Do bất đồng mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là tiêu điểm quan tâm chú ý của cộng đồng quốc tế, nên quyết định liên quan tới việc xây dựng cơ chế đối thoại an ninh về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương đã không được giới truyền thông quan tâm đúng mức. Trên thực tế, đây là một nhận thức chung quan trọng có ý nghĩa sâu xa cho thấy cả Trung Quốc và Mỹ đang thay đổi tư duy chiến lược.

An ninh châu Á-Thái Bình Dương lần đầu tiên trở thành chủ đề đối thoại song phương Trung-Mỹ

Coi an ninh châu Á-Thái Bình Dương là chủ đề đối thoại riêng giữa hai bên là việc chưa từng có trong quan hệ đối ngoại song phương Trung-Mỹ. Ngay cả đối với các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia, Mỹ cũng chưa từng thiết lập cơ chế đối thoại song phương riêng về các sự vụ an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ và Trung Quốc không phải là đồng minh, ngược lại còn luôn coi nhau là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Vì vậy, việc hai nước có thể xây dựng kênh đối thoại về các sự vụ an ninh châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng là điều bất bình thường. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự bất bình thường này, nhưng trước hết phải kể tới việc từ trước tới nay Mỹ chưa từng đối xử với các nước đồng minh truyền thống nêu trên với tư cách của một đối tác bình đẳng thực sự. Là “minh chủ”, Mỹ đương nhiên sẽ không cùng các đối tác nhỏ đưa ra quyết sách trên cơ sở bình đẳng. Cái mà Mỹ cần chỉ là sự theo đuôi và ủng hộ Mỹ của các nước đồng minh. Bên cạnh đó, cho dù là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia hay Ấn Độ, nước đang được Mỹ lôi kéo, đều không có đủ địa vị quốc tế, thực lực quốc gia và năng lực ngoại giao để giúp Mỹ duy trì trật tự an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Xem xét từ góc độ của Trung Quốc, việc xây dựng cơ chế đối thoại song phương về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương cùng bất cứ quốc gia nào khác (ngoài Mỹ) đều là không hiện thực. Trung Quốc và Nga có quan hệ hợp tác chiến lược, hai bên vẫn luôn tiến hành đối thoại và phối hợp với nhau về các vấn đề an ninh mang tính cục bộ. Nhưng việc biến các sự vụ an ninh châu Á-Thái Bình Dương thành chủ đề đối thoại song phương Trung-Nga rõ ràng là không phù hợp. Nguyên nhân rất đơn giản, đó chính là sự tồn tại và sức ảnh hưởng của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương rất hữu hạn, khó có thể gánh vác được trách nhiệm chủ đạo các sự vụ an ninh ở khu vực này. Các quốc gia xung quanh khác càng không có đủ tầm.

Có thể nói bản thân việc Trung-Mỹ đồng ý tiến hành đối thoại song phương về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương đã thể hiện xu thế mới đang ươm mầm trong quan hệ song phương. Đó chính là sự “thừa nhận” “tôn trọng” và “cùng cần tới nhau”. Nói một cách cụ thể, hai bên sẵn lòng thừa nhận vị trí và vai trò của nhau trong các sự vụ an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẵn lòng tôn trọng lợi ích của đối phương ở châu Á-Thái Bình Dương, hai bên đều cần được đối phương thông cảm, hợp tác và ủng hộ.

Xu thế mới này đồng nghĩa với việc tư duy chiến lược Trung-Mỹ đã có sự chuyển biến lớn, đánh dấu quan hệ hai bên đã đến bước ngoặt. Cho dù vẫn coi nhau là đối thủ cạnh tranh, nhưng Trung Quốc và Mỹ đều đưa ra phán đoán giống nhau về tình hình mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Chỉ có hợp tác mới có thể bảo vệ lợi ích của mình, mới có thể tạo ra lợi ích cho mình. Phán đoán này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và chính sách ngoại giao của mỗi bên, rất có khả năng dẫn tới kết quả cuối cùng là quan hệ phi đồng minh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên quan trọng hơn cả quan hệ đồng minh truyền thống.

Nói một cách ngắn gọn, trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia đương nhiên vẫn là các đồng minh không thể thiếu, nhưng trong bố cục an ninh mới của châu Á-Thái Bình Dương, việc chỉ dựa vào các đồng minh này không thể thỏa mãn nhu cầu lợi ích của Mỹ. Mỹ vừa muốn bảo đảm có được sự ủng hộ của đồng minh truyền thống vừa muốn có được sự hợp tác của đồng minh phi truyền thống. Có như vậy, Mỹ mới có thể bảo toàn lợi ích của mình ở châu Á-Thái Bình Dương và tối đa hóa những lợi ích này.

