Thoạt nhìn, chuyến thăm Trung Quốc của BTQP Mỹ R. Gates vừa qua chỉ thuần túy mang tính nghi thức và không đạt kết quả, song lại là cần thiết để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ vào tuần tới của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, đào sâu vào chi tiết sẽ thấy nhiều điều thú vị. Một cách ngắn gọn, đó là xem xét lại tính chất quan hệ Mỹ - Trung. TTh Obama đã bắt đầu để ý đến Trung Quốc và các vấn đề châu Á một cách nghiêm túc. Lúc này có thể coi như Mỹ có chính sách mới, chính sách thứ hai về Trung Quốc, bởi chính sách lần đầu đã không thành công. Hoàn toàn không ngẫu nhiên khi người sang thăm Trung Quốc không phải là Bộ trưởng Thương mại mà lại là Bộ trưởng Quốc phòng. Vấn đề là ở chỗ cả Mỹ và Trung Quốc đều đang lâm vào tình thế như của Mỹ và Liên Xô những năm 1970: một mặt là cuộc chạy đua vũ trang chống lại nhau, mặt khác tiếp tục cuộc đua ấy mà không có luật chơi sẽ quá đỗi nguy hiểm.

 

Vấn đề không phải là Đài Loan.

 

Cách đây một năm, Trung Quốc đóng băng quan hệ quân sự với Mỹ do Washingtơn đã thực hiện hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan được ký từ 2008. Do đó, có thể cho rằng nay Gates sang Trung Quốc để làm tan băng giá mối quan hệ đó, vì dù sao cũng đã rõ là phản đối của Bắc Kinh chỉ thuần túy mang tính hình thức, trong khi chuyến thăm Mỹ của Hồ Cẩm Đào chẳng còn bao xa. Tuy nhiên, chính mối quan hệ quân sự Mỹ - Trung lại không phải là chủ đề thảo luận nghiêm túc, ngoại trừ hợp tác theo kênh đặc vụ (chủ yếu về chống khủng bố mà chính Gates là người chịu trách nhiệm dưới thời chính quyền TTh G. Bush).

 

Thứ hai, cho dù Trung Quốc có nói thế nào thì hiện nay Đài Loan không phải là vấn đề chính đối với Trung Quốc. Tiến trình xích lại đại lục của Đài Loan (trước hết về kinh tế) đang diễn ra chậm chạp nhưng chắc chắn. Tên lửa chiến thuật MGM140 Đài Loan nhận được từ Mỹ với bán kính hoạt động 300 km có thể bay tới bờ bên kia của eo biển nhưng trước hết, đây là vũ khí phòng thủ.

 

Do đó, vấn đề hiện nay đã lên đến tầm cân bằng chiến lược giữa cường quốc số một và cường quốc số hai thế giới. Hóa ra, Washingtơn và Bắc Kinh đang học cách nói chuyện về chủ đề này.

 

Bắn hạ tàu sân bay.

 

So sánh lập trường hai bên luôn là điều thú vị. Theo báo chí Mỹ thì nước này từ lâu đã “bắt chước” Trung Quốc khi xây dựng các chương trình quân sự. Đương nhiên, không nên nghe những lời kêu gào tuyên truyền về tốc độ gia tăng chi phí quân sự của Bắc Kinh, bởi kiểu gì thì cũng chưa có nước nào đuổi kịp Mỹ về tổng chi phí quân sự, ngay cả khi nó vừa bị TTh Obama công bố cắt giảm lần đầu tiên trong 10 năm. Vấn đề lại ở những sự việc cụ thể.

 

Một trong những vấn đề đó là tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc, được gọi là “kẻ bắn hạ tàu sân bay”. Theo lời BTQP Gates, vì loại tên lửa này mà năm 2008 Hải quân Mỹ đã cắt giảm chương trình đóng tàu tuần tra DDG-1000, do không có hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Thay vào đó, họ nâng cấp hệ thống ra-đa hàng không và các hệ thống khác, chính là để tính đến tiềm năng của Trung Quốc.

 

Trước khi ông Gates đến Trung Quốc vài ngày, Bắc Kinh dường như đã thu xếp vụ rò rỉ thông tin về kết quả thử nghiệm thành công loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm. Điều thú vị là loại máy bay này cũng được gọi là “kẻ bắn hạ tàu sân bay”. Câu trả lời của Trung Quốc dành cho Mỹ thật đơn giản: Trung Quốc không có tàu sân bay trong khi Mỹ có. Dù sao thì theo đánh giá của Trung Quốc, hệ thống vũ khí của họ còn lạc hậu hơn của Mỹ cả một thế hệ. Nhưng vấn đề không chỉ ở công nghệ quân sự nói chung mà ở vị trí triển khai lực lượng mũi nhọn. Vài tháng gần đây, Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng chất vấn Mỹ về sự hiện diện của ba hàng không mẫu hạm Mỹ ngay cạnh bờ biển Trung Quốc. Họ rõ ràng không thỏa mãn với câu trả lời của BTQP Gates rằng đó là để chống lại Bắc Triều Tiên.

 

Học tính toán và đàm phán.

 

Theo đánh giá của Mỹ, chuyến đi Bắc Kinh của BTQP Gates là ý tưởng của chính quyền TTh Obama. Phía Trung Quốc đã rầu rĩ và miễn cưỡng đáp lại sáng kiến đó. Mỹ cho rằng cần phải học cách nói chuyện với Trung Quốc, bởi việc đó đã không thành trong mấy tháng qua kể từ khi hàng không mẫu hạm Mỹ tiến tới gần bờ biển Trung Quốc, trong bối cảnh “khủng hoảng bán đảo Triều Tiên” Mỹ ủng hộ đồng minh Hàn Quốc và nối lại cơ cấu hợp tác quân sự với Nhật và Hàn Quốc. Đó không phải là chuyện vặt, cũng không phải là cuộc chiến vì tự do internet ở Trung Quốc mà Ngoại trưởng Clinton đã hứa (bà tuyên bố việc này từ trước sự kiện Wilileaks tiết lộ thông tin ngoại giao Mỹ, còn giờ đây bà lại lặng im về chủ đề này).

 

Về kết quả chuyến thăm Trung Quốc của BTQP Mỹ, có thể dẫn lại lời phát biểu sau hội đàm của BT Gates và người đồng cấp Lương Quang Liệt, rằng hai cường quốc cần biết cách tránh khỏi những “hiểu lầm” và những “tính tóan sai”. Báo chí Mỹ nhấn mạnh đây là điều đặc biệt quan trọng trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ và nếu như quân Mỹ tiến từ miền Nam lên miền Bắc bán đảo Triều Tiên trong khi quân Trung Quốc theo chiều ngược lại. Có lẽ, tiêu điểm mối quan hệ Mỹ - Trung sau chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là ở chỗ hai bên cần học cách nói chuyện với nhau và tính toán đúng tiềm năng chiến lược của nhau. Đó là điều không thể khác.

Theo RIA NovostiTru

Nga Hoàng (công tác viên tại Moscow)

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)