PDF file

 

 Thiếu tướng (nghỉ hưu) Vinod Saighal Giám đốc điều hành, Eco Monitors Society, New Delhi, Ấn Độ phát biểu tại Hội thảo 

Đặng Tiểu Bình: “Bình tĩnh quan sát; Lập trường vững chắc; Bình tĩnh đối phó; Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế; Duy trì ẩn mình, và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu”.


Chu Ân Lai: “Trong ngoại giao không thể xem thường bất cứ một điều gì.”

 

Trong cuộc Hội thảo được tổ chức vào tháng 11 năm 2009 về những khía cạnh pháp lý phức tạp ở Biển Đông liên quan đến quyền tài phán quốc gia, khu vực và quốc tế của các yêu sách được đưa ra bởi các nước đối với các đảo đang trong tranh chấp, các lập luận về mặt lịch sử, sự liền kề về địa lý và các lập luận tương tự đã được thảo luận đến mức nhàm chán bởi các đại biểu đến từ các bên liên quan và các chuyên gia từ khắp thế giới… Do đó, với những vấn đề nào đã được bàn đến vào tháng 11 năm ngoái có thể bỏ qua thì không cần thiết phải đi lại lối mòn cũ. Kể từ khi đó, một yếu tố mới đã nảy sinh trong cuộc tranh luận do sự khẳng định từ phía Trung Quốc rằng Biển Đông cũng giống như Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, đại diện cho lợi ích cốt lõi của nước này. Do đó, các thảo luận tại cuộc hội thảo này nên xoay quanh yếu tố mới nói trên.

 

Mặc dù một điều đáng mừng là trong hội nghị cấp cao Đông Á vừa mới kết thúc cách đây không lâu tại Hà Nội, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã đồng ý sẽ giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn đọng một cách thân thiện, các vấn đề vẫn không thể được khỏa lấp bởi kinh nghiệm trên thế giới cho thấy các quốc gia không ngừng thay đổi quan điểm, phụ thuộc vào các lực đẩy cũng như áp lực trong những thời điểm nhất định.

 

Ngày 21 tháng 7 năm 2008, vài tuần trước Thế vận hội Olympics tại Bắc Kinh, một cuộc thảo luận về “Nhìn nhận lại Trung Quốc” đã được phát ở New Delhi đến thính giả quốc tế, đại diện cho Eco Monitors Society, một tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực dân số và sinh thái. Trong buổi thảo luận, một câu hỏi tu từ được đưa ra: “Là một cường quốc thế giới, liệu Trung Quốc sẽ đóng một vai hiền từ hay sẽ thể hiện sức mạnh của mình như vẫn đang làm”. Sau khi đặt ra câu hỏi, diễn giả nhận định rằng nhìn vào lịch sử của Trung Quốc, nước này sẽ có xu hướng đi theo hướng thứ hai. Vì sao lại thế?

 

Trước khi cố gắng phân tích tại sao Trung Quốc đột nhiên quyết định, nói như người Mỹ là, mạo hiểm đặt cược, bằng cách tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình tương tự như ba lợi ích cốt lõi khác đã được xác định là Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan, tốt hơn nên quan sát loạt phản ứng dây chuyền sau tuyên bố trên của Trung Quốc. Khẳng định gần đây nhất của Trung Quốc trong năm 2010, năm cuối của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ mới, có tính cảnh báo đối với các nước láng giềng và thậm chí cả Mỹ, điều này đã dẫn đến sự tăng cường theo dõi tình hình của các nhà quan sát Trung Quốc trên khắp thế giới. Những câu hỏi chính được đặt ra là:

- Đây có phải là một sự khẳng định vội vã, hay Trung Quốc thực sự nghĩ rằng đã “đến lúc” khi nói như vậy?

- Sự khẳng định này là một phần của sự thay đổi chính sách đã được tính toán kỹ của Đảng cộng sản Trung Quốc hay là một trường hợp bất đồng trong đảng?

- Liệu có phải Trung Quốc chỉ muốn thử thăm dò xem thế giới sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp này?

Mỗi một vấn đề trên sẽ được thảo luận trong các phần tiếp theo, mặc dù không thể phân chia những vấn đề một cách rạch ròi do tính chất chồng chéo giữa chúng.

