, Lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tăng cường thăm dò và sản xuất khí đốt trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo thống kê năm 2018 của BP, trữ lượng dầu khí của Trung Quốc đã tăng gần gấp 5 lần, đạt 195 nghìn tỉ mét khối. Sản xuất trong nước, cả theo cách truyền thống và phi truyền thống, đều được ưu tiên. Trong thập kỷ vừa qua, sản lượng khí ga của Trung Quốc đã tăng 9% mỗi năm. Dự báo gần 700 giếng sản xuất dầu đá phiến sẽ được khai thác giữa năm 2018 và 2020, nhưng khai thác dầu từ đá phiến vẫn chỉ chiếm 15% tổng sản lượng khí ga của Trung Quốc, so với 85% tổng sản lượng dầu khai thác từ đá phiến ở Mỹ. Nguyên nhân một phần là do các giếng dầu của Trung Quốc thường ở địa điểm khó khai thác và tính chất phức tạp trong khai thác nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, việc khai thác dầu đá phiến ở Trung Quốc đã được đẩy nhanh trong những năm gần đây, đưa Trung Quốc trở thành nhà sản xuất dầu từ đá phiến lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Canada.

Thứ hai, như Thứ trưởng Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc Zhang Yuqing đã chỉ ra từ cuối 2015, nếu so sánh ở tầm quốc tế, tiêu thụ khí ga tính theo đầu người ở Trung Quốc chỉ bằng 29% lượng tiêu thụ tính theo đầu người trên toàn cầu; các đường ống dẫn khí của Trung Quốc chỉ bằng 1/9 của Mỹ, và khả năng dự trữ khí ga tối đa chỉ bằng 2% của tổng lượng tiêu thụ hàng năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10% của thế giới. Chính phủ Trung Quốc rất nóng lòng muốn thay đổi tình hình. Như đã đề ra tại Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (từ năm 2016 - 2020), một đường ống dẫn thứ 4 sẽ được bổ sung vào hệ thống đường ống hiện đang nối từ Tây sang Đông của Trung Quốc, và vào hệ thống nối Thiểm Tây - Bắc Kinh. Hệ thống đường ống dẫn ga nối Trung Quốc với miền Đông nước Nga sẽ được xây dựng cùng với một số hệ thống đường ống dẫn khác từ các vùng Tân Cương và Nội Mông. Trung Quốc có kế hoạch mở rộng các trạm tiếp nhận LNG dọc bờ biển phía Đông, hình thành 5 khu dự trữ khí ga lớn tầm khu vực, có dung tích 20 tỉ mét khối, vào năm 2020. Tất cả những biện pháp này nhằm đón đầu nhu cầu tiêu thụ năng lượng đạt 400 tỉ mét khối khí ga mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Đồng thời, Trung Quốc dự kiến xây dựng 34 trạm tiếp nhận LNG dọc bờ biển, với năng lực nhập khẩu mỗi năm lên tới 247 triệu tấn vào năm 2035, gấp 3 lần năng lực hiện tại.

Thứ ba, Chính phủ Trung Quốc áp dụng các chính sách mới nhằm khuyến khích tiêu thụ nhiều khí ga hơn. Khoảng 70% lượng điện của Trung Quốc đến từ các nhà máy nhiệt điện, đa số đang hoạt động mà có ít biện pháp giảm ô nhiễm. Chính phủ Trung Quốc đang rất nỗ lực để đóng cửa các nhà máy ô nhiễm nhất (phần lớn do tư nhân vận hành) hoặc làm cho các nhà máy này sạch hơn. Trung Quốc cũng có những tiến bộ đáng kể nhằm đốt than hiệu quả hơn và giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, với giá thành thấp, than vẫn chịu trách nhiệm về 70% lượng khí carbon phát thải của Trung Quốc. Trong nỗ lực sử dụng các biện pháp thị trường nhằm thay thế việc sử dụng than bằng khí ga cho các nhà máy điện thế hệ mới, Chính quyền Trung ương Trung Quốc đã đưa ra một chỉ thị vào cuối năm 2014 nhằm thiết lập một hệ thống giá điện gắn với giá ga. Theo tài liệu của Uỷ ban Quốc gia về phát triển và cải cách, có hiệu lực ngày 1/1/2015, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ 0,35 NDT cho mỗi kilowat điện được sản xuất từ khí ga so với lượng điện năng tương đương được sản xuất bằng than. Đây là động lực để thay thế nhiều nhà máy điện chạy than bằng nhà máy điện chạy bằng khí ga hoặc LNG.

