Trong hàng nghìn năm, khu vực Pamir đã đóng vai trò là ngã tư trao đổi hàng hóa, văn hóa và tôn giáo giữa Trung Quốc, thế giới Arập và châu Âu. Nếu như không có các cuộc chiến tranh trong khu vực, mỗi ngày hàng chục nghìn xe tải và xe buýt có thể chuyên chở hàng hóa và người qua lại giữa Trung Quốc, Pakixtan và Ápganixtan. Trung Quốc có thể giúp Ápganixtan lật sang một trang sử mới bằng cách sử dụng ảnh hưởng của mình để nói với các nước NATO rằng hiện đã đến lúc chấm dứt các cuộc chiến tranh trong suốt 3 thập kỷ qua tại Ápganixtan.

Theo một tin được đăng trên "Nhật báo Phố Uôn" gần đây, Pakixtan đã thúc giục Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai coi Trung Quốc là một đồng minh đáng tin cậy để đưa Ápganixtan và Pakixtan ra khỏi tình hình hỗn loạn hiện nay. Bất chấp những phủ nhận của cả hai chính phủ, thông điệp trên đang phản ánh sự thực rằng cuộc chiến tranh Ápganixtan hiện đang lan sang Pakixtan và biến thành một cuộc chiến tranh khu vực, mà trong đó Trung Quốc có phần trách nhiệm.

Tại khu vực Pamir, Trung Quốc, Ápganixtan và Pakixtan không chỉ có chung cảnh quan, mà còn có chung lịch sử và văn hóa.

Sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, Trung Quốc đang xác định lại vấn đề Ápganixtan, xem xét việc nối lại hợp tác giữa ba nước để làm sống lại "Con đường Tơ lụa" huyền thoại nhằm hồi sinh buôn bán trong khu vực, đã bị gián đoạn từ những năm 1970 đến nay.

Bất chấp cuộc chiến tại Ápganixtan, trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đang tích cực tham gia tái thiết kinh tế tại quốc gia Nam Á này bằng việc thực hiện các dự án xây dựng đường sá, hệ thống liên lạc và các cơ sở hạ tầng khác. ZTE, Huawei và Sinohydro là những công ty Trung Quốc lớn nhất đang làm ăn tại Ápganixtan. Bệnh viện Jomhuri, dự án lớn nhất được Trung Quốc hỗ trợ, đã được bàn giao cho Chính phủ Ápganixtan. Hiện đã có một viện nghiên cứu Khổng tử tại trường Đại học Cabun.

Nhưng về lâu dài, Trung Quốc, Pakixtan và Ápganixtan cần thành lập "Nhóm Pamir", một quan hệ đối tác tay ba chiến lược để hỗ trợ hòa bình và phồn vinh lâu dài trong khu vực. Các nước trong nhóm này nên khôi phục lại "Con đường Tơ lụa", với việc Trung Quốc tăng cường đầu tư xây dựng một mạng lưới đường sá, đường ống dẫn năng lượng, mạng lưới điện và các cơ sở hạ tầng khác nối Ápganixtan và Pakixtan với Trung Quốc.

Chiến tranh và giết chóc tại Ápganixtan không chỉ làm phương hại các lợi ích quốc gia của Cabun, mà cũng đe dọa cả sự phát triển và hợp tác trong khu vực. Trung Quốc - một thành viên của "Nhóm Pamir" và có thể đóng vai trò trung gian hòa giải để mang lại hòa bình giữa các bên tham chiến - có thể hợp tác với Ápganixtan và Pakixtan nhằm chặn đứng bạo lực giữa những người dân địa phương, giúp Chính phủ Ápganixtan đưa tất cả các phái tham chiến ngồi vào bàn đàm phán để tìm một giải pháp chính trị và tiến hành hòa giải dân tộc.

Tại khu vực Đông Bắc Ápganixtan đã từng có Hành lang Wakhan dẫn sang Trung Quốc, nơi nhà thám hiểm người Hunggary Aurel Stein đã nói hồi năm 1906 rằng mỗi năm có ít nhất hàng trăm chuyến hàng do ngựa thồ được chuyển sang Trung Quốc. Ngày nay, từ Wakhan đến đặc khu kinh tế Kashgar, nằm ở cực Tây khu vực Tân Cương của Trung Quốc, chỉ mất vài giờ đi ôtô. Tại đặc khu kinh tế này, những người tham quan có thể nhìn thấy các nhà máy đang sản xuất hàng hóa để xuất khẩu sang Pakixtan và những nhà kho lớn chứa hàng hóa cung cấp cho Trung và Nam Á.

Bằng việc bơm hàng chục tỷ USD vào Kashgar, Trung Quốc đang hy vọng khôi phục vị trí mà thành phố này đã có trên Con đường Tơ lụa huyền thoại, là bàn đạp tiến vào Pakixtan, Ápganixtan và các nước Trung Á. Mặc dù chiến tranh đang tàn phá Ápganixtan, song lịch sử đã chứng minh rằng Ápganixtan là một quốc gia tự cường. Bất chấp chiến tranh và thời tiết giá lạnh ở Pamir, bằng việc thành lập "Nhóm Pamir", người dân trong khu vực sẽ thấy một tương lai hòa bình và phồn vinh.

  Theo Global research

 Mỹ Anh (gt)