 

Về câu hỏi liệu sự khẳng định của Trung Quốc có vội vã quá không, hay Trung Quốc cảm thấy rằng đã đến lúc xuất hiện trên đấu trường toàn cầu như là một tuyển thủ hạng A, chúng ta có thể quay lại thời điểm khi Đặng Tiểu Bình chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm vào đầu những năm 1990, ông đã cảnh báo rằng để đối phó với Mỹ, khi Mỹ để mắt đến Trung Quốc thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên khôn ngoan mà né tránh trong ít nhất 25 năm tới, điều này có nghĩa là những người kế nhiệm của ông không nên đánh động nước Mỹ và các đồng minh trước khi Trung Quốc có thể bắt kịp hoàn toàn các nước này. Lẽ ra các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải theo lời khuyên này đến khoảng năm 2015. Như vậy có thể nói rằng Trung Quốc đã ra tay sớm hơn so với dự tính của Đặng Tiểu Bình. Không có gì phải nghi ngờ về việc Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên sẽ còn rất nhiều người Trung Quốc cảm thấy rằng đất nước họ còn phải đi một chặng đường dài mới bắt kịp Mỹ và các nước đồng minh.

 

Nếu như đây không phải là một sự thay đổi chính sách đã được tính toán kỹ của Đảng cầm quyền – Đảng cộng sản Trung Quốc, điều này đưa chúng ta đến khả năng khác sự bất đồng nội bộ. Không dễ để người ngoài có thể biết được nội tình bên trong Đảng cộng sản Trung Quốc. Khẳng định mà Trung Quốc đưa ra gần đây dường như không phải của Hồ Cẩm Đào - người đứng đầu Đảng với ý chí của riêng mình. Hẳn nhiên ông sẽ tham khảo ý kiến của một số đồng nghiệp, kể cả người kế nhiệm Tập Cận Bình có khả năng sẽ thay thế ông năm 2012. Trong trường hợp này sẽ đi theo hướng tiếp cận một cách thận trọng hơn đối với chính sách đối ngoại của đất nước, tránh đưa ra những quyết sách quá sớm. Do đó có thể là Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cưỡng ép quyết sách hoặc người nào đó trong Đảng cộng sản Trung Quốc đã xúi giục làm vậy.

 

Về việc liệu có phải là Trung Quốc chỉ muốn thử phản ứng bằng cách thể hiện sức mạnh của mình một cách có giới hạn thì khó có thể trả lời vào thời điểm này. Nếu như những nước bị báo động bởi tuyên bố của Trung Quốc rằng Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc cũng như Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, mà siết chặt hoặc thay đổi định hướng trong tương lai gần thì đây có thể được xem như là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chỉ đang thăm dò. Sự phản đối của các nước láng giềng cũng như việc xôn xao điều chỉnh vị trí địa chiến lược do tuyên bố trên của Trung Quốc có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài ở Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương, gây ra hành động chống lại chính phủ Trung Quốc, dù cho nước này áp dụng chính sách gì sau này đi nữa. Không dễ gì có thể dẹp yên những lo sợ của các nước láng giềng về việc Trung Quốc ra tay. Đối với những nước này, Trung Quốc đang mang tấm mặt nạ thân thiện trỗi dậy hòa bình. Nó không thể quay trở lại. Chuỗi phản ứng lo sợ Trung Quốc của một số nước ASEAN và các nước láng giềng khác đã bắt đầu dấy lên. Việc trở về nguyên trạng (status quo-ante) trong trường hợp này gần như chắc chắn bị loại trừ. Còn tác động lan tỏa trong chuỗi phản ứng trên thì cần phải được gây dựng thêm.

 

Có thể những phản ứng đầu tiên là từ phía Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hiallary Clinton đã nói hành động của Trung Quốc tuyên bố biển Đông là vùng đặc quyền của Trung Quốc hay những ngôn từ mang ý nghĩa đó là không thể chấp nhận được. Trong khi nhiều nước thành viên ASEAN đang cố gắng duy trì sự cân bằng giữa người láng giềng khổng lồ và Mỹ, thì việc này khiến các nước này suy nghĩ lại và cảm thấy rằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực chính là yếu tố để đảm bảo sự ổn định. Kết quả là Mỹ tăng cường các cuộc đối thoại quân sự với Việt Nam, Indonesia, Philippin và nhiều nước khác. Cũng phải nhắc lại rằng hiệp ước hỗ trợ an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản đã mở rộng ra đối với cả các đảo tranh chấp làm tăng thêm sự căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc hồi tháng 9, 10/2010 khi mà một chiếc thuyền của Trung Quốc đậu ở gần những đảo này. Còn Ấn Độ, vốn đã có những vấn đề riêng với người láng giềng khổng lồ này về mặt biên giới lãnh thổ cũng như sự xâm nhập của Trung Quốc vào các nước trong khu vực, nay cũng nhanh chóng tăng cường đối thoại về việc thắt chặt hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Và hẳn nhiên, nước Nga, với những nhận thức chung về mối đe dọa Trung Quốc,  mặc dù có nhiều hợp đồng dài hạn cung cấp dầu và khí đốt cho Trung Quốc nhưng cũng bày tỏ mong muốn kích hoạt lại các căn cứ quân sự ở cảng Cam Ranh. Mỹ và Ấn Độ cũng tuyên bố công khai là có lợi ích về căn cứ hải quân ở miền Nam Việt Nam. Có thể những ngôn luận về những tác động này chỉ là sự suy đoán. Nó chỉ cho thấy rằng sự lo ngại này có ở khắp nơi.

