Ngày 15/6 SCO sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và đây là cơ hội thuận lợi để các nhà lãnh đạo SCO đánh giá sức mạnh của dự án khu vực này cũng như các chương trình phát triển sắp tới. Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ được tổ chức tại thủ đô Axtana của Cadắcxtan - nước hiện đang giữ chức chủ tịch SCO. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức này được đặt dưới sự lãnh đạo của một nhà nước thuộc Liên Xô trước đây và quan trọng hơn, Cadắcxtan đại diện cho thế giới của người Tuốcki. Quan điểm của các chuyên gia và các nhà ngoại giao về SCO cũng như tính hiệu quả của tổ chức này thường mâu thuẫn với nhau, nhưng chung quy có hai loại chính: một loại tỏ ra lạc quan và một loại cho rằng SCO nhất định sẽ dần dần tan vỡ. Về công khai, Bắc Kinh, Mátxcơva và Axtana khẳng định SCO đang dần dần chuyển từ tổ chức tư vấn thành "một trong những liên minh khu vực mạnh nhất, từ đó có thể giải quyết hàng loạt vấn đề quốc tế". Mặc dù trong các câu chuyện không chính thức, các nhà ngoại giao Nga tỏ ra khiêm tốn hơn trong các đánh giá của họ. Nhưng thực tế SCO đã trở thành một tổ chức về chính sách quốc tế được biết đến không những ở Mỹ mà cả châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ. Vì lý do này, gần đây Ấn Độ cho biết có ý định tham gia SCO. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một thành công của SCO. SCO đã thông qua nhiều văn kiện, thành lập các cơ quan chức năng và phát triển đường hướng khu vực chung. Các tài liệu mới nhất được SCO ban hành có cả các nguyên tắc xây dựng cơ chế an ninh khu vực. Ý tưởng về một số thống nhất quốc tế mang tính chất chính trị của một nhà nước lục địa Âu-Á đã có từ lâu và được xem xét qua nhiều thế kỷ. Thành lập và thể chế hóa ý tưởng đó rất quan trọng. Và sự phát triển của các vấn đề quốc tế sau sự sụp đổ của Liên Xô đã cho phép như vậy. Vấn đề là, nước nào sẽ là nước đầu tiên của dự án và mô hình của tổ chức được thành lập sẽ là gì. Trung Quốc là nước đầu tiên khởi xướng, đã và đang tích cực tạo nên chính sách quốc tế mới của SCO. Nga, một đối thủ quan trọng khác, có thể đã và đang đóng vai trò tích cực. Trong kỷ nguyên của cựu Thủ tướng Nga Y. Primakov, dự án liên minh địa chính trị "Trung Quốc-Ấn Độ-Nga" được hình thành là do nhu cầu chiến lược. Trong trường hợp này, xem xét những bất đồng và căng thẳng trong quan hệ "Ấn Độ-Trung Quốc", vai trò chủ yếu, đối tác quan trọng nghiễm nhiên sẽ thuộc về Nga. Nhưng Nga chưa bao giờ có nguồn lực và sức mạnh quốc tế để thực hiện dự án mới như vậy. Ý tưởng đó hoàn toàn thực tiễn và dựa trên cơ sở các yêu cầu cạnh tranh địa chính trị không thể tránh khỏi giữa Nga và Mỹ, nhưng sức mạnh của Nga không đủ để tham gia cuộc cạnh tranh này.