Đối với Trung Quốc, việc hợp tác với Mỹ trong các sự vụ an ninh châu Á-Thái Bình Dương cũng là sự lựa chọn không thể né tránh. Bởi chỉ có phối hợp và hợp tác nhiều hơn nữa với Mỹ, Trung Quốc mới có thể khiến Mỹ giảm bớt việc quá coi trọng các đồng minh truyền thống, từ đó giảm áp lực an ninh đến từ bên ngoài đối với Trung Quốc và mới có thể có thêm quyền phát ngôn và quyền chủ đạo trong các sự vụ châu Á-Thái Bình Dương.

Trung-Mỹ nên bồi dưỡng và xây dựng tin tưởng lẫn nhau như thế nào

Theo mong muốn của hai bên, cơ chế đối thoại an ninh châu Á-Thái Bình Dương Trung-Mỹ có thể chính thức khởi động vào trước cuối năm nay. Hai bên dường như đều có nhu cầu bức thiết và tích cực mong đợi. Cơ chế đối thoại có thể tiến hành thuận lợi từ đầu, có thể đặt nền móng cho hợp tác an ninh tương lai hay không, điều then chốt không phải là việc có thể lập tức đạt được một số nhận thức chung cụ thể hay không mà nằm ở chỗ các bên có thể cảm nhận được thiện ý và thành ý của đối phương trong đối thoại hay không. Nói cho cùng, Trung-Mỹ tự nguyện triển khai đối thoại an ninh châu Á-Thái Bình Dương, mục đích không ngoài việc nương tựa vào đối phương để quản lý trật tự an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng nếu đạt được mục đích này, hai bên trước tiên phải bồi dưỡng và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau ở mức tương đối. 

Làm thế nào để làm được điều đó? Trước hết, hai bên cần làm sáng tỏ lợi ích chiến lược và ý đồ thực sự của mình ở châu Á-Thái Bình Dương. Thứ hai, hai bên phải làm sáng tỏ những quan tâm sát sườn cụ thể của mình và cố gắng hiểu nhu cầu lợi ích của đối phương. Thứ ba, hai bên phải có hành động hợp tác thực tế đối với các sự vụ có thể hợp tác. Và cũng là để tìm kiếm hợp tác qua đối thoại, hai bên nên cố gắng tránh biến đối thoại thành diễn đàn chỉ trích lẫn nhau và làm gia tăng bất đồng. Nói tóm lại, chỉ cần hai bên đều thừa nhận đối thoại này là đáng làm, con đường hợp tác tương lai mới giữa hai bên càng đi càng rộng.

Xem xét từ góc độ Trung Quốc, vấn đề sát sườn nhất với lợi ích quốc gia của nước này trong cục diện an ninh châu Á-Thái Bình Dương là hòa bình và an ninh của khu vực biển Đài Loan và khu vực Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Chỉ cần Mỹ hiểu, thông cảm và thừa nhận trong hai vấn đề lớn này, Trung Quốc sẽ có lý do để báo đáp lại những quan tâm và nhu cầu của Mỹ. Một là hiểu và tôn trọng quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và Nhật Bản, giữa Mỹ và Hàn Quốc. Hai là tôn trọng địa vị của Mỹ trong các sự vụ châu Á-Thái Bình Dương. Ba là hoan nghênh Mỹ tham dự rộng rãi vào hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và hợp tác đa phương khác. Bốn là phối hợp thích hợp trong vấn đề bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng khác.

Trung-Mỹ tiến hành đối thoại song phương về các sự vụ châu Á-Thái Bình Dương là một thử nghiệm mới của sự tôn trọng lẫn nhau, là việc hai nước lớn cũ và mới mượn sức của nhau. Sự ra đời của khái niệm đối thoại này sắp đi vào thực tế, vừa là sự phát triển đương nhiên của tình hình mới và xu thế mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa là quyết sách đưa ra sau thời gian dài xem xét lẫn nhau và nhiều lần “đọ sức” với nhau. Từ đó có thể thấy Mỹ và Trung Quốc đang điều chỉnh tư duy chiến lược của mình, hai bên cũng đang thay đổi phương thức theo đuổi lợi ích chiến lược. 

Nếu cơ chế đối thoại an ninh châu Á-Thái Bình Dương tiến triển thuận lợi và từng bước chín muồi, Trung Quốc và Mỹ có khả năng thoát khỏi vận mệnh “hai nước lớn khó tránh khỏi chiến tranh”, từ đó xác lập mô thức mới về quan hệ nước lớn cùng chung sống hòa bình, cùng bổ trợ nhau vì tương lai thế giới. Nói tóm lại, nếu Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau tạo dựng và chủ đạo trật tự an ninh mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bố cục an ninh cũ ở châu Á-Thái Bình Dương còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh dần dần nhạt nhòa.

  Theo Liên hợp Buổi sáng

 Viết Tuấn (gt)