Thứ tư, Bắc Kinh đã theo đuổi một chiến lược hướng ngoại tích cực nhằm bảo đảm an ninh nguồn khí ga và LNG. Trong khi mở rộng các đường ống dẫn nội địa và cơ sở hạ tầng tích trữ ga, Trung Quốc cũng tăng cường năng lực các đường ống cung ứng khí ra Trung Á, Myanmar và Nga. Về việc nhập khẩu LNG, Trung Quốc đã ký hợp đồng dài hạn với các nước như Úc, Qatar, Malaysia, Indonesia và Nga. Ba tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc (CNPC, Sinopec và CNOOC) đều có các dự án khai thác LNG tại bờ Tây Canada cho đến cách đây vài năm, nhưng nay chỉ còn CNPC đang tiếp tục là đối tác của một dự án Canada do Shell dẫn dắt. Trung Quốc cũng theo đuổi các dự án then chốt với Mỹ trong lĩnh vực khí đá phiến và LNG trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào giữa 2018. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Trump cuối 2017, Tổng thống Trump đã ký thoả thuận trị giá 250 tỉ USD. Trong đó có 4 MOU có trị giá hơn 160 tỉ USD, bao gồm một thoả thuận phát triển khí đá phiến trị giá hơn 80 tỉ USD và một thoả thuận khai thác LNG giữa Alaska và Sinopec trị giá 43 tỉ USD.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc nhấn mạnh hợp tác khí ga và LNG với Nga. Tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thoả thuận trị giá 400 tỉ USD theo đó Nga cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ mét khối mỗi năm kể từ 2018. Cuối 2014, hai nước đã ký một thoả thuận mang tính không ràng buộc khác, theo đó nhà sản xuất khí đốt hàng đầu của Nga - tập đoàn Gazprom, hàng năm sẽ chuyển cho Trung Quốc 30 tỉ mét khối khí trong vòng 30 năm. Cả hai thoả thuận khí ga đều ký kết cách nhau 6 tháng, có tác động sâu sắc đối với mục tiêu tìm kiếm an ninh năng lượng của Trung Quốc, với sự mong manh của thị trường năng lượng toàn cầu, quan hệ Trung - Nga và các động thái địa chính trị rộng lớn hơn trên toàn thế giới.

Trong khi truyền thông thế giới và ý kiến các chuyên gia đang tập trung vào ý nghĩa của những thoả thuận này đối với Tổng thống Putin và sự đối đầu của Nga với Phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ucraina, Bắc Kinh nhìn nhận các thoả thuận này chủ yếu như một phần của những nỗ lực dài hạn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và đa dạng hoá các nguồn cung. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm đa dạng hoá các nguồn cung năng lượng thô để tránh phụ thuộc quá nhiều vào than, nhờ vào khí đốt của Nga, là một sự đáp trả rõ ràng của Trung Quốc, tái khẳng định việc Trung Quốc chú trọng chương trình nghị sự toàn cầu về biến đổi khí hậu. Đường ống dẫn ga giữa Trung Quốc và Tây Nga có chiều dài gần 8.000 km, một khi được hoàn thành, sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ mét khối khí ga tự nhiên hàng năm. Với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Nga có thể phát triển dự án LNG Yamal ở vùng Bắc Cực với đầy đủ kinh phí cần thiết và kịp tiến độ. CNPC đã ký thoả thuận khai thác 20 năm nhằm mua 3 triệu tấn LNG từ mỏ Yamal mỗi năm. Và chỉ mới gần đây, hai tập đoàn của Trung Quốc, CNPC và CNOOC, đã mua lại 20% cổ phần của dự án khai thác Novatek 2, trong đó bao gồm 3 tàu sản xuất, mỗi tàu có sản lượng 6,6 triệu tấn mỗi năm. Quyết định đầu tư cuối cùng vào dự án LNG2 được kỳ vọng sẽ được đưa ra vào cuối năm 2019 và dự kiến thời gian dự án đi vào hoạt động là vào năm 2023./.

Wenran Jiang là giáo sư giảng dạy Chính sách công & Quan hệ quốc tế tại Đại học British Columbia, đồng thời cũng là Chủ tịch của Diễn đàn Năng lượng & Môi trường Canada-Trung Quốc. Bài viết được đăng trên trang của Viện Quan hệ quốc tế Canada.

Nam Thái (gt)