Lịch sử phát triển còn non trẻ của SCO cho thấy chỉ có lĩnh vực phát triển kinh tế của SCO được thực hiện và điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với ý đồ của Trung Quốc. Các chuyên gia cũng như giới phân tích Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh vấn đề này. Nhưng dư luận cũng có thể nhận thấy một bất đồng rõ ràng đằng sau ý đồ đó, bởi vì Trung Quốc vẫn muốn thực hiện các dự án kinh tế trên cơ sở song phương chứ không phải đa phương. Trung Quốc vẫn cần SCO chứ không phải chính sách lớn về kinh tế và thương mại. Một mâu thuẫn nữa, nằm trong sự lãnh đạo của Trung Quốc, là đặc điểm ý thức hệ. Nói cách khác, nước lãnh đạo SCO phải là nước từng tuyên bố là xã hội chủ nghĩa và cộng sản. Những người ủng hộ ý kiến của phái tả cho rằng SCO và sự lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc cho thấy một hình mẫu thay đổi so với hệ tư tưởng tự do đang thịnh hành. Phát triển ý tưởng riêng của mình, các chuyên gia lấy ví dụ về cuộc khủng hoảng toàn cầu - từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế biến thành khủng hoảng văn minh chung. Căng thẳng và mâu thuẫn hiện nay ở Ápganixtan vẫn là một trong những nguyên nhân chủ yếu của các mối đe dọa an ninh và ổn định. Theo các chuyên gia, một khối lượng lớn thuốc phiện trên thế giới được sản xuất tại Ápganixtan - từ đó khiến tất cả các nước láng giềng đều nằm trong khu vực nguy hiểm. Nói một cách chính xác, vì lý do này hợp tác trên lĩnh vực ngăn chặn buôn bán ma túy trở thành vấn đề quan tâm đặc biệt. Các nước thành viên SCO đã hợp tác với nhau để ngăn chặn mua bán ma túy trái phép. Ngoài ra, để ngăn chặn các mối đe dọa khác như chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan từ Ápganixtan, SCO cũng áp dụng chính sách theo hướng này. Lực lượng quân đội của các nước thành viên SCO liên tục phát triển. Vì vậy, năm ngoái họ tổ chức cuộc diễn tập quân sự chống khủng bố khác mang tên "Nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình 2010".

Tài liệu pháp lý chủ yếu của SCO liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an ninh là "Chương trình Hợp tác của các nước thành viên SCO trong Cuộc Đấu tranh chống các mối đe dọa an ninh không thông thường". Mấy năm gần đây, Trung Quốc nhấn mạnh sẵn sàng thúc đẩy xu hướng hợp tác này. Đặc biệt, trong hội nghị của các Thư ký Hội đồng An ninh của các nước thành viên SCO năm 2010 tại Taxken, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Tiến Trụ tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng áp dụng các biện pháp khẩn cấp và quan trọng. Hiện nay các chuyên gia đề nghị xem xét trong khuôn khổ SCO thủ tục thông qua các biện pháp ngăn chặn (chính trị-ngoại giao) để ngăn ngừa các mối đe dọa an ninh: ký hiệp ước để từ đó thành lập cơ chế quyết định chính trị và phản ứng nhanh khi xảy ra tình hình khẩn cấp. Nhưng đề nghị đó không thực tế, bởi vì các nước thành viên có thể nhanh chóng đồng thuận và đặc biệt thiết lập hệ thống hiệu quả. Những vấn đề này quá nhạy cảm, các nước thành viên không thể không lo ngại khi ủy thác quyền lực cho cơ quan nằm dưới sự lãnh đạo của một nước phát triển nhanh nhất và có nhiều lợi ích riêng trong khu vực. Hơn nữa, lâu nay hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhắc đến vấn đề cạnh tranh và ganh đua giữa hai nước lớn là Nga và Trung Quốc. Trên cơ sở lợi ích của họ, mỗi nước có cách nhìn riêng về triển vọng phát triển của SCO. Các nhà quan sát cũng lưu ý gần đây nhiều bất đồng đã xuất hiện và sẽ phát triển hơn nữa. Về bản chất, các tuyên bố chính thức cho thấy mâu thuẫn được thể hiện dưới hai dạng: Trung Quốc đề nghị làm sâu sắc các chưong trình phối hợp hành động kinh tế trong khung SCO, ngược lại Nga muốn thúc đẩy khái niệm mở rộng các khả năng của SCO trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh hiện đại. Theo quan điểm chung, Trung Quốc chiếm vị thế quan trọng trong tổ chức khu vực này. Khó có thể bác bỏ ý kiến cho rằng sự phát triển, đường hướng đã và đang hình thành hướng tới sự hợp tác khu vực và quốc tế và các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của SCO.

