Trong khi chuẩn bị mừng lễ kỷ niệm 10 năm thành lập, SCO đã bắt đầu xem xét kế hoạch mở rộng tổ chức này lần đầu tiên. Tuần này, các nhà lãnh đạo của những nước thành viên SCO sẽ cùng với các vị Tổng thống của Iran, Pakixtan, Ápganixtan và Ngoại trưởng Ấn Độ tham dự một hội nghị cấp cao tại thủ đô Axtana của Cadắcxtan.

Ông Richard Weitz, nhà nghiên cứu của Viện Hudson - một tổ chức nghiên cứu chính sách công có trụ sở ở Oasinhtơn - nói rằng SCO đang "có đà phát triển" mà các nước thành viên trước đây không ngờ tới. Ông Weitz nói: “Tất cả các nước này đều cảm thấy ngạc nhiên trước việc tổ chức của họ đã phát triển một cách nhanh chóng và tốt đẹp trong những năm qua. Các nước SCO, đặc biệt là hai nước lớn nhất trong tổ chức là Trung Quốc và Nga, đều thu được những lợi ích cho riêng mình".

Theo ông Weitz, năng lượng là một lĩnh vực mà nhiều nhà quan sát cho rằng có thể dẫn tới xung đột, nhưng thay vào đó, lĩnh vực này đã dẫn tới sự hợp tác, ít nhất là cho tới lúc này. Ông nói rằng nguyên nhân là Trung Quốc, với nhu cầu khổng lồ về năng lượng, đã cố nhường nhịn Nga - nước có nhiều tài nguyên năng lượng để bán.

Tư cách thành viên SCO cũng giúp các nước Trung Á được vay tiền từ Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cho vay rất nhiều và theo ước tính, khoản tiền mà họ cho các nước đang phát triển vay còn cao hơn Ngân hàng Thế giới. Chỉ riêng trong năm 2009, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã loan báo những khoản cho vay trị giá 10 tỉ USD dành các thành viên khác trong SCO.

Các quan chức Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc nói rằng họ đã giúp thực hiện hơn 50 dự án ở các nước thành viên SCO nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Họ cho biết những khoản tiền này được dùng cho những chương trình liên quan tới viễn thông, giao thông, năng lượng và nông nghiệp. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trình Quốc Bình tỏ ý cho thấy Trung Quốc sẽ còn cho vay nhiều hơn nữa. Ông Trình Quốc Bình nói rằng những thành viên khác trong SCO mong đợi sự hỗ trợ lớn hơn về kinh tế và tài chính của Trung Quốc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ thảo luận những việc có thể làm thêm trong khuôn khổ SCO để thúc đẩy cho cái mà ông mô tả là công cuộc hợp tác kinh tế có tính chất thực tế.

SCO hiện có 4 quan sát viên là Ấn Độ, Iran, Mông Cổ và Pakixtan. Ngoại trừ Mông Cổ, cả 3 nước kia đều đã nộp đơn xin trở thành thành viên. Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Bêlarút và Xri Lanca cũng đang yêu cầu được làm đối tác đối thoại của SCO.

Các nhà quan sát bên ngoài khu vực nói rằng họ không tin là SCO sẽ kết nạp thêm thành viên mới vào thời điểm này, song ông Trình Quốc Bình nói rằng việc mở rộng tổ chức là không thể tránh được. Theo ông, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh Axtana sẽ ký một văn kiện về những điều kiện pháp lý để được kết nạp trở thành thành viên mới. Ông nói rằng Hiến chương của SCO qui định rằng các thành viên mới phải được thu nhận dựa trên sự đồng thuận của các thành viên cũ.

Trong khi các nước thành viên tán thưởng những lợi ích của việc gia nhập SCO, các tổ chức nhân quyền lại lên tiếng chỉ trích tổ chức này. Các tổ chức nhân quyền cho rằng các nước thành viên SCO đã áp dụng đường lối của Trung Quốc trong vấn đề chống khủng bố: đó là gộp chung các tổ chức cực đoan với các phong trào đòi ly khai.

Trong khi đó, theo ý kiến của chuyên viên Leonid Moiseev, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về các công việc của SCO, nhiều vấn đề quốc tế không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của tổ chức này. Ông Moiseev nói: “Trong 10 năm qua, SCO đã đi qua chặng đường dài. Hiện nay, các nước thành viên hợp tác trong các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm. Ở giai đoạn đầu tiên, SCO hết sức quan tâm đến cuộc đấu tranh chống khủng bố nhằm bảo đảm an ninh và sự ổn định. Sau đó, các nước thành viên cũng dần thiết lập sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, giáo dục và y tế”.

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh SCO lần này, có một vấn đề hết sức quan trọng: Các đại biểu sẽ thảo luận về đường lối chiến lược trong cuộc đấu tranh chống ma tuý, trong đó có việc thành lập một cơ chế chung chống nguy cơ ma tuý từ Ápganixtan đang đe dọa hàng triệu người ở nhiều nước khác nhau. Ngoài ra, trọng tâm chú ý của các nhà lãnh đạo SCO là phát triển cơ cấu chống khủng bố và giải quyết tình hình ở Ápganixtan.

 

 

Theo VOA

Đinh Anh (gt)