"Chiến tranh thương mại" là thuật ngữ được tạo ra để chỉ một cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia cùng tranh giành một thị trường, chẳng hạn như Pháp và Mỹ cạnh tranh nhau để bán máy bay hoặc vũ khí cho Ấn Độ với nhiều điều kiện ưu đãi, những hứa hẹn chuyển giao công nghệ, thậm chí những khoản lót tay. Như vậy, thuật ngữ "chiến tranh thương mại" đúng ra sẽ không được sử dụng để nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ bởi hai nước có quan hệ mua bán hàng hóa.

Trong mối quan hệ này, Trung Quốc không cần Mỹ, một mặt bởi Trung Quốc đã có các thị trường mới nổi có thể thay thế các thị trường đang đi xuống không có khả năng thanh toán, mặt khác bởi từ hơn 1 thập kỷ qua, thị trường nội địa Trung Quốc đã đủ lớn để nước này duy trì tăng trưởng kinh tế. Đối với Trung Quốc, xuất khẩu dường như chỉ đóng vai trò phụ trợ, cho phép họ lựa chọn đồng tiền thanh toán. Ngược lại, Mỹ cần Trung Quốc, bởi ngành công nghiệp Mỹ không còn duy trì được sức mạnh, cũng như không có nước cung cấp hàng hóa nào khác có khả năng sản xuất những mặt hàng ở quy mô lớn trên toàn cầu và có giá "mềm" như Trung Quốc.

Các nhà kinh tế học cho rằng chủ nghĩa bảo hộ, thông qua các hàng rào thuế quan, cho phép ngành công nghiệp của một nước phát triển thịnh vượng. Điều này là đúng nếu đó là một chính sách dài hạn, nhưng không đúng nếu đó chỉ là một chương trình trong ngắn hạn. Một chính sách bảo hộ vì động cơ bầu cử sẽ không làm hồi sinh một nền công nghiệp đã suy yếu.

Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2001, và luôn bảo vệ một quan điểm rất riêng biệt về nền kinh tế thị trường. Nhà nước Trung Quốc thường xuyên bị các nước cáo buộc là trợ cấp ồ ạt cho các doanh nghiệp trong nước, và bán phá giá để giành thị phần. Do vậy, kể từ năm 2001, Mỹ đã 34 lần kiện Trung Quốc lên WTO.

Cần nhớ rằng không phải chờ đến khi trở thành Tổng thống Mỹ, Donald Trump mới tấn công Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đã cáo buộc Trung Quốc là "kẻ trộm cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới".

Trung Quốc có một quân chủ bài quan trọng: gần 1,4 tỷ người tiêu dùng. Nếu muốn hoạt động tại Trung Quốc và chiếm lĩnh thị trường khổng lồ này, một công ty nước ngoài phải chấp nhận một điều kiện: chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Họ ngày càng trở nên hùng mạnh, đã tìm cách mua lại các doanh nghiệp nước ngoài nhằm chiếm ưu thế trong những lĩnh vực then chốt.

Tháng 3/2018, tổng thống Mỹ đã tấn công Trung Quốc bằng việc tuyên bố đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đó là một đòn khá hiểm hóc bởi Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Để trả đũa, ngay lập tức, Bắc Kinh đã công bố danh sách 128 sản phẩm của Mỹ bị đánh thuế, trong đó, 8 mặt hàng (gồm nhôm tái chế, các sản phẩm thịt lợn...) bị đánh thuế 25%, các mặt hàng khác (rượu vang, táo, hạnh nhân…) bị đánh thuế 15%.

Thật khó xác định lý do vì sao ngày 1/8/2019 Tổng thống Trump đã quyết định đánh thuế 10% đối với số hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9/2019, và 12 ngày sau đó ông lại quyết định lùi thời hạn đánh thuế đến tháng 12/2019. Việc Mỹ không ngừng tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc rõ ràng là một biện pháp gây thù địch, bởi những hàng hóa nhập khẩu tương tự có xuất xứ từ Indonesia, Nga hay Mexico không phải chịu mức thuế như vậy.

Việc áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc, được thông báo ngày 1/8/2019, sẽ mang lại cho Mỹ 30 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này không giúp giảm thâm hụt ngân sách cơ cấu của Chính phủ Mỹ. Áp thuế 50% đối với các mặt hàng xa xỉ có thể giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại, áp thuế 100% hoặc 200%, hay thậm chí cấm nhập khẩu chính thức những mặt hàng cạnh tranh với Mỹ có thể góp phần khôi phục ngành công nghiệp Mỹ, nhưng việc áp một mức thuế tượng trưng 10% đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc – và chỉ những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc – có lẽ không thể tạo ra bất kỳ hiệu quả kinh tế đáng kể nào.

Trong cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đã phải gánh chịu những tổn thất. Tháng 1/2019, khoảng 50 nhà vận động hành lang công nghiệp Mỹ đã gửi thư cho Chính quyền Trump kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt thuế quan đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi chúng gây tác động nặng nề lên hoạt động kinh doanh của họ. Các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ xuất khẩu thịt sang Trung Quốc đã mất ít nhất 1 tỷ USD do cuộc chiến thương mại này. Xuất khẩu đậu tương của Mỹ giảm 77% trong khoảng thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 5/2019. Donald Trump đã phải chi 28 tỷ USD để đền bù tổn thất cho những người nông dân vốn là lực lượng cử tri nòng cốt của ông.