Vấn đề mở rộng SCO đã được xem xét tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo SCO ở Taxken - nơi họ đã thông qua "Điều khoản về Thủ tục kết nạp các thành viên mới vào SCO", từ đó bắt đầu mở ra tiến trình phát triển cơ sở pháp lý để mở rộng danh sách thành viên của tổ chức bằng cách kết nạp các nước tự nguyện thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương SCO. Hiện nay Hội đồng các quan chức phối hợp quốc gia SCO đang mở rộng tiêu chuẩn và các tài liệu khác, quy định các vấn đề pháp lý, tổ chức và tài chính của tư cách thành viên SCO cho các nước mới tham gia. Nhưng vấn đề này cũng không đơn giản. Cụ thể hóa thủ tục, yêu cầu, tiêu chuẩn của việc chấp thuận và tư cách thành viên trong điều khoản đã loại việc kết nạp Iran khỏi chương trình. Sắp tới Iran không thể trở thành thành viên đầy đủ của SCO do các biện pháp cấm vận của Liên hợp quốc. Yêu cầu này là một trong 8 điều kiện đã được các nước thành viên SCO áp dụng. Năm 2011, thời hạn chấp nhận các nước làm đơn tham gia SCO đã hết. Về việc ủng hộ nhu cầu mở rộng SCO, mỗi nước thành viên có quan điểm riêng về tình hình. Nga thỉnh thoảng đề nghị đưa Ấn Độ vào SCO. Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Taxken, Tổng thống Medvedev tuyên bố mở rộng SCO với các nước lớn sẽ tăng cường sức mạnh của SCO. Mông Cổ có cơ hội tốt nhất để trở thành thành viên chính thức của SCO. Mông Cổ coi SCO như một phương tiện để mở rộng hợp tác năng lượng, kinh tế và khu vực. Nhưng rõ ràng việc tham gia SCO của Mông Cổ cũng có thể gây nên những khó khăn lớn và có thể tạo sự bất mãn trong các nước muốn tham gia khác. Về vấn đề này, các chuyên gia trong nhóm hoạt động của SCO khẳng định rõ ràng tiêu chuẩn giải thích tại sao SCO chấp nhận Mông Cổ là một thành viên chính thức và tại sao các nước khác như Ấn Độ và Pakixtan lại không được chấp nhận.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của SCO, các nước thành viên sẽ thông qua một số văn kiện, xác định phương hướng phát triển chủ yếu của SCO trong thập kỷ tiếp theo. Giới quan sát chú trọng hai vấn đề, trong đó chiều hướng của dự án khu vực trái ngược nhau sẽ phát triển. Đó là chiến lược chống ma túy năm 2011-2016 được các Bộ trưởng Ngoại giao SCO thông qua. Mặc dù nhiều chuyên gia và các nhà chính trị nghi ngờ tính khả thi của chiến lược, nhưng đa số dư luận cho rằng sau khi trở thành mối đe dọa, buôn bán ma túy biến thành nguồn sức mạnh của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Và đó là nguyên nhân tại sao SCO coi vấn đề này như một ưu tiên. Điều quan trọng là, SCO hợp tác chặt chẽ trên mọi lĩnh vực với các tổ chức khu vực và quốc tế khác. Bên cạnh đó, SCO cũng sẽ phải tăng cường phát triển hợp tác năng lượng. Nhiều người nhận thấy xu hướng này chắc chắn sẽ được thúc đẩy, một phần do hợp tác năng lượng về hyđrôcácbon và điện hạt nhân là bộ phận trong chiến lược quốc gia toàn cầu của Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã và đang thâm nhập các ngành dầu lửa và khí đốt của Vênêxuêla, Cadắcxtan, Nigiêria, Xuđăng, Udơbêkixtan và các nước Vùng Vịnh. Cadắcxtan cho rằng tương lai SCO nên tập trung phát triển 3 phương hướng hành động chủ yếu: hợp tác an ninh, kinh tế và nhân đạo. Trong số các sáng kiến được thực hiện có việc thành lập tài khoản đặc biệt hay cái gọi là quỹ phát triển để cung cấp tài chính cho hoạt động dự án của SCO. Qua các thảm họa thiên tai nghiêm trọng và các sự kiện bi thảm tại Nhật Bản, các nước thành viên đề nghị khôi phục sáng kiến của Cadắcxtan để thành lập trung tâm SCO tại Axtana nhằm ngăn chặn và loại trừ hậu quả của các tình trạng khẩn cấp. Vấn đề này và nhiều vấn đề khác sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh và hội nghị sẽ trở thành giai đoạn tiếp theo trong lịch sử phát triển của SCO.

  Theo Eurodialogue

 Viết Tuấn (gt)