 

Dường như chuỗi phản ứng gây ra bởi một loạt các hành động của Trung Quốc trong năm 2010 là chưa đủ, các nước trong khu vực quyết định tăng ngân sách cho việc đẩy nhanh chi tiêu quốc phòng, đặc biệt là tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa và máy bay chiến đấu. Rõ ràng một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực được cảnh báo là sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong những năm tới và có thể ngăn cản việc khôi phục lại sự hài hòa và thiện chí giữa các bên liên quan.

 

**

Một điều tranh cãi cần phải được thảo luận đó là liệu những tuyên bố của Trung Quốc về biển Đông có thể được xem như một vấn đề khu vực hay một vấn đề có ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, thậm chí cả thế giới hay không. Nên nhớ rằng Biển Đông được sử dụng bởi tàu thuyền, cả dân sự và quân sự, của một số lượng lớn các quốc gia ngoài khu vực. Một phần lớn các hoạt động thương mại từ châu Âu, châu Phi và châu Á là đi qua eo biển Malacca  đến những điểm nằm ngoài Trung Quốc và ASEAN. Dù thế nào thì Biển Đông cũng không phải là một biển nội địa hay biển hẹp như trong trường hợp của Vịnh Bắc Bộ, mà là một vùng biển rộng lớn mà nhiều nước phụ thuộc cho hoạt động thương mại trên biển cũng như việc qua lại của tàu thuyền. Những nước nằm ngoài ASEAN có thể thách thức ý đồ bá chủ Biển Đông của Trung Quốc chủ yếu bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, các nước lớn ở châu Âu, Úc và Ấn Độ. Để chống lại làn sóng phản đối này, Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hoặc sửa đổi tuyên bố của mình trước đó. Thậm chí Trung Quốc còn có thể thổi phồng tình hình bằng cách tuyên bố điều này không cản trở đến quyền qua lại vô hại của tàu thuyền các nước. Lập tức câu hỏi được đặt ra là theo quan điểm của Trung Quốc, thế nào mới là qua lại vô hại. Liệu có sự thiên vị với nước này và bất lợi với nước kia hay không. Những nước bị loại trừ có thể sẽ quay lại đặt câu hỏi về việc liệu Trung Quốc có thẩm quyền như một trọng tài hay không, như nhiều nước đang làm hiện nay.

 

Xa hơn nữa, hãy giả sử Trung Quốc rút lại tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ngang bằng với những lợi ích khác đã được xác định từ trước của Trung Quốc như Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan. Liệu tình hình có thể tự động trở về nguyên trạng sau khi Trung Quốc đã từ bỏ hoàn toàn? Xét về mặt năng lực, không có nhiều khả năng các nước, đặc biệt là các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp, có thể khiến Trung Quốc quay trở về vị trí trước đây của nó. Sự nghi ngờ về việc Trung Quốc sẽ tiến hành rút lui chiến thuật để đối phó với sự phản đối trên toàn cầu hay gần như toàn cầu sẽ là vô ích. Trung Quốc sẽ không làm chậm lại tiến trình tích cực việc thu mua hệ thống vũ khí tinh vi hơn với một lượng lớn hơn từ các nước liên quan để Trung Quốc không phải quay lại vị trí trước đây của mình ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Đã có những tổn hại nhất định. Sẽ phải mất rất nhiều thế kỷ cùng tồn tại hòa bình và bác bỏ những yêu sách xa hơn của Trung Quốc để lấp đầy những sứt mẻ về lòng tin đang ngày một tăng lên. 

 

**

 

Một yếu tố then chốt khác cũng cần phải xét đến đó là liệu chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc trong trường hợp này có mở ra chiếc hộp Pandora  (chiếc hộp của lòng đố kị, hận thù, chiến tranh) cho những yêu sách tương tự của các quốc gia khác trên thế giới, coi việc tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông như là một tiền lệ hay không. Nó có dẫn đến hành động của Ấn Độ trích dẫn tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông để đưa ra tuyên bố tương tự đối với Vịnh Bengal. Nhiều các trường hợp khác có thể được trích dẫn trên khắp thế giới. Rõ ràng cần phải kêu gọi sự kiềm chế và tôn trọng cộng đồng toàn cầu trên những nước lớn hơn, những nước sẽ định hình vận mệnh của thế giới trong thế kỷ 21. Nước Trung Quốc trở nên vô cùng lớn mạnh chỉ trong 3 thập kỷ ngắn ngủi, nước này có trách nhiệm với thế giới và với chính người dân nước mình phải thận trọng tuyệt đối trong phản ứng với các nước khác. Địa vị đặc biệt đứng đầu hệ thống thế giới của Trung Quốc đã mặc nhiên gắn cho nước này trách nhiệm đưa thế giới hướng tới một thế giới hài hòa hơn là một thế giới như trong thế kỷ trước cũng như đầu thế kỷ này. 