Để tránh tăng giá bán hàng hóa, một số doanh nghiệp Mỹ đã cắt giảm lợi nhuận của họ. Nhưng trong nhiều lĩnh vực, khách hàng là người chịu thiệt thòi. Theo một nghiên cứu của Đại học California, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung khiến người tiêu dùng Mỹ chịu tổn thất 69 tỷ USD mỗi năm, trung bình 213 USD mỗi người.

Như vậy, việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc không khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đưa các sản phẩm về nước, đe dọa hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và các doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ vốn là những người tiêu thụ rất nhiều sản phẩm "Made in China", và làm giảm hoạt động mua sắm của họ

Ngoài việc không ngừng đưa ra những đòn trừng phạt trả đũa, Trung Quốc đã sử dụng những vũ khí kinh tế và chính trị khác để đối đầu với Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc đã thực hiện biện pháp bảo hộ thuế quan và hạ giá đồng nhân dân tệ. Đó là lý do vì sao bất chấp việc Donald Trump áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này không giảm, mà còn gia tăng: Trong 6 tháng đầu năm 2019, thặng dư thương mại tính theo năm của Trung Quốc đạt khoảng 500 tỷ USD. Vả lại, việc phá giá đồng nhân dân tệ không chỉ là một biện pháp phòng thủ đối với Bắc Kinh, mà còn là một động thái mà qua đó Tập Cận Bình mong muốn gửi tới Donald Trump một thông điệp rõ ràng. Ông muốn để Donald Trump hiểu rằng cả chính sách lẫn sức nặng kinh tế của Mỹ đều không khiến ông bị khuất phục.

Chiến lược thống trị thương mại của Trung Quốc là nền tảng thiết yếu của một chiến lược đa chiều và thực sự rộng lớn, một chiến lược nhằm lật đổ Mỹ để thống trị toàn thế giới.

Nhờ những thặng dư thương mại khổng lồ, Trung Quốc đã không ngừng tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, thực hiện các cuộc tấn công mạng và các hành vi gián điệp đối với các nước đối thủ. Những tiến bộ công nghệ đã cho phép Trung Quốc đẩy mạnh công nghiệp hóa trong mọi lĩnh vực, gây bất lợi cho các nước đối thủ đang tiến hành phi công nghiệp hóa.

Trung Quốc cũng tận dụng nguồn tài chính khổng lồ mà thặng dư thương mại mang lại để khai thác các nguồn tài nguyên khan hiếm trên hành tinh. Nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư lớn, Trung Quốc đã chiếm hữu nhiều đất nông nghiệp màu mỡ, cũng như nhiều mỏ kim loại và đất hiếm ở châu Phi và Mỹ Latinh.

Thặng dư thương mại cũng được Trung Quốc dùng làm đòn bẩy để xây dựng một chính sách ngoại giao tích cực. Thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường", Trung Quốc thực hiện các dự án tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài mà nước này xem như là một hoạt động đầu tư để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với các nước tiếp nhận. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cung cấp những khoản cho vay, nhờ vậy mà thắt chặt được mối quan hệ với các nước. Đó là điều mà Trung Quốc đạt được và nó không thể hiện bằng tiền. Có thể thấy rằng nhờ sáng kiến "Vành đai và Con đường", Trung Quốc đã có ảnh hưởng đáng kể đối với nhiều nước châu Âu, các nước Trung Á, Nam Á, các nước châu Phi và Mỹ Latinh.

Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng và sẵn sàng chấp nhận những hậu quả của cuộc đối đầu kinh tế với Washington. Đồng thời, những hậu quả bất lợi đối với nền kinh tế Trung Quốc không ngăn cản được Bắc Kinh giữ vững lập trường của họ, cũng như không trở thành vật cản khiến họ không làm điều tương tự với Mỹ.

Căng thẳng Mỹ-Trung dường như nghiêm trọng hơn khi Mỹ không che giấu việc họ góp phần vào sự bất ổn ở Hong Kong. Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình ở Hong Kong, với một ngân sách không được tiết lộ, nhưng có thể ngang với ngân sách dành cho việc chuẩn bị một cuộc đảo chính vào tháng 2/2014 tại Ukraine. Cần lưu ý rằng sau 2 cuộc biểu tình đầu tiên vào ngày 31/3 và ngày 28/4, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra hàng ngày tại Hong Kong kể từ ngày 6/6. Ngay từ ngày 9/6, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố ủng hộ người biểu tình Hong Kong, thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, và 1 tháng sau, Quốc hội Mỹ cũng làm điều tương tự, với tuyên bố của bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Cuối cùng, không thể phủ nhận rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên đáng lo ngại và nguy hiểm. Trước tình hình này, Chính quyền Washington hoặc leo thang hơn nữa trong cuộc chiến thương mại, hoặc chấp nhận thảo luận với Bắc Kinh để tìm ra, nếu không phải là một thỏa thuận, ít nhất là một thỏa hiệp có thể làm hài lòng cả hai bên.

Theo Le Saker Francophone.