 

Thiếu tướng (nghỉ hưu) Vinod Saighal
Giám đốc điều hành, Eco Monitors Society, New Delhi, Ấn Độ

 ...................................

 

  *Hồ sơ tác giả:

Thiếu tướng Vinod Saighal nguyên là Tổng giám đốc Cơ quan đào tạo quân sự của Quân đội Ấn Độ năm 1995, (đã về hưu). Trước đó, ông đã có một số lần nhận nhiệm vụ chỉ huy, bao gồm cả việc chỉ huy một đội hình thiết giáp độc lập và các sư đoàn trên núi và sa mạc. Trong thời gian đương nhiệm, ông đa từng làm việc với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cũng như đa có một vài nhiệm kỳ ở Trung Đông. Ông từng giữ chức vụ Tùy viên Quân sự của Ấn Độ ở Pháp và Belenux. Ông có thể nói được tiếng Pháp và tiếng Ba Tư. Hiện ông là Giám đốc Điều hành của Tổ chức Giám sát Kinh tế, một tổ chức phi chính phủ liên quan đến nhân chủng học và sinh thái học. Sau khi về hưu, ông đa thành lập Chiến dịch Phục hồi Chính phủ và hoạt động rất hiệu quả. Ông đa viết bài về nhiều chủ đề khác nhau trên các báo và tạp chí hàng đầu quốc gia. Ông cũng đa đi thuyết giảng trên khắp Ấn Độ và cả ở nước ngoài về một số vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay. Vinod Saighal được mời tham dự “Ban Tư vấn” của Liên đoàn các nhà khoa học và học giả của Mỹ năm 2000. Ông là tác giả của cuốn sách ‘Third Millennium Equipoise‘ [Sự cân bằng ở Thiên niên kỷ thứ ba] rất được ca tụng trên thế giới. Ngoài ra ông cũng là tác giả các cuốn Restructuring South Asian Security [Tái cấu trúc an ninh Nam Á], Restructuring Pakistan [Tái cấu trúc Pakistan] và Dealing with Global Terrorism: The Way Forward [Đối phó với Khủng bố Toàn cầu: Con đường phía trước]. Cuốn sách mới nhất của ông là Global Security Paradoxes – 2000-2020 [Nghịch lý An ninh Toàn cầu – 2000-2020]. Cuốn sách đầu tiên của ông đã được chọn đưa vảo Triển lãm sách quốc tế Caracas tháng 11/2008 cho bản tiếng Tây Ban Nha (tựa đề: Equilibrio en el Tercer Milenio).

------------------------------------

 

Trích từ:

 

HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ “BIỂN ĐÔNG: HỢP TÁC VÌ AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN” tại Hà Nội năm 2009

Phát biểu bởi Thiếu tướng (đã về hưu) Vinod Saighal* tại Hà Nội ngày 26-11-2009

 

Các phương thức giải quyết


Những bước đi ban đầu sau có thể có ích cho việc giải quyết các vấn đề tranh cãi ở biển Đông:

- Tuyên bố các nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ỏ Biển Đông là khu sinh thái biển

- Cam kết tạm dừng hành động chiếm đóng, xây dựng căn cứ quân sự, quân sự hóa hay bố trí các tàu hải quân ở Hoàng Sa cũng như Trường Sa thêm nữa.

- Từng bước tháo dỡ các công trình quân sự hiện nay cho đến ngày quy định (31/12/2012) và những tuyên bố khác về Biển Đông như là một khu vực hòa bình.

- Nhận thức chung về việc cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở các vùng tranh chấp. Ủy ban khai thác tài nguyên của các nước liền kề với các đảo tranh chấp cần được củng cố hơn nữa để có thể đại diện cho việc khai thác của tất cả các bên và số tiền thu được sẽ được thu theo tỉ lệ hoặc theo một cơ sở khác theo quyết định của Ủy ban và sự phê chuẩn của các bên liên quan.

- Ngừng các hoạt động khai thác cho đến khi Ủy ban hoàn thành công việc và có được sự phê chuẩn